Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







XÍCH LÔ ĐÊM






       M ột tay xách cặp, một tay xách túi du lịch, Minh rảo bước dọc theo công viên để về khu Trung Tự. Đêm mùa đông, từng làn gió thốc vào cổ, vào lưng lạnh buốt. Mấy người lái “xe ôm” cứ nằn nì, chèo kéo nhưng Minh không đi vì họ “hét” gấp ba bốn lần thường lệ. Đoạn đường từ ga về nhà anh chỉ chừng hơn 2 cây số, đi một loáng là tới nơi, tội gì mà để cho họ “chém”! Anh mải miết đi, xung quanh hầu như không một tiếng động nào ngoài âm thanh của gió và của gót giày gỏ trên nền lát xi măng khô cứng.  Chợt có tiếng gọi từ sau lưng:

          -Bác gì ơi, bác về đâu? Bác lên xe đi cho đở mệt.

          Một người đàn ông đạp xích lô đang từ từ đi theo anh. Ông ta trùm chiếc mũ “biên phòng” kín mít nên rất khó đoán tuổi. Cái áo Jắc két bạc thếch, rộng thùng thình bao quanh một thân hình gầy nhom, trông thật tội nghiệp. Nghe giọng nói thì chắc ông đã trạc ngoài sáu mươi. Mỗi khi cần đi “xe ôm” hoặc xích lô Minh thường hay chọn người già vì họ cẩn thận lại đứng đắn, trong khi nhiều cậu trẻ đã hay đi ẩu lại còn sách nhiễu phiền hà. Minh dừng lại:

          -Về Trung Tự bao nhiêu hở ông?

          -Xin bác 5 nghìn thôi ạ.

          Đã thấm mệt lại thấy ông ta nói giá vừa phải nên Minh đồng ý đi ngay. Khác với nhiều ông đạp xích lô rất “hay chuyện”, ông già này chỉ trả lời khi khách hỏi, mà cũng rất kiệm lời. Ông đạp xe ì ạch, thở phì phò như xe chở hàng nặng lắm. Minh thấy ái ngại vì mình sức vóc thế này mà lại để một ông già phải còng lưng “phục vụ”. Anh không dám bắt chuyện nữa, sợ làm khổ ông già. Nhưng anh không khỏi băn khoăn khi nghĩ rằng ông ta chắc gặp phải hoàn cảnh gia đình éo le, bất hạnh nên mới đến nông nỗi này. Ông có vẻ là người tử tế. Mà người tử tế lại thường hay gặp bất hạnh! Nghĩ vậy, Minh định bụng khi xuống xe sẽ trả thêm ông vài nghìn như một lời cám ơn, một sự tỏ bày thông cảm.

          Xe đã về tới khu chung cư của Minh. Anh lúi húi lấy tiền trao cho ông già khắc khổ:

          -Cám ơn bác nhiều. Đêm hôm rét mướt thế này mà bác phải đi đạp xe thật là vất vả. Cháu xin biếu bác thêm mấy nghìn để ăn bát phở cho ấm.

          -Không dám, cám ơn anh, năm nghìn là đủ rồi. Tôi thường chạy xe đêm nên đã quen. Chắc anh là cán bộ, cũng chẳng dư giả gì ...

          Minh sững người, không hẳn vì lời từ chối của ông mà vì chợt nhận ra cái giọng nói quen quen . Ông Chung! Thế là bất ngờ Minh nhận ra một người quen mà hơn chục năm nay chưa từng gặp lại. Sợ ông mặc cảm nếu nhận ra người quen, anh dúi vội tờ giấy bạc mười nghìn vào tay ông rồi quay người đi thẳng vào cầu thang lên gác.

            Gần hai chục năm trước, Minh tốt nghiệp đại học và được phân về một Viện nghiên cứu của Bộ. Trưởng phòng của Minh là một người khá tài hoa, vừa giỏi chuyên môn lại vừa có nhiều “tài vặt”. Với cái tuổi 30 mà đã là một nhà nghiên cứu khoa học đầy triển vọng, anh Chung là một “thần tượng” mà bọn Minh luôn ngưỡng mộ. Gia đình anh Chung trước mắt mọi người là một mẫu gia đình rất “lý tưởng”. Chị Nga vợ anh là một bác sỹ xinh đẹp, đẹp nhất trong số các cô dâu của Viện. Anh chị có một cháu trai bụ bẩm xinh xắn. Cả hai anh chị đều học nước ngoài về, có chút “của ăn của để” nên đã tậu được nhà riêng và có đủ các tiện nghi sinh hoạt mà không phải ai mong cũng được. Anh Chung rất chiều chuộng vợ, ngược lại chị Nga cũng hết lòng yêu chồng thương con. Cuộc đời họ như sinh ra là để dành cho nhau và vì nhau. Người thì mơ ước, kẻ lại đố kỵ ghen tức với hạnh phúc của họ, âu cũng là lẽ thường. Họ đã luôn luôn tự  mình vun đắp cho hạnh phúc của mình ngày càng tốt đẹp hơn. Với Minh, anh Chung còn là người chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đầy năng động, sáng tạo; là người đã dìu dắt Minh vững bước đi vào con đường nghiên cứu. Hồi ấy anh Chung vừa làm việc vừa chuẩn bị bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học mà vẫn không quên dành thì giờ giúp Minh lần đầu tự đảm nhiệm một đề tài nghiên cứu. Có thể nói anh Chung vừa là thủ trưởng, vừa là người anh, người bạn, người dìu dắt Minh vào đời. Thế mà bỗng nhiên anh “mất tích” hơn chục năm trời để rồi gặp lại trong tình cảnh thế này đây!

          Trên đời này ai mà “học hết chử ngờ”! Người ta bảo “sông có khúc, người có lúc” phải chăng chỉ là do “định mệnh” ? Cuộc đời anh Chung có một bước ngoặt không phải là kỳ diệu mà là... kỳ cục. Tất cả mọi người trong Viện ai cũng biết, ai cũng vừa giận vừa thương, vừa trách...

          Sau ngày đất nước thống nhất ít lâu, Viện lập thêm một Phân Viện tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đề tài nghiên cứu được chuyển vào trong ấy làm, nhưng vì lượng cán bộ nghiên cứu còn quá “mỏng” nên nhiều khi các anh phải “gánh” cả hai nơi. Là trưởng phòng, anh Chung cứ phải vào ra như cơm bữa. Thời gian đầu, việc “đi Nam” được coi là một ân huệ, tương tự như “đi Tây”. Nhưng rồi dần dần nó trở nên gánh nặng cho những ai phải vào ra nhiều vì những khoản chi tiêu “phát sinh” ngoài “kế hoạch”. Đó lại là thời kỳ mà trên toàn đất nước và trong mỗi gia đình đều gặp nhiều khó khăn nhất. Tuy vậy chị Nga vẫn luôn luôn động viên chồng “hy sinh vì sự nghiệp”. Anh Chung có lẽ vì làm việc, đi lại nhiều, ăn uống thiếu thốn nên gầy xọp đi trông thấy. Chị Nga cố thuốc thang thêm nhưng cũng không bù lại được.

          Lần ấy, anh Chung đi “thực địa” ở Tây Nguyên gần một tháng liền, khi về tới thành phố Hồ Chí Minh thì nằm ốm liệt giường. Hai tuần sau, sức khoẻ có hồi phục chút ít nhưng một cánh tay bị tê bại hầu như không cử động được. Vì đợt ấy chỉ một mình anh đi thực địa, không ai trong Viện đi cùng nên chẳng có mấy người đến thăm nom. Nằm hoài ở bệnh viện rất buồn, anh xin về điều trị ngoại trú. Trong Phân Viện có một cô y tá biết châm cứu rất giỏi, nhận lời châm cứu và tiêm chích cho anh. Hằng ngày, cô y tá có cái tên rất kêu là Tuyết Sương đến nhà khách của Phân Viện, nơi anh lưu trú, đều đều hai buổi, châm cứu, thuốc thang và chăm sóc anh như một người em gái. Tuyết Sương gần ba chục tuổi, đã qua một đời chồng. Tuy không đẹp lắm, nước da ngăm ngăm, nhưng bù lại cô có một giọng nói như thấm vào tận ly ty huyết quản người nghe. Cô lại biết cách động viên, thuyết phục và rất khéo léo trong việc chăm sóc bệnh nhân. Tự cô nấu cháo, tự cô bón cơm, tự cô rót nước, tự cô tiêm chích xoa bóp và... tự cô làm tất cả mọi việc cho anh không chút nề hà. Có lẽ nhờ vây mà bệnh tình của anh Chung thuyên giảm nhanh trông thấy. Chưa đến mười ngày sau, anh Chung đã hầu như trở lại bình thường, thậm chí da dẻ hồng hào hơn trước. Tình bạn giữa anh và Tuyết Sương cũng trở nên quý trọng, thân thiết như anh em ruột thịt.

          Một buổi chiều, sau khi châm cứu xong, Tuyết Sương mời anh Chung về thăm nhà mình “cho biết”. Ngồi sau xe máy, một làn nước hoa thơm dìu dịu cứ làm Chung như ngây ngây chẳng còn thiết gì ngắm phố ngắm phường. Từ trung tâm thành phố về tận Gò Vấp, có lẽ vì đường quá xa xôi, mệt mỏi nên anh Chung dần dần tựa hẳn đầu vào tấm lưng cô gái. Ngôi nhà Tuyết Sương không rộng nhưng mọi thứ tinh tươm và đầy gợi cảm. Cô ta sống một mình, giữa một khu vườn rậm rạp cây trái. Tuyết Sương tỏ vẻ ái ngại cho anh, dìu anh vào giường nằm nghỉ tạm rồi nhanh chóng đi chuẩn bị bữa ăn. Gần ba tháng nay Chung chưa có được bữa cơm gia đình. Món canh chua thật hấp dẫn, món cá kho tộ thật ngon. Mấy lon bia làm cho Chung chếnh choáng. Bữa cơm vừa xong thì đã gần tới nửa đêm, Tuyết Sương đành mời Chung nghỉ lại. Một người đàn bà trẻ độc thân và một người đàn ông xa vợ lâu ngày được “nhốt” chung trong một ngôi nhà vắng lặng, chỉ có tiếng gió thì thào trên các ngọn cây, sao mà ... khó chịu! Đêm vừa như dài ra, lại vừa như ngắn lại.

            Sau cái đêm “thăm nhà cho biết” ấy, anh Chung trở nên “liệt” hoàn toàn. Anh không còn đủ sức trở về nhà khách, phải nhờ Tuyết Sương ghé lấy giúp hành lý. Anh như tìm ra một đề tài khoa học mới, khám phá ra một thế giới mới khác xa với thế giới trước kia anh từng quen biết. Tuyết Sương có một sức hấp dẫn đến mức làm cho anh như quên hết quá khứ, quên cả gia đình vợ con, quên cả công trình, sự nghiệp. Anh lần lữa, khất dần ngày trở về cơ quan, trở ra Hà Nội. Tuyết Sương chiều chuộng anh, chăm sóc anh như chăm sóc một con chim quý được nhốt trong một chiếc lồng êm ái. Những lời thủ thỉ của Tuyết Sương làm cho Chung đê mê và trở nên “nghiện ngập” như một loại cần sa, ma tuý! Bệnh đã khỏi từ lâu nhưng Tuyết Sương cứ bảo anh là chưa khỏi. Anh cũng nghĩ là mình chưa khỏi và luôn tự huyễn hoặc mình là còn rất ốm yếu, cần được châm cứu, nghĩ ngơi. Chị Nga lo lắng buồn phiền, thư điện tới tấp mà ông chồng hầu như bặt vô âm tín. Nhưng rồi tin xấu cũng đến tai chị. Chị bay vào tìm anh nhưng anh vừa lo sợ lại vừa sa đà nên trốn biệt tăm. Chắc chẳng ai tin được là anh Chung đã “biến” mất suốt hơn một năm trời! Từ chổ liệt một cánh tay, cô y tá đã “châm cứu” thế nào mà nhà khoa học trẻ trở thành kẻ bệnh hoạn, “liệt” toàn thân. Cơ quan ra quyết định buộc anh thôi việc, vợ anh cũng “khai trừ” anh ra khỏi gia đình. Từ đó Minh và bạn bè trong Viện hầu như không biết gì về Chung, chỉ nghe mang máng là hơn một năm sau thì cô Tuyết Sương đã lại “trục xuất” anh ra khỏi chiếc lồng chim êm ái của mình. Chung trở thành kẻ lang thang, phiêu bạt, không nhà, không vợ con, không sự nghiệp, không bạn bè, thân thích! Mọi người cũng dần dần quên anh như quên một vật quý đã bị rơi rớt từ lâu! ...

          Minh đi một mạch lên gác. Anh dừng lại bên góc hành lang tranh tối tranh sáng nhìn xuống con đường. Chiếc xích lô đã ra đầu ngõ. Ai có thể ngờ người đàn ông bạc nhược, gầy gò ốm yếu đang gò lưng đạp chiếc xe xích lô trống rỗng kia lại đã từng là một con người thành đạt, một “thần tượng” của Minh và của bao người.