Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







MƯA BỤI MÙA XUÂN






       C   ứ sáng sáng nhà thơ Quế Lâm lại thủng thẳng đạp xe đi đây đi đó như một người lang thang bất định, như một kẻ mộng du. Ông đi “tìm hiểu sự đời”, ông đi tìm cảm hứng! Đầu óc ông để tận đẩu tận đâu, mà xe cứ đi thong thả như tự nó biết đi. Những tứ thơ bất chợt như trái thị vàng đôi lúc rơi xuống hồn ông, ông vội “nhặt” lấy, cho ngay vào “bị”. Nhưng mà "thị" thì có mấy khi rơi trúng "bị" đâu? Thơ cũng vậy! Cho nên ông phải đi nhiều, đi đến những nơi có lắm “cây” nhiều “trái” mới mong kiếm tìm được tứ thơ bất chợt. Trong giới văn chương người ta gọi đó là đi tìm cảm xúc. Cái kiểu đi như thế, người ngoài cuộc chỉ thấy nhạt phèo, vô bổ, thậm chí coi ông như một kẻ “vô công rồi nghề”. Với ông, tuy đôi khi cũng thật vô ích, nhưng thường khi lại rất hữu ích. Vô ích là vì nhiều hôm về mệt phờ râu mà đầu óc rỗng tuếch, chẳng thu được gì. Có ích là khi đột nhiên "thị" rơi vào "bị", khi bất chợt “chộp” được một điều gì đó quý như bắt được vàng được ngọc. Ông cứ đi đều đều, ngày nọ ngày kia, cả những hôm nắng rát chói chang, cả những ngày mưa dầm rét mướt; khi giao lưu, hội thảo, lúc họp mặt, chu du; khi vào thư viện, lúc đến hiệu sách, bảo tàng; khi trong nội thành, lúc ra cả ngoại thành, ngoại tỉnh...

          Sáng nay, đang giữa tiết xuân, dưới làn mưa bụi li ti, ông lững thững đạp xe với chủ định quan sát những búp chồi non tơ mới nhú trên các tán bàng trơ trụi, trên các ngọn bằng lăng khô khốc, trên từng nhánh điệp mốc meo... Thật lạ, như có phép mầu, cứ mỗi ngày chồi non lại có một bước “nhảy vọt” đến không ngờ. Chỉ độ tuần lễ thôi mà từ tán bàng trơ trụi, từ ngọn bằng lăng khô khốc, từ nhánh điệp cong queo như mớ củi khô kia đã lại được phủ xanh màu ngọc bích! Thiên nhiên thật kỳ diệu làm sao. Cái màu xanh ngọc bích được điểm tô bằng những hạt nước li ti óng ánh như pha lê ấy làm cho tâm hồn ông thư thái đến lâng lâng. Ông như một đứa trẻ bất ngờ được nhận một món quà ưa thích!

          Một câu thơ chợt lóe lên trong đầu:

Gió rủ nốt lá vàng vun gốc ướt
Để chồi non nhú biếc ngọn cây già...

     

     Ông lẩm nhẩm câu thơ, cân nhắc, nghiền ngẫm. Thế là ông đã có một tứ thơ, một “trái thị” rơi bất chợt mà suốt cả tuần nay ông chờ ông đợi! Câu thơ ấy có thể là sự khởi đầu của một bài thơ. Nhưng đó là việc của những ngày kế tiếp bởi vì mỗi bài thơ có khi ông viết cả tháng trời. Viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết. Ông không có cái tài "xuất khẩu thành thơ" như một số người mà bây giờ thiên hạ hay gọi đùa là thơ "mì ăn liền", thao thao bất tuyệt. Với ông, thơ là một trạng thái bay bỗng của tâm hồn, nhưng không phải "bay" thế nào cũng được. Trước hết nó phải có "tứ". Với ông, nếu một bài thơ được coi như một "công ty cổ phần" thì trong đó riêng "tứ thơ" phải chiếm tới năm mốt phần trăm (51%) cổ phần, nghĩa là chiếm phần chủ đạo của "công ty". Ông còn nhớ, có một nhà thơ bậc đàn anh đã từng nói với ông từ thuở ông mới chập chững đặt chân vào nghề là "Chỉ cần có một tứ thơ hay thì viết cách gì cũng hay. Thể thơ và ngôn ngữ thơ chỉ là phương tiện". Suốt cuộc đời cầm bút của ông, ông luôn thấy điều dạy bảo đó là hoàn toàn đúng đắn. Trong mỗi bài thơ, thậm chí mỗi câu thơ phải hàm chứa một điều gì, cao hơn là phải có tầm tư tưởng. Mỗi bài thơ khi đọc lên ít nhất cũng phải để người đọc hiểu tác giả định viết gì, rồi sau đó người ta mới đọc kỹ lại và tìm thấy nghĩa bóng tức cái ẩn ý sau mỗi câu thơ. Bài thơ hay là bài thơ hàm chứa nhiều tầng nhiều nghĩa. Vì thế ông rất hạn chế sự bột phát vì nó có thể chỉ là sự xốc nổi nhất thời. Cũng có những lúc ông sáng tác một bài thơ rất nhanh, nó như thể tự trên trời rơi xuống, bỗng  nhiên bắt được, chỉ việc chép ngay vào giấy. Những lúc như thế, rất hiếm gặp, lại thường có thơ hay. Tuy nhiên, suy cho cùng thì đó cũng chỉ là kết quả của một quá trình tích lũy, thai nghén lâu dài. Bình thường, ông chậm chạp, cân nhắc kỹ càng từng ý, từng câu, từng vần, từng chữ. Có lúc tìm được chữ, được câu nhưng lại bí vần. Thơ mà không vần thì chẳng khác gì có gạch, có sỏi, có cát mà không có vôi, không có xi măng. Vần là chất kết dính cho thơ, cũng là một đặc trưng quan trọng để phân biệt thơ với văn xuôi. Tiếng Việt mình rất giầu âm thanh vần điệu, không biết khai thác mặt này thì há chẳng phải là chưa hiểu hết tiếng mẹ đẻ đó sao? Nhiều người làm thơ không vần, cố nguỵ biện để cổ xuý cho loại thơ này, nhưng ông không bao giờ chấp nhận. Ông suy nghĩ rất nhiều và luôn vững tin là không phải do mình bảo thủ. Thơ ông luôn chặt chẽ về vần điệu là vì thế. Về câu chữ cũng vậy. Có những câu những chữ viết xong thấy rất hay, rất vừa ý, nhưng rồi một lát sau hoặc mấy ngày sau lại thấy nó ngớ ngẩn làm sao, đành vo viên vất vào sọt rác. Cái “nghiệp” làm thơ nó vậy. Cũng có câu thơ như  hạt ngọc từ trên trời rơi xuống, “nhặt” ngay được mà không phải mất nhiều công mài dũa. Nhưng thường thì  làm thơ như người đi tìm đá quý, đào xới sàng lọc hàng trăm hàng nghìn tấn đất đá mới kiếm được một viên nhỏ xíu, thậm chí nhiều khi tay trắng hoàn tay trắng. Người thợ đào tìm đá quý khi thấy được dù chỉ là một hạt ngọc bé tẹo cũng đủ ngời ngời hạnh phúc, ngời ngời hy vọng. Nhà thơ tìm được một tứ, một câu cũng không kém phần chan chứa sướng vui! Niềm hạnh phúc ấy chỉ có người trong cuộc mới tự mình cảm nhận. Nhiều khi ông cười thầm cái kiểu sướng vui rất trẻ con như thế. Nhưng đó lại chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời ông. Ông luôn cầu mong trong đời mình tìm được dù chỉ một câu thơ hay, có thể "để đời", mà cho đến giờ tự khắt khe cảm thấy dường như vẫn chưa tìm được!

          Nhà thơ Quế Lâm cứ ngất ngất ngơ ngơ đạp xe đi dưới làn mưa bụi. Những hạt nước li ti óng ánh trên mái đầu lơ phơ tóc bạc trông như một làn tuyết mỏng tang. Ông rất thích thú với những làn mưa như vậy; những làn mưa không hẳn là mưa, càng không phải là sương, thường có ở Hà Nội trong những ngày đầu xuân. Trong một dịp du xuân như thế này, ông đã cảm hứng viết bài thơ "Mưa xuân":

Chưa hẳn là mưa, không phải sương
Từng li ti hạt nhẹ nhàng buông
Tóc huyền đọng giọt long lanh ngọc
Cỏ bạt ngàn xanh lóng lánh gương ...

                     Trống hội gần xa càng thúc giục
Đường trên ngõ dưới chuyện râm ran
Mưa theo trống giục, mưa vào hội
Cây hé mầm tơ ngơ ngác xuân!

Cũng như nhiều người dân Hà Nội, ông cứ đi dưới những làn mưa bụi, đầu trần, áo loang mầu, ẩm ướt. Làn mưa như kéo dài vô tận trong những ngày xuân, nhưng không một lần ông khoác áo mưa ra phố. Mưa bụi như một chất kích thích làm nẩy lộc đâm chồi, làm lòng người trẻ lại. Thật lạ, bầu trời mưa bụi mờ đục của mùa xuân như hoàn toàn đối lập với bầu trời xanh ngắt trong veo của mùa thu, thế mà ông lại cùng yêu thích cả hai! Mâu thuẫn chăng? Không phải! Mỗi mùa gợi trong ông những cảm xúc riêng, những nét đẹp riêng, những tứ thơ riêng. Mùa hè, mùa đông cũng có nét hay, nét đẹp, nét thơ, nhưng với tuổi tác của ông nó gây nhiều hạn chế. Hai mùa ấy ông chỉ muốn được rời xa thành phố, muốn tới ẩn mình trong một thung lũng rợp bóng thông xanh trên dãy Lang Biang, trên dãy Hoàng Liên hay dưới tán lá chôm chôm, măng cụt, sầu riêng trong miệt vườn cây trái phương nam...

          Đang đi chợt ông đổi hướng. Ông tạt qua góc phố, rẽ vào tòa soạn một tờ báo thân quen. Mọi người quây lại vây lấy ông, chào hỏi rối rít. Họ quen biết ông từ lâu, quý ông như một người anh, người chú. Lâu lâu không thấy ông gửi bài là họ nhắc. Ông biết, chẳng phải bởi họ quý thơ ông vì bây giờ họ đâu cần đăng nhiều thơ trên báo. Thơ gửi đến hàng chồng hàng đống mà họ mấy khi ngó ngàng tới đâu. Nhiều tờ báo chỉ mong cộng tác với những ai viết văn xuôi, nhất là viết những chuyện gây kích thích tò mò, chuyện về các vụ xì căng đan, về các vụ án lăng nhăng. Thị hiếu người đọc nghiêng về phía ấy. Để câu khách, các báo cũng dần dần nghiêng về phía ấy. Giá trị đích thực của văn chương bị đẩy lùi sau mấy bậc. Thơ càng bị coi như một mặt hàng loại hai, loại ba, chẳng mấy ai quan tâm. Thơ cũng như mưa bụi mùa xuân, chỉ có những ai biết thưởng thức nó, biết giá trị đích thực của nó thì mới nâng niu trân trọng nó. Mà số người này không lấy gì làm nhiều cho lắm, ngay cả trong giới văn chương! Là người yêu thơ, làm thơ, ông buồn lắm. Thời buổi bây giờ nó vậy, biết làm sao được! Tờ báo này mới in bài thơ “ Phù sa ”, một bài thơ mà ông đã viết trong khoảng thời gian 3 tháng, sửa đi sửa lại mãi mới đem đến gửi. Bài thơ gửi từ ngày “Đông chí” thế mà bây giờ sắp đến "Xuân phân" rồi mới được đem in. Thế cũng còn may chán!

          Một cô gái trẻ gọi ông:

          - Bố ơi, bố vào nhận nhuận bút đi. Dạo này bố không cần tiền à?

          Tiền thì có bao giờ là không cần đâu, trong khi túi nhà thơ lại thường trống rỗng. Nhưng nếu làm thơ chỉ để kiếm tiền thì chắc chẳng mấy người đủ sức làm thơ. Tuy thế mỗi bài được đăng, mỗi lần nhận nhuận bút, với ông đều là một niềm vui, một niềm hạnh phúc tràn đầy, mấy ai hiểu được. Ba bốn chục nghìn chứ có là bao. Nó chỉ đủ để ông mời một hai người bạn uống mấy vại bia suông bên hè phố. Mỗi lần nhận nhuận bút, bắt gặp một người bạn quen, nhất là một bạn thơ, ông thường kéo họ vào quán bia rồi đem báo ra khoe. Đó cũng là một niềm vui, một niềm vui đời thường giản dị nhưng hết sức thanh tao.

          - Các cô các cậu thì khi nào cũng cứ vui như ngày hội ấy nhỉ. Tôi đang cần tiền đây. Nhưng nói thật nhé, lần này nhận nhuận bút mà tôi không được vui. Các bạn biết vì sao rồi chứ? Ai lại in  hai chữ "biết đâu" trong câu "Lững lờ một kiếp phù sa/ Dòng đời trôi dạt, bến bờ … biết đâu?! thành ra "biết đây", để nó trở nên hoàn toàn vô nghĩa, rất ngớ ngẩn. Người đọc mà không hiểu thì lại tưởng là vì tôi già rồi thành lẩm cẩm cũng nên!

          Mấy bạn trẻ xịu mặt xuống, không biết thanh minh thế nào. Nhưng ông cũng chỉ trách nhẹ thế thôi. Bọn trẻ bây giờ làm ăn ẩu thế đấy, phê bình mãi cũng không chừa. Mà ngày xưa in sai thì báo có trách nhiệm đính chính, còn bây giờ thì họ thường lờ tịt. Nhà thơ có kiện cáo cũng chẳng được ích gì, may lắm là một lời xin lỗi miệng. Sau lời xin lỗi ấy, có khi hàng năm họ chẳng chịu in một bài nào khác cho anh. Giá trị bài thơ giảm sút, đứa con tinh thần của nhà thơ bị tật nguyền, uy tín nhà thơ giảm sút, chỉ mình nhà thơ chịu thiệt. Đau lắm mà chẳng biết kêu đâu. Một nét buồn thoảng qua như làn mây xám cuối đông!

          Chợt ông Tổng biên tập từ trong phòng riêng đi ra, bắt chặt tay ông:

          - Chào nhà thơ. Tôi biết là anh không vui, nhưng biết nói thế nào với anh nhỉ. Lỗi là tại nhà in chứ không phải tại mấy cô cậu này đâu. Anh đừng trách chúng nó mà tội. Mời anh vào phòng tôi uống nước đã.

          Đổ tội cho nhà in thì dễ quá. Nhưng biết nói gì nữa đây, ông đành im lặng, lảng tránh sang chuyện khác.

          Uống nhanh chén nước, lấy cớ có việc cần, ông vội rời toà báo. Ông không muốn kéo dài cái sự không vui trong một ngày ông đang đi tìm nguồn vui, đi tìm cảm hứng. Ông lại lang thang trên con đường mưa bụi, lại ngó ngó nghiêng nghiêng những ngọn cây, những cánh chim chấp chới trên cành cao, những sắc mầu ẩn hiện. Ông hầu như quên hết mọi nỗi buồn, mọi nỗi ưu tư.

- Này ông bạn già, ông ngó nghiêng cái gì thế? Lại ngắm các ngọn cây chứ gì? Này, tôi mách ông nhé. Ông hãy đi với tôi ra đường bờ sông, cạnh Viện Bảo tàng Lịch sử ấy. Mấy cây gạo đang ra hoa đỏ rực, đỏ cả một góc trời, thật tuyệt. Tôi đang định ra đó đấy. Đi chứ?

          Hoạ sĩ An Thuận bỗng đâu xuất hiện, vừa nói vừa túm lấy ghi đông kéo ông đi. Thế là hai ông bạn già hối hả đạp xe ra phía bờ sông. Ông không ngờ năm nay hoa gạo lại nở sớm thế. Ông tưởng độ nửa tháng sau hoa mới nở. Ông cũng rất thích ngắm những cây gạo nở hoa. Ngọn cây như một biển lửa cháy đỏ rực, rất hào hùng, rất ấn tượng. Khác với cây bàng, cây bằng lăng, cây điệp, trong khi hoa gạo đua nhau nở thì trên cây không hề có một chiếc lá nào. Thiên nhiên thật muôn hình muôn dạng. Đã nhiều lần ông muốn viết một bài thơ về hoa gạo mà vẫn chưa tìm được tứ. Mầu đỏ của hoa có cái gì đó rất hào hùng, rất dữ dội; nó như ngọn lửa tâm hồn của những con người quật khởi. Cầm bông gạo trên tay, ông thấy nó hệt như một ngọn lửa, gió thổi toe ra từng lưỡi mỏng bay lên. Đó là một tứ thơ! Nhưng ngay lúc này thì ông chưa thể nghĩ được cách "vào đề" sao cho "gợi". Nhưng chắc chắn là ông sẽ có một bài thơ về hoa gạo. Ông hoạ sĩ cũng ngó nghiêng để tìm góc độ vẽ tranh. Kiểu này thì chắc là ông ta sẽ sớm trở lại đây cùng giá vẽ. Mỗi ông theo đuổi một cách nhìn, một cách "cảm" nên hầu như không ai nói với ai. Lúc này im lặng mới là hiểu nhau, mới thật quý nhau. Quẩn quanh bên mấy gốc gạo một hồi lâu rồi ông kéo bạn vào quán bia hơi gần viện bảo tàng. Ông lại lấy báo ra khoe, lại phàn nàn về in sai, về nỗi buồn mà người ta không thấu hiểu! 

          Cái khoản nhuận bút đã có đất dùng, nhưng cũng chỉ hết non một nửa. Hai ông già có uống được là bao. Ông An Thuận hẹn với ông sáng mai cùng lên mạn hồ Tây, xem mưa giăng trên mặt Dâm Đàm rồi qua đê Nhật Tân lai rai thịt chó...

          Đã khá trưa, ông phải về thôi. Chắc bà đang đợi cơm. Ông tạt vào một hàng hoa "di động" ngay đầu chợ cóc mà ông quen. Ông thường mua hoa của các cô gái chở bằng xe đạp thồ đi bán rong trên phố, không phải vì tham rẻ. Trong số họ có nhiều người bán hoa do chính họ tự trồng, nên hoa rất tươi. Ông là khách quen của họ. Ông ít khi mua hoa ở các cửa hàng. Mua ở đấy thường đắt hơn rất nhiều mà chưa chắc đã chọn được đúng hoa tươi. Hoa đã ướp lạnh thì dù còn có vẻ tươi cũng chẳng được bao lâu. Chung quanh cái chợ cóc này, những người bán hoa quả hầu như đều quen biết ông vì ông hay tự mình đi chọn mua hoa quả. Ông trở nên nổi tiếng là người rất tinh tường trong việc chọn hoa quả. Có lẽ vì cái nghiệp văn chương mà ông có được thói quen quan sát, biết "nhìn mặt mà bắt hình dong". Chẳng thế mà mấy bà, mấy cô bán cam, bán bưởi, bán đu đủ, bán dưa hấu đầu chợ cứ mỗi lần thấy ông đến mua là lại nhờ ông chọn dùm quả ngon để giữ riêng cho mình, nhất là vào dịp tết. Mặc dù đã bán hàng lâu năm mà các bà, các cô vẫn không thể chọn chính xác được như ông. Cô gái trẻ bán hoa cho ông cũng rất biết tính ông nên cố phụ giúp ông chọn lựa kỹ càng từng bông hoa một. Mất chừng năm phút là ông có được một bó hồng vàng, lá chồi còn xanh ngăn ngắt. Những bông hoa mịn màng xinh xắn làm cho ông thấy lâng lâng, tâm hồn như trẻ lại. Không phải là "bông hồng vàng" của Pautovski (*), nhưng nó thật đáng yêu, thật đẹp.

          Nhà thơ Quế Lâm cầm bó hoa trên tay, dắt xe đi bộ về nhà. Chỉ còn một đoạn đường ngắn, ông muốn đi bộ để tận hưởng làn mưa bụi lay bay, để những bông hoa được phủ đầy những hạt ngọc trời xuân ban tặng. Chiều nay, tối nay ông sẽ ngồi lì trên bàn viết. Bài thơ về những mầm lá mùa xuân và cả bài thơ về bông hoa gạo đỏ đã có tứ, ông sẽ biến nó thành câu, thành chữ.  Một ngày xuân thật tuyệt, ông đã "nhặt" được tới hai "trái thị"! Ông như trẻ lại với mùa xuân !

          Mưa xuân vẫn nhè nhẹ, lơ thơ, vẫn đều đều rắc lên những bông hồng vàng rực rở, những búp chồi xanh non tơ; vẫn đều đều rắc lên mái đầu bồng bềnh tóc bạc, từng hạt ngọc li ti, lấp lánh ...


*Pautovski: nhà văn Nga, tác giả tập truyện "Bông hồng vàng".