Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







NHỮNG CÁNH HẠC ĐỒNG





Sanh năm 1915 tại Taedong, Hwang Sunwon là Giáo Sư Đại Học Kyonghui tại Hán Thành, Ông đậu Tiến Sĩ về văn chương Anh tại Đại Học Waseda Nhật Bản năm 1939, từ đó đến nay không ngừng sáng tác.

Truyện ngắn ngắn này mang hơi hướm một truyện danh tiếng của A. Camus nhưng vẫn có khí vị Đông Phương và tính chất thời đại của quê hương tác giả. Cái bi đát của con người trong thời gian chiến tranh Quốc- Cộng là phải đối đầu với những người cùng tiếng nói với mình, cùng quá khứ với mình. Trong truyện này tác giả giải quyết cái bi đát đó bằng tình bạn thời thơ ấu. Như những cánh hạc đồng bay vút lên khung trời cao rộng, tình bạn vượt lên trên những khác biệt chủ nghĩa phù phiếm của một giai đoạn cố định nào đó rồi cũng sẽ qua. (NVS-1992))

N gôi làng nhỏ phía Bắc vĩ tuyến 38 nép mình dưới bầu trời cao trong vắt của mùa Thu. Những trái bầu trắng nằm lăn lóc bên nhau trên nền đất dơ dáy của một cái nhà kho hoang phế. Mấy người già khi chạy qua đây việc đầu tiên là dụi tắt cái điếu cầy tre, còn trẻ nhỏ thì đứng lại ngoái nhìn về phía sau mà vẻ kinh hoàng biểu lộ rõ trên khuôn mặt.

Nhìn chung ngôi làng không bị chiến tranh tàn phá hư hại nhiều, nhưng hình như nó không mang hình ảnh của ngôi làng trước đây mà Songsam có trong trí.

Songsam ngưng lại dưới gốc cây hạt dẻ mọc trên đồi ngoài sau ngôi làng. Anh leo lên cây. Trong xa thẳm của kí ức, anh nghe văng vẳng tiếng ngày xưa lão già hét bọn anh: "Tụi bây đồ mắc dịch, xuống mau lên, tụi bây lại leo lên cây dẻ của tao nữa!"

Ông lão chắc đã qua đời rồi, Songsam không thấy ông ta trong số ít oi người già chạy ngang qua đây. Ôm chặt thân cây, anh nhìn một đỗi thật lâu trên nền trời đen thẳm. Vài hạt dẻ khô rơi rụng khi võ khô nứt mở tung bay.

Một người thanh niên bị trói chặt, đứng yên lặng trước ngôi nhà đang được dùng làm văn phòng Cảnh Sát Hòa Bình Công Cộng. Có lẽ là người lạ. Songsam đến gần để nhìn kỷ hơn, anh khựng lại điếng người, gã thanh niên kia không ai khác hơn là Tokchae người bạn thời thơ ấu của anh.

Songsam hỏi người cảnh sát áp tải Takchae từ Ch'ont'ae thì được biết rằng tên tù nhân chính là Phó Chủ Tịch Công Đoàn Nông Dân Cộng Sản, tên này vừa mới rời khỏi hầm núp tính về nhà thì bị tóm cổ.

Songsam ngồi bệt xuống nền nhà bẩn thỉu, lấy thuốc ra đốt.

Một lúc sau anh mồi điếu khác từ điếu trước rồi đứng dậy.

"Để tôi dẫn anh ta đi."

Tokchae ngoãnh mặt chỗ khác không thèm ngó Songsam. Cả hai rời khỏi ngôi làng.

Songsam vẫn tiếp tục hút thuốc, nhưng thuốc trơ trơ không có mùi vị gì. Anh chỉ làm công việc hút khói vô, thả khói ra mà thôi. Rồi thình lình anh nghĩ rằng Tokchae cũng muốn phà khói thuốc như anh. Anh nghĩ tới ngày xưa hai đứa lén núp sau bức tường, tránh người lớn thấy, để hút lá bầu khô. Nhưng ngày nay anh làm sao có thể mời thuốc lá cho gã kia được chứ?

Một lần, khi cả hai còn nhỏ, rũ nhau treo bẻ trộm hạt dẻ của lão già có cái bướu ở cổ. Lần đó tới phiên Songsam phải trèo cây. Thình lình có tiếng lão già hò hét inh ỏi. Songsam tuột mau xuống, té ngồi trên mặt đất. Gai cây dẻ đâm đầy đít, nhưng Songsam vẫn chạy bất kể. Chỉ tới khi cả hai tới chỗ an toàn không còn lo bị lão già tóm được lúc đó Songsam mới đưa đít cho bạn coi. Gai nhổ ra đau điếng khiến Songsam không làm sao khỏi rươm rướm nước mắt. Tokchae lúc đó móc trong túi ra một nắm đầy hạt dẻ bỏ vô túi bạn...

Songsam liệng mạnh điếu thuốc vừa đốt xuống đất, anh quyết định không đốt điếu nào nữa trong khi áp giải Tokchae.

Hai người đi đến ngả rẻ trên đồi, nơi ngày xưa hai đứa cắt cỏ cho bò ăn cho đến ngày Songsam phải di chuyển về một nơi gần Ch'ont'ae, phía Nam vĩ tuyến 38, hai năm trước ngày Giải Phóng.

Songsam cảm thấy một làn sóng giận dữ dâng lên ngập lòng, anh la lớn, "Vậy chớ anh đã tàn sát bao nhiêu người rồi?" Lần đầu tiên Tokchae quay mau lại nhìn Songsam rồi lại quay đi chỗ khác.

"Anh kia, anh đã giết hại bao nhiêu người rồi?" Songsam hỏi lại lần nữa.

Tokchae quay lại ngó anh rồi trừng mắt, cái trừng mắt dữ dội, mãnh liệt, môi mím chặt.

"Vậy là anh giết ít người thôi phải không?" Songsam cảm thấy đầu óc dễ chịu như là những chướng ngại vật đã được gở bỏ đem đi." Anh là Phó Chủ Tịch Công Đoàn Nông Dân Cộng Sản tại sao anh lại không đào tẩu chớ, anh bám trụ để thực hiện công tác bí mật phải không?"

Tokchae không trả lơi.

"Nói đi chớ. Công tác của anh là công tác gì?"

Tokchae vẫn tiếp tục đi. Thằng Tokchae chắc chắn phải giấu giếm điều gì đây, Songsam nghĩ. Anh muốn nhìn rõ mặt Tokchae, nhưng anh này luôn luôn ngó chỗ khác.

Đưa tay rờ rờ cây súng sáu đeo bên hông, Songsam nói tiếp: "Đừng có bào chữa vô ích, dầu sao anh cũng bị xử bắn mà thôi. Tại sao anh không nói thiệt với tôi lúc nầy?"

 "Tôi sẽ không bào chữa gì hết. Họ đặt tôi làm Phó Chủ Tịch vì tôi là một nông dân cần cù và là một người nghèo nhất, một bần cố nông. Nếu đó là một trọng tội thì thôi, chịu vậy. Tôi vẫn là tôi của thuở nào, điều duy nhất tôi biết là cày ruộng."  Sau một phút ngưng, anh nói thêm, " Ông già tôi đang nằm liệt giường tại nhà. Ông bịnh gần cả năm nay rồi."

Cha của Tokchae góa vợ, nghèo khó, cần mẫn, sống chỉ lo cho con cái. Bảy năm trước ông bị trặc xương sống, rồi ông lại bị một chứng bịnh về da.

 "Anh cưới vợ chưa?"

 "Rồi," Tokchae trả lời sau một giây ngập ngừng.

 "Ai vậy?"

 "Con Lùng."

 "Con Lùng à?" Ngộ ha! Cưới một người nhỏ nhí tí tẹo. Một người chỉ biết đất rộng mà không biết trời cao. Ngày xưa Songsam và Tokchae chọc phá con nhỏ nầy tới khi nó khóc mới thôi. Bây giờ họ lại lấy nhau!

 "Có bao nhiêu con rồi?"

 "Theo lời nàng nói thì đứa đầu lòng sẽ chào đời vào mùa Thu nầy."

Songsam cố lắm mới ngăn được tiếng cười phát ra. Mặc dầu miệng hỏi Tokchae có bao nhiêu con anh vẫn không thể không cười khi nghĩ đến hình ảnh con Lùng với cái bụng bầu và tấm vải quấn chung quanh cái bụng đó, nhưng anh chợt nghĩ rằng lúc này không phải là lúc cười cợt.

 "Dầu sao tôi vẫn lấy làm lạ tại sao anh không đào tẩu."

 "Tôi muốn lắm chớ. Họ nói khi quân Miền Nam tiến lên không ai có thể còn sống sót cho nên mọi người từ 17 tới 40 tuổi đều được cho di tản về phía Bắc. Tôi cũng muốn đi lắm, dầu phải cỏng cha trên lưng tôi cũng quyết ra đi. Nhưng cha tôi từ chối không đi. Thử hỏi có người nông dân nào lại có thể từ bỏ đất đai để ra đi trong khi mùa màng đang chờ gặt hái không chớ? Cha tôi già rồi cần có tôi đỡ đần và bão bọc gia đình. Tôi muốn ở bên cạnh cha già tới phút cuối để vuốt mắt nuối cho người phút lâm chung. Hơn nữa, nông dân như chúng tôi thì đi đâu chớ? Chúng tôi biết gì đâu ngoài chuyện cày sâu cuốc bẳm? "  

Songsam đã phải chạy trốn vào tháng Sáu năm nọ. Một đêm anh nói nhỏ với cha về chuyện xuôi Nam, nhưng cha anh cũng đã nói với anh tương tợ như vậy: "Nông dân thì đi đâu, đi để bỏ lại chuyện cày cấy rung nương à?" Cho nên Songsam bỏ ra đi một mình. Lội qua nhiều con đường lạ, băng qua những làng mạc chưa từng qua để về phương Nam, Songsam đã bị ám ảnh nhiều khi nghĩ đến cha mẹ già cùng con dại bị bỏ lại không lo xuể chuyện đồng áng. May thay, gia đình anh đã được an toàn.

Cả hai tiến qua khỏi ngọn đồi. Lần này thì Songsam vừa đi vừa quay mặt chỗ khác. Mặt trời mùa Thu chiếu nóng trên trán. Anh chợt nghĩ hôm nay là một ngày tốt trời để gặt hái.

Khi họ tiến đến chân đồi, Songsam đi chậm lại từ từ. Nơi xa ngoài kia, giữa đồng, một đàn hạc chùm nhum giống như một người mặc áo trắng đang khum khum. Đây là vùng phi quân sứ dọc theo vĩ tuyến 38. Hạc vẫn sống chỗ nầy như bao nhiêu năm về trước mặc dầu con người đã bỏ đất ra đi.

Một lần, khi đó Songsam và Tokchae khoảng 12 tuổi, hai đứa đã đặt một cái bẩy ở đây mà không cho ai biết, đã bẩy được một con hạc Tangjang. Chúng đã cột dây vào chân con hạc, mặc dầu đã trói cánh nó lại rồi. Cả hai ra thăm hạc hằng ngày, vỗ về cổ hạc, chơi trò cỡi hạc.... Rồi một ngày kia hai đứa nghe thiên hạ trong làng xì xầm bàn tán chuyện có người từ Hán Thành đến, có giấy phép đặc biệt của văn phòng trung ương để bắt hạc về làm mẩu. Nghe vậy hai đứa lật đật chạy ngay ra đồng, chuyện bị thấy, bị đòn bọng đối với chúng không thành vấn đề nữa. Chúng chỉ để ý đến số phận con hạc của chúng thôi. Rồi không chần chờ một phút nào, vẫn còn mệt không kịp thở sau khi chạy, chúng mở dây trói cho cả chân và cánh hạc, nhưng con hạc đi rất khó khăn. Chân nó yếu vì đã bị cột lâu ngày.

Hai đứa thảy con hạc lên không. Bất thình lình chúng nghe có tiếng súng nổ. Con hạc đập cánh một hai cái rồi chúi xuống đất.

Hai đứa đều cùng nghĩ chắc hạc của mình trúng đạn, nhưng ngay sau đó thì một con hạc khác từ một bui rậm kế đấy đập cánh, con hạc của hai đứa giương dài cổ ra, cất lên tiếng kêu trong trẻo, rồi biến mất trong trời rộng. Phải mất một khoảng thời gian lâu lắm hai đứa mới có thể đưa mắt rời khỏi bầu trời xanh nơi con hạc của chúng cất cánh bay.

Thình lình Songsam nói: "Ê! Tại sao mình không ngừng ở đây để bắt hạc? "

Tokchae đứng yên như trời trồng.

"Tôi sẽ dùng sợi dây này làm bẩy. Anh đuổi hạc về phía nầy. "

Songsam mở trói cho Tokchae và bò vào đám cỏ tranh cao. Mặt Tokchae nhợt nhạt trắng  "Dầu sao anh cũng bị xử bắn." Mấy lời nầy chạy lại mau trong trí anh. Bất cứ lúc nào cũng có thể có một hòn đạn từ phía Songsam bay về phía mình, Tokchae nghĩ.

Bò được vài sải, Songsam quay thật mau về phía Tokchae.

“Ê, tại sao anh lại đứng yên đó như hình nộm vậy chớ. Hãy đi đuổi hạc đi chớ.”

Cho tới lúc nầy Tokchae mới hiểu. Anh bắt đầu bò vào trong đám tranh.

Một cặp hạc đồng, loại hạc Tangjong, bay vút lên cao trên bầu trời Thu xanh trong vắc, nhịp nhịp đôi cánh dài.

dịch từ bản Anh ngữ