Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







NHẬT VỰNG




    T ôi bắt đầu câu chuyện kể như lời sám hối. Ý chừng chẳng còn gì để mất và cũng chẳng sợ mất điều gì!

Tôi lao vào vòng xoáy đảo điên của cuộc sống như một mũi tên không phương hướng. Đập phá đời mình với tất cả trò chơi mà thiên hạ cho là thời thượng. Thời thượng đó các bạn. Thời thượng trong cái đời sống của một xã hội văn minh hiện đại với đầy rẫy những bẫy giăng. Tôi như con bọ ngơ ngác bay vào rồi chết gục không lối thoát. Và chợt giật mình khi biết mình đang vuốt ve thần chết, AIDS đang thăm hỏi tôi. Cơ thể bị bào mòn, hư hao đến quái gở… những giây phút của cuộc đời chậm chạp, nhạt lạc trôi qua như chiếc bánh xe vỡ lốp, nặng nề đến không tưởng. Những hạt đen mọc trên da người và những vết lở loét làm đau đớn thể xác lẫn tâm hồn hành hạ. Thôi thì đã vậy, chấp nhận với cái gọi là định mệnh và hân hoan đón nhận như một kẻ trộm mở được két sắt của lão nhà giàu bần tiện.

Ở tuổi ba mươi nửa đời, một ả gái vô tích sự lêu lỏng với những đêm thâu và ánh đèn đa sắc, những “guy”, những viên thuốc trắng vàng đỏ, những mũi kim nhọn lểu đâm vào ven, mong tìm cho mình chút khoái cảm… cuộc đời gác bỏ ngoài tai. Trong cái bóng tối hoang tưởng hư huyễn ấy, dường như không còn tìm thấy bóng mình. Tôi lăn vào vòng xoáy đảo điên như một con thiêu thân thích thú dưới ánh đèn vàng, khi tôi chỉ là một cô bé tuổi mười bốn ô mai xí muội và trong phút chốc tôi trở thành đàn bà. Một con đàn bà hư đốn được bọc trong cái lớp trẻ thơ. Có đủ cay đắng, nói nghe cho đã tai một chút, đủ “tơi bời lá thu”.

Khó có thể bắt đầu câu chuyện từ đâu, nhưng thôi hãy bắt đầu từ cái “Tôi” mạt hạng của mình cho dễ.

CÂU CHUYỆN TÔI


    N hững ngày tháng khốn khó đã qua, khi bố tôi được “thuyên chuyển công tác” về đất Sài Gòn. Ông ung dung ngồi lên chiếc ghế phó giám đốc của công ty nhập khẩu vật liệu xây dựng và kiến thiết nội thành. Mẹ tôi và tôi từ đó cũng “đổi đời theo gió”. Từ người đàn bà quê mùa như mẹ với những lao đao hằn trên mi mắt, nay trở thành bà lớn với bao điều còn lúng túng và tưởng chừng lạc giữa thế giới quyền quý xa hoa lộng lẫy giữa phố chợ ngựa xe đông đúc. Tôi cũng vậy, ngơ ngác nhìn mọi thứ dưới ánh mắt lạ lẫm. Những chuyến xe đi về, đèn vàng xanh đỏ chạy hun hút ở những con đường, những cô gái trên những chiếc xe màu sắc, nhân tình dìu nhau trên phố. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tất nhiên, điều tôi nhìn thấy ở chốn quê mùa không thể có. Chỉ có chăng là những con đường bụi đất sình lầy và những đàn trâu bò ì ạch kéo cày cho những buổi đồng áng cơ khổ. Những con đường đê chia những khu đất ruộng vuông vắn thẳng tắp đến lạ kỳ. Những cành hoa lau bạc rũ xuống bóng nước phất phơ theo gió. Tuổi thơ của tôi bắt đầu từ con đường làng thoai thoải chạy quanh co sau những khóm tre. Mẹ tôi tần tảo tháng với ngày nuôi tôi lớn. Ngày ấy ông bố tôi chỉ là người phu hồ cầm bay chạy rông… người của dân mà, ai sai đâu làm nấy hòng cho cuộc sống gia đình thêm chút “ấm no”. Thời gian tuổi thơ của tôi trôi đi êm đềm như cơn nước triều lên sông vào những buổi chiều. Bặt hẳn môït thời gian dài lặng ngắt, mẹ tôi đau vì bố tôi ra đi không để lại một lời nhắn. Với cái chất của người phụ nữ Việt Nam… chữ chung, chữ thuỷ và những sợi dây ràng buộc, mẹ tôi kiên nhẫn chờ đợi đến ngày ông trở lại đón mẹ con tôi. Sài Gòn… nơi ấy trong trí tưởng tượng của một cô con nít nhà quê như tôi đây, không tài nào hình dung ra nổi. Nơi sống mới thật lạ lùng trong con mắt và những suy nghĩ của mẹ con tôi. Dường như có điều gì đó chưa thích nghi, như cá nước ngọt lạc vào vùng nước lợ. Rồi ngày tháng nhanh chóng làm cho chúng tôi quen dần và thích nghi “triệt để”.

–Dạ thưa anh Năm… ngập ngừng vài giây, rồi nụ cười tươi hiện lên bờ môi khá móm và cong như trái ấu thiếu vành của ông ta. Ông ta nhìn bố tôi nói tiếp:–Đây là chút quà mọn của anh em trong công ty biếu anh, nhân ngày anh nhậm chức.

Tôi nhìn người đàn ông xa lạ kia thắc mắc. Đây là lần đầu tiên có người mang biếu nhà mình với thái độ trịnh trọng đến vậy. Bất giác ông ta nhìn tôi nở nụ cười, rồi nhìn bố tôi hỏi cho có lệ:

–Con gái anh Năm đó phải không ạ? Cô bé trông thông minh hết sức. Anh Năm có một gia đình đầm ấm… ước mong của bọn đàn em đây.

Bố tôi thích thú với những điều ông ta nói:

–Có gì đâu chú, mỗi người có riêng cho mình một tổ ấm, ai chả vậy.

Nói dứt câu người đàn ông lạ đẩy gói quà đến tay bố tôi và đứng lên chào ông ra về. Tất nhiên ông ta không quên bỏ lại câu nói nhắn:

–Hôm nào chị Năm rảnh, em cho bà xã và con em qua thăm chị. Vợ em gặp chị chắc là vui lắm anh ơi!

Từ hôm ấy được sự đồng ý của bố tôi, gia đình người đàn ông lạ thường xuyên lui tới như người ruột thịt. Mãi về sau này tôi mới biết qua miệng của bà Thanh Tước vợ của ông ta. Ông ta là Trúc Nhã trợ lý phó giám đốc trong công ty và là phó giám đốc trong công ty cổ phần của bố tôi. Nói chính xác thì Trúc Nhã là đàn em của bố tôi hay tay sai của ông cũng được.



NHẬN LỜI


    B uổi sáng, khi bố tôi vừa ra khỏi nhà đến công ty. Ngoài cửa có tiếng chuông điện réo lên. Tôi bật dậy từ chiếc ghế bành chạy u ra cửa. Bà Thanh Tước đã đứng đó. Bà nhìn tôi cười vui vẻ hỏi:

–Chị có ở nhà không?

Tôi lễ phép cúi chào bà và thưa:

–Mời dì vào nhà. Mẹ con đang làm bếp.

Bà theo tôi bước vào bên trong vui vẻ cất giọng gọi như chim hoạ mi gọi nắng:

–Chị Năm ơi, em Thanh Tước đây. Rồi bà tròn mắt nhìn mẹ tôi và gắt giọng nói thương hại:–Chị vất vả quá rồi. Chuyện bếp núc để cho “Osin” nó làm. Bây giờ chị không còn phải lo nghĩ như xưa. Nếu cần, em tìm cho chị một bà giúp việc.

Tôi im lặng quan sát người khách thân tình của nhà mình. Khuôn mặt trẻ hơn tuổi của bà và cơ thể đầy đặn như con gái mười tám. Thật hấp dẫn. Không hiểu sao ở cái tuổi như mẹ tôi mà bà vẫn còn son đến vậy. Đúng là người Sài Gòn có khác. Ngược lại trên khuôn mặt của mẹ tôi, những vết chân chim đã hằn lên rõ nét tố cáo một thời cơ cực lao đao ở chốn quê mùa nắng gió. Thanh Tước bước đến gần mẹ tôi hơn, bà suýùt xoa tỏ vẻ tiếc nuối và chậm rãi nói:

–Chị ơi! Em không phải nói để dạy đời đâu, nhưng em cảm thấy thương chị quá. Đàn bà với nhau và nhất ở địa vị của mình, chị phải “trùng tu” nhan sắc mình chứ. Không thì các quan bỏ mình mà đi. Chị coi em nè!

Mẹ tôi ngẩn người ra nhìn Thanh Tước ú ớ vì câu nói của bà quá bất ngờ. Bất ngờø đến nỗi mẹ tôi không biết phải làm sao? Có lẽ bà cũng chưa quen với việc “trùng tu” nhan sắc và cũng chưa nghe bao giờ. Rồi trong thoáng chốc, Thanh Tước đưa tay lên mặt mẹ tôi vuốt nhẹ, nhăn mặt nói chua chát:

–Trời ơi, chị coi nè… có thảm không chứ. Những vết nhăn chày ngày tháng mà chị để yên chúng dầy xéo lên trên khuôn mặt đầy chất lãng mạn như chị được sao?

Mẹ tôi im lặng nhìn Thanh Tước, hỏi với chút đượm buồn và cay đắng:

–Vậy tôi phải làm sao cho hết. Tuổi già đành vậy thôi chứ sao cô. Tôi nhỏ lớn giờ chỉ biết cây cuốc cái cày, đâu có hạnh phúc như các cô Sài Gòn.

Thanh Tước nhìn mẹ tôi ngượng ngùng, nhưng rồi ả cũng nói để mẹ tôi vui:

–Chị nói vậy tội nghiệp em, ngày trước em cũng đâu được như giờ. Nhờ có tí tiền, sửa chút nhan sắc mới dễ nhìn như hôm nay. Em muốn đề nghị chị thay đổi một chút thôi mà. Cứ coi như mình thay đổi xiêm áo cho vui. Có hại đến ai đâu nè. Chỉ cho mình đẹp ra thôi, không các quan lại chê cơm nhà thích phở Lolita thì chị em mình chổng vó.

Tôi và mẹ tôi không biết lúc ấy bà Thanh Tước nói gì. Riêng mẹ tôi ngần ngừ mãi và rồi bà quay lại thắc mắc hỏi:

–Phở Lolita là gì?

Bà Thanh Tước cười lớn nước mắt trào ra trong sự ngạc nhiên tột độ của chúng tôi. Bà nói sau tràng cười nắc nẻ:

–Bà chị ơi, vậy mà không hiểu thì làm sao không bị các quan gạt chứ. Phở Lolita là cái đám con gái phấn son tơi bời trong mấy tiệm nhẩy và mấy quán bia ôm đó. Bà chị thiệt tình không biết hay là cố ý không biết đây? Tụi nhóc này hay lắm chị… có quan bị nó móc hết hầu bao rồi mà vẫn chưa biết. Nó có nhiều chiêu thức và các miếng võ ghê gớm lắm. Lão Trúc Nhã nhà em cũng có lần vướng vô, nhưng em quậy tưng bừng, nên lão đành phải xếp vó ngựa đó thôi. Mấy quan không tin nổi đâu chị ơi! Chị đừng khờ như vậy.

Khuôn mặt nhà quê đầy nắng gió của mẹ tôi, bỗng chốc đỏ bừng lên vì giận, vì ngạc nhiên. Bà ấp úng nói không thành tiếng. Đó là những gì tôi nghe được lần đầu tiên trong cái thế giới hoàn toàn xa lạ với mình. Rất lâu mẹ tôi như tỉnh lại, bà nói:

–Có thật vậy không cô? Hay cô chỉ nói chơi thôi. Nhưng nếu đúng như lời cô nói thì mình cũng phải nghĩ cho thân mình chứ. Tội vạ gì không làm đẹp cho mình. Đó là để bảo vệ hạnh phúc thì cũng nên làm lắm chứ.

Thanh Tước tròn mắt nhìn mẹ tôi hăm hở. Bà nói vồn vã như sợ người khác cướp lời:

–Còn gì phải nghĩ nữa. Em sẽ đưa chị đi… chuyện tiền nong không đáng là bao chị khỏi lo cho mệt. Phải chỉnh sửa thôi. Mất chồng em không sợ, chỉ sợ các quan mang về cho mình một đại lý “sầu riêng” là chết dở.

–Cô nói nghe lạ quáù tôi không thể hiểu nổi. Nhà tôi trên quê cũng lắm sầu riêng… có chết chóc ma tây nào đâu.

–Chị lại không hiểu rồi. Ýù em nói ở đây là virus bịnh sida đó bà chị. Chị nhìn thấy mấy tấm biển vẽ cây kim để bài trừ ma tuý không. Bên cạnh có một đống tròn tròn có gai đó là HIV đó. Để các ông đi bậy vấp phải cái trái đó là coi như đời mình cũng toi luôn. Trong xóm em có con mẹ có chồng ăn nên làm ra, hách lắm, nhưng sau này té ngửa ra thằng chả mắc bệnh. Tất nhiên thì mụ ta cũng không tài nào né được cái búa của thần chết rồi. Còn về phần chị em mình đã có phần được phước rồi thì phải biết mà giữ gìn. Vả lại chị em mình đã mắc cạn vào đời các quan rồi thì phải cố chống chèo cho qua.

Song bà quay lại nhìn tôi và nheo mắt như kéo tôi về phía bà, nhằm làm thành một khối liên minh vững chắc để thuyết phục mẹ tôi: –Con thấy không, dì nói đến vậy mà mẹ con vẫn chưa chịu đó. Bà chị khó tính quá.

Thật tình lúc ấy tôi không hiểu gì. Mãi về sau này, tôi mới biết bà làm như vậy hòng mong lấy lòng mẹ tôi, cho việc thăng tiến của chồng bà. Dù sao lệnh quan bà bao giờ cũng nặng ký hơn và dễ nói hơn khi đã lỡ “ngậm ngọc”. Chiêu “mở miệng mắc quai”, tuyệt chiêu, từ ngàn xưa đến bây giờ chưa có một quan bà nào vượt qua được ải đó. Tất nhiên mẹ tôi xiêu lòng và làm theo sự sắp xếp của Thanh Tước.

Mẹ tôi ngồi rất lâu, lắng nghe Thanh Tước giảng giải như một chuyên gia sắc đẹp, một nhà hùng biện. Điều đó với bà rất lạ. Bà như lạc vào mê cung bí sử nào đó xa xôi. Thanh Tước cứ thao thao bất tuyệt về những bàn tay vàng có thể biến quỷ dạ xoa thành tiên nữ. Bà diễn tả bằng tất cả tâm huyết, bằng tất cả sự thành thật và cả những tráo trở trơ trẽn đến buồn cười, nhằm phá sập bức tường đá trong lòng mẹ tôi. Và cuối cùng bằng những cố gắng của mình, sự thành công đã mỉm cười với ả. Câu chuyện của mẹ tôi và bà Thanh Tước kéo dài rất lâu, qua những khúc quanh… đến những nơi đồng nội, vượt qua những chặng đường gió bụi và đến điểm. Chúng tôi bước ra khỏi nhà trong sự hoan hỷ của Thanh Tước và nỗi ngập ngừng của gái quê già.


Trong tập truyện Nhật Vựng



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .