Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







THĂM CHÀNG







T   ên nàng là Yến, chàng tên Phương. Nàng tới thăm chàng. Ngồi sau xe máy gái út đèo, con xe ga Janus sang chảnh của cô cháu dâu. Cháu hỏi đi đâu, sẽ đưa đi, nàng cười, bảo: "Đi lăng quăng ấy mà. Vô tư đi" - từ ngữ, sau dăm ngày về nước, nàng vừa học mót được của đám trẻ. Chồng vướng bận công việc tại viện nghiên cứu, nơi hai vợ chồng cùng cộng tác, chỉ có nàng và gái út về cố hương ăn Tết. Phương, trong cái tên của con gái - Anlatonia Phương - nàng gửi chút tình xưa của mình vào đó, gương mặt con gái vương nhiều chất Á Đông. 

Anlatonia, thì giời cũng leo lên được. Nàng đưa con đi trong chuyến lăng quăng này, còn bởi tháng trước, gái tuyên bố, đang yêu cậu chàng tiến sỹ nọ, anh thầy giảng dạy bộ môn trong chương trình master gái theo học. Chả như thuở của nàng, e ấp, ngập ngừng, hờn hờn dỗi dỗi để vài chục năm sau, như nàng ấy, nay tóc điểm bạc, vẫn còn day dứt. Nàng muốn con biết một thức dạng nữa của tình yêu, đâu chỉ đắm đuối, mê mệt, ngọt ngào, mà cũng đắng cay, mặn chát đấy. 

Ngồi sau xe, nàng chỉ đường cho gái, hết rẽ trái, sang quẹo phải, rồi thì... là mà. Con gái khi khí cười, bảo, hơn cả đường phố, ngõ ngách Paris. Nghe con nói, nàng mỉm cười nghĩ, trí nhớ của mình siêu việt thật. 

Đúng quê của chàng đây, cây đa cổ thụ ba thân, ngôi cổng làng nổi tiếng trong vùng. Đổi thay nhiều quá: đường bê tông, điện cột, biệt thự, nhà ống,... Nhà chàng xóm Giữa, ngõ 3. "Ngõ nhà Phương" - thuở ấy, mỗi khi nhớ chàng, con tim nàng hay thầm thì gọi vậy. Kìa, ngôi cổng cũ rêu phong, y nguyên xưa, thấp thó sau bức tường gạch là căn nhà cổ, tuổi hơn trăm năm. Cõng vác thời gian, căn nhà như oằn xuống, thấp tẹt. Nàng giật mình, kìa "cụ khốt", giữa những hàng cột lim hiên nhà, ông chủ tịch huyện thẫn thờ đứng, y như bức tranh sống của bảo tàng Việt. "Cụ Khốt ta bít" - hồi đó, chàng thường gọi giấu sau lưng cha mình vậy, nàng gọi theo và hai đứa cười. 

Nàng đã nhầm, không phải cha của chàng. 

   
  **

 

Một mối tình đẹp, buồn, băng qua đời mình? Nàng chả biết nữa, chỉ hay và ngẫm, mối tình ấy từng giày xéo con tim, để rồi ủ ấp, chợt đến, chợt đi, chợt về, sau gần bốn chục năm sống xứ người, để nàng vẫn thấp thoáng nhớ tới người ta - Phương của nàng. 

Cuộc dạo chơi cùng con gái này là vô tình chăng?  Khi xe của mẹ con gần tới đầu làng, nàng lại ngập ngừng, đến hay quay về, đến để làm gì đây, gặp lại người ta a, một kẻ bạc tình? Lâu nay lòng nàng đã thanh thản, thứ tha rồi. Phân vân, để cuối cùng quyết, tạt lại chốn xưa. 

   
  **

  Hai đứa nhận kết quả thi đại học, đều trúng theo nguyện vọng. Người con trai to cao, bắp chân tay cuồn cuộn, cây sút tung lưới có tiếng ở trường, có giấy gọi của trường đại học thể dục thể thao đóng tại thị trấn Từ Sơn; còn nàng, giấy trúng tuyển trường đại học Nông nghiệp I.  Tối ấy, nhận giấy báo kết quả thi, họ cùng nhau trên con đê sông Luộc, trăng trung tuần sáng vằng vặc, tay trong tay bên nhau. 

Năm thứ nhất qua nhanh, kết quả học tập của nàng thật mĩ mãn, thừa đủ tiêu chuẩn du học Pháp quốc. Điều may mắn nữa, nàng không phải học dự bị một năm ngoại ngữ, bởi mấy năm phổ thông, rồi vào đại học, đều theo học Pháp ngữ rồi.  

Nàng đạp xe từ Trâu Quỳ sang Từ Sơn, muốn người đầu tiên là chàng biết tin vui ấy. Qua cổng trường, qua sân vận động là tới kí túc. Bất chợt nàng thấy, trong sân vận động chiếc xe máy chạy vòng vòng, tiếng còi bim bim, người con trai cầm lái, còn cô gái ôm eo, nói cười ngặt nghẽo. Người con trai lại chính là chàng và cô gái, nàng đâu lạ. 

Cô bé cùng học phổ thông, khác lớp, nhà ngay phố giữa thị trấn Ninh Giang, dân buôn bán, nổi tiếng giàu có nhất vùng. Cô nàng xinh đẹp, học giỏi, đỗ hẳn trường Thương mại cơ mà. Nghe đồn, bố mẹ cô ta tậu nhà trên Hà Nội cho mấy anh em theo học. Chủ Nhật, nàng ta phi xe máy sang đây, gạ gẫm chàng tập xe.  

Quái lạ, đám con trai rất ham mê bóng đá và phi cưỡi xe máy. Hai chục kẻ cứ quây vào tranh cướp nhau quả bóng, xứt da, trầy gối, vẫn không chừa. Với chàng, dù con trai ngài chủ tịch huyện, ông liêm khiết lắm, làm gì nhà có xe máy. Nàng kia quá hiểu tâm lý mê xe và dù biết chàng có người yêu, vẫn phớt, vẫn rắc thính, buông câu, mang món tập tành xe máy ra nhử. Không cầm nổi lòng, anh chàng lao vào cuộc tập luyện, cuồng nhiệt lượn lượn, vòng vòng khắp sân, cô nàng đằng sau ôm eo. Khi thấy chàng ta tay lái đã cưng cứng, liền khích lệ, phi xe ra tập ở quốc lộ. Theo đường I, trời đã nhập nhoạng, pha đèn lên, từ thị trấn Từ Sơn họ phi tuột về nội thành, về đến tận nhà riêng của anh em nàng. Chủ Nhật, anh trai về quê, nhà chỉ có mình nàng ta thôi. 

   
  **

  Chàng đã tìm nàng, ngay sau hôm tập xe, từ nội thành qua đêm ở nhà người ta. Thằng bạn cùng phòng, vừa gặp, đã nhấm nháy mắt, làm chàng ngượng ngùng, ngỡ tưởng, bạn hay biết về tội lỗi mình vừa mắc phải, thì nó tiếp: 

- Chối a. Chiều muộn qua, chính mắt tao thấy em Yến của mày dắt xe qua cổng trường. 

- Yến á? Chiều qua? 

- Còn cãi. Cái mặt khéo vờ vịt... 

Mặc bạn chòng ghẹo, trên phòng ký túc tầng ba, vội vàng vác xe, chàng ù ù lao xuống gác, hối hả đạp tới trường nàng, không gặp, hộc tốc phi tiếp quãng đường ngót nghét tám chục cây số về quê, vẫn chả tìm thấy.  

Tin chàng nhắn, thư chàng gửi, nhờ cả cô bạn thân của người yêu, đều biệt vô âm tín. Chàng đau khổ, ân hận, day dứt. Du học Pháp, người ta không một lời chia tay, chàng chỉ nhận được phong thư do một bạn gái của nàng tận tay mang tới, trong đó có trang giấy pơ luya trắng muốt, mỏng manh, vỏn vẹn dòng chữ: VĨNH BIỆT, cũng lọn tóc đen láy, nàng từng âu yếm xén cắt trên mái tóc chàng. Chàng mất mất nàng mất rồi! 

Sau đôi ba tháng, tối ấy ở quê, trong bữa cơm chiều muộn, chỉ hai cha con, nhìn con trai phờ phạc, cha hỏi: 

- Sao mấy tháng nay, ba không thấy con Yến. Chắc nó bận học? 

Chàng ậm ừ, biết trả lời sao đây, thì nghe tiếng ông tiếp: 

- Chúng mày có gì sao. Giận dỗi nhau a? 

Chàng buột miệng: 

- Không, không ba ơi! Con... sắp có con. 

Ông lặng đi, nghe con trai ngắc ngứ trình bày, muốn gầm lên, muốn thét thẳng vào mặt thằng con mất dạy, bạc tình. Không thể chấp nhận đứa dâu con ấy, nó từng đến nhà ông mấy bận, kệch cỡm, đài các dởm, nhất là bố mẹ nó, dân tiểu thương, buôn bán, phe phẩy, thị trấn ai chẳng hay biết. Nhưng... ông có thể từ dâu, chả chấp nhận thông gia, còn dòng máu của con trai ông, nó là của ông đó, sao lại chối bỏ. Đau đớn ông đành chấp nhận cuộc hôn phối. Cảm nhận, kinh nghiệm sống của ông đâu sai và chàng là chồng, lãnh trọn. Sau cưới dăm năm, con trai chàng bước vào tuổi thứ năm. Chập tối, đang cho thằng cu ăn cơm, chuông điện thoại reo, bốc máy lên: 

- Tôi Phương nghe đây. 

Đầu dây bên kia: 

- Chúng tôi công an phường. Có phải chị nhà là... 

- Đúng! 

Chỉ thế thôi. Chàng lặng đi nghe thông báo. Mệt mỏi, ê trề, hay là được giải thoát rồi? 

Vợ chàng có chuyến du hí Sa Pa. Nàng ta bảo, cơ quan tổ chức. Trong căn biệt thự cổ, xây theo lối kiến trúc Pháp, thời tiết Sa Pa lành lạnh, giữa khung cảnh thơ mộng với những hàng sa mu bảng lảng sương mù, căn phòng kia, có tay giám đốc và một người đàn bà, thịt da trần truồng, họ chết ngạt, bởi đưa lò than vào phòng, khám nghiệm tử thi, chết nhiều tiếng mất rồi. 

  
  ***

  Bồi hồi ngắm nhìn cảnh xưa, nàng chầm chậm bước chân qua cổng. Quá khứ ập ùa về. Khung cảnh nhà chàng vẫn y xưa, không thay đổi một li lai, vẫn sân gạch trước nhà, dặng cau, cây hồng siêm, cây bưởi,... Có chăng, cây cối, cảnh vật chỉ già nua, khẳng khiu, quằn cỗi theo thời gian. Cây bưởi kìa, mùa hoa ấy, chàng trèo lên, leo tới nhưng cành cao vút. Nàng sợ người thương của mình, cành gãy, sợ, nên cứ gàn gàn thôi. Chàng đâu chịu, cứ trèo cao, với xa, chọn nhưng chùm hoa trắng muốt, hương thơm ngào ngạt, thả, thả xuống, nàng ríu rít đón nhận. Sung sướng, nàng để người thương cài những chùm hoa, những bông bưởi, thơm nức, lên mái tóc mình; rồi những bông bưởi, hương ướp ngào ngạt trang sổ tay, quện thẫm vào dòng nhật ký của nàng. 

Cảnh xưa như hiển hiện về. Ơ kìa, ông cụ, nàng sững lại, định thốt lên gọi, "Ba ơi". Không, nàng nhầm, Phương - chàng ngày xưa của nàng đó. Chàng thay đổi nhiều quá, y như cha của chàng, có chăng là già nua, xộc xếch thôi. Con gái nàng tò mò nhìn chàng, lơ lớ chào bằng tiếng Việt: 

- Cha...u cha...o ch...u! 

Bất ngờ nhìn thấy nàng, chàng sững sờ. Họ - nàng và chàng không cất nổi lên lời. Mẹ con nàng bước theo chàng vào nhà. Y như khung cảnh ngoài sân, trong nhà vẫn nguyên y như thuở nào, vẫn bộ bàn ghế xa lông đóng bằng gỗ sà cừ, chỗ ngồi của cụ khốt, nay thay bằng là chàng, cây đàn ghi ta & chiếc cát sét, chiếc tủ bích phê cũ kỹ, trên ấy đặt di ảnh ông cụ. Chỉ có mới lạ thôi, trên tường trang trọng treo ba khung hình: Một - tấm hình lần đầu nàng nhìn thấy, bức cậu thiếu niên, khuôn miệng nhoẻn nụ cười, tất tất đều y đổ khuôn chàng: thông minh, hài hước,... Bức hai, nàng bất ngờ, ngỡ ngàng gặp lại chính mình, tấm hình cô gái phơi phới tuổi đôi mươi, nụ cười tươi rói, khoác tấm áo phin trắng, tóc thề, phía sau là tòa hội trường C, trường đại học nàng từng theo học. Và khuôn hình thứ ba... 

Anlatonia Phương thích thú ngắm bức hình của mẹ ngày trước và ngỡ ngàng nhìn bức hình cậu thiếu niên - gái ngắm kỹ lưỡng, nét mặt còn như ngẩn ra và đầy vẻ phân vân. Nàng thoáng nghĩ, đến mẹ nó từng đã thế, ngẩn ngơ nhá, huống hồ là gái của mẹ bây giờ, hiện đại. Gái chắc hiểu cho mẹ rồi, người yêu của mẹ ngày xưa cũng đẹp đẽ, trẻ trung thế đấy. 

Cuộc gặp mặt, chàng gần như lặng im; nàng cũng vậy. Biết nói gì đây. Nàng thì tha thứ hết rồi, tức hận, uất ức. Còn chàng dứt day, mấy chục năm rồi, người con gái trong khuôn tranh treo trên tường kia, cứ dõi, dõi theo chàng. Khi nghe nàng giới thiệu tên con gái, Anlatonia Phương, chàng hay rằng, người ta vẫn còn luẩn quẩn quanh nhớ nhớ nhung nhung tới mình. 

"Cụ khốt", như xưa chàng gọi ba mình, nghiêm khắc với con trai, lại rất đỗi đôn từ, nhẹ nhàng với nàng. Hàm chức ông quan đầu huyện, thấy bảo ngày xưa, ngài tri huyện xuống tổng, xã bản hạt, võng khiêng, lọng che, lính lệ long tong mõ gõ. Vậy mà ông chủ tịch huyện giản dị, cái áo bông xanh xí lâm, đôi dép cao su. 

- Ăn đi con! 

Ông giục nàng vậy. Vào Chủ Nhật nào đó, nàng ở lại dùng cơm với cha con họ, món canh cua ông nấu cực ngon, rau tập tàng, kiếm trong vườn. Gà trống nuôi con, cha chàng ấy, ông từng bảo nàng: 

- Nếu không làm được dâu con ba, sẽ là con gái nhá - ông xưng hô, mặc cả thế. Xưng ba, bởi đầu năm 1946, tại ga Hàng Cỏ, chàng thanh niên từng đậu bậc thành chung thời Pháp, hào hứng tham gia đội quân Nam tiến. Đáng ra ông còn có người con gái, kém nàng đôi tuổi. Em vừa kịp chào đời, đã ra đi theo mẹ, ông thành gà trống nuôi con.  Vậy mà nàng đã chả được làm dâu con ông, đến con gái thôi, cũng không tròn bổn phận. Ngày ông mất, nàng đâu dự được tang lễ, con gái quấn vành khăn chở cho người cha nuôi. 

Trong khi nàng thắp nén nhang cho ông cụ, chàng nhỏ nhẹ kể, câu chuyện ít ỏi trong cuộc trao đổi của chàng với người yêu xưa: 

- Lúc yếu lắm rồi, ba nhắc, tang lễ, nhớ để vành khăn bên di ảnh. Con Yến không về được, cứ coi như nó đã chở tao - Yến là tên của nàng.  

Nghe chàng nói, nàng lăn dài giọt nước mắt, thần thờ nhìn dải khăn thẫm màu thời gian bên di ảnh của ông. Thắp nén nhang và nàng thầm gọi: 

- Ba ơi, con Yến của ba về rồi đây! 

Rồi họ lại chìm vào im lặng. Chợt tiếng chàng: 

- Cười gì? - và ngơ ngẩn nhìn nàng. 

"Cười gì" câu hỏi quá đỗi thân quen xưa của chàng. Nàng nhìn vỏ bao thuốc lá Đồ Sơn bạc phếch màu thời gian, đặt trên ban thờ: 

- Ăn vụng thuốc - nàng nói. 

Ngày xưa cụ khốt nghiện thuốc nặng, chàng tỏ vẻ ra quan tâm sức khỏe của cha mình, khi ông nhìn bao thuốc ca cẩm: "Sao hết nhanh thế", cậu con trai vội vàng, "Ba hút chứ còn ai. Hút lắm thế, hại sức khỏe đấy!" Ông đâu hay rằng, cậu con trai yêu đã ăn vụng thuốc của ông, chàng ta đang tập tọng hút thuốc và mỗi lần ăn vụng được, lại khoe với nàng: "Hôm nay thuổng của cụ khốt được mấy điếu nhá. Hi hí." 

Ngắm nhìn khuôn hình thứ ba ấy, treo trang trọng trên tường: lọn tóc đen láy, ép trên tờ giấy pơ luya trắng muốt với dòng chữ VĨNH BIỆT, vai nàng rung nhè nhẹ. Thoáng trên bờ vai cánh tay ai run rẩy quàng lên - chàng của nàng đó. Ngoảnh lại, mắt chàng nhòe trong nước mắt... 

Gái của nàng tế nhị, bước ra sân, để mẹ nó cùng người tình một thuở lặng lẽ bên nhau. 

   
  ***

  Nhìn cây ghi ta treo trên cột nhà & chiếc cát sét bày đặt phía dưới, nàng nhớ lại khúc nhạc "cụ khốt" từng chơi đàn và mở nhạc cho nàng nghe. Lúi húi mở điện thoại, sớt mạng, nàng nhẹ đặt điện thoại trước di ảnh ông cụ. Tiếng nhạc, lời hát mơ màng: 

"Suối mơ
Bên rừng thu vắng..."
 

Khúc ca xưa bao lần nàng từng nghe. Chợt ngoài sân tiếng còi xe bim bim và tiếng của ai đó thốt lên, gọi tên con gái của nàng: "Anlatonia Phương!" Nhìn ra sân, kìa, y như chàng của thuở nào, cao to và con gái nàng mảnh mai, đôi trẻ ghì riết, miết mải trong cái hôn mê miết trước ngay mặt mẹ cha chúng - người yêu của con gái nàng & con trai của chàng đó./. 

   (TT. Ninh Giang, Hải Dương, mồng 3 Tết, 2019 - năm Kỷ Hợi)