Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Tranh của André Lanskoy









GÃ ĐIÊN & CÂY CHUỐI





  C ông viên xinh đẹp của thành phố vừa làm xong, đêm đêm có ai đó đào bới vườn cỏ và trồng chuối, vài cây chuối chết khô quỵ xuống, có cây te tua “ông bù nhìn” gió thổi lắc lư ngỡ như bóng ma dưới trăng trong đêm vắng. Cuối cùng thì người ta bắt quả tang đối tượng. Nào ngờ là gã. Gã cười …hơ hớ...hơ hớ.

Từ khi gã nghỉ hưu non, lòng tham và giấc mơ hưởng thụ của cải của gã đã bị vỡ tan. Gã vẫn sống với những ý niệm nửa tĩnh, nửa mê khiến gia đình tan nát. Tội nghiệp “sông có khúc người có lúc”. Lúc này gã đang ở nơi cái tỉnh lẻ vừa lên thành phố, môi trường đang “hành hạ” tâm trí con người thời đại, đổi thay từng giờ đòi hỏi sự vận động để tồn tại.

Gã tự nguyện “lao động” với nỗi niềm “ăn năn muộn mằn”, gã đi trồng những cây chuối chỗ đất mà ngày xưa không ai khác chính gã đã ôm một cọc tiền “trên trời rơi xuống” và bây giờ thì gã “nhớ bài lai”.

Gã giãy thật mạnh, các nhân viên bảo vệ đang trói tay gã bị té nhào, gã đứng như trời trồng dang tay cười đắc ý: “Các người bắt ta, ngăn cấm ta làm việc thiện, các người là kẻ xấu”…hơ hơ…hư hứ.

♣♣

Gã nuôi “giấc mơ hưởng thụ” đeo bám giằng co nhưng tài hèn sức kiệt, gã bị đẩy ra khỏi một tổ chức cơ quan hành chính, mà gã từng luồn cúi chui vô bằng đồng tiền “trên trời rơi xuống”. Gã chưa vào tù vì tội tham nhũng nhưng tên tuổi, mặt mũi gã dân thành phố chẳng còn lạ.

Gã gào lên:

“Các ngươi cấm ta trồng chuối, ta làm là vì tương lai con em chúng ta. Cha ta nói vậy đó…”

Tâm trạng của một con người sau những thất bại trên quan trường, sám hối từ bi mỗi kẻ một đường, có nhiều cách suy niệm và thực hành ý niệm đó. Gã là người có “giấc mơ hưởng thụ” nên sống cho bản thân, cái thân thể gã đòi hỏi chất dinh dưỡng thì cái đầu gã phải hiểu cái dạ dày nó thích gì.

“Thế gian này có khối người thích ăn dơ uống bẩn, các ngươi chưa hiểu hả?”.- Gã hét lên vì nghĩ rằng mình là một nhân vật quan trọng lương thiện có uy quyền.

Gã thấy bao cặp mắt của con người ngơ ngát, gã chả thấy con mắt nào thân quen. Và gã lại trách: “Bạn bè lẩn trốn đâu mất tăm, đi tìm nhậu một chầu cho vơi nỗi buồn rầu cũng bị chúng nó bỏ rơi, đủ lý do “xin kíu”.

Không thấy ai trả lời, gã ngồi bệt xuống đất khóc than: “Thằng con trai tôi thi trượt Đại học, buồn bực bỏ đi mất tiêu không chuyện trò cha con gì sất”. Gã rên rỉ khi thấy cô đơn chính nơi gia đình mình. Người vợ mà gã luôn “quên nàng” trong thời gian còn quyền năng tại thế, gã bù khú chuyện công khi còn tại chức, mặc cho vợ năn nĩ “anh không thương em sao?”. Thương thì có mà gã không muốn sống cái cảnh “thua đời, cam chịu cô vợ quê mùa”. Gã “nẹt” cho một trận ra trò, nàng im re dọn về quê ngoại làm ruộng.

Gã quay lại càu nhàu chuyện thằng con, nó không làm như ý muốn của gã, nó cãi lại Ba mình như bọn thanh niên phim Hàn. Nó còn dạy lại gã “xưa Ba không cãi với Ông nội nhưng ba làm trái ý ông, giờ chẳng ra làm sao? Con có quyền sống theo ý niệm của riêng con. Không cần ba lo cho con. Con đã lớn rồi.” - Gã cho rằng thằng con bất hiếu, cũng như mẹ nó bất chung, không chịu đi trồng chuối với gã.

♣♣

Kể từ khi về hưu, nhà cửa tróng vắng xa lạ với gã, đến nổi cái công tắc điện vào phòng ngủ mà gã cũng không nhớ nằm trên tường hay dưới đất. Gã chưa quên và chưa dừng lại ý nghĩ chiếm đoạt của cải để làm giàu, bệnh của loại “quan chức mất chất”.

Đêm đến, khi cả thành phố người người lên giường đánh một giấc thật say thì gã lại tỉnh dậy ra Công viên thành phố trồng chuối để giữ đất. Giây phút mà hồn gã quay về quá khứ, gã nhớ: “Nơi đây là nhà của cha ta, cha ta thường ra vườn vào ban đêm rình kẻ trộm chuối. Ta phải bảo vệ cho cha ta”. Gã lại cười…hơ hơ…hơ hớ.

Trăng muộn. Gã đơn độc ra đường đi đến công viên…Một Lão già xuất hiện trong dáng hình một con người tiều tuỵ đau khổ. Gã nhìn thấy: “Ta phải làm gì với cái khoảng vắng của đêm và Lão già kia. Lão ở đâu ra, làm gì mà đêm nào ta đều nhìn thấy bóng Lão lơ mơ như ma ám”. - Gã động lòng cảm thông. Gã thức đêm cùng Lão, đồng hành lặng lẽ đi cùng Lão, chưa có ý định làm quen mà gã ngoan ngoãn chấp hành như có sức hút từ phía Lão già. Gã cảm nhận mọi vấn đề rắc rối khiến Lão già mất ăn mất ngủ rồi lang thang. Gã suy diễn Lão già kia xuất hiện cũng giống tâm trạng như gã vì đều đã nghỉ hưu. Lão già kia là ai trong cái thành phố này, gã chưa nhớ, chưa biết vì suy nghĩ của gã mỗi lúc một khác.

“Lão sẽ có bạn, nếu ta quyết tâm gặp. Có thể Lão sẽ không ngó ngàn gì ta và cũng có thể Lão thấy vui khi nhận được tín hiệu người bạn mới. Không cần biết trước đây Lão làm ở cơ quan nào, hoặc Lão làm cái việc quái quỷ gì khi chưa trở thành ông lão. Nhưng điều này thì ai cũng đón được, Lão đã hưu trước ta.” Gã lại nghĩ rồi mai này gã cũng trở thành lão già liêu xiêu cô độc trong đêm vắng. Tâm tư vướng bận đời, giải bày cùng người bạn đồng cảnh là tâm trạng mong có của gã lúc này. “Lão già có biết cảm giác này không?” Gã tin là Lão già kia còn cần hơn gã, cái tâm trạng của người thất vọng, thất bại. Gã “ăn năn” để bảo tồn, không như Lão già kia tiều tuỵ rồi chết thảm. Ngày mai “Vâng, ngày mai…ta sẽ trở lại quan trường gặp chiến hữu tiếp tục sống an nhàn trong lớp người hiện đại chai cứng cảm xúc. Ta luôn có giấc mơ và tin vào may rủi.”

Khu đất công viên thành phố, gió lồng lộng thổi, trăng lên cao, bầu trời càng thêm rõ các vì sao li ti, vũ trụ đứng yên chỉ có con người đang chuyển động. “Nơi này hình ảnh một vùng quê biến mất khi ta và Lão chưa gặp nhau. Cũng có thể gặp nhau khi ta còn là một đứa trẻ nhà quê ngây thơ khờ khạo”.

Đất quê lên phố khiến nhiều người ngơ ngát, cuộc sống dân quê yên bình bổng dưng xoay chiều lộn ngược “Đêm hôm qua là dân xã, sáng mở mắt ra thành thị dân, chỉ cần một cái giấy và con dấu đo đỏ”. - Gã thấy mình như người thông thái.

♣♣♣

Gã lại nhớ về kỷ niệm:

“Tôi thừa biết, thằng con trai nhà anh, nó đã từng lén vào nhà tôi lấy đồ vặt vì “đói thuốc”. Anh thì không hề hay biết mà lúc đó có biết đi nữa anh cũng không thể đem con anh đi bỏ tù. Tôi là người gần gủi anh, tôi rành cái khâu của một cán bộ cỡ bự còn đương chức. Chính vì cái sĩ diện của người quyền cao chức trọng mà thằng con trai anh dựa vào đã không thể sống đàng hoàng như những đứa trẻ mới bước vào đời khác. Nhiều lần nó điện thoại hỏi mượn tiền, tôi đâu có từ chối, biết anh chìu chuộng nó nên tôi đã làm vừa lòng cả cha lẫn con”. – Gã lại cười…hơ hơ…hơ hơ.

Chuyện này càng bí mật nếu gặp Lão già có hỏi về quá khứ, gã sẽ không bao giờ tiết lộ quá khứ: “Các chiến hữu của ta còn đang tranh nhau kẻ thắng người thua, cánh hữu, cánh tả ẩn chìm dưới nụ cười tươi roi rói và cái bắt tay cực kỳ lạnh”. Xã hội mới lòng người chai sạn, nhờ đó gã trở thành người hiện đại cũng chai mặt. Lột xác nông dân bỏ cày, bán ruộng mua quan, mua chức là nhờ có “ông anh chịu chai”. Lão già kia không thể có giây phút “lên mây” trong căn phòng máy lạnh, đi xe hộp, uống bia hộp, bù khú ăn chơi vũ trường, quán bar sau mỗi lần “duyệt Dự án”. Điều này chắc chắn gã nói càng. Mà sống như Lão già kia thì quá thiệt thòi. Gã xúc động thấy thương cho Lão già, chính xác hơn là tiếc vì cuộc đời này đã cho gã quá nhiều giấc mơ hưởng thụ mà thời Lão kia không có.

Bỗng dưng gã khóc:

“Cha ta lúc còn sống, ông luôn phản đối việc ta làm nên đời ông khổ cực. Ông sống trong thời ăn cơm độn khoai nên thân thể ốm nhom ốm nhách. Ông là quan chức liêm minh nên nghèo xác xơ, sống tiện tặn bằng đồng lương còi cọc hưu trí lỗi thời. Ta sống cực nhạy với thời cuộc, thời cuộc đã đã nuôi “giấc mơ hưởng thụ” của ta lớn lên nhờ biết bon chen, giàu nhờ ranh ma mà có. Thằng con trai ta thì nó “sống cho ngày mai”, nó không làm bạn với ta “sống cho hôm nay” thực tế và thực dụng. Ta đã vì nó mà dọn đường lót chỗ hẵn hoi…”

Gã lại ngưng khóc chuyển sang hung hăn chửi con mắn vợ: “Đ. Me, cái thằng chết dịch ấy. Mày sẽ hối hận thành quả của cha mày cho, rồi đây mày sẽ thất nghiệp, mày có đi mòn đường xin việc làm, tiền chẳng có thì cũng quay về nhà quê mà làm ruộng với mẹ mày”. Gã thôi chửi, ngồi thở, thè cái lưỡi ra liếm mồ hồi chảy xuống tận mép. Chưa biết gã toan tính tiếp theo sẽ là chuyện gì.

♣♣♣

Đêm xuống…

Gã lại đi ra công viên của thành phố trồng thêm những cây chuối mà gã nghĩ nên làm... “Trồng để đời sau con cái ta có chuối mà cúng ta, khi ta về với cha ta.”

Cái bóng Lão già xiêu quẹo lang thang trong đêm dưới mặt đất như cây chuối trước gió te tua chọc tức gã. Gã đón thời của Lão già kia cũng trăn trở không kém thế hệ gã. “Lão già khôn ngoan xí phần đất trồng chuối, cái Lão già quê mùa này muốn chết.”. Gã bước theo cười hơ hớ…hơ hớ.

Thời nào người nấy, sống cõi nhân gian đâu phải dễ, lọc lừa, dối trá, ác độc điều do con người gây ra cả. Thiên đàn xa vời vợi nên con người thường nghĩ ngắn ngủn và thực dụng. “Lão già kia có khôn mà cũng có dại, dám đương đầu với ta” Gã chẳng hình dung được cái bóng Lão giống ai mà gã biết; mặc xác Lão, gã lại cười… hơ.hớ…hơ hớ.

Khoảng cách của gã và Lão đã gần nhau. Gã giật mình, Lão già vẫn lắc lư đi trước, gã đã mệt cố theo càng lúc một gần mà không giáp được.

Trăng dọi nghiêng, cái bóng gã dài ra mấy chục mét, chạm tới một cây chuối te tua còn sót lại nơi công viên thành phố, đất dưới chân gã bị đào bới thành hầm hố làm gã té ngã mấy lần. Gã nhìn thấy Lão già tan vào cây chuối. “Thì ra đất vườn cha ta để lại, còn sót một cây chuối hương sắp bị đất lấp, loại chuối này cha ta rất thích ăn…hư hứ…hư hứ”.

Gã nhìn quanh chỉ thấy toàn cỏ xanh và ghế đá “Người ở đâu ra mà nhiều thế, cứ nghênh ngang vào vườn nhà ta trộm chuối…”. Và gã nghĩ mình đang ngồi trên chiếc xe tăng rượt đuổi họ…hơ hơ…hơ hơ.

Gã có được vợ con nhìn nhận hay gã bị tống vô nhà thương điên sau ngày bị bắt ấy thì không ai biết. Điều chắc chắn rằng “giấc mơ hưởng thụ và cây chuối” gã trồng nơi Công viên thành phố, gió thổi te tua…sẽ không tồn tại./.

2009