Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh của họa sĩ Hà Trí Hiếu






THÔI EM VỀ VỚI BIỂN




1.

Rất vô tình, tôi có được thông tin về nhà nghỉ Tường Chi qua một trang Web. Tôi đoán nó cũng gần với vùng biển mà trước đây từng đêm, tôi và đồng đội vẫn đón đợi hàng từ những con thuyền nhỏ sau khi sang mạn từ những con tàu không số, bí mật cập bờ. Chuyến đi nghỉ của cả gia đình không ngờ lại là đề tài khá rôm rả. Vợ tôi bảo: Đi Đồ Sơn thì tiện nhất nhưng nước ở đây lại bẩn, còn đi Hạ Long thì cô ấy đã đi hai lượt do cơ quan tổ chức mà giá cả thì lại rất “max”. Tốt nhất là đi cửa Lò. Nước vừa trong vừa sạch mà giá cả lại phải chăng. Còn con gái thì lại chỉ muốn đi Sầm Sơn vì đã hẹn cùng mấy đứa bạn. Không khí bàn luận thật “dân chủ” nên hai mẹ con ai cũng muốn được “bảo lưu” ý kiến của mình… Cuối cùng, sau nhiều lần thuyết phục, thương thảo với vợ và con gái, gia đình tôi đã quyết định đi nghỉ ở miền Trung.

Thu xếp phòng nghỉ cho cả gia đình xong, từ ban công nhìn ra tôi như muốn reo lên khi nhận ra một lèn đá nhỏ sát mép biển cách nhà nghỉ chừng dăm bảy trăm mét. Hơn ba mươi năm, lèn đá vẫn hiên ngang, ngạo nghễ như một mũi thuyền hưóng ra biển cả. Mong ước có một dịp về thăm lại chiến trường xưa, tôi như con thuyền lênh đênh giữa biẻn đời chiều nay cập về bến cũ.

Sau một chặng đường dài, vợ và con gái tôi có phần mệt mỏi nên chỉ ở trong phòng. Xuống phòng lễ tân, tôi nhờ cô nhân viên mua giùm một bó hoa hồng trắng. Ngước đôi mắt trong veo, cô gái nhìn tôi như dò hỏi.

Tôi khẽ gật đầu: - Chú mua đi viếng người thân.

… Tôi ôm trên tay bó hoa màu trắng. Trong gió biển mặn mòi, những bông hồng vẫn khiêm nhường, kín đáo nhả hương. Tôi đi về lèn đá, men theo lối sỏi đã bị bào mòn, nhẵn thín bới sóng và gió. Biển hiền hoà, bao dung mở lòng đón đợi. Lặng lẽ đặt bó hoa trên mặt sóng, tôi bỗng lặng người khi nhớ về em. Em ở đâu trong mênh mang, tít tắp biển chiều nay. Xin hãy nhận ở tôi một lời tạ lỗi. Hơn ba mươi năm rồi hồn em phiêu bạt nơi đâu?

Sóng đưa những bông hoa trắng ra xa rồi sóng lại đưa nó trở lại gần bờ. Hình như em có điều gì hờn dỗi mà không muốn nhận…

Chiều nay tôi trở về biển cũ, trở về tuổi thanh xuân của chúng ta, trinh nguyên như hai mươi bông hồng trắng. Tôi vẫn là con cá vược năm nào cùng em lướt trên những con sóng bị gãy đoạn, chia cắt bởi những cột nước đo bom đạn địch khi thuyền bị bắn đắm. Tôi ôm hai mươi đoá hoa hồng trắng như ôm em trong lòng biển năm nào… Tôi nhẹ nhàng, thong thả tránh sóng bơi ra ngoài lộng. Biển êm. Những bông hoa trắng dập dờn, dập dơn trên mặt nước đã loang màu tím sẫm. Gió thì thào. Tôi nghe như tiếng em đứt quãng: - Anh về đi. Cho em gửi lời chào tất cả…Vĩnh biệt anh.

2.

- Sao anh chưa ngủ? Hình như anh đang sốt?

- Anh không sao, chắc chiều nay anh tắm quá lâu. Em ngủ đi.

Chờ cho tiếng vợ thở đều, tôi mang ghế ra ban công nghe tiếng biển đêm thủ thỉ. Vẫn tiếng sóng xô bờ kiên nhẫn và hối thúc. Những âm thanh ấy vẫn thường len vào giấc ngủ, mặc dù tôi xa biển đã mấy mươi năm. Đêm nay, nghe lại tiếng sóng xô bỗng thấy cồn cào, nôn nao như như những đêm ngóng thuyền trên biển.

Ngày ấy, chúng tôi thường theo dõi bản tin dự báo khu vực có các luồng cá. Đó là ám hiệu khu vực có hàng được thả nổi từ ngoài khơi nhưng chủ yếu là các loại nhu yếu phẩm. Còn vũ khí, đạn dược thì được sang mạn từ những con tàu không số, xếp lên những thuyền của ngư dân bí mật cập bờ. Chúng tôi được giao nhiệm vụ túc trực, sẵn sàng đưa hàng về nơi cất dấu an toàn trước khi trời sáng để rồi từ đó, hàng lại được bí mật chuyên chở vào cứ hoặc trang bị cho những đơn vị hoạt động trong lòng địch. Không ít lần chúng tôi “chạm” địch cả ở trên biển và trên bộ. Nhưng dù ở đâu, trong những tình huống như vậy, việc giữ bí mật cho tuyến vận chuyển và kiên quyết không để vũ khí lọt vào tay giặc luôn là nhiệm vụ hàng đầu dù phải trả bằng mọi giá để giữ vững đường dây.

… Lần đó hàng về trễ vì gặp tàu tuần tiễu của địch. Các chiến sỹ tải hàng đã phải gùi gấp đôi mọi ngày nhưng vẫn không thể mang hết. Quay lại đi chuyến thứ hai thì không kịp bởi lúc đó trời đ• gần về sáng. Tôi và Chi được phân công ở lại giải quyết số hàng bằng cách chôn dấu và nguỵ trang tại chỗ, chờ đêm mai hoặc khi có thời cơ sẽ vận chuyển sau. Chúng tôi hùng hục đào, vừa chôn xong chưa kịp nguỵ trang thì nghe tiếng tàu khu trục và đèn pha bật sáng từ phía biển. Chi nói nhanh: - Tàu biệt kích địch. Tôi đứng sững, phân vân chưa biết xử lý thế nào. Mắt Chi mở to, tự tin và kiên quyết. Tôi nhìn sâu vào mắt em và linh cảm có một điều gì đó không bình thường, khác lạ. Thật bất ngờ, Chi xô tôi ngã ngửa, em dứt tung hàng cúc áo của tôi. Em hôn tôi như mưa như gió và cả hai cùng lăn lộn. Cát trên mặt hố chôn vũ khí hằn lên những vết chân quẫy đạp. Cát như một chiếc giường cưới lõm xuống, vồng lên in hình thân thể trong các tư thế. Trong ánh đèn pha dọi thẳng, khuôn ngực em lấm tấm cát, óng ánh như thể hoá công đã nạm lên đó những viên pha lê kín đáo và tinh xảo…

Tôi nghe rõ những tiếng giày đinh chạy ào trên cát. Chi nói qua hơi thở:

- Kệ nó. Cứ mần như nỏ biết.

… Chi quơ vội chiếc áo che ngực khi bốn họng súng AR 15 cùng chĩa sát vào chúng tôi. Tên đại uý chắc là toán trưởng đi vòng quanh bốn tên lính, khẩu côn quay tít trên ngón tay trỏ như tài tử cao bồi trong cinema. Hắn cười không thành tiếng. Hắn đứng dạng chân, con mắt như lưỡi dao xẻo thịt nhìn Chi.

- Không ngờ cái vùng cát nóng bỏng chiến sự này mà lại có những giây phút thanh bình, lãng mạn quá ta.

Tôi như muốn thét lên mà không giám bởi tôi nói giọng Bắc. Tôi chồm lên để bảo vệ Chi và ngay lập tức, những chiếc báng súng thúc vào lưng làm tôi ngã sấp. Hai thằng dùng giày đinh dẫm lên đầu, lên lưng tôi khiến tôi không thể nào cựa quậy được nữa.

-Tau chưa thấy đứa con gái mô ở vùng biến này trắng như vầy. Gặp con nhỏ này, đào cinéma phải ngả nón đó tụi bay.

Hắn nháy mắt, hất mặt về phía chiếc tàu đen trũi như con cá mập khổng lồ đang ghéch mũi vào mép biển. Hắn búng tay ra hiệu. Hai tên lính xốc nách Chi, mặc cho Chi quẫy đạp và chống cự, chúng nhấc bổng và bắt chi lên tàu. Hai tên còn lại thay nhau cho tôi một trận mưa báng súng. Tôi cố nhoài người, lết về phía biển và ngất lịm khi chiếc tàu mất hút nơi đường chân trời đang bắt đầu chuyển sang màu sáng bạc.

3.

Những ngày ở nhà nghỉ tôi thường xuyên bị mất ngủ. Những lúc như vậy, tôi lại một mình lang thang trên bãi biển. Tôi cũng không thể lý giải được vì sao hễ đêm nào tôi không ra bãi biển thì y như rằng đêm ấy lại trằn trọc, chợp mắt được một chút thì luôn luôn mộng mị. Vài đêm tỉnh dậy không thấy tôi, Lan hốt hoảng đi tìm. Khi biết tôi ngồi một mình ưu tư trên bãi biển, Lan biết tôi đang sống lại với những kỷ niệm xa xưa. Tôn trọng chồng, Lan lặng lẽ về phòng. Tôi biết Lan vẫn thức đợi. Chỉ cần nghe tiếng bước chân tôi rón rén là cánh cửa đã bật mở.

Biển đêm với tôi là một thế giới hoàn toàn mới lạ. Tiếng sóng và tiếng gió như mạch lạc hơn, tha thiết hơn bởi nó không bị pha trộn những tạp âm ồn ào, náo nhiệt ban ngày của khu bãi tắm. Không hẳn là như thế, biển đêm còn là một phần đời sống trong tôi bởi hơn ba mươi năm về trước, ở chính nơi này, đêm đêm chúng tôi vẫn hướng mắt nhìn ra biển, vẫn dỏng tai nghe trong tiếng rì rầm của biển và cũng thật kỳ diệu, trong cái hợp âm miên man ấy chúng tôi lại có thể nghe được tiếng mái chèo khua nhẹ, để rồi lặng lẽ reo lên khi tiếng óc ách, reo vui lúc những con thuyền lặng lẽ cập bờ. Và, từ cái đêm Chi bị chúng bắt đi, tôi như một thân người bị chia nửa. Đêm nào tôi cũng ngóng em…

Rồi chúng tôi lên cứ, góp mặt trong nhiều trận đánh cho đến ngày hoà bình. Trước ngày ra Bắc, tôi lại trở về vùng biển tìm em. Tôi đã tìm gặp những cơ sở cũ, không ai biết gì hơn ngoài cái đêm em ra đi. Đi mãi. Biển vẫn mênh mông và bí ẩn. Tôi ngắt những chùm hoa muống tím, khẽ khàng thả vào lòng biển. Sóng mang những phong thư tím nhạt của lòng tôi để nói lời từ biệt, để tôi tin rằng em đã đi xa. Thôi em về với biển.

4.

Những giọt cà phê đắng như muốn kéo dài đêm biển. Sóng vẫn lặng lẽ trườn nhẹ, âu yếm trùm lên cát những cái hôn bất tận trong tiếng hát miên man của gió. Tôi cũng không ngờ ở cái tuổi ngũ tuần lại có một cuộc hẹn hò không phải tình nhân mà lại khao khát, mong chờ hơn cả tình nhân.

Tường – Giám đốc nhà nghỉ – Chồng Chi đã nói với tôi tất cả.

Từ cái buổi chiều tôi bơi ra ngoài lộng, tôi cũng không biết rằng có một chiếc xuồng cứu hộ luôn sẵn sàng bởi từ trước tới nay, chưa có một khách nghỉ nào lại ra xa bờ như thế, và có một điều tôi không thể ngờ rằng hai mươi bông hồng trắng tôi gửi biển viếng tặng hồn em lại có người nhận nó. Bằng chứng là nó đã được cắm ngay ngắn trong phòng Giám đốc nhà nghỉ Tường Chi.

… Chúng thay nhau cưỡng hiếp người con gái mà chúng gọi là “chiến lợi phẩm” sau cái đêm đột ngột đổ bộ lên bờ. Đã đến lúc phải trở về quân cảng, chúng ném Chi cho binh nhất Tường và ra hiệu cho anh “làm một sái vét” rồi thủ tiêu để đề phòng mọi sự liên luỵ. Đến bây giờ nhớ lại, Tường vẫn cho là trong cuộc đời con người ta có những phút giây làm nên lịch sử, dù là lịch sử cho riêng bản thân mình.

Một tiếng súng vang lên. Sau tiếng súng là sự mất hút của binh nhất Tường và cô gái. Sự mất hút đến kỳ quặc, khó hiểu của hai người suốt mấy chục năm.

- Ổng là Cộng sản nòi. Bây giờ là thời đổi mới, chứ trước đây mươi mười lăm năm, chắc chi tôi với ổng lại có thể ngồi chung một bàn như ri. Kỳ ha. Hai người lính từ hai chiến tuyến. (Tường vỗ vỗ vào đầu mình như chợt nhớ, chợt quên một điều gì đó). Mà cái thằng lính như tui không trốn được quân dịch, mặc rằn ri chưa được một năm lúc đó bỗng dưng đứng trước hai làn đạn: Vừa là kẻ thù không đội trời chung với cộng sản, vừa là kẻ đào tẩu, chống lại chính quyền Sài Gòn, tiến hay thoái cũng đều lưỡng nan cả.

- Lúc đó nhiều binh lính, sỹ quan quân đội cộng hoà quay súng về với cách mạng cơ mà?

- Khi đó tôi hoài nghi tất cả. Ngay cả khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ tôi vẫn phải sống trong sự trốn chạy. Tôi sợ những đợt tập trung cải huấn, tôi sợ phải đối mặt với người của các ông, nhất là khi họ nghĩ ngoài việc chống cộng sản còn quyến rũ (có thể họ còn cho tôi là cưỡng bức) một nữ dân quân.

- Không lẽ chi không nói với anh điều gì? Và, chẳng lẽ Chi cũng chấp nhận sống xa lánh hết thảy?

- Tôi đã đưa Chi vào một nhà bảo sanh. Ở nhà bảo sanh thường ít ai để ý và tôi dễ dàng trong vai một anh chồng đi chăm vợ xảy thai. Cổ bị băng huyết. Băng huyết vì lũ khốn đó. Khi đã lành vết thương, tôi đã đưa cổ về đây. Nhìn cổ với cái dáng mảnh mai, đi liêu xiêu trên cát bỏng tôi không cầm lòng được. Hình như ai cũng có những phút giây lịch sử, cái phút giây làm thay đổi, biến cải cả cuộc đời mình. Tới nửa chừng, bỗng Chi quay lại. Cổ lướt trên cát như một cơn gió biển về phía tôi. Mặc cảm về sự mất mát, cổ sợ khi phải gặp lại anh. Cuộc sống của chúng tôi giờ đây coi như đã an bài, song nhiều khi nhớ lại, cổ vẫn cứ tự dày vò mình rằng tại sao trong cái đêm ấy, cổ đã không đủ can đảm để trao cho người yêu mình sự trinh tiết…để rồi. Tôi là người theo đạo, tôi tin vào sự sắp đặt của Chúa. Có lẽ vậy mà cuộc sống của chúng tôi từ khi có sự mặc cảm, trốn chạy và đến với nhau đã có một thời đoạn bằng an.

- Cảm ơn anh Tường.

Tôi không biết khuôn mặt mình khi đó thế nào và, lòng tôi thì thật sự đã bị xáo trộn bởi những vui buồn, xa xót khi biết thêm những điều về Chi sau cái đêm mà có lẽ khi trở về thế giới bên kia, chắc tôi vẫn còn thảng thốt. Họ đã ra đi cùng nhau theo dự tính một nửa vòng trái đất để quên đi những mặc cảm. Để rồi Tường trở về đây, dồn hết tâm sức, vốn liếng đầu tư cho việc kinh doanh du lịch. Tôi chợt nhận ra mình thật ngớ ngẩn và cải lương với ý nghĩ khi gặp Chi sẽ động viên, an ủi Chi rằng không riêng gì Chi, cả dân tộc này đã chịu bao đau thương, mất mát bởi chiến tranh. Hãy nhìn về tương lai để vợi bớt nỗi buồn và quên đi những thù hận…

- Cổ nhiều lần nói với tôi chỉ mong có ngày được gặp lại anh, không phải để đền đáp lại mối tình thuở mười tám đôi mươi. Điều đó với chúng ta, những thằng đàn ông thực thụ phỏng có ý nghĩa gì. Tôi tin cổ. Và, một lần nữa tôi lại tin vào sự sắp đặt của Chúa. Cổ vẫn chờ anh.

5.

Tôi thật sự hoang mang sau khi nghe lời Tường dặn:

- Anh không thể nhận ra cổ đâu, còn cổ…à…thì đã nhận ra anh sau cái buổi chiều “anh đi viếng người thân”. Anh hãy đến đúng nơi đã từng chôn vũ khí trước đây, chắc là …muốn xem người xưa có nhớ về cảnh cũ.

Tất cả bây giờ đều đã thay đổi. Những cồn cát đều biến mất. Toạ lạc nơi đó là san sát những ngôi biệt thự, điểm xuyết lác đác còn xót lại một vài cây dương, bây giờ chủ yếu là dừa và một số giồng cây nhập ngoại. Ngay cả khu vực sát bãi tắm, những ki ốt (kiosque) , những dù rơm như những cây nấm ken dày, khó có thể tìm chính xác nơi ấy. Thì ra Chi vẫn hồn nhiên, tinh nghịch như ngày nào khi nghĩ ra điều này. Đã thế mình sẽ làm ngược lại. Chi có thể sẽ già đi, có thể thay đổi ít nhiều, nhưng tôi tin vào trí nhớ của mình và những linh cảm. Tôi đi dọc bờ biển, ngó vào tất cả các dù rơm và nhận ra mình đã mắc một sai lầm rằng thời gian đã hơn ba mươi năm, đ• một phần ba thế kỷ và cũng thật phiền toái khi những “cò”, những ả ca ve tưởng tôi là khách “ăn đêm” cứ bám theo mời gọi.

Chi ơi! Ngày xưa trước những trò tinh nghịch của em, anh luôn là người yếm thế. Em ở đâu, em là ai trong bao nhiêu người phụ nữ đã luống tuổi đêm nay đang ở bãi biển này?

Phía biển xa, một đám mây giông chợt hiện và lớn dẫn qua ánh chớp. Tôi vui sướng như một cậu học trò vừa tìm ra một lời giải của một bài toán khó.

Lèn đá.

Chỉ có lền đá là vẫn hiên ngang thách thức với thời gian. Từ lèn đá nhìn về phương Nam, tôi dễ dàng nhận và tìm ra vị trí tương đối của “chỗ hẹn”. Chỗ hẹn chỉ duy nhất có một người con gái.

Chi đó sao? Thật khó tin là Chi lại trẻ trung và đẹp như một kiều nữ.

- Chi

Hình như đó không phải là tiếng gọi của tôi. Tôi thấy mình nổi hết da gà và rét run như những trận sốt rừng những năm trận mạc.

- Bác ngồi đi. Con là Tường Chi. Con gái duy nhất của ba Tường và má Chi đó bác.

Tường Chi. Con gái em là một bản sao nguyên mẫu.

- Vậy là sao? Má con đâu?

- Bác phải thật bình tĩnh nghen. Mãi tới năm bảy chín, ba con mới đưa má và con vượt biên ra nước ngoài. Má con chết trong tay bọn hải tặc. Con còn nhỏ không biết chi mô. Con thương má một mà thương ba mười đó bác. Sau này lớn lên, con mới biết nỗi khổ của ba là đã hai lần chứng kiến cảnh má con…thời tao loạn.

… - Bó hoa hồng trắng mà con mua giùm bác đã gợi con nhớ tới lời má qua chuyện kể của ba. Con đã xem giấy tờ tuỳ thân của bác ở phòng lễ tân, và bây giờ, bác đúng là người mà má con trước khi mất muốn nói lời tạ lỗi.

- Con nói sao? Má con…Không! Nếu sự thật theo lời con nói thì bác đã phải trả giá về sự cấn cái của mình. Bác mới là người phải nói lời tạ lỗi…

Dường như trong người tôi không còn may may một chút sinh lực. Tường Chi phải dìu tôi về nhà nghỉ.

6.

Trong ánh đèn đêm và không gian linh thiêng của thời khắc giao thừa, những bông mai vàng mang sắc nằng phương Nam như làm ấm lên căn phòng sau những ngày đông giá lạnh mà Tường Chi vừa mới gửi ra. Những chùm pháo hoa bung nở trên bầu trời làm rạng rỡ khuôn mặt thành phố mới của tôi. Một mùa xuân mới lại bắt đầu sau những lời chúc an lành, hạnh phúc.

Tôi đi theo lời chúc. Và, trong sâu thẳm riêng tư, lặng lẽ và trân trọng tôi cũng đồng hành ngược về kỷ niệm. Mang chiếc hộp sơn mài có những hạt cát trắng của vùng biển xưa mà con gái em – Tường Chi - đã kín đáo gói cùng những thứ quà biển năm nào, tôi xục tay vào cát.

Ngỡ như. Tôi lại được chạm vào em, chạm vào một thời hoa lửa.

Trong ánh pháo hoa, cát óng ánh như thể hoá công đã nạm lên những viên pha lê kín đáo và tinh xảo trên khuôn ngực em. Tôi thắt lòng khi phải tin rằng, khi lại phải nói: Thôi em về với biển.


Hoà Bình, Một- Chạp Bính Tuất



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ Hoà Bình .