PHÍA TRƯỚC…
N ắng đang ráng chiều trên đỉnh núi. Tôi nâng niu đoá hoa dại trên tay. Anh ngồi đó. Êm ẩn như một tĩnh vật. Thu mình trong góc nhỏ tâm linh. Anh đã kiệt sức. Tôi mường tượng như thế !
Tôi lên núi nầy nhiều lần. Vẫn thấy anh ngồi đấy lẳng lặng. Phó mặc. Nếu chiếc xe tôi không nổ lớp. Thì chắc không có buổi nói chuyện hôm nay. Chòi vá xe của anh hình thành ở đây không biết từ lúc nào. Anh ra sao ? Từ đâu đến ? Nhưng những ngôn ngữ vàthái độ của anh đã làm cho tôi chú ý. Anh không phải người tầm thường! Tôi nói :
-Người ta vá xe nhanh lắm. Có loại keo công nhật, chỉ cần dán lên rồi gõ gõ. Vậy là ăn tiền. Còn chừng nào xì tiếp, thì người vá không có trách nhiệm !
Anh cười giọng mũi :
-Tôi làm cách đó không được !
Anh nói như một khẳng định. Tôi chăm chú :
-Tôi làm quen với anh được không ?
-Để làm gì ?
- Chẳng làm gì ! Nhưng tôi thấy anh khác với người thường !
- Tôi cũng đâu có gì đặc biệt !
-Có hay không thì tự anh biết, nhưng với tôi anh là người không bình thường. Chẳng qua anh là người trí ẩn !
-Tôi à ? Anh cười rồi tiếp :
-Anh cũng là người đặc biệt, nói chuyện thú vị lắm !
Anh đã bơm hơi xong. Bánh xe no tròn. Anh ngước nhìn tôi :
-Làm vài ly chứ ? Không chờ trả lời. Anh vói lấy chai rượu Johnnie Walker để trên kệ :
- Chai rượu nầy của người bạn việt kiều tặng. Tôi chưa có hứng thú uống. Hôm nay gặp anh, uống một chút cho vui !
Tự rót ra ly, tự uống. Xong rồi anh rót ra ly trao qua tôi :
- Chơi được chứ ?
- Chút chút ! Tôi nói theo giọng người miền nam.
Mùi rượu quen thuộc thơm nồng. Anh lấy chiếc chiếu đã cũ trãi dưới bóng cây mít đang hoằng sai trái. Ném xâu đậu phộng rang xuống chiếu. Anh hất hàm sang tôi :
- Đến đây !
Tôi thích thú đến ngồi cạnh anh. Bóng cây mít làm mát một vùng đất rộng. Anh sửa cách ngồi đối diện với tôi:
- Nhìn nét mặt chắc trẻ hơn tôi, gọi bằng chú em nhé !
Tôi nhướng mày mà không trả lời. Anh rót tiếp một ly, rồi uống cạn. Đẩy chai và ly sang tôi :
-Tự phục vụ đi. Tôi phục vụ thì phải trả tiền ‘boa’ à ?!
Tôi cười cười tự rót rượu ra ly và cũng uống cạn. Anh bóc mấy hạt đậu bỏ vào tay tôi, nhưng đôi mắt lại nhìn xa về phía chân núi.
Trong ánh mắt đó ẩn giấu một nỗi buồn xa xăm. Tôi hỏi :
- Anh làm ở đây bao lâu rồi ?
Anh không trả lời. Đưa hai ngón tay ra, rồi ngón tay cái và trỏ khoanh lại làm thành một vòng tròn.
- Hai mươi năm rồi ư ?
Anh gật đầu và uống một ly nữa. Như chợt tĩnh, anh quay sang tôi :
- Uống đi chứ ! Không có mồi màng gì cả, mình uống chay đi ! Giang hồ mà !..
Tôi đọc câu thơ của Quang :
-“ Giang hồ..ta chỉ giang hồ vặt..”
Anh cười cười đọc tiếp :
- “ Tiếng nước cơm sôi..cũng nhớ nhà “
Quá đổi ngạc nhiên, không ngờ anh lại biết bài thơ nầy, tôi phấn khích hơn :
- Tuyệt quá, không ngờ đại ca lại biết bài thơ nầy !
- Thì cũng đọc lóm trên báo thôi mà..
Nửa chai rượu vui vẻ chia đôi từng ly chảy vào thực quản chúng tôi. Thấy anh đang vui, tôi hỏi :
- Năm nay đại ca bao nhiêu tuổi ?
Anh trừng mắt nhìn tôi, nhưng rồi dịu lại :
- lục thập nhứt niên !
- Trời, sáu mươi mốt mà anh còn trẻ quá !
Anh cười sùng sục :
- Ai cũng nói tôi như vậy, chú mầy không ngoại lệ..
Giọng anh nhão hơn, gục gặc cái đầu. Nhích thân hình về phía sau, anh tựa lưng vào gốc mít, mắt nhắm lại lim dim. Bất chợt anh mở mắt ra nhìn tôi, đoạn đốt điếu thuốc rồi nói:
-Thấy chú mầy thắc mắc, kể sơ để chú hiểu anh thêm một tí nhé ?
Thì ra anh là sĩ quan chế độ cũ, khoá 24/Thủ Đức. Ra trường anh về bộ binh tác chiến. Ngày giải phóng miền nam anh mang cấp bậc thiếu tá. Có vợ và sinh được hai người con. Anh được đưa đi cãi tạo miền bắc bảy năm. Về nhà thì hay tin vợ anh đã vượt biên sang Mỹ và đã lập gia đình với một người khác. Hai đứa con anh về sống với bà nội. Đứa lớn mười tuổi, đứa nhỏ sáu tuổi. Trong lần đưa em sang đường mua thức ăn, bị xe tải đâm phải. Đứa nhỏ chết, đứa lớn gãy hai chân, bị bán thân. Cãi tạo về, anh thấy gia đình ly tán. Buồn quá ôm đứa con lên chùa ở núi nầy làm công quả. Lớn lên, đứa con ngộ đạo, thí phát qui y. Anh cất một cái chòi trên đất nhà chùa để vá xe độ nhật qua ngày. Thời gian sau nầy, anh được đi nước ngoài theo chương trình H.O. Nhưng anh không đi, ở lại gần gũi đứa con tật nguyền, hủ hỉ cha con. Cuộc đời của anh buồn bã như thế.
Tôi chạnh lòng :
-Kinh tế đâu đủ cho anh sinh hoạt ?
Anh uống thêm một ly rồi nói :
Khi mới đến đây, cha con ăn cơm trong chùa. Nhưng từ khi anh vá xe ở đây, anh nấu ăn riêng, đạm bạc cũng đủ qua ngày. Thỉnh thoảng thì có quà của bạn bè từ nước ngoài gởi cho. May mắn là anh không đau yếu bệnh tật gì cả. Mai mốt nằm xuống, nhà chùa cho nắm đất dung thân, thế là quá đủ…Tôi nhìn anh ngậm ngùi. Rõ ràng anh có một tương lai ở phía trước. Nhưng anh bất cần. Anh bảo muốn ở gần con mình. Nhưng theo tôi nghĩ không hẳn thế. Cuộc sống quá khắc nghiệt với anh. Tình đời. Tình người. Anh sẽ sợ khi ra nước ngoài gặp lại vợ anh. Anh phải đối xử ra sao ? Tôi không trách vợ anh. Cuộc sống đời thường. Những người đàn bà như vợ anh không phải tôi chưa thấy. Đầy dẩy ngoài xã hội. Chỉ thương xót cho anh. Vì cay đắng với cuộc sống mà phó mặc cho định mệnh. Cái gì ta không đủ tư cách đối phó mà buông xuôi thì đều đổ thừa cho số mệnh. Anh cũng không ngoại lệ. Kể cho tôi nghe mà mắt anh đỏ hoe. Tôi cầm tay anh siết mạnh. Ngoài trời, nắng tắt từ lâu. Đêm dài đang đến. Bóng anh và bóng tôi đang nhạt nhoà…
Hai năm sau. Trong lần đi theo đoàn làm từ thiện. Tôi lại lên núi lần nữa. Công việc xong, tôi tách đoàn men theo con đường nhỏ dẫn đến chòi vá xe của anh. Tôi ngạc nhiên vì nét hoang phế ở đây. Cỏ mọc um tùm. Mái lá xiêu vẹo. Nhện giăng tứ hướng. Tôi đứng chết lặng hồi lâu. Anh giờ ở đâu ? Ra sao ? Còn sống hay đã chết ? Trãi tờ báo xuống cỏ. Tôi ngồi xuống bóng râm của cây mít. Nơi nầy hai năm trước tôi ngồi đây uống rượu với anh. Giờ im vắng rợn người. Con đường nhỏ dẫn xuống chân núi vẫn thỉnh thoảng có người qua lại. Con suối nhỏ vẫn róc rách chảy. Hoa dại vẫn nở màu tim tím, buồn bả và bâng khuâng. Có tiếng động sau lưng, tôi quay lại nhìn. Một nhà sư đang ngồi trên xe lăn. Tôi đứng dậy cúi đầu :
- Chào Thầy, xin cho hỏi người vá xe ở đây bây giờ ở đâu ?
Nhà sư trầm ngâm rồi nói :
- Ông ấy mất rồi, gần tròn một năm !
Tôi bàng hoàng :
- Vì sao ông ấy mất ?
- Ba tôi nhịn ăn mười bốn ngày, kiệt sức và chết !
- Chết !?
- Vâng !
Tôi tựa lưng vào cây mít. Nghe lùng bùng lỗ tai. Tại sao anh ấy tìm cái chết ? Chết dễ dậy sao ? Cuộc sống nhàm chán vậy sao ? Sao người ta có thể quyết định sự sống còn của mình một cách đơn giãn vậy ? Từ bỏ cuộc sống vay mượn nầy để về nơi bình yên ? Có chắc bình yên không ? Nơi nào mà không có gạt gẫm và lừa dối ! Thiên đường còn có hối lộ mà! Lúc Tam Tạng đến chùa Thiên Trúc lãnh kinh, còn phải hối lộ cho một lạt ma cái chuông vàng để được lãnh kinh có chữ. Thì trên cõi đời nầy còn gì phải nói. Hay tại anh quá cô độc. Cũng có thể nỗi cô đơn làm người ta chán nãn lấy mình. Tự delete lấy mình. Tôi hỏi mộ của anh đâu, nhà sư cho biết đã hoả táng và tro của anh đang được thờ trong chùa. Tôi cũng muốn vào đốt cho anh mấy nén nhang. Nhưng lại sợ mình không cầm được nước mắt trước di ảnh của anh. Tôi cảm ơn nhà sư và ra về. Con đường xuống dốc nhẹ tênh. Sao tôi cứ nghe trong lòng trĩu nặng…Tiếng cười khà khà của anh còn vang đâu đó.. Vẫn đôi mắt buồn thiu và cái nhìn thăm thẳm…/-
.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ TâyNinh.