Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










PHONG




T hắm đứng bên bờ giếng, cô bần thần nhìn sang bếp bộ đội. Mọi hôm giờ này đã nhộn nhịp, ồn ã tiếng bước chân, tiếng nói cười, tiếng gõ bát đũa của những anh bộ đội tinh nghịch . Phong sẽ đi ra đi vào tất bật nhưng vẫn không quên để mắt sang bờ giếng dõi tìm hình bóng cô. Hôm nay vắng tanh chỉ còn lại căn nhà nhỏ thu mình bên bụi tre và cái bếp lò im lìm lạnh lẽo. Mọi cái đã được các anh dọn dẹp sạch sẽ. Mấy bó củi còn lại cũng được xếp rất gọn bên trái bếp.

Đêm qua, trong lúc dân làng say ngủ sau một ngày lao động vất vả, các anh đã lặng lẽ hành quân. Phong ơi! Giờ này anh đang ở đâu? Anh sẽ đi về nơi nào và có bao giờ trở lại nơi đây?

Cách đây ba tháng chính Phong là một trong ba cán bộ của đơn vị đi tiền trạm đã chọn nhà thím Huấn làm bếp ăn cho bộ đội. Vì nơi này thuận tiện cho việc đi lại và nguồn nước dùng. Từ bếp nhà thím sang giếng nhà Thắm chỉ cách nhau cái bờ rào. Mở rào thông sang là có nước. Giếng nhà Thắm nổi tiếng trong và nhiều nước nhất làng.

Phong có dáng người cao ráo. Nước da ngăm đen săn chắc. Đôi mắt to, sáng ẩn dưới cặp lông mày đen kiên nghị. Mới về làng mấy ngày Phong đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người trong làng nhất là các ông vì vốn hiểu biết đông tây kim cổ của anh. Các em nhỏ thích Phong vì anh làm diều và thả diều rất nhạy. Diều anh làm bay cao, không đảo, tiếng sáo thanh thoát, trong veo…anh còn đá cầu, đánh bi với chúng nữa. Vui lắm! Phong còn một tài nữa là đánh đàn bầu rất giỏi. Cứ mỗi buổi tối khi giao ban xong (Anh làm quản lí nuôi quân của đại đội nên mỗi tối phải đi giao ban với ban chỉ huy ) anh lại mang cây đàn bầu ra hiên. Tiếng đàn anh bay khắp xóm. Những âm thanh bổng, trầm tha thiết, ngỡ bản nhạc trong “Tiếng thơ” đêm khuya của đài tiếng nói Việt Nam. Mỗi lần nghe tiếng đàn hoặc thấy anh hướng dẫn cậu em lớp 10 của Thắm làm bài mẹ Thắm lại bảo: “Nếu không phải thời chiến, thằng Phong sẽ thành tài đấy”. Bà nói rồi thở dài.

Thắm mến Phong ngay từ buổi đầu tiên gặp nhau vì cái vui vẻ, hóm hỉnh của anh. Hôm ấy Thắm vừa ăn tối xong ra bờ giếng rửa bát thì Phong sang. Anh hỏi cô:

- Thắm ăn cơm chưa?

- Dạ, em ăn rồi

Phong đùa:

- Ăn “dồi”cơ à. Sang nhỉ. Bọn anh phải tết, thịt lợn mới có dồi để ăn.

Biết Thắm là giáo sinh vừa ra trường nên Phong hay sang chuyện trò cùng cô. Có tờ báo, quyển truyện hay Phong cũng mang cho Thắm đọc. Sau đó hai anh em lại cùng bàn luận. Thắm phát hiện ra Phong rất mê và hiểu Truyện Kiều. Nhiều lần Phong đọc và giảng giải cho cô nghe về cái hay, cái đẹp của câu thơ, ý thơ mà Cụ Nguyễn Du muốn nói. Những điển tích trong truyện anh thuộc làu. Nhờ anh Thắm hiểu thêm nhiều điều bổ ích trong tác phẩm nổi tiếng này.

Nhiều khi hai anh em còn bày ra cách đố Kiều. Có lần anh đột ngột hỏi Thắm:

- Đố em Kiều về “nhà chồng” lần đầu tiên bằng phương tiện gì?

- Tất nhiên là bằng xe. Xe ngựa hoặc xe kéo - Thắm thủng thẳng

- Phải cụ thể chứ. Xe gì nào?

- Là xe ngựa

- Suy nghĩ đi ‘cô giáo ơi”! – Phong kéo dài giọng.

- Em không nghĩ nữa. Chỉ có một đáp án vậy thôi.- Thắm bướng bỉnh.

- Thế em chịu chưa?

- Thôi được em chịu. Anh nói đi xe gì nào hay anh định bảo là ô tô đấy? Thắm nói giọng khiêu khích

- Vậy cô giáo lắng nghe nhé: Đó là xe…xe trâu!

Thắm trợn mắt, ngạc nhiên:

- Xe trâu?

Phong vẫn lạnh tanh, giọng hóm hỉnh:

- Đúng! xe trâu. “Xe châu dừng bánh cửa ngoài”. Rất rõ ràng nhé.

- Người ta là xe châu. Xe kết rèm châu ngọc ấy – Thắm cãi.

- Không phải! là họ viết mất lỗi chính tả đấy.

Hai anh em được một mẻ cười đau bụng.

Thắm hỏi Phong :

- Kiều từng làm nghề tráng gương đấy. Anh biết không?

- Làm gì có chuyện ấy. Truyện Kiều anh thuộc làu mà.

Cô nhẩn nha trả lời:

- Vậy mà có đấy. Anh cược gì với em nào?

- Chả cược gì vì Kiều không làm nghề ấy bao giờ.

- Nếu có thì sao? Giọng Thắm thách thức.

- Không thể có.

- Thế thì anh thua rồi. Xin em đi nếu không trị giá “cược” rất lớn đấy.

Phong nói mạnh:

- Chẳng sợ. Anh thắng rồi. Mà nếu thua thì anh xin chấp thuận tất cả.

- Được, anh nhớ nhé. Nếu ai thua phải đền cho bên thắng một quyển TRUYỆN KIỀU ( đây là một phần thưởng đắt giá vì hồi ấy làm gì có truyện kiều bán ở các hiệu sách mà mua cơ chứ).

- Anh đồng ý - Phong nôn nóng

Thắm tỉnh bơ giọng đắc thắng Vậy anh nghe đây:

- E hèm…

“ Mười lăm năm bấy nhiêu lần
LÀM GƯƠNG cho khách hồng quần thử soi”

Thắm cố tình kéo dài hai chữ làm gương.

Phong cười chảy cả nước mắt giơ tay xin “hàng”.

Nhiều lắm. Những câu Phong và Thắm đố nhau, chép thì vô số. Chỉ biết rằng cả Thắm và Phong đều rất vui, cứ gặp nhau là được cười thỏa thích. Vì thế hai anh em trở nên thân thiết, gần gũi rât nhanh.

Phong hay kể chuyện về quê mình cho Thắm nghe. Quê anh là vùng Kinh Bắc thấm đẫm những làn điệu dân ca quan họ. Anh kể về dãy núi Lạn Kha có chùa Phật tích . Nơi đây chàng Từ Thức gặp nàng tiên Giáng Hương trong hội hoa Mẫu đơn. Về con sông Tiêu Tương với câu chuyện cổ Trương Chi – Mị Nương…Anh sinh ra trong một gia đình có tới năm chị gái. May anh thứ sáu lại là trai. Là con một nên anh được bố mẹ và các chị rất cưng chiều. Kể cả việc đi bộ đội với anh cũng khó khăn. Bạn bè cùng lứa lần lượt lên đường hết đợt này đến đợt khác còn anh thì cứ ung dung đi học. Mấy lần anh xin đi nhưng họ đều trả lời “để đợt sau”. Mãi khi vào Đại học, đợt tổng động viên tháng 7. 1973 anh mới được đi và về quê Thắm huấn luyện.

Các anh về làng Thắm vào một ngày mùa thu. Lúa trên đồng xanh mướt đang chuẩn bị làm đòng. Đó cũng là dịp Thắm được ra trường về quê nghỉ hè và chờ nhận quyết định đi dạy học.

Thời gian đi nhanh thế! Cách đây một tuần Thắm đã có giấy gọi nhận công tác ở một huyện miền núi. Cô khóc nhiều lắm vì phải đi xa và trong sâu thẳm trái tim cô không muốn xa Phong lúc này. Phong sang động viên và hứa ngày Thắm đi nhận công tác anh sẽ có quà cho cô. Bây giờ đã là tháng mười, buổi sáng sương xuống lạnh lắm. Trưa tan sương nắng hanh hao khô giòn. Những thảm lúa chín rộ nổ lách tách. Hôm trước trên đường lên tiểu đoàn, lúc về qua cánh đồng cổng làng nơi chi đoàn thanh niên và Thắm đang gặt. Phong còn ghé xuống. Bọn cái Lê cái Huệ còn thách anh gặt thi. Đòi phần thưởng là một tối nghe đàn bầu thỏa thích. Ai dè bọn nó thua. Tối ấy phải đãi cốm và hát đền anh. Vui thế! Người đâu mà lắm tài. Việc gì anh làm cũng giỏi…

- Các anh ấy đi rồi làng vắng quá con nhỉ.

Thắm giật mình quay lại. Mẹ đã ở bên cô lúc nào

- Vâng ạ. Chẳng biết các anh ấy đi hướng nào mẹ ạ.

- Hướng nào thì cũng vào Nam. Trong ấy các liệt thế cơ mà. Các anh ấy đều còn trẻ quá! Mẹ nói và rân rấn nước mắt.

Thắm cầm chổi quét vườn, quét sân. Nơi nào cũng thấy bóng dáng Phong. Đây cái chõng tre dưới gốc mít bên bờ giếng nơi Phong và Thắm hay ngồi đố Kiều, đây hai cây ổi mỡ và ổi trâu. Mỗi sáng dậy ổi chín trắng trên cây thơm lừng. Anh trèo lên hái đầy rổ mang về nhà bếp cho mấy anh nuôi. Các anh ấy hay lắm ,anh thích ăn ổi mỡ ruột trắng. Anh thích ăn ổi trâu ruột đỏ…Tranh nhau, đùa nhau vô tư, hồn nhiên như lũ trẻ bọn Thắm hồi nhỏ.

Cái cầu ao này chính tay anh cùng bố sửa lại, ghép thêm tre cho bản cầu rộng ra. Chiều qua sau ba ngày lên trung đoàn tập huấn về đặt ba lô xuống giường là anh hối hả chạy sang nhà tìm Thắm. Thấy Thắm đang ở ngoài cầu ao anh chạy ra:

- Thắm ơi, anh có quà cho em này. Thắm vội khỏa nước cho hết rau lợn bám vào tay, lau bàn tay vào vạt áo cho khô rồi đỡ lấy “quà” của anh. Một tờ báo Quân đội nhân dân. Anh săm sắn bê rổ rau lợn vào và bảo Thắm:

- Em đọc bài thơ trang ba đi. Thắm vội chạy lại ngồi vào chõng và giở tờ báo. Đó là bài TÌNH CA của Nguyễn Khoa Điềm.

- Bài thơ hay quá anh ơi! Giọng thắm trong trẻo cất lên.

Phong ngồi xuống cạnh Thắm đón tờ báo trên tay cô với chất giọng ấm áp , nhẹ nhàng vừa đủ cho thắm nghe. Anh đọc:

“Đừng yêu ai em nhé/ Chỉ yêu mình anh thôi/ Dẫu tất cả con trai/ Bên em đều trẻ đẹp/ Đừng nhớ ai em nghe/ Ngoài anh người bạn cũ/Dẫu ngàn ngày quyến rũ/ Là ngàn ngày chưa qua/Yêu em từ rất xa/Chiến trường anh gối ngủ/ Tóc em cùng suối đổ/Trong giấc mơ nhớ thương/ …

Giọng anh hồi hộp, xúc động. Anh ngẩng lên nhìn Thắm. Ánh mắt đằm thắm, thiết tha. Bất giác anh nắm tay Thắm. Bàn tay nóng hổi, run lên :

- Thắm ơi! Anh yêu em! Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói hộ lòng anh đó. Anh yêu em như người con trai yêu cô gái trong bài thơ này!

Thắm chẳng biết nói gì cô vội giật tay ra khỏi tay anh và ấp úng một câu thật vô nghĩa:

- Em…em… không…

Rồi vội vã chạy vào nhà.

Đang vừa làm vừa miên man với những kỉ niệm thì thím Huấn chạy sang:

- Thắm ơi! Sáng nay lúc đi thằng Phong nó gửi cho cháu quyển sổ này. Các anh ấy quân đội có khác nói đi là đi ngay.

Thắm đưa hai tay nhận và vội mở ra. Trời ơi, thì ra đó là quyển TRUYỆN KIỀU anh chép tay tặng Thắm.

Thấy thế thím Huấn bảo:

- Thảo nào mấy tuần trước thấy anh ấy đến nhà cụ Hướng mượn được quyển truyện Kiều về. Cụ ấy quí quyển truyện như vàng ấy. Thế mà anh ấy mượn được mới tài. Từ hôm ấy tối nào cũng miệt mài ngồi viết rõ khuya. Hôm qua nó thức cả đêm chắc để chép cho xong. Cái thằng chịu khó đến thế là cùng.

Mặc cho thím đứng nói chuyện với mẹ, Thắm ôm chặt quyển sổ vào ngực và chạy vào trong nhà. Cô mở cuốn sổ. Ngay trang đầu là một bài thơ nhỏ trang trí rất đẹp. Anh viết:

Tặng em một quyển Kiều này
Lửa nồng thêm ấm những ngày xa xôi
Miền Đông quê ấy xa vời
Hãy ngoan Kiều nhé thay lời buồn vui
Bên nhau cho đến trọn đời
Truyện kiều theo mãi ĐƯỜNG DÀI em đi.

Bài thơ như lời thủ thỉ, nhắn gửi của anh tới Thắm. Những trang sách anh chép lần lượt mở ra. Nét chữ rắn rỏi mà phóng khoáng. Chắc anh dồn cả tình yêu, lòng trân trọng vào những nét chữ để gửi cho Thắm người con gái anh yêu.

Thân thương quá, nét chữ của anh! Thắm ấp quyển sổ lên ngực bồi hồi, thổn thức. Cô giữ chặt quyển sổ như một vật quí giá không muốn rời ra. Chẳng hiểu sao nước mắt Thắm cứ lã chã chảy mặn chát trên môi.

Quà anh hứa cho Thắm là đây. Cô thì thầm: Em đã nhận quà rồi anh ơi. Anh đi chân cứng đá mềm và chóng về với em anh nhé.



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã gởi từ ĐôngTriều QuảngNinh .