Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






TẢN MẠN VỀ KHỔ ĐAU

VÀ VƯỢT THOÁT KHỔ ĐAU




Đ ời người là bể khổ!”, sống ở đời đã là người thì ai trong chúng ta cũng đều ít nhiều từng trải qua những kinh nghiệm hiển nhiên, rất cụ thể về khổ đau. Nguyên từ ‘khổ’ cùng từ ghép ‘khổ tâm’thường được dùng để biểu thị những tình trạng xấu, tiêu cực, thương tổn về tinh thần, cảm xúc, như khi bị mất người thân, mất tài sản, thất tình, thi rớt, bị đuổi việc, làm ăn thua lỗ, tù tội…; còn từ ‘đau’ cùng từ láy ‘đau đớn’ biểu thị nghiêng về tình trạng xấu, tiêu cực, thương tổn nơi thể xác hay cảm nhận giác quan do báo động ‘đau’ từ hệ thần kinh, như khi bị thương tích trên người, bệnh tật, đau nhức ở một bộ phận cơ thể, giải phẫu…

Tuy nhiên, như cả phương Tây cùng phương Đông đều công nhân, con người tức TÔI/CHỦ THỂ từ căn bản là một thực tại duy nhất/thống nhất, có 2 phần TÂM lý và THỂ lý hoạt động song hành nhịp nhàng, luôn hỗ tương, ảnh hưởng nhau. Ví dụ: nói “Tôi khổ vì cái khớp vai đau mãi” là chuẩn nhất theo quan điểm ‘Tâm thể lý song hành’nêu trên, cho thấy cái tôi chủ thể đã cảm nhận mình bị khổ (thương tổn tâm lý) khi khớp vai bị đau (thương tổn thể lý). Tương tự, trong ngôn ngữ văn chương một chút thì có từ ‘đau thương’ thật hay, bắt đầu bằng chữ ‘đau’nghe nghiêng về thể xác nhưng chữ ‘thương’ đi kèm đã cho thấy ngay là chủ thể ‘tôi’ đang bị thương tổn nhất định cả về tâm hồn lẫn thân xác. Còn nói: “Răng tôi đau” thì ai cùng hiểu, nhưng chính xác hơn nên nói là “Tôi đau răng”, theo nghĩa ‘Tôi đau ở răng’.

Cũng chính con người chúng ta, khi rơi vào khổ đau thì cái khổ cái đau dù nặng nề, chua xót đến mấy, ta luôn tìm cách này cách khác để vượt thoát thảm trạng một cách gần như phản xạ tự nhiên Đó cũng là biểu hiện của bản năng tự vệ/sinh tồn bẩm sinh của loài người, vốn trong cuộc sống đã không ngừng chống trả lại khổ đau mỗi khi các dạng khổ đau xảy đến như những mối nguy đe dọa hay đã trực tiếp xâm hại nhân cách tâm lý hay sức khỏe thể xác.

1.

Đời người là bể khổ mênh mông, đối lại thì con người cũng có những phương cách chủ quan rất đa dạng nhằm vượt thoát khổ đau. Thật đơn giản như chuyện một đứa bé bị ngã, người mẹ có mặt lúc đó sẽ ngay lập tức ra tay giúp con mình thoát ra khỏi cảm giác đau đớn và sợ hãi. Mỗi bà mẹ đều có cách riêng để dỗ dành con mình, người thì vừa vuốt xoa chỗ đau vừa dịu dàng trấn an: “Không sao đâu con à. Nè không đau, không đau nghe!”, người thì ôm con vào lòng, hôn lên chỗ đau, thủ thỉ: “Cục cưng của mẹ hết đau nhé!”; có người còn giả bộ đánh nhẹ lên mặt sân, cho con mình thấy là đã trừng phạt ‘thủ phạm’ vừa khiến nó ngã, rằng; “Chết mày nè, dám làm cu Tí đau hả? Chết mày nè!”.

Tương tự những bà mẹ cố gắng trấn an con mình, trong một số trường hợp gay go người viết bài này cùng đã cố gắng tự trấn tỉnh bằng niềm tin tôn giáo, điển hình như cái lần đầu tiên không-thể-nào-quên bị BS làm nội soi ruột già trong bênh viện. Lần đó, bởi không được hướng dẫn trước chu đáo nên tôi không biết yêu cầu nội soi có gây mê, cách này dù có tốn tiền hơn gấp 2.5 lần so với không gây mê đi nữa cũng rất đáng làm, bởi khi thấm thuốc mê, thiếp đi thì mình không thể cảm thấy đau đớn gì, coi như ngủ một giấc dậy mọi việc xong xuôi hết. Đằng này, tôi đã phải chịu đau đớn khủng khiếp khi BS đẩy cái ống nội soi dần dần vào sâu trong ruột già mình và đau đến toát mồ hôi, muốn xỉu khi ống quẹo ‘cua’.Tôi đã mấy lần báo “đau quá bác sĩ ơi!”nhưng ông này chỉ trấn an tôi: “Chú ráng chịu đau chút đi, sẽ xong nhanh đây!”. Tôi cũng có nghe cô y tá nói nhỏ: “Thôi BS cho tạm ngưng, chích cho ổng một mũi giảm đau đi, cho ổng đỡ đau chút”, vậy mà cái ông thầy thuốc khó thương kia không rõ vì lý do gì đã không đồng ý… Trong cơn đau tôi chợt buộc miệng niệm, niệm liên tục: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm bồ tát” như đã từng niệm trong một số hoàn cảnh ngặt nghèo, sinh tử trong cuộc đời. Kết quả theo tôi nhớ là cảm giác đau đớn có giảm bớt đôi phẩn, giúp tôi đã có thể tiếp tục chịu đựng cái đau cho đến khi thủ thuật nội soi kết thúc.

Trong cơn khổ đau, nhiều người trong chúng ta còn tìm cách chuyển hướng tâm tưởng mình từ cơn phiền muộn tối tăm sang các ý tưởng, hồi tưởng tươi sáng hơn, như: vừa mất người thân thì ôn lại quãng thời gian cùng nhau gần gũi, cùng sinh hoạt thật hạnh phúc với người ấy trong gia đình; đang thất tình, bị cách trở thì nhớ lại các kỷ niệm vui vẻ, ngọt ngào với người ấy; đang thất thế, bị ‘đì’ ở nơi làm việc thì nhớ lại thời được cấp trên quí trọng, đồng nghiệp nể nang bởi công lao, thành tích của mình…

Có điều là trong trường hợp đau khổ vì tình, coi chừng bị phản ứng ngược khi hồi tưởng những kỷ niệm vui vầy bên người yêu. Làm như vậy có thể sẽ nguôi ngoai nhung nhớ phần nào, nhưng ngược lại, cũng có thể ‘khó sống’ hơn khi bị dội ngược vào cảm giác cô đơn, hiu quạnh không thể chịu nổi, nhất là khi còn phát sinh nghi ngờ, oán trách.

Nhân đây mới thấy vai trò ‘hai mặt’ tráo trở ghê gớm của óc tưởng tượng. Cũng chính quan năng tâm lý này có thể giúp kẻ thất tình hay bị tình yêu trắc trở tạm thoát khỏi khổ đau một khi chìm đắm trong hình ảnh tưởng tượng rằng mai mốt đây làm lành, tha hồ âu yếm vui vẻ bên nhau…; nhưng ngược lại, cùng chính óc tưởng tượng có thể vẽ vời, tô đậm, bi đát hóa thêm thảm kịch, chẳng hạn tưởng tượng người mình yêu giờ này đã bôi bạc, đang tay-trong-tay với người khác.

Rồi trong nỗi khổ tâm vì bị thua thiệt, mất mát quyền lợi, địa vị hay bị làm nhục, khinh rẽ, xua đuổi…, người ta có thể tự an ủi, như nghĩ: “Nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình” hay nghĩ cụ thể đến một người/những người thua kém hơn mình nhiều về mặt này/mặt khác, đáng lý họ phải khổ tâm nhưng thực tế họ vẫn cứ đang vui sống bình thường, vậy mình tiếc nuối làm gì nhừng danh vọng, địa vị vừa mất? Nhìn chung, người khổ tâm vì bị thua sút, mất mát quyền lợi, địa vị, có thể dễ tìm cách cứu vãn, dễ nghĩ ra cách giải quyết thảm trạng, khắc phục những thiệt hại mất mát hơn một khi họ chịu tự ‘phá giá đồng bạc’, bằng lòng với điều kiện, thân phận hiện có. “Cái số, cái mạng của mình như vậy mà! Đành chịu thôi!”. Lúc này, niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo có dịp lên ngôi, và Trời, Phật, Chúa sẽ được con người khổ đau khẩn thiết kêu cầu như những thế lực vô hình, siêu nhiên sẽ đứng ra độ trì, giải cứu cho họ thoát ra khỏi nghịch cảnh, thảm cảnh gây khổ đau.

Đáng suy nghĩ là có người lại vượt thoát khổ đau bằng cách, dù thực tế thảm trạng vẫn diễn ra y nguyên thế nhưng họ vẫn như nhắm mắt phủ nhận (với chính mình) giá trị của nguồn cội hay tác nhân gây khổ đau cho họ - tâm lý này được gọi là ‘ngụy tín’, làm liên tưởng đến con đà điểu, giống chim có thói cứ gặp điều gì nguy hiểm đe dọa quá thì chỉ rúc đầu vào bụi rậm, không chạy trốn nữa, bởi đà điểu “nghĩ” rằng khi mình không thấy mối nguy bởi đã rúc đầu vào bụi thì mối nguy sẽ biến mất thôi! Còn trong vở kich dân gian Nghêu Sò Ốc Hến, có cảnh thầy bói Nghêu bị lính của quan huyện chận đường tra xét, đã tát tai lão thầy bói mù mà miệng lưỡi rất ranh ma, xiêng xỏ cay độc này, lão Nghêu vẫn cười gằn, bảo tên lính: “Mày đánh tao, tao không đau gì cả, mày mới đau vì khác gì mày đã đánh bố mày!”.

Đỉnh điểm của tâm lý khổ nhục còn khiến người ta không những ngụy tín ‘hạ giá’, khinh bỉ đối phương như lão Nghêu mà còn nung nấu ý định đồng thời vạch ra kế hoạch trả đũa, trả thù người gây khổ đau cho mình.Hay khi đã tuyệt vọng, họ lại mơ hồ muốn tự vẫn cho rồi, như thể tin rằng chỉ có cái chết mới giúp họ vượt thoát được mọi khổ đau.

   2.

Trong cơn khổ đau, bên cạnh những phương cách vượt thoát chủ quan khởi phát từ nội tâm, con người còn có thể ngẫu nhiên được giải thoát khỏi khổ đau nhờ tác động ngoại tại. Ví dụ như cơn phiền muộn có thể dần hồi nguôi ngoai khi ngoại cảnh thiên nhiên xung quanh ta bỗng có biến đổi hay ho, tích cực, như: cơn mưa hay làn gió mát mẻ thổi qua, ánh trăng mơ màng ló dạng, tia nắng mặt trời chiếu đến thật rực rỡ… Ngay trong tâm trạng bình thường, ai ai cũng đều dễ chú ý và thích thú hình ảnh của bầu trời xanh ngát, ánh trăng mờ ảo, bãi biển cát trắng ngần… Lại càng thu hút và tăng thêm hiệu quả xoa dịu niềm đau khi trong những khung cảnh thơ mộng ấy còn vang vọng tiếng hát, tiếng đàn, tiếng chim hót, tiếng sáo diều, tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng mẹ ru con, tiểng suối chảy róc rách hay sóng vỗ rì rào… Có lần, trong một cơn khổ đau trầm kha, tôi tìm đến một quán cà phê thật vắng vẻ ngồi gặm nhấm nỗi niềm, chợt trong câu chuyên trao đổi của hai người lạ ngồi bàn bên cạnh có nhắc đến Nha Trang, đất quê hồn hậu mà đã mấy chục năm tôi không có dịp quay về. Tự nhiên họ nhắc đến một vài nơi chốn ở thành phố này xa xưa, vốn đã rất quen thuộc, thân thương từ thời tôi còn niên thiếu đến tuổi thành niên, như: bãi tắm ở khu ‘Thông tin’ nhìn ra, cà phê Hân gần rạp Tân Tân, vườn dừa bên Kim Bồng… Tôi mê mãi lắng nghe chuyện-của-người-ta mà như trong chốc lát chợt được thoát khỏi hiện tại đau buồn này mà quay về với một chặng quá khứ thật êm đềm, để rồi nỗi buồn đau lặng lẽ thối lui tự hồi nào không hay…

   3.

Do con người chủ quan tự suy lý hay do ngoại cảnh khách quan tác động vào thảm cảnh, thân tâm con người đau khổ sẽ có những chuyển biến khác nhau, nhưng nhìn chung, tiếc rằng kết quả hồi phục tâm lý hiếm khi toàn vẹn, kể cả khi nguyên nhân, tác nhân gây khổ đau không tồn tại nữa.

Do cách này cách khác, nỗi khổ tâm hay đau đớn dần hồi có thể giảm nhẹ đi, tâm trạng từ quay cuồng trong khổ hận có thề từ từ thăng bằng, tức bình tĩnh trở lại, vết thương trên châu thân có thể lần hồi giảm đau hay gần như hết đau hẳn. Hay ngược lại, khổ tâm quá sâu nặng tất nhiên sẽ rất lâu nguôi ngoai hay vết thương trên thân thể quá trầm trọng sẽ lâu lành, cứ đau âm ỉ mãi thôi.

Hẳn là khi nỗi khổ đau đạt đến cao trào, người ta thường chuyển từ bi hận sang dửng dưng, lạnh lùng, trong lòng không còn niềm vui nỗi buồn nào. Vâng, đã cạn dòng nước mắt, như một ca khúc xưa của The Rolling Stones muốn nói rằng khi ấy người ta chỉ ngồi yên, thấm thía sự bất lực của mình - có giàu có cũng không đánh đổi được gì và chỉ còn muốn được nghe con trẻ hát hay tiếng mưa rơi…

My riches can't buy everything
I want to hear the children sing
All I hear is the sound
Of rain falling on the ground .


(AS TEARS GO BY, The Rolling Stones 1966)

Thực tế đã cho thấy khổ đau tột độ có thể khiến con người hóa điên hóa dại, la hét gây náo động hay chạy rong phá phách; ngược lại họ cũng có thể im lìm, bất động, như tâm hồn họ chợt trống rỗng, tê dại, vắng bặt mọi cảm xúc, nghĩ suy, dù là cảm nghĩ tiêu cực (chán sống) hay tích cực (hy vọng). Không còn “sóng gió trong lòng” gì nữa nhưng lại là một kiểu bình an đáng sợ!

Nguyên khoảng hơn 20 năm trước, người viết bài này có một người bạn thân đã rơi vào tâm cảnh tối tăm khủng khiếp này. Thời ấy gia đình chị ngụ ở thành phố Vũng Tàu, chồng chị là Việt kiều Mỹ về nước mờ công ty thiết kế - xây dựng ngành cầu đường. Biến cố khủng khiếp đã xảy đến, anh bị kết án từ hình về tội tham nhũng trong công trình (liên doanh) làm tuyến đại lộ lớn nhất thời đó cho Vũng Tàu, còn tên cán bộ cao cấp vốn chính là đầu sỏ chủ mưu tham ô thì chỉ bị án chung thân. Nhận xác chồng bị bắn ở pháp trường về chôn cất xong, chị bạn đã không nói một tiếng nào suốt 2 tháng, có nghĩa khổ đau, uất hận đã khiến chị tắt nghẹn tiếng nói…

(tháng 6-2020)