Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










NGUYỆT ĐIỆN







T ôi kinh ngạc kêu trời. Thằng bạn hỏi gì vậy mầy. Tôi vội im, quay nhìn hướng khác. Nhưng thỉnh thoảng, nhân lúc thằng bạn lơ là, ngay lập tức tôi liền liếc nhìn chỗ đó.

Nàng ngồi ở cái bàn trong góc khuất. Dáng mũi, nét môi và ngấn cổ của một bà hoàng hậu. Không thể nhầm lẫn được! Nàng là vợ thằng Long, bạn thân của tôi.

Tôi xịch ghế cho thuận việc quan sát nàng. Người đàn ông ngồi với nàng bỗng đứng dậy đi về phía toilet. Quần áo hắn lùi xùi. Tóc hoa râm. Trông hắn có vẻ lãng tử, một lãng tử to tướng dềnh dàng với cái bụng bự. Hắn trở lại bàn. Nàng không ngồi sát hắn, nhưng có vẻ như luôn muốn chồm tới gần hắn. Hắn thì ngả người ra lưng ghế, chắc tại cái bụng quá khổ. Ôi, hình ảnh của hắn thực là một trời một vực với Long. Nhưng hắn là ai, là gì của nàng? Tôi có bộp chộp khi đem ra so sánh?

Họ đứng dậy. Nàng che kín đầu và mặt bằng cái khẩu trang to tướng và cái mũ rộng vành trước khi rời bàn. Với quần tây đen, áo sơ mi giản dị, trông nàng khác hẳn hình ảnh bà hoàng kiêu sa hôm trước! Nàng đi ngang qua bàn tôi. Tôi quay vào trong để tránh. Hắn dắt xe ra, chiếc Dream cũ mèm coi bộ còn tả tơi hơn chiếc của tôi. Nàng leo lên sau, ngồi áp người vào hắn, ôm ghì bụng hắn. Đích thị rồi! Không còn nghi ngờ gì nữa! Tôi mở điện thoại tìm số máy của Long. Nó hơi ngạc nhiên. Tôi tỉnh bơ: “Có gì đâu, buồn buồn nhớ mầy gọi chơi. Sao, mọi việc vẫn tiến triển tốt chứ. Bà xã với mấy nhỏ khỏe không?” Giọng hắn to, chắc và rõ: “Tốt ! Tốt lắm! À, tao đang cô đơn”. Tôi hơi giật mình. “Ủa, sao vậy?”. “Giỡn vui thôi mà. Bả có công việc xuống Sài Gòn ba bữa rồi. ..”

Thằng bạn tò mò, đứa nào mậy? Long trên Gia Lai. Bạn thân của mầy à? Ừ, rất thân. Tôi lơ là trả lời thằng bạn, bởi trí tưởng tượng của tôi đang phiêu lưu khắp thế giới, đang lùi tít về cái thời xa xưa hun hút đẫm chất huyền thoại. Đó là bà hoàng hậu của vua Schahriar trong chuyện Ngàn lẻ một đêm. Là đôi bàn chân bé xíu tội nghiệp của nàng công chúa Trung Hoa khi kinh thành biến loạn. Là chàng hoàng tử trời Tây trong bộ phim nào đó bị lạc vào thế giới cái bang… Long ơi, sao bữa đó mầy hỏi tao “Có phải khi ta quá hoàn hảo thì chính đó lại là điều không hoàn hảo ?” Mục đích nói của mầy có lẽ không thể nào ngờ lại là sự linh cảm? Giờ nầy, tao biết chắc mầy vẫn đang rất hài lòng, rất mãn nguyện với đôi bàn tay sạch sẽ đến những ý nghĩ cũng sạch sẽ nơi Nguyệt Điện hoàn hảo của mầy!

       
♣ ♣ ♣

Tôi lên Gia Lai cách đây chừng một tháng. Chiều mưa lất phất. Trời cao nguyên hình như thấp hơn ở đồng bằng. Long trả lời qua điện thoại: “Tao đang giải quyết một việc quan trọng, mầy ngồi uống cà phê ráng chờ tao chừng hai mươi phút!” Đúng hai mươi phút sau, một chiếc xe hơi màu trắng sang trọng đậu trước quán. Long đưa tôi về nhà. Đó là ngôi biệt thự nằm trên một ngọn đồi thoải. Khung cảnh nên thơ, thoáng đãng.

Vừa bước qua khỏi cổng có gắn tấm biển nhỏ bằng kim loại khắc chữ mạ vàng “Nguyệt Điện”, tôi ngỡ ngàng trước ngọn thác nhân tạo đang tung tóe những tia nước hiền hòa xuống chiếc hồ to rộng. Trong đó có hòn giả sơn, vài ba ông Lã Vọng ngồi câu cá, mấy bầu rượu bé tí xíu xinh xinh… Chỉ có đàn cá nhiều màu sắc sặc sỡ thì rõ ràng là thật, đang quẫy đuôi…

Nếu như ngay phút từ đầu gặp lại, Long không hỏi tôi bằng cách phát âm rõ ràng, chắc nịch, có nhấn giọng, buộc người nghe phải chú ý : “Mầy có nghĩ khi ta quá hoàn hảo thì chính đó lại là điều không hoàn hảo?”, thì có lẽ tôi đã không chú ý lắm đến những cái hoàn hảo ở Long và những gì vây bọc quanh nó. Mà xem ra nó hỏi nhằm để khẳng định sự mãn nguyện về sự hoàn hảo mà nó đạt tới! Chứ không phải để được trả lời !

Đúng là hoàn hảo- hoàn hảo tưởng chừng như tuyệt đối- trong cách bài trí nội thất. Cổ điển và hiện đại đan xen, hòa quyện vào nhau thật tuyệt vời. Từng chi tiết nhỏ đều được thể hiện công phu, đậm chất mỹ cảm. Các phòng ngủ đều có cửa sổ mở ra vườn hoa, nhiều loại hoa phô sắc rực rỡ thắm tươi. Bên lò sưởi, cái bệ uốn cong càng tôn vinh vẻ đẹp cho chiếc đàn Piano sang trọng. Những cái chân bàn đều đều bằng những khúc cây già tuổi, vẫn giữ nguyên hình dáng, màu gỗ ban đầu, được đánh bóng thật khéo léo nên trông vừa hoang sơ vừa kiểu cách… Nhưng có lẽ điều đáng khâm phục nhất là tất cả đều sạch sẽ, sáng sủa và lộng lẫy. Toát lên vẻ vương giả, thư thái và yên bình.

Sự hoàn hảo đó càng thể hiện rõ ở xung quanh nhà. Những vuông cỏ Nhật được sắp xếp rất hài hòa với các bồn hoa. Nhiều loại cây kiểng lạ mắt có gốc to ôm không xuể. Nào phong lan… Nào nhiều chú chim sặc sỡ trong những chiếc lồng xinh xắn đang nhảy nhót ca hót líu lo… Các tiểu cảnh tưởng chừng như chỉ là sự tình cờ đâu đó ở góc vườn, bên bệ cửa, hoặc cạnh lối đi… Mỗi tiểu cảnh đều khơi gợi những liên tưởng thú vị nhờ những phiến đá nhiều hình dáng kì lạ, đẹp mắt mà Long kể là đã tốn nhiều công sức và tiền bạc để chở trong núi hoặc dưới suối về… Rồi phòng tập thể dục. Sân chơi bóng rổ… Có hai người làm vườn đang lúi húi cắm cúi làm việc. Quả thật đây là một vườn thượng uyển thời hiện đại! Tôi lặng người chiêm ngưỡng, nghe lòng nhẹ như tơ trời.

Một chiếc xe hơi đen tuyền từ từ lăn bánh vào ga-ra bên hông nhà, tiếng lạo xạo của những viên cuội vang lên man mác âm thanh quý tộc. Tự dưng tôi nghĩ, không biết Long có bảo kẻ giúp việc lau chùi những viên cuội trắng ấy không. Người phụ nữ dáng dấp cao ráo thanh mảnh, sang trọng với chiếc khăn quàng cổ màu hoàng yến vắt hững hờ qua vai, rời tay lái, mở cửa xe. Phong thái nàng thật quý phái thanh lịch. Sau nàng, cậu con trai độ mười sáu mười bảy tuổi, nom rõ ràng là vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú và một bé gái đi bên cạnh thực sự là cô công chúa diễm kiều. “Vợ con tao đó!”. Long quay qua nhìn tôi, đôi mắt ánh lên vẻ mãn nguyện và tự hào khá lộ liễu. Thảo nào!

Sau màn giới thiệu, chào hỏi xã giao không được ấm áp lắm giữa vợ con Long và tôi, Long cầm tay tôi ra xe. Vui vẻ. Giờ tụi mình đi chơi, mầy muốn đi đâu, tao chiều hết. Nhưng nhớ là phải trừ cái khoản bậy bạ. Bậy bạ? Ừ, mầy biết đó, tao không thuốc lá, rượu chè, không bao giờ rớ vào những cái bậy bạ. Có lần tao bị lừa vào chỗ ấy, đứa con gái leo lên đùi tao ngồi, tao hất nó xuống, bẩn thỉu quá! Ghê tởm quá! Thái độ của Long làm tôi dè dặt, ừm… nhưng… biết đâu họ cũng đáng thương… Có thể do hoàn cảnh. À Long nầy, thử đặt trường hợp nào đó… ừm… một cô bé nhà lành thật dễ thương… Mầy có bị ngã không? Long bình thản, người ta dễ thương nhưng tao thương không dễ. Tao yêu vợ tao. Nàng là người vợ Á đông tuyệt vời. Nàng cũng yêu tao, duy nhất! Chắc không? Tôi giật mình vì sự vô ý của mình nhưng dường như Long không quan tâm. Nó nở nụ cười tự tin, sao lại không chắc?

Long và tôi chơi thân nhau từ cái thuở tôi còn mặc xà lỏn chạy rông ngoài đường. Hồi đó tôi thường lén bỏ giấc ngủ trưa, đi tạt lon ngoài nắng với lũ bạn cùng xóm, tạt đến phờ người, mặt mày đỏ ké, thở hồng hộc, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, tóc ướt nhẹp bết vào da đầu mà vẫn còn thòm thèm khi bị má tôi lôi về. Còn Long bao giờ cũng ngủ giấc trưa đúng giờ. Chiều, ông già Long lái xe đưa nó đến sân tenis. Hai cha con đều mặc bộ đồ thể thao trắng, mang giày trắng, đội mũ trắng. Hai cha con đều cao hơn mét bảy, hồng hào khỏe mạnh. Cha Long là một đại gia giàu có. Long là công tử chính hiệu. Đi bên Long, tôi luôn có cảm tưởng mình là thằng người hầu, bởi tướng tôi lóm thóm, vóc người nhỏ thó, da đen đúa, tóc lúc nào cũng cháy khét nắng. Nhưng không sao! Long là thằng công tử chơi được. Chúng tôi học cùng lớp và thường xếp đồng hạng nhất. Có vài lần tôi nhất Long nhì, hoặc ngược lại. Tôi hơn Long các môn Toán, Lý, Hóa. Long hơn tôi những môn còn lại, nhất là hơn tôi về tính cẩn thận. Bài làm của Long luôn sạch sẽ, trình bày rất đẹp mắt. Ở Long, không hề có chuyện nhầm lẫn một phép tính, một con chữ, nên những bài kiểm tra nộp thầy cô không bao giờ bị bôi xóa, sửa chữa. Chữ của Long tròn trịa, đều đặn, thẳng tăm tắp, cứ như máy in. Đậu Tú Tài xong, mỗi đứa một nơi nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Đến giờ phút nầy hai thằng tôi đều đã có gia thất, mỗi thằng có hoàn cảnh khác xa nhau nhưng chúng tôi vẫn giữ tình thương mến thương như thuở còn thơ. Lâu lâu có việc xuống Sài Gòn, Long luôn ghé thăm tôi, không bao giờ quên tặng tôi vài gói cà phê hảo hạng.

Long cho xe ra. Tôi hỏi sang năm thằng cu sẽ thi vào đại học nào? Có tính cho nó xuống thành phố? Long cười giòn tan. Nó sẽ học ở đây, theo ngành nghề của tao, sẽ nối nghiệp tao, rồi con gái tao cũng vậy. Chúng sẽ được thừa hưởng gia sản nầy. Tao đã sắp xếp chu đáo mọi thứ rồi. Những ngày cuối tuần, con cháu tao sẽ tập trung lại, xúm quanh lò sưởi. Con tao, hoặc cháu tao sẽ ngồi vào đàn…. Mầy tưởng tượng đi, có phải nguyệt điện không? Một nguyệt điện hoàn hảo. Tôi gật gù. Ừ, hay đấy! Nhưng nầy tao hỏi, mầy làm ăn lớn vầy mà không phải giao tiếp, thù tạc, nhậu nhẹt ư? Ồ, chuyện đó tao giao cho lính. Còn tao, lúc đầu cũng hơi mệt, bị chọc là nhà tu, là rởm đời… Nhưng riết rồi họ hiểu mình, không phiền trách nữa. Thậm chí có lần ngồi chung bàn, thiên hạ cụng rượu nhau côm cốp, tao cũng cụng nhưng bằng ly nước suối, có ai phiền hà gì đâu!

Nào, bây giờ mầy thích đi đâu? Dạo khắp nơi. Tôi hăng hái. Long lái xe chầm chậm trên lối đi nho nhỏ, ngoằn ngoèo xuống chân đồi. Tôi thả người ra sau. Nghe quanh mình thoang thoảng mùi nước hoa dịu nhẹ quý phái. Chiếc ghế tôi ngồi êm ru. Xe chạy êm ru. Long đưa tay mở nhạc. Tiếng dương cầm thánh thót dặt dìu của Richard Clayderman với những bài tôi yêu thích: Voyage to Venise, Love story, The sound of silence… Nhưng không, lúc nầy tôi thích tập trung nhìn ra bên ngoài hơn là nghe nhạc. Đường phố ở đây giống Đà Lạt. Cảm giác ban đầu lại xâm chiếm tôi: Trời cao nguyên thấp hơn dưới kia. Tôi lẩm nhẩm hát em Plei- ku má đỏ môi hồng

Xe ra khỏi thị xã. Tôi bảo Long tắt máy lạnh và mở cửa để tôi được thưởng thức gió và không khí cao nguyên. Vài lần, Long phải thắng gấp vì chiếc xe bò đột ngột qua đường. Long lầm bầm, bọn nầy chẳng cần biết luật lệ gì cả. Thỉnh thoảng tôi lại hỏi, sao chưa thấy nhà sàn. Từ từ rồi lát nữa mầy tha hồ thấy. Long nè, nghe nói bây giờ người ta đi buôn nhà sàn, lời lắm phải không? Ối dào, chuyện xưa như cái vụ big bang. Vậy sao? Thế mà tao chỉ mới nghe đây thôi, thằng bạn cùng cơ quan tao lên đâu trên nầy mua cái nhà sàn ba chục triệu, chở về dưới có người trả năm chục triệu. Nhưng nó không bán, nó dựng lên, mở quán cà phê. Khách ra vào tấp nập. Ừ, nghe có lí đó – Long nhẹ nhàng điệu nghệ lách bầy bò đang nhẩn nha qua đường_ Vậy là ít, có người còn lời gấp đôi, trúng mánh có thể gấp ba! Trời đất, vậy mầy có buôn cái nào chưa Long? Ơ! Thằng nầy vớ vẩn, tao thì giờ đâu mà đi buôn, công việc ở công ty của tao làm không hết! Tôi ngồi im, nghĩ bụng, phải chi mình trúng được một cái vài chục triệu như thằng bạn kia, đổi cái xe già nua của mình, mua cái xe đàng hoàng cho con trai. Tội nghiệp, tối nào đi học về nó cũng nổ máy xe lên để chỉnh sửa, ầm ĩ điếc cả tai. Mà thôi, khi không lại nghĩ đến chuyện đi buôn nhà sàn! A, nhà sàn đây rồi! Tôi nhoài người ra ngoài nhìn. Thích thật. Giá được tới đó coi. Tôi hí hửng, mầy có gặp cô sơn nữ nào chưa? Long cười ngặt nghẽo, hàng ngày ấy chứ, con bé giúp việc nhà tao, H’ Nhe đó. Nhưng xin mầy đừng mơ sơn nữ ơi, đời ta như cánh chim rừng…

Long dừng xe trước một khu du lịch nhỏ. Nói, vào quán ăn cơm lam, gà nướng, uống chút rượu cần, đặc sản ở đây đó.

Long nhẹ nhàng xé bọc lôi chiếc khăn ra, rồi Long lau tay, lau rất kĩ trước khi bóc vỏ của ống cơm lam. Xong, Long lấy chiếc khăn khác, lau tay kĩ lần nữa trước khi ăn. Tất cả những động tác đều thong thả, tinh tế. Còn tôi thì hết sức lụp chụp vụng về. Đó, ngay trong cái việc nhỏ như thế nầy, tôi vẫn không bằng Long. Từ nhỏ giờ tôi luôn thua nó. Nhưng tôi không hề ghen tị. Công bằng mà nói, Long xứng đáng được hưởng những gì cuộc đời đem đến cho nó. Bởi đó là chính là thành quả của nó.

Trời sắp tối, xám xịt và mưa vẫn nhẹ hạt. Chúng tôi trở về thị xã. Long đưa tôi vào một quán trà cung đình. Bên cạnh lối vào phòng trà, căn phòng nhỏ treo đầy áo bào, mũ mão. Long chọn hai chiếc áo màu vàng lấp lánh kim tuyến khoác lên cho tôi và cho nó. Tôi giẫy nẩy từ chối. Nó hỏi, bộ mầy muốn làm nổi ở đây sao? Xì, tao mà thèm làm nổi? Ừ, vì nếu mầy không mặc áo bào, mầy sẽ là người nổi bật nhất. Ôi, thế là tôi đành phải làm ông hoàng! Căn phòng lớn được trang trí trông như cung vua phủ chúa. Trên mỗi bàn có một cây nến hồng. Các cô phục vụ đều mặc áo dài đỏ, khăn đóng đỏ. Cô nào cô nấy trông xinh đẹp như cung tần mĩ nữ. Dàn nhạc cung đình réo rắt… Tất cả tạo nên khung cảnh lung linh huyền bí cổ tích, đầy mê hoặc. Cử chỉ của Long khi tay phải bưng chén trà lên, tay trái điệu đàng mở nắp chén, hai cái ống tay rộng mềm mại rũ xuống trông giống hình ảnh vua Càn Long trong phim Tàu kinh khủng! Còn cái thằng tôi đây quê mùa cục mịch ngồi cứng ngắc trên chiếc tràng kỉ chạm trổ rồng phượng công phu không biết coi giống cái gì? Mất tự tin, lúng túng vụng về với cái ống tay áo chi mà dài lượt thượt rộng thùng thình, tôi bỗng làm rớt chén trà kêu cái xoảng. Vài người quay lại nhìn. Tôi mắc cỡ quá chừng. Một nàng cung nữ chừng đôi tám tới bên, nhoẻn miệng cười, nói giọng Huế: “Không có chi, thưa ông!” Rồi nàng nghiêng mình xuống lượm những mảnh vỡ. Và cũng dáng nghiêng mình đài các ấy, nàng cúi xuống lau sàn.

Cạn chén trà. Tôi nói phải về ngay, sáng mai đi công tác ở Cần Thơ. Long luyến tiếc, mầy thử gọi điện về xin phép được không, nhờ ai đi thay được không? Đâu được. Thôi, hẹn dịp khác vậy. Để tao kêu xe cho mầy. Long rút điện thoại. Xe hẹn chín giờ rước. Mầy muốn ngồi đây đến chín giờ? Không, mình dạo phố đi. Tao muốn thưởng thức Pleiku vào đêm.

Trút được vai ông vua, tôi thở phào nhẹ nhõm. Trời ơi đất hỡi, sao hồi xưa mấy ông vua giỏi quá Long ơi. Áo xống như vậy mà chịu được? Riêng cái khoản nầy tao đã không thích làm vua rồi. Long nhún vai, cái gì rồi cũng quen cả thôi. Long cho xe chạy chầm chậm qua các con đường dốc vắng vẻ ướt mưa. Lòng tôi nao nao xao xuyến.

Chuyến xe đêm đưa tôi về Sài gòn khi trời sắp sáng. Tôi trở về căn hộ bé tẹo trong chung cư bình dân cũ kĩ, xây dựng từ thời tám hoánh, tối tăm ẩm mốc. Sáng, cả nhà tôi ngồi quây quần quanh nồi mì vẫn được quảng cáo trên ti vi. Mụ vợ của tôi, một chân co lên ghế kiểu chạy nước lụt, đang chúc cái nồi xuống vét cho bằng sạch vài sợi mì dính trong nồi, đừng bỏ uổng. Đó là phương châm trong mọi bữa ăn của vợ tôi. Nhìn vợ mình, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh vợ Long mà thở dài đánh thượt.

       
♣ ♣ ♣

Cuối bữa cơm tối, như thường lệ, mụ vợ mập ú của tôi, một chân co lên ghế kiểu chạy nước lụt, đang cố vét sạch những thức ăn còn lại trong các bát đĩa cho vào chén mình để thanh toán, kẻo bỏ uổng. Tôi chăm chú ngắm vợ và thử hình dung mụ bên cạnh thằng cha tình nhân nào đó của mụ. Dù hơi khó tưởng tượng nhưng tim tôi bỗng đập loạn xạ và mặt bỗng bốc hỏa, mồ hôi tứa ra.

Trời ơi! Long hỡi Long hời!