Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






NHÀNG




N hàng là cái tên tôi đặt cho nó, bố nó tên Nhường là em họ tôi. Chú thím tôi mất sớm, Nhường ở với cô, cô đi lấy chồng. Năm đó chiến tranh ác liệt, Nhường tình nguyện đi thanh niên xung phong. Ba gian nhà ngói khóa cửa lại nhờ hàng xóm trông giùm. Thanh niên trai tráng đi đánh giặc hết, làng xóm chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ con. Nhường bị thương vào đầu trong trận đánh ở ngã ba Đông Dương, nằm ở bệnh viện dã chiến được người đồng đội tên là Na chăm sóc, tình yêu của họ bắt nguồn từ tình thương và sự cảm phục, hai đứa yêu nhau, rồi đơn vị tổ chức cho nên vợ, nên chồng.

    Chiến tranh kết thúc, Nhường dắt vợ về quê. Sửa sang 3 gian nhà ngói cổ, 12 thước ruộng phần trăm, Nhường có tiêu chuẩn thương tật được nhà nước cấp, hai vợ chồng chăm chú vào 12 thước ruộng, một năm trồng mấy vụ rau màu, kinh tế không thừa song cũng tàm tạm đủ ăn, có đồng ra đồng vào. Vợ chồng Nhường sinh mấy lần song đều không nuôi được; ngày ấy chưa ai biết là có thể cả hai vợ chồng Nhường đều bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Đẻ đến đứa thứ tư vợ chồng sợ không dám đặt tên cho con nữa, vẫn gọi nó là Gái. Con bé cũng bình thường như những đứa trẻ khác, có điều người cứ dài ngoẵng như con chão chuộc. Bữa đó tôi đến chơi, con bé đã lớn. Ngắm nhìn quang cảnh nhà Nhường vẫn không có gì thay đổi. Tôi bảo vợ chồng Nhường:
     - Con bé đã đến tuổi đi học chú thím phải làm giấy khai sinh đặt cho nó cái tên, nó là gái đã rõ rồi sao cứ gọi mãi thế (!). Nhường bảo tôi:
     - Chúng em sợ không dám đặt tên cho cháu! Bác đặt tên cho cháu đi.
     Tôi bảo vợ chồng Nhường:
     - Người giàu đặt tên cho con là Vàng, Bạc, Châu, Báu... Người sang thì đặt tên cho con là Trâm, Anh, Thế, Phiệt.. thôi mình là dân cứ đặt tên con sao cho dễ gọi, chú là Nhường tôi đặt tên cháu là Nhàng. Bố Nhường con Nhàng liệu có được không?
     Thế là ngay chiều hôm ấy chú em tôi lên xã xin giấy khai sinh cho con là Nguyễn Thị Nhàng.
     Con Nhàng chỉ phải cái tội gày song chẳng ốm đau bao giờ, học cứ mỗi năm một lớp đều tăm tắp. Càng lớn con Nhàng càng có duyên, tóc dài mượt thả ngang lưng, đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt đen láy, hàng mi cong cứ hun hút thật dễ thương. Các cụ bảo:
    - Người có con mắt đen là người dễ nuôi, sau này đức độ và được hưởng phúc lớn!
     Mà thực những nhà giàu, có chất hàng đống vàng cũng không thể đẻ được đứa con mắt đẹp như mắt con Nhàng.
     Ngày vào học cấp 3, con Nhàng đã lớn, có bận tôi nghe thấy nó bực bõ nói với mấy đứa con nhà giàu: Trời đất đã có luật thừa trừ, nhà chúng mày giàu nhất định phải có cái thiếu , nhà tao thiếu tiền phải có cái hơn, nhà chúng mày không thể mua được!
     Năm đó thi vào đại học con Nhàng thừa điểm đi học ở nước ngoài. Song con Nhàng không đi. Nó bảo bố mẹ chỉ có mình nó, xa bố mẹ 5-6 năm trời không chịu được, nó học đại học trong nước. Làng xóm cũng ồn ào một thời gian "Con Nhàng nhà Nhường thế mà giỏi !". Sau thì cơm nhà ai ăn, việc nhà ai làm còn công đâu mà quan tâm đến con Nhàng nữa (!) Tôi là bác họ, cũng thân tình với bố mẹ nó, vài năm lại đây thỉnh thoảng nó về cũng cho tôi gói chè bao thuốc. Tôi hỏi mày làm gì có chè thuốc mà cho bác? Con Nhàng bảo cháu đi làm rồi, thôi thì nhiều chẳng có, gói chè bao thuốc mua cho bố cháu, mua thêm biếu bác. Chuyện cứ nhạt dần chẳng ai biết đến con Nhàng. Vừa qua con Nhàng làm náo động cả làng tôi. Chả là làng tôi được nhà nước trợ giúp để hoàn tất đường làng, tính toán thế nào lại thiếu kinh phí một đoạn đường giữa làng hơn một trăm mét. Mùa mưa đoạn đường này đi lại khổ lắm, nó là chỗ đọng nước của cả hai bên dồn lại, người đi bộ còn men men hai bên cho đỡ lội chứ xe đạp, xe máy thì thật khổ. Mấy ông ở làng tôi đi làm ăn xa phát đạt, ấy thế mà mùa mưa về cứ phải gọi con cháu ra khênh xe (!). Con Nhàng về thấy vậy, nó xin được bỏ tiền ra để hoàn tất con đường. Cả làng nháo lên:
     - Con Nhàng làm gì mà nhiều tiền thế? Hơn trăm triệu đâu có nhỏ ở một làng quê!
Tôi chạy tới gặp chú Nhường là bố nó hỏi, chú em tôi bảo cũng không biết. Tôi trằn trọc cả đêm không ngủ, lo lắm. Hôm sau tôi bảo chú Nhường:
     - Tôi với chú phải đi ra chỗ nó xem sao, đây là chuyện lớn không cẩn thận "Kính không bõ phiền"!

     Làng tôi cách Thủ đô không xa, phương tiện giao thông thuận, qua hai lần chuyển xe, mười một giờ chúng tôi tới nơi cái Nhàng làm việc. Cơ quan nó oách lắm, có người gác cổng, vào phải xuất trình giấy tờ. Cũng may chúng tôi đều mang theo chứng minh thư, tôi bảo chú gác cổng:
     - Chúng tôi là người nhà con Nhàng chỉ cần gặp nó một chút thôi là về ngay không phiền hà gì cả.
    Người gác cổng bảo đây không có con Nhàng mà chỉ có chị Nhàng làm Giám đốc. Người gác cổng gọi điện, con Nhàng tất tưởi chạy ra:
     - Hai cụ ra chơi sao không báo cho con biết, thế hai cụ đi từ bao giờ, có việc gì mà vất vả thế?
     Tôi bảo:
     - Có việc chúng ta mới ra, chứ chúng ta có dửng mỡ đâu mà đi chơi.
     Con Nhàng dẫn chúng tôi vào phòng khách. Gian phòng khách đẹp lắm, tất cả 5 chùm đèn sáng choang. Tôi nghĩ mấy chục bóng đèn này nếu cho xóm nhà tôi mỗi nhà một bóng thì tốt biết mấy.
     Người phục vụ bưng ra 2 ly cà phê và bao thuốc, tôi bảo con Nhàng:
     - Thấy mày cho Làng một khoản tiền lớn quá chúng tao sợ, phải ra hỏi mày. Làng ta tuy nghèo nhưng đồng tiền không sạch Làng không lấy đâu. Đây là việc hệ trọng, chúng tao muốn hỏi về lai lịch chỗ tiền ấy?
     Con Nhàng bảo:
     - Hai cụ cứ yên tâm. Tiền của con đấy. Mấy năm đi làm, tiền công của con tích góp lại, con bảo bố mẹ con sửa nhà, bố mẹ con bảo nhà còn ở được không sửa. Về làng con thấy đường đang làm thiếu mất một đoạn, con biếu Làng cho hoàn tất. Con nghĩ đây là thời cơ để Làng nhận cho, chứ sau này công việc hết rồi dễ đâu mà đã được góp!
     Tôi thở phào, thôi thế là yên tâm, giờ chúng tao về đây. Con Nhàng bảo:
     - Hai cụ ở đây mai về, lên phòng con nghỉ, con giải quyết nốt số công việc, chiều đưa hai cụ đi chơi cho tường tận Thủ đô.
     - Chúng tao ở đây không quen, thấy không bằng ở nhà.
     Không giữ được, con Nhàng cho xe đưa chúng tôi về.
     Về tới nhà vợ tôi hỏi:
     - Hai ông ra có gặp nó không?
     - Gặp! Nó oách lắm, nó làm Giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài, thế mà làng ta không biết, từ trước tới nay vẫn gọi nó là con Nhàng.


Mùa xuân 2004