QUÃNG THỜI GIAN CỦA ĐỜI NGƯỜI
Bặt đi mấy chục năm, nay lại thấy tên hắn trên mặt báo. Cái truyện ngắn của hắn in báo Văn học vừa rồi, làm rộn lên nhiều lời bình phẩm. Sau đó, một buổi chiều nọ, hắn đưa vợ khoản tiền nhuận bút đúng một trăm nghìn đồng. Vợ hắn nói:
- Những trăm nghìn cơ à? Nhiều nhỉ?
Hắn gượng cười:
- Ừ nhiều. Bằng cái truyện ngắn năm nghìn từ của anh đấy. Số tiền ấy em làm gì?
- Em khao cả nhà thịt chó. Mua một cân chỉ mất ba mươi nghìn đồng.
Vậy là giá cái truyện chỉ bằng hơn ba cân thịt chó. Vẻ xót sa thoáng hiện trên khuôn mặt hắn. Thực ra thì, hắn đâu dám viết vì tiền. Đến cả các bậc tiên sư nghề văn chương còn chịu sống nghèo khổ kia. Hắn xót sa là bởi đã bất chợt nhìn cái truyện của mình bằng cặp mắt thực dụng. Với hắn, việc cầm bút là xuất phát từ ý thích mà thôi.
Ý thích viết văn trong hắn nảy nở ngay khi còn học phổ thông kia. Nhiều bài văn học trò của hắn nổi tiếng cả thành phố. Năm học đại học đầu tiên hắn đã có mấy truyện ngắn đăng báo. Bạn bè đều hy vọng hắn sẽ trở thành nhà văn. Năm sau, hắn đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn học. Mấy anh lãnh đạo báo này bảo, hắn tốt nghiệp, sẽ đánh công văn lấy về toà soạn, cốt tạo thuận lợi cho hắn trưởng thành. Rồi gần một năm không thấy hắn lui tới, họ mới hay, nhà văn tương lai này đã ra mặt trận.
Chiến tranh không chừa một ai. Đợt hắn ra trận có hàng trăm sinh viên cùng trường. Người ta chúc hắn tìm được hạnh phúc lớn trong chiến đấu chống quân thù. Quân đội và chiến trường là trường đại học vĩ đại nhất. Đây là cơ hội nghìn năm dành cho lớp trẻ. Vì Tổ quốc, hãy xếp bút nghiên, trút bỏ riêng tư...
Là kẻ có thiên hướng văn chương, hắn nhận mặt chiến tranh từ nhiều góc độ khác nhau: Ta - địch, thắng - thua, đạn bom, máu và nước mắt; cả niềm tin và sự hoài nghi; cả lạc quan lẫn giao động... Theo đó là một loạt nhận thức ngự trị trong hắn được kiểm chứng, đảo lộn, sàng lọc. Tuy nhiên, suốt chục năm chiến trận, hắn không một hành vi để bị coi là kẻ nhát gan, ham sống sợ chết. Hắn (và cả đoàn quân) xác định: Chỉ một con đường trở về quê hương bằng quyết tâm quét sạch kẻ thù! Điều đó, là người lính, hắn tâm niệm như chân lý vậy. Ngày về, hắn không nghĩ say sưa với những tấm huân chương đỏ ngực. Nhưng tự đắc có một ba lô đầy ắp truyện và tư liệu viết văn. Hẳn không trí tưởng tượng nào thay thế được hiện thực oanh liệt và tàn khốc nơi chiến trường, chọi nhau bằng tất cả phương tiện giết người tàn bạo nhất ở nửa sau thế kỷ hai mươi này.
Không quá tin vào bộ nhớ trời cho, đúng hơn là cha mẹ cho, hắn đã ghi chép lại mọi tình tiết chiến tranh. Ghi và sáng tác. Hắn mô tả từng trận đánh thắng thua; về ta, về địch; về cái chết của đồng đội; về những cơn đói, cơn khát và trận sốt rét rừng... Hắn làm công việc ấy như tranh cướp thời gian, như thể không làm là có tội. Hắn làm lúc đồng đội nghỉ ngơi. Đồng đội ngủ thì hắn thức. Viết cả trong chiến hào chờ giặc. Có lần hắn bị đại đội trưởng nhắc nhở vì làm việc quá sức. Sự nhắc nhở ấy chỉ gợn lên nỗi buồn thoáng qua. Cứ nhìn cái ba lô phình to thêm mỗi ngày là hắn sướng. Trong đó chỉ một bộ quân phục sờn rách với đống giấy tờ gồm tư liệu và bản thảo sáng tác viết tay. Hắn viết bằng các loại giấy xin từ đồng đội, cả những tờ giấy lượm vội trên đường truy kích giặc. Có tờ giấy dính máu nữa. Thỉnh thoảng hắn lại lôi xấp bản thảo khỏi ba lô. Để ngắm nghía. Để đọc lại. Để sửa chữa. Thêm một dấu phảy. Bỏ một từ. Thậm chí, vất đi cả trang. Một vài truyện, hắn đánh giá hơn đứt cái giành giải báo Văn học năm xưa. Vậy mà hắn vẫn không dừng sửa. Nghề viết văn khó nhọc, hay hắn kém tài? Chắc cả hai. Dễ thì khối kẻ ngốc ngếch đã "điếc không sợ súng" để nhận mình là nhà văn, cho dù văn chương rẻ như bèo.
Ở đơn vị, đôi lần anh em cũng gọi hắn là nhà văn. Hắn cười trừ, cốt thay cho những lời thanh minh. Được chút năng khiếu đâu phải ai cũng sẽ trở thành nhà văn. Khối anh in quyển nọ, quyển kia vẫn chẳng là gì. Có người chỉ bằng bốn câu thơ (mười sáu từ) nổi tiếng, đủ để thiên hạ nhớ đời, suy tôn là thi sĩ, nhà văn. Mới phục làm sao! Thôi thì, thích viết, hắn cứ viết cái đã. Cứ viết tập, tập viết đi. Chỉ tiếc không có điều kiện nhờ văn đàn kiểm chứng sự thành công của hắn tới mức nào.
Nhiều năm rồi, đơn vị hắn luồn sâu trong trận mạc. Có thời gian hắn còn đơn thương độc mã nơi núi rừng heo hút. Điều kiện liên lạc với bên ngoài hết sức khó khăn. Hắn ước làm sao gặp được người tin cẩn để gửi vài cái truyện đi in. Những truyện này hắn không ghi bút danh, mà dùng họ và tên cúng cơm do cha mẹ đặt. Được in, hắn coi như bắn mũi tên trúng hai đích. Một là, hắn thêm niềm tin vào lao động nghề văn. Hai là, loan ra cái tin hắn vẫn sống, để cải chính lời đồn hắn chết từ lâu. Họ và tên hắn chẳng thể trùng với ai. Họ rất Tàu, tên thì thật trúc trắc. Vậy mà năm tháng trôi đi, mấy cái truyện ghi sẵn họ tên cúng cơm ấy không thoát ra khỏi ba lô của hắn. Nét chữ cứ nhoè nhoẹt dần trên trang giấy ố màu thời gian và cát bụi chiến trường. Hắn đành thầm an ủi: Mày là máu thịt tao. Mày rời xa tao làm sao được. Cảm ơn lòng chung thuỷ của mày. Không mày, hẳn có phút tao buồn đến chết!
Thế rồi, chỉ trong chốc lát, tuốt tuồn tuột những gì theo cái ba lô của hắn đều bị bom B52 xoá sạch. May mà đồng đội còn móc được hắn ra từ trong lòng đất. Sau nhiều ngày bất tỉnh, khi vừa thấp thoáng nhận thức trở lại, hắn u ơ hỏi người điều trị ở trạm cấp cứu trung tuyến:
- Cái... ba... lô?...
- Ba lô nào?
- Của... tôi... Trả... cho... tôi...
Nhưng trạm cấp cứu không hề nhận bàn giao cái ba lô của hắn. Ba lô lính trận thì có gì quan trọng đâu. Quá lắm, bức thư tình của người hậu phương được xem là vật quý giá nhất. Để an thần hắn, người thày thuốc trẻ nựng:
- Bọn này sẽ bằng mọi cách kiếm lại cho cậu cái ba lô ấy nhé. Biếu cậu cả bộ quân phục mới toanh... ngay trước giờ xuất trạm, được chưa? Hãy yên tâm điều trị đi!
Mấy ngày sau, nhân chuyến nhận thương binh do đơn vị hắn chuyển đến trạm, mọi người mới rõ sự tình. Cái ba lô chữ nghĩa của hắn đã bị bom vò xé nát bươm. Giấy tờ vụn như xác pháo. Cả máu hắn đỏ lòm. Nên không ai quan tâm nhặt nó nữa. Khi ấy, việc khẩn cấp là cứu thương binh và tìm tử sĩ kia. Nghe kể, hắn bật khóc nức lên trong giây lát. Rồi lịm đi vì không còn sức. Mỗi lần tỉnh táo, hắn lại tiếc đứt ruột.
Sau gần một năm điều trị tại trạm xá và các viện quân y, sức khoẻ hắn hồi phục tạm ổn. Kế liền là sự kiện lớn: Chấm dứt chiến tranh, đất nước thống nhất. Hắn từ một trạm an dưỡng mãi tận phương Nam trở về nhà. Mẹ già hắn đã qua đời. Người yêu thời sinh viên cũng không còn chờ đợi hắn. Nàng buồn rầu nói:
- Chẳng có tin báo tử anh đâu. Nhưng mọi người đều nói rõ anh đã hy sinh. Mà đằng đẵng đến gần mười năm không tin tức của anh. Tuổi con gái chúng em thì chỉ có thời. Xin anh đừng trách em!
Đúng là hắn không thể trách nàng. Chỉ có nỗi buồn chất chồng gậm nhấm hắn. Thế là hắn mất tất cả. Chiến tranh đã cướp đi tất cả. Sức lực hắn. Người yêu hắn. Cả cái ba lô kia nữa. Cái ba lô, đó là công sức và trí tuệ hắn ở thời kỳ trai trẻ sung sức nhất, đã dồn vào đấy. Nó là niềm tin và hy vọng của cả cuộc đời hắn.
Nhưng, "Làm trai phải giàu ý chí. Có chí thì nên tài nên nghiệp" - lời mẹ dạy ngày xưa, hắn chẳng thể quên. Đó là nguồn sức mạnh tiếp sức cho hắn vượt mọi khó khăn gian nan. Tiếp sức cho hắn còn cả cô hàng xóm tốt bụng. Cô tìm sách cho hắn đọc. Phích nước nóng buổi sớm cô đưa sang. Giúp hắn mua mớ rau, con cá. Cả khi trái gió trở giời, cô lo chạy chữa vết thương cho hắn. Hắn ơn cô nhiều lắm.
Một lần, sau khi nghe hắn dốc bầu tâm sự, cô khuyên :
- Anh đừng trở lại trại thương binh làm gì. Xa xôi lắm. Sống tại nhà mình anh không thích ư?
Hắn khẽ khàng đáp:
- Thích... Nhưng anh sợ ở nhà rồi sẽ có ngày cô đơn.
- Thế anh không tin em à?
Hắn ngập ngừng:
- Anh tin.
Nói vậy nhưng hắn cứ thấy ái ngại. Sức lực hắn không còn để mà xông pha. Là đàn ông dù sao cũng phải nghĩ đến vai trò trụ cột trong gia đình. Hắn chỉ đủ làm cái trụ mục thôi. Còn hình thức nữa. Vết sẹo dài chạy suốt má trái, đã đẩy hình thức hắn xuống cấp mấy lần. Nhất là khi hắn cười, cặp môi xệch đi càng khó coi. Ôi cái sẹo! Cho dù nguyên nhân nào tạo thành, thì cái sẹo vẫn chỉ là cái sẹo. Không thể có cái sẹo này mang vinh quang hơn cái sẹo kia.
Cô hàng xóm thấu hiểu nỗi niềm băn khoăn của hắn. Để xoá đi, cô đặt nhẹ nụ hôn lên vết sẹo ấy.
Cô chính là người đàn bà nhận khoản tiền nhuận bút cái truyện ngắn do hắn cầm về. Đầu tháng không kiếm đâu ra thịt chó; vợ hắn trổ tài, làm bữa bún chả thật ngon. Còn cả lời động viên:
- Nhờ nhuận bút của anh mà mẹ con em được bữa khao.
Và những dòng suy tưởng, nàng thủ thỉ bên tai chồng:
- Một trăm nghìn đồng bằng nửa tháng lương kỹ sư mới ra trường cơ đấy. Thế mà anh viết cái truyện, tính gọn lại chỉ hai ngày. Hai ngày được một trăm nghìn đồng. Thích thật! Nếu khoẻ khoắn, mỗi tháng anh viết nổi mười lăm cái truyện. Hai ngày một cái mà. Thì tháng nào nhà mình cũng có thêm một triệu rưởi đồng, anh nhỉ?
Nghe vợ nói thế, hắn chẳng trách. Giá vợ hắn ngồi ghế quan trường, đặt chủ trương ở tầm vĩ mô thì mới đáng sợ. Hẳn hàng tháng mỗi nhà văn phải đẻ được một quyển truyện vài trăm trang mới đủ định mức để lĩnh lương. Vậy mà cũng mê văn chương đáo để. Biết cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều. Biết Tố Hữu có “Từ ấy” và “Việt Bắc”, bị một nhà thơ chê hơn chê kém, khiến có lúc ông bực mình. Biết cả Xuân Diệu nổi tiếng thơ tình nhưng phụ nữ không mê lấy ông.
Tuy yêu văn chương thật đấy, song vợ hắn không thích chồng cầm bút viết văn.
- Không thích là tạm thời thôi anh ạ. Sức khoẻ anh yếu lắm. Anh lao vào sáng tác văn chương, nhỡ làm sao thì không chỉ riêng anh, cả em đều khổ. Cho nên anh phải chờ đợi khi nào sức khoẻ phục hồi đã!
Đó là lời khuyên từ ngày hai người vừa nên vợ nên chồng. Vì nể, hắn nghe. Chẳng cô vợ nào sung sướng khi có người chồng ốm yếu. Nên, bằng mọi cách hắn bồi bổ sức khoẻ. Sớm tối thể dục đều. Nghỉ ngơi và giữ cho cái đầu vô tư. Hạn chế chung đụng vợ chồng... Rồi, thoắt cái mấy năm qua đi. Chẳng thấy sức hắn khá hơn. Mỗi khi thời tiết thay đổi, vết thương cũ lại làm hắn đau đớn khắp người. Khó thở. Huyết áp tăng. Da dẻ xạm đen lại. Có lần phải đi cấp cứu.
Tiếp đến, vợ hắn có mang. Nhìn cái bụng to ình nặng nhọc, hắn thương. Hắn lầm lũi gánh thêm việc nhà. Nấu nướng. Giặt giũ. Quét dọn. Cả chợ búa nữa. Ra chợ, hắn có lợi thế không phải xếp hàng, nhờ cái thẻ thương binh. Vợ hắn đi làm nhà máy vắng cả ngày, nên ngăn hắn cũng không nổi.
- Anh làm những việc này chỉ mất ít thời giờ thôi, chẳng tốn sức lực gì đâu. Lao động nhẹ nhàng cho người nó khoẻ khoắn ra - hắn bảo thế.
Chị vợ ngả đầu vào ngực hắn, nói lời xúc động:
- Em yêu anh nhiều nhiều. Không có anh, em biết làm sao!
Hết thương vợ mang thai đến đoạn hắn hầu đẻ. Hắn không thể mang ý chí kiên cường ra để giành toàn thắng. Dù có gắng gượng thế nào, hắn cũng không giấu được sự suy sụp trên cơ thể. Trong vòng một tháng, hắn tọp xuống đến thảm hại. Cái mặt gồ lên những xương xẩu và dài ngoẵng ra. Râu ria tua tủa. Mới hay điều các cụ dạy thật chí lý: Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn!
Sau nữa là chặng thời gian nuôi con. Con tròn một tháng tuổi, vợ hắn đến hạn đi làm. Mướn người trông con thì thôi bàn tính. Lấy tiền đâu ra để trả người ta. Nhưng hắn lại không cho gửi con nhà trẻ. Theo hắn, đó chỉ là nơi nhốt trẻ. Nó ốm đau, biết đâu hậu hoạ lớn khó lường. Thế là cái gánh nặng nuôi con tiếp tục đè lên vai hắn. Khi còn ẵm ngửa, hắn mong con biết ngồi. Ngồi được, mong nó biết bò, biết chạy. Con đái ỉa ra quần, hắn mong nó biết nói, biết gọi... Mỗi thứ mong, đến được với hắn cũng phải nửa năm trời, cả năm trời.
Ngoài trông con và gánh mọi việc nhà, hắn còn tính chuyện nhặt nhạnh để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Suất lương thợ của vợ hắn chỉ đủ mua gạo và rau hàng tháng. Khoản tiền thương tật thì dùng để thuốc thang cho hắn. Nhưng không thể quanh năm ăn cơm với rau. Rồi còn khoản mặc và hàng chục thứ chi tiêu khác. Nay thêm nuôi con nữa. Nên hắn đã bày cái tủ bán hàng thập cẩm ra trước cửa nhà. Phong thuốc lào, bao diêm, gói tăm, quyển vở, cái bút... nghĩa là, hắn chỉ bán toàn đồ rẻ tiền. Những mặt hàng có giá, lấy vốn đâu để mua. Đồ rẻ đặt đấy chẳng phải coi, ai gọi thì bán. Tưởng không mấy bận bịu, hoá có lúc cũng tối mắt tối mũi. Đang lừa con ngủ, có khách mua phải chạy ra. Đang xi nó ỉa, phải chạy ra... Bán một bao diêm lãi mười đồng. Một gói tăm lãi cũng thế thôi. Hàng chục khách mua, có khi tiền lãi chỉ đủ để ra chợ nhặt mớ rau muống. Nếu tránh vất vả thì ai cho không mình. Nên mỗi ngày hắn chỉ mong làm ra được mấy mớ rau muống từ cái tủ hàng này. Cảnh nghèo, cứ lấy rau muống để mà làm thước đo. Vàng bạc cây que là của người giàu. Mong sao quanh năm suốt tháng, ngày nào nhà hắn cũng có thêm mấy mớ rau muống. Thế cũng bớt lo.
Có người bảo hắn, bán làm đếch gì những thứ đó cho tội thân. Đâu phải hắn không hiểu. Chỉ tại cái túi tiền nhà hắn quanh năm rỗng không. Vì nghèo, nên hắn càng thấy giá trị lớn lao của đồng tiền. Nó có sức mạnh hơn ta tưởng nhiều. Nó mua bán, đổi chác được đủ thứ. Cả danh vọng, địa vị, bằng cấp. Nó làm đảo lộn công lý, phải trái, trắng đen. Vậy mà đã một thời, hắn và không ít người cùng thế hệ, dám tin vào thứ lý luận xem thường đồng tiền. Lại cũng chia đồng tiền ra loại sạch - bẩn khác nhau. Khỉ thật! Hắn suýt bật ra tiếng cười bởi sự ngu ngốc ấy. Thì ra, thời nào đồng tiền vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Và không có đồng tiền bẩn thỉu. Chỉ có con người bẩn thỉu thôi.
Nếu đủ tiền, dù chỉ ở mức đỡ xo xúi, hắn dám dẹp ngay cái tủ hàng. Có tiền, hắn mượn luôn người trông con và dọn dẹp cửa nhà. Để hắn nghỉ ngơi, dưỡng sức. Rồi túc tắc viết. Hắn đâm tiếc khoảng thời gian sống độc thân. Khi ấy chẳng vướng víu bận bịu gì. Khi ấy, giá hắn cứ liều vượt lên. Cứ lao vào viết. Hẳn đã có một cái gì rồi. Hoặc giả, vì viết làm hắn chết thẳng, thế chẳng để phiền để khổ cho ai. Cũng chỉ tại hắn quá tin vào sự phán truyền của giới y học: Phải thận trọng để tránh đột tử! Thế rồi, khi đã có vợ con, càng không thể muốn gì làm thế. Nghĩ gì, làm gì cũng phải tính đến vợ con, lợi thiệt. Không thể vì cá nhân mình mà liều mạng được. Hắn đành cứ phải gác cái thú viết lách văn chương ấy lại. Để chờ!
Hắn lặng lẽ âm thầm chờ. Ngày qua ngày. Năm qua năm. Nhưng cái đích hắn chờ vẫn cứ xa tận đẩu đâu. Rồi hắn nhận ra rằng, cái đích mỗi ngày càng xa lắc. Thì mỗi năm thêm tuổi, mà tuổi trẻ qua rồi, lại đeo đủ bệnh, làm sao hắn dám chắc đến ngày khoẻ lên. Con hắn thì ngày mỗi lớn, không chỉ nuôi ăn, còn nuôi nó học, tốn kém tăng mấy lần. Cái túi tiền nhà hắn lại chỉ có thế, không thể hơn lên. Cảnh nhà hắn như trong hầm thiếu ánh sáng vậy. Sự túng bấn xo xúi khiến hắn suy sụp dễ như bỡn chứ lại. Hắn rùng mình bởi thời gian chờ đợi. Hắn đã chờ, đã đợi, kể từ khi có vợ đến nay đã gần tám năm. Còn khoảng thời gian độc thân cũng hơn năm. Tổng cộng xấp xỉ chục năm hắn chờ... Chờ... Đợi… Thật viển vông hết mức!
Thế là máu văn chương trong người hắn bùng lên. Chiến tranh đã cướp đi của hắn quá nhiều. Nó còn chưa buông tha hắn. Nó đồng loã với cái nghèo tiếp tục gậm nhấm hắn. Cái nghèo không bộc lộ trần trụi, không gầm gừ gào thét như chiến tranh. Nó giống căn bệnh kinh niên khó chữa, cứ âm thầm hủy hoại dần dần cơ thể hắn. Hắn từng cam chịu. Nay không thể được! Hắn sẽ hoàn toàn vô nghĩa ở trời đất này, nếu hắn còn tiếp tục cam chịu.
Bạn bè từng tiếc thay tài năng hắn. Thông cảm, có. Trách móc, có. Có người thẳng băng phê phán hắn nhụt ý chí, không dám vượt lên bệnh tật. Người bảo hắn sợ vợ, bị vợ chỉ huy. Còn nói hắn đã bếp - núc - hoá để trở thành đàn bà. Hắn ngồi chết lặng. Nhưng lửa đang cháy đùng đùng trong lục phủ ngũ tạng hắn. Bọn chúng nói có điều đúng điều sai, song suy cho cùng, lỗi đều từ hắn. Từ nay, chỉ cần hắn không chịu đầu hàng. Từ nay, công việc nhà, vợ con hắn phải tự cáng đáng lấy. Con gái hắn không còn trong cảnh bú ẵm nữa. Nó đang học lớp một đấy. Hắn phải dành thời gian để cầm bút lên. Thời gian đối với hắn chẳng còn bao nhiêu. Có thể mười năm, hai mươi năm nữa. Cũng có khi chỉ còn vài năm. Hoặc một cơn đau đủ kết thúc đời hắn. Thoáng hắn thấy đầu váng, mắt hoa. Cả những con số không loa loá múa lượn từ trong mắt hắn.
Vợ hắn vui vẻ gánh bớt việc nhà cho chồng, nhưng thấy hắn cầm bút viết là lại phàn nàn. Một lần hắn quát:
- Mặc xác tôi!
- Em lo là lo sức khoẻ của anh thôi!
Chẳng biết đây là lần thứ mấy hắn bực vợ. Lại vì cơn bực tức bạn bè ở quán rượu chưa nguội, nên lúc này hắn được dịp trút ra. Hắn hét rõ to:
- Thế tôi sống để làm gì nào? Để - làm - gì - nào?!
Rồi hai người lời qua tiếng lại, hắn xé luôn mấy tờ bản thảo, xổ tiếp ra những lời bất bình:
- Sống!... Để làm gì?... Người sống lâu đâu cần nhiều tuổi! Là đàn ông, người ta chỉ cốt làm được một điều mình muốn, xong rồi chết ngay cũng hả!... Tại sao không một ai chịu hiểu cho tôi?
Hắn còn đe, nếu vợ con cố tình không hiểu, không thông cảm, hắn sẽ bỏ nhà ra đi. Đi đâu không cần biết.
Thấy vậy, con gái hắn sợ nem nép. Còn vợ hắn lấy van xin làm thượng sách. Chồng giận thì vợ bớt lời, chẳng đi đâu mà thiệt. Vợ hắn còn hứa:
- Em không bao giờ cản trở anh viết nữa. Em nói thật mà. Có điều, anh cố viết ban ngày. Sức anh không đêm hôm khuya khoắt được đâu.
Hắn im lặng. Nhưng, ngay tối hôm ấy, hắn lại ngồi vào bàn viết chỗ góc nhà. Đó là cái bàn gỗ tạp ẽo ợt, cóc gặm, gánh chức năng hổ lốn: góc học tập của cô con gái, nơi hắn ngồi viết, chỗ để bát cơm nguội và mấy quả cà muối thâm xì... với cả chức năng tiếp khách nữa. Vợ hắn thấy đêm đã khuya mà không dám giục chồng đi ngủ; không dám cả cựa mình, vì sợ cái giường ọp ẹp nó cọt kẹt khiến chồng mất tập trung. Hắn đã viết trong không gian yên tĩnh ấy, với niềm thôi thúc cháy bỏng ruột gan, với một quyết tâm tới mức quyết liệt. Tiếng ngòi bút chạy sột soạt không ngừng. Thoáng chốc đã đầy trang. Lại thêm trang nữa. Dường như nỗi niềm chứa chất trong hắn từ cả chục năm qua, nay được dịp chen lấn tuôn ra cho toại nguyện. Đêm nay hắn viết câu chuyện hoàn toàn mới, chứ không viết lại cái truyện đã xé đi hôm trước. Hắn viết điều đang diễn ra ở cái thành phố này. Đành rằng văn học không lệ thuộc thời sự, song vấn đề thời sự được phản ánh hay và kịp thời vẫn hơn. Đêm nay hắn dự định thức trắng để thảo cho xong truyện. Cứ đà này chắc xong. Không thể không xong! Và hắn đã toại nguyện với kế hoạch của mình. Tối hôm sau hắn chỉ việc chép lại truyện thôi. Hoàn thành trong hai tiếng đồng hồ. Lúc hắn ghé vào nằm cạnh vợ thì đồng hồ hàng xóm điểm mười giờ.
Nhưng rồi liền ba ngày hắn nằm bẹp. Mỗi bữa chỉ húp nổi một bát cháo. Vậy mà hắn vẫn tỉnh táo, và rất vui.
Khi cái truyện của hắn được in ra, đã làm dư luận rộn lên khắp thành phố. Không phải hắn viết sai. Càng không phải chuyện đĩ điếm, giết người nhằm câu khách. Mà là hắn đã “văn nghệ hóa” nhằm phanh phui một vụ tham nhũng lớn trong đám cán bộ giữ chức quyền quan trọng. Người người đều khen hắn dũng cảm. Vì rằng, nhìn thẳng vào sự thật thì dễ nhưng nói cho rõ sự thật thì chẳng phải ai cũng dám đâu. Người đời, nhất là những kẻ có tóc thường hay né tránh đấu tranh, cốt để yên thân mưu cầu lợi ích riêng. Còn hắn, hắn luôn nghĩ lợi ích riêng phải nằm trong lợi ích của đông đảo mọi người. Nên hắn cố góp chút sức tàn còn lại của mình, để làm rõ phải trái trắng đen trong cái xã hội tràn ngập bất minh này. Hắn nói: “Nếu là nhà báo, tôi không viết truyện ngắn ấy. Tôi phải điều tra đầy đủ chứng cứ tư liệu, để cho ra cái bút ký hoặc phóng sự cơ. Một bài bút ký hay phóng sự về vụ việc này sẽ có sức công phá lớn hơn rất nhiều”. Hắn khẽ thở dài nuối tiếc: “Là bởi tôi là một thằng dân tàn phế. Bạn bè lại chỉ cung cấp cho tôi số ít tư liệu, tuy chính xác song không đầy đủ. Tôi đành phải viết truyện ngắn ấy với hy vọng: Báo động về một vụ tham những đã xảy ra… Viết xong là ốm liền, ông ạ!”.
Thế mà chưa hẳn hết ốm, hắn đã lại cầm bút lên...
Và đêm nay, ít nhất hắn phải thảo kỳ được phần mở đầu cái truyện mới. Mở truyện khó như lời tỏ tình đầu tiên với người mình yêu. Không xong ý định, có mà phí bữa bún chả vợ hắn trổ tài lúc chiều. Phí cả mấy vại bia hơi mát lạnh và lâng lâng tuyệt vời. Hắn phải viết để giành giật với quãng thời gian còn lại của đời người. Để bù một phần những gì hắn đã bị chiến tranh và đói nghèo cướp đi. Phải đạp lên mọi cản trở. Để viết. Viết. Viết... Viết không chỉ từ ý thích. Còn là trách nhiệm. Dù không may, phải sớm lìa vợ lìa con, hắn không sợ. Có sao, vợ con hẳn cũng xá tội cho hắn.