CHA TÔI UỐNG TRÀ
Ô
ng cha ta xưa thường nói “trà tam, tửu tứ”. Tuy nhiên, trong cái thú uống trà khi đón ngày mới, nhiều lúc chúng ta cũng không yêu cầu có ba người. Câu “bình minh nhất trản trà” – buổi sáng một chén trà là một minh chứng cho cái thú độc ẩm mỗi ngày lên, vậy.
Cha tôi già rồi, ông đã chạm gần khung thượng thọ. Nhờ ơn phước huệ, người cũng được đề huề dâu hiền rể thảo, con cháu nội ngoại tương tề. Tuy nhiên, mỗi buổi sáng uống trà, ông thích tự mình súc bình, chế trà, mà không cần sai bảo một đứa nào. Người con dâu hiếu hạnh đã biết ý của cha tôi. Sáng nào cũng thế, em dâu hiền lành của tôi chỉ nấu nước sôi, đỗ vào bình thủy, rồi đem đặt lên bàn của thân phụ tôi là xong.
Trước mặt, và về phía bên phải của nhà tường xây mái ngói, là cái giếng. Nước trong vắt, ngọt quanh năm, ngay cả khi mùa nắng nóng, nước vẫn không cạn kiệt. Nghe tôi khen cái giếng nước nhà mình, cha tôi nói. Con biết không, khi muốn tìm chỗ mạch nước tốt để đào giếng, thì mình chỉ cần xem nơi nào kiến vàng làm ổ trên cây mà thôi. Ổ kiến càng thấp, thì mạch nước càng nhiều. Bỗng nhìn lên mấy cây mãn cầu, cây ổi gần đó, tôi thấy cây nào, cây nấy cũng đầy ổ kiến vàng treo từng chùm.
Bước xuống ba bậc tăng cấp của hiên thềm nhà, cha tôi đến chỗ miệng giếng, cầm cái gàu nhựa màu đỏ, từ từ múc nước, rồi đặt cái gàu đầy nước lên nền giếng xi - mâng. Người súc bình trà, rửa chén uống nước. Thuận tay, ông múc vài gàu tưới lên đám lá dứa thơm, xanh kín một chòm quanh gốc cau. Nhìn lên ngọn cây cau, tôi thấy ổ chim cu sơ sài mấy cọng khô khoanh tròn. Chúng là loài chim lười biếng làm tổ.
Đem bình trà cùng với chén uống nước vào nhà, cha tôi đặt bình trà và để úp mặt bốn cái chén uống nước xuống khay trà vuông vức.
Cái bình uống nước trà của cha tôi không giống như cài bình trà của bác Hai, nhà gần bên cạnh. Có lần qua nhà của bác Hai, để ý chiếc bình sứ xinh xinh của bác ấy, tôi thấy có vẽ con cá vượt vũ môn. Đầu cá nhô cao, thêm mấy sợi râu dài cong theo, như đang ngúc ngoắc bơi lội, thở phì chùm bọt nước. Cái bình trà của cha tôi cũng to, cao, như cái bình trà của bác Hai, cũng có hai quai xách; nhưng vỏ của cái bình thì lại được vẽ theo kiểu khác. Một chú dơi xòe cánh bay riêng một góc. Con nai dương cặp sừng ngơ ngác bên hình ông lão tay trượng hiền hậu, chòm râu dài, Đứa bé đứng kề bên, dâng mấy quả đào tiên. Toàn cảnh thể hiện sự cách điệu của ý nghĩa PHƯỚC – LỘC – THỌ.
Cha tôi không uống nước trà bằng cái ly, mà ông lại dùng chén ăn cơm để uống. Bốn cái chén sành dùng uống nước, được phụ thân đựng úp mặt trong một cái khay vuông vức. Khay được khảm xà cừ tranh tứ bình hoa điễu ở bốn phía thành khay.
Cứ mỗi lần được cha tôi sai đi mua trà, ông thường dặn dò, con nhớ mua cho cha gói trà có vẻ hình con nai. Tôi nhớ hồi đó còn có loại trà gói, màu xanh đỏ, vẽ hình hai con phượng hoàng bay đối diện nhau.
Sáng nào cũng thế, cha tôi ngồi xếp tréo chân trên bộ ván mít nhẵn bóng. Bộ ván có từ thời ông nội tôi. Ngồi trước bình trà đặt trên chiếc bàn gỗ hình chữ nhật, ánh mắt người tư lự, xa xăm nhìn ra khoảng sân rộng; miệng bặp bặp ống cò điếu, trầm ngâm…Hình như ông đang lắng tâm hồn về một thời trai tráng oanh liệt của những năm ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở mặt trận Tây nguyên. Có lần tôi nghe cha tôi hát – xung phong lên đường nhằm Tây Nguyên ta tiến lên. Theo tiếng hú thiêng liêng, theo tiếng chim muông ngàn…Giục ta mau tiến bước sá chi núi rừng hiểm nguy. Ôi Tây nguyên bao la…
Một hôm, bác Hai nhà bên cạnh sang chơi. Khay trà và hai cái chén uống nước được bày ra như thường ngày. Khi bác Hai đã ngồi đàng hoàng vào chiếc ghế dựa như chỗ mọi lần, cha tôi cầm hai cái quai trên miệng bình rót nước mời bạn, nhưng cái vòi bị nghẹt, nước trà không chảy ra. Cha tôi ung dung ngậm vào miệng vòi, thổi phì phì mấy cái. Nhưng khi rót, nước trà vẫn không chảy theo vòi. Thấy vậy, bác Hai nhanh nhẩu nói, anh đưa đây. Khi cha tôi chuyển bình trà qua tay bác Hai, thì bác cũng lại tự nhiên ngậm miệng vào cái vòi bình trà. Ông thổi một hơi thật mạnh, rồi nghiêng cái vòi nhỏ cong cong. Nước trà nhẹ nhàng chảy vào chén. Hai người cùng cười xòa vui vẻ, trông hết sức thân mật.
Bình trà của cha tôi và sự giản dị một cách chất phác của những lớp người xưa ấy, cứ đi mãi theo tôi.
Bây giờ, mỗi khi đến thăm nhà bằng hữu vào dịp Tết, hay những ngày thường, được bạn mời nhắp chén trà thơm, đậm đà trong chén men sứ nhỏ nhắn,
xinh xinh; lòng tôi chạnh bồi hồi xao xuyến nhớ về người cha yêu kính của mình, và những buổi sớm mai của ngày xưa ấy…
.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ VạnGiả KhánhHòa .
Ô ng cha ta xưa thường nói “trà tam, tửu tứ”. Tuy nhiên, trong cái thú uống trà khi đón ngày mới, nhiều lúc chúng ta cũng không yêu cầu có ba người. Câu “bình minh nhất trản trà” – buổi sáng một chén trà là một minh chứng cho cái thú độc ẩm mỗi ngày lên, vậy.
Cha tôi già rồi, ông đã chạm gần khung thượng thọ. Nhờ ơn phước huệ, người cũng được đề huề dâu hiền rể thảo, con cháu nội ngoại tương tề. Tuy nhiên, mỗi buổi sáng uống trà, ông thích tự mình súc bình, chế trà, mà không cần sai bảo một đứa nào. Người con dâu hiếu hạnh đã biết ý của cha tôi. Sáng nào cũng thế, em dâu hiền lành của tôi chỉ nấu nước sôi, đỗ vào bình thủy, rồi đem đặt lên bàn của thân phụ tôi là xong.
Trước mặt, và về phía bên phải của nhà tường xây mái ngói, là cái giếng. Nước trong vắt, ngọt quanh năm, ngay cả khi mùa nắng nóng, nước vẫn không cạn kiệt. Nghe tôi khen cái giếng nước nhà mình, cha tôi nói. Con biết không, khi muốn tìm chỗ mạch nước tốt để đào giếng, thì mình chỉ cần xem nơi nào kiến vàng làm ổ trên cây mà thôi. Ổ kiến càng thấp, thì mạch nước càng nhiều. Bỗng nhìn lên mấy cây mãn cầu, cây ổi gần đó, tôi thấy cây nào, cây nấy cũng đầy ổ kiến vàng treo từng chùm.
Bước xuống ba bậc tăng cấp của hiên thềm nhà, cha tôi đến chỗ miệng giếng, cầm cái gàu nhựa màu đỏ, từ từ múc nước, rồi đặt cái gàu đầy nước lên nền giếng xi - mâng. Người súc bình trà, rửa chén uống nước. Thuận tay, ông múc vài gàu tưới lên đám lá dứa thơm, xanh kín một chòm quanh gốc cau. Nhìn lên ngọn cây cau, tôi thấy ổ chim cu sơ sài mấy cọng khô khoanh tròn. Chúng là loài chim lười biếng làm tổ.
Đem bình trà cùng với chén uống nước vào nhà, cha tôi đặt bình trà và để úp mặt bốn cái chén uống nước xuống khay trà vuông vức.
Cái bình uống nước trà của cha tôi không giống như cài bình trà của bác Hai, nhà gần bên cạnh. Có lần qua nhà của bác Hai, để ý chiếc bình sứ xinh xinh của bác ấy, tôi thấy có vẽ con cá vượt vũ môn. Đầu cá nhô cao, thêm mấy sợi râu dài cong theo, như đang ngúc ngoắc bơi lội, thở phì chùm bọt nước. Cái bình trà của cha tôi cũng to, cao, như cái bình trà của bác Hai, cũng có hai quai xách; nhưng vỏ của cái bình thì lại được vẽ theo kiểu khác. Một chú dơi xòe cánh bay riêng một góc. Con nai dương cặp sừng ngơ ngác bên hình ông lão tay trượng hiền hậu, chòm râu dài, Đứa bé đứng kề bên, dâng mấy quả đào tiên. Toàn cảnh thể hiện sự cách điệu của ý nghĩa PHƯỚC – LỘC – THỌ.
Cha tôi không uống nước trà bằng cái ly, mà ông lại dùng chén ăn cơm để uống. Bốn cái chén sành dùng uống nước, được phụ thân đựng úp mặt trong một cái khay vuông vức. Khay được khảm xà cừ tranh tứ bình hoa điễu ở bốn phía thành khay.
Cứ mỗi lần được cha tôi sai đi mua trà, ông thường dặn dò, con nhớ mua cho cha gói trà có vẻ hình con nai. Tôi nhớ hồi đó còn có loại trà gói, màu xanh đỏ, vẽ hình hai con phượng hoàng bay đối diện nhau.
Sáng nào cũng thế, cha tôi ngồi xếp tréo chân trên bộ ván mít nhẵn bóng. Bộ ván có từ thời ông nội tôi. Ngồi trước bình trà đặt trên chiếc bàn gỗ hình chữ nhật, ánh mắt người tư lự, xa xăm nhìn ra khoảng sân rộng; miệng bặp bặp ống cò điếu, trầm ngâm…Hình như ông đang lắng tâm hồn về một thời trai tráng oanh liệt của những năm ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở mặt trận Tây nguyên. Có lần tôi nghe cha tôi hát – xung phong lên đường nhằm Tây Nguyên ta tiến lên. Theo tiếng hú thiêng liêng, theo tiếng chim muông ngàn…Giục ta mau tiến bước sá chi núi rừng hiểm nguy. Ôi Tây nguyên bao la…
Một hôm, bác Hai nhà bên cạnh sang chơi. Khay trà và hai cái chén uống nước được bày ra như thường ngày. Khi bác Hai đã ngồi đàng hoàng vào chiếc ghế dựa như chỗ mọi lần, cha tôi cầm hai cái quai trên miệng bình rót nước mời bạn, nhưng cái vòi bị nghẹt, nước trà không chảy ra. Cha tôi ung dung ngậm vào miệng vòi, thổi phì phì mấy cái. Nhưng khi rót, nước trà vẫn không chảy theo vòi. Thấy vậy, bác Hai nhanh nhẩu nói, anh đưa đây. Khi cha tôi chuyển bình trà qua tay bác Hai, thì bác cũng lại tự nhiên ngậm miệng vào cái vòi bình trà. Ông thổi một hơi thật mạnh, rồi nghiêng cái vòi nhỏ cong cong. Nước trà nhẹ nhàng chảy vào chén. Hai người cùng cười xòa vui vẻ, trông hết sức thân mật.
Bình trà của cha tôi và sự giản dị một cách chất phác của những lớp người xưa ấy, cứ đi mãi theo tôi.
Bây giờ, mỗi khi đến thăm nhà bằng hữu vào dịp Tết, hay những ngày thường, được bạn mời nhắp chén trà thơm, đậm đà trong chén men sứ nhỏ nhắn, xinh xinh; lòng tôi chạnh bồi hồi xao xuyến nhớ về người cha yêu kính của mình, và những buổi sớm mai của ngày xưa ấy…