Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






LỜI HỨA CỦA MỘT NGƯỜI MẸ




T hu Trang dựng chiếc xe đạp, nhìn đồng hồ còn năm phút nữa là mười một giờ trưa; vội vàng ôm thùng quà chạy vào bưu điện. Cô va phải một thanh niên khi vừa bước vào cửa, thùng quà trên tay cô rơi xuống đất. Cô vội nhặt thùng quà lên “xin lỗi!”, rồi chạy lại quầy gởi bưu phẩm. 

-Cho tôi gởi bảo đảm thùng đồ này, cô gì ơi!

Bên trong có tiếng vọng ra:

-Xin lỗi chị! Hết giờ làm việc rồi, mời chị chiều tới nhé!

Thu Trang chưa kịp nói gì thì nghe tiếng nói bên cạnh cô, giọng trầm và ấm:

-Cô vội gì mà rơi đồ không kịp nhặt thế?

Thu Trang quay người lại, cô chợt đỏ mặt khi nhìn thấy một thanh niên đưa trả cho cô cái xách tay mà vì vội quá cô chưa kịp nhìn thấy mình bị rơi.

-Dạ cảm ơn anh! Tôi vội vậy mà cũng không kịp giờ gởi thùng quà này. Xin lỗi, anh có làm sao không?

-Nếu tôi có làm sao thì cô làm sao? Cô đền cho tôi à?

Thu Trang lúng túng “dạ” rồi ngập ngừng không biết trả lời chi cho phải. Anh cười to nói vào bên trong:

- Cô Hoa ơi! Cô nhận gởi cho cô ấy đi. Trường hợp ngoại lệ đó nhé!

Nghe tiếng anh, cô nhân viên có tên Hoa chạy lại quầy:

-A! Anh Hoàng hả? Người quen của anh à? Chị qua đây!

     Thu Trang ôm thùng quà bước lại quầy cô Hoa, cô quay lại nhìn anh như để rõ hơn một con người tốt bụng, mà nhờ có anh cô mới gởi được món quà trong buổi sáng hôm nay.

-Cảm ơn anh nhiều!

-Cảm ơn gì chớ, cô gởi rồi về nhé! Chào cô tôi về trước.

Thu Trang gởi xong, lửng thửng ra khỏi bưu điện. Hình ảnh anh chàng ở quầy bưu điện đã để lại cho cô một ấn tượng khó quên.

     Lần thứ hai, Thu Trang lại tình cờ gặp anh ở cô nhi viện Hạnh Phước. Hôm ấy, cô mang ít quần áo đến cho các em ở cô nhi viện. Sau khi nhận, ni cô Diệu Linh đưa Thu Trang ra sân sau. Cô ngạc nhiên khi thấy Hoàng trong vai quản trò cùng các em đang chơi thật hào hứng, vui vẻ. Tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của các em, khiến Thu Trang cảm thấy vừa bùi ngùi, vừa xúc động. Thu Trang càng ngưỡng mộ Hoàng khi ni cô cho biết rằng, chủ nhật nào anh cũng đến đây để bày trò vui chơi cùng bọn trẻ; dạy cho chúng những trò chơi, những bài hát vui nhộn, cách thắt gút dây, giải mã morse, như một hướng đạo sinh. Anh đến với các em khi thì đồ chơi, khi bánh kẹo, khi vài tập vở, vài cuốn sách, cho nên các em luôn mong đến ngày chủ nhật để được gặp anh. Chúng quây quần bám lấy anh - goi anh là “Bố, bố!”.

     Hoàng bước lại chỗ ni cô Diệu Linh và Thu Trang đang đứng, anh ngạc nhiên:

     -Lại gặp cô nữa rồi, cô có việc ở đây à? chúng ta có duyên nhỉ!

     Thu Trang e lệ nhìn anh, cười khẽ:

     -Dạ! Em có việc ở đây, tình cờ gặp lại anh, đúng là “có duyên” anh hén!

     -Vậy cô có cùng tham gia vui chơi với lũ trẻ được không?!

      Thu Trang lí nhí “dạ” rồi cùng Hoàng đi ra chỗ bọn trẻ. Cô cười ngoặc ngoẽo khi anh hô “nhà bay” cô cũng đưa tay “bay”. Trò chơi này cô chơi từ nhỏ mà lần nào cô cũng bị phạt vì sai. Thu Trang không được nhanh nhẹn cho lắm trong các trò chơi nên cô hay bị nhảy lò cò, thụt dầu suốt. Rồi đến trò “cắt, cụp, đùng”. Thu Trang nghe bạn nhỏ bên cạnh “cụp”, cô vội vàng “đùng” rồi ngớ người ra không biết chỉ ai. Bọn trẻ cười vang vỗ tay hò reo khi cô bị phạt phải hát một bài kiêm diễn xuất.

Thu Trang như trở về tuổi hồn nhiên của thuở nào xa lắm. Cô tằng hắng lấy giọng không chút em dè, ngại ngần. “Chiều nay, em đi câu cá và đem giỏ theo bắt cua...”, bọn trẻ hào hứng cười và hát theo tiếng vỗ tay. Giọng cô trong trẻo, hồn nhiên, hát đi hát lại bài hát tuổi thơ mà cô hằng yêu thích, với điệu bộ ngây ngô dễ thương, đã làm Hoàng chú ý, cảm mến.

Anh nhìn cô chăm chú - Thu Trang không đẹp, nhưng có “duyên thầm”, dễ cuốn hút người đối diện. Sự hồn nhiên, ngây thơ làm cô thêm duyên dáng. Hoàng cảm thấy hơi bối rối, khi anh bắt gặp ánh mắt của Thu Trang, thật lạ!. Cô cúi chào anh ra về, anh gật đầu chào đáp lại, rồi chợt nhớ ra mình chưa biết tên cô gái.

Anh gọi vói theo: “Cô gì ơi! Chờ chút”, nhưng Thu Trang đã ra gần tới cổng chùa, không nghe tiếng anh gọi. Anh thẩn thờ nhìn theo, tiếng cậu bé trong đám nhanh nhẩu vang lên: “Bố ơi! Bố chưa biết chị ấy à? Đó là chị Thu Trang, hay đến thăm chùa và mang áo quần cho tụi con. Hoàng nhìn thằng bé, cười: “À! Vậy sao? Bố cảm ơn nha!”!

      Hoàng càng nể Thu Trang hơn khi biết cô là một thợ may nhỏ ở xóm Đình, vậy mà luôn dành cho trẻ em mồ côi tình thương; luôn mang đến cho các em những bộ áo quần may từ vải thừa của khách. Cô chịu khó chắp nối rồi may cho các em những chiếc áo, chiếc quần, giúp các em có thêm niềm vui “áo quần mới”, và phần nào chia sẻ với nỗi khó khăn của nhà chùa. Tự nhiên, Hoàng cảm thấy gần gũi với Thu Trang hơn, khi cả hai cùng có chung sở nguyện. Theo ngày tháng, dần dần, anh yêu thương cô từ lúc nào không biết. Gặp cô nhiều lần khi cô đến chùa dạy thêm cho bọn trẻ học; anh biết chắc rằng, anh không thể sống thiếu Thu Trang trong đời.

     Hoàng là con thứ trong một gia đình công chức, anh chị em trong nhà đều có công việc làm ổn định. Ông Hùng - ba anh là phó ga tàu Nha Trang, anh trai lớn của anh đã chết vào mùa xuân năm 1968, Hồng - chị kề, là một bác sĩ, đang làm việc ở bệnh viện thành phố. Hoàng còn có một em trai là họa sĩ, đang làm việc ở phòng văn hóa thông tin và Huyền - cô em gái út, nhân viên bưu điện (cùng chỗ làm với anh).

Trong gia đình anh, ai cũng nghe theo sự sắp đặt của chị Hồng và xem chị như người mẹ thứ hai vì mẹ anh - bà Thu, bị đau bệnh liên miên trong nhiều năm. Buổi tối, mọi người quây quần uống trà trong phòng khách. Hoàng ngỏ ý:

     -Thưa Ba! Con cũng đã lớn, con vừa tìm được người mình yêu thương, con muốn thưa với ba và chị Hồng đến xin bỏ lễ đính hôn.

Ông Hùng quay lại, nhìn Hoàng, vẻ hơi bất ngờ:

-Ai vậy con?.

-Cô Trang ở xóm Đình. Tụi con yêu nhau, đã tìm hiểu kỹ, xin ba và chị tác hợp cho chúng con.

     Ông Hùng cười:

     -Chà! Vậy là mình sắp có con dâu - Ông cười, con nhỏ đó làm gì? Gia đình nó ra sao?

     -Dạ! Cô ấy làm nghề may, ba cô ấy đã mất, mẹ buôn bán.

     Chị Hồng đang cầm tờ báo đọc chăm chú, vội bỏ ngay tờ báo xuống bàn:      -Nhà mình là công chức, người ta mua bán, làm thợ sao thích hợp hả cậu? Cậu coi có cô nào cùng cơ quan có hay hơn không.      -Nhưng cô ấy rất thích hợp với em, cần gì phải công chức hả chị?      Ông Hùng nghe Hồng nói có lý, ông từ tốn khuyên:

     -Chị con nói có lý đó, cùng công việc, cùng trình độ mới hòa hợp dễ sống con ạ!

     -Nhưng con yêu cô ấy và muốn tiến đến hôn nhân. Hạnh phúc của cả đời con, con tự quyết định được ba ạ! - giọng Hoàng như thảng thốt, ba và chị hãy tin ở con.

     Bà Thu ngồi cạnh cửa sổ, đôi mắt xa xăm nhìn ra phía ngoài dường như không để ý gì đến lời chuyện trò của cả nhà. Bà bỗng giật mình quay ngoắc lại, nhìn chăm bẩm vào Hoàng, giọng bà to - rõ, rất rành rọt:

     -Mày muốn cưới vợ hả Hoàng? Ai vậy, ở đâu? Nói cho mẹ biết để mẹ đến gặp người ta.

Hoàng nhìn mẹ với ánh mắt lo lắng:

     -Dạ! Đó là cô Thu Trang ở xóm Đình, con bà sáu Hải buôn chuyến Sài Gòn, mẹ hỏi ai cũng biết.

     -Ừ! Để đấy tao lo.

     Cả nhà ai cũng phì cười vì lời nói chắc chắn của bà Thu.

Hoàng thở dài:      -Ý con đã quyết rồi, nếu ba và chị không chấp thuận, chúng con vẫn xin đăng ký kết hôn, và tổ chức lễ cưới.

      Bà Thu đi ra đi vào cả đêm không thể chợp mắt, bà vào giường nằm một lát, rồi lại ra ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Bầu trời tối mờ chỉ le lói ánh sao trời, bà nhìn lên trời như đếm những vì sao với đôi mắt vô cảm. Hình ảnh con trai bà chết năm nào lóe lên, bà đưa tay chặn lên ngực, nén cơn xúc động. Bổng bà thở hổn hển “máu, máu” rồi đứng dậy chạy vào giường trùm kín người trong chiếc mền. Ông Hùng ôm lấy bà: - “không sao, không sao mà, tôi đây”. Như đứa trẻ được an ủi, bà Thu nhìn ông thở dài: “-ừ, không sao!”. Bà Thu an tâm nằm yên, gắng thở đều, cố chìm vào giấc ngủ. Trong cơn mê, bà thấy Hoàng của bà chuẩn bị cưới vợ. Anh đang rất khó khăn, thất vọng để thuyết phục cha và chị gái đồng ý cuộc hôn nhân này. Nhìn gương mặt Hoàng âu lo, buồn rầu, to dần lên trong đầu - bà rưng rưng nước mắt. Một tia chớp chợt lóe lên trong ý nghĩ, bà quyết định phải giúp anh trong việc xin hỏi cưới, để Hoàng được mãn nguyện, hạnh phúc bên cô gái có tên Trang. Bà nói trong mê sảng: -“Có mẹ đây, đừng lo”. Nghe bà lẩm nhẩm ông Hùng lay: -“Mình ơi! Có sao không?”. Bà Thu mở to đôi mắt trắng dã nhìn ông trừng trừng, cơn mơ như vẫn còn ám ảnh, hiện rõ trong đầu.

     Sáng sớm hôm sau, khi mọi người chưa thức dậy; bà quơ tay lấy chiếc áo bà ba trắng móc trong tủ mặc vào, đầu đội chiếc nón lá cũ chân mang đôi dép nhựa bạc thếch bước ra sân.


  ***

         

Bà sáu Hải bưng rổ rau vừa hái ngoài vườn vào, ngồi xuống bên Thu Trang đang đo cắt chiếc áo, vừa lặt rau bà vừa nhỏ nhẹ:

     -Thôi con ạ! Thằng Hoàng nó thương con nhưng gia đình nó không thích con, về khó ở lắm. Quên nó đi.

     -Dạ! Nhưng anh ấy rất thương con, con nghĩ hạnh phúc phải trải qua sóng gió, thương đau; biết đâu mai mốt họ lại quí con thì sao.

     Bà sáu Hải xót xa:

     -Tao thấy thương hai đứa quá, phải chi họ chịu mình cũng vẻ vang với xóm làng. Còn giờ cưới mà không có ai trong gia đình chúc phúc. Tội nghiệp con quá!

     -Mẹ yên tâm đi, đành rằng vậy nhưng con hứa sẽ sống tốt để một ngày nào đó họ sẽ nhìn nhận con. Mẹ đừng lo!.

     -Nói gì thì nói, chứ tao lo lắm. Không biết hai đứa có được suông sẻ như tụi mày nghĩ không, hay mai mốt nó ớn rồi bỏ mày biết lần ở chỗ nào?

     -Bỏ sao được, tụi con thương nhau mà, mẹ. Hạnh phúc là cùng chung niềm mơ ước, chung con đường đi tới tương lai. Con tin chắc không có chuyện đó đâu, mẹ đừng lo.

Tiếng bà Thu nhờ nhợ ngoài sân:

     -Chị ơi! Chỉ giùm tui nhà bà sáu Hải buôn chuyến Sài Gòn, mẹ cô Trang…

     Nghe tiếng ai hỏi ngoài cổng, bà sáu Hải ngước lên nhìn ra sân - cười vui, trả lời:

     -Bà sáu Hải là tui đây, chị cần gì, mời chị vào nhà.

     Bà Thu mừng rỡ:

     -May quá! Sáng giờ tui đi mỏi rũ cả chân mới tìm được đến đây.

     -Vậy à? Chị vào đây ngồi uống tách nước, có gì từ từ nói.

     Bà sáu Hải đưa khách vào nhà, pha bình trà mời:

     -Mời chị uống tách trà. Chị tìm tui có việc gì mà phải khổ vậy?

     Bà Thu nói, giọng rõ ràng:

     -Xin giới thiệu với chị, tui là mẹ thằng Hoàng. Hôm nay tui lên đây gặp để thưa với chị về việc xin cưới con Thu Trang.

     Bà sáu Hải nghe rõ, lòng cảm thấy vui mừng:

     -Trời ơi! Sao chị không biểu thằng Hoàng nó chở đi mà đi bộ cho mệt vậy, tội quá.

     Thu Trang nghe có mẹ Hoàng đến nhà, cô vội chạy sang phòng khách. Cô chắp tay, khẽ cúi đầu:

     -Dạ! Con chào Bác! Bác vất vả quá.

     Bà Thu nhìn Thu Trang cười rạng rỡ:

     -Cháu dễ thương quá! Hèn chi thằng Hoàng một hai cũng đòi phải cưới.

     Bà sáu Hải nhìn thấy mẹ Hoàng là người hiền lành, chất phát, có sao nói vậy nên bà rất có thiện cảm, tỏ ra quý mến. Bà vồn vã:

     -Cảm ơn chị! Tụi nó thương nhau, mình tác hợp lo được cho đứa nào mừng đứa nấy, miễn chúng nó hạnh phúc là mình mừng rồi chị ơi.

     Bà Thu nhìn mẹ con Thu Trang với tia nhìn trìu mến như đã thân quen từ xưa:

     -Giờ chị nói đi, chị cứ thách cưới. Chị muốn thứ gì tui cũng đáp ứng được hết.

     Bà sáu Hải lộ vẻ ngạc nhiên, ái ngại:

     -Chị ơi! Thách cưới gì chứ, miễn tụi nó thương nhau mình tổ chức cho họ hàng biết mừng cho chúng là vui vẻ rồi chứ thách cưới mà làm gì cho khổ nhau.

     Bà Thu nài nỉ:

     -Không sao, chị cứ thách cưới đi, tui có đủ mà. Nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh - gì cũng có. Chị cứ nói đi, gì cũng được.

     Bà sáu Hải lo lắng:

     -Không, chị ơi. Tui không cần gì cả, miễn anh chị thương chúng là tui mừng.

     -Có gì đâu mà không dám nói, tui có thằng con họa sĩ vẽ rất đẹp, nó vẽ một chút là đủ cả, có gì mà chị lo.

     Nghe vậy, bà sáu Hải vừa lúng túng, vừa cảm thấy rất thương quý bà mẹ Hoàng, đã vì tình yêu của con mà tự tìm đến với tấm lòng thành. Bà nhìn kỹ vào đôi mắt của bà Thu thấy có gì hơi trống vắng, có chút gì ngơ ngẩn, xa xôi. Suy nghĩ hồi lâu và như chợt hiểu ra - bà càng xúc động, nghe cay cay hai mắt. Trong tâm trí bà Thu chỉ nghĩ đến việc: “đến nhà bà sáu Hải ở xóm Đình, để lo cho hạnh phúc của con trai”, nên dù bà ra đi trong vô thức, đi bộ hơn mười cây số với đôi dép nhựa cũ sờn, với chiếc nón lá bạc màu ngã vàng. Tấm lòng của bà đã được bà sáu Hải nhìn thấy trên gương mặt chơn phác, nhân hậu, nhất là trong đôi mắt yêu thương không thể che giấu. Bà đã hiểu ra mọi việc, cười vui:

     -Thôi được rồi, chị nói mãi tui mới thách cưới đó nhen. Chị sắm 100 con cóc cọt, 100 con ễnh ương làm sính lễ. Được không?

     Bà Thu cười mãn nguyện:

     -Được, được. Chuyện đó dễ mà, tui sẽ lo đủ, chị yên tâm. Sao chị không thêm cái nhà lầu, chiếc xe hơi cho sang, để tụi nó chở mình đi chơi nữa chớ.

     Bà sáu Hải cười cười:

     -Bao nhiêu đó được rồi, chị cứ sắm đủ mang lên, tui sẽ cho rước dâu.

     Hai bà mẹ bất chợt cùng nắm tay nhau vui vẻ. Bà sáu Hải mời bà Thu ở lại dùng cơm, hai bà hàn huyên mãi đến gần trưa. Bà Thu nói:

     -Chị cho tui xin mấy đồng về xe, sáng giờ đi bộ rát cái chân quá; giờ về đi bộ nữa, chịu không nổi.

     Bà sáu Hải không cầm được hai giọt nước mắt rưng rưng chực chảy xuống. Bà vội móc túi lấy tiền đưa bà Thu và tiễn bà ra cửa.

     Về đến nhà, bà Thu tuyên bố:

     -Tui đã dạm hỏi vợ cho thằng Hoàng rồi đó. Ông tiến hành lo cho con đi.

     Cả nhà bất ngờ khi nghe bà Thu đã đi dạm nhà hỏi vợ cho Hoàng. Tình mẫu tử thiêng liêng đã lóe sáng lên trong người mẹ không được bình thường bao năm đã làm cả nhà hiểu ra rằng; hạnh phúc không cần so đo toan tính, không phân biệt sang hèn mà phải cùng chí hướng, cùng chung ước mơ của hai tâm hồn.

Đám cưới của Hoàng và Thu Trang được tổ chức long trọng. Hai bên gia đình vui vẻ, thuận hòa. Họ sống với nhau thật hạnh phúc. Thu Trang rất yêu quí bà Thu, xem bà như mẹ ruột và chăm sóc bà tận tình. Thu Trang lo cho bà từng miếng ăn, giấc ngủ; những lúc trái gió trở trời cô luôn thoa dầu xoa bóp cho mẹ. Cô luôn mang ơn người mẹ đã vun đắp hạnh phúc cho hai vợ chồng cô; và trong lòng cô bà là người mẹ tuyệt vời.

     Nhiều năm sau, vì tuổi già sức yếu, bà Thu ngã bệnh nặng. Trước khi mất bà rất tỉnh táo, không quên lời hứa năm xưa. Đôi mắt bà chợt sáng lên, long lanh - bà cầm tay cô con dâu bóp nhẹ:

-Mẹ còn một món nợ mà đến lúc sắp ra đi cũng chưa trả được, con à!

Thu Trang đưa tay còn lại vuốt nhẹ lên bàn tay khô đét của bà hỏi nhỏ:

-Mẹ còn nợ gì ai, con có thể thay mẹ trả cho họ.

Bà Thu cố mở to hai mắt:

-Mẹ còn nợ gia đình con 100 con cóc cọt, 100 con ễnh ương.

      Nói xong, đôi mắt bà Thu từ từ khép lại, hai tay buông thõng xuôi theo tấm thân gầy gò.

Thu Trang nấc lên, nghẹn ngào: “-Mẹ ơi!”

  

tháng 9/2017



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ NhaTrang .