CỘT CÁI ĐUÔI CON CHUỒN CHUỒN
B à chọn ít quần áo và những vật dụng cá nhân cần thiết, nhét vào valy.
Rất nhiều lần bà đã muốn ly thân cho nhẹ người, nhưng rồi cứ chuyện nọ xọ chuyện kia… Rồi lần lữa, lần lữa… Rồi cơn giận nguôi dần… Rồi dù sao thì mình ở trong nhà mình vẫn sướng nhất. Rồi độ ỳ của tuổi tác làm bà chùng bước.
Còn lần nầy bà quyết tâm bỏ nhà ra đi. Mà đi đâu? Tới nhà con trai thì ngại với dâu. Tới nhà con gái thì ngại với rể! Suy đi tính lại, bà quyết định sẽ đi share một căn phòng, ở một mình cho khỏe cái thân.
Thôi thì ráng chịu đựng đêm nay. Chỉ một đêm nay thôi. Rồi sáng mai bà sẽ đi mua mấy tờ báo kiếm phòng thuê. Bà sẽ kiếm cái nhà nào gần chợ Việt Nam cho tiện. Người bạn thân của bà, có lão chồng tòng teng bồ bịch ở Việt Nam, tức mình bỏ ra ngoài share phòng ở, đã hùng hồn phát biểu rằng sướng như tiên. Người ta làm được, mắc gì bà không làm được. Sáng bà sẽ đi bộ với mấy người bạn. Rồi tiện ghé chợ. Chiều coi ti vi. Tối đọc sách.
Hổm rày ông bà không thèm dòm mặt nhau, không nói với nhau nửa lời. Nhà đã vắng càng thêm vắng. Giờ lại cộng thêm cái lạnh. Cỡ âm vài chục độ chứ chẳng chơi! Băng đóng trắng xóa trên các vách tường, dưới sàn nhà, trên tất cả vật dụng trong nhà và đông cứng trên khuôn mặt của hai ông bà!
Chuyện là, bà gọi điện thoại cho con gái, kể việc mùa bóng đá vừa rồi, ổng cứ tới tiệm cà phê coi. Bà biểu ở nhà coi cũng được, cắc cớ gì phải đi ra ngoài. Chắc ổng muốn coi mấy đứa con nít ăn mặc hở hang. Và ổng vẫn không chịu sửa đổi những tật xấu vốn có như hút thuốc, nhậu nhẹt, ở dơ, lười biếng, xả rác bừa bãi, đồ đạc đụng đâu vứt đó, mở hũ đường hũ muối không đậy kín lại. Vân vân và vân vân… Trong khi xổ cơn tức, bà không biết ông vừa ở ngoài về. Ông nghe hết. Thế là ông bà cãi nhau.
- Tui phải xả stress để khỏi bị trầm cảm, ông hiểu chưa? Chịu đựng ông gần hết cuộc đời, tui mệt mỏi lắm rồi!
- Bộ bà tưởng tui không chịu đựng bà ha? Bà thì sao? Miệng nói ra rả, dai nhách suốt ngày, nghe điếc cả tai, nghe đau cả đầu. Mặt mày cau có thường trực, hở tí là rên rên rỉ rỉ, than than thở thở làm tui phát bịnh. Bà khó tính khó nết, xét nét tui từng li từng tí. Bà quan trọng hóa mọi chuyện nhỏ nhít làm cuộc sống nặng nề… Với lại, đâu phải tiếp viên quán cà phê nào cũng ăn mặc hở hang. Không tin mai bà đi với tui.
Trưa nay, như những buổi trưa trong tuần lễ giá lạnh nầy- dù ngoài kia Nam Cali đang là mùa hè với trên 90 độ F - bà dọn cơm lên, trong im lặng, phần bà bà ăn, phần ông ông ăn. Xong, bà im lặng rửa chén, ông im lặng dọn dẹp. Xong, ông nằm dài ra sofa, coi ti vi. Bà ngồi vào ghế massage chân.
- Ủa! Cái gì cứ kêu xè xè cạch cạch vậy cà? Ông bà cùng nhìn lên.
Con chuồn chuồn to bành ki màu đỏ tươi như trái ớt chín, lạc vào nhà! Nó đang bay chấp chới, cuống cuồng, va đập liên tục trên trần nhà. Xè xè cạch cạch! Cả ông và bà cùng ngước cổ theo dõi nó.
- Mèn đét ơi! Con chuồn chuồn!
- Ngộ quá ta ơi! Ở Mỹ, vùng Orange County nầy kiếm con chuồn chuồn đã hiếm, mà nó lại lọt vào nhà mới độc đáo chớ!
À, thì ra lúc nãy ông ra sau đổ rác, quên kéo cánh cửa mở ra vườn sau.
Bỗng dưng ông bật dậy đi lấy tờ báo, huơ huơ tìm cách dồn con chuồn chuồn vào góc tường. Chạy tới chạy lui cố bắt nó. Tay ông xương xẩu, cứng đơ, lóng ngóng, vụng về. Bắt miết không được! Thấy phát mệt!
Nãy giờ bà ngồi im theo dõi, kín đáo bĩu môi, nguýt dài. Cứ mỗi lần hai ngón tay ông kẹp lại mà cái đuôi con chuồn chuồn vuột mất thì bà nghe ngứa tay ngứa chân, bực bội lắm. Phải rất cố gắng bà mới không động đậy. Nghĩ bụng người gì mà dỡ ẹt, chỉ bắt mỗi cái con chuồn chuồn cũng không xong!
- Lại hụt!
Tự nhiên bà thì thầm:
Chuồn chuồn có cánh thì bay
Có thằng nho nhỏ theo sau bắt mầy.
Ông lạng quạng suýt ngã. Bà buột miệng kêu lên:
- Để tui! Tui bắt được cho coi!
Không hiểu sao, vốn mập mạp ục ịch chậm chạp mà bỗng dưng bà nhanh nhẹn lạ lùng. Hầy, cái đuôi con chuồn chuồn bị kẹp lại giữa ngón trỏ và ngón cái của bà. Gọn hơ! Nó cong mình lại, vẫy cánh túi bụi. Bà reo lên:
- Đó, ông thấy chưa? Gì chứ bắt chuồn chuồn thì tui số một. Hồi nhỏ tui bắt chuồn chuồn giỏi nhứt xóm đó!
Đang hí hửng, bà khựng người lại vì chợt bắt gặp bộ dạng của ông: Ông đứng lặng im nhìn bà đăm đăm, mắt ông sáng long lanh, miệng ông cười tủm tỉm. Bà mắc cỡ, cúi mặt, cũng lỏn lẻn cười.
Ông thốt lên:
- Trời ơi! Em dễ thương quá! Trông như một cô bé! À không, như một thiếu nữ!
Bà tròn mắt:
- Cái gì? Ông chọc quê tui hả? Mà sao tự nhiên anh anh em em ngọt xớt vậy? Nghe dị hợm quá!
- Anh nói thiệt đó! Em đáng yêu lắm. Ủa! Mà xưng hô anh em thì có gì kì! Hồi nào mình vẫn anh em với nhau đó thôi.
- Hồi đó trẻ. Giờ già rồi!
- Trong bộ luật có cấm người già kêu nhau bằng anh em không ha? Có cấm người già hết đáng yêu đâu ha? Nhưng chúng ta đâu có già! Chúng ta chỉ cao tuổi thôi mà. Ơ ! Coi chừng con chuồn chuồn cắn kìa! Nó cắn đau lắm đó em!
Bà cười hề hề, giọng dài ra:
- Hứ! Dễ gì… để nó cắn!
- A! Mình cột đuôi nó em ha!
Ông tung tăng chạy đi lấy sợi chỉ. Rồi ông bà chụm đầu nhau, lúi húi, tỉ mẩn cột cái đuôi con chuồn chuồn. Hai cặp kính lão thỉnh thoảng đụng nhau kêu cái cốp. Ông bà cự nự, cằn nhằn nhau mấy câu. Ông giữ đôi cánh mỏng tang, rất nương nhẹ, kẻo sứt mất. Mà sao những ngón tay ông lại run run vậy cà, bà thấy vừa mắc cười vừa thương thương. Bà làm nút thắt, (bài học thắt nút hồi cấp tiểu học được đem ra ứng dụng), để thắt cái đuôi. Cái đuôi bé tí xíu. Phải rất khéo léo, rất cẩn thận, vì nếu lỏng thì nó vuột mất, mà chặt thì đứt đuôi con chuồn chuồn như chơi! Chợt nhận ra tay bà sao mà chậm chạp, ông nghe lòng buồn buồn khó tả. Rồi ông hăng hái dành phần cột đầu sợi chỉ kia vào cái nắm cửa.
Xong, họ đứng chống nạnh, hả hê ngắm con chuồn chuồn bay tới bay lui, bay qua bay lại, bay lòng vòng… phát ra âm thanh xẹt xẹt. Họ hớn hở sung sướng như thể vừa lập xong một kỳ tích. Ông ngâm nga:
Chuồn chuồn bay lạc vào nhà.
Ông bà bắt được cột (đuôi) mà ngắm chơi!
Bỗng ông bà quay lại… nhìn nhau, bắt gặp nét trẻ thơ trên khuôn mặt nhau… rồi cùng nằm dài ra sofa.
Băng tan dần dưới ánh nắng mặt trời. Hòa bình đã được lập lại. Thậm chí còn hơn cả hòa bình bởi ông đang tình tứ vòng tay ôm eo bà, đặt môi lên má bà. Bà phụng phịu đẩy nhẹ ông ra: - Đồ yêu đồ quỷ cái ông nầy! Già rồi…
- Ơ, em kì ghê! Bộ già rồi thì hổng được hun nhau ha… Có bộ luật nào cấm người già hun không ha? Mà nhắc lại nè: Chúng mình cao tuổi, không phải già. Thôi, cho anh xin lỗi mọi chuyện!
Bà nguýt dài, kéo dài giọng:
Hứ… Chúng mình… Nghe dị muốn nổi da gà!
Ông vuốt tóc bà, dịu dàng:
- Nè, tóc trắng nhú ra nhiều rồi nè. Chặp nữa anh nhuộm tóc cho em nghen!
- Hứ… Đây hổng cần. Đây tự nhuộm được.
Ông lại ôm chặt bà:
- Thôi mà cưng… Bớt giận đi mà cưng…
- Hứ… Cưng cưng cái gì mà cưng… Nghe phát ớn lạnh!
- Thôi mà… Cho anh xin lỗi mà… Anh biết anh có lỗi nhiều với em lắm… Anh là người chồng chưa tốt. Anh hứa từ nay sẽ luôn làm vui lòng em. Chịu chưa? Nè… cho anh hun miếng nè. Thương quá nè...
Bà hứ hé thêm vài tiếng nữa rồi mới chịu ôm ông, rúc đầu vào ngực ông:
- Ừm… E…m … xin lỗi cái vụ em gọi điện méc con. Em cũng có nhiều lỗi với anh.
Ông vỗ tay kêu cái đét, gào toáng lên:
- Đó, em xưng em nghe dễ xương (thương) quá xá. Mặt mày em tươi rói coi cũng dễ xương quá xá! Chời ui chời (trời)! Bữa nay bà xã chui (tui) chuyệt (tuyệt) cú mèo chời ui chời! Chui (tui) yêu dzợ (vợ) chui (tui) quá chời ui! OK, chụi mình bỏ qua cho nhau tất cả. Chui hạnh phúc quá… chời ui chời!
- Đồ yêu đồ quỷ cái ông nầy! Bày đặt bắt chước thằng cu Tý nói ngọng. Kể anh nghe nè, hồi nhỏ em thèm bơi lắm. Em cho chuồn chuồn cắn rún miết mà cũng không bơi được. Thiệt ra thì em chỉ ịn cái đầu nó vô rún rồi lấy ra ngay. Sợ lắm! Em nhát hít mà. Cũng nhờ thèm bơi mà em bắt chuồn chuồn giỏi nhứt, hình như em có tay sát chuồn chuồn, bắt là dính! Bắt là dính!...
Ông canh ngay lúc bà vừa ngưng để thở, xen liền:
- Tới phiên anh ha! Hồi đó ha, anh ham câu cá kinh khủng luôn. Ham tới nỗi trưa nắng chang chang mà anh cứ ngồi ngoài bờ sông, bỏ cơm trưa luôn. Anh là tay sát cá đó, anh thả câu mười lần là cá dính đúng mười lần. Má anh bẻ cần câu của anh hoài hà. Có lần bà kêu về trong lúc anh đang mê cá. Anh cứ lì ra. Bà tức quá cầm cây roi. Anh bỏ chạy, bà rượt theo. Nhưng sức mấy mà bà bắt được anh! Rượt mỏi bà chán. Tới tối anh mới mò về. Bà chẳng nói chẳng rằng, biểu anh ăn cơm, biểu anh học bài, biểu anh đi ngủ… Sáng ra… hí hí… anh vừa mở mắt, hí hí…thấy bà đứng bên giường, tay cầm cái roi. Hí hí…
- Chắc bữa đó anh được ăn điểm tâm với cháo lươn?
- Làm gì có! Thấy tình thế ngàn cân treo sợi tóc, anh khóc rống lên, kèm theo tiếng ò e ỏ ẻ thảm thiết. Bả chịu không thấu. Hí hí… nên bả tha bổng. Anh là con cưng chớ bộ!
- Ờ! Giờ tới em: Anh biết hông, trưa nào cũng vậy, tụi em ra bờ tre trước ngõ chơi. Chơi đủ trò:
- Tụi em lấy cái đọt lá tre, khoanh tròn, xỏ lại thành cái vòng, làm vòng đeo tay nè, rồi xâu với nhau làm dây chuyền nè, làm vương miện nè… hoặc kết thành cả chuỗi dài để trang điểm cho cô dâu trong trò chơi đám cưới.
- Khoan! Hồi đó em cô dâu còn đứa nào chú rể?
- Xì! Ghen hả? Vô duyên! Lãng nhách! Nghe kể tiếp nè. Bọn em còn nhai ngon lành phần nõn trắng mềm mại của đọt lá tre non, dòn dòn, ngòn ngọt. Tụi em còn lấy tàu lá chuối, tước sợi nhỏ, đội lên đầu làm tóc, hê hê… À, đồng hồ thì làm bằng lá dừa, giống in cái đồng hồ thiệt luôn. Cánh hoa cỏ chi thì dán vào móng tay, y chang móng tay để dài sơn hồng, đẹp dễ sợ luôn! Bông tí ngọ, mà người ta hay gọi hoa mười giờ đó anh, đem chà nát lấy màu làm môi son, má hồng…
- Vui hết sẩy luôn… Hê hê, tối có trăng, tụi em lấy tàu cau làm xe kéo, thích lắm! Có khi mê quá, mòn lủng hết đít quần! Rồi chơi u mọi, chơi năm mười… Sướng thiệt… Em khoái nhất là chơi chậu. Cả bọn chừng chục đứa, đứng vòng tròn, nắm tay nhau thiệt chặt, rồi ngã người ra, coi giống cái chậu, rồi quay tròn, đã lắm….
Ông ngồi bật dậy, năn nỉ:
- Em ơi… Cho anh nói chút xíu thôi… Lỡ lát nữa anh quên mất, tội nghiệp anh. Em biết trái bồ lời không? Bọn con trai anh lấy lóng tre nhỏ làm nòng súng, bồ lời làm đạn, rồi lấy chiếc đũa thụt, nổ kêu cái bụp… nghe sướng tai ác chiến luôn!
- Rồi! Giờ tới phiên em chứ: Em chơi đánh tóp không đứa nào bằng. Biết đánh tóp là gì không? Ngữa bàn tay đặt sỏi hoặc hột me, hoặc dây thun lên, rồi sấp bàn tay lại, phải thiệt mau, và sao cho những gì trong lòng bàn tay được nằm trên mu bàn tay, số lượng nhiều thì thắng. Mà anh coi bàn tay em nè- Bà đưa bàn tay ra, các ngón tay ưỡn cong thành cái trũng sâu- Nè, ngon chưa?
- Ừ, ngon! Vợ anh đương nhiên là ngon rồi. Giờ phiên anh: Anh làm cối xay bằng hột xoài là số dzách. Cối xay của anh chạy lẹ nhất! Khoan! Đợi chút, cho anh nói tiếp, chút xíu thôi mà, nhớ đâu nói đó lỡ lại quên. Em biết không, anh làm ná bắn chim cũng số một luôn!
- Hồi đó em còn khoái chơi câu muối!
- Câu muối?
Ờ, tụi em lấy sợi chỉ cột hột muối, rồi làm cần câu… Rồi đi rình coi ai ngủ trưa há miệng, tụi em thả tòng teng hột muối cho họ liếm chơi. Hễ bị lộ thì bỏ chạy. Có lần em chạy chậm phiá sau, bị đuổi sát, em sợ quá té đái ướt mem quần! Khai ngúm!
Ông nằm xuống cạnh bà:
- Em ơi!
- Ơi!
- Từ nay tụi mình bỏ qua hết những phiền muộn về nhau, em ha. Hai đứa mình sống thật vui, thật hạnh phúc nghe em! Hạnh phúc từng giây từng phút nghe em. Bởi… còn có bao lâu nữa đâu em - Dừng lại một lúc, giọng ông trầm xuống, xúc động -… Nếu… anh đi trước, anh sẽ phù hộ cho em.
Bà giẫy nẫy, la oai oái:
- Thôi! Em sợ ở nhà một mình, sợ ma lắm. Em sẽ đi trước anh! Em sợ anh về đứng trên đầu giường rờ trán em, tay anh lạnh ngắt…sợ anh về đứng dưới cuối giường kéo chân em… Lạnh ngắt! Sợ lắm!
Ông vuốt ve tóc bà, nhỏ nhẹ:
- Không, anh sẽ không bao giờ làm em sợ. Anh sẽ không để em thấy anh. Anh hứa đó!
Thôi, em vẫn cứ sợ! Anh biết em nhát hít mà!
Ông vỗ về, giọng dịu dàng:
- Hay là … mai mốt tụi mình cùng đi một lần ha! - ông đổi giọng nhõng nhẽo- Còn ngay bây giờ thì… cho anh… hun miếng nữa đi... hun miếng nữa đi mà…đi mà… Nhâu (lâu) quá dồi (rồi)… À, sáng nay anh đọc được câu thơ hay quá, em nghe nè:
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.(*)
- Í… Đồ yêu đồ quỷ cái ông nầy! … Cứ phỉnh người ta không hà… Ê! Đừng chơi ăn gian nghen!
Em ơi, hình như con chuồn chuồn nó dòm tụi mình kìa! Mắc cỡ quá! Hí hí…
Con chuồn chuồn nãy giờ bay tới bay lui, chừng đã mỏi, đậu im trên cửa. Cái đuôi nó tòng teng sợi chỉ. Cặp mắt nó đảo qua đảo lại, láo liên láo lức. Nó có dòm ông bà không? Ai mà biết!
Nghe kể, trong đêm trăng rằm nọ, có một tiên ông râu tóc bạc phơ, mà người ta vẫn gọi là Nguyệt Lão, ngồi xếp bằng trên phiến đá giữa rừng, đang cột từng cặp chỉ màu hồng… Ha ha… Hai đứa nầy coi bộ xứng đôi à nghe: Một con bé có hai bím tóc đong đưa, rón rén từng bước chân rất khẽ tới cây mũ dẻ có con chuồn chuồn đang đậu, hình như nó mê bơi nên tìm bắt chuồn chuồn để cắn rún. Hê hê, một thằng bé mặc quần xà lỏn, ở trần, ngồi im như tượng với chiếc cần câu, đợi cá đớp mồi. Hà hà… Hai đứa bay đều khoái sông nước. Ta sẽ cột hai đứa bây lại với nhau chơi hè! Bay đừng hòng thoát khỏi nhau, dù ở nước Việt Nam hay khi qua tận nước Huê Kỳ. Ha ha ha…
*Thơ của Kahlil Gibran- Anh Bồ Câu dịch.