Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




KỶ NIỆM THUỞ THIẾU THỜI…





  T huở thiếu thời tôi sống ở quê, trong Làng Vân Hồ nhỏ bé nhưng xinh đẹp của tôi; Với những vườn rau xanh ngắt, Vườn cây ăn quả xum xuê trĩu cành; Với những cái Ao to nước trong thả cá, và cả hồ Bẩy Mẫu rộng mênh mông tưởng như không thấy bờ…

Suốt từ khi mới ra đời đến khi đã thành một cậu thiếu niên, tôi gắn bó cùng quê với đầy ắp những kỷ niệm…

Có lẽ vì thế nên tôi yêu nông thôn với tình yêu nồng nàn tha thiết. Mỗi khi có dịp đến các vùng quê là tôi lại mê mẩn trước những Cây Đa, Giếng nước, Sân đình, những Lũy tre xanh ngắt, những cánh đồng lúa chín vàng…

Ngay cả bây giờ tôi vẫn mơ có được ngôi nhà xưa “ba gian hai chái” lợp ngói ta mát rượi, trước là một mảnh vườn, đằng sau là một cái ao nhỏ…Giữa chốn phồn hoa đô hội, đất chật, người đông này đúng là một ước mơ…xa xỉ lại viển vông nữa!

Trước đây, mỗi khi phải xa Hà Nội- Thời chiến tranh vào Chiến trường, thời bình đi công tác, là tôi lại đau đáu nỗi nhớ quê hương…

Tới nay đã bước vào tuổi “U80” tôi bỗng đốc chứng thỉnh thoảng lại nhớ về kỷ niệm thuở thiếu thời đến cồn cào đứng ngồi không yên. Những lúc như vậy, tôi phải cố trấn tĩnh, nhắm nghiền mắt để cho dĩ vãng hiện lên như một cuốn phim được chiếu lại…

Thuở ấy trong Làng Vân Hồ, hàng xóm của nhà tôi là nhà ông Hai. Ông bà có bốn người con, hai trai đầu, tiếp đến một gái, cuối cùng là cậu út kém tôi hai tuổi. Hai anh đầu Chu và Toàn lớn hơn tôi đến sáu, bẩy tuổi nên tôi chỉ dám lễ phép chào, không dám…chơi, mặc dù hai anh đều đánh Ghi Ta rất giỏi, và tôi mê tiếng đàn của hai anh lắm!

Tôi thân với chị Yên, hơn tôi đến bốn tuổi. Chị quý tôi lắm vì chị hay nhờ tôi làm Thủ công và viết bài Luận hộ chị ( Chị đi học đã muộn lại còn bị “đúp” nên học cùng lớp với tôi ). Tôi cũng thân với thằng Bình, nó hay rủ tôi đánh đáo, chơi khăng, bắt cá rô rạch mỗi khi có trận mưa rào, rồi đi bơi ở ao nhà, có khi cùng với mấy anh lớn ra bơi cả ở hồ Bẩy Mẫu!

Nhưng người tôi thân nhất lại là ông Hai! Nói là “thân” có vẻ như hơi hỗn vì ông Hai là bậc cha chú chứ đâu bằng vai phải lứa? Rất may đó lại là sự thực! Ngoài thời gian dành cho các việc như đã nói ở trên, tôi gắn với ông Hai cứ như hình với bóng! Bởi nhà ông có một khu vườn rộng và cái ao to ở cuối khu vườn.

Ông Hai là người làm vườn rất giỏi, trong vườn ông trồng nhiều cây ăn quả mùa nào thức nấy như Bưởi, Khế, Ổi, Cam, Chanh, Na, Mít, Lựu…Ông dành vài luống đất để trồng Đào, Quất và một số loại Hoa. Một góc vườn trồng các loại rau theo mùa…Vườn rộng lại nhiều cây cối các loại nên ông Hai gần như suốt ngày cặm cụi trong vườn; Hết tưới bón, tỉa lá lại ghép cành…

Thấy tôi cũng yêu thích vườn tược lại “nhanh nhẹn, sáng ý” ông Hai bằng lòng lắm, coi tôi như phụ tá của ông, hết lòng chỉ dạy tôi về đặc tính của từng loại cây, cách ươm trồng chăm bón. Đặc biệt ông dạy tôi cách ghép cành để cho ra đời những cây mới.

- “ Một Cây trồng theo cách bình thường phải 3 năm mới bói quả, nhưng một Cây do ghép cành 1 năm đã bói quả ngay” ông bảo vậy.

Thoạt đầu ông cho tôi “thực tập” trên cành khô, khi thành thạo rồi ông mới cho tôi “Thực hành” trên cành tươi, còn chỉ dẫn tỉ mỉ cách “bó giò” cách tưới tắm cho mau ra rễ. Hồi ấy tôi đã làm sao biết được những Mít Su Rin, Đác Uyn, Men Đen…Nên tôi coi ông như nhà làm vườn giỏi nhất! Lại càng phục ông vì cứ đúng dịp Tết là Đào Bích nở đỏ rực, Đào Phai màu cánh Sen tươi tắn còn Quất quả chi chít vàng rực một góc vườn!

Ngoài làm vườn ông Hai còn nuôi một số loại chim; Trong số đó tôi thích nhất là chú Yểng lông màu nâu tía và chú Cò lông trắng như tuyết. Chú Yểng biết nói, cứ thấy bóng người vào là:

- “Nhà có khách! Nhà có Khách!”

Giọng y như một đứa trẻ mới biết nói sõi! Còn chú Cò suốt ngày lò dò theo chân hoặc loanh quanh bên ông chủ trông rất buồn cười! Tôi cũng…được như vậy, có lẽ vì tôi hay mang cá sang ( Ông Hai hay nhờ mẹ tôi đi chợ Mơ mua cá Lành Canh và cá Thầu Dầu thức ăn khoái khẩu của Cò ). Thấy tôi, chú Cò chạy ngay ra vừa xộc lấy xộc để từng con cá một, mắt vừa nhìn tôi ra vẻ cám ơn lắm! Chú Cò này có biệt tài bắt Ruồi nhanh như chớp! Hầu như không có con Ruồi nào thoát được cái mỏ dài nhọn hoắt sau một cú táp của nó! Bởi vậy tôi và chị Yên hay học ngoài vườn mà không bị Ruồi Muỗi quấy nhiễu. Một hôm không thấy chú Cò đâu, tôi hỏi, ông Hai như chợt nhớ ra cùng tôi ngơ ngác nhìn lên các ngọn cây tìm mà chẳng thấy đâu!

- Thôi nó bị người ta bắn hay bắt mất rồi! Ông Hai thở dài…

Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ đến mấy ngày, lúc nào ra vườn cũng dáo dác nhìn lên cây tìm kiếm…

Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng trôi đi chẳng còn hy vọng gì nữa…

Bỗng một hôm đang ngồi học ngoài vườn, tôi nghe thấy tiếng

- Cò…Cò…Cò…

Tôi vội nhìn lên khoảng trời trống của khu vườn thấy 1 chú Cò vừa kêu vừa bay lượn mấy vòng rồi xà xuống đậu ở 1 cành Ổi thấp!

- Cò về rồi! Cò về rồi! Tôi vừa reo to vừa chạy bổ vào trong nhà, lúc ấy ông Hai đang làm gì đó trong phòng.

- Đâu? Đâu? Đâu?...Ông Hai cũng kêu lên rồi cùng tôi chạy ra vườn.

- Đúng nó rồi! Đúng nó rồi! Ông Hai nhận ra ngay vì ông đeo 1 chiếc vòng vào chân trái nó.

Thấy ông Hai, chú Cò vội đáp xuống đậu lên vai ông!

Mừng quýnh, tôi vội chạy về nhà tôi ( nhà tôi và nhà ông Hai chỉ ngăn cách bởi một hàng rào là các bụi Duối ken dày đặc, ông Hai đã mở một khe vừa đủ cho tôi lách qua, khỏi phải vòng ra cổng ) bê luôn cái bình tôi thả mấy chú Săn Sắt, Cá Cờ mới câu được sang. Chú Cò với vẻ quen thuộc đứng chờ. Tôi thò tay vào bình bắt từng con cá giơ ra. Chú Cò xộc lấy xộc để từng con chắc là đói lắm! Từ đó chú chẳng đi đâu cả suốt ngày lò dò hết trong nhà lại ra vườn…

Thỉnh thoảng, thường là vào buổi chiều, mấy ông bạn thân của ông Hai từ trên phố xuống chơi. Tôi nghiễm nhiên thành cậu bé hầu bàn. Thoạt đầu tôi pha trà vào chiếc ấm gan gà, chờ ngấm rót ra mấy chiếc chén mắt Trâu bé xíu ( Ông Hai huấn luyện cách thức cho tôi kỹ lắm! ) rồi rước các Cụ xơi nước! Chuyện trò hàn huyên chán chê, các cụ quay sang xướng họa và ngâm vịnh thơ Đường!

Tôi vội dẹp bỏ bộ Trà đi thay vào đó bộ chén uống rượu, lấy chai rượu trong vắt như nước mưa trong tủ Chè ra hầu rượu các cụ trong vai “Tửu bảo” như ông Hai gọi đùa. Thường thì các cụ nhấm nháp với Lạc rang húng lìu mua của “Ông Tầu phá xang” nào đó trên phố mang xuống hoặc với vài quả Ổi, quả Khế trong vườn rất sẳn. Rượu được vài tuần một ông cao hứng ra ngay bài xướng, các ông khác thay nhau họa lại, huynh huynh, đệ đệ mười phần tương đắc. Thỉnh thoảng có ông lại vỗ đùi đánh đét một cái khen từ nọ từ kia của bạn đắt quá, thế mà mình không nghĩ ra! Cũng có hôm các ông không “chơi” thơ Đường mà “chuyển gam” sang “chơi” thơ tiếng Pháp. Cách xưng hô cũng thay đổi, không “huynh huynh”, “đệ đệ” nữa mà toàn “Toa” với “Moa”. Hết ông này đến ông khác đọc các bài thơ của nhiều nhà thơ lừng lẫy người Pháp như Molière, François Villon, Paul Claudel, và Jacques*…gì gì đó tên dài quá tôi không nhớ hết. Hồi đó tôi học tiếng Pháp võ vẽ ghi được vài cái tên còn Thơ các ông đọc bằng “tiếng” Hán Việt và tiếng Pháp thì tôi chịu chết chẳng hiểu mô tê gì cả nhưng vẫn say sưa nghe và cảm thấy hay lắm!

Có lẽ thấy tôi là thính giả duy nhất mặt cứ ngây ra say sưa nghe như uống từng lời, các ông đâm ra khoái lại càng hứng chí hơn.

Thỉnh thoảng các ông ở lại dùng bữa tối với ông Hai sau đó đánh Tổ Tôm có khi thâu đêm với nhau. Những lúc như thế tôi “hết nhiệm vụ” rút lui nhanh về nhà. Anh Chu hay anh Toàn thế chân tôi

“chia bài hầu các cụ”. Hai anh chia bài Tổ Tôm rất “nghệ” chẳng kém gì đánh Ghi Ta!... Bỗng nhiên ( có lẽ người lớn bàn với nhau tôi không được biết ) năm 16 tuổi chị Yên lấy chồng! Ông bà Hai gả chị cho một gia đình trên phố hàng Đào nghe nói giầu lắm! Hôm họ đến đón dâu, tôi đi ngay sau chị cùng với đoàn người; Ra tới đầu làng, trước khi bước lên xe hoa, chị quay lại, hai bàn tay xinh xắn của chị nắm chặt lấy hai bàn tay tôi lặng lẽ không nói, mắt chị nhòa lệ… Cuộc sống yên bình và thi vị ấy theo thời gian cứ êm đềm trôi đi…

Thế rồi cái năm ấy, cái ngày ác nghiệt ấy đột nhiên ập đến. Chuyện xảy ra với ông Hai và gia đình cứ như trong…Kiều: phải chịu Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây! Ai nấy Mặt trông đau đớn rụng rời/Oan này còn một kêu trời…,nhưng xa!

Sau này tôi mới biết cái năm ấy không riêng gì gia đình ông Hai mà rất nhiều gia đình ở Nông thôn miền Bắc cũng lâm vào cảnh ngộ ấy!

Từ đó đến nay, đã mấy chục năm trôi qua, người ta đã cố quên đi, nên tôi cũng không nhắc lại làm gì nhất là phải viết đến Chương buồn…

Kỷ niệm thời niên thiếu của tôi thật đẹp đẽ ! Tôi không bao giờ quên!

*Nhà thơ Pháp Jacques Romain Georges Brel   



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ HàNội ngày 01.8.2020 .