M ùa đông năm 1949, làng quê tôi đang bị địch tạm chiếm. Tôi theo cha tôi tản cư vào rừng, cách làng không xa lắm. Hồi ấy mặc dù tuổi đã cao nhưng cha tôi là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh địa phương nên phải bám dân, trực tiếp chỉ đạo phong trào. Chúng tôi sống trong những chiếc lán nhỏ gần bờ suối, che tạm bằng đủ thứ lá cây. Trong lán là một cái sạp ghép bằng cành cây khấp kha khấp khểnh. Lán chúng tôi ở có 4 người lớn, đều là cán bộ Mặt trận và tôi - một thằng nhóc con. Cha tôi là người lớn tuổi nhất trong số bốn người. Năm ấy tôi mới lên bảy, suốt ngày chơi quẩn quanh bên lán giữa các người lớn tuổi. Khi nào rỗi, cha tôi- vốn là một nhà Nho- mới dạy truyền khẩu cho tôi những câu chữ Nho hoặc một số bài thơ của các cụ Tam nguyên Yên Đỗ, Tú Xương, Hồ Xuân Hương... Tôi thuộc khá nhiều thơ cổ là vì vậy.
Một buổi sáng rảnh rỗi, vào khoảng tiết đại hàn, giáp tết, gió mùa lạnh buốt. Trên mình mỗi người chỉ có độc một bộ áo quần mỏng mảnh, vá víu nên ai cũng rét run cầm cập. Thường thì, theo "nội quy", ban ngày không được trải chiếu (sợ chóng rách không có mà nằm). Cả bốn người và tôi ngồi trên một lớp lá khô, chổ dày chổ mỏng, gió lùa từ dưới sàn lên càng rét. Cha tôi ngồi đánh cờ tướng với một ông, còn hai ông khác ngồi chầu rìa với chức danh “quân sư" cho hai phía. Gió cứ luồn theo khe núi , rít lên từng cơn, thổi thốc vào lán. Rét quá không chịu được, một trong hai ông “quân sư” đề nghị cha tôi cho trải chiếu ngồi. Mọi người đứng dậy, ông “quân sư” lấy chiếu ra trải rất cẩn thận rồi nhảy tót lên ngồi ngay vào giữa, rung đùi khoái chí. Mọi người lần lượt lên ngồi để tiếp tục cuộc chơi. Bỗng nhiên trong đầu tôi loé lên một câu chữ Nho mà có lần tôi đọc được trong tập vở cũ của anh cả tôi. Tôi buột miệng đọc luôn:
-Vi nhân tử tọa bất trung tịch!
Cha tôi và tất cả mọi người như sững lại rồi không ai bảo ai phá lên cười ngặt nghẽo, cười như không thể nào dừng lại được! Còn ông “quân sư” thì tất nhiên là hơi ngượng nhưng cũng cố gượng cười theo! Không ai hiểu được vì đâu mà một cậu bé 7 tuổi lại có câu ứng khẩu hay đến vậy!
Câu mà tôi đã đọc được trong quyển sách của anh cả tôi ghi đầy đủ là:
Vi nhân tử tọa bất trung tịch, hành bất trung đạo, tựa bất trung môn !
Nghĩa là: Phận làm con ngồi thì không ngồi giữa chiếu, đi thì không đi giữa đường, đứng thì không đứng giữa cửa !
Khi ấy tôi chỉ là một đứa bé, có biết châm chọc ai đâu!Chuyện ông “quân sư” hồi ấy chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng bây giờ nhiều lúc nhiều nơi người ta thường đứng ngồi tuỳ tiện,
cứ tìm cách giành lấy chỗ tốt về mình, ít khi biết kính trên nhường dưới, càng không biết xác định đâu là vị trí đích
thực mà mình nên chọn. Đó là chuyện chẳng nhỏ và càng không phải chuyện cười!
Hè 1995