TRẮC TRỞ
Đ ặt nốt chiếc valy cuối cùng lên băng tải, tôi chạy vội ra phía cửa đón khách. Nhớn nhác nhìn dòng người đang đi vào từ phía ngoài, vẫn không hề thấy bóng dáng anh đâu, tôi thất vọng. Trời ơi, không có lẽ...
Tiếng cô phát thanh viên vang lên, nhắc nhở. Nhác thấy chỉ có Vinh - cậu nhân viên sứ quán, người đã giúp tôi chuyển hành lý đến sân bay đang đi lại phía mình, tôi chợt đoán được điều sẽ xảy ra. Khi đối diện cậu, cảm giác hụt hẫng, rã rời, tôi buông xuôi hai tay. Chiếc ví đầm - kỷ niệm anh mua tặng tôi, rơi bịch xuống đất. Không nói một lời, chậm chạp cúi nhặt, rồi tôi ngước nhìn Vinh với đôi mắt mọng nước, xót xa. Đến phút chót, khi mọi thủ tục hải quan của tôi đã hoàn tất, Vinh mới thông báo rõ ràng sự vắng mặt của anh. Tôi hiểu, cậu ta đã xử sự đúng.
Thế là xong! Thế là hết!
Giờ đây, tôi buộc phải lên máy bay. Buộc phải giã từ mối tình dang dở tại nơi này, với anh. Tôi sẽ về nước.
Tôi sang Matxcơva trong một đoàn nghiên cứu khoa học được vừa tròn năm. Khi đó đúng mùa thu vàng và nay, tôi giã biệt cũng mùa thu ấy để trở về. Mùa thu của trời Âu có màu vàng, vàng quá. Cái màu vàng sao mà trắc trở. Lúc ô tô ra khỏi sân bay, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những rừng sồi vàng rực. Tôi như mê đi, như rơi tõm vào một thế giới cổ tích hư hư, ảo ảo. Chưa bao giờ tôi bị ngây ngất trước cảnh sắc thiên nhiên đến vậy, mặc dù khi ở trong nước tôi đi cũng khá nhiều nơi, biết nhiều cảnh đẹp. Và tới lúc dừng ở Sứ quán, tôi gặp anh, một cán bộ đương nhiệm tại đây, thì cái cảm giác ngất ngây, hư ảo đối với thiên nhiên nay lại choán ngợp trong tôi, người đàn bà đã có chồng và một con gái ba tuổi. Cảm giác lạ lùng, xốn xang lắm. Thứ cảm giác chưa từng có trong tôi bao giờ. Khi ấy, tôi ngạc nhiên thực sự về mình.
Khoảng chục năm trước đây, tôi là cô sinh viên văn khoa mảnh dẻ, duyên dáng. Mới thoát ly quê nhà, một vùng đất chiêm trũng nghèo khó, để lên Hà Nội học, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tôi không đẹp nổi trội, ít nói, kín đáo. Nhưng hình như có ai đó đã nhận xét, tôi rất có duyên thầm. Vì vậy, nhiều lần tôi bắt gặp những ánh mắt nhìn trộm của các bạn trai và cả những ông thầy. Một đêm dạ hội sinh viên trong năm học cuối, đắm mình trong không khí bừng bừng của tuổi trẻ, tôi đã chót sa chân. Đã chót đánh mất thì con gái. Hoang mang, xấu hổ, trong sự đã rồi, tôi chấp nhận làm vợ. Làm vợ một ông thầy, người làm tôi lỡ bước. Làm vợ mà chưa một lần biết yêu! Tôi đã học xong đại học. Đã có con. Đã cố gắng yêu. Mà không yêu nổi. Buồn bã. Chán chường. Xót xa đứa bé. Thế là tôi buông xuôi cái gọi là cuộc sống vợ chồng ấy. Đôi khi, ở đâu đó trong tôi, thức dậy ước mơ thời thiếu nữ. Nỗi khát khao được đam mê, lòng ham muốn cuồng nhiệt trỗi dậy. Tôi muốn phá phách, muốn đạp đổ, muốn đập vỡ tung sự nhàn nhạt, nhờ nhờ mang dáng vẻ bình lặng, yên ấm trong cuộc sống hôn nhân của mình. Nhưng tôi đã không làm. Tôi không làm được hay chưa có sức mạnh nào đủ để thôi thúc trái tim tôi nổi loạn? Tôi không biết nữa!
Đến một ngày, tôi nhận quyết định đi công tác ngắn hạn ở Matxcơva. Hôm tiễn đưa, người chồng bế đứa con gái đứng vẫy vẫy cho tới khi tôi khuất sau cửa vào phòng chờ nhà ga. Với nỗi nhớ con chen lẫn cảm giác như được giải thoát, tôi bước lên máy bay, vô cảm, hững hờ.
Và, phải chăng đó là chuyến đi của định mệnh!?
Sau thời gian ngắn ổn định nơi ăn, chốn ở, tôi bắt đầu lao vào công việc. Tôi muốn nén lại nỗi day dứt nhớ con, muốn quên đi sự nhàm chán, nhạt nhẽo của gia đình mình. Nhưng cũng là để trốn chạy. Trốn chạy người đàn ông tôi vừa thoáng gặp. Chỉ thoáng thôi mà đã thấy trĩu nặng ưu tư. Sau hôm đầu ở sứ quán, tôi còn gặp lại vài lần khi anh đến làm việc với đoàn. Mỗi lúc chạm phải ánh mắt anh, tôi lặng đi, thở gấp. Cảm giác rạo rực, nôn nao khiến mặt tôi nóng ran, ửng đỏ. Hình như, cả sờ sợ nữa. Không, không phải tôi sợ anh. Tôi sợ chính mình. Cái nghề nghiệp mang tính nhân văn cao, có chức năng khám phá mọi tiềm ẩn chứa đựng sâu xa trong tâm hồn mỗi con người, nghề nghiên cứu văn học của tôi, rỉ rả nhắc tôi rằng, hãy cảnh giác với bản thân, với trái tim đang thổn thức của chính mình.
Cuộc sống ở Maxcơva giai đoạn này, cho dù không ở mức cao trên thế giới, thì đối với Việt Nam cũng như thiên đường vậy. Những ngày đầu, tôi nhớ nhà lắm. Tôi thường mơ thấy con gái bi bô gọi mẹ. Tội nghiệp, nó chưa tròn ba tuổi. Mỗi lần vào bữa, nhìn những món ăn bộn bề trên bàn, mâm cơm đạm bạc của gia đình lại hiện ra trước mắt tôi. Cảm giác nghèn nghẹn, đắng ngắt nơi cổ họng dâng đầy. Đôi lần tôi đứng lên bỏ dở bữa. Nhớ con bé quá. Và chạnh lòng nhớ cả người chồng.
Rồi tất cả cũng nguôi ngoai dần theo ngày tháng, theo công việc và bắt đầu bị lấn lướt bởi mối tình đã chớm nở giữa anh và tôi. Tôi nhận ra mình đang bị phân thân.
Sau nhiều lần gặp nhau, anh đã kể cho tôi nghe về mình. Anh hơn tôi vài tuổi, chưa một lần thực yêu ai. Nghề ngoại giao đã đẩy anh bôn ba qua nhiều nước trên thế giới. Giá như chỉ ở trong nước, chắc anh yên bề rồi. Anh cũng chẳng giấu, rằng ở những nơi qua lại của nhiều đoàn công tác như hiện nay, anh đã gặp không ít phụ nữ. Cán bộ có. Lao động xuất khẩu nhiều. Lưu học sinh cũng lắm. Đôi lần ngỡ mình đã tìm được người hợp ý để cùng nhau, rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Rồi anh tự an ủi, cái duyên chưa bén. Nay anh gặp người ưng ý, thì sự ấy đã dở dang. Anh khắc khoải ghì lấy tôi hỏi, phải chăng số anh là vậy? Tôi nghe, im lặng. Nỗi đau vì bước lỡ làng càng làm lòng tôi tê tái.
Lúc đầu, mang ý nghĩ mình là kẻ phản bội, ham giàu sang, sung sướng, dễ dàng quên cuộc sống bần hàn, túng thiếu nơi quê nhà, làm tôi day dứt. Cuộc sống chung với người tôi không hề yêu dù sao đã có một lần kết trái. Vả lại, anh ta cũng thực sự yêu tôi, nên tôi đã cố gắng. Cố gắng yêu. Nhưng càng cố thì khoảng cách giữa chúng tôi càng thêm rõ rệt. Tính cách hai người trái ngược quá. Sự đơn điệu trong cách sống, thói lười nhác trong tình yêu, tính an phận trong sự nghiệp của chồng đã làm tôi thất vọng. Tôi thì ngược lại. Cái tính nhút nhát trước kia đã bớt đi nhiều. Tôi chủ động lao vào công việc, để khuây khoả nỗi buồn, tìm niềm vui trong những cuốn tiểu thuyết, trên những trang tài liệu khoa học. Ban ngày thì như vậy. Còn đêm đến, tôi thường nuốt nước mắt khóc thầm cho duyên phận nhạt nhẽo của mình. Tôi cũng đã hiểu ra rằng, có thể cố, cố nhiều thứ lắm, nhưng cố yêu thì thật sai lầm. Sai không thể tha thứ được. Nhưng còn đứa con gái bé bỏng, nó có tội tình gì? Xót con, thương mình, tôi vùi đầu vào sách hòng lấp bớt những khoảng trống mà vẫn thấy nó mênh mang vô cùng.
Giờ đây, qua bao đêm vật vã, tôi mới dám mở lòng mình đón nhận tình yêu của anh. Tôi say sưa thả hồn theo cảm xúc tự nhiên. Tôi đón nhận những nụ hôn cháy bỏng. Tôi rung động với những điều hoang sơ, mới lạ. Vòng tay của anh sao khoẻ và mê đắm thế. Tôi quay cuồng, mê mẩn trong hơi thở nồng ấm của anh. Cái miệng anh cười hút cả hồn tôi. Tôi yêu anh như chưa bao giờ yêu và được yêu vậy. Mà như gì nữa? Tôi đã yêu bao giờ đâu nhỉ? Và, đã ai yêu tôi say nồng đến thế? Tôi đã vô tình bước xuống một con đò lạ lẫm. Không hề biết nó sẽ đưa mình đi đâu, về đâu. Rồi chính con đò ấy giữa chừng bị gãy mái. Người lái đò chịu buông tay chèo mặc nó lững lờ trôi. Đến khi tôi bất ngờ gặp chuyến đò khác. Nên chăng, tôi lên thử chuyến đò này?
Có một lần anh đến khách sạn tôi ở. Thấy anh lúng túng định nói điều gì đó, lại thôi. Tôi không quen gặng hỏi, cứ im lặng chờ. Khi đang nấu ăn, thấy anh mở tủ lạnh, rồi khẽ gọi. Tôi quay lại, miệng anh ngậm một cuộng tỏi muối. Anh tiến đến gần, tôi hiểu ý, ngậm luôn đầu còn lại. Rồi cả hai đứa cùng nhai dần đến khi miệng chạm vào nhau, anh ôm chầm lấy tôi, vừa hôn vừa da diết nói, ở lại với anh đi. Tôi khựng lại, sững sờ. Trong thời gian ở đây, việc tôi yêu anh đã ngoài sức tưởng tượng, chưa nói gì đến ý nghĩ sẽ ở lại luôn. Nhà tôi nghèo, nghèo lắm. Nhưng mẹ tôi luôn dạy phải sống trong sạch và có nghĩa tình. Dù xa quê đã lâu, tôi chưa bao giờ quên những điều này. Bởi vậy, khi yêu anh, ngay cả lúc say đắm nhất, tôi vẫn luôn bị giằng xé bởi mặc cảm tội lỗi, bất nghĩa lừa chồng, vô tình với con. Tôi đã từng viện nhiều lý do để bào chữa, để thanh minh cho mối tình điên dại của mình, nhưng vẫn gai gai một ý nghĩ rằng mình là kẻ dối lừa. Tôi càng thấm thía điều mà người đời đã tổng kết, với người đàn bà thì tình yêu là tất cả. Nhưng không có lẽ, vì chạy theo tình yêu, tôi bỏ cả đứa con vô tội của mình?
Như đọc được ở tôi những nỗi đau khó nói, anh vuốt nhẹ má tôi, rồi ra ngồi ngoài phòng khách.
Một chiều, anh đưa tôi đi phố. Đột ngột có tiếng trẻ cười ré lên. Tiếng cười trong trẻo quá. Tôi lặng người, đứng lại. Một con bé ngồi trên vai ông bố. Người mẹ đi bên cạnh với tay cù nó. Nó lăn ra, cười như nắc nẻ, trông yêu quá. Mắt tôi cứ gắn chặt vào nó, mê đi. Có tiếng nhắc khẽ bên tai, tôi giật mình quay lại, bối rối. Cặp mắt anh nhìn thông cảm, vòng tay lên bờ vai tôi, bóp nhẹ. Tôi nhớ con quá. Nhớ cả bữa cơm chiều sắp tới của hai bố con. Xoay người lại, úp mặt vào ngực anh, nước mắt tôi ứa ra, sao thấy số mình cực vậy. Một cơn gió lành lạnh cuối thu ào đến, vần vũ đám mây trên bầu trời. Hình như lòng tôi cũng đang cuộn sóng. Tôi giục anh về.
Thấm thoát đã được hơn nửa năm, tôi bắt đầu thấy thời gian trôi khá nhanh. Matxcơva khi đó đang là mùa đông. Thời tiết lạnh lắm. Tuyết trắng phủ đầy đường. Ngoài những lúc phải đến Viện nghiên cứu và chạy mua hàng, tôi hay ở nhà đọc sách chờ anh đến. Không bao giờ tôi cho phép anh ở lại qua đêm, mặc dù tôi hiểu lòng mình cũng vô cùng khao khát. Có một lần, khi chia tay ở cửa, anh lưỡng lự rồi quay vào. Tôi nhận thấy trong mắt anh có lửa. Đưa tay gài chốt cửa, anh quay lại, ôm riết tôi vào ngực, ngấu nghiến. Hốt hoảng, không kịp định thần, tôi bủn rủn khuỵu xuống. Anh ôm thốc tôi lên, đặt vào giường. Đầu óc tôi quay cuồng. Cái điều đó liệu có xảy ra? Trong nhiều tháng qua, tôi đã gắng chặn giữa tôi và anh một khoảng cách, nhưng đến giờ có còn giữ được? Không phải tôi cố giữ mình cho trong sạch. Càng không phải tôi muốn chứng minh lòng chung thuỷ cùng người chồng nơi quê. Tôi yêu anh nhiều lắm. Anh hiểu, chỉ có đứa con mới dứt được tôi trở về nước. Anh cũng rất yêu tôi. Tình yêu của anh trong trắng, chân thật, một mối tình đầu. Anh muốn tôi vứt bỏ tất cả quá khứ để được bên nhau, để yêu nhau mãi mãi. Nhưng anh ơi, anh đã hiểu, trong em là nỗi đau lòng mẹ. Em phải về. Em phải xa anh thôi. Và lúc xa anh rồi, những kỷ niệm này sẽ thiêu đốt trái tim em, sẽ vò xé lòng em tan nát, cô đơn hơn. Đến khi ấy liệu em có chịu đựng nổi niềm đau. Có cái gì khoả lấp được cho em nỗi nhớ. Hãy dừng ở đây khi tất cả còn chưa muộn. Khi tình yêu cháy bỏng của hai đứa mình còn được trinh nguyên. Chúa ơi, khi con về nước rồi, xin hãy rủ lòng thương cho anh tìm được người như anh mong muốn. Hãy đem đến cho anh một nửa của chính mình.
Tôi vùng dậy, chạy ù ra nhà tắm, đóng sầm cửa lại, ngửa mặt lên vòi hoa sen, vặn cho nước xối xả vào mặt. Dòng nước lạnh bị vặn nhầm đã giúp tôi bình tâm trở lại. Tôi bước vào nhà. Anh đang nằm úp mặt vào gối, lặng ngắt. Thương anh quá, nhưng không thể khác. Rồi đây về nước, tôi sẽ lầm lũi sống cho qua ngày. Tôi sẽ tiếp tục công việc không phải là sự nghiệp của người đàn bà. Tôi đành để lại "sự nghiệp" của tôi trên đất Matxcơva này, là anh. Tôi sẽ cố nuôi dạy con gái khôn lớn. Lạy trời, con đừng bao giờ bước vào vết xe đổ của mẹ, con ơi.
Sau khi thay quần áo, tôi đến bên anh. Anh ngồi dậy, nhìn tôi khát khao, đau đớn. Anh không giận tôi. Anh im lặng, cầm bàn tay tôi vuốt nhẹ. Lúc này chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng. Anh rủ tôi đi dạo. Tôi bằng lòng, mặc dù biết rằng tuyết sẽ ngập đến tận đầu gối.
Màn đêm trắng xoá. Tuyết xốp lạo xạo dưới chân. Những cây phi lao cũng phủ đầy tuyết. Không gian im ắng, không một tiếng động. Khí lạnh làm cho đầu óc hai đứa chúng tôi tỉnh táo hoan. Chúng tôi đi bên nhau, không ai nói một lời. Chỉ có hai bàn tay xoắn vào nhau đã nói thay tất cả.
Thời gian cuối của đợt công tác, tôi bận bù đầu. Tôi phải gấp rút viết xong luận văn báo cáo. Lại còn phải chuẩn bị ít hàng làm kinh tế. Về việc này, anh đã ngỏ ý muốn giúp tôi. Tôi nhẹ nhàng từ chối. Anh rất buồn, nhưng biết không thể lay chuyển được khi tôi đã quyết. Duy nhất có một chuyện tôi đồng ý anh làm. Đó là, gói hàng và giúp tôi chuyển đi những thứ gửi bằng đường biển.
Tuần cuối cùng trên đất khách, tôi chấm dứt mọi việc, dành thời gian đi chơi với anh. Chúng tôi đi nhiều nơi lắm và chụp rất nhiều ảnh. Nhưng tuyệt nhiên, tôi không chụp chung với anh một kiểu nào. Để mà làm gì khi trong chúng tôi, con tim đã mang nặng hình ảnh của nhau quá rồi.
Tối trước ngày tôi lên đường về nước, anh làm cơm tại sứ quán, mời bạn bè cùng đến tiễn tôi. Ngồi bên cạnh, anh gắp cho tôi rất nhiều. Nể anh, tôi không từ chối, nhưng đến khi nhìn bát của mình thì thấy thức ăn chất cao thành ngọn. Anh thương tôi sắp về nơi còn đầy ắp những khó khăn, thiếu thốn của một đất nước vừa trải qua nhiều năm chiến tranh, nên không để ý đến việc làm buồn cười của mình. Còn anh, uống rượu rất nhiều. Tôi biết anh buồn lắm. Bạn bè ngồi quanh cũng hiểu. Họ tìm cách nói chuyện vui cho hai đứa chúng tôi bớt nặng nề. Khi anh đưa tôi về đến khách sạn đã quá nửa đêm. Anh vào thang máy cùng tôi chứ không ra ô tô đi ngay. Thang máy lên đến tầng tôi ở, anh đột ngột bấm số quay trở lại tầng một. Cứ thế, tôi không biết là thang máy lên rồi lại xuống đến lần thứ mấy. Anh cứ ghì chặt lấy tôi, gấp gáp. Ngợp trong những nụ hôn đắm đuối, khát khao, níu kéo, tôi cảm nhận nỗi đau khôn cùng của mối tình vô vọng. Và với tôi, đó là tình yêu đầu tiên của trái tim mình.
Tiếng cô phát thanh viên lại vang lên, giục giã. Không còn hy vọng gì nữa, tôi nắm tay Vinh, gửi lời chào tất cả. Giờ tôi đã hiểu. Nụ hôn trong thang máy của anh là nụ hôn tiễn biệt. Nụ hôn giã biệt cuối cùng!
Chiếc máy bay chở tôi chạy vun vút trên đường băng. Loang loáng qua cửa sổ màu vàng sẫm của rừng sồi xa tít. Tôi ngả người vào ghế, nhắm nghiền. Dòng nước mắt nóng ấm lăn ra trên má. Đột nhiên tôi thấy nhẹ bỗng. Máy bay đã cất cánh. Để lại một màu vàng trắc trở phía sau!