Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








 ÔNG THỢ NỀ







V ợ chồng tôi có hai căn nhà, hưởng từ đôi bên - nhà bên chồng lẫn bên vợ - công bằng, chả còn so bì, tị nạnh hơn thua, thiệt thòi. Một căn vợ chồng ở, căn kia dăm thì mười họa mới ngó ngàng tới, thành ra gần như để không. Thực ra mươi tháng ban đầu vợ chồng đã ở, cốt xác nhận chủ quyền. 

Cửa chính căn nhà trông ra ngõ rộng, phía sau là con ngõ hẹp, bù lại có khu hồ thoáng mát. Tầng ba, ngoài mấy phòng, còn bố trí phòng nhỏ xinh xinh, cửa ngó ra mảnh sân thượng, trông ngay xuống hồ nước. Hàng xóm có cây ngọc lan cổ thụ, hương hoa sà xuống, ùa ngập vào phòng. Nhà để đó dăm năm, gần đây vợ chồng có ý sửa, định cho thuê, tháng tháng kiếm chút tiền. Tiền, thì chẳng ai chê bao giờ.

Tôi gọi thầy thợ. Ca đầu là một cậu trẻ, thấy tự giới thiệu kiến trúc sư, trông trí thức, gương mặt ngời ngời học vấn. Sau cả tiếng đồng hồ nghe cậu chàng vẽ vời, sốt ruột, tôi ngắt lời:

- Tổng số...

- Số gì chú? Gạch ốp tường Ý, hay mét vuông trần nhà?

- Không. "Siền" ấy.

- À, khoảng dăm tram...

Giọng nó nhẹ tênh, y như tôi dân xúc bạc.

- Chính xác, bao nhiêu? - tôi hỏi.

- Khoảng năm trăm chín mươi... Chắc chắn dưới sáu trăm củ.

Nghe, giật thót. Có người đánh tiếng hỏi thuê, trả gọn năm chẵn tròn trăm triệu. Vậy sáu năm mới thu hồi vốn. Chả lẽ bảo thẳng vào mặt gã thầu khoán mặt non choèn choẹt, tao chửa đến mức điên. Kẻ thứ hai tham khảo, cậu này già giặn hơn, kỹ sư xây dựng, phán thấp hơn tram, vẫn cao. Đã định “stop”, thì sáng chủ nhật đó có tiếng gõ ngập ngừng, mở cửa, thấy ông quãng gần sáu chục, tôi mời vào nhà. Ông này vẻ e dè. Ai đó giới thiệu việc sửa nhà cửa của tôi với ông ta. Câu chuyện thũng thẵng giữa hai người, lại Chủ Nhật, thời gian đâu là vàng bạc. Cuối cùng, ông ta trúng thầu. Thực ra, tôi lo vật liệu, còn ông ta chỉ đảm nhận khâu thợ thuyền, một mình túc tắc thi công. Ngay thứ hai tuần kế đó, công việc bắt đầu triển khai.

Nói là nhà để không, nhưng vẫn có dăm ba đồ dùng, vật dụng, toàn của se cần hen. Tiếc của, mấy thứ nhà thải ra, vứt hết sang đây: cái tủ lạnh cũ, máy giặt, vài ba chiếc quạt bàn. Tôi giao chìa khóa cho ông thợ, để chủ động giờ giấc, công việc. Hôm đầu thi công, lúc ấy đi làm về, quãng gần sáu giờ, tôi tạt vào, có ý ngó nghiêng và nghĩ, ông thợ chắc nghỉ rồi. Ngạc nhiên chưa, ông ta vẫn cặm cụi đục đẽo tường.

- Chưa nghỉ sao, ông phó?

Ông ta nhìn tôi lúng túng. Bụi vữa vôi phủ trắng áo quần. Quả thực, lao động chả vinh quang. Đến lúc này tôi mới có dịp quan sát kỹ lưỡng ông thợ: người gầy guộc, thịt da sắt lại, vẻ mặt buồn buồn và chất phác. Thấy tôi đến, ông ta vội thu dọn đồ nghề, vẻ như thấy lỗi của mình, ở lại làm việc muộn quá. Người đàn ông ra về, trên chiếc xe đạp cà tàng, lầm lũi trong ánh đèn đường vàng vọt. Lòng tôi thoáng chút thương thương, nghĩ bụng, hoàn cảnh chắc khó khăn.

Chủ Nhật, gái cả tôi nghỉ học, theo bố sang xem xét công trình. Tường nhà được ông thợ đục đẽo hòm hòm. Thấy chúng tôi, ông ta ngừng công việc, tôi pha ấm trà. Đang đợi trà ngấm, gái tôi bê ra cốc nước cam. Cam mẹ nó dặn, tiện thể trên đường gặp, mua đôi cân, gái bổ, vắt cốc nước, bồi dưỡng cho ông thợ. Tôi bắt gặp ánh mắt ngỡ ngàng, cảm động, khi ông đón nhận cốc nước từ tay con gái tôi mời.

- Con gái ông… chắc kém gái tôi dăm tuổi. Con tôi...

Nói nửa chừng câu, ông ta ngừng lời, giọng vẻ buồn buồn, chứa chất, lồng gửi tình cảm trong ấy. Chắc ông ta yêu con gái lắm. Một chiều muộn, xách vài lạng thịt lợn quay, gọi là khao thợ, bữa ấy tôi có dịp khề khà chén rượu, biết đôi điều về gia cảnh ông ta. Tuần kế đó, theo gợi ý của tôi, hàng ngày ông thợ khỏi đi về, mà ngủ lại, đồ dùng sinh hoạt sẵn có rồi. Ông ta nghỉ trên căn phòng nhỏ xinh tầng ba.

                                                       
♣ ♣ ♣
 

Số kiếp người ta mà. Ông thợ có một thân phận buồn. Thảo nào, quan sát, nom thấy vẻ tồi tội: lặng lẽ, cặm cụi và cam chịu. Ông ta có gia đình không, tức mái nhà, vợ con ấy? Gọi là có cũng được, không cũng đúng. Đó là năm 1985, kinh tế đất nước tuột dốc như không phanh, tô hồng chả nổi: hợp tác nông nghiệp, ruộng đồng đành chia khoán; cở sở vật chất nhà máy, xí nghiệp sở hữu chung, đồng loạt đắp chiếu. Vợ ông ta đành phải cứu nhà, bằng cách: đi lao động xuất khẩu Đông Âu, để lại đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi cho chồng. Ý vợ là ý trời, dù không muốn, anh chồng chẳng dám cản ngăn. Từ khi cưới nhau, trong con mắt của vợ, chả mấy nỗi coi trọng đằng nhà chồng. Trước khi ra đi, cô ta bảo:

- Anh về quê, đưa bà ấy lên!

Bà ấy, tức là mẹ chồng của cô ta, lên đây trông đứa con gái cho vợ đi kiếm tiền – mệnh lệch của vợ đó. Lần duy nhất họ gặp mặt nhau - mẹ chồng và nàng dâu tương lai, trước khi cưới, ông đưa người yêu về thăm quê. Nhìn căn nhà rạ một chái hai gian, tường thưng vách rơm đất, cám cảnh vậy làm cô ta chả còn thiết tha giáp mặt bà mẹ chồng nữa. 

Bà mẹ già từ quê được con trai đưa lên. Xí nghiệp giải thế, anh chồng lĩnh chế độ một cục. Vậy là người đàn ông gồng mình bươn chải nuôi mình, nuôi mẹ già và đứa con thơ dại. Cuối năm thứ hai vợ đi lao động xứ người, công ten nơ hàng đầu tiên gửi về. Ngược xuôi tong tả bán hàng họ xong, tiền lại theo đường dây, gửi ngược sang bên đó. Trong số hàng vợ gửi về, anh chồng giữ lại cái ấm và nồi cơm điện. Trước đó, nhà toàn đun nấu bằng bếp dây may so, quấn trên tấm đất nung, to bằng cái đĩa. Vì cái bếp ấy mà mỗi khi nghĩ lại, đứa con trai thật ân hận, day dứt nghĩ, có tội với bà mẹ. Con gái lúc đó bốn tuổi, bị sốt. Buổi trưa từ công trường ông bố tranh thủ về thăm con. Con bé trán nóng hừng hực, nằm thiêm thiếp trên giường.

- Tao ra bãi đất hoang, hái nắm tướng nhọ nồi, đắp trán và cho nó uống, không thì sốt cao nữa. Nó cứ gọi bà, gọi mẹ suốt - bà mẹ nói vậy.

Xa mẹ, năm mới lên hai, biết, nhớ gì mẹ đâu. Chỉ nhìn ảnh, rồi bà nội hay nhắc, con bé gọi theo. Bố tất tả chạy đi mua vài viên thuốc, rồi vội vã quay lại công trường. Mỗi khi nghĩ lại, bố còn rùng mình. Nếu con không sốt, không nằm li bì trên giường, quẩn quanh bên bà nội, thì theo bà mất rồi.  Bà mẹ lam lũ. Quê nghèo, cái huyện đất chiêm trũng Ninh Giang, mãi cuối tỉnh Hải Dương. Nơi phố xá to đẹp, tấp nập nhất mẹ từng biết đến là thị trấn Ninh Giang, bà đi chợ, chợ họp ngay mé dòng sông Luộc. Ù một cái, bà mẹ quê bị lôi tuột ra Hà Nội, sống trong căn nhà to chỉ hơn cái bàn tay. Có lần bà dỗ cháu, chắc cũng bâng quơ thôi:

- Nín đi, nín đi. Hôm nào bà dắt đi chơi Bờ Hồ.

Chính bà đã biết Bờ Hồ đâu. Đã hứa với lòng, hôm nào đưa bà cháu ra hồ Gươm, ăn kem nữa, đã đưa được đâu. Nơi quê, củi lửa đun nấu rơm rạ, cành que, lên Hà Nội, đun bằng bếp dầu, than tổ ong, bếp điện dây may so. Nhá nhem tối, đi làm về, đẩy cửa ông bước vào nhà... Kìa, sao mẹ ra  thế này: nằm vật, thân mình đè lên cái bếp điện. 

Con trai chỉ còn biết gào gọi mẹ.

                                                       
♣ ♣ ♣
 

Nửa đời lam lũ, đận sinh con ra cũng trong cảnh tủi cực. Hai mươi bảy tuổi, phụ nữ quê xếp vào diện gái già rồi, có lấy ai, cũng diện đàn ông chết vợ, hay tàn tật, hoặc dở hâm dở hấp. Mẹ chấp nhận cuộc sống yên phận cuộc đời đơn chiếc, ngôi làng nghèo lầm lũi sinh nhai bằng nghề hàng tấm, đong thóc, xay giã gạo. Chợ áp ngôi làng bên kia sông, hàng ngày mẹ qua đò. Trên con đê dài hun hút: ngô khoai, chuối đậu, lau sậy... mọc bạt ngàn. Sáng tờ mờ đất, quãng gà gáy canh năm, quẩy gánh gạo nặng, mẹ dời nhà. Chuyến đò sớm sang ngang vắng khách, hoặc họ xe đạp hay bê cắp thúng rổ nhẹ nhàng. Chỉ một thoáng trên con đê vắng, chỉ còn lại mình mẹ, kẽo kẹt gánh gánh gạo nặng. Dừng chân nghỉ, vừa huơ huơ chiếc nón, bất ngờ sau lưng ào ra, mồm miệng bị bịt chặt và quật cho ngã bịch ra. Chín tháng mười ngày sau lần ấy, anh được sinh ra. Mẹ nuôi anh trong tủi hận, vật vã, nhọc nhằn.

Vất vả lo tang ma mẹ xong, lại phải bán chác công ten nơ hàng vợ đánh về tiếp, rồi lại nhận thư vợ. Đọc thư, chồng đâm ngẫm nghĩ, sao phải vậy. Ly hôn vợ - cô ta giải thích, chỉ là thủ tục nhập quốc tịch gì gì ấy. Bên Tây đến phiền phức - chồng nghĩ. Thôi thì vợ chồng vẫn là vợ chồng, thế là ký, làm thủ tục và chuyển giấy tờ sang cho vợ. Căn nhà vợ chồng đang ở, vốn gốc gác của cơ quan vợ phân cho cô ta, vợ nhắn về, bảo đập, xây lại, gửi cả thiết kế theo kiểu mẫu nhà tây. 

Thấm thoát bảy năm, kể từ ngày vợ đi lao động xuất khẩu. Y như khi đi, lúc về cũng vậy, đùng một cái, vợ lù lù trước cửa, một bà váy áo lòe xòe, tóc vàng hoe hoe và theo sau một gã trai to kềnh, kém cô ta cỡ mươi tuổi. Chồng ơ ớ, chửa kịp nhận ra, cô vợ đã:

- Nhìn gì? Không thấy đống đồ đạc kia a. Bê vào!

Bữa ăn đoàn viên nặng nề. Gần mười tuổi, con gái lần đầu gặp mẹ. Nó không thể hình dung nổi, người đàn bà ăn mặc lòe loẹt, mặt mũi phấn son và luôn gắt gỏng, lại là mẹ của nó. Mẹ nó chỉ nhẹ nhàng, âu yếm với ông chú về cùng -  gọi bằng anh và xưng em. Trong bữa ăn, họ âu yếm gắp múc thức ăn cho nhau. Sau bữa cơm, vợ pha ấm trà, gã trai kia nhồng nhỗng ngồi cùng. Chồng và con gái đang hí húi bưng bê, dọn dẹp bát đĩa, cô vợ đã lớn tiếng giục:

- Ông lên đây.

Chồng vừa ngồi xuống ghế, cô vợ cất lời ngay:

- Thôi thế này, tôi cứ toẹt ra, tính tôi nó thế, không vòng vo tam quốc. Đây là chồng tôi, cưới nhau rồi. Anh đã ký giấy ly hôn. Thôi thì, đêm nay cứ ngủ lại. Sáng mai nhớ thu dọn đồ đạc, lấy thứ gì, tùy anh, tôi không giữ. Còn con bé, tôi sẽ nuôi.

Là đàn ông, giàu lòng tự trọng và cô ta, giờ đều có lý cả, nhà đứng tên cô ta, ly hôn rồi, cắc cớ gì còn ở lại. Ngay trong đêm, quơ quéo đồ đạc, nào có gì nhiều nhặn đâu, mấy tấm áo quần cũ, lâu nay có may sắm, mua bán cho mình gì đâu, buộc chằng lên chiếc xe đạp cà tàng, lút cút người đàn ông dắt xe ra cửa. Đau nhất là tiếng con gái gào gọi, còn  mẹ nó, đóng sập, khóa tách ngay cửa lại.

Đêm tối mịt mùng, người đàn ông lũi cũi đạp xe trong đêm. Đi đâu, về đâu? Trên quãng đường trên bảy chục cây số, về cái làng nơi mình từng được sinh ra, lớn lên cùng bà mẹ nghèo xưa trong căn nhà lụp xụp.

Đôi ba năm nay ông bò lên Hà Nội. Đêm đêm, nơi ngủ nghê là chân cầu thang, mái quán hoang, hay vườn hoa đâu đó, xe đạp khóa, dựa bên. Ban ngày ông nhận làm mọi việc, việc gì cũng làm, cốt chỉ cần thôi, đôi ba tuần, vụng trộm đến thăm con cháu - những lúc bà vợ cũ vắng nhà.  

                                       
♣ ♣ ♣

Càng gần ngày hoàn thành công trình, ông thợ vẻ càng buồn. Tôi biết, gần đây cha con, ông cháu họ có những bữa cơm đầm ấm. Một chiều muộn, mang ít dây điện tới, mở khóa vào nhà, nghe trên gác tiếng trẻ cười, tiếng người nói chuyện, tò mò tôi leo lên. Trong căn phòng nhỏ trông ra hồ, ba người - cha con, ông cháu họ - đang quầy quần quanh mâm cơm, một gia đình nho nhỏ, đầm ấm. Lần đầu tiên tôi thấy con gái ông ta. Cháu trông hiền lành, nhất là thằng bé kháu khỉnh, mũm mĩm.

Ông thợ nề đang xúc cơm cho thằng cháu ngoại, nét mặt mãn nguyện. Tôi lặng ngắm cái gia định nho nhỏ của họ. Vừa định quay lưng, bất ngờ ông thợ ngó ra, chợt thấy tôi, đâm ra lúng túng. Biết mình mắc lỗi, ông dám tự tiện đưa người lạ vào nhà chủ. Tôi vội vàng:

- Bố con, ông cháu cứ dùng cơm.

Ba tháng công trình hoàn thành, căn nhà nom khác lạ, vẫn ba tầng, vẫn mái ngói, mà như lột xác. Lộc bỗng dưng đổ xuống nhà tôi, ngõ nhỏ mở rộng thành đường lớn. Giá thuê nhà vút lên, vượt xa dự kiến ban đầu, người thuê lại là anh bạn thân, công ty đang trong đà làm ăn tấn tới. Bạn đôi lần đến nhìn ngó việc sửa chữa và từng giáp mặt ông thợ. Khi tôi và bạn đến kiểm tra lần cuối, ông thợ dẫn thăm nom các tầng. Leo lên tầng ba, cuối cùng là căn phòng nhỏ, tôi thoáng nghe tiếng thở dài. Chầm chậm ông thợ trao chùm chìa khóa nhà cho tôi. Xe đạp chằng buộc đồ nghề sẵn sàng rồi, chỉ quay xuống là... Vẻ mặt ông ta buồn bã, sắp phải chia tay rồi, nơi từng có những bữa cơm ông thợ từng sum vầy cùng con cháu. Những ngày tới, ở một nơi nào đó, một vườn hoa, một chân cầu, ông sẽ tá túc qua đêm.

Ngỡ ngàng, khi ông thợ thấy tôi xua xua tay, lắc đầu khi ông đưa chùm chìa khóa và chỉ vào căn phòng nhỏ xinh:

- Bác nghỉ lại tại đây. Bạn tôi mời bác ở lại làm bảo vệ cho công ty cậu ta.

Ánh mắt sững sờ, ông thợ không tin nổi điều mình vừa nghe. Tay cầm chùm chìa khóa và rồi mặt gục xuống, cứ thế nấc, tức tưởi ông thợ khóc./.   

 (Lại Đà, Đông Anh, Hà Nội, ngày 1/2/2020)