Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








MẤT HẾT






Ô ng hàng xóm mở cửa gian nhà, bật ngọn đèn bảy mươi nhăm oát sáng lên thứ màu vàng ệch, rồi cất tiếng nói:

- Anh vào đi!

Vừa bước vào nhà, một thứ mùi ẩm mốc xộc sâu tận não, khiến Năm hắt hơi liền liền. Vẫn xách cái túi du lịch to kềnh trên tay, Năm đứng nhìn ngơ ngác, như chưa bao giờ tới đây.

Bàn giao qua quýt tình trạng nhà cho Năm xong, ông hàng xóm bảo:

- Bây giờ gần ba giờ sáng rồi. Anh tranh thủ rửa ráy rồi đi nằm cho lại sức. Giờ này, vòi công cộng có nước chảy đấy. Chỉ tiếng nữa là mọi nhà lại lịch kịch xô chậu, tranh giành trước sau, khó mà ngủ được. Ở bên Tây chắc không thế. À mà thôi. Mai kia chúng mình tha hồ nói chuyện.

Năm tiễn khách và cảm ơn. Cánh cửa gian nhà khép lại. Anh nằm nhắm mắt nhưng đầu óc tỉnh táo như mới uống cà phê đặc. Gian nhà cấp bốn mục nát này mà bán được thì cũng chẳng còn. May thay, nhà trường không cấp cho Thị giấy chứng nhận để bán. "Nhà này, chúng tôi cấp cho anh Năm, chứ không cấp cho chị. Anh Năm vắng, chị muốn bán thì phải có giấy viết tay uỷ quyền của anh ấy". Thị cũng đã thư cho chồng nói rằng, bán gian nhà này để dồn tiền mua ngôi nhà tử tế hơn. "Chẳng nhẽ ba bốn năm xa vợ xa con sang bên ấy làm ăn, lúc trở về vẫn chẳng thay đổi được gì. Người ta cười cho". Nghe thấy phải, song Năm bảo hãy từ từ. "Đợi đến ngày anh về rồi tính cũng không muộn. Chọn nhà cửa cần thận trọng. Vì nó là sự lớn của cả đời người".

Thật chẳng còn biết thế nào mà lần. Cứ nghĩ sang Tây mấy năm cốt để cứu nhà, cho nên Năm cố cậy cục đi bằng được. Anh là kiến trúc sư không thuộc đối tượng tuyển dụng xuất khẩu lao động. Trước nay Nhà nước chỉ tuyển thợ thôi. Đợt sắp tới tuyển thợ xây, thợ hàn và lao động chưa biết nghề. Anh xin đi thuộc diện không có nghề thì quá tuổi quy định. Chạy chọt để sửa ngày tháng năm sinh xem ra cũng không dễ. Lại phải mò về quê tìm người mối lái bắc cầu. Mỗi cầu lại một lần quà cáp chìa ra. Không thế, đố xong. Cuối cùng anh xác định phải gấp gáp học lấy một cái nghề. Nghề thợ xây tưởng dễ mà khó. Đâu phải chỉ biết đặt hòn gạch theo cái dây căng ngang là xong. Còn khâu trát mới khó. Mà làm nghề thợ xây thì luôn phải phòng ngừa cái sự làm dối làm ẩu. Mọi sai sót đều có thể dẫn đến sụp đổ công trình và đe dọa tính mạng con người. Thế nên anh chọn học nghề hàn. Hàn thô, hàn xây dựng không mấy khó khăn. Từ nay đến ngày phải tập trung lao động xuất khẩu, anh dư thời gian để học nghề hàn. Đã có kíp thợ trên công trường do bạn anh chỉ huy thi công, hứa hướng dẫn. Lại rất may, dịp này đang nghỉ hè, anh không phải lên bục giảng.

Tám năm trước, sau khi nhận bằng tốt nghiệp loại ưu của trường Đại học Kiến trúc, anh được giữ lại làm công tác giảng dạy. Anh lưỡng lự vì còn mẹ già ở quê. Cụ chỉ mong con học hành tử tế xong, rồi về tỉnh công tác, để mẹ con sớm tối có nhau. Nghe anh kể chuyện, cụ bằng lòng cho con ở lại nhà trường. "Con có giỏi giang mới được ở lại. Thế là vẻ vang cho con. Cho mẹ. Cho cả cái họ Đỗ nhà ta. Chỉ cần con lấy vợ ở quê, để nó bên mẹ, là mẹ mãn nguyện lắm rồi". Anh bằng lòng lấy vợ như ý mẹ. Thị kém anh hai tuổi. đẹp nhất nhì xã. Vào loại tháo vát. Từ mấy năm trước, mẹ anh đã nhắm. Việc cưới xin diễn ra chóng vánh, không một trở ngại nào. Thị lấy chồng, trong đám trai làng có anh tiếc ngẩn ngơ.

Hơn hai năm sau mẹ mất, anh đưa vợ ra Hà Nội ở với mình. Biết rằng kiếm miếng cơm manh áo nơi thành thị có khó khăn hơn, song như thế anh bớt lo. Hàng tháng đỡ phải lặn lội chặng tàu xe mấy trăm cây số để được gần vợ một đêm. Rồi cô con gái đầu lòng ra đời. Cuộc sống vất vả tăng lên gấp bội. Cả nhà chỉ trông chờ vào khoản tiền lương tháng của anh. Mà tiền lương thì tằn tiện mới đủ nuôi nhau khoảng mươi ngày. "Tệ quá, sao mỗi tháng lại những ba mươi ngày, hả em?" - anh đùa. Muốn tồn tại, buộc anh phải nghĩ cách kiếm tiền thêm. Sửa via dép nhựa. Dán hộp giấy. Ép cao su ca ba. Quấn chui thuốc lá... Tất cả đều là những việc làm thuê, chỉ bỏ công sức, chứ không lo xuất vốn. Tuy thế, công việc cũng chẳng ổn định. Lúc có, lúc không. Nay việc này, mai việc khác. Tháng nào anh cũng phải vay mượn thêm. Nhiều lần anh đã bán non cái sổ gạo với giá rẻ mạt, để có mấy đồng chi ngay. Sau đó, lúc dạ dày cần gạo cần mỳ, thì phải mua với giá cắt cổ. Cái sự khốn khổ khốn nạn này đâu chỉ đổ xuống riêng gia đình anh. Trừ ít người giữ quyền cao chức lớn, được hưởng chế độ cung cấp đặc biệt dư thừa, còn lại toàn dân đều chung cảnh ngộ khốn cùng như nhau.

- Lẽ nào chịu bó tay sống mãi cảnh này, hả anh? - Thị hỏi chồng lúc đêm khuya.

- Cũng khó gỡ. Nhưng để anh xem.

Giá sống độc thân, anh không việc gì phải lo nghĩ. Nghèo toàn dân cơ mà. Mà nghèo chỉ là tạm thời. Nghèo do chiến tranh gây ra. Nay chiến tranh không còn. Cả nước đang bước vào thời kỳ xây dựng, ắt sẽ đến ngày đàng hoàng, to đẹp. Khi ấy đố mấy thằng Tây tư bản dám ngoác mồm khinh mình nghèo. Đểu thật, nó nói: "Trước kia thấy dân Việt chúng mày đứa nào cũng gày như xác ve, mặt xanh như lá cây, tao không hiểu. Nay sang Việt Nam tao mới rõ nguyên nhân. Thì ra chúng mày toàn ăn cỏ!". Đáp: "Chúng tao ăn cỏ nhưng đã đánh bại những đế quốc hùng cường!". Hiển nhiên là thế, nên nó chịu.

Nghĩ tương lai đất nước thì thênh thênh, mà sao cái gia đình nhỏ bé của anh giờ đây tắc tỵ đến thế. Thôi thì, vì vợ con, anh phải tạm tách mình ra để tìm lối thoát trước mắt vậy. Phải tìm cách cứu nhà. Không hy vọng giàu có, nhưng cần sớm bước qua cơn túng thiếu bĩ cực này. Anh đặt vấn đề với lãnh đạo nhà trường để xin đi lao động làm thuê ở nước ngoài.

Ông Bí thư Đảng uỷ nói:

- Nhà trường không có chủ trương cho cán bộ đi làm thuê, nhất là lao động đơn giản. Như thế nó phí cái chất xám đi. Đồng chí biết đấy, để đào tạo một trí thức như đồng chí thôi, phải mất gần hai mươi năm ăn học, rèn luyện, chứ ít đâu.

- Báo cáo anh, em biết là như thế, song hoàn cảnh nhà em nó quá khó khăn. Vợ chồng chúng em không biết dựa vào đâu để mà ổn định cuộc sống.

- Tôi biết. Tôi biết rất rõ gia cảnh đồng chí. Nhưng... để đồng chí đi làm thuê, tôi e nhà trường bị mang tiếng. Còn sợ vi phạm chính sách cán bộ của Đảng nữa chứ!

Cuộc đối thoại tuy giằng co nhưng đã kết thúc bằng việc anh giáo Đỗ Quốc Năm phải làm đơn trình bày hoàn cảnh túng thiếu và tự nguyện xin đi lao động xuất khẩu. Tuy nhiên, anh không được để lọt tin này ra ngoài. Ai biết, hãy nói là đi công tác.

Trước hôm bay đi nước ngoài, anh động viên vợ:

- Em yên tâm ở nhà. Chú ý giữ gìn sức khoẻ và nuôi con cẩn thận. Anh sẽ sớm gửi hàng về cho em.

Thị rưng rưng nước mắt:

- Em nhớ anh lắm… Em chỉ nhớ anh thôi!

- Anh cũng nhớ em. Nhớ cả con chúng mình.

Nỗi nhớ ấy được anh dồn cả vào cái đích "ra đi cứu nhà". Ngày đi, anh không có tiền mua hàng đem theo để kiếm lời, đành nhận chuyển thuê. Áp tải gần hai mươi kilogam hàng gửi, gồm quần bò, áo băng đạn, mì chính, măng, miến... anh nhận được tiền công bằng cả tháng lương. Số tiền ấy cộng tiền vay bạn bè, đủ để vợ con anh sống sáu tháng. Trong khoảng thời gian này, theo anh tìm hiểu, những người đi làm thuê có thể gửi hàng về nước.

Chưa đầy hai tháng sau, vợ anh bất ngờ nhận được gói hàng đầu tiên. Một gói vuông bó thật chặt, nhỏ chỉ bằng nửa cái gối mây của chồng, kèm theo lá thư ngắn như sau:

"Em thương yêu,

Anh gửi cho em 200 vỉ thuốc Analzin. Thuốc này về Việt Nam rất quý và được giá lắm. Em cần thăm dò kỹ thị trường, kẻo bán hớ. Chú Bình, người làng ta, làm tuỳ viên kinh tế ở sứ quán bên này, về nước công tác, nhiệt tình giúp anh chuyển gói hàng tới em. Chúng mình rất biết ơn chú ấy. Cước chú: Mọi thủ tục giao dịch và lệ phí vận chuyển, anh đã thực hiện đầy đủ. Em không phải lo việc ấy nữa. Anh hôn em nhiều nhiều. Ba thơm con gái nhỏ."

Thị không thể ngờ cái gói hàng nho nhỏ ấy lại có giá to đến thế. Hẳn nào, Thị từng nghe dân hàng nước kháo nhau rằng: Xách tay một va ly nhỏ thuốc tây từ Bungari về Việt Nam, giá trị bằng cả khối hàng to kềnh chở trên ô tô, là cái xe mô kích rước từ nước Đức.

Chưa nguôi niềm vui sướng, nghĩa là không đầy một tháng sau, Thị lại nhận được gói hàng thứ hai. Gói hàng do một sinh viên trường thể dục - thể thao sang thi đấu bóng bàn chuyển về. Cũng một gói thuốc tương tự lần trước. Lại thêm hơn chục mét vải các loại, "để em và con may quần áo. Anh chọn loại hoa may áo, em thích nhất. Lụa để may quần cũng là loại đắt tiền ở bên này. Em cần mua sắm thứ gì nữa thì thư cho anh".

Chú sinh viên giao hàng xong, tỏ ra vui vẻ lắm. Cứ nói đi nói lại với Thị: "May cho em quá. Không gặp được anh ấy thì em về nước tay không. Chẳng có gì biếu bố mẹ em ở quê. Mang giúp anh Năm, nhẹ nhõm thế này, mà anh ấy lo chu đáo cho em mọi thứ quà".

Thấy Bích - tên vợ Năm - trưng diện áo quần bộ nọ bộ kia, thiên hạ tung đủ lời bình. Gái nhà quê ra tỉnh nom cũng hay hay. Thì người đẹp vì lụa mà. Nhưng hãy coi chừng... Phía thị, tuy có nghe được những lời bình ấy, nhưng không phản ứng, thanh minh gì. Miệng thế gian như sóng biển, làm sao ngăn nổi. Thị dành sự quan tâm đến những gói hàng chồng gửi về. Có tiền, Thị nghĩ đến ăn chơi. Ăn chơi để bù lại những tháng ngày thiếu thốn xưa. Ăn chơi không cần nghĩ thương người chồng vất vả khổ sở nơi đất khách quê người.

Năm thì không một lời trong thư nói mình vất vả. Không cần để vợ con biết. Thấy chồng vất vả đâm sốt ruột sốt gan. ốm đau, ai nuôi con. Cứ biết có hàng thì nhận. “Ăn uống, chi tiêu đừng phung phí, em ạ. Còn phải tích luỹ chứ. Tích luỹ ngay từ bây giờ. Để sau bốn năm năm, vợ chồng mình có nhà cửa đàng hoàng với bát ăn bát để” - Năm bảo vợ thế. Nhiều tay sang Tây chết bởi ý nghĩ: Hãy ăn chơi nhảy múa một chặp đã. Lo gì! Sao không nghĩ những sự rủi ro có thể đến với mình bất kể lúc nào. Gặp rủi, thế là về nước tay trắng.

Nghĩ thế, nên vừa đặt chân đến nước ngoài, Năm liền bổ ngay vào cuộc tìm hiểu thị trường. Phi thương bất phú mà. Cái vốn tiếng Nga khá tốt, giúp anh nghe nói được nhiều tiếng Bun. Anh còn tìm mua luôn cuốn từ điển Bungari - Nga, để giúp mình kiếm ăn thuận lợi hơn. Thời gian đầu, anh trở thành phiên dịch cho anh em trong những cuộc lùng sục mua bán hàng hoá. Anh giúp họ. Họ giúp anh. Vốn liếng cũng ở đấy mà ra. Anh say sưa kiếm tiền như hứng sáng tác ở số ít nghệ sĩ dám sống chết với nghề. Đố ai xui nổi anh nghỉ một ngày kiếm tiền. Sau giờ ca kíp ở công trường xây dựng, anh lao vào nhặt nhạnh, không hề chê bai tiền ít tiền nhiều. Đi gần. Đi xa. Ngửi thấy nơi nào sàng sảy ra tiền là bổ tới quơ. Gặp dịp thì gửi về nước. Hoặc để trao đi đổi lại với đám người Việt mình. Bán cả cho dân Bun nữa. Hoạt động nhiều cũng mệt. Nhưng nghĩ có tiền là sảng khoái, khoẻ như được uống thứ thuốc tiên vậy. Tiền là tiên là phật - là sức bật tuổi già - là đà danh vọng - là lọng che thân - là thần công lý... Chẳng biết thằng cha nào là tác giả mấy câu đúc kết hết ý ấy? Có lý lắm. Thực tiễn lắm. Cũng như anh, nhờ thực tiễn mà khôn dần lên. Từng chết mấy phen, chứ đâu chỉ thông đồng bén giọt. Vài năm sau anh trở thành kẻ có máu mặt trong đám người Việt ở cái thành phố Sôfia này. Nguồn tích luỹ chủ yếu từ hoạt động thương trường góp lại. Còn khoản thu nhập trên công trường xây dựng mỗi tháng trên dưới ba trăm Lêva, trừ ăn tiêu, giỏi lắm thì để dành được một phần ba. Trong khoảng thời gian này, anh gửi hàng về cho vợ đúng mười lần, chiếm hơn một nửa số vốn gom góp được. Hàng về Việt Nam, ít ra cũng lãi gấp hai lần rưỡi. Thế là vợ con anh thoát cảnh khốn khổ khốn nạn trước kia.

Lá thư dưới đây Năm viết cho vợ sau khi gửi chuyến hàng qua đường biển:

"Em yêu thương,

Ở nơi xa xôi này, anh làm ăn tuy vất vả nhưng sức khoẻ vẫn tốt. Cái rét dưới không độ chẳng làm anh chùn bước "hoạt động cách mạng" cứu nhà. Ngoài giờ lao động trên công trường xây dựng, vẫn không ngừng lùng xục ngày đêm. Anh nặng hơn xưa trên chục kilogam. Mặt tròn như cái đĩa. Hết dáng hom hem ông cụ rồi. Mới thấy ăn uống đầy đủ là vô cùng quan trọng. Ở nhà, mẹ con em không nên hà tằn hà tiện. Cốt không lãng phí là được.

Chuyến hàng sắp tới em sẽ nhận tại cảng Hải Phòng. Anh đóng kiện sắt cẩn thận. Đúng một mét khối. Trong đó có cả tủ lạnh Hitachi. Phải thuê ô tô chở đấy. Em nhớ kiểm tra kỹ khi giao nhận hàng. Nghe nói có nhiều vụ bị "rút ruột" đấy. Không thể dễ tin người được đâu. Số hàng anh gửi lần này trị giá hơn hai nghìn Lêva. Em bán đi rồi chuyển ngay thành vàng hoặc Đôla cho chắc ăn. Giữ tiền mình không nên, vì liên tục mất giá.

Số vải vóc anh sắm cho con và em, đều đã đánh dấu cụ thể. Em lưu ý xem có bị đánh tráo không. Về nhà cửa: Em có thể mua sắm vài thứ cần thiết, như bộ sa lông, cây quạt... để đỡ trống trơn.

Chúc mẹ con em vui khoẻ, luôn nhớ đến anh. Như anh lúc nào cũng nhớ mẹ con em, và gặp cả trong những giấc mơ. Còn hơn năm nữa anh mới hết hạn đi "cứu nhà". Tất cả vì sự “Đổi đời” nên anh không về phép để khỏi tốn kém. Thôi thì, cả hai chúng mình cùng cố chịu đựng...".

Năm chẳng biết vợ mình thế nào, chứ sức chịu đựng của anh thì mọi người nể lắm. Rỗi rãi chỉ ở nhà ngủ. Để lấy sức "hoạt động cách mạng". Không cờ bạc. Không đàn đúm trai gái. Một lần, giữa đêm khuya thức giấc, thấy một cô gái đang vòng tay ôm choàng ngực mình, anh ngồi bật dậy, biến khỏi phòng. Anh biết, bọn cùng bơlốc cố tình bố trí thế. Để chúng chứng minh rằng: Một trăm phần trăm trai gái sống xa nhà dài hạn, dù đã có vợ có chồng, đều cặp đôi tất. Anh nói: "Các bạn hãy coi mình thuộc không - phẩy - mấy - phần – trăm trong số anh em tha phương cầu thực, chấp nhận sống lạc lõng cô đơn. Đừng nghĩ mình lên gân dạy đạo đức các bạn. Xin hãy tôn trọng cách sống riêng của nhau". Quả thật, anh là trường hợp cá biệt, khó thấy trong đám người đi làm thuê trên đất khách. "Kiếm tiền để đốt luôn vào những cuộc ăn chơi sa đoạ thì đừng kiếm còn hơn. Nên nhớ rằng, chúng ta xa đất nước, xa cha mẹ già, xa vợ con là để "cứu nhà", chứ không phải đi rông chơi". Đấy là những điều tâm sự của anh. Tuy anh sống có nhiều điểm khác số đông, song anh em không phải phòng ngừa. Họ và anh tình cảm chan hoà. Ngày ngày vẫn dắt tay nhau cùng truy tìm những phi vụ kiếm ăn.

Gần hai năm cuối, những gói hàng của anh cứ đều đặn gửi cho vợ con. Mua hàng gửi về nhà chắc ăn hơn giữ tiền giắt lưng trong lúc tha hương. Khi đến hạn về nước, anh nhẹ tênh bước lên máy bay, khỏi phải cồng kềnh hàng họ quanh người. Mà hàng họ theo người sẽ không tránh khỏi trăm nỗi phiền hà. Qua mỗi chặng chuyển tiếp lại một lần kiểm tra. Cái xilíp cũng phải giở ra. Còn phải giải đáp cả những câu hoạnh hoẹ của đám gác cửa nữa chứ. Hàng do đâu mà có? Sao lại nhiều thế? Sao?... Sao?... Tức đến toát mồ hôi. Lúc ấy càng thấy nhục nhã cái thận phận đi làm thuê. Nhục không kém những đận xếp hàng rồng rắn, cuối cùng chỉ để nghe lời thông báo: Ngừng bán hàng cho người Việt Nam! Sao người Việt Nam không được mua hàng? Có trời cũng chẳng giải đáp thoả đáng được. Cũng như trời không thể biết vì sao người Việt đi làm thuê, khi về nước không được đem Đôla Mỹ. Mà quy định ấy chỉ áp dụng cho người Việt thôi! Thèm cảnh mấy anh nước khác đi làm thuê. Ra về, họ chỉ gọn một cái túi xách tay, chứa Đôla. Thậm chí, Đôla của họ đã được gửi về nước qua đường dây chính thống rồi. Chứ đâu như cánh làm thuê Việt Nam, vơ từ chổi cùn rế rách đem về, lồng cồng lềnh kềnh, vất vả, mà giá trị thì chẳng ra gì.

Không ai đoán chắc trong bốn năm đi làm thuê, Năm có bao nhiêu tiền. Chỉ biết, với hơn hai trăm anh em cùng chuyến đi, Năm thuộc số ít người có nhiều tiền. Tiền đủ sức cứu anh đổi đời. Nhưng mà chẳng biết thế nào. Cứ như lời một người bạn thì, vợ Năm có người tình. Nửa năm trước khi hết hạn hợp đồng lao động, người bạn này nghỉ phép trường hợp đặc biệt. Khi đem gói hàng đến giao cho Bích, giữa ngày mà chờ mãi mới thấy mở cửa. Trong gian nhà hẹp, không nơi ẩn nấp, người đàn ông tỏ ra lúng túng. "Chẳng phải hai người đã ngủ với nhau thì chặt đầu tớ đi!" - anh ta quả quyết. Đương nhiên là, lời mách bảo này có làm cho Năm nghi hoặc. Biết vợ là người đa tình nhưng Năm chưa thể khẳng định nguồn tin của bạn thực hư thế nào. Mà nếu đúng thì sao đây? Sao mặc sao, với những tháng ngày còn lại của chuyến đi, Năm cứ phải ra sức nhặt nhạnh để tăng thêm vốn tích lũy. Nhưng Năm không gửi gì cho vợ con nữa, dù trong thư kèm gói hàng nhờ người bạn nghỉ phép chuyển tới Thị, anh có nói: "Từ nay đến sát ngày anh về, em sẽ nhận một hoặc hai thùng hàng nữa. Thế là gọn nhẹ khi anh bước lên máy bay… để gặp lại em yêu cùng con gái Quyên Quyên. Hãy chờ anh!".

Thật tiếc thay, Bích đã không chờ chồng. Mấy năm qua Thị chỉ chờ những gói hàng của Năm thôi. Để có tiền thoả sức chơi xa chơi gần. Và nghe anh chàng người tình bày mưu tính kế cho tương lai.

Một tháng trước ngày về nước, Năm nhận được lá thư Thị gửi:

"Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 1986

Anh thân yêu, trước hết xin anh tha tội cho em. Vì em đã phụ bạc tình yêu của anh. Em không xứng làm vợ anh nữa!

Em phải thú thật với anh, trước khi chúng mình là vợ chồng, em đã có người tình. Anh ấy cùng làng. Không nói tên chắc anh cũng đoán ra. Nhưng, em đã bị sức mạnh nơi anh cuốn hút: Một trí thức, một thày giáo đại học ở Thủ đô. Tuy vậy, mối tình giữa em và anh ấy vẫn còn. Em không đủ tỉnh táo và dũng cảm để bứt khỏi anh ấy. Vì anh ấy hằng ngày luôn ở bên em. Còn anh thì xa. Một vài tháng chúng ta mới có dịp gặp nhau trong chốc lát. Mối tình giữa em và anh ấy chỉ bị gián đoạn khoảng thời gian em ra Hà Nội ở bên anh. Nếu không có cuộc anh đi xa, hẳn là em chẳng còn cơ quay lại với anh ấy. Nhưng anh đã đi xa. Đó là cơ hội tuyệt vời để chúng em nối lại mối tình xưa!

Nay không còn lý do gì, cũng không cần thiết để em phải giấu kín mãi mối tình ấy. Em không đòi hỏi gì hơn nữa ở anh. Em cần công khai với anh. Để chúng mình chia tay mà không còn điều gì khó hiểu.

Em cũng nói với anh thêm cái lý do em và anh ấy không thể không có nhau. Nó như cái dây cột chặt em với anh ấy. Đó là Quyên Quyên. Quyên Quyên đích thực là con anh ấy. Khi anh xa nhà, con bé chưa đầy một tuổi, nên anh không nhận dạng rõ ràng được. Hơn nữa, là con gái nên nó càng giống em như đúc.

Đọc thư này, em biết, anh sẽ căm thù em. Vâng, anh có quyền, được quyền. Em rơi vào trường hợp anh, em cũng sẽ lồng lộn như anh, hơn anh, giống con thú dữ. Đàn bà mà!

Lời cuối, em chỉ biết cầu xin anh tha thứ và sớm quên em đi. Ngày mai, em và Quyên Quyên sẽ cùng anh ấy đi rất xa. Vĩnh biệt anh!"

Lá thư ngắn nhưng đủ sức mạnh quật Năm đổ vật xuống giường, như bị dòng điện mạnh bất ngờ chuyền vào cơ thể. Mặc mọi người kháo hỏi nguyên nhân, Năm không mở miệng, như bị cấm khẩu. Hôm sau, hôm sau nữa, anh nghỉ làm việc. Bỏ cả ăn. Nhớ cái lần đi ôm hàng, trên đường bị bão tuyết vùi suýt chết, Năm phải nghỉ cả tuần lễ. Rồi lại khoẻ như không có trục trặc gì vừa xảy ra. Cú sốc này, anh chỉ nghỉ hai ngày, song di chứng để lại sẽ rất lâu. Sẽ không bao giờ anh quên cái mối tình lừa lọc khốn kiếp này. Thế là mất sạch. Mất hết. Cả tình. Cả tiền. Tình yêu đi, rồi sẽ có tình yêu khác đến. Tiền mất, rồi sẽ lại làm ra. Song anh không còn cơ hội kiếm nổi mấy chục nghìn Lêva, để bù vào khoản Thị cuỗm đi. Số tiền lớn ấy anh đã chuyển thành hàng hóa gửi về Việt Nam, giá trị tăng gấp mấy lần. Vốn lãi dư sức để anh có ngôi nhà to đẹp đàng hoàng với đầy đủ giường tủ, tivi, xe máy… không thiếu thứ gì. Lúc này, ngay tại Hà Nội, không mấy người có số vốn lớn như thế. Mất mát đã đánh quỵ anh. Nhưng anh lại mau chóng vùng dậy. Vùng dậy bằng bản lĩnh không cam chịu đầu hàng trong con người anh. Phải vùng dậy mới mong bù đắp được phần nào cái đã mất đi. Để ngày về nước, anh không đến nỗi trắng tay.

Biết sự việc, Lêna - cô gái Bungari có thân hình mảnh nhỏ như người Việt Nam, theo dõi kỹ thuật trên công trường, khuyên anh ở lại. "Rồi chúng mình sẽ cưới nhau". Như Lêna quý anh, anh cũng quý cô. Song anh không thể không trở về Việt Nam. Bất giác, anh thấy xa lạ với không ít trường hợp, một anh con trai Việt Nam bé tẻo bé teo dám làm chồng cô gái Tây có khối cơ thể nặng gấp hai mình, với cặp mông to bằng hai cái thúng.

... Và anh đã trở về Việt Nam. Anh đang nằm tại gian nhà hôi hám, mục nát của mình. Chốc chốc bụi bặm lại rơi lả tả xuống mặt. Nỗi cô đơn ùa đến thật buồn. Tại sao anh lại bỏ nhà ra đi? Bởi cái nghèo! Cái nghèo buộc anh phải bôn ba lặn lội để cứu nhà. Rốt cuộc, không cứu nổi. Bốn năm khốn khổ, nay anh vẫn gần như trắng tay. Thị đã cuỗm hết tiền bạc của anh. Thị đã rứt bỏ anh để ra đi vĩnh viễn.

Ôi cái nghèo! Cho dù anh quẫy đạp thế nào cũng không sao thoát. Cái nghèo đã làm gia đình anh tan nát. Làm anh mất hết! Trên đất nước nghèo khó này, hỏi có bao người cùng cảnh ngộ như anh?



Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HàNội ngày 16.9.2020 .