Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









NGƯỜI CỦA PHẬT





   

Sau một thời gian ấp ủ ý tưởng, đến nay qua một số NXB đòi cắt bỏ một số đoạn họ cho là “nhạy cảm”, cuối cùng bản thảo đã dừng lại ở NXB Hội Nhà Văn. Và tiểu thuyết đầu tay NGƯỜI CỦA PHẬT của Dương Phượng Toại đã ra lò. Cuốn sách đã về đến tận tay tác giả và đến với bạn đọc. Thực tế ban đầu tôi chỉ có ý định viết Truyện ký CÁNH CHIM BAY QUA VÒM TRỜI. Sau đọc kỹ và được sự góp ý, khích lệ của các bạn văn: Nhà thơ Phạm Xuân Trường, NT Lê Duy Thái, họa sĩ Vũ Tư Khang, NV Dương Hướng, NSNA Dương Phượng Đại và các cháu tôi trong TP Hồ Chí Minh… Tôi đã quyết định viết mở rộng thành tiểu thuyết NGƯỜI CỦA PHẬT. 

 Xin trân trọng cảm ơn mọi tấm lòng giúp đỡ và tài trợ của các bạn bè, của các anh chị em và con cháu tôi.

NGƯỜI CỦA PHẬT không viết gì về Phật, không viết gì về giáo lý nhà Phật. Nó chỉ xoay quanh số phận một lão nông tri điền, một chức sắc lý dịch nhỏ trong làng, một ông quan hàng Tổng ở một vùng quê bên cửa sông Vân Cừ tưởng như thanh bình mà trong lòng đầy những sóng gió, biến đổi. Đó là nhân vật lão nông Lý Minh Tấn, một lão nông có trình độ, năng lực, có địa vị, danh tiếng trong xã hội làng, uyên thâm và nhân hòa trong đời sống ngày thường. Đương thời, xã hội đang biến đổi, ông phải lặn ngụp sống giữa hai làn nước đục và trong để tồn tại, để giữ lại cốt cách bản ngã của chính mình và gia phong của một tế bào gia đình mang truyền thống nhân thiện lâu đời. Ông lão Lý Tấn từng hy vọng, từng sống chết trải qua nhiều thăng trầm của các thời đại, đi một chặng đường vắt qua hai thế kỷ để biết mình còn sống, biết mình là Người với chữ Nhẫn chữ Tâm. Ông quên cả đời mình cho đức tin được tới gốc của nhân nghĩa, tới đỉnh của lương thiện. Ông tin yêu cuộc đời, dâng hiến cho cuộc đời. Nhưng cuộc đời lại là cái bẫy, người đời lại là không ít những thân xác vô cảm, mặc cảm với ông, với con cháu gia đình ông. Biết bao nỗi oan khiên giày xéo, dằn vặt ông từ lúc còn là một lý trưởng cho đến trở về gốc một nông dân cặm cụi, sống chết với đất đai. Nhưng hình như tất cả những biến đổi, những cơn bão, những oan khiên, những thứ phản trắc đó đã tạo nên ngọn lửa hun đúc cuộc đời ông thành một pho tượng đồng.

Những cuộc đời, những xấu tốt, thiện ác, những thân phận, tính cách con người trong cuộc sống làng được đề cập đến từng giai đoạn xã hội. Những phong tục tập quán, những ứng xử đạo đức, những dòng chảy trong văn hóa làng thấm sâu vào tâm hồn người nông dân được đưa lên trang sách. Tất cả chắt lọc, hướng đến một cách sống tốt đẹp hơn, nhân nghĩa hơn, con người đã sinh ra là yêu thương, là quí trọng nhau hơn. Cuộc sống vốn tươi đẹp cái đẹp của khu vườn thượng uyển, con người vốn là một động vật cao cấp đầy trí tuệ; đừng đem chiến tranh, hận thù gieo vào đó. Bởi sự sống con người là một vũ trụ vô cùng quí báu, không thể tìm kiếm đâu ra một cõi nào hơn! Con người ta hãy là Ông Phật ở chính mình!

Đó là chủ đề, là thông điệp của cuốn sách. Trong lúc người ta viết chạy theo thời trang với những đề tài đao to búa lớn, rầm rộ và sướt mướt hoặc trần trụi, phong tình… thì NGƯỜI CỦA PHẬT đi về với lối đi giản dị đời thường, nhỏ nhoi và chân mộc, di theo những hạt cát để tìm ra ánh sáng. Đó là ánh sáng của sự buông bỏ, thanh tâm hóa giải đi những gì độc địa mưu ma chước quỉ làm kìm hãm tiến bộ và tình yêu con người....

Sách dày 375 trang. Bố cục 22 chương. Giá bìa 150 000 đồng.

Bạn nào yêu mến tác giả và có nhu cầu mua, đọc sách bằng văn bản thì xin cho địa chỉ để tác giả gửi Tiểu thuyết NGƯỜI CỦA PHẬT tới tận nơi.

Trân trọng giới thiệu và trân trọng cảm ơn!


CHƯƠNG I

I- ÁNG MÂY


Làng Lụa Vân xôn xao. Những chiếc điện thoại bấm quệt phím rồi reo chuông: Cụ Lý Tấn nhà ông Tầm lâm bệnh nặng lắm! Khó lòng qua khỏi! Tranh thủ đến thăm cụ nhé! Năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Một trăm linh năm! Ôi! Nhất cụ! “Trạng nguyên” của làng! Gia đình thật đại phúc!...   

Cụ Lý Tấn nhiễm cảm nặng do ngấm mưa lạnh khi lọ mọ bắc ống nước vào bể. Nhà vắng. Các con đi làm. Các cháu đi học. Cơn mưa cuối hạ to và nhanh quá. Sấm chớp ầm ầm như máy bay phản lực Mỹ ném bom hồi chiến tranh. Mưa sầm sập như thác dội đánh bật tung cả tấm áo ni lon. Đầu tóc, quần áo cụ ướt sũng. Buổi trưa khi vợ chồng Minh Tầm và các cháu về thì cụ đã nằm trên giường trong cơn nóng sốt...

Làng Lụa Vân, mấy năm nay các bậc đại lão lần lượt theo nhau về cõi Thiên cổ. Cụ ông Lê Văn Vàn một trăm linh ba. Cụ bà Vi Thị Diệu một trăm linh một. Cụ bà Phó Thị Thi vừa tròn một trăm, “đầu năm lên miếu, cuối năm lên nghè”. Cụ ông Phạm Văn Tình chín sáu. Hai cụ Xã Nhẫm đồng niên chín tư cùng “Tây phương cực lạc” một năm… Còn lại cụ Lý Tấn như một pho tượng đồng. Pho tượng đồng đã đến lúc đổ mồ hôi! Người làng Lụa Vân từng kinh ngạc: Cả đời, cả trăm năm trôi dư vắt qua hai Thế kỷ, không hề thấy ông cụ này ốm đau gì! Bao nhiêu điều tốt trong làng nước, trong thiên hạ cụ đều tranh làm lấy cả! Nên  thọ là phải!

Tuổi hạc, nhưng gối còn nhấc được, lưng còn thẳng, mắt còn sáng, cụ vẫn thích làm lụng, tập dưỡng sinh và đọc sách. Theo cụ: Làm lụng và tập dưỡng sinh cho gân cốt cứng cỏi. Đọc sách cho đầu óc suy ngẫm, khỏi trì trệ, lú lẫn! Nhìn cụ đi bài “Thái cực quyền 24 thức”, bài “Thái cực phiến 32 thức” chân đưa tay múa dẻo hoạt và mềm mại, đám trai tráng phải trầm trồ: Bái phục cụ! Y như một võ lâm! Đường quạt cụ đi rất dứt khoát, điệu nghệ. Không khác gì một Tiên ông giáng thế! Qua giai đoạn quá lòa, mắt cụ sáng ra dõi trên từng trang sách không phải đeo kính. Mỗi lần tiếp khách, sau các câu chuyện, cụ thường đọc hai câu thơ trong Truyện Kiều: Cho hay muôn sự tại Trời. Trời kia đã bắt con người có thân… và bảo: Nhờ trời, nhờ phúc ấm tiên tổ, đời người về cuối không gì bằng vô bệnh vô tật và được chết nhanh! Chết nhanh là sao hở cụ? Có người hỏi. Là khi tận số thì nhắm mắt, ngừng thở luôn, nhẹ nhàng như ngọn đèn vừa tắt, không đau đớn gì cả! Sướng lắm!

Các con trong Nam ngoài Bắc nối nhau về túc trực chăm sóc cha. Mấy ngày đầu, những cơn ho rũ rượi khiến ngực cụ bị co ép thoi thóp. Nhưng cụ vẫn cố nén cho con cháu bớt lo. Ban đầu cụ nhất mực không đụng đến thuốc. Cụ rất kỵ thuốc thang, nhất là thuốc tây y. Lúc lên cơn sốt, ngôi nhà chao đảo, đu võng, cụ như  đi trên áng cầu vồng, run rẩy, nôn nao. Những gương mặt liêu xiêu. Những tiếng nói âm âm u u. Mơ màng, mộng mị, cụ hụt hẫng trong vòm trời lúc tỏ lúc mờ, lúc gần ngay tầm tay, lúc xa đắm đắm. Thân thể bách tuế đang như dòng sông nghiêng những giọt nước cuối cùng. Dòng sông ấy đã chảy qua một chặng đường  chan chứa, chia hết phù sa vào các bờ bãi, cánh đồng, vào cả những hố sâu…

Bưng bát thuốc vừa sắc dưới bếp lên, ngồi xuống cạnh giường cha, Năm  Sánh bảo Minh Tầm, cậu em trai kế dưới: Cậu đỡ thầy ngồi dậy! Kê chiếc gối bông vào lưng thầy giúp chị! Giọng Sánh nhẹ nhàng: Thầy ơi! Đây là thuốc tốt của cụ lang Đặng do cháu cụ bốc biếu thầy vài thang. Gắng uống thầy nhé! …

-Ừ! Cảm ơn con! Thuốc của cụ lang Đặng… Thầy uống… cho các con vui!

Năm Sánh bón từng thìa thuốc đặc màu nâu đen như cà phê cho cha. Mùi thuốc thơm hắc tỏa theo làn khói hơi mỏng mảnh. Cụ Tấn nuốt từng ngụm. Thuốc chảy dần vào ruột như mạch nước ngầm nóng ấm. Cả cuộc đời, giờ cụ mới đụng đến những giọt thuốc đông y.

Minh Sánh ở Thành phố Hồ Chí Minh bay ra. Tưởng nó là cô bé út, cái đốt cuối của gia đình.
Nhưng nhờ trời, nhờ cả bà Hai nữa chứ; sau nó là những đứa em trai ra đời. Tuổi thơ ở ngôi nhà gỗ cổ chưa đầy chục năm, tập tễnh theo mẹ đi cấy, mới bén mùi bùn, mùi lúa rơm, Minh Sánh phải sang phố huyện theo cha và chị Ba Lam làm quen với nghiệp buôn bán. Tuổi thiếu niên, Minh Sánh tự đi làm để ăn học. Thông minh, bền bỉ phấn đấu trong nhịp sống mới phơi phới tuổi xuân của đoàn thể nơi phố thị, cô dành tâm cho học tập và công tác. Tốt nghiệp đại học, cô lăn lộn với cuộc sống và nghề nghiệp. Ngoài ba mươi tuổi mới lấy chồng trên Hà Nội. Chồng Năm Sánh là cháu ngoại cụ Phan Kế Toại và là người lính kháng chiến chống Mỹ trở về, tiếp tục vào trường đại học Bách khoa.

Nhìn chị, Minh Tầm lại nhớ cái ngày… Một buổi chiều, đoàn nhà trai đi đò sang nhà ông Lý Tấn đặt lễ cưới hỏi. Chàng rể tương lai mang đến một cặp gà trống thiến rất to và đẹp. Cậu bé Tầm thích mê bộ mào đỏ tươi như lá cờ và bộ lông đuôi dài cong mướt như đuôi phượng đuôi công. Tự nhiên Tầm nghĩ tới hình ảnh “gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” trong truyện Vua Hùng kén rể. Thích bộ đuôi con gà quá, cậu lén thò tay vào lồng để ngoài hiên nhổ cả túm lông gà. Lúc người nhà trai ra nhấc lồng gà để trao thì… Ôi thôi! Cả cặp gà cụt lủn mất bộ đuôi. Hai họ ai cũng bật cười…  

♣ ♣

Sau thống nhất đất nước, Minh Sánh cùng chồng con chuyển vào Cần Thơ công tác, rồi về TP Hồ Chí Minh. Các con đều đỗ đạt học cao, đứa công tác trong nước, đứa thạc sĩ, bác sĩ định cư ở Mỹ, ở Thái Lan… Từ ngày ấy đến giờ Minh Sánh mới được ở bên cha. Minh Sánh tự mình sắc thuốc, muốn bù đắp vào những tháng năm xa cách. Những giọt lệ chứa chan trên gương mặt hao gầy ánh vẻ thông minh của một thục nữ thời xuân trẻ. Sang ngày thứ ba uống thuốc, ánh mắt cụ Lý Tấn sáng dần. Cụ ra hiệu muốn được ngồi dậy. Minh Tầm lấy thế vực cha lên. Anh luồn tay đỡ cha tựa vào lòng. Nhìn các con các cháu, cụ như người sực tỉnh một cơn mê.

Ngôi nhà gỗ dừng yên hẳn lại. Cảnh vật xung quanh cũng dừng yên hẳn lại. Cuộc sống làng quê xung quanh như cửa biển ạt ào sóng vỗ. Tiếng xe tiếng máy, tiếng nhạc đập thì thụp ngoài đường cái, ngoài ngõ văng vẳng lúc xa lúc gần. Tiếng chiếc tàu bay nào đó bay qua vòm trời làng đảo Hà Yên vọng ầm ì ro ro. Tiếng còi tàu rúc lên bên phía cảng Hải Phòng u u vừa quen vừa lạ…

Chiếc bể nhỏ trước sân nhà thả bụi sen, những chiếc lá sen đang nhuốm dần màu đồng úa. Cánh hoa sen sậm hồng rơi xuống mặt nước, chiếc úp sấp, chiếc nằm ngửa như con thuyền tí xíu. Cây bưởi bên cạnh bể treo những trái bưởi cũng đang chuyển sang màu chín vàng. Lá bưởi luốm đuốm rơi trong những ngọn gió heo may nhè nhẹ. Con thạch sùng tắc lưỡi đặc sệt. Con nhện thả thêm vòng tơ; nghe rõ vết chân quệt trong mạng lưới lọc ánh nắng rọi vào khe cửa… Đã cuối hạ sang thu rồi ư?

Đầu óc cụ trở lại tỉnh táo, sáng láng. Thực ra ở tuổi vượt đỉnh bách niên, cụ Lý Tấn vẫn là người minh mẫn thuộc hàng số một các bậc phụ lão trong làng Lụa Vân. Các chuyện xưa của làng, các điển cố, điển tích Đông Tây kim cổ cụ còn rất nhớ. Xem thời sự trên ti vi, cụ vẫn bình phẩm rõ ràng đâu đấy. Và cụ vẫn có cái đài nhỏ bên gối nghe tiếng thơ, hát dân ca, đọc truyện đêm khuya. Cho đến bây giờ, người ta gọi cụ là Ông Già Thế Kỷ, một pho sách của dòng họ và làng xã…

Vắt cánh màn gọn lại, giảm quạt xuống số nhẹ, Minh Tầm ghé sát mặt cha thủ thỉ: Sáng nay thầy có thấy khỏe ra không? Cụ Tấn khẽ đưa ánh mắt và cố thở đều: Thầy dễ chịu... Con cháu về thăm… đấy là thuốc con ạ! Nhưng không biết công việc của chúng nó lại bê trễ sao đây?…

-Dạ! Thầy an tâm. Ai nấy thu xếp cả rồi. Chỉ mong thầy khỏe, năm nay lại được đi xem các đám rước Cụ Thượng trong Lễ hội… Tầm cười khuyên cha.

Năm Sánh lấy khăn lau hai bàn tay cho cha và khoe: Hôm kia, chú Luận con cụ Lý Ngãi ở Phong Hạ, cậu Bấm con cụ Văn Tuế làng Đông An, cậu Hòa con cụ Vạn Nhiệm, cậu Tùng con cụ Đức Cam kim hoàn, bố con bác Phận cháu cụ giáo Giai bên phố huyện, anh Báu con cụ Tổng Cương trên Hà Nội… cũng về thăm thầy. Ai cũng mong thầy khỏe để được nghe chuyện văn chương, thế sự…

-Ừ! Bây giờ gọi Thị xã chứ con! Quý hóa các bác ấy quá! Các cụ thân sinh của các bác ấy thật là những bậc tiên hiền… Cụ nói nhỏ nhẹ: Chỉ tiếc họ theo nhau về Thiên cổ hết cả rồi! Thầy còn sống đến hôm nay là quý hóa lắm! Lãi to! Rồi cụ cười nhấn giọng đầy hóm hỉnh: Nhưng như vậy cũng là tham nhũng thời gian, là hưởng quá nhiều ánh sáng… Chiếm mất cả phần người khác! Con nhỉ? -Dạ! Đại phúc của nhà ta đấy ạ! Năm Sánh bật cười bóp nhẹ tay cha: Thầy lúc nào cũng hài hước... Cả cái nhà bác Chèm, Phan Văn Chèm cũng lăn xe lăn vào thăm thầy nữa ạ!

-Vậy ư? Thế là tốt… Nghe rõ cụ thở dài đánh sượt: Rõ khổ… Nhân chưa kịp oán… Trời đã oán…

-Người ác mà cũng sống dai đáo để! Minh Tầm vừa tỏ ý chê giễu thì cụ đã giơ ngón tay ra hiệu:

-Sao anh lại bảo người ta thế? Đấy là lầm lỗi một thời… Cho hay muôn sự tại Trời. Trời kia đã bắt con người có thân… Xét cho cùng thì sống chết, sướng khổ đều là cái nghiệp do Trời định cả!

-Có ông nhà thơ nào ấy nói: Người tử tế thường hay đoản thọ. Kẻ bất nhân cứ nhăn nhở hại đời! Con thấy quá đúng! Minh Vĩ, người con trai út xen vào…

-Cũng tùy từng người các con ạ!

-Cậu nói vậy chứ! Người tử tế… như thầy mình cũng đại thọ đấy thôi! Ba Lam cười cắt ngang lời em rồi nhìn cha: Phải không thầy nhỉ? Nhìn khắp lượt mọi người, Cụ Lý Tấn chậm rãi đọc tiếp:

-Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Có đâu thiên vị người nào…

-Cụ nhớ ghê thật! Thời buổi mình thịt thựa dồi dào, tiện nghi đủ thứ nhưng toàn hóa chất với ô nhiễm, bệnh tật… chả theo được thời các cụ tương cà rau mắm… Con cháu lại nhìn nhau lao xao thán phục.

Ngôi nhà “Tứ đại đồng đường” đông đủ những gương mặt ruột thịt, những tiếng nói thân quen. Vợ con, cháu chắt. Mọi người đông đủ cả. Bà Hai ngồi trên ghế cạnh ngưỡng cửa, dáng lưng còng, lam lũ. Cả cuộc đời bà như một cỗ xe nặng kéo nhẹ kéo (như dân làng thường bảo) cùng ông Lý, cụ Tổng “tiếng cả nhà không” đi hết con đường! Thằng Tầm con trưởng, vẻ mặt đăm chiêu, cả nghĩ. Ba Lam, Minh Sánh, thằng Phiêu, thằng Thảo, thằng Vĩ… Cụ chỉ muốn gọi tên các con như hồi chúng nó còn thơ bé! Chỉ thiếu vợ chồng nhà Cả Toan với bà Cả. Vì bệnh trọng mà vợ chồng Cả Toan theo nhau mất năm mới ngoài bẩy mươi tuổi. Coi như lá xanh rụng trước lá vàng… Còn bà Cả về nơi thiên cổ trong TP Hồ Chí Minh. Chị em Tầm đã chuyển được hài cốt bà ấy về đặt trong khu mộ tổ tiên. May cho bà ấy ấm mộ được hai chục năm thì gặp thời cơ chế thị trường: Tấc đất tấc vàng! Đất nghĩa trang làng bỗng dưng lên giá; nhà có hạ sự phải mua tiền triệu mới để được nắm xương...

-Phần đất của thầy con đã lo xong chưa? Bỗng dưng cụ hỏi Minh Tầm.

-Dạ! Đâu đấy cả rồi thầy ạ! Ở bãi Sập Chim nghĩa trang Hậu Hương…

-Ừ… Thế là tốt! Chớ để xã người ta đến nhà đòi tiền…

♣ ♣

Ba Lam, lưng nó đã còng thế kia ư? Rõ khổ! Nghĩ thương nó một thời theo cha bươn trải… Ba Lam cúi sát mặt cha: Thầy ơi! Con Ba Lam từ Sài Gòn về với thầy đây!

-Ừa… Con gái thầy… Lặn lội đường xa dặm thẳm…

-Máy bay nó chở vèo cái là đến quê thầy ạ! Không như thầy ngày xưa phải cuốc bộ đâu!

-Ừa… Đúng là đi mây về gió như Tôn Ngộ không con nhỉ? Đời người như thể cánh chim…

Ba Lam là con gái thứ ba. Dáng vẻ tiểu thư khuê các, ngay từ nhỏ cô đã giúp được mọi việc cho cha. Ba Lam thông minh, tính toán nhanh, nhạy cảm và có tài ngoại giao. Song cũng là người cứng rắn. Cứng rắn đấy, lại mềm mỏng được ngay để điều hòa tình huống. Nói năng bặt thiệp. Ứng xử lý tình. Đi đâu lấy hàng hóa, giao tiếp với xã hội ông Lý Tấn cũng cho theo như một thư ký đặc biệt. Ba Lam thừa hưởng rõ nhất tính năng động, quyết đoán của bà nội-cụ Lễ Đĩnh và tính hài hòa, nhân ái của cha. Ba Lam đã cùng cha kinh qua nhiều chặng đường buôn bán để tồn tại đời sống gia đình. Cha con từng lận đận chuyển, tậu và thuê tới bốn, năm ngôi nhà ở phố thị. Thời chiến tranh chống Mỹ và bao cấp, chị là người đầu tiên ở thị trấn phố huyện sắm máy móc, đưa công nghệ ép dép nhựa vào sản xuất và kinh doanh. Hồi ấy, hàng dép nhựa bán chạy như tôm tươi đã giúp vợ chồng chị nuôi bẩy đứa con, mẹ già và các em ăn học…

Chồng Ba Lam là thương binh miền Nam tập kết, nguyên lính Tiểu đoàn 307. Ở cuộc hội họp, giao lưu nào anh cũng đứng lên hát bài “Tiểu đoàn 307”. Ngay hôm đám cưới, bên cô dâu, chú rể cũng đứng lên hát bài đó với giọng trầm hùng đầy vẻ tự hào, kiêu hãnh. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chồng đi trước về quê hương. Chờ đợi không thấy hồi âm, năm sau, Ba Lam gánh luôn cả nhà gồm mẹ Cả, bẩy đứa con đi tàu biển Thống Nhất vào Sài Gòn quyết chí dựng nghiệp. Một nách với ngần ấy miệng ăn, chân ướt chân ráo, Ba Lam bươn trải mọi công việc với biết bao khó khăn mới trụ vững nổi gia đình. Biết tin chồng còn vợ cả trong quê, Ba Lam lặng thầm không hề ca thán. Khi người vợ cả qua đời, anh đau yếu, chị và cháu đi xe đò xuống tận quê sát biên giới Cam Pu chia đón anh về thành phố.

Ba Lam rất khéo nấu bếp. Tính cẩn thận, từ cộng rau trái quả, từ cái bát đôi đũa phải thơm sạch, cốt sao được bữa ăn ngon. Khi cả nhà ngồi vào mâm sì sụp khen ngon thì chị khoanh tay đứng hoặc chạy bên ngoài ngắm nghía, giục giã mọi người và tiếp thức ăn. Đến bây giờ Ba Lam vẫn thương các em như hồi còn nhỏ. Mỗi lần anh em Minh Tầm vào TP Hồ Chí Minh là mỗi lần lại được chị chăm sóc, tất bật nấu nướng, đôn đáo chào mời, phục vụ, đứng ngắm các em ăn uống. Xem tuồng, kịch, cải lương lại lệ nhòa dàn dụa khóe mắt.

…....... CÒN TIẾP



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ QuảngNinh .