T hời tiết ngày càng thay đổi, cái nóng như đang tăng dần theo thời gian và cũng bởi do tàn phá thiên nhiên của con người. Rừng ngày càng cạn kiệt góp phần cho khô cằn nở dọc, nở ngang. Quê đã nóng giờ càng thêm nóng. Cái nóng không chỉ ở nắng ở gió mà còn ở cát sỏi khô khốc cùng với những con đường quê đã bê tông hoá tạo thành hiệu ứng nhà kính nóng hầm hập nên hầu như nhà nào cũng phải trồng cây chắn nắng.
Trồng cây thì không thể đôi tháng hay vài năm là cho bóng mát nếu đất khô cằn và nắng nôi, cây sẽ lâu phát triển và cũng do trồng trước nhà nên khó chọn được cây thích hợp. Vì thế người ta thường làm giàn để trồng những loại cây phát triển nhanh, có hoa đẹp, có quả hay lá và đọt non để ăn nữa thì càng hay.
Nhà có ít vườn đất thì người ta thường làm giàn chắn nắng trước nhà và trồng các loại dây leo có quả hay đọt non ăn được như su su, chanh dây, bầu bí, dưa leo, mướp đắng…Nhà có vườn rộng, có nhiều loài cây trái thì người ta làm giàn hoa trước nhà cho đẹp như hoa móng cọp, móng rồng, tử đằng, hoàng dương, hoàng anh, kim ngân hay thiên lý…
Người quê tôi thích trồng thiên lý bởi chúng có hoa đẹp, có thời gian sinh trưởng lâu, còn ăn thì lại rất ngon.
Tuổi thơ tôi lớn lên từ bóng mát của những giàn thiên lý ấy, cùng với những trò chơi từ lá và hoa của nó. Cũng nấu nướng như mẹ nhưng nấu bằng những vật dụng bằng nhựa đủ sắc màu. Cũng canh, cũng xào như mẹ nhưng đó là trò chơi.
Hoa thiên lý nấu với gì cũng ngon. Ngon đến nỗi không thể nào quên dù rằng ngày đó không có nhiều gia vị nêm nếm như bây giờ. Ngày đó mẹ tôi thường nấu canh hoa thiên lý với cá đồng hay tép sông là những thứ dễ kiếm và có rất nhiều. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa mùi tinh khiết của hoa và vị lãng mạn đến ngọt ngào của cua đồng hay tôm tép. Nó còn được tỏi, hành và rau mùi xả thân tương tác cùng với vị mặn mòi của các loại mắm quê nên bát canh tuy thanh đạm nhưng ngon đến nức lòng.
Hoa thiên lý xào tỏi cũng thế. Hoa thu hái về, nhặt lại rồi ngâm trong nước và rửa sạch. Chần nhanh qua nước sôi có pha ít muối bọt để khi xào rau có màu xanh khá tự nhiên nên rất đẹp. Ngày đó cũng chỉ có mỡ hay tóp mỡ là những thứ mà quê sản xuất và cung cấp cho mình được nên các món chiên, xào ở đây thường không thiếu.
Hoa thiên lý xào xong múc ra đĩa. Lấy vài tép tỏi đập dập rồi băm nhỏ nhưng không quá nhuyễn. Cho tỏi vào chảo mỡ đã nóng già, nhanh tay đảo đều. Khi tỏi vừa chín vàng là tắt bếp rồi trộn chung với đĩa hoa thiên lý đã xào khi nãy vào. Múc lại ra đĩa, rắc bột tiêu và ngò rí lên trên. Thêm vài quả ớt xanh, đỏ lên nữa thì món ăn trông thật bắt mắt.
Không biết hoa thiên lý có nhiều chất dinh dưỡng hay không nhưng những đứa trẻ cùng trang lứa tôi ngày đó cứ phổng phao mà lớn, lớn như thổi bởi hoa thiên lý không phải là khách mời mà là người nhà luôn có mặt trên mâm cơm của người dân quê tôi.
Cho đến bây giờ, dù hoa thiên lý được nấu canh hay xào với các loại thịt thà hay hải sản đắt tiền nhưng tôi cảm thấy không ngon và đậm đà như mẹ tôi nấu ngày trước. Có lẽ vì ngày đó quá thiếu thốn nên khi được ăn gì thì cũng thấy ngon và nhớ hoài hay chăng.