Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






THƯƠNG NHỚ NGẬM NGÙI







    H oa phượng rừng rực sáng một góc chiều, tháng bảy Tây Nguyên ướt sũng bởi những cơn mưa núi vô cùng nặng hạt. Dòng sông Ia D’Răng mới hôm nào còn hiền hoà, duyên dáng nay bỗng cao ngạo không ngờ. Con nước mặc sức ngông cuồng, lồng lộn cuốn trôi mọi thứ trên đường nó đi về chốn vô cùng. Tiếng mưa, tiếng sấm sét, tiếng cây cối ngã đổ cộng với tiếng thác nước thét gào sẽ rất hãi hùng với ai đó lần đầu đến với Trường Sơn.

Mấy mươi năm không trở lại chiến trường xưa, mọi thứ tưởng đã ngủ yên trong ký ức của những người đi giữ đất bỗng bật thức thét gào. Đỉnh Chư Pông vẫn cao sừng sững, đồi Phượng Hoàng vẫn trầm nhiên và những hố bom vẫn là những vết thương sâu hoắm chưa lành.

- Chắc không thể đi tiếp được nữa rồi.

- Mới ba giờ chiều mà anh Thái. – Giao nói với người cựu binh, chung đoàn.

- Nhanh tối lắm cô ạ, lại mưa nữa, không chuẩn bị trước sẽ chẳng có gì để ăn chiều đâu.

Họ trải tăng bạt ra rồi dựng lên bằng những thao tác rất thuần thục bởi cây rừng luôn có sẵn và cuốc xẻng dao rựa luôn được họ mang theo mình. Bếp lửa cũng đã rực hồng, cơm nước sẽ do Giao cáng đáng bởi cô là nữ duy nhất của đoàn :

- Anh Thái này, chắc ngày trước chiến sự nơi đây ác liệt lắm phải không anh ?

- Còn phải hỏi. Đây là dòng sông máu và nước mắt mà Giao, ai chiếm được nó tất sẽ thắng.

- Em chưa hiểu.

- Cả vùng chiến địa rộng lớn của Đức Cơ này chỉ có ngọn Chư Pông là cao nhất, sông Ia D’Răng bắt nguồn từ đó. Khi quân ta chiếm được nơi đây, giặc ở cứ điểm Phụng Hoàng cách đây không xa chưa bị ta đánh cũng phải rút lui bởi không có nước thì làm sao mà sống.

Giao đảo mắt nhìn khắp mặt sông, có chút dữ tợn nhưng rất đẹp bởi sông có độ dốc khá lớn nên dòng chảy rất mạnh, bọt nước tung trắng xoá cắt ngang dải rừng xanh thẳm kiêu hùng, chở tiếng yêu thương của đại ngàn tới muôn miền nhân thế. Đó là sự sống và niềm vui. Sông nuôi nấng và chăm chút nhiều loại rau rừng ăn rất ngon như tàu bay, nút áo, rau má…nhưng ngon nhất có lẽ là rau bép một loại cây mọc rất nhiều ở Tây Nguyên, lá và đọt non của nó được cư dân nơi này yêu mến gọi là rau thịt gà bởi mùi vị tuyệt vời và đặc trưng của nó. Rau hái về vò cho dập rồi chờ nước sôi thả vào nêm chút muối là có bát canh ngon đến không ngờ. Rau bép đã đi vào thi ca, vào lòng người dân khu Năm, khu Sáu. Đó cũng là chuyện của ngày xưa, của thời chiến chinh khói lửa thiếu thốn mọi thứ, của cái đói triền miên còn cái no thì bất chợt. Không hạnh phúc như bây giờ trong ba lô của người đi rừng luôn có đủ thực phẩm và các loại gia vị nên rau củ dẫu không ngon nấu xong cũng thành ngon.

Bữa cơm chiều thật hấp dẫn và lạ. Với Giao không phải là lần đầu cô đến với rừng hay hải đảo xa xôi nhưng những bữa cơm dã ngoại như thế này luôn làm cô phấn khích. Tuy sinh ra trong thời chiến nhưng nỗi đau từ mất mát hy sinh do chiến tranh chỉ là những khái niệm không thật sự rõ ràng trong cô bởi cô là người thành phố rất xa lạ chuyện đạn bom. Rồi khi đảo Gạc Ma bị giặc ngoại bang xâm chiếm, người thân hy sinh Giao mới hiểu và thương cho hàng triệu phụ nữ phải xa con, mất chồng. Giao chọn ngành thương binh xã hội để công tác và cống hiến. Cô đọc nhiều sách báo và đi nhiều nơi, đến nhiều vùng căn cứ cách mạng xác minh và tìm gặp người uy tín để quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ mà khi nhận lại “ người thân ” gia đình họ phải ngỡ ngàng bởi nghĩ đã cát bụi…thời gian.

Rút từ túi cóc ba lô ra chai rượu quê, Thái trịnh trọng rót mời “ người xưa ” bằng cách đổ ly rượu xuống đất và lẩm nhẩm những gì không ai nghe rõ, sau đó Thái rót cho mình một ly rồi ực cái rẹt, xong, trao ly lại cho mọi người.

- Tôi quen ăn cơm phải có chén rượu, không thì nó nhạt nhạt sao ấy. Các vị ai uống thì rót nhé.

- Từ khi nào vậy anh Thái. – Giao chen vào.

- Khi về với đời thường và sống với hình bóng của người xưa.

- Chung thuỷ quá dzậy ta.

- Cô ấy hy sinh ở cánh rừng này, bên dòng sông này mà không tìm thấy xác.

- Thật tội nghiệp. Xin chia buồn anh.

- Chiến tranh mà Giao…Thời gian cũng có thể làm vừa lòng mọi thứ…nhưng tôi thì chẳng vừa lòng ai.

- Anh khó quá hay phụ nữ quá khó ?

- Tôi không khó nhưng chắc phụ nữ khó bởi tôi nghĩ với chỉ một cánh tay sẽ chẳng sung sướng gì cho người lấy mình.

- Không thực tế bởi em đã nhiều lần tiếp chuyện anh.

- Lại thế, không khó sao cô không bước tiếp nữa đi ?

- Em chưa gặp người ưng ý còn đã ưng ý thì đui què mẻ sứt gì em cũng lấy. – Giao vừa nói vừa nhìn Thái cười cười.

Thái ngượng, mặt đỏ lên nhưng không nói gì.

- Công việc ngày mai thế nào anh ?

- Tôi nghĩ trung đoàn đã quy tập “ đại bàng núi ” lâu rồi. – “ Đại bàng núi ” là tên đồng đội quý mến đặt cho Hùng.

- Đại đội của anh Hùng chỉ còn người sống duy nhất là anh nhưng anh lại về miệt thứ khi vừa giải ngũ thì làm sao mà tìm anh được. Không anh thì chịu, anh Hùng cứ phải nằm đây. May mà anh cũng là thương binh nên em tìm anh không khó bởi nhờ đồng nghiệp cùng ngành.

- May ư ? Mà cũng may thật, chứ không…

- Thì chẳng ai biết chỗ anh Hùng nằm ở đâu chứ gì ?

- Dễ ợt, cách gốc cây phượng rừng to nhất trên đỉnh đồi này 2 mét, phía mặt trời lặn.

- Vậy mà đã mấy mươi năm…- Giao buồn buồn.

Cơm nước xong thì trời đã tối, mưa cũng đã theo mây, Thái cầm đèn pin soi cho Giao dọn dẹp và chuẩn bị rửa ráy bát đũa.

- Anh chị ngồi đây đi để tụi em xách nước lên cho - Một người lính trẻ đi cùng đoàn nhanh miệng.

- Con sông này dữ lắm các cậu để đó tớ, phải cẩn thận mới được, trượt chân là xong. – Thái vừa nói vừa xách can nhựa ra sông.

Đêm tối như mực, ánh đèn pin như ngọn roi sáng mỏng mảnh vắt ngang dọc trên trảng cỏ đen ngòm. Nước từ thượng nguồn đổ về càng lúc càng nhiều, tiếng thét gào của nó càng lúc càng vang xa, xoáy vào tai Giao thứ âm thanh ma mị nhọn hoắt, đau đớn. Rồi khi không chờ được nữa cả đoàn túa ra sông sông réo gọi kiếm tìm thì cũng chỉ có tiếng núi rừng thâm u đáp lại. Đêm tan chảy vào tiếng nức nở của những người đi tìm đồng đội, nước mắt thấm đẫm tâm hồn họ, thấm đẫm cả cánh rừng thiêng. Nước mắt vắt từ tận đáy lòng nên rất mặn và nóng hôi hổi. Đó là ước mắt của buồn rầu, của đau thương mất mát, của người xa người. Đây là lần thứ hai Giao thấy mình thật sự bơ vơ.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ ĐàLạt .
Trang Trước
Trang Tiếp Theo

TÁC PHẨM CỦA LÝ THỊ MINH CHÂU TRONG VIỆT VĂN MỚI