Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






YÊU NHƯ NỖI CHẾT




T háng năm cuối mùa xuân, Seoul trở lạnh mười độ. Hôm đó là ngày thứ ba trong chuyến du hành. Khác với những lời cô hướng dẫn viên nói hôm họp đoàn trước ngày đi: “ Mùa nầy Seoul chỉ hơi lạnh, quý vị chỉ nên đem theo đồ ấm nhẹ, mỏng”. Cả đoàn Việt nam chao đảo vì lạnh. Có bao nhiêu đồ ấm mang theo mặc hết vào người mà vẫn co ro, Hoài cảm thấy ân hận vì mình đã chủ quan. Tự nhiên thấy hết hứng đi chơi, chỉ mong về khách sạn, vì khách sạn bao giờ cũng có máy heat. Buổi tối về phòng soi gương, Hoài thấy da mặt mình nhăn hơn, mắt trũng sâu hơn, mũi bắt đầu khụt khịt, hỉ ra có tí máu. Vậy mà mấy cô cậu thanh niên Hàn quốc cứ đi từng đôi ngoài đường, da dẻ tươi trắng như trứng gà bóc. Phải công nhận người dân nước nầy được thượng đế ưu ái cho làn da quá đẹp.Tự nhiên Hoài thấy thèm chút không khí nóng nực ở nước mình.

Sáng nay cả đoàn đi thăm đảo Nami, Hoài thấy Du nghe điện thoại khá lâu, tự nhiên cô có chút thắc mắc không biết có chuyện gì mà có người gọi điện thoại đường dài cho Du, rồi tự trách mình đã tò mò kỳ cục. Nhưng biết làm sao được, hàng ngày gặp nhau ở bệnh viện, trong vai trò nữ y tá, Hoài đã quen theo dõi bác sỹ Du lặng thầm như thế. Và Hoài biết ngoài Hoài ra, còn có một bệnh nhân nữ cũng dõi theo Du như một thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt. Trong số những bệnh nhân khoa Nữ của bệnh viện tâm thần, Hạnh thuộc loại có nhan sắc. Hạnh bị bệnh từ khi học lớp mười một, đã hai năm vào bệnh viện nhưng bệnh tình vẫn không làm giảm phần nào nhan sắc của cô. Với người bệnh tâm thần, khi yêu họ thường không biết giấu diếm tình cảm của mình như người bình thường, Hạnh thường đứng ngoài cửa sổ, nhìn vào phòng khám mỗi khi Du khám bệnh, bảo vệ ra đuổi về phòng bệnh. Chỉ một lát thôi, Hạnh lại đến nhìn vào phòng khám. Mẹ Hạnh phải đến lôi con về phòng chốt cửa lại. Hạnh đập cửa rầm rầm, mẹ Hạnh vừa ôm con vừa khóc. Rồi cả hai mẹ con cùng khóc. Câu chuyện đến tai lãnh đạo bệnh viện, bác sỹ Du được lệnh chuyển qua làm việc ở khoa Nam. Hàng ngày, Hạnh ra hàng rào ngăn đôi giữa hai khoa, nhìn sang mong được thấy bóng dáng Du thấp thoáng trên các hành lang bệnh viện.

Từ ngày Du chuyển sang khoa Nam, Hoài cũng buồn. Nhưng là nhân viên của bệnh viện nên hàng ngày Hoài vẫn có cơ hội gặp Du nhiều hơn Hạnh. Đó là trong những buổi họp giao ban hàng ngày, hoặc trong những bữa ăn trưa ở căng tin. Đôi khi trong bữa cơm, có người vui miệng nhắc đến Hạnh, Du thường chép miệng thở dài. Có lần anh nói với bác sỹ Nam – người đang trực tiếp chữa bệnh cho Hạnh - đại khái nên góp ý với gia đình cho Hạnh điều trị ở nhà, để hàng ngày không gặp Du nữa, sẽ tốt cho Hạnh hơn. Nhưng trái với lời Du nói, về nhà bệnh Hạnh trở nặng hơn, Hạnh một mực đòi trở lại bệnh viện.

Khi bị thuyên chuyển về đây, Hoài thấy chán nản muốn bỏ nghề. Cô thấy sợ những khuôn mặt vô hồn của bệnh nhân. Suốt ngày họ đi lại phờ phạc trên những hành lang phòng bệnh, hoặc đứng tụ tập từng nhóm, thấy người nhà bệnh nhân vào thăm thân nhân họ chạy theo xin tiền, hoặc xin thuốc lá. Nơi đây là thế giới của những người hút thuốc, nữ cũng như nam. Họ hút vì buồn, vì muốn quên đi bệnh tật của mình. Đó là những người bệnh tình tạm ổn. Còn những người bệnh nặng thì suốt ngày la hét trong những căn phòng nhỏ có cửa khóa bên ngoài. Đến giờ cơm hộ lý đem cơm vào, có chén đũa hẳn hoi, nhưng thường thì họ bốc cơm bằng tay. Bệnh nhân tên Nhung khoảng trên 40 tuổi, bà nầy bị hoang tưởng nặng, bao giờ cũng tưởng mình là con heo, nên khi ăn bao giờ cũng chan canh vào tô cơm, hai tay bưng tô cơm, cúi xuống táp vào tô kiểu con heo táp vào máng cám. Một buổi sáng chủ nhật – hôm đó vào phiên trực của Hoài, đang ngồi trong phòng trực thì Hoài nghe nhiều tiếng kêu ré của bệnh nhân của bệnh nhân khoa Nữ, cô chưa kịp bước ra xem chuyện gì thì Linh – một bệnh nhân trẻ chạy đến hốt hoảng kêu: “ Chị Hoài ơi, Hoa nó bốc phân ăn đầy miệng nè “. Hoài chạy đến phòng Hoa thì thấy cô nầy đang nhét phân vào miệng. Không thể nào ngăn được cơn buồn nôn, Hoài nôn thốc nôn tháo. Cô vội kêu hộ lý lôi Hoa vào phòng tắm. Đến mấy ngày sau Hoài vẫn không thể nào ăn uống được. Cô chỉ ăn qua loa rồi uống thêm sữa trừ bữa. Cô vẫn chưa thích nghi được với bệnh viện tâm thần như các y tá khác. Hoài thấy phục các chị hộ lý khi họ làm những công việc phục vụ cho bệnh nhân, kể cả những công việc mất vệ sinh nhất. Có lẽ Hoài còn trụ lại đây vì còn có Du. Không ai nghĩ một người bề ngoài có vẻ chững chạc, điềm đạm như Du lại có khiếu hài hước. Khi mới về đây, có lần cả nhóm bác sỹ và điều dưỡng tụ tâp tại căng tin, vô tình hôm đó Hoài ngồi bên Du, trong lúc cao hứng mọi người yêu cầu Du giả giọng thuyết minh phim kiếm hiệp Hồng Kông, anh quay sang Hoài:

-Tiểu muội hãy cùng ta đi đến cuối cuối cuộc đời nầy. Ta hứa sẽ thương yêu và chăm sóc cho tiểu muội cho đến hơi thở cuối cùng.

Cả nhóm ré lên cười. Phải công nhận Du giả giọng thật giống. Hoài cũng cười. Tuy chỉ là một lời nói đùa, nhưng không hiểu sao trong lòng cô xôn xao một một cảm giác rất lạ. Hoài cũng biết Du đã có người yêu, có một lần thấy người yêu của Du đến bệnh viện tìm Du, Hoài nhìn cô gái và tự nhận thấy mình thua cô ấy nhiều quá. Hoài cũng biết mối tình đơn phương nầy chả đi đến đâu, tuy nhiên cô cố che dấu, không muốn cho ai biết, sợ người ta nhìn mình bằng cái nhìn thương hại.

Có điều tuy biết Hạnh cũng yêu Du, Hoài hoàn toàn không hề xem Hạnh như đối thủ. Điều đó cũng dễ hiểu, Hạnh chỉ là một cô gái tâm thần đáng thương, Hạnh yêu trong cơn mê loạn của trí óc, chưa hẳn là một tình yêu đúng nghĩa. Hơn nữa, Hạnh là một bệnh nhân hoang tưởng nặng, có thể tình yêu với Du cũng là một biểu hiện của chứng hoang tưởng. Hoài thấy Hạnh cũng đáng thương như mình, và trong thâm tâm cô thấy thương Hạnh như một người em gái.

Những ngày giáp Tết âm lịch, bệnh nhân rục rịch được người nhà đón về ăn Tết với gia đình. Bệnh viện vắng dần đi, nhân viên bệnh viện cũng rảnh việc hơn. Hạnh cũng được mẹ đón về sáng nay. Trước khi về cô còn có ý tìm bác sỹ Du để giã từ. Bị mẹ giục, cô vừa đi ra cổng vừa ngoái lại. Bé Khoa năm nay không có ai đón về. Em là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở đây, chỉ mới mười ba tuổi. Em nhập

Viện đã hai năm từ khi đang học lớp năm. Trường hợp của Khoa thật đáng thương. Khoa tuy con nhà nghèo nhưng là học sinh giỏi nhất trường, mặc dù em phải vừa làm vừa học. Sau buổi học em phải đi thu gom phế liệu phụ ba mẹ. Trong lớp có một nam sinh con nhà giàu nhưng học dốt, em nầy vốn ganh ghét Khoa nên cố tình hại Khoa bằng cách hô hoán mất môt số tiền lớn. Khi giáo viên phụ trách lớp cho lục cặp sách thì thấy số tiền nầy nằm trong cặp sách của Khoa. Tình ngay lý gian, Khoa phân trần thế nào cũng không được. Khoa bị công an giữ mấy ngày. Với một học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt như Khoa, đó là một điều sỉ nhục. Sau khi được cho về, em đã tự tử nhưng được người nhà phát hiện. Sau đó vì quá phẫn uất, Khoa đã có những biểu hiện tâm thần. Khoa thường đi lang thang và nói năng lảm nhảm. Ba mẹ Khoa vừa phải làm lụng nuôi con, vừa phải theo sát Khoa vì sợ em lại tự tử, cuối cùng phải gửi em vào đây. Với những bệnh nhân đã tự sát hụt như Khoa, ban đầu bệnh viện phải cho sống cách ly ở phòng đặc biệt. Trong phòng sẽ không có bất cứ vật gì để bệnh nhân có thể tự tử được – ngay cả chiếc quạt trần. vì đã có một lần có trường hợp bệnh nhân treo cổ trên chiếc quạt trần với chiếc quần dài làm dây thòng lọng. Và cũng không được ai nói hai từ tự sát với bệnh nhân. Bệnh viện tâm thần khác hơn bệnh viện khác ở chỗ không chỉ vô trùng dụng cụ chữa bệnh, mà còn phải vô trùng tư tưởng cho bệnh nhân.Tuy Khoa ở khoa Nam, nhưng Hoài hay đến thăm em và thường mang theo quà bánh cho em, vì có một lần Hoài bắt gặp Khoa nhìn chăm vào gói quà bánh của một bệnh nhân khác với vẻ thèm thuồng. Ba mẹ Khoa nghèo, chuyện thăm viếng quà cáp cũng ít hơn người khác. Những lần đến thăm con, ra về mẹ Khoa thường ngồi lặng lẽ khóc ở ghế đá ngoài sân bệnh viện. Những lần như thế, bao giờ Hoài cũng thường khuyên nhủ bà nhưng cô cũng không cầm nổi nước mắt. Thật không gì đau xót hơn khi đứa con học giỏi ngoan hiền của mình lại bị oan khuất như thế, để rồi cuối cùng cuộc đời của nó đi vào chỗ bế tắt. Tết năm ngoái, Khoa được ba đến đón về, năm nay nghe Khoa nói mẹ em bị bệnh nên ba em phải chăm mẹ, do đó không có điều kiện đón em. Hoài biết bao giờ Du cũng là người gom tất cả những bệnh nhân nam ở khoa anh phụ trách - những người bệnh không có người thân đón – về nhà anh ăn Tết. Hoài nói với Khoa:

-Lần nầy bé Khoa về nhà bác sỹ Du ăn Tến rồi. Bác sỹ sẽ cho hát karaoke suốt ngày vui lắm. Chị sẽ đem bánh mứt, hạt dưa, bánh chưng đến cho Khoa nhé. Cả phong bì lì xì nữa.

Khoa tuy buồn nhưng nghe Hoài nói cũng thoáng có chút vui trên khuôn mặt trẻ con. Đã nhiều năm rồi, nghĩa cử của Du làm cả bệnh viện khâm phục. Chưa nói đến chuyện tốn kém, nhưng ngay cả chuyện quản lý một số người bệnh tâm thần như thế tại nhà cũng không phải là chuyện dễ dàng gì. Nhưng Du không cô đơn, anh có một bà mẹ rất từ tâm, một người em trai và một số nhân viên bệnh viện ngày Tết cũng sẵn sàng tự nguyện chia nhau đến giúp anh. Chỉ còn lại một số bệnh nhân ở khoa Nữ - phần lớn là những người bị gia đình bỏ rơi từ nhiều năm – đành ở lại bệnh viện. Trong số đó có bà Nhâm, một bệnh nhân sống ở bệnh viện trên bốn mươi năm. Bà vào bệnh viện từ khi hai mươi tuổi đến nay đã ngoài sáu mươi, không người thân thích viếng thăm. Một đời người trải dài trong chuỗi ngày ở bệnh viện buồn hiu hắt. Mỗi khi có người nhà bệnh nhân khác đến thăm, bà thường giơ tay xin những đồng bạc lẽ, rồi ngồi vuốt cho thật phẳng xong bỏ vào chiếc túi nhỏ mà đi đâu bà cũng kè kè mang theo bên mình, kể cả lúc xuống phòng ăn cơm. Bà xem bệnh viện là nhà, không biết đến khi chết có ai là người thân vuốt mắt? Những người bị gia đình bỏ bê như bà Nhâm thường ăn uống theo chế độ thiếu thốn dinh dưỡng hơn. Vì họ không có tiền ăn cơm ở căng tin mà theo chế độ trợ cấp xã hội. Vì thế với bà Nhâm và một số người khác, trong những ngày giáp Tết thường có nhiều đoàn từ thiện đến thăm, là những ngày hạnh phúc nhất. Ngày đó họ được nhiều quà cáp và đươc ăn uống những món mà lâu nay họ vẫn mơ ước, thèm thuồng.

Những ngày cuối năm, bên cạnh những người ra về, lại có những bệnh nhân mới nhập viện, lần này ở khoa Nữ của Hoài đón Linh - một cô sinh viên mới mười chín tuổi. Ngày đầu tiên mới đến, Linh lúc nào cũng khóc lóc vật vã. Tội nghiệp anh cô – chỉ hơn cô vài tuổi, cũng đang là sinh viên – phải xin phép nghỉ học theo chăm sóc em. Cả hai anh em đi học xa nhà, gia đình ở tận Nghệ An chưa vào kịp. Đến ngày thứ hai, Linh bảo anh đi ra ngoài mua đồ ăn cho cô. Anh cô vừa đi khuất, Linh chạy vào phòng vệ sinh tự thắt cổ bằng chiếc quần bệnh nhân cô vừa xin thêm của bà hộ lý. Khi người anh mang gói đồ ăn trở về thì em gái đã chết.

Ai bảo những bệnh nhân tâm thần sống trong cõi hỗn mang mờ mịt của trí tuệ thì làm sao biết buồn, biết tự tử? Thật ra trong những lúc họ tĩnh táo nhất, họ ý thức được căn bệnh trầm kha không hy vọng có ngày trở về với cuộc sống của mình – ngoại trừ phép màu nào đó – đó là lúc họ thấy buồn chán bế tắt nhất, chỉ còn cách giã từ cuộc sống. Lúc mới vào bệnh viện, Hoài thường bị sốc trước những cái chết tức tưởi như vậy. Bây giờ cô cũng hơi quen rồi, tính cách nào rồi cũng bị bào mòn bởi thời gian.


***

Những ngày du lịch ở đất nước Hàn quốc chấm dứt. Lúc đó Du mới cho cả đoàn biết một tin sốc: Trước khi nhân viên bệnh viện đi du lịch Hàn quốc mấy hôm, Hạnh - trong một lần theo chị ra giếng ngoài vườn rửa rau- đã nhảy xuống giếng theo một tiếng gọi ảo thanh sai khiến trong đầu. May là giếng cũng cạn và có người cứu kịp. Du cũng cho biết là hôm cả đoàn đi đảo Nami, cuộc gọi điện thoại của bác sỹ trưởng khoa đã cho anh biết như vậy. Nhưng có một bí mật nữa mà Du không nói ra, sau nầy Hoài mới nghe Hạnh kể. Đó là chi tiết khi từ miệng giếng nhìn xuống, lúc nầy Hạnh nghe trong đầu mình có tiếng Du gọi từ đáy giếng, và có cả bóng Du từ dưới đưa tay vẫy Hạnh, vậy là Hạnh sẵn sàng nhảy xuống. Có lẽ vì vậy mà lúc đó cô thấy Du có vẻ ưu tư sau khi nghe điện thoại đường dài từ Việt nam gọi sang.

Những ngày giáp Tết, tin Du sắp lấy vợ làm Hoài chao đảo. Vẫn biết ngày ấy sẽ đến nhưng trong lòng cô vẫn mong đó không phải là điều có thật. Đôi khi Hoài cũng cảm thấy mình hoang tưởng như bệnh nhân của mình. Đêm cuối năm Hoài đi lang thang một mình rồi ghé vào quán cà phê. Hoài chọn một góc khuất để không ai chú ý đến mình. Ngẫm lại cuộc đời , Hoài như thấy lại những cuộc tình cứ qua đi, vài khuôn mặt đàn ông đi qua đời mình với bao ước mơ đã vụn vỡ, thấy mình như con tàu lang thang qua nhiều sân ga, nhưng lại không có ga nào là điểm cuối. Và Du như một miền đất từ một tinh cầu xa vời mà con tàu không thể nào đến được. Tự nhiên nghĩ đến đó nước mắt Hoài chảy ra, cô gái tiếp viên đến gần cô và ân cần hỏi:

-Chị có làm sao không ? Em có thể giúp gì chị ?

Ngẫng lên nhìn khuôn mặt trẻ măng đang cúi xuống nhìn mình, Hoài nói:

-Không có gì. Cảm ơn em.

Cô gái quay đi với cái nhìn ái ngại. Nghe điện thoại reo, Hoài lau nước mắt cầm máy. Đầu dây bên kia tiếng mẹ Hạnh hốt hoảng:

-Cô Hoài ơi, cô có thể giúp tôi được không? Từ chiều đến giờ Hạnh nó đến đứng trước cổng nhà bác sỹ Du, tôi nói thế nào nó cũng không chịu về. Chỉ có cô nói nó mới chịu nghe lời thôi. Cô làm ơn giúp tôi nghen cô Hoài.

Khi Hoài đến, Hạnh đang đứng co ro dưới cơn mưa phùn cuối năm, bà mẹ cầm áo mưa đứng bên cạnh nhưng nói thế nào Hạnh cũng không chịu mặc. Bà mẹ khoác áo mưa cho cô thì cô lại hất đi. Mái tóc rối bù ướt nước mưa, những giọt mưa tuôn chảy trên khuôn mặt thất thần của cô gái nhỏ trông thật tội nghiệp. Hình như bác sỹ Du vẫn không biết, trong nhà đang có yến tiệc gì đó. Hoài ôm bờ vai Hạnh, cô nói với Hạnh mà cũng là nói với chính mình:

-Ngoan nào, về thôi em.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .