Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






BAY QUA CÕI TRẦN




1.


Cuối thu, bầu trời nước Mỹ xám xịt một màu buồn thảm. Hai hàng cây ven đường lá đã rụng gần hết chỉ còn trơ lại những cành cây xương xẩu, khẳng khiu. Những chiếc lá vàng thưa thớt còn sót lại trên cành phất phơ theo chiều gió như những bàn tay nhỏ vẫy chào nhau trước giờ ly biệt. Những cơn gió heo may tạt vào mặt Khánh khiến chị thấy thấm lạnh một nỗi niềm xa xứ. Khánh co ro đi qua những con đường vắng xe cộ. Ở Mỹ vào giờ hành chánh ít người qua lại trên đường. Chị nhớ ở Việt Nam giờ nào ngoài đường cũng tấp nập người qua lại, đến nỗi có một người bạn Mỹ của chị sau khi đi du lịch Việt Nam về đã hỏi chị:

- Dân Việt Nam của mầy họ không đi làm sao lúc nào tao cũng thấy họ đi đầy ngoài đường, bất cứ giờ nào vậy ?

Nhà ở gần trường nên chị thích đi bộ, cũng là cách vận động thay vì lúc nào cũng ngồi xe. Chị cũng mới nhận công việc trợ giảng môn tiếng Việt trong một trường trung học tại thành phố đông người Việt nầy. Nhớ lần đầu tiên bước vào lớp, học sinh ồ lên một cách thích thú khi thấy chị mặc áo dài. Còn chị thì vừa bỡ ngỡ vừa cảm động nhìn hơn hai lăm khuôn mặt trẻ em Việt Nam trong một trường học Mỹ. Ở đây học sinh được phép ăn mặc khá tự do. Có em mặc cả mốt quần jean rách đi học, có nhiều em nữ mặc quần sọt quá ngắn, giơ đôi chân dài lêu nghêu. Nhà trường chỉ cấm học sinh nữ mặc áo hai dây, còn thì quần áo thế nào cũng được. Tự do quá đôi lúc cũng không phải là tốt. Phần lớn các em được sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên nói tiếng Việt lơ lớ, có lúc Khánh phải căng tai ra nghe mới hiểu các em nói gì. Tên cô giáo là Khánh nhưng lúc nào các em cũng phát âm thành Khanh. Trong lớp học toàn những mái tóc đen, nổi bật một nữ sinh tóc vàng hoe, da trắng nhưng mắt đen. Mười lăm tuổi nhưng em cao to hơn bạn nhiều. Khánh đến bên em hỏi:

-Em là con lai?

Cô bé ngơ ngác có vẻ không hiểu. Khánh hỏi lại:

-Ba má em ai là người Việt, ai là người Mỹ ?

Cô bé trả lời:

-Ba em là người Mỹ, mẹ em người Việt. Em tên Alice Kim.

Rồi Alice nhanh nhẹn mở laptop chỉ vào hình hai người, một người đàn ông Mỹ và một phụ nữ Việt và nói:

-Ba mẹ em.

Rồi cô bé lại chỉ vào một hình khác, đó là một đứa bé trai khoảng chín, mười tuổi, cũng tóc vàng da trắng như cô và nói:

-Đây là em trai của em. Peter Duy.

Khánh ngạc nhiên vì thấy cặp vợ chồng trong hình quá trẻ, trông như anh chị của cô bé. Chị hỏi:

-Hình nầy ba mẹ em chụp lâu rồi chứ ?

Alice phá lên cười:

-Ai cũng nói vậy. Hình nầy mới chụp hôm sinh nhật em, tháng trước. Ba mẹ em bằng tuổi nhau và chỉ hơn em mười bảy tuổi.

Thật là kỳ lạ sao lại có người sinh con khi còn trẻ thế. Khánh đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Và tuy là con lai, nhưng mẹ Alice muốn con tham gia học môn tiếng Việt. Mặc dù cô bé nói tiếng Việt khá giỏi, còn giỏi hơn nhiều hoc sinh có cha lẫn mẹ là người Việt. Sau buổi học đầu tiên, Khánh ra về với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Học sinh ở Mỹ - dù là học sinh người Việt – vẫn khác xa với học sinh người Việt tại bản xứ. Các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tuy vẫn mang hình hài người Việt, nhưng tâm lý thì ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Mỹ, từ cách nói năng, suy nghĩ, hành động. Một em nam có cái tên thuần Việt: Tuấn Nguyễn, khoe với Khánh rằng em là một tay súng rất giỏi. Khánh hỏi vì sao em lại có điều kiện tiếp xúc với súng sớm thế. Em hãnh diện trả lời là ba em tuần nào cũng đưa em và chị của em đi tập bắn ở trường bắn. Em nói:

-Bắn súng thích lắm teacher. You phải học bắn súng, để tự vệ khi có kẻ cướp vào nhà.

Và Tuấn đứng dậy giang thẳng cánh tay phải với hai ngón tay giả làm súng:

-Bùm một phát là xong. Teacher thấy em bắn giỏi không ?

Khánh nhắc:

-Gọi bằng cô, không gọi teacher. Học tiếng Việt thì phải thực hành chứ.

Tuấn cười, vò đầu:

-Yes, cô. Em quên mất.

Khánh lắc đầu khi nhớ đến câu chuyện của Tuấn trong giờ học sáng nay. Thật ra ông bố Tuấn cũng thuộc loại lo xa nên mới dạy con học bắn súng sớm thế. Nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Một khi Tuấn thạo bắn súng thì cũng thích thực hành. Ở lứa tuổi như em, có thể sẽ có những hành động nông nỗi. Khánh có người bạn đã mất một đứa con trai ở tuổi mười sáu khi cãi nhau với một bạn học người Mỹ cùng lớp và đã bị bạn rút súng bắn chết. Giá như cậu bé đó không tiếp xúc với súng thì đã không có kết cục bi thảm như thế. Đang nghĩ lan man, Khánh giật mình vì tiếng xe dừng đột ngột bên cạnh:

-Cô ngồi lên em chở cô về.

Quay lại thấy Alice Kim đang ngồi trên chiếc xe đạp, Khánh hỏi:

-Alice cũng ở khu nầy hả?

Alice đưa tay chỉ về ngôi nhà phía trước:

-Nhà em đó.

Thì ra Alice ở đối diện với nhà Khánh. Khánh ở đây chưa lâu và cô cũng không chú ý đến hàng xóm lắm nên không biết Alice ở gần mình. Khu nầy toàn Mỹ trắng nên rất an ninh. Không biết Tuấn ở khu nào mà tập tành súng ống sớm thế. Khánh nói:

-Sắp đến nhà rồi. Em về trước đi. Khi nào rãnh qua nhà cô chơi nhé.

Alice gật đầu và tiếp tục đạp xe.

2.

Có nhiều lúc Khánh tự hỏi: Mình đến đây để làm gì? Khi đi bạn bè cũng đã bàn ra bàn vào. Ai cũng bảo sống ở nước ngoài buồn lắm. Nhiều người ở bên Mỹ chịu không nổi đã bỏ tất cả để quay về Việt Nam, mặc dù cũng đã có thẻ xanh, thẻ đỏ. Khánh cũng phân vân nhiều nhưng rồi vẫn quyết định ra đi. Cũng có nhiều lý do tác động để chị quyết định như vậy. Chồng chết từ khi còn trẻ, Khánh chỉ có một đứa con trai duy nhất, chị quyết định ở vậy nuôi con mặc dù một người đàn bà có nhan sắc như chị rất khó sống một mình. Lặng lẽ thân cò bao nhiêu năm làm lụng nuôi con, mẹ con quấn quýt bên nhau Khánh cũng thấy đỡ cô quạnh. Đứa con trai khi chưa có vợ cũng tỏ ra là môt người con có hiếu. Khánh thường tự hào về điều đó và hay kể cho bạn bè nghe. Có người trầm trồ khen, nhưng có người thực tế hơn đã nói:

-Con trai chỉ có hiếu khi chưa có vợ thôi Khánh ơi. Khi có vợ rồi thì chỉ biết nhất vợ, nhì con thôi. Đến lúc đó thì mẹ cũng vất sang một bên ấy mà. Khánh cứ nghiệm xem lời mình nói có đúng không nhé.

Như bị một gáo nước lạnh tạt vào mặt, Khánh thường suy nghĩ vớt vát rằng ở đời không phải ai cũng giống ai. Năm ngón tay còn có ngón ngắn, ngón dài kia mà. Khánh cũng đã thấy điều bạn mình nói ở cuộc sống quanh mình, nhưng biết đâu số phận mình sẽ khác. Đến khi đi cưới vợ cho con, chị mơ hồ thấy hình như mình đã đánh mất một cái gì. Và cảm giác của chị đã đúng trong quãng thời gian ngắn ngủi sống chung với vợ chồng Vũ – đứa con trai duy nhất. Cảm nhận đầu tiên chị thấy là con trai không còn chăm sóc mình như ngày xưa nữa. Thậm chí sinh nhật của mẹ nó cũng quên mất, trong khi sinh nhật của vợ và con nó thì nó không bao giờ quên.Hai mẹ con tuy sống chung một nhà nhưng cũng ít khi có dịp ngồi nói chuyện với nhau. Ngoài thời gian đi làm, Vũ khi nào cũng quấn quít với vợ con. Cảm giác mình chỉ là người thừa trong gia đình làm Khánh tủi thân. Có việc gì cần nhờ Vũ thì Vũ hứa hẹn lần lữa, và khi Khánh thấy sốt ruột thì chị phải tự mình giải quyết, dù khó khăn cách mấy. Nếu không phải vì mấy đứa cháu thì Khánh đã nghĩ đến giải pháp ra riêng. Nhưng Khánh chưa thực hiện ý định thì cô con dâu đã gợi ý:

-Má à, con nghĩ má nên ở riêng. Vì ở đây các cháu ồn ào lắm. Má sẽ không có không gian riêng để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Má thì già rồi, cần yên tĩnh. Hay má lấy lại căn hộ chung cư mà má đang cho thuê…

Khánh ngắt lời con dâu:

-Thôi được rồi. Má hiểu.

Thế là Khánh ra riêng. Hôm dọn nhà, Nguyện - cô bạn thân - ôm vai Khánh cười ngặt nghẽo:

-Thấy chưa. Tao đã nói trước mà. Bọn con trai, con dâu đứa nào chả thế. Mà mầy cũng đừng buồn, ở một mình càng khỏe. Nếu thấy cô đơn tao sẽ giới thiệu cho một anh. Đẹp như mầy mà cứ thui thủi cũng phí.

Khánh đẩy Nguyện ra:

-Thôi, cho tao xin. Giúp tao dọn dẹp nhà đi. Nói phét mãi.

3.

Cảm giác đầu tiên khi mới ở riêng là buồn. Khánh đã quen có đứa con bên cạnh. Khi Vũ chưa có vợ, hai mẹ con có nhiều thời gian để nói với nhau một câu chuyện, bàn với nhau về một cuốn sách, cuốn phim. Bây giờ đi ra, đi vào một mình Khánh có cảm giác bơ vơ, trơ trọi. Ban đêm Khánh hay chong đèn vì sợ bóng tối, và bật ti vi suốt đêm cho có tiếng người. Trong lúc Khánh cảm thấy cô đơn nhất thì Hải xuất hiện. Sau khi đăng một truyện ngắn viết cho tờ đặc san của trường cũ Khánh đã từng công tác trước khi nghỉ hưu, trong dịp kỷ niệm năm mươi năm thành lập trường, Khánh nhận được một lá thư từ Mỹ gửi về qua địa chỉ của trường. Một địa chỉ lạ với cái tên ngoài bì cũng lạ: David Hải Nguyễn. Khánh đọc bức thư mới biết anh chàng Việt kiều Mỹ kia nhầm chị với một cô người yêu nào từ thời xa lắc xa lơ, thuở anh chàng kia còn là sinh viên. Khi đăng truyện ngắn Khánh có đăng một tấm hình chân dung nhỏ theo quy định của nhà trường. Thì ra cô người yêu của David Hải vừa giống khuôn mặt Khánh vừa giống luôn cả cái tên: Phan thị Ngân Khánh. Nội dung bức thư là nhắc lại những kỷ niệm thắm thiết giữa hai người và những lời xin lỗi đầy ân hận vì đã bỏ rơi cô nầy để lấy vợ. David Hải cũng không quên cho biết là bây giờ mình đang độc thân sau khi ly dị vợ. Ban đầu Khánh định không trả lời, nhưng nghĩ lại chị thấy như thế cũng tệ. Cũng nên nói cho anh chàng kia biết mình đã nhầm. Chị viết mấy dòng vắn tắt rồi gửi thư đi. Khánh không quên nói rõ quê quán của chị để Hải biết chắc chắn chị và cô Ngân Khánh kia là hai người khác biệt. Nghĩ rằng mọi chuyện như thế đã xong, nhưng Khánh không ngờ Hải đã gọi điện thoại cho mình ngay sau khi nhận được thư. Hải nói rằng đã liên lạc với trường cũ của chị để xin số phone. Ban đầu chỉ bày tỏ ý định xin kết bạn, nhưng càng ngày Hải càng tiến xa hơn, anh xin nghỉ phép để về Việt Nam gặp Khánh. Càng ngày Khánh càng thấy Hải có những biểu hiện vượt quá giới hạn tình bạn. Có lần Khánh bực mình và nghiêm mặt nhắc:

-Khánh không phải là cô Ngân Khánh của Hải đâu nhé. Dù giống nhau cách mấy thì vẫn là hai người chứ không phải là một đâu. Hải về VN đã tìm ra cô người yêu cũ chưa? Hôm nào cho mình gặp mặt xem cô ấy có phải là bản sao của mình không nhé.

Hải ra bộ đăm chiêu:

-Hải đã đi tìm nhưng về quê thì người ta bảo cô ấy đã đi nơi khác lâu lắm rồi. Không ai biết tung tích cô ấy cả. Đành chịu.

-Sao Hải không lên mạng tìm? Biết đâu sẽ có người cung cấp manh mối cô ấy. Khánh cũng rất muốn xem mặt con người giống mình tới mức có người đã viết ra một bức thư lâm ly đến vậy.

Hải cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Dần dần Khánh thấy nghi ngại, hình như có gì không thật trong câu chuyện cô Ngân Khánh nào đó. Cho đến buổi chiều cuối cùng Hải mời Khánh đi uống cà phê để chia tay vì ngày mai anh đã lên máy bay về lại Mỹ. Khánh nói:

-Xin chia buồn với Hải về một chuyến đi không thành công.

Hải nắm chặt bàn tay Khánh, nhìn thẳng vào mắt chị:

-Khánh có biết câu chuyện đó là do Hải bịa ra không? Thật ra không có cô Ngân Khánh nào là người yêu cũ của Hải hết. Hải đọc tờ đặc san của trường cũ – nơi Khánh dạy là nơi Hải học trước 1975 – thấy Khánh viết truyện hay, hình chân dung thì đẹp nên Hải viết thư làm quen bằng cách bịa ra câu chuyện như vậy.

Mặc dù đã đoán trước, nhưng Khánh vẫn cảm thấy bực mình:

-Có cần thiết phải làm như vậy không?

-Hải thành thật xin lỗi Khánh về bức thư. Dẫu nó không thật nhưng nó khởi đi từ một điều có thật: Hải yêu Khánh!

4.

Hơn một năm sau Khánh đã có mặt ở Mỹ sau bao nhiêu đắn đo, ngại ngần. Lúc đầu và ngay cả khi đã sống ở Mỹ hai năm, Khánh vẫn chưa thực sự chưa quen với cuộc sống ở một nơi xa lạ. Trong hai năm, Khánh đã bỏ thời gian học giao tiếp bằng tiếng Anh, học lái xe để thích nghi với cuộc sống. Thấy Khánh đã thạo tiếng xứ người, và ở nhà cũng buồn, Hải đã nhờ người em ruột vốn là giáo viên trong môt trường phổ thông ở đây giới thiệu Khánh trợ giảng tiếng Việt cho học sinh người Việt. Đây là một ngôi trường mà học sinh Việt nhiều gấp đôi học sinh Mỹ. Vì số học sinh Việt có nhu cầu học tiếng mẹ đẻ, nhà trường đã tổ chức cho các em học tiếng Việt theo một chương trình riêng.

Vì ở gần nhà, Alice Kim hay chạy qua nhà Khánh chơi. Alice rất hồn nhiên và thích ăn các món ăn Việt Nam. Khánh ngạc nhiên khi Alice ăn ngon lành những món như mắm ruốc, mắm nêm, chao. Alice nói:

-Ở nhà thỉnh thoảng mẹ mới có thời gian nấu món Việt cho em ăn, vì ba chỉ thích một vài món Việt như phở, bún bò. Còn Peter thì hoàn toàn không ăn món Việt mà chỉ thích các món Mỹ. Hồi nhỏ em ở với bà ngoại là người Việt nên ăn món Việt cũng quen rồi.

Khánh nói:

-Vậy khi nào rảnh Alice cứ qua đây ăn cơm Việt với cô, chú. Buổi trưa cô ở nhà một mình. Rồi cô sẽ dạy Alice nấu các món Việt để Alice có thể tự nấu ăn, khỏi nhờ mẹ.

Quyên – mẹ Alice - làm ngân hàng. William - ba Alice - là kỹ sư. Vì công việc, thỉnh thoảng anh hay đi xa. Quyên tâm sự với Khánh rằng hai người là bạn học thời phổ thông, yêu nhau và có con với nhau từ năm cả hai đang học lớp 11. Quyên phải nghỉ học một năm để sinh bé Alice rồi nhờ bà ngoại nuôi để đi học tiếp. Hai người kết hôn khi đã học xong đại học và bé Peter ra đời. William thích tiêu khiển bằng cách đi câu cá. Thỉnh thoảng vào cuối tuần anh hay rủ Hải đi câu. Hai người lái xe sang tiểu bang khác để câu và hay đem về những thùng cá tươi ngon, phần lớn là cá path, giống cá thường sinh sống tại các hồ nước ngọt ở Mỹ. thỉnh thoảng cũng câu được cá bông lau. Tính William thân thiện, dễ gần. Đi làm thì thôi, về nhà hì hụi làm việc nhà giúp vợ. Câu cả thùng cá đem về, William lại bỏ thì giờ làm cá thật sạch, bỏ vào bịch ni lông sẵn sàng để vợ dễ chế biến. Bên nhà Khánh có việc gì nặng nhọc anh cũng chạy qua phụ giúp Hải. Có lần vợ chồng Khánh đi chơi xa quên đóng cửa ga ra. William gọi điệnthoại báo cho Hải biết. Hải đọc mã số cho William nhờ anh đóng cửa giúp. Với một người chồng có tính ân cần như thế, Khánh nghĩ Quyên là một người vợ hạnh phúc.

Một hôm trong giờ tiếng Việt, Khánh thấy Alice dáng vẻ ủ rủ, mắt còn hoe hoe đỏ. Cuối giờ học chị hỏi Alice

-Alice không khỏe sao ? Hay có gì buồn kể cô nghe nào?

Nghe Khánh hỏi, Alice lại khóc:

-Đêm qua ba mẹ em cãi nhau suốt đêm. Em và Peter không thể ngủ được. Ba em đập đồ đạc trong nhà. Bây giờ nhà em như một bãi rác cô à.

Khánh bàng hoàng:

-Em có biết nguyên nhân vì sao không?

-Hình như ba em ghen mẹ em có bạn trai hay sao đó. Em buồn lắm cô à.

Thật là một tin sốc đối với Khánh. Chị chỉ biết an ủi Alice, mong nó bình tâm lại:

-Vợ chồng nhà nào thỉnh thoảng cũng có xô xát một chút nhưng rồi đâu cũng vào đấy thôi em à. Bây giờ sang nhà cô, gọi cả Peter nữa nhé. Cô có nấu phở hai đứa sang ăn một chút kẻo đói bụng. Em ăn trưa ở trường từ mười giờ cơ mà.

Mặc dù mọi ngày Alice rất thích phở. Nhưng hôm đó em ăn uể oải và rất ít.

Hai đứa bé ăn xong, Khánh lại dắt chúng về nhà giúp chúng dọn dẹp bãi chiến trường mà trận sóng gió đêm qua đã để lại. Nhưng Khánh biết đồ đạc đổ vỡ thì dễ dọn dẹp, còn những dấu vết còn in đậm trong tâm hồn chúng thì cũng khó xóa nhòa.

5.

Mấy hôm sau, vào dịp cuối tuần, Quyên không có mặt ở nhà, William gọi Hải sang nhà anh uống rượu. Hai người đàn ông khề khà từ chập tối mãi đến mười giờ đêm. Về đến nhà Hải say khướt lăn ra ngủ. Hải vốn tửu lượng kém, lại không thích uống rượu, nhưng anh nễ anh bạn trẻ hàng xóm đang có tâm sự buồn. Hôm sau Hải nói với Khánh:

-Đúng là Quyên có bạn trai. Trong những lần William đi công việc xa nhà cô ấy đã ngoại tình. Cái đêm hai người cãi nhau ầm ỉ là đêm Quyên đi chơi với bạn trai bị William theo dõi bắt gặp. Quyên coi vậy mà tệ quá. Có một người chồng như thế còn đòi gì nữa.

Khánh thở dài không nói gì. Hải nói:

-Chỉ tội nghiệp bọn trẻ. Nghe đâu Quyên đòi ly dị.

Sau đó họ còn xô xát với nhau bao nhiêu lần nữa. Nhiều đêm đã khuya Khánh còn nghe tiếng cãi nhau bên nhà William vọng sang. Khánh ngồi dậy, lo lắng nhìn sang. Hải kéo Khánh nằm xuống:

-Tốt hơn hết là cố ngủ đi em. Người Mỹ không thích hàng xóm can thiệp vào việc riêng của gia đình họ. Không phải như ở Việt Nam đâu.

Alice ngày càng héo hắt như một tàu lá úa, trông thật tội. Cô bé hay nghỉ học, có khi đi học muộn với với đôi mắt đỏ hoe. Kết quả học tập của em sa sút hẵn. So với cái hình ảnh ngày đầu tiên Khánh đến lớp, cô bé hớn hở tự hào khoe ảnh ba mẹ và em trai thì bây giờ sắc diện em đã khác xa một trời, một vực. Đã xa rồi những ngày vui của những lần week end cũ. William và hai con đứng trước sân nhà chờ Quyên. Khi vợ xuất hiện trong khung cửa William vui vẻ: “ Hurry up, my Queen! “ * và cả nhà lên xe phóng đi.

Đáp lại lời khuyên của Khánh, cô bé rầu rỉ:

-Em đâu còn tâm trí nào học nữa cô ơi. Hầu như đêm nào ba mẹ cũng cãi nhau. Đến bữa ăn cũng không ai buồn ăn. Ba mẹ em sắp chia tay rồi. Họ sắp ra tòa ly hôn. Mẹ còn nói em sẽ ở với ba, Peter ở với mẹ.

Rồi cô bé òa khóc:

-Em không muốn thế. Em không muốn xa mẹ và em Peter.

Và cái ngày Alice nói đã đến. Buổi sáng ba mẹ Alice ra tòa thì buổi tối xảy ra bi kịch thảm khốc. William nhốt hai đứa con vào phòng khóa cửa lại. Sau nầy Alice kể giờ phút đó trông ba lạ lắm, ba ôm hai đứa hôn vào trán và đẩy hai đứa vào phòng. William đã bắn chết vợ và tự bắn vào đầu mình. Khi nghe tiếng súng và tiếng thét của Quyên, vợ chồng Khánh chạy qua thì họ đã nằm trên vũng máu. Khánh ôm mặt kinh hoàng, đầu óc chị quay cuồng. Chị mơ hồ nghe tiếng Hải hấp tấp gọi xe cứu thương, gọi Police, và tiếng gào khóc của hai đứa bé trong căn phòng khóa kín.

6.

Mọi việc rồi cũng đến hồi kết thúc. Bà ngoại Alice thuê người thu dọn căn nhà sạch sẽ và treo biển bán. Alice và Peter sẽ chuyển đến ở chung với bà ngoại ở Houston, Texas. Từ khi Alice sinh ra đã ở với bà ngoại sáu năm để mẹ học xong phổ thông và đại học. Bây giờ em lại quay trở về với bà khi mẹ ra đi vĩnh viễn. Trước ngày đi, Alice qua nhà Khánh để từ biệt. Khánh cố nén khóc nhưng rồi chị vẫn không kềm chế được. Chị trao món quà cho hai chị em Alice mà chị đã chuẩn bị trước và nói với cô bé:

-Dù ở đâu cũng phải cố gắng học Alice nhé. Cố gắng sống tốt đừng để bà ngoại phải lo nghĩ. Bà ngoại thì già rồi, em phải thay bà chăm sóc Peter nữa đấy.

Alice cũng khóc:

-Em sẽ rất nhớ cô. Nhớ liên lạc với em bằng phone cô nhé.

-Cô cũng thế. Vào dịp Holliday cô sẽ bay qua thăm em. Từ đây bay đến Houston chỉ ba giờ thôi mà.

Khánh lái xe đưa ba bà cháu ra phi trường vào một ngày Cali trở lạnh. Bà ngoại Alice đã bảy mươi tuổi, cầm tay Khánh nói lời cảm ơn và dắt hai đứa bé hòa vào dòng người đông đúc. Khánh còn đứng đấy hồi lâu, lòng bồi hồi thương xót như tiễn biệt những người thân của chính mình.

Một thời gian ngắn sau, căn nhà của ba mẹ Alice đã có chủ mới là một gia đình người Mễ. Khánh và Hải cũng không chú ý lắm. Họ cũng không thân thiện với hàng xóm như gia đình William. Nhưng trong dịp lễ Độc lập của nước Mỹ, Hải rủ Khánh ra sân đốt pháo hoa. Gia đình người Mễ cũng ra trước nhà đốt pháo. Người đàn bà Mễ lân la hỏi Khánh:

-Chị ở đây lâu chắc lúc xảy ra vụ án mạng chị có chứng kiến?

Khánh nói:

-Tôi tưởng chị không biết vụ nầy?

Người đàn bà thản nhiên:

-Có chứ. Vụ đó báo nào cũng đăng, ai mà không biết. Nhưng họ bán rẻ nên gia đình tôi mua.

-Vậy chị có thấy họ trở về không?

Người đàn bà lắc đầu:

-Không hề. Mà chúng tôi tin vào Thiên Chúa, không tin có ma đâu.

Khánh nghĩ thầm, ngôi nhà nầy chỉ toàn kỷ niệm đau buồn, hương hồn William và Quyên chắc cũng không muốn quay về. Cầu mong họ siêu thoát và mãi mãi không quay lại cõi trần gian đầy đau khổ nầy nữa.

(Highlands – Colorado – USA - 11.2018 )
*Hurry up, my Queen! : Nhanh lên, Nữ hoàng của anh.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn ngày 01.8.2020 .