BÀ VÉ SỐ
M ưa. Mưa như cầm chĩnh đổ, gần tới tiết đông chí mà mưa to thế này là hơi lạ. Bà Gio bước vội vô hiên nhà người ướt đẫm lạnh cóng nhưng chưa đi thay đồ mà lại lo cất tập vé số. Phải thôi!. Dù bọc kỹ mấy lớp ni lon vẫn sợ ướt, vé số ướt rách nát là chết! Coi như cả hai phần ngày lặn lội đi bán bỏ công tiền lời không đủ đền cho đại lý!.
"Không hề chi!"
Bà Gio bỏ bụng mừng.
Bảy tám tuổi bà Gio lại đi làm một việc tưởng nhẹ mà không nhẹ chút nào.
Đời mà... Ai ngờ. Bà Gio ngày xưa cũng đề hùê gia thất giống bao người nay hẩm hiu sống cô đơn trong ngôi nhà ngói ba gian xây hồi con trai bà còn ở quê chưa đi Sài Gòn.
Khi ấy làm gì có xi măng như giờ, vữa xây toàn vôi bột đá với cát thêm loại xi măng Thủy Tú mác thấp nên nay đã tới thời xuống cấp nặng tường bằt đầu bong tróc từng mảng loang lỗ may mà có rườn cột bằng gỗ chò gỗ lim chứ không dễ đã sụp!.
Khi chiều tạnh mưa bà Gio đi nộp cho đại lý số vé còn lại. Khổ. Đi bộ kiểu những người bán vé số thì ai cũng biết nhưng bà Gio mà hằng ngày lội bộ cả thảy chục cây phải nói có trời nuôi bà!. Người có sức khỏe đã ngán huống gì bà đi chậm chạp hai tay lại run lẩy bẩy... Thấy như vậy ai cũng thương cũng muốn mua vé số giúp bà nhưng ở miền quê còn nhiều khó khăn lấy tiền đâu mua vé số ngày một nên đành chịu.
Người bán vé số ngày một đông toàn là ông bà già không nơi nương tựa nghèo khó, người tàn tật, người thất nghiệp... Đại lý, công ty chủ quản mới có công việc cấp vé số với một mức khấu hao tiền gọi là công đi phát hành. Ai giỏi lặn lội giỏi mời mọc hoặc ngày lễ ngày tết có dịp bán nhiều vé có được tiền lời đắp đổi ngày công còn không dễ gì. Người bán vé số lao động công nhựt ngày thường đã khó gặp hôm ốm đau càng khó hơn.
Gặp mưa lạnh bà Gio cảm sốt cao nằm mê man...
"Mẹ à!"
Hai Hiên lay lay rồi gọi mấy lượt mà mẹ không động đậy. Mọi khi thường có vợ và con cùng về lần này một thân một mình lại về đúng lúc mẹ đang bệnh. Phải chi trước đây chẳng nhằm nhò; chỉ cần chạy xuống thị trấn đưa thẻ ATM vô máy một phút sau có ngay mười hay muốn hai mươi triệu đồng cũng được vì trong tài khoản lúc nào vợ cũng bỏ trong đó trăm triệu đồng là bình thường. Hai Hiên lúc ấy người phốp pháp dù có giản dị mấy không thể gọi gì khác "đại gia". Hồi chưn ướt chưn ráo vô đất Sài Gòn nói tội chớ Hai Hiên chỉ có vỏn vẹn năm phân vàng mà vàng của bà Gio đưa chứ Hai Hiên có máu cờ bạc có tiền triệu chỉ ngồi chặp sạch trơn ngay. "Cờ bạc là bác thằng bần" xưa nay mấy ai không biết nhưng người có máu đánh bạc không dễ bỏ trừ tán gia bại sản.
"Ông xài tiền như của Cai Nghi(*) như thế bảo ai làm ra cho kịp!"
Câu nầy Hai Hiên nghe không biết bao nhiêu lần rồi. Lần này căng như dây đờn.
Vợ Hai Hiên nói gằn từng tiếng một:
"Ông liệu tự tính!"
Tự tính kiểu gì bây giờ khi mà hơn mười mấy năm qua mọi chuyện buôn bán giữa đất Sài Gòn một mình Lo - vợ của Hai Hiên - gánh vác. Nói cho công bằng đâu hai ba năm đầu sau ngày cưới nhau vợ chồng cùng nhau làm dữ lắm cho đến lúc có của ăn của để Hai Hiên mới dang ra. Ban đầu Lo không tị nạnh công việc dẫu lu bù nhưng đâu vào đấy chỉ cần giỏi tính toán thôi mọi chuyện có người làm đỡ đần tất cả. Sau lên công ty thì càng tiện hơn Hai Hiên tiếng là Hội đồng quản trị nhưng tình thiệt có làm gì ngoài lên xe chiều chiều đi đánh tennis.
"Tôi hỏi ông. Tháng rồi ông làm gì hết năm trăm triệu?"
Hai Hiên ngồi gục đầu trông thiểu não. Mà Lo chưa biết hết mọi chuyện. Hiện giờ Hai Hiên rối như tơ vò. Không chỉ trăm triệu mà cả tiền tỷ Hai Hiên cũng đã nướng sạch trong mấy lần độ banh.
Trời lại mưa nặng hạt. Ngôi nhà ảm đạm lạnh lẽo.
"Mẹ à!"
Bà Gio mở mắt nhìn chằm chằm Hai Hiên. Hai Hiên lạnh toát mồ hôi. Làm gì bây giờ!.
Bà Gio nói:
"Má của thằng Viên điện báo cho mẹ biết hết chuyện rồi con ơi!. Mẹ không có số nhờ con nhờ cháu mà...
Bây giờ hằng ngày mẹ lặn lội đi bán từng tờ vé số con ạ!"./.
P/S: Truyện có sự trùng lặp với một trường hợp cụ thể nào đó là ngoài ý muốn của tác giả.
(*): Ý so sánh với một người ngày xưa ở quê nổi tiếng giàu có.