Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






BỮA CƠM TRƯA CỦA CHA CHÁNH XỨ




Ô ng cụ mất đã mãn tang. Còn lại một mình bà cụ lưng còng với bảy đứa cháu.

Hai ông bà hơn bốn chục năm chung sống không có lấy một mụn con.
Thủa còn trẻ cụ bà bị bệnh viêm vú, thời ấy thuốc thang còn thiếu thốn, cách chữa chạy còn sơ sài, quanh quẩn các ông lang vườn làm bà cụ tuyệt đường sanh nở. Mãi cho đến lúc vào nam, ông bà nhận một đứa con nuôi, là mẹ sấp nhỏ bây giờ.
Lúc giải phóng mẹ nó trúng ngay một trái đạn pháo lạc chết ngay lộ một. Thằng chồng, bất nhân, tằng tựu với một con đàn bà khác theo tiếng gọi dục vọng bỏ đi mất biệt để lại một lũ con cho bà lão lưng còng gần đất xa trời.
Lúc ông còn sinh thời, bà cụ không những phải sống khó khăn với vật chất, mà còn không vui với tính khí thất thường của ông lúc cuối đời, đến nay bà lại nai lưng ra gồng gánh một lũ cháu nheo. Bà cụ vội lấy vợ cho thằng cháu đầu để nó chu chí làm ăn sợ nó giống bố bỏ bê lũ em khi bà mất, nhưng bà đã tính lầm, chưa đầy hai năm nó đã sanh thêm hai miệng ăn, người ta cười nó mắn, nó bàn chuyện kế hoạch thì bà gạt đi không cho vì tôn giáo cấm chuyện này, lại nữa chính trong niềm tha thiết bà từng ước muốn làm mẹ một lần vẫn không được, quanh quẩn thằng cả và thằng hai phải lăn lóc kiếm bất cứ việc gì làm quần quật để nuôi trên mười người.
Đã vậy nhìn đến căn nhà hiện tại còn tang thương hơn.
Miếng đất chính phủ phân chia cho từ ngày xưa lập trại, ông bà bán nhiều phần nay chỉ bề ngang chỉ còn không đầy mười mét. Sau này khi phát triển kinh tế thị trường, phải nâng cấp đường, căn nhà bị ban giải tỏa đường bộ đập sâu vào, cái cửa sau biến thành cái cửa trước, chưa được bồi thường, thằng cháu nhặt lại những miếng tôn cũ từ thòi nào đã mục nát lợp lại thành cái chòi ở tạm sau cái nền cao.
Không biết cụ ông ngày xưa nghe ai làm cái nền cao hẳn lên cả gần thước, nay cái chòi lọt hẳn ra phía sau thụt xuống khu nền đất thấp, chung với cái giếng, hố xí, nó thụt hẳn xuống thung lũng bẩn thỉu hôi hám gom lại sát góc, khu đất chỉ còn khoảng vài chục mét vuông. Nhiều kẻ muốn có nhà mặt tiền để buôn bán, dèm pha nói như thương hại:
-Bà nên bán đi vào trong xóm ở cho yên tĩnh rộng rãi.
Bà nghĩ đi nghĩ lại. Bà nói:
-Mẹ nó còn bán được mối bún, nên tôi chần chừ không biết phải làm thế nào, nếu bán cái mặt tiền, mất chỗ bán bún, không biết lúc đó lấy cái gì sống? Có người tốt thành thực đề nghị:
-Bán một nửa đất thì mình còn vỏn vẹn hơn hai chục mét, người mua họ lấy miếng lớn hơn, nhưng rồi cũng đành vậy, việc gì đó sau này, đến đời chúng nó sẽ lên gác.
Bà vừa quay vào thì cơn gió cuốn theo những bụi bặm của mùa khô thổi rung rinh căn lều, báo hiệu cơn mưa đầu mùa ập đến.
Năm nay mưa đến sớm. Vội vã la hét trẻ nhặt lại những quần áo cũ rách hoặc vá đụp bay rải rác trong căn chòi thì cơn mưa ập đến. Mưa như trút nước, nước ngập khu nền chòi như cái ao, nước cầu xí tràn vào giếng, tràn ra đường hôi hám lềnh bềnh, bị cản bằng những bức tường chung quanh không lối thoát, nước tràn ra đằng trước, trôi dọc theo con lộ nhựa.
Thấy không an toàn với lũ cháu trong căn chòi. Bà gọi thằng năm:
- Đưa con sáu qua nhà bên cạnh. Thằng năm định chạy từ trước nên bây giờ nghe bà bảo, nó vội chụp cái thúng vào đầu, cõng xốc con sáu lên lưng chạy ngược đường nước qua phía trái, con sáu bị mưa vào lạnh gáy nhột cựa quậy làm cái thúng úp hẳn về phía trước mặt, thằng năm không thấy đường vấp té, hai đứa trẻ lăn lóc trong dòng nước dơ bẩn, ướt lóp ngóp, nó cố cõng em đứng dậy quay ngược dòng đưa em đến hè phải vất đấy, hớt hải đuổi theo cái thúng. Thằng ba xốc con tư dưới miếng mủ thủng đem em qua rồi chạy bay vô trong xóm, một lúc sau trở ra khôn ngoan mượn theo chiếc xe ba gác đón bà. Cũng may hai đứa chắt của bà đã gửi bên ngoại. Khi bà trú được bên hàng xóm thì bà đã lạnh run. Trúng cơn mưa này bà cụ phải nằm bệnh hơn tuần lễ mới khỏi. Sau cơn bệnh, bà cụ như khỏe hơn, nhưng với cái lưng còng, dường như càng ngày càng còng thêm nên bà chỉ quanh xóm gần với lũ cháu.

Người đặt tiền mua nửa miếng đất của bà thì ngôi thánh đường xứ tôi cũng bắt đầu phá bỏ. Vì tin vào tôn giáo sẽ được cứu rỗi, vì tin vào thần thánh sẽ được che chở, hoặc có người nói rằng xưa tập quán cũ của ông bà cha mẹ, chấp nhận ngôi thánh đường là nơi thờ phượng của tôn giáo nên nhiều người dấu chồng dấu vợ dâng cúng vàng bạc, vật lực. Những người nước ngoài, tấp nập nhận thư xin xỏ. Hàng nghìn người tình nguyện lao động cống hiến, hàng trăm xe ben, máy kéo hoạt động ngày đêm, hàng chục ban ngành được thành lập, cả một khu vực nhộn nhịp, kẻ xăng xái lập công, người lượn lờ góp mặt, ngày lao động công ích, đêm ngủ gác vật tư. Đây cũng là cái hay cái ưu của tôn giáo, của việc đạo, không như việc đời, dù có thiết thực đến đời sống hơn cũng phải khó khăn, như làm thủy lợi chẳng hạn.…

Con tư bụng đói, nãy giờ như nó không thoả mãn điều gì, nó ngồi toạc xuống nền đất khoa khoa chân trên nền, khóc ti tỉ nho nhỏ, bà cụ nhớ đến nó, đẩy con bẩy ra xa, vớ lấy chiếc khăn mặt rách như xơ mướp lau mặt cho nó hỏi:
-Sao?
Thấy bà nói đến, nó khóc to hơn vừa nói:
-Ngày kia con vào trường, chưa có sách.

Bây giờ bà mới hiểu ra. Bà thật âu yếm nhưng nói to:
-Chút nữa thằng ba đưa em ra chợ.
Nó bắt đầu im nhưng vẫn còn xụt xịt:
-Nhưng cả cái mũ nữa cơ bà ạ.
Bà lẩm nhẩm gật đầu:
-Ừ. Áo, mũ, cặp, vở, bút, mực nữa cơ mà, không khóc nữa, bà nhớ cả rồi. Cả tiền đóng học.
Bà thở dài. Bà dặn dò thằng tư. Nhưng rồi bà cảm thấy hạnh phúc vây quanh trong căn chòi nghèo nàn, bà có cảm tưởng lũ cháu hiện tại như một lũ con do chính mình sanh nở. Lũ trẻ không biết nhiều về lòng nhân hậu của người bà. Con tư nhìn mặt bà, nó tươi hẳn lên. Bà dịu dàng nói:
-Bà nhớ rồi, không được khóc nữa, bà nhớ rồi chút xíu thằng ba đưa em ra chợ.
Bữa cơm được dọn lên lúc mười giờ. Vì hôm nay nhận tiền đặt cọc bán đất nên bà cụ muốn bồi dưỡng cho các cháu.
Một chiếc nồi nhuôm sứt quai đánh sáng đựng canh muống giá, cái gà mên hai ngăn bằng i nốc của lính mỹ được gò vũm đựng món cá kèo kho màu nước táo ngon tuyệt, và một chục trứng luộc đựng trên đĩa ny lông bạc mầu cạnh chén nước mắm cá kho. Lâu lắm chúng mới được ăn ngon.
Thằng năm thấy chị nãy giờ được bà cho đủ thứ, nó không dám đòi hỏi, nó kêu lục bục trong miệng quay qua múc quả trứng phần của mình bỏ vào bát trước, lấy thìa chọc chọc nhè nhẹ, nó cúi xuống thấy quần mình thủng đáy, nó nhìn quanh một vòng rồi ấn cái bát sát vào lòng che đi. Bà cụ kéo con bảy xa bát cơm đang nóng hổi nói với thằng năm:
-Ngoan đi nhé, năm tới bà cũng sắm cho cháu vào trường, nhưng phải thật ngoan cơ. Nó liếc nhìn bà khoái chí, lúc anh nó xới cơm cho nó thì nó vừa thổi vừa hát.
Nói thế nhưng bà biết nó năm nay tròn tám tuổi mà chưa vào lớp một, bà không biết cách nào hơn. Bà chỉ nghỉ đơn giản:
Các cháu phải được học ít chữ nghĩa đủ dùng, vì đời chúng chẳng làm ông này bà kia được, mà cứ thử xem những ông chánh, ông trùm có cần học sớm hay muộn, nhiều hay ít, nên muộn hay sớm đâu thành vấn đề. Bà sợ nhất nay mình đã già, sống nay chết mai, không biết còn chăm sóc chúng được bao lâu. Tương lai chúng quá mù mịt, thằng lớn rồi đây nó lo cho lũ con cũng chắc gì, bà chỉ cầu xin Chúa.


***

Tiếng xe vừa tắt, người giúp việc cho cha xứ đã bước vào nhà. Nhìn quanh không thấy cái gì có thể ngồi được, chẳng nhìn lũ trẻ:
-Chào bà, cha cho tôi xuống mời bà trưa nay lên dùng cơm. Tất cả mọi người chờ bà lúc mười một giờ rưỡi.
Bà biết ngay là việc gì rồi. Dầu sao cũng là dịp để đóng góp cho phần hồn đời sau cho bà, và bà cầu xin cho mình sống thêm ngày nào hay ngày nấy để chăn dắt lũ cháu. Bà kéo con bảy sát vào lòng, xếp ngay ngắn những đứa kia, chần chừ suy nghĩ câu trả lời. Bà sung sướng với tâm chân thật là cha đã thương chiếu cố. Bà nói rõ ràng hơn bao giờ hết:
-Cậu về thưa lại với cha, mời cha và tất cả cứ dùng cơm đừng chờ tôi. Còn việc kia, qua tuần tôi đích thân đưa đến. Tôi bận lũ cháu thì làm sao mà lên được. Nói là tôi cám ơn cha đã đoái đến tôi.
-Thế bà không lên được?
-Vâng. Lưng tôi, ngồi cũng không được hẳn hoi thì làm sao. Xin khất cha khi khác.
-Vâng. Vậy tôi về thưa lại cha. Chào bà.

Xây nhà thờ khu đông người theo đạo Thiên chúa như một cái dịch, nơi chưa có, từ xây mới đã hẳn, cũ nhỏ nay đập phá xây lớn hơn, các khu gian thánh, bàn thờ trước bằng gỗ cao cấp nay được thay thế bằng đá cương trắng “made in budapest” cho phù hợp tính cách kỳ công thế kỷ, một lãng phí trong những năm nhân dân đang khủng hoảng kinh tế tất yếu sau ngưng chiến. Tất nhiên ở đây không muốn nhận xét hay phê bình, nhưng phải tập trung tiền bạc quá lớn, không phục vụ chất xám như trường học, sản xuất, y tế, cứu đói là điều cấp bách trước mắt.
Bà cụ bị ám ảnh cái tuổi già và việc phần linh hồn mình sau này, bà đã đóng góp dâng cúng cho nhà thờ, và cha chánh xứ đích thân mời bà đến ăn cơm tại phòng khách xứ nhưng bà cũng không dám nhận lời, vì tự thấy bà chỉ là con người tầm thường, một bà già tật nguyền, nên không được ngồi ngang hàng với các cha, thầy, ông chánh bà trùm. Bà thoáng suy nghĩ về số tiền còn lại không đủ xây lại căn nhà cho lũ cháu, nhưng trong lòng bà không ân hận, tất cả bà đã phó dâng cho bề trên cho Thiên chúa, bà có thể yên lòng mọi việc để dọn mình.

Suốt mùa mưa sau, bà cụ đã yếu không đi lại được nữa và vào mùa đông bà cụ mất, trước ngày khánh thành ngôi thánh đường. Là người ân nhân bà được tri ân trước đám đông và trước khi hạ huyệt được cha xứ gắn lên trên quan tài một bông hoa cúc vàng biểu tượng.

Số tiền bán đất của bà để lại, các cháu lo ma chay cho bà xong cũng chẳng còn bao nhiêu. Chúng gom tất cả xây vội lên hai bức tường, mái tôn thiếc, cái cửa bằng gỗ lùa tiệm tặn.

Người chết qua đi theo luật đào thải, nấm mộ của bà được lũ cháu đắp đất nằm chung trong những ngôi mộ đã được xây khang trang theo ý tưởng nghệ thuật duy nhất bắt buộc, thể hiện quyền hành đầy phù phép, người nghèo khó theo nổi.

Ai đi qua khu phố này, bỗng dưng và hiển nhiên thấy một căn nhà lụp xụp, nóng nực không trần, những cánh cửa bằng gỗ vẹt tròn các góc vì đã mục, với cuộc sống thường nhật, mọi người vẫn vô tư, hầu như cũng chẳng ai cần biết đến ai nữa. Riêng bà cụ đã mãn nguyện nơi chín suối, nhưng người còn sống được thụ hưởng, quên hẳn cái tâm thật của bà cái tâm thật vì phần linh hồn, chân chính của một người phụ nữ chưa một lần biết đau đẻ, cái ngây thơ của người phụ nữ không con với một lũ cháu.
Phần khác của những kẻ nói ân nghĩa, rao giảng ơn nghĩa nhưng không biết ơn nghĩa.

Lũ cháu hiện hữu tự sinh tồn như thủy tổ.


Đông 95