Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








CON GÁI NHÀ ĂN MÀY




V iệc chị Phúc tự tử làm rúng động cả xóm.

Người ta tụm năm tụm bảy xì xào bàn tán. Người ta tò mò, thương xót, và hẳn có chút thú vị, dù không ác ý với cái tin giật gân nóng hổi đó.

Anh Hai tôi đã lên bệnh viện từ sớm. Không khí trong nhà rất căng thẳng. Riêng tôi, đang thở hồng hộc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì liên tục chạy đi dò la tin tức, sực nhớ tội lỗi của mình, phóng về nhà, dọt vô buồng, chui tọt xuống gầm giường. Phen này chắc chắn đầu tôi sẽ ê ẩm với những cục u, bởi các khớp tay gập lại của anh Hai.

Sao tôi lại ngu dữ vậy. Giờ tôi chỉ cầu mong người ta cứu được chị Phúc. Đầu tôi dù bị sưng vù lên cũng được, miễn chị còn sống. Nếu chị chết, đời tôi sẽ khổ lắm, chắc tôi phải bỏ nhà đi hoang... Với lại, nếu chị chết, đêm đêm chị sẽ hiện về nhát tôi, đứng trên đầu giường, đưa bàn tay lạnh ngắt sờ má, kéo tóc tôi, hoặc đứng dưới đuôi giường kéo chân tôi... 

Nước mắt tôi bắt đầu chảy. Tôi lâm râm khấn vái trong tiếng thút thít sụt sịt: “Chị Phúc ơi, xin chị tha thứ cho em, chỉ tại cái miệng em dại dột, chứ em thương chị lắm. Em mong chị với anh Hai làm đám cưới, để em mặc đồ đẹp, ăn bánh kẹo...” Ôi! Phải chi hôm qua tôi không bỏ học thì đâu có chuyện nhào vô chơi trò năm mười với tụi con Lùn. Ma xui quỷ khiến, tôi chui vào núp trong gian thờ nhà chị Phúc. Ngồi đã lâu, mấy đứa kia vẫn không kiếm ra, tôi mỏi chân ngứa tay, cục cựa, làm mảnh vải lụa đỏ trên bàn thờ  rơi xuống... Và tôi giật bắn người, lạnh toát sống lưng. Thật kinh hãi: một cây gậy cũ kỹ đội cái nón lá rách mem đang đứng trên bàn thờ! Giống hệt con bù nhìn cắm ngoài đồng để dọa chim. Không còn hồn vía, bỏ ngang cuộc chơi, tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà, vừa thở hổn hển vừa méc với mẹ. Nghe chuyện, mặt mẹ tôi bỗng tái nhợt.

Tối, mẹ tôi thì thầm với ba. Ba mẹ lại thì thầm với anh Hai. Vẻ mặt mọi người cực kỳ nghiêm trọng, như thể bầu trời sắp sụp vậy. Anh Hai dằn dỗi xách xe bỏ đi. Mẹ tôi qua nhà chị Phúc. Rồi sáng nay nghe tin chị Phúc tự tử. Còn tôi, kẻ gây ra tai họa, giờ đang trốn dưới gầm giường đầy mạng nhện và bụi bặm, cổ mỏi nhừ vì phải cúi gập, chân tê dại...


***

Xóm tôi đa số là dân tứ xứ, tha phương cầu thực nhưng ai nấy hiền queo. Mẹ tôi nói đây là điều may mắn, chắc chỗ đất này có thổ thần phù hộ. Nhà chị Phúc cách nhà tôi con hẻm nhỏ. Cha mẹ chị Phúc làm phụ hồ. Chị nghề may. Hầu như chị là thợ may của cả xóm. Tất cả quần áo của nhà tôi đều may ở bên chị. Chị may khéo, lợi vải, luôn đúng hẹn, giá lại rẻ.

 Tôi rất mến chị. Rảnh là tôi tót qua nhà chị chơi, căn nhà nhỏ xíu thơm phức mùi vải mới và nồng nàn mùi sách cũ. Tôi mê tít cái thùng vải vụn của chị, tha hồ được chọn chơi những miếng vải thừa... Tôi mê mẩn những cuốn truyện cũ mèm tả tơi, giấy vàng khè, chữ li ti mờ nhạt nhưng mở ra cả một thế giới thần tiên diễm ảo, lung linh màu sắc, vô cùng hấp dẫn, mà chị vẫn giữ gìn cẩn thận.

 Tôi thường ngắm miệng chị với hai khóe môi sâu hơi cong lên, trông lúc nào cũng như nhoẻn cười. Chị lại hay cười, nụ cười tươi tắn rạng rỡ làm khuôn mặt sáng bừng. Tôi say sưa nét chị nghiêng nghiêng vừa chăm chú đạp máy may vừa hát nho nhỏ. "Chị Phúc ơi, chị hát hay vậy sao không đi làm ca sĩ?". Chị ngưng hát, ngẩng lên nhìn tôi, cười: "Nhỏ định cho chị đi tàu bay giấy hả?". "Thiệt mà, chị hát hay thiệt mà. Anh Hai em nói vậy mà". Mắt chị long lanh, má chị đỏ lựng, vẻ bẽn lẽn. "Lớn lên em cũng làm thợ may như chị...". Tôi định nói thêm rằng, tôi cũng sẽ vừa may vừa hát như chị, nhưng chị đã vội can: "Thôi đi nhỏ, nghề may cực lắm, lại chẳng được ra khỏi nhà. Nhỏ làm cô giáo đi. Cô giáo đẹp hết sẩy, hằng ngày mặc áo dài đẹp, đánh son phấn, lại được người ta thưa chào, được học trò thương...". Tôi lắc đầu quầy quậy: "Không, em thích may, hễ muốn kiểu gì thì em may kiểu đó, cho ba mẹ, cho anh Hai nữa...". Chị tủm tỉm cười, không nói thêm, lại tiếp tục công việc, tiếp tục bài hát dang dở.

Đôi chân chị lại nhịp nhàng đạp máy. Tôi chăm chú ngó bàn chân trái thiếu ngón út của chị, nhiều lần muốn hỏi mà không dám. "Mai mốt chị dạy em may nghen?". "Ừa, nếu ba má em chịu, chị dạy cho. Sao hôm qua giờ hổng thấy anh Hai há?". "Ảnh đi công tác". "Vậy ha, chừng nào ảnh về?". "Em đâu biết!". "Út ơi, cưng giống anh Hai dễ sợ luôn. Nhất là cặp mắt, rất sáng, thông minh, mà lại hiền". Được khen, tôi khoái chí lắm nhưng làm bộ: "Em mà thông minh nỗi gì, toàn bị anh Hai chê dốt không à... Hôm qua, em bị bốn điểm môn toán, mẹ la, không lo học mai mốt có nước đi ăn mày. Anh Hai bênh em, nói mẹ mắng nó ăn mày, nghe nặng nề quá... Mà mẹ em cũng kỳ thiệt chị, hở là mắng em đồ ăn mày...". Chị  Phúc bỗng cắt ngang: "Thôi, Út về nhà lo học bài đi, kẻo mẹ la".

Cứ vài bữa, anh Hai lại rỉ tai tôi: "Út đem cái này đưa chị Phúc dùm anh, anh thưởng gói xí muội". 

Cứ vài bữa, chị Phúc lại vuốt tóc tôi: "Út đưa cái này cho anh Hai nghen, cho cưng cái kẹp tóc nè".

Từ ngày tôi được giao cho sứ mệnh cao quý đó, anh Hai cưng tôi ra mặt, khi dạy tôi làm toán, anh ít cốc đầu tôi. Chị Phúc vẫn rất tốt với tôi, càng chiều tôi hơn. Những lúc rảnh, chị may áo đầm, mũ búp bê cho tôi, kể chuyện đời xưa cho tôi nghe. Chị có vẻ rất thích chuyện Nguyệt lão xe duyên cho ông Vi Cố lấy con gái người ăn mày. Chị kể đi kể lại chuyện này không biết bao nhiêu lần.

Tôi đã nhận ra quyền uy ghê gớm của mình, ra sức mè nheo, làm mình làm mẩy, túi tôi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền lẻ, quà vặt thì ê hề...

Đáng nhớ nhất là lần tôi làm lính gác cho hai người. Đó là một ngày chủ nhật. Ba mẹ chị Phúc đi làm xa. Cơ hội ngàn vàng, anh Hai hí hửng ra mặt. Ngay lập tức anh có mặt ở nhà chị. Ngay lập tức hai người xuống nhà sau, dặn tôi ở ngoài, hễ có ai tới thì ho lên ba tiếng. Anh Hai còn nói nhỏ: "Út ngồi ngoài này canh chừng, không được vào trong...".

Hôm đó họ hào phóng chưa từng thấy. Trước mặt tôi là cái mâm trên đó la liệt nào kẹo, bánh, cóc, ổi... tha hồ ăn. Tôi bốc nhai, bốc nhai liên tục... Khi bụng đã căng cứng, tôi lại buồn ngủ, cứ ngáp lên ngáp xuống muốn trẹo quai hàm. Mệt quá là mệt, tôi dạo tới dạo lui cho đỡ chán. Rồi nổi máu tò mò, tôi tới khe hở dòm vào trong. Trời ơi, mấy người lớn này chơi cái trò gì kỳ cục, sao cứ nhắm tịt mắt lại mà chùi miệng nhau miết vậy? Mắc cười quá. Dòm một chặp, thấy chẳng thú vị gì, tôi ra ngoài vọc thùng vải vụn chơi. Rồi tự nhiên cổ ngứa, tôi bắt ho. Hễ tôi càng nín, cổ càng ngứa. Vậy là tôi ho, ho cả tràng dài.

 Hai người hốt hoảng chạy ra. Mặt họ xanh lè xanh lét, mắt họ láo liên láo liếc. Tôi  không nhịn được, cứ bụm miệng mà cười. Có vẻ xấu hổ ngượng ngùng, anh Hai cốc tôi một cái đau điếng. Tôi mếu máo. Chị Phúc lườm anh rồi xoa đầu tôi, dịu dàng dỗ tôi, nín đi cưng, mai chị mua cho cái cặp mới...

Vậy đó. Mọi chuyện đang yên đang lành, tôi đang sung sướng như tiên, sao bỗng dưng xui xẻo vầy? Cũng chỉ tại cây gậy đội cái nón cời trên bàn thờ! Rầu thiệt!


***

Chị Phúc không chết. Tôi như trút được gánh nặng ngàn cân. Có điều, nghe kể, ai vô thăm, chị cũng chẳng nói tiếng nào.       

Sau sự việc kinh thiên động địa đó, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn. Có lẽ ba mẹ tôi muốn cắt đứt chuyện anh Hai với chị Phúc.

Rồi anh Hai cưới vợ. Ngày cưới của anh, nhìn chú rể cô dâu tươi cười tựa đầu nhau, tôi ngậm ngùi nhớ thương chị Phúc. Tội nghiệp chị quá, chỉ vì là con gái nhà ăn mày mà chị suýt phải chết, rồi lại phải lìa xa anh Hai. Với thân phận đó, chị sẽ lấy người chồng thế nào?

Giờ tôi lớn rồi, không còn tự trách chuyện cây gậy và cái nón cời như ngày nhỏ, mà tôi lại tin vào số phận, duyên nợ. Không biết bây giờ chị ra sao? Chị đã lấy chồng? Bàn chân trái thiếu ngón út của chị vẫn cần mẫn trên bàn đạp? Chồng chị là công nhân hay phụ hồ? Hay nhà chị cũng phải dời đi sau sự cố đó? Dù đi hay ở, hẳn chị cũng đã tay bồng tay bế, quần áo lôi thôi, mặt mũi cau có, chẳng hơi đâu vừa cắt may vừa ca hát, chẳng hơi đâu đêm đêm dán mắt vào những trang sách cũ mèm...


***

Hôm đầu tiên bước vào lớp tiếng Pháp, tôi đã chú ý đến chị. Trông chị thật quý phái trong bộ váy màu kem, với mái tóc đen dày, uốn lọn chảy tràn xuống vai. Hình như tôi đã gặp chị đâu đó? Suốt buổi học, tôi không tập trung được, cứ nhìn sang chỗ chị nơi dãy bàn bên kia, cố lục lọi trí nhớ... Cái miệng với hai khóe môi sâu, hơi cong lên, lúc nào cũng như đang nhoẻn cười... Rồi tôi bắt gặp chị cũng đang nhìn tôi, với nụ cười rạng rỡ...

Tan học, tôi đang loay hoay lấy xe thì chị đến bên, hỏi nhỏ:

- Út phải không?

Tôi sững người nhìn chị.

Chị cười:

- Út quên chị rồi sao? Chị Phúc nè.

Tôi mừng rỡ, hét to lên:

- Chị Phúc!

Hai chị em ôm chầm lấy nhau. Mái đầu chị rung nhẹ trên vai tôi. "Anh Hai khỏe không Út? Anh sống ra sao? Được mấy cháu? Anh hạnh phúc không?...". Chị hỏi tới tấp, không sao kiềm chế được...


***

Những hình ảnh của thời thơ dại sống dậy trong ký ức tôi, mùi vải mới thơm phức và mùi sách cũ nồng nàn quanh tôi, khi chị Phúc đưa tôi về nhà chị chơi. 

Đó là một ngôi biệt thự khang trang, nội thất sang trọng và thanh lịch.

Chị bấm chuông. Cánh cửa hé mở, một gương mặt vui vẻ với bộ râu xồm vàng hoe hiện ra.

Chị giới thiệu:

- Paul, chồng chị.

- Đây là Út, em gái người tình xưa của em.

Với cung cách lịch sự, Paul, đôi mắt xanh lơ, nụ cười nồng hậu, gật đầu chào tôi, niềm nở bắt tay tôi, nói tiếng Việt lơ lớ:

- Rất hân hạnh.

Bưng nước mời hai chúng tôi xong, Paul rút vào trong. Chị Phúc và tôi tha hồ thủ thỉ.

- Út ơi, ngày đó chị khờ thiệt, may mà được cứu kịp...

Chị đưa tay chỉ tấm chân dung một thiếu nữ phóng to, treo trên vách.

- Con gái chị đó. Em nhìn kỹ coi giống ai?

Tôi đứng lên để xem cho rõ. Ánh mắt cô bé trong veo, sáng rực, thông minh và hiền lành... gợi lên trong tôi cảm giác thật thân thuộc, gần gũi.

- Con của anh Hai đó. Nó vừa đi cắm trại sáng nay...

Chị kể, sau khi nhà tôi chuyển đi, anh Hai vẫn nhiều lần quay về tìm chị nhưng chị luôn né tránh. Vì chị biết, không đời nào ba mẹ tôi chịu cưới con gái nhà ăn mày cho con trai mình, mà chị thì quá yêu anh, không muốn làm khổ anh...

Chị kể, phải mấy tháng sau ngày chị tự tử, chị mới biết mình có thai. Tất nhiên anh Hai cũng không hề biết. Gia đình chị chuyển vào đây sinh sống, để tiện cho việc sinh nở của chị. Họ đã vượt qua tất cả để một đứa trẻ được bước chân vào cuộc đời.

Tôi cố gắng nhớ lại mọi chuyện và không thể không thắc mắc: làm sao để anh Hai và chị có em bé? Vì tất cả những cuộc hẹn gặp của họ đều thông qua con chim xanh là tôi mà. Đáng kể nhất là lần tôi rình thấy họ, thì chỉ thấy họ ngồi ôm nhau, trong gian bếp bé tí xíu, lủ khủ nồi niêu soong chảo, chén bát, hỏa lò... Hay là, đã có những lần họ qua mặt tôi? Hay là để trái đất sinh hoa kết trái, tạo hóa đã phú cho con người khả năng thích ứng tài tình trong mọi tình huống?

Gần mười tám năm... Có thể đó chỉ như cái chớp mi, cũng có thể đó là chuỗi tháng năm dài dằng dặc, với bao nhiêu sự việc đã xảy ra... Bao ước mơ, mộng tưởng... Bao niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc khổ đau... Hợp tan, tan hợp...

Trong lúc gia đình chị khó khăn nhất, có người đưa Paul đến hỏi chuyện bố mẹ chị, đưa chị đi thử ADN, và kết luận rằng mẹ ruột của chị đang sống bên Pháp.

Chuyện là, ngày ấy, mẹ ruột chị Phúc dạy kèm cho con một nhà giàu. Có lần, bà chủ và đứa con đi vắng, ông chủ đã làm mẹ chị mang thai. Mẹ chị vừa sinh chị hơn tháng, bà chủ cho người bắt cóc chị bỏ ngoài chợ. Đêm đó mưa to, chị khóc không ai hay, chuột đã cắn mất ngón chân út của chị. Kiến bu kín chị. May sao, bố mẹ nuôi chị ngủ trên sạp gần đó đã cứu và nuôi nấng chị. Khi chị lên bảy, bố mẹ nuôi của chị từ bỏ kiếp hát rong ăn xin, về sống cuộc đời bình thường.

Chị Phúc vào trong đem ra cuốn sổ cũ kỹ, có vẻ được cất giữ hết sức cẩn thận. Những trang pơ-luya đủ màu, chật kín những bài thơ chị chép. Một bài có ép đôi bướm và hình chị dán kề bên hình anh Hai: Lòng ta chôn một mối tình/Tình trong giây phút mà thành thiên thu... (*).

Chị Phúc siết chặt tay tôi. Mắt chị rưng rưng. Giọng chị nghẹn lại:

- Út nè, vài tháng nữa mẹ con chị sẽ sang Pháp định cư. Cưng có thể giúp chị chuyện này không? Chị mong... ngày gia đình chị lên máy bay, anh Hai đến tiễn mẹ con chị. Để cha con gặp mặt nhau... Chị tin rằng anh cũng không bao giờ quên chị... Chị muốn được nhìn anh một lần, chỉ một lần thôi...

Tôi ôm chặt chị, mau mắn hứa với chị. Rồi sau một lúc ngập ngừng, tôi kể chị nghe chuyện tôi gây ra, về cây gậy và cái nón lá. Chị có vẻ rất ngạc nhiên. Trầm tư hồi lâu, chị dịu dàng vuốt tóc tôi, như thuở nào:

- Hồi đó cưng còn nhỏ mà. Với lại, trước sau gì bên nhà cũng biết. Bố mẹ chị tin  dù đã bỏ nghề ăn xin, vẫn phải thờ cây gậy và cái nón rách, nếu không sẽ không ngóc đầu lên nổi... Thật ra, chị luôn cám ơn đời đã cho chị bao nhiêu ơn huệ... Nhớ hồi chị còn nhỏ, tay ôm ca nhựa, tay kia cầm cây gậy dắt cha mẹ đi xin, chị vẫn vui vẻ, thấy mình vẫn sung sướng hơn nhiều đứa trẻ xung quanh bị người ta làm cho tật nguyền, bị bỏ đói... Chị đã được sống, được yêu, có được đứa con của người mình yêu... Chị hạnh phúc lắm... Nhưng Út ơi, không bao giờ chị quên chị từng là con gái nhà ăn mày!

(2007)