QUÁN CÀ PHÊ "PHỐ BÀ HUYỆN"
Q uán trương biển vậy, nằm trên con phố mang tên nữ sỹ: "Bước tới đèo Ngang bóng xế tà". Quán mở lâu rồi, sau mươi tháng của trận chiến xuân Mậu Thân một ngàn chín trăm sáu mươi tám. Ông chồng cấp bậc đại úy, thành ra thương phế binh - cụt một tay. Nguồn sống của cả nhà họ, bằng lương bổng ngài đại úy, chẳng còn nữa. Bà vợ đành mở quán, trong khuôn viên căn biệt thự cổ, của hồi môn bà được thừa hưởng. Nhà bốn khẩu, vợ chồng cùng gái cả và trai út.
Cửa quán trổ qua bức tường rào, ngó ra phố. Khuôn viên, cây sanh già xõa bóng. Trên cây, những con sóc lách chách, cái đuôi bông xù, quăng quẩy tăng tít; chiếc lồng đẹp, treo lửng lơ trên thân cây, con mi nhảy nhót, hót líu lo.
Lũ sóc thật bạo dạn, khách ngồi đó, chả sợ hãi, leo trèo, nhảy nhót loạn xạ. Ngay con mi hót véo von trong lồng, chúng cũng tỉnh queo, hót là việc của nó. Những trái sanh vàng, hay sẫm đỏ, rơi rụng đầy sân. Ngôi biệt thự của quán trông sang tòa dinh thự nằm chênh chếch bên kia đường. Tuổi đời hai tòa nhà này, sêm sêm nhau, đều cỡ trên trăm tuổi, nhưng tòa dinh thự kia, hoành tráng hơn. Nghe nói, vật liệu vận chuyển tận Pháp quốc về và nay, mới đổi chủ, giá sang nhượng tới mấy chục triệu đô la.
Chủ quán là một phụ nữ tuổi bước qua năm mươi, mái tóc xanh, dày, đuôi mắt thoáng điểm những nếp nhăn,... Một thuở, nàng từng là hoa khôi của ngôi trường nổi tiếng đất Sài Thành: Trường Nữ trung học Trưng Vương.
Có bữa ngắm con mi, nàng cười buồn, nghĩ, mình nào hơn gì nó: con mi cũng lầu son gác tía như tòa biệt thự của nàng, cũng đơn lẻ, song, nó hơn nàng là hót, hót vui vẻ, véo von; còn nàng, chỉ có những dòng thơ, vần thơ, giọt thơ buồn. Lòng chợt nhớ tới chàng, nhớ tới đôi mắt đam mê và nàng thoáng thở dài.
Đầu thu 1974, em trai nàng du học. Mẹ tính, theo phụ giúp em nó dăm tháng. Con trai nhập trường, học hành ổn định, nấn ná, bà vừa quyết định về nước, thì chiến sự xảy ra: Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, ... Rồi Sài Gòn thất thủ, nháo nhào diễn ra cuộc di tản. Bỗng dưng gia đình rơi vào cảnh ly tán, mẹ và con trai định cư xứ người, hai cha con kẹt lại trong nước. Lúc ấy nàng vừa xong chương trình văn khoa, chưa kịp nhận tấm bằng cử nhân. Loại bằng cấp đó, đầu óc tiêm nhiễm đầy thứ văn chương ngụy quân ngụy quyền, xin việc được ở đâu? Thế là nàng - tân cử nhân văn khoa - thành ra cô nàng đứng quầy, bưng bê quán cà phê nhà mình, tự nuôi mình và cha, ông già thương phế binh. Cũng may, bố nàng, dạng thương tật cả chục năm, thoát nạn đi học tập, cải tạo.
Lần đầu chàng sĩ quan trẻ tới quán. Cầu vai hai sao một gạch là cấp cỡ gì? Nàng thoáng nghĩ, chắc sĩ quan to, to đó, nhất là khẩu súng ngắn phô phang, đeo xệ mông. Anh chàng bao nhiêu tuổi? Cỡ chắc cũng tuổi băm rồi - nàng nghĩ. Một khuôn mặt đàn ông vuông vức chữ điền, râu quai nón xanh, xanh rì. Thoáng nghĩ tới câu Kiều miêu tả Từ Hải "Râu hùm, hàm én, mày ngài".
Nom thái độ mà ghét: cà nghinh cà ngang, bước vào quán với vẻ mặt hững hờ, như vào chốn không người; gọi ly cà phê, mà chả ngước mắt lên, chúi mũi ngay vào cuốn sổ tay; chỉ đáp từ chủ quán bằng cụm từ cụt ngủn, khi nàng mang và đặt ly cà phê trước mặt hắn:
- Cảm ơn!
Thấy ghét, không chỉ thái độ, cung cách và nhất là, sao gã đẹp trai dã man.
Quán vắng, dăm, ba khách. Nàng ngồi rỗi, đâm có thời gian săm soi gã ta và rồi tò mò nghĩ, hắn cắm cúi vào cuốn sổ để làm gì nhỉ? Kìa, gã rút cây bút ra, ghi ghi chép chép. Chợt nàng nảy ra ý nghĩ, lại gần xem sao, hắn ta viết lách gì. Lấy cớ và thế là rót ly nước, nàng bước lại gần:
- Dạ...
Nàng đặt lên mặt bàn, tiếng hắn khô khốc:
- Cảm ơn!
Cụm từ y như lần trước. Thằng cha này không còn từ ngữ và cả cung cách trả lời nữa, nàng thêm sôi máu hơn. Phía sau lưng, ghé mắt qua vai, qua gáy hắn, nàng nhòm nhanh vào cuốn sổ. Ô hay, hình như hắn đang làm thơ. Nàng kịp nhận ra, nét chữ khoáng đạt và cả câu thơ còn dang dở. Thoáng mỉm cười, nàng nảy ra ý đùa và rồi tưng tửng buông từ - nối tiếp câu thơ của hắn còn đang ngắc ngứ: "trăng tối.” Phản xạ rất bản năng, hắn quay phắt lên, hỏi:
- Trăng, sao lại tối?
Và thế là - một bên là ngài sĩ quan Việt cộng yêu thơ, còn bên kia là cô tân cử nhân văn khoa ngụy, xoắn vào nhau tranh luận, đối đáp về thơ ca: trăng sáng, trăng tối. Hắn viện cả trăng của thi sĩ Hàn Mặc Tử: "Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng"; đâu kém cạnh, nàng cử nhân văn khoa tầm chương trích cú, mang cả ông hoàng thơ tình Xuân Diệu ra: "Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người". Để rồi, chỉ biết ngay từ phút giây ấy, họ si mê nhau. Chứng kiến và biết phút giây chớm nở cuộc tình của hai kẻ kia, chính là ngài cựu đại úy thương phế binh già:
- Ba cấm, à nha!
Ấy là khi nàng vừa lên gác, ông già đợi sẵn, giọng rít lên, song cố kìm nén, dù tòa biệt thự rộng mênh mông, nhà lại chỉ có hai cha con. Phải cẩn thận, giữ gìn. Ối kẻ đang đi học tập, hay bị xua lên núi, chặt hạ cây rừng làm kinh tế mới. Nhà ông là gia đình ngụy quân ngụy quyền mà.
Từ cổ chí kim, có ai cấm đoán, ngăn cản nổi tình yêu đâu. Sau buổi ấy, cứ tuần tuần, vào sáng chủ nhật và không cấm trại, chàng lại đến quán nhâm nhi ly cà phê. Cha nàng dù phản đối, đâu thể cấm cửa nổi khách hàng; ông cựu sĩ quan ngụy quân cũng không thể sỗ sàng phá đám đôi trẻ đang đàm đạo thơ ca.
Chàng hơn nàng dăm tuổi, mới cưới vợ, sau ngày đất nước thống nhất - ba mươi tháng tư. Viên sĩ quan từ miền Nam ra Bắc, nghỉ phép, thăm quê, được bà mẹ rấm cho cô gái làng. Họ biết mặt, cưới hỏi và cuộc sống vợ chồng mặn nồng vỏn vẹn trọn đầy một tháng, rồi chồng trở lại đơn vị, nơi thành phố phía Nam xa xôi này.
Người ta yêu, thì tin trao tất cả, đến mức, sau dăm tháng của cuộc tình, khi người cha nghe con gái nói, ông giận đến tái mặt:
- Ba, con nói cho anh ấy rồi. Bốn cây vàng lo cho suất ba đi, con không tiếc, nhưng nguy hiểm lắm!
Ông già còn biết nói gì đây. Việc hệ trọng vậy, nó lại tô tô khoe với thằng kia. Lòng ông trào lên nỗi tức hận, con gái ông nối giáo, thông đồng với giặc. Đấy, gương Mị Châu xưa, sờ sờ ra đó.
Đời thực lắm chuyện đến lạ lùng, để sau rồi, ông già lại tin, nghe gã sĩ quan Việt cộng kia. Ấy là sáng Chủ Nhật kế tiếp, đang trên gác, nơi cầu thang, ông nghe tiếng giầy khua lộp cộp. Hắn rồi. Ông quá bất ngờ, hắn dám chủ động khiêu chiến trước a! Khuôn mặt hắn ló ra. Đây là lần đầu hai người đàn ông trực diện ngó nhau. Im lặng đến đôi chục giây. Nặng nề. Đang ngồi bên bộ sa lông, ông không thèm mời hắn một câu. Sao có thể mời kẻ từng bên kia chiến tuyến và ông, nay thuộc phía chiến bại. Nếu hắn không cất lời, chả biết, không khí căng thẳng, lặng im của hai kẻ đàn ông, sẽ diễn ra bao lâu:
- Cháu chào bác! - hắn chủ động cất lời trước - Dạ, dù là đường đột,... cháu xin phép được thưa chuyện...
Ông cười gằn trong bụng: "Thằng cha mày, con cáo. Cứ để yên, xem diễu dỡ gì, bẫy tao? Con ơi, ông mày đầu hai thứ tóc, quá rành nhen. Cái thứ Việt cộng nhãi ranh như mày, định qua mặt ông sao!” Và hắn nói, nói thẳng tuột câu chuyện vượt biên. Dù đã nghĩ, thật ông già chả ngờ, cái bẫy hắn bày ra lại nông choẹt và do chính hắn chủ động khơi mào. Cứ nghĩ, hắn sẽ rủ rỉ qua tai con gái, để dụ ông vào bẫy. Cả năm qua, tận mắt ông chứng kiến rồi: phố xá, hẻm ngõ,... biết bao chuyện. Bất ngờ, nối tiếp bất ngờ, khi gần đến đoạn kết, hắn nói như thế này:
- Cháu biết, bác không tin, phản đối tình yêu của chúng... con.
Ông tức, hận. Giả nhân giả nghĩa. Mày còn vờ vịt xưng con cái với tao a! Nói tới đây, quá bất ngờ, hắn rút tuột ra cây súng. Ông sững người và rồi chấn tĩnh ngay, trừng trừng ngó vào mắt hắn, gằn giọng:
- Mày bắn đi!
- Không!
Tiếng hắn đáp. Và ơ kìa, từ từ đặt khẩu súng lên mặt bàn, hắn lùi lùi người lại:
- Cháu biết bác căm thù Việt cộng. Bác cứ bắn cháu đi. Chỉ biết, con yêu...
Từ căm hận, ông chuyển sang phân vân, chùng xuống. Thằng trai với đôi mắt nhòe lệ, ánh mắt trong sáng, quả cảm và cả van lơn nữa. Ông có thể tin hắn chăng?
Đất nước lại binh đao, khói lửa biên giới phía Nam, phía Bắc. Nàng sống trong mệt mỏi chờ đợi, đợi chờ: ba năm, năm năm, mười năm,... lặng hút; chờ ngóng, tin chàng như bóng chim tăm cá. Chắc sau cuộc chiến, đất nước thanh bình, người ta trở về với ruộng đồng, làng quê, với người vợ mà mẹ cha mối lái, cưới gả. Mình là gì đâu, chỉ là mối tình lãng đãng thơ, bên ly cà phê nhỏ tí tách. Không hận thù, không rủa xả, chỉ âm thầm nàng nhớ thương chàng. Đêm trường, những giọt nước mắt nhỏ thẫm xuống đôi gối, trong căn phòng mà họ từng trao gửi, ân ái.
Đúng rồi, biển hiệu, phố Bà Huyện... Ngập ngừng chàng trai bước chân vào quán. Tuổi chàng cỡ băm đến dăm nhát - thì tu nghiệp Pháp quốc, vừa bảo vệ xuất sắc tấm bằng Tiến sĩ. Chàng có chuyến đi phương Nam đầy nắng gió, thăm cha, theo tờ địa chỉ mẹ để lại.
Sinh ra và lớn lên ở ngôi làng thuộc vùng quê Bắc bộ, sau mươi năm tu nghiệp xứ trời Tây, chàng về thăm quê. Phân vân quá - về hay ở, lòng thật chưa ngã ngũ.
Ngôi nhà tuổi thơ đìu hưu, cửa đóng then cài, nhà đại khoa, mái ngói rêu phong, cõng vác thời gian đến oàn oại vòng võng xuống. Góc vườn, cây bưởi già thân hình mốc mác, gầy guộc, tầm gửi quấn chăng; những trái bưởi thối nhũn, lác đác rơi rụng quanh gốc; lá khô rụng đầy. Ngó nhìn, cảnh vật hoang lạnh, lòng chàng thoáng nhớ tới mối tình xưa. Năm đó, chàng bao nhiêu tuổi nhỉ - mười tám, hay đôi mươi? Chỉ nhớ, đó là đầu năm học lớp mười hai. Nhà chàng hai mẹ con, nhà người ta áp bên, thui thủi sống. Thi thoảng người ấy sang nhà chàng, xin lá bưởi về gội đầu. Lần ấy sang, người ta vừa hái xong, chàng đưa nhanh túm giấy bọc những bông hoa bưởi, làm người ấy ngỡ ngàng. Người ta đâu hay rằng, chàng trai đang thầm yêu trộm nhớ đấy. Người đàn bà, chồng xa nhà, hơn chàng đến dăm tuổi. Tuổi trẻ, thật rồ dại.
Nơi quê nhà, bà cô ruột của chàng, chỉ hôm rằm, mồng một, mới sang thăm nom, bày biện đĩa hoa, thắp nén nhang lên ban thờ cho đỡ phần hương tàn khói lạnh và quét dọn nhà cửa, vườn tược. Ngay hôm đầu gặp thằng cháu, bà cô đã mặc cả:
- Thôi thôi, anh lấy vợ đi. Chi họ nhà mình, anh là người hương khói đó.
Nói rồi bà cô sậm sùi, đưa tay lên quệt dòng nước mắt. Chàng ậm ừ, không ra không, chả ra có.
Thắp nén nhang lên ban thờ, nhớ mẹ quá! Cha thì chỉ biết ông qua tấm hình - anh bộ đội trong bộ quân phục, nụ cười tươi tắn. Từ bé, anh cu đã nghe mẹ bảo, "Bố anh cu đó", thì nó biết, đó là cha mình và câu của mẹ hay nhắc "Anh cu giống bố như đổ khuôn nhá".
- Mẹ ơi, con đã về đây! Sắp công thành danh toại, mẹ lại ra đi mất rồi. Không đợi con, chỉ một tí tẹo thôi, mẹ!
Những giọt nước mắt của thằng con ứa trên khuôn mi nó. Bâng khuâng, nhờ về tuổi thơ, nhớ về người mẹ.
Tần ngần, chàng trai mở đọc trang giấy mẹ để lại, địa chỉ của cha, nơi phương trời xa, người mà chưa một lần, nó được giáp mặt.
Sau đôi hôm thăm viếng cha mình, chàng lần tìm và bước chân vào quán cà phê này. Quán có dăm khách, đôi ba bàn họ ngồi tản mát. Bà chủ xoay lưng về phía chàng, đang trao đổi gì đó với khách. Chàng có dịp quan sát: mái tóc dài, buông tha thướt quá gối. Giờ mốt tóc ngắn cơ, tóc dài, xưa rồi diễm: "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ". Tiếng nhạc nhè nhẹ, thăm thẳm, buồn mênh mang. Chàng thoáng nghĩ, ông nhạc sĩ này, chắc đời cũng buồn, tình chắc khắc khoải, thì người phụ nữ quay mặt lại. "Đúng rồi, đúng là người ấy", tim chàng loạn nhịp, vô thức, mắt đăm đăm ngó nhìn người ta. Ô kìa, bà chủ cũng vậy, sững người, ngó lại chàng trai, hai ánh mắt giao nhau. Là thứ tình yêu sét đánh chăng? Tình yêu làm gì có biên giới, tuổi tác, thứ bậc...
Rồi chủ quán ngập ngừng, bước về phía chàng. Và rất vô thức, đang ngồi, chàng trai nhổm lên, đôi mắt đăm đăm ngó nhìn người ta. Chàng chỉ bừng tỉnh, khi nghe câu hỏi ngập ngừng:
- Cậu... uống gì ạ?
Chất giọng phụ nữ Sài Gòn nhè nhẹ, êm ái. Đến mươi giây, theo phản xạ, chàng mới buông lời:
- Dạ... cho một ly cà phê.
- Đen đá, hay nóng ạ?
- Đá!
Chàng ngồi xuống, phân vân. Nói gì đây, bắt đầu cất lời từ đâu đây?
Người phụ nữ một mình ở căn biệt thự có quán cà phê. Ba má và em nàng định cư nơi xứ người. Mấy năm gần đây, cho khuây khỏa, thi thoảng nàng theo bạn bè thăm thú đâu đó. Chuyến đi có cuộc dừng chân thăm "Bảo tàng Chiến tích chiến tranh biên giới Tây Nam", bất ngờ, nàng gặp lại chàng. “Kìa, đúng là chàng rồi. Chàng đứng đó, nụ cười mới quyến rũ làm sao, cả mái tóc bồng bềnh, lãng tử và cặp mắt hừng hực đam mê.”
Đứng lặng ngắm chàng và nức nở... ôm mặt, nàng khóc.
Bên bức chân dung, nhìn những dòng ghi chú, nàng không dám đọc tiếp. Quân giặc dã man! Chúng dùng gai bẹ thốt nốt cưa kéo trên thân thể chàng.
Chàng trai, trong chuyến phương Nam thăm cha - bảo tàng biên giới Tây Nam - trước bức chân dung người cha, đứa con muốn nói nhiều lắm, mà lòng nghẹn tắc… Chàng trai ngỡ ngàng, phát hiện ra điều bí mật, riêng tư của cha. Bên bức chân dung của ông, người sĩ quan trẻ, có tấm hình bảo tàng vừa bổ sung, người con gái và dòng chữ chú giải - Người yêu của liệt sĩ - và còn cả địa chỉ của người ta nữa. Chàng trai tìm tới quán cà phê, nơi kỷ niệm của cha mình. Khi chủ quán bê ly cà phê lại bàn - chàng ngập ngừng đứng lên, mặt mũi bối rối, rồi bất chợt buông câu:
- Cô... Cháu là con trai của... bố cháu.
Người đàn bà trân trân ngó nhìn. Đúng thật rồi, linh tính mách bảo, cả cảm nhận ban đầu khuôn mặt chàng trai, đúng là dòng máu của chàng - con trai của người yêu nàng.
- Con... tôi!
- Má!
Những giọt nước mắt của cuộc đoàn viên: rơi... rơi... rơi!/.
(TP.HCM, ngày 24/12/2018)