Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh của họa sĩ Hồ Thành Đức.









DÒNG SÔNG TRÔI ĐI




  T  huở nhỏ, tôi vẫn thường trêu chị:
   - Chị hiền như cô Tấm nhân gian.
   Chị cười tủm tỉm:
   - Em này, chị chẳng chịu đâu. Chị không tin cô Tấm thảo hiền.
   - Vì sao vậy chị?
   - Em không thấy Tấm trả thù mẹ con Cám bằng một cách độc ác đó sao? Cả trong lời nói nữa kìa - " Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra."
   Tôi cười:
   - Bởi thế em không dám đối xử với chị như nàng Cám.
   - Thôi đi, đừng nói kẻo mẹ buồn.



Chị với tôi là hai chị em cùng cha khác mẹ. Năm xưa có mùa nước lụt, mẹ chị bị dòng lũ cuốn đi khi chị đang còn được người lớn ẵm bồng trên tay. Và mẹ tôi là cô hàng xóm tốt bụng đã tận tình giúp ba tôi nuôi nấng chị. Chị lên bốn, ba tôi chính thức tuyên bố với họ hàng tái hôn cùng cô hàng xóm ấy.
   Mẹ tôi yêu chị như con ruột. Tôi ra đời, hai chị em đều được ba mẹ cưng yêu như nhau, cái gì tôi có là chị cũng có. Đầu trên xóm dưới ai cũng ngợi khen - ở đời hiếm có người dì ghẻ nào thương con chồng như mẹ. Hễ có ai hỏi đến chị Uyên là mẹ khen lấy khen để: - Con bé hiền từ, chăm ngoan lắm. Nhiều lúc tôi có cảm giác mẹ chiều chuộng chị hơn cả tôi. Cái gì mẹ cũng ưu tiên cho chị. Nào là chị lớn hơn con, chị cần những thứ ấy... Rồi thì, con hãy ngoan như chị, mẹ sẽ thưởng nhiều hơn thế nữa. Ngược lại, chị cũng yêu tôi và mẹ không kém, chuyện gì chị cũng đem tâm sự với mẹ, được một phần quà chị cũng nhường nhịn cho tôi. Chị luôn bênh vực quyền lợi và san sẻ công việc giúp tôi. Thế mà tôi xấu lắm, tôi thường ganh đua, tị nạnh và đối xử không công bằng với chị.
   Ba mất, nhà nghèo chị thôi học sớm, phụ mẹ buôn thúng bán bưng để kiếm tiền trang trải cuộc sống và dành dụm cho tôi ăn học. Rồi một hôm, có anh chàng nọ lẽo đẽo theo chị về nhà. Chị thưa với mẹ:
   - Anh Khái bạn con, từ hồi giờ lên trên thành phố học.
   Mẹ tôi nhìn anh rồi reo lên:
   - A, thằng Khái con anh Năm đây mà. Chao ôi, mấy năm không gặp, lớn quá, khác đi nhiều quá, đẹp trai hẳn ra! Mới bước vào nhà bác cứ tưởng ông khách nào trên thành phố xuống.
   Anh Khái cười ái ngại trước lời khen.
   - Thưa bác, con không dám!
   Chà, mẹ bảo đẹp trai, sự tò mò khiến tôi mạnh dạn chạy lên xem mắt "anh rể tương lai".
   Khái gật đầu chào tôi.
   Ồ, quả lời mẹ nói không sai. - Tôi thốt lên trong ý nghĩ và anh bật thành lời.
   - Ôi, em Huyền đây sao? Lớn ra và xinh gái quá. có nhớ anh không?
   Tôi khoe cái răng khểnh bằng nụ cười duyên.
   - Em quên mất anh rồi! - Tôi đáp.
   Hôm đó, anh ở lại nhà chơi, chị đảm đang làm cơm đãi khách. Anh cũng xông xáo vào bếp phụ chị một tay. Ăn uống xong, anh muốn cả ba chúng tôi cùng đi dạo bến sông quê, chị không chịu, chị nói tôi đi với anh để chị ở nhà dọn dẹp...
   Anh tâm sự, anh vừa tốt nghiệp đại học, muốn về quê nghỉ ngơi một thời gian, sau đó sẽ trở lên thành phố. Công ty của chú anh đang đợi anh làm.
   - Thế anh định ở lại bao lâu?
   - Không biết nữa, thời gian tuỳ thuộc ở chị Hai em.
   - Thật vậy sao? - chợt nhiên tôi thấy buồn buồn. Gió chiều thổi cuốn bay làn tóc rối, anh nhìn tôi như muốn hỏi điều gì. Tôi quay sang anh, lên tiếng trước:
   - Có gì đâu, em đang suy nghĩ thôi.
   - Em nghĩ điều gì đó?
   - Thời gian ở lại, em tính nhờ anh dạy học cho em, được không? - Một câu hỏi không hề có dự tính nhưng tôi đã buộc miệng nói ra để che giấu trước anh dòng tư tưởng sai lầm không nên có đang chảy trong suy nghĩ của tôi. Tại sao người quyết định thời gian biểu cho anh là chị mà không phải là tôi, trong khi tôi được ăn học nhiều hơn chị, xinh đẹp và trẻ trung hơn chị?
   - Chỉ có vậy mà cũng đăm chiêu ra vẻ, bé Huyền đã mở miệng nhờ, anh dám không giúp sao?
   - Anh hứa rồi đó.
   - Ừ, anh chẳng quên đâu.
   Lời nói bâng quơ cũng có giá trị, thực ra tôi cũng đang cần một người dạy học, nhờ anh tôi có gia sư. Tháng ngày bên anh không nhiều lắm, nhưng giữa chúng tôi đã phát sinh tình cảm. Tôi thương anh, quý anh, yêu anh và cần anh.
   Chị về, nhìn qua song cửa, mắt đỏ hoe rồi quay đầu lại. Nắng ngẩn ngơ, cơn gió thẫn thờ cuốn theo bước chân của chị. Còn lại đây, nơi dòng sông thả nhạc lao xao, tôi như một bé thỏ con nhút nhát ngủ vùi trong vòng tay ấm áp của anh. Một buổi chiều vi vu gió hát, những vần mây tha thướt nhẹ trôi, chị em tôi ngồi lại bên nhau tâm sự:
   - Tình yêu của em là vậy, em cần có sự che chở của anh Khái chị à!
   - Ừ, chị hiểu. Chị chúc em hạnh phúc! - lời chị thoảng qua nhẹ như làn gió, buồn như mây khói hoàng hôn.
   - Chị có giận em không?
   Chị cười bâng quơ:
   - Em thật vớ vẩn, lấy cớ gì chị giận em?
   Tôi ôm lấy chị, thì thầm:
   - Chị nhớ không, khi Tấm hoá thân vào khung cửi vẫn nói rằng: "Cót ca cót két, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra."
   Chị rưng rưng khóc, chiều vội tan nhanh.


♣ ♣

Tôi thi trượt đại học, anh về thưa gia đình mang lễ cưới xin tôi. Mẹ mừng cho tôi nhưng quặn lòng thương chị, đứa nào cũng là con gái mẹ. Thế rồi, mẹ cũng đành lấy trái tim nhân từ, lòng yêu thương của mẹ để bù đắp sự hy sinh của chị...
   Chị lặng lẽ nhìn ra sóng nước. con sông quê không ngừng chảy bao giờ, cuộc đời cũng thế luôn có sự đổi thay. Khái vào làm rể gia đình tôi là định mệnh. Định mệnh của anh là gắn bó cuộc đời với tôi, không phải chị. Chị như mùa thu lá úa khuất lấp trong anh bằng những ân tình của lòng quý mến, đã phai dần ký ức yêu thương? Cưới hỏi xong, vợ chồng tôi lên thành phố lập nghiệp. Mẹ và chị tiễn chân đi, nước mắt như mưa, chị ôm tôi mà khóc.
   - Sống với nhau từ nhỏ đã quen rồi, nay em khôn lớn phải theo về làm dâu con nhà họ, không nên nũng nịu như lúc ở nhà mình. Sự dịu dàng, thành thật sẽ luôn lấy được lòng người. Hãy cố mà cùng nhau vun vén hạnh phúc cho cuộc đời mình nghe em.
   - Em biết, chị Hai à. Cảm ơn sự quan tâm của chị. Chị nói nữa, em bước không đành đâu.
   - Thôi được rồi, chị không nói nữa, nhưng lên tới trên đó ăn ở ra sao, nhớ viết thư về cho chị, nghe Huyền!
   Quay sang chồng tôi, chị ngậm ngùi:
   - Khái, thỉnh thoảng đưa em Huyền về thăm tôi và mẹ nhé!
   Khái gật đầu, mắt buồn hiu hắt, hình như anh đang tiếc thuở ban đầu, một thuở chung đôi, một thời yêu dấu. Hay anh xót lòng vì một cuộc tiễn đưa? Hay tôi đang ghen thầm với chị? Nào ai hiểu được lòng ta?
   Anh ngại ngần lắp bắp:
   - Chị... Chị giữ gìn sức khoẻ và chăm lo cho mẹ nhé!
   - Tôi biết rồi, Khái khỏi phải lo. Mà này, em Huyền còn vụng lắm đó, từ từ rồi bảo ban cho vợ chứ đừng bắt nạt hay ăn hiếp nó là biết tay tôi. Nếu Khái không tốt với em, cứ mách chị nghe Huyền.
   Tôi cười mà nghèn nghẹn nơi cổ họng.


♣ ♣ ♣

  Ở thành phố cuộc sống quá lu bu nên thưa dần thưa dần rồi mất hẳn những dòng thư tôi viết cho chị. Thoáng đã hơn mười năm, và kể từ khi mẹ mất, tôi cũng ít về thăm. Chị nhớ chúng tôi, nhớ hai thằng cháu Bi, Bo kháu khỉnh là lò dò từ dưới quê lên để ẳm bồng, nâng niu, nựng nịu, được vài ba hôm lại về. Rồi có lần chị lên chơi, chúng tôi bận tiếp những khách quan trọng của anh, vô tình quên mất chị. Chị lủi thủi đi về, từ ấy chẳng thấy chị lên thăm. Hai đứa con tôi thỉnh thoảng nhớ dì, chúng đòi ba mẹ đưa về quê ngoại. Chúng tôi chiều ý con, cũng nhân tiện để xin lỗi chị, mong chị hiểu rằng vì mục đích công việc đôi khi bắt buộc chúng tôi phải làm như thế.

   Đến nơi, mái nhà lá cũ kỹ, hoang liêu, vắng ngắt để từng cơn gió bất chợt luồn qua. Dòng nắng lơ ngơ và tiếng nước của con sông bên kia khung cửa vẫn chảy hiền hoà. Tôi tần ngần nhìn bóng chiều rơi xuống ngẩn ngơ. Có một người đàn bà trung niên đã lốm đốm nhiều tóc trắng đang ngồi tư lự dõi mắt xa xăm. Chị chưa quá già nhưng có lẽ những âu lo trăn trở, những buồn bã muộn phiền đã khiến chị trở nên như thế. Chị đứng dậy chống nạng và đang cố tập tành những bước đi. Chị bất ngờ bị ngã. Các con tôi chạy lại đỡ dì. Vợ chồng tôi đứng chết trân ra đó. Trời ơi, sao chị lại ra nông nổi này? Hèn chi lâu nay chị không lên thăm cháu và em? Hai đứa con tôi giành nhau ôm lấy chị. Chị khóc oà. Lòng tôi xót xa và biết chồng tôi đang quặn thắt tim mình, dẫu sao một thời anh đã yêu và một thời còn lưu dấu mãi. Chị ở vậy suốt đời, chị dỗ mộng tình phai...
   Anh nhìn chị, mắt ngập niềm đau. Tôi xót thương đời chị, chứ không phải thầm ghen như hơn mười năm trước. Vì chị đã tàn tạ, vì tôi đã chính chắn hơn, vì tôi tin chồng tôi và chị, cả hai đều rất yêu tôi, họ không thể làm tổn thương tôi. Vì tình cảm chị em tôi sâu đậm, thân thiết, hay vì tất cả những nguyên do đó đã xô vào lòng tôi một nỗi đau vô hạn. Tôi thương chị, thương lấy chính tôi, bởi tôi đã quá ích kỷ. Tôi tranh giành tình yêu của chị, hạnh phúc của tôi hôm nay lẽ ra là của chị. Tôi lợi dụng sự yếu đuối, đức hy sinh của chị để nhẫn tâm cướp mất, để chấp nhận ân hận suốt đời. Suốt đời nợ chị một trái tim, một khát vọng mái ấm gia đình. Chị trách tôi không? Chắc có, nhưng chị quá hiền từ, chị vốn quen chịu đựng, chị vì hạnh phúc của em, hạnh phúc của người đàn ông chị yêu nên chị lặng im không nói. Tuổi dần xế bóng, tóc nghiêng theo chiều mài miệt cô đơn. Chị khóc, thời gian lăn lóc trôi hoài. Cuộc đời như dòng sông không ngừng chảy, cứ mãi trôi đi...

   Tôi về lại quê xưa, chị cười trong tiếng nấc:
   "Huyền ơi, nơi đây, chị em mình đã lớn lên. Em còn nhớ không, chỗ kia thuở ấy..." rồi thì, " Dòng sông này tuổi thơ chị thường dắt em ra đó tắm."

   Chị say sưa kể, mắt nhoè dần. Tôi thương chị, nhưng cuộc sống của tôi bây giờ là hàng ngày tất bật bán buôn để tiền lại đẻ ra tiền. Tôi muốn đón chị lên thành phố ở cùng với vợ chồng chúng tôi nhưng chị không cho tôi nói, chị kể hoài thuở xưa.