Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




ĐƯỜNG ĐẠI CỒ VIỆT





  Đ ường Đại Cồ Việt hiện nay dài 1.048m, rộng 30m. Bắt đầu từ Ô Cầu Dền-Ngã tư Huế-Bạch Mai-Trần Khát Chân đến Ngã tư Kim Liên-Lê Duẩn-Giải Phóng (cạnh góc Tây Nam công viên Thống Nhất và Trường Đại học Bách Khoa); Thuộc Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc, Đường Đại Cồ Việt gồm 3 đoạn đường mang tên số 164, 202, 222 (Voie N0 164, 202, 222) gộp thành, năm 1945 được đặt tên Đại Cồ Việt*. Những lần đổi tên tiếp sau vẫn giữ nguyên tên này. 

Hồi đó, làng Vân Hồ của tôi có một con đường nhỏ (nay là phố Vân Hồ 3) đi qua trước khu Chùa Càn Đà toàn Tháp là Tháp thông ra Đại Cồ Việt.

Tôi còn nhớ có con Đê đất chạy suốt từ Ô Đống Mác đến Cầu Giấy gọi là Đê La Thành, đoạn qua Đại Cồ Việt và làng Kim Liên có tên Đê Bành Lao. Phía nam đê Bành Lao, bên kia đường Đại Cồ Việt là Khu Học Xá Đông Dương liền kề với nghĩa địa Cô La Oa trải rộng từ đường Đại Cồ Việt đến tận làng Đồng Tâm . Phía bắc Đê Bành Lao, bên này đường Đại Cồ Việt là Hồ Bẩy Mẫu và làng Vân Hồ ( Phía Tây làng Vân Hồ là phố Bà Triệu chạy từ Bờ Hồ đến Đại Cồ Việt ).

Vào nửa cuối của những năm 40 Thế kỷ trước, Hà Nội đất rộng, người thưa, đường Đại Cồ Việt ở phía Nam được coi là rất xa trung tâm Thành phố, có lẽ vì thế nên người ta “quy hoạch” những thứ không mấy…sạch sẽ ở đây: Một Nghĩa địa Cô La Oa, một bãi rác lớn chạy suốt bên hồ Bảy Mẫu ra ngã tư Kim Liên, một khu Đèn Đỏ sát cạnh bãi rác ( Thời Pháp Mại dâm được coi là một nghề, có giấy phép đàng hoàng ).

Sau năm 1954, ba thứ kể trên biến mất! Thay vì một trường Đại Học Bách Khoa, một Công viên Thống Nhất!

Sau năm 1975 Đường Đại Cồ Việt thay da đổi thịt lần nữa, mười lần to đẹp như hiện nay!

Không hiểu sao “số” tôi gắn bó với đường Đại Cồ Việt đến thế: Nhà ở làng Vân Hồ, rồi ở cuối Bà Triệu, ở cuối Lê Đại Hành…Lúc hết cấp ba lại học trường Đại Học Bách Khoa!

Ngay cả “Nghĩa địa Cô La Oa” tôi cũng có những kỷ niệm thú vị: Lúc đó mới chỉ là một cậu bé thế mà tôi dám đi tắt chéo qua Nghĩa địa đến “Nhà Thương Bạch Mai” đưa cơm cho mẹ tôi ( Anh trên tôi bị Thương hàn rất nặng, mẹ tôi phải đưa anh tôi vào “Nhà thương Bạch Mai” điều trị. Tôi nhận chân đưa cơm tối vì “Thằng này nó gan cóc tía chẳng sợ gì cả” và buổi sáng còn đi học. Các chị tôi đảm nhiệm đưa cơm sáng và trưa. Chị nào cũng hết vía không dám ra khu vực này lúc chiều tối. Vào mùa Đông, lúc tôi đi trời mới chạng vạng, nhưng lúc tôi về trời đã tối hẳn. Nhiều hôm tôi gặp ma trơi ( Lúc đó tôi chưa biết ma trơi là gì )-những quả cầu nhỏ màu vàng hoặc đỏ nhạt; Tôi cứ đi thì nó đi, tôi đứng lại nó cũng đứng! Tôi chẳng thấy sợ mà lại thấy…khoái! Cứ rập rình ú tim với nó đến khi ra tới đường Đại Cồ Việt mới thôi!

Bây giờ tôi đã chuyển nhà đi xa Đại Cồ Việt đến vài cây số nhưng vẫn nhớ về đường Đại Cồ Việt xưa và nay…



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ HàNội ngày 17.8.2020 .