Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








CHUYỆN CHƯA CÓ HỒI KẾT






Ô ng Cang ngoài sáu mươi tuổi mới lấy cô Dần. Cô Dần kém chồng những ba chục tuổi. Bởi thế mới lắm lời bình: Vợ chồng khác gì bố con. Vì cô Dần hám lên Hà Nội ở. Còn ông Cang ham gái trẻ... Tuy nhiên, miệng lưỡi thiên hạ không làm suy suyển hạnh phúc của họ. Đến nay họ đã chung sống với nhau hơn mười bốn năm rồi.

     Cô Dần là em ruột vợ bạn ông Cang. Thời đánh Pháp ông Cang từng cứu bạn - ông Cường - thoát chết. Nên hai người thân thiết với nhau từ ngày ấy. Khi rời quân ngũ, ông Cang nhận công tác ngay tại Hà Nội, còn ông Cường phục viên về quê. Tuy nhiên, tình bạn của họ vẫn đằm thắm qua những lá thư. Từ khi biết tin ông Cang với bà vợ trước bỏ nhau, ông Cường luôn mời bạn về nhà mình chơi cho đỡ buồn. Thấy ông Cang còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, nhiều lần ông Cường khuyên bạn lấy vợ. Để mà nương tựa nhau. "Nhưng lấy ai - ông Cang nói. Không cẩn thận, êm ấm hạnh phúc chẳng thấy đâu, đâm thêm một lần khoác vạ vào thân". Ông Cường bảo: "Tôi làm mối cô Dần cho ông. Ông biết nó rồi. Không xinh đẹp bằng các cô các bà ở Hà Nội, nhưng so gái làng cũng khơ khớ phải không?". Ông Cường hùn thêm: "Nếu ông định lấy vợ Hà Nội thì tôi rút lui ý kiến. Còn không, lấy cô Dần là nhất". Ông Cang nghĩ, cô Dần xem ra quá trẻ so tuổi ông. Mà sao nàng chưa lấy ai. Nếu mình bằng lòng, liệu nàng có chịu không? Biết băn khoăn của bạn, ông Cường lên tiếng: "Tôi bảo đảm rằng: Nó chịu!". Còn nói rõ: Ở quê ông, tuổi ngoài ba mươi rất khó lấy chồng. Hầu hết bọn con gái xây dựng gia đình vào tuổi hai mươi. Con trai cưới vợ cũng ít đứa đến tuổi ba mươi. Cô Dần rơi vào cảnh ngộ khó khăn là do hai lần đợi chờ người yêu đều tuột. Lần đầu yêu anh chàng người cùng xã. Hắn đi học nước ngoài, được mấy năm viết thư về bỏ. Lần thứ hai đang rậm rịch chuyện cưới xin thì người yêu lên đường nhập ngũ. Năm năm sau, bỗng có tin anh hy sinh trong một trận tiễu phỉ. Sau đó cũng còn mấy đám nhòm ngó. Đám thì cô chê gánh nặng gia đình. Đám chê tuổi cao. Ông Cang cười cười: "Còn tôi tuổi thấp chắc?". Ông Cường: "Nhưng người thành thị nó khác. Nhìn ông, tôi bảo đảm không ai nói quá năm nhăm. Da đỏ au. Tóc mới lơ phơ mấy sợi bạc. Lại vẫn đủ sức cua xe máy hàng trăm cây số về quê ngon ơ!". "Thôi thì... bác cứ mối lái xem sao. Có điều, tôi cũng cần tham khảo ý kiến vợ chồng thằng Khang một tí. Không rồi chúng lại bảo bố coi thường con".

     Nghe bố nói, vợ chồng anh Khang không mấy mặn mà. Bởi họ đã có lần mời bố đến ở nhà mình. Để bố khỏi cô đơn. Nhà cửa thì rộng rãi thoáng mát. Hơn nữa, những lúc bố yếu đau, con cái cũng thuận tiện trông nom săn sóc. Ông nói: "Thế còn căn hộ bố đang ở thì đóng cửa à? Hay các con định thế nào?". Anh con trai đáp: "Chúng con chẳng giấu gì. Gian nhà ấy bố bán đi, hùn vốn vào kinh doanh. Doanh nghiệp của vợ chồng con đang rất cần vốn". Nhưng việc lấy vợ ông đã quyết rồi. Ông nói cốt để thông báo cho con cái biết thôi. Đồng tình thì rất tốt. Không, chẳng có sao. Thấy bố nhất định không thay đổi ý định, vợ chồng anh Khang quay gằn hắt nhau. Khởi sự ở cô vợ, rằng: "Anh chúa chủ quan. Hễ mở miệng là: Bố nghe. Bố nghe!". Cô ta cay cú vì, trước mắt không xoay xở kịp năm trăm triệu đồng để lấy mảnh đất, sẽ mất đứt số tiền đặt cọc năm mươi triệu. Về lâu về dài thì tịt ngóm khoản thừa kế căn hộ của bố chồng. "Để xem con mụ nhà quê mặt mũi thế nào mà ông cụ chết mê chết mệt đến thế? ".

Hôm ông Cang đón cô Dần về Hà Nội, có ông Cường và một người nữa ở quê cùng đi. Đến tối, ông cũng chỉ mời mấy người hàng xóm sang nhà xơi nước. Để ông có lời giới thiệu cô Dần. Gọi là thủ tục ra mắt ấy mà. Ông già rồi, rùm beng việc cưới xin làm gì. Cốt sao vợ chồng chung sống thuận hòa được với nhau. Đó mới là cái đích. Cái đích đơn sơ có thế thôi.

     Hơn mười bốn năm trôi qua, mỗi ngày ông thêm yên tâm với cái đích mình cầu mong. Bởi cái đích không ở đâu xa. Không phải chờ phải đợi. Nó hiện diện ngay trong cuộc sống hằng ngày của vợ chồng ông. Cô Dần đúng là người đàn bà ông cần. Biết lo toan vun vén công việc gia đình, chăm lo săn sóc ông. Và trung thực, chất phác, hiền lành. Y như người yêu đầu đời của ông. Xưa nay ông chúa ghét hạng người lèo lá đơm đặt. Nói năng ngọt xớt nhưng không tin được điều gì ở họ. Cô con dâu ông thuộc hạng người gần như thế. Vậy mà không hiểu sao thằng Khang bập vào, và cam chịu để vợ sai khiến chứ lỵ. Bởi cái gì cũng nhất nhất nghe vợ, nên nó hoá ngu hoá đần. Hay vì ngu đần nên nghe vợ? Song, nghĩ cho cùng, thằng Khang hay dở đâu chỉ tại con vợ. Còn cả cái xấu đầy rẫy ở cuộc đời này tác động chi phối nó.

     Sao ngày nay cái xấu nhan nhản ở khắp nơi khắp chốn? Không thể đổ lỗi vì trình độ nhận thức của con người thấp kém. Trình độ chung trình độ riêng bây giờ hơn hẳn ngày xưa. Có thể vì sự hơn hẳn mà con người nhận biết được chân tướng xã hội đương thời với cả tương lai. Dẫn tới mất niềm tin vào cái chung, mà mấy thế hệ từng đổ máu xây dựng và bảo vệ nó. Nên ai nấy đều ngầm ngầm lo cuộc sống riêng của mình bằng bất kể giá nào. Tệ tham nhũng tràn lan, phải chăng có nguyên nhân suy giảm niềm tin. Hết tin thì phá, đó là lẽ thường xưa nay. Tham nhũng chính là hành vi phá phách, đến mức người ta phải liệt vào hàng “quốc nạn” để tìm cách diệt trừ. Nhưng khó! Bởi quốc nạn này, thủ phạm không phải đám thường dân, mà đều là quan chức Nhà nước cả. Quan chức hư hỏng, khác nào nhà dột từ nóc. Thượng bất chính, ắt dưới làm loạn. Rồi cái loạn xã hội thâm nhập vào tất thảy mỗi gia đình, mỗi con người. Trách nhiệm đó thuộc về ai? Về ai?... Ông hình dung, nay mỗi con người đều đang trong vòng lốc xoáy dữ dội, chẳng ai dám chắc không bị xô đẩy ngả nghiêng. Làm sao ông có thể giơ tay chắn lốc. Đành cam chịu vậy. Cũng như thằng Khang tốt xấu thế nào, không còn phụ thuộc vào ông nữa.

     Từ khi ông Cang lấy cô Dần, vợ chồng anh Khang xa lánh hẳn. Lấy cớ bận làm ăn. Thực ra, chúng không hề muốn ông lấy vợ. Như trước kia, chúng kịch liệt đả phá việc bố mẹ bỏ nhau, dù rằng mẹ chúng luôn luôn cư xử quá tệ với ông. Nói cho đúng là xúc phạm ông. Ông bà bỏ nhau nhưng không ra toà. Bà bảo: "Già rồi, cần đéo thằng nào nữa mà phải phơi mặt ra xin cái giấy ly dị. Biết điều thì ông cứ phới khỏi nhà này. Nhà này không hề là của ông!".

Thế là ông Cang ra đi. Chừng nửa năm sau, khi cơn sốt nhà đất bất chợt dâng tới mức khủng khiếp, bà bán luôn ngôi nhà. Cho con trai một phần để tìm chỗ ở mới; còn phần lớn bà cầm, tếch đi nước ngoài ở với cô con gái. Mẹ chúng đối xử với ông như thế đấy. Vậy sao chúng còn tiếp tục làm khổ ông?

     Là người cha, ông không thấy ân hận trước trách nhiệm đối với con cái. Khi chúng còn nhỏ, ông đã phải gồng mình lên để lo cơm áo nuôi con. Bảo đảm cho chúng được học hành chu đáo. Nay đứa nào cũng đã có nơi có chốn và tự lo liệu được cuộc sống riêng hơn người rồi. Chỉ ông rơi vào tình cảnh chơi vơi đơn độc thôi. May mà ông còn có chỗ chui ra chui vào. Đó là một gian nhà cấp bốn mục nát. Cơ quan phân cho ông trước khi nhận sổ hưu. Qua mấy năm chắt bóp chi tiêu, ông mới đủ sức sửa sang ngôi nhà tử tế hơn xưa.

     Xét thấy khó ở chung với vợ chồng anh Khang, ông càng thấy cần lấy vợ. Tuy thế ông không thể không nghĩ ngợi. Lấy vợ hay ở với con? Câu hỏi đó từng day dứt ông ngày đêm. Ở với con, chắc chắn ông phải chịu "mất mình" rồi. Vợ thằng Khang sẽ không nể nang ông như trước nữa. Trước kia về ở nhà chồng, dù sao nó cũng nghĩ còn phụ thuộc. Cho dù bất ưng đến đâu, nó vẫn phải ghìm nén mồm miệng phần nào. Nay mình đến ở nhà nó, sự thể thế nào khó mà lường hết. Không lẽ mình chỉ đóng vai là kẻ ở nhờ. Nó sẽ không để cho yên. Muốn vừa lòng nó, mình phải thế chỗ người ở, làm "Oshin" cho nó. Hoặc gánh cái chân loong toong tại trụ sở công ty kinh doanh, do nó làm giám đốc. Chẳng đã có lần nó nói: "Khi nào bố hưu, bố đến bảo vệ trụ sở cho chúng con!". Mẹ chồng thì nói: "Ông hưu, ra chợ phụ bán hàng cơm cho tôi!". Nó nghĩ thế là có ý hạch toán kinh tế đấy. Ông sẽ là vật đặt lên một bên đĩa cân, để nó so tính thiệt hơn. Vậy là ông không khác số phận thằng Khang. Thằng Khang đương là kỹ sư biên chế Nhà nước, nó bắt bỏ thẳng chỉ vì đồng lương ba cọc ba đồng. Nó đặt vào cái ghế phụ trách tiếp thị, song thực chất là thứ đầu sai, gánh đủ mọi việc. Có khi phải đi mua bao thuốc lá, rồi đun nước pha trà tiếp khách. Không lẽ ông cam chịu như thằng Khang?

     Đã mấy năm nay ông ở xa chúng nó. Hằng ngày không phải nghe chúng cãi cọ nhau. Không phải nghe cô con dâu nhiếc móc chồng. Có lần nó quát: "Chẳng biết mang gien nào mà ngu thế?". Tức nó ám chỉ thằng Khang ngu như ông. Giống mẹ chồng nó từng bảo ông ngu; giữ cái chân ăn đút lót dễ ợt mà suốt đời tay không, ăn bám. Mà nào ông ăn bám ai đâu. Nay ông nghe chúng nó đến ở cùng nhà, ắt sẽ gặp lại những "bài ca" quen thuộc. Biết đâu khi quá lời, cô con dâu dám bới móc cả tổ tiên nhà chồng lên. Như bà mẹ chồng đã bới đã đào. Như thế, ông khó tránh nổi đau buồn. Nên, cách tốt nhất là ông cứ ở nhà mình. Rồi, nếu gặp được người đàn bà như ý thì ông chấp nhận sống chung. Cái chính là để nương tựa nhau. Chẳng phải tự dưng các cụ xưa có câu: Con nuôi cha không bằng bà chăm ông. Người già lấy nhau là bởi xuất phát từ cái nhu cầu ấy. Sao nhiều người lại nghĩ, già không nên lấy vợ lấy chồng?

     Trước khi quyết định lấy cô Dần, cũng đã có vài người để ý tới ông. Ngang tuổi ông: có. Gần tuổi cô Dần: cũng có. Tuy vậy, ông đều không ưng. Thực tâm ông chỉ muốn quay lại với người yêu đầu đời của mình. Nhưng bà từ chối với lý do tuổi già, không giúp được gì cho ông. Bị từ chối, ông càng ân hận. Vì đã không tin tưởng vào tình yêu và sự đợi chờ bà dành cho ông trong những năm xa cách. Khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, ông đem theo người vợ từ chiến khu Việt Bắc trở về. Đó là một cô hàng xén - cái "mốt" của các chàng trai thành thị đi theo cách mạng thời bấy giờ. Rút cục, cô hàng xén ấy không đem lại hạnh phúc lâu bền cho ông. Còn người yêu đầu đời của ông thì từ hẫng hụt, thất vọng, dẫn tới cô đơn cả một kiếp người.

       Khi đặt vấn đề chung sống với người yêu xưa, chẳng phải ông mang ý nghĩ sửa chữa lỗi lầm. Mà cho rằng, sự hiểu biết của bà sẽ cùng ông xây đắp hạnh phúc cho nhau. Và, chưa bao giờ ông quan niệm người đàn ông có vợ trẻ đẹp là hạnh phúc hơn người. Bởi vậy, trước khi gặp cô Dần, ông vẫn nghĩ có thể chung sống với người đàn bà nào đó ngang tuổi mình. Còn việc ông đồng ý lấy cô Dần đâu phải hám gái trẻ. Chính vì cô quá trẻ khiến ông đắn đo. Đắn đo cả mớ tóc đen dầy, chảy tận đầu gối cô nàng. Người này diện đúng mốt Hà Nội, liệu ông có chắc yên tâm không? May thay, mười mấy năm qua cô đã một lòng một dạ với ông. Không có cô, hẳn ông chẳng còn hiện diện trên cõi đời này. Lần thứ nhất, ông bị cơn đau hành hạ giữa đêm mưa đông giá lạnh. Cô nghi ông bị ruột thừa. Ông không chịu. Cho rằng, nhiều lần đau giống thế, chẳng thuốc thang nó cũng tự khỏi ấy mà. Nếu cần khám xét thì sáng mai đi cho đỡ khổ. Nhưng cô nhất định áp tải chồng vào ngay bệnh viện. Các thày thuốc khẳng định ông đau ruột thừa. Cuộc phẫu thuật được tiến hành kịp thời, xuôn xẻ. Nếu để chậm lại, ruột thừa bị vỡ thì hậu quả khó lường. Lần thứ hai, ông ngã trong phòng tắm. Lúc ấy có mặt cả anh con trai. Nghe "huỵch" một cái, anh liền chạy vào. Thấy bố nằm còng queo ngất xỉu, anh vội gọi cô Dần khiêng ông vào giường. Cô xua tay: "Không... không!". Anh trợn tròn mắt không hiểu. Cô giải thích để anh dừng ngay việc xê dịch ông. Rồi dùng kim châm vào mười đầu ngón tay, hai dái tai, với mấy huyệt ở mặt và đầu ông. Tại mỗi điểm ấy, cô nặn ra một giọt máu nhỏ. Sau đó day vuốt mặt, tới khi ông tỉnh trở lại, cô mới cho chuyển vào giường. Cô biết cách cứu chữa này từ khi học cấp ba. Thật đơn giản. Nhưng nếu không hiểu, chuyển dịch người bệnh lúc đang bị ngất, có thể gây tử vong hoặc mang bệnh não suốt đời.

     Như thế là ông chịu ơn cô. Sao con dâu ông lại bảo: Cô phải đội ơn bố tôi! Rồi: Không túm bố tôi làm sao cô đến được đất Hà Nội? Hà Nội lúc nào chẳng có hàng vạn người tìm đến làm ăn, bằng trăm phương nghìn cách khác nhau. Khó gì! Nghĩ lại, ông thầm bực bởi những lời ăn nói sống sượng ấy. Nói cho đúng thì, việc mang ơn trọng nghĩa giữa vợ chồng với nhau là điều cần ghi nhớ suốt đời. Không nên rành rẽ ai phải ơn ai. Trong cái nhà này, nếu cần rành rẽ thì vợ chồng thằng Khang phải biết ơn cô nó. Chứ không thể lý sự cùn như con Nga: "Có chị thì chợ thêm đông, Chị đi lấy chồng chợ cũng cứ vui". Ông mà cả nghe, về ở chung với chúng nó, chắc chắn "đứt" rồi. Chúng nhốt một mình ở tận tầng tư, ốm đau sống chết thế nào, ai hay. Vợ nó còn loa lên với hàng xóm rằng: "Gì thì gì, khi cụ ấy chết đố thoát khỏi tay vợ chồng tôi!". Dễ thường không có chúng nó, cô Dần chịu chăng? Đến như người thân cô thế cô qua đời, hay kẻ lang thang chết dọc đường, còn có người chôn cất cơ mà. Chôn nhau không khó. Cái khó là biết sống có tình có nghĩa với nhau. Đối xử như vợ nó, hỏi tình nghĩa gì? Khi sống đã cạn tình cạn nghĩa, sao lúc chết cứ phải ma chay phúng viếng linh đình? Người chết đâu có cần. Chẳng qua kẻ sống đã lợi dụng cái chết của người thân để móc túi nhau thôi. Cái lối móc túi kiểu ấy, xem ra không được mấy ai đồng tình. Mà sao khó chấm dứt thế? Ông chết, cấm con cái bày trò ấy ra. Nhưng còn lâu mới tới cái ngày đó. Nên chưa vội nói lúc này. Lúc này, ông nhắc cậu con trai: "Anh phải bảo con Nga vợ anh, từ nay chừa lối nói năng quá thể với nhau đi. Có bận nó còn gọi cô Dần là chị, xưng tôi. Nên nhớ, cô Dần là vợ bố. Ít nhất nó cũng hiểu như thế để mà xưng hô". Anh Khang lúng búng trả lời: "Chẳng phải con chưa nói. Có điều... tính nết nó... thiên lôi không chuyển nổi". Ông Cang thừa biết con trai mình bất lực trước vợ. Bất lực chỉ là một nhẽ. Ngay nó cũng đã thông suốt việc cô Dần làm vợ bố đâu. Nên nó thờ ơ từ cái nhỏ nhất là việc thăm hỏi. Nếu thông suốt, một mình nó ù đến thăm bố và thăm cô lúc nào chẳng được. Vợ nó có là phật nghìn mắt nghìn tay cũng chịu. Biết đâu mà ngăn cản chồng. Cản nó, chính lại là nó. Chỉ tại nó!

    Con dâu, con trai ông thế đấy. Còn cô con gái thì biền biệt xa. Nhưng, năm một đôi lần điện về thăm bố thăm cô, như thế là được. Ông không đòi hỏi gì hơn. Mà muốn hơn, hẳn cũng khó. Thời thế bây giờ nó thế thôi!

    Mỗi khi thất vọng con cái, ông Cang càng thương cô Dần. Là người chồng, ông chẳng đỡ đần vợ được là bao. Ngược lại ông được vợ chăm sóc chu đáo hằng ngày. Ngoài việc chăm chồng, cô còn phải lo kiếm tiền nuôi thân nữa chứ. Khoản trợ cấp hưu của ông, nuôi ông tạm đủ đã là mừng rồi. May mà cô sớm từ bỏ cái nghề phơi mặt ngoài vỉa hè nắng mưa sớm tối. Chẳng phải vì ngại vất vả. Ngại nhất là luôn chứng kiến những sự chướng tai gai mắt xảy ra. Tranh bán. Tranh mua. Chửi bậy. Văng tục. Với cả đấm đá lẫn nhau. Những cảnh này, hiếm thấy ở nhà quê. Nên cô hỏi chồng: "Sao bảo người Hà Nội thanh lịch nổi tiếng, hả anh?". Ông Cang cười: "Điều đó có lẽ chỉ còn trong sách vở. Trên thực tế, nó đã mất đi từ lâu lắm rồi!". "Vì sao mất hả anh?". "Vì đói nghèo. Vì kỷ cương phép nước không nghiêm. Còn vì... hàng trăm nguyên nhân khác nữa". Ông im lặng giây lát, rồi hạ giọng như để nói riêng với mình: "Thật tiếc!". Từ lâu lắm rồi, mỗi khi nghe ai đó khoe "Người Hà Nội thanh lịch" ông không còn thấy tự hào. Chỉ xấu hổ và nuối tiếc thôi. Ông biết không ít người - nhất là lớp tuổi cao - mang tâm trạng giống ông. Nhưng sao chưa lần nào người dân thấy các nhà chức trách "ra tay" về vấn đề này. Hay họ coi việc khôi phục chấn hưng một truyền thống văn hoá, cụ thể là nếp sống thanh lịch, chưa phải là nhiệm vụ cấp thiết?

    Đã hơn mười một giờ khuya. Cô Dần vẫn cặm cụi cùng cái máy khâu. Đêm nay cô cố làm cho xong số hàng đã nhận, để sáng mai kịp trả theo hạn hợp đồng. Biết chẳng thể mó tay vào công việc này, ông Cang lên giường nằm, song không tài nào ngủ được. Không ngủ thì hay nghĩ ngợi. Từ những năm đầu chung sống, ông rất muốn vợ chồng có đứa con với nhau. Thật ra, nguyện vọng đó ở phía cô Dần nhiều hơn. Nhiều hơn là đúng, là phải. Thế mà ông bất lực; mặc dù đã nhiều lần tìm thầy tìm thuốc, vẫn không đạt kết quả gì. Ông bảo vợ: "Hay là thụ tinh nhân tạo hả em?". "Em chả thích thế. Anh thích thì em chiều. Còn không, thì...". "Thì sao nào?". "Thì anh đừng bận tâm làm gì". Tức thời, cô rúc đầu vào ngực chồng, thù thì: "Em mãi mãi là vợ anh!". Câu nói ấy, cô thốt ra không biết đã bao nhiêu lần. Ông Cang thầm hiểu đấy là lời trấn an đối với mình. Đáng ra, ông phải quan tâm động viên, trấn an vợ thật nhiều thì mới phải. Bởi vợ ông đã vì tình yêu mà thể tất cho ông bao nhiêu vấn đề.

    Thì đấy, ông lấy cô có đăng ký kết hôn gì đâu. Do bà vợ trước đồng ý bỏ ông nhưng không chịu làm thủ tục ly hôn. Vượt trở ngại này, nếu không từ phía cô, ông hoàn toàn bó tay. Chỉ một việc ấy đáng để ông phải chịu ơn cô suốt đời. Không biết từ nay đến khi mãn kiếp - ông nghĩ - mình còn chịu ơn vợ bao nhiêu nữa? Vậy mà, sự này con Nga cũng xía vào: "Lấy nhau không có đăng ký kết hôn thì không thể gọi là vợ chồng!". Sao không? Cả nước đang có hàng triệu cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn kia kìa. Đành rằng, đối chiếu luật pháp là không đúng, song ai dám ly gián quan hệ vợ chồng của họ. Nhiều trường hợp không đăng ký, chẳng phải họ không muốn. Như trường hợp của ông, đăng ký làm sao được. Đã có lần ông nói với vợ: "Hay là anh đơn phương phát đơn ly dị bà kia. Để còn giải quyết thủ tục kết hôn với em". "Không cần đâu anh ạ. Chúng mình đã ăn ở với nhau bảy tám năm rồi. Quá hiểu nhau rồi. Còn lo gì nữa, hở anh?". Nhưng ông Cang hết lo làm sao được. Về lâu dài, ông e sau khi mình qua đời, vợ chồng thằng Khang có thể tranh chấp ngôi nhà này. Nên cần phải có di chúc để lại. Hiểu tâm trạng chồng, cô Dần nói: "Xin anh khỏi phải suy nghĩ. Cũng không cần di chúc làm gì. Khi đã mất anh, thì chẳng còn gì đáng để em bận tâm. Em về Hà Nội là để đến với anh. Chứ em không đến bởi cái nhà cỏn con này. Em còn quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của em cơ mà. Nơi ấy em có cả họ hàng, xóm giềng đông vui, anh biết rồi đấy!". Ông Cang ôm gọn vợ, vỗ về; thầm mong được sống bên em mãi mãi...

    ... Nhưng, mọi sự cầu mong chỉ là ước muốn. Trên đời này, hiếm có trường hợp diễn ra đúng như ước muốn. Sau hơn sáu năm, kể từ cái lần ông Cang thầm mong được sống bên cô Dần mãi mãi ấy, căn bệnh trọng đã làm ông liệt giường, mấy lần chết đi sống lại. Những người hàng xóm bảo: "Ông Cang chưa chết được, bởi còn nặng tình nặng nghĩa với cô Dần. Chứ như những đứa con thì chẳng có gì phải quyến luyến". Họ lại nói: "Ông Cang mà chết, chắc chắn chúng đuổi phắt cô Dần ra khỏi nhà". "Đuổi à? Thế có là giống chó!". "Để xem sự thể thế nào, chẳng lâu nữa đâu mà!".



Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HàNội .