Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




XE TAY HÀ NỘI XƯA…





  T rong ký ức của tôi vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm sung sướng, thích thú hồi thơ bé…Tôi hay được theo Ba tôi đi các nơi; Lúc đi xa-thăm hai ông bạn thân cũng là hai ông Thông gia của Ba tôi một ông ở phố Châu Long, một ông ở trên Bưởi; Lúc đi gần-đi cắt tóc hay mua Văn phòng phẩm, mua sách…

Đi xa phải đi bằng tầu Điện, Ba tôi dắt tôi đi bộ một quãng ra Ô Cầu Dền, có bến tránh tầu Điện ở đó. Mỗi lần như thế tôi quỳ trên chiếc ghế băng nan gỗ quay mặt ra cửa sổ Tầu ngắm đường phố rất khoái chí vì được đi cả một chặng dài.

Tôi cũng khoái chí không kém khi đi gần, được ngồi Xe Tay.

Thường thường cứ nửa tháng hoặc một tháng tôi được đi một lần như thế.

Đứng trên vỉa hè, trước cổng nhà, Ba tôi giơ tay vẫy gọi:

- Bác Xe! Bác Xe!

Nhiều lần như vậy nên tôi mới nhớ Ba tôi không bao giờ gọi cộc lốc: Xe! Xe!...như nhiều người khác. 

Một bác phu xe kéo chiếc Xe Tay nhanh nhẹn chạy tới hạ càng xe xuống, lưng hơi khom hỏi lễ phép: 

- Thưa Ông, Ông và Cậu đi đâu ạ? 

Ba tôi nói địa điểm… 

- Mời Ông và Cậu lên Xe ạ! 

Ba tôi dắt tôi bước lên xe, sau khi yên vị, bác phu xe bắt đầu nâng càng lên và kéo xe đi. Tôi khoái chí được ngồi cao lênh khênh trên chiếc Xe “chạy” bon bon êm ái. 

Xe Tay hồi đó làm bằng sắt có đôi càng dài nghêu, hai bánh to tướng bọc cao su, ghế ngồi có đệm rất êm, đằng sau lưng người ngồi có mui xếp, khi nắng hoặc mưa mới căng lên che. 

Sau này lớn lên tôi mới được biết Xe kéo (Xe Tay) khai sinh tại Nhật Bản, vào đầu kỷ nguyên Minh Trị, năm 1868. 

Còn ở Hà Nội, vài chiếc xe kéo được xuất hiện lần đầu tiên năm 1883 do Ông Toàn Quyền Đệ Nhất Bonnal đã cho phép đem từ bên Nhật sang. 

Đến năm 1884, một nhà thầu Pháp cho chế tạo khoảng 50 chiếc xe kéo cho cả miền Bắc. Từ đó chiếc xe kéo đã dần dần trở thành một bộ mặt quen thuộc trong thành phố Hà Nội. Nó xuất hiện một năm sau chiếc xe hơi Âu Châu đầu tiên và một năm trước xe Tramway kéo bằng ngựa. 

Tôi cũng được nghe mẹ tôi kể về thân phận cực nhục của các bác phu xe, hàng ngày không nộp đủ tiền bị chủ đánh đập rất dã man. 

Lớn lên nữa, lúc đã đi học, biết suy nghĩ tôi càng hiểu rõ hơn về thân phận các “Bác phu xe” qua truyện ngắn “Ngựa Người Người Ngựa” của nhà văn lỗi lạc Nguyễn Công Hoan. 

Xe Tay Hà Nội xưa không bao giờ phai nhạt hình bóng trong tôi… 



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ HàNội ngày 16.9.2020 .