Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







NƯƠNG NƠI CỬA PHẬT







C ả làng đồn ầm lên, có cậu thanh niên mặt mũi đĩnh ngộ, xin xuất gia ở chùa làng, sư cụ phát nguyện xuống tóc cho rồi. Chuyện đúng là vậy, cậu chàng đến chùa đã mấy hôm, không phải bệnh nhân đến chữa bệnh, cứ âm thầm quỳ niệm trước chính điện, đến bữa ra vườn chùa mở bánh mì ăn, rồi quay vào. Dân làng thì thào kháo nhau, cậu ta có hẳn bằng đại học, nhìn cặp kính cận là hay, người có chữ. Cậu chàng trẻ hơn ngày sư Ký về tu ở chùa làng thuở trước. Cụ sư gốc dân thiên hạ. Người làng chỉ nhớ, về tu sau thời sửa sai cải cách ruộng đất, cuối năm 1956. Vậy là tu ở chùa làng hơn sáu chục năm, nay tuổi gần chín chục. Chùa làng cổ kính, mộc mạc, nằm nép bên khu ao đầm rộng. Trước đất cát, ao chuôm chùa rộng, toàn của cung tiến, công đức, bầu hậu. Đến kỳ hợp tác xã, tự dưng thành của chung, suýt mấy lần còn bị dọa phá. Không có nhà chùa, tức sư cụ, thì phá rồi.

Lúc đầu dân làng đâu biết thân thế nhà sư. Mãi khi có kế hoạch phá chùa - phong trào xóa bỏ mê tín dị đoan, mới biết phần nào thân thế nhà chùa, sư Ký lên tận "ông" ủy ban trình bày.

Cũng từ đấy, dân làng mới hay gốc gác chùa làng mình. Nhà sư biết chữ nho, đọc bia, hóa ra chùa được hoàng hậu Ỷ Lan xây, tận thời nhà Lý. Giữ được chùa, quan trọng, vẫn là lý lịch, công trạng của nhà sư, thiếu úy, đại đội trưởng Ngô Thiệu Ký, từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ; lý do nữa là cái cầu thuốc của nhà sư. Giờ sân chùa như sân phơi thuốc nam, toàn lá lẩu hái trên rừng núi quanh vùng, cụ sư cùng các vãi bốc thuốc làm từ thiện, dựng cả khu nhà bên tả bên hữu vườn chùa, cho bệnh nhân thập phương tá túc. Già thế, mà cụ sư vẫn miệt mài bốc thuốc, cắt thái thuốc bằng cây cầu thuốc, lưỡi mòn vẹt, nó có từ thuở sư Ký đến tu chùa. Ngày bước chân tới đây, của nả ngoài chiếc ba lô đeo tòng teng trên vai, còn ôm theo cây cầu thuốc. 

Nghề thuốc của nhà sư là lý do cứu ngôi chùa. Năm ấy chữa bệnh, sư chữa giúp cha ông chủ tịch xã khỏi căn bệnh nặng. Mang ơn ấy, trước lời thỉnh cầu của nhà sư, ông chủ tịch xã lơ đi, chả thực hiện việc phá chùa theo phong trào bài trừ mê tín - tức phá phách chùa đền.

   
  **

 

Giải phóng Điện Biên Phủ, anh bộ đội Ký vẫn mải mê việc quân. Tây rút khỏi miền Bắc, tháng mười năm năm nhăm, rồi giữa năm năm sáu, anh bộ đội mới ra quân, vác ba lô về làng, cấp bậc thiếu úy, chức vụ đại đội trưởng. 

Làng quê nghèo đói, cuối vụ mùa, nước vẫn ngập trắng đồng. Cái làng một năm cấy một vụ, chiêm khê, mùa thối. Trên đê, nhìn về xóm Chùa nhà mình, bộ đội Ký thấy mấy cây dừa cao vút, hàng dừa bên ao rộng nhà mình. Lòng thắt lại, khi nhìn thấy mái ngói nhà, tư gia duy nhất xóm Chùa lợp ngói. Khói lam chiều bay lên lơ vơ làm lòng anh ấm áp lại.

Trên đê, tạt xuống cánh đồng, theo con đường tắt về làng. Những bông lau trắng vi vút, rập rờn theo gió. Cánh đôi ba thửa ruộng, thoáng trông ai đó quen quen, vừa định cất tiếng chào vọng, thì họ đã quay lưng, bước nhanh sang hướng khác mất rồi; lại người nữa cũng vậy. Con đường tắt mới mở qua bờ lũy, trước có đâu, thông ngay ra cuối ngõ nhà anh. Lại thấp thoáng như dáng bà thím họ trong sân, vừa định cất tiếng chào, ô hay, bà ta vội bước tụt vào nhà. Cảm giác hân hoan sau năm, sáu năm trở về quê, chợt tụt hẫng. Sao lại ra vậy, chả lẽ, mình thay đổi nhiều quá, đến mức mọi người không nhận ra? Hay đằng đẵng chiến tranh, tình người, tình xóm giềng, tình họ hàng đâm ra tẻ nhạt? Kìa ngôi cổng xây, thầy anh bảo, xây từ thời cụ nội, khi đậu tú tài, xây cùng ngôi nhà đại khoa năm gian, gần trăm năm rồi. Tiếng chí chóe chia bát đũa của đám trẻ nhà ai vọng đến, cả mùi cơm độn khoai khô làm anh nhớ tới bữa cơm gia đình mình thuở nào, thầy, mẹ già, mẹ trẻ, cái Lý và anh quây quần quanh mâm cơm.

Bước chân qua cổng, giữ sân cái Lý đang lúi húi băm bèo. Anh bộ đội xúc động, thảng thốt gọi tên đứa em:

- Lý!

Nó giật mình, ngẩng phắt lên, rồi sững sờ, mồm miệng lắp bắp và òa òa lên khóc. Nó là con em họ, cha mẹ mất sớm, sống với nhà bác ruột khi tuổi còn thơ. Anh em họ, mà quý báu nhau hơn anh em ruột. Nhà neo người, chỉ có hai anh em, nó kém ông anh đến mươi tuổi. Thầy anh cưới vợ dăm năm, mà chưa thấy vợ chửa đẻ, rồi chính bà cả đội lễ đi ăn hỏi, cưới vợ hai cho chồng, tức mẹ trẻ, người sinh thành ra anh đó. Hai mẹ quý hóa nhau, gia đình hòa thuận và quý báu cậu bé Ký hơn cục vàng.

Cái Lý khóc, chạy vào nhà, anh bộ đội bước theo em. Nhà cửa trống hơ hoắc. Trong căn nhà đại khoa năm gian, còn sót lại cái sập gụ, góc nhà cây cầu thuốc và gian giữa ngôi tủ thờ. Ơ kìa, trên ban, bức ảnh cha, mẹ già, mẹ trẻ, họ ở trên đó hết rồi. Anh lặng đi, quên cả tháo ba lô, cứ đứng đó ngó cha, ngó mẹ.

Ngày anh tòng quân, hai mẹ nắm cho mấy năm cơm, đựng trong cái bị cói, thêm bộ quần áo, còn thầy anh, ông chủ tịch xã tiễn con ra bến sông, anh lên mủng, trời đêm chỉ còn nghe tiếng mái chèo khua nhẹ, quay lại, chả còn nom rõ bóng cha nữa.

Cái Lý nức nở kể cho anh. Cuối năm năm nhăm, ấy là đợt cải cách ruộng đất đợt bốn, giữa năm 1955, nhà bị xếp vào vòng đấu tố đầu, tội địa chủ, Quốc Dân Đảng, bốc thuốc bóc lột nhân dân. Khi đội và các ông bà nông dân, gồm chuỗi, rễ kéo đến nhà, họ tuyên ở sân gạch, cả nhà bốn người, ông chủ, hai bà vợ và cô con gái nuôi, già trẻ lớn bé run rẩy, quỳ mọp, thưa thưa gửi gửi, gọi đội và nông dân bằng ông bà và xưng con với họ. 

Sau khi đội tuyên bố xong, nông dân kéo bừa vào nhà, dỡ tháo, lục lọi mọi của cải, đồ đạc: mâm đồng, lư hương, hoành phi, câu đối, bát đĩa, gạo, thóc, ngô khoai... chất ráo vào căn buồng ở đầu hồi, đóng cửa, dán liêm phong, còn gia chủ bị tống ra khỏi nhà. Cái lý dấm dứt kể tiếp:

- Ngày đấu tố thầy mình, làng như ngày hội, trống rong cờ mở, quét dọn đường làng, người người nhà nhà dân làng mình, cả dân mấy làng bên kéo nhau đi đấu tố, chuẩn bị cả cơm nắm, vì đấu dai lắm, từ sáng đến tận chiều muộn mới xong. Họ hàng nhà mình nhiều người tham gia đấu thầy nhá, vợ chồng nhà Dỉn, nhà Nông, nhà thím...

Nghe em nói, anh bộ đội Ký chợt nhận ra, thảo nào lúc trước, thấy thấp thoáng bóng, họ đã vội vàng lỉnh hết. Các ông bà bần cố, diện chuỗi, rễ, mù chữ, ngỗn ngện ngồi xử án, tòa tuyên xong là thi hành bản án ngay. "Họ lôi tuột thầy ra đầu đê trại Mới. Em, mẹ già, mẹ trẻ, cũng bị lôi theo, ra để xem bắn thầy đấy anh ạ. Lúc ấy trời nhá nhem, phải đốt ống hồng lên coi cho rõ mặt. Mắt mũi đỏ hoe hoe, cái Lý nức nở hỏi anh:

- Anh có biết, ai bắn thầy không? Thằng Sỉu Đen đó.  

 
  **

 

Làng ấy có giòng giống nhà kia ăn cướp, tức gia truyền, truyền đến nó là đời thứ năm, thằng Sỉu, tức kị, cụ thằng Sỉu đều hành nghề cướp. Da thằng này đen như khẩu súng, nên dân làng gọi nó là thằng Sỉu Đen. Ngày xưa nghề ăn cướp công khai, cả tổng, cả vùng đầu con sông Đuống đều biết tiếng cụ nó. Câu chuyện lưu truyền, cụ hắn dám sờ cả "dái ngựa". Trong vùng tại làng kia có cụ bá hộ giàu có, từng ra tranh chiện đồng, làm lý trưởng đến hai kỳ. Vì công cán, thành tích, khi nghỉ, được triều đình ban cho cái phẩm, tòng cửu phẩm, nên dân làng gọi là cụ Bá - bá hộ. Cụ giàu có, đất tư điền chiếm tới một phần ba làng, dinh cơ nằm giữa làng, tới mẫu đất, tường gạch dày bao quanh, cao quá đầu người, trên cắm mảnh chai, mảnh sành. Vậy là bố đứa trộm cướp nào làm gì nổi nhà cụ. Chưa kể, quanh làng có bờ lũy tre gai ken dày vài mét, rắn rết bu đầy, kế đó ao đầm vây bọc. Làng có hai cổng, cánh cửa gỗ lim dày, chập tối đóng sập lại, sáng muộn mở ra, dân làng mới ra vào được. Thật là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thế mà nhà cụ Bá vẫn bị mất trộm.

Cụ Bá có đàn trâu tới mười mấy con, nhất là con trâu mộng to nhất vùng, ngược ngạo, lũ trâu đực trong làng, sợ một phép, tránh từ xa. Chính nó trong mấy mùa thi đấu, đâm lòi ruột, bẻ gãy sừng cổ ối con rồi nhá. Gian giữa nhà cụ Bá treo ba cái mâm đồng, giải thưởng con trâu mộng giật về. Cụ Bá quý hóa nó lắm, hơn cả vàng. Cụ từng tuyên bố, ai đổi cục vàng to bằng cái điếu bát, hay mười mẫu ruộng loại thượng đẳng điền, cũng chả thèm, nhà cụ thiếu đếch gì ruộng đất, gần trăm mẫu nhá. Chính bà tư nhà cụ, bị ăn mấy cái bạt tai đến tối tăm mặt mũi. Gia nhân giúp cụ sắp dong con trâu đi thi. Cụ vốn đại mê tín, bà vợ tư, là đàn bà, vía nặng và hãm, tránh sao cho xa con trâu, chưa kể còn đang rề rề tới tháng, mẹ ta lại mò ra, thế là ăn ngay mấy cát bạt tai. 

Sáng ấy bảnh mắt rồi, canh điền ra mở chuồng trâu, ớ hết cả ra, mất bu nó con trâu mộng. Rồi khi mở cánh cổng làng, thấy lù lù hai hòn dái trâu treo lủng lẳng. Chúng bạo gan, bạo phổi thật, dám giết thịt con trâu ngay ao giáp đầu làng, xẻ lấy hai đùi sau, còn phần thân, đầu, tai, lòng mề vứt ráo lại. Cụ Bá tức tím mặt, biết ngay kẻ đó là ai, thề sống mái với thằng ăn cướp kia. Thế mà cụ làm được việc đó.

Chuyện truyền lại rằng, cụ thằng Sỉu chết nghề, tử nghiệp. Chuyện cái chết nghe đến rùng mình. Vụ ấy cụ thằng Sỉu Đen cùng bè đảng mò tiếp vào nhà cụ Bá, làng phát hiện ra, dân đinh nhua nhúa ống hồng, dao gậy,đánh đuổi quân cướp, chém lìa tay, rụng chân đôi, ba đứa và túm tươi được thằng tướng cướp là cụ thằng Sỉu. Đáng lý sẽ lôi hắn ra trói ở sân đình, hôm sau điệu lên huyện đường, nộp cho quan huyện xử tội, cụ Bá lại truyền, lôi về dinh cơ nhà cụ, đóng gông giữa sân, ống hồng đốt sáng hơn đình liệu, cả chục lực điền trực gác suốt đêm. Ai cũng tưởng cụ thằng Sỉu bữa đó no đòn. Rất lạ, cụ Bá bảo, không đánh đập gì cả, cụ quả là người nhân hậu, tử tế với thằng tướng cướp. Trưa hôm sau quan viên làng kéo nhau đến nhà cụ Bá xơi cỗ, ăn mừng bắt được thằng cướp. Cỗ to, ngả đến hai con ỉn, mâm bát bày la liệt khắp tòa trên dãy dưới, nhà ngang khu dọc. Quan viên thấy lạ, thằng cướp vẫn bị trói giữa sân, cỗ bàn thì bày ra la liệt rồi, nóng hôi hổi, thơm phưng phức. Lắm cụ nhìn cỗ, rồi rượu, nuốt nước bọt vụng, bụng sốt ruột quá.

Thằng cướp chả có tâm trạng chờ cỗ, đến hớp nước cũng chẳng có. Chợt mọi người phấn khởi, gia chủ bắt đầu có nhời kìa:

- Kính thưa các cụ, trên là cụ tiên chỉ, rồi đến các ông cựu, ông tân...

Chủ nhà cứ rềnh ràng, thủng thẳng, các cụ ta đâm sốt ruột, có cụ buột miệng "Nhanh nhanh, thưa mới gửi, nguội bà nó cỗ." Chủ nhà lại tiếp:

- Làng ta tối qua bắt được thằng kẻ cướp. Tí nữa, các cụ xơi cỗ, thì cũng phải cho nó hưởng tí gì chứ.

Nói tới đây, cụ bá ra hiệu cho mấy gia nhân, trong đó có anh chàng bê cái bát chiết yêu đứng góc sân. Thế là mấy tay này bước thẳng lại chỗ thằng cướp, mọi người dồn hết cả mắt ra coi, có cụ còn nhôm nhổm người lên, xem trong cái bát chiết yêu kia đựng thức gì, có cụ đồ là phân người, người đồ là của tới tháng của phụ nữ. Quái lạ, nó trông đen kịt. Kìa, hai lực điền túm ngay đầu thằng cướp, vật ngửa mặt nó ra. Vừa nhìn thấy cái bát, thằng cướp ngậm tịt ngay mồm lại. Chủ nhà giọng lạnh tanh, phán một câu xanh rờn rờn:

- Lấy đũa cả, ngàng mồm nó ra.

Thế là mồm tay cướp bị ngàng cho há toang hoắc ra. Họ cho nó ăn gì? Thực ra là tống, nhét vào mồm nó - Đỉa, đỉa hẹ, đỉa trâu, đỉa nguyên con còn lăn lộn, rồi cả đỉa bị băm chặt, gần đầy bát chiết yêu đỉa. Các cụ xem, rùng hết cả mình, đến non nửa các cụ bỏ cỗ, vì nhìn thấy cảnh đó, dù không phải xơi, mà tự dưng nôn nôn ọe ọe.

Ăn xong bữa đỉa, thằng cướp bị nhốt thêm một tối nữa, sáng hôm sau nó được khênh ra cổng làng, cởi dây, tha bổng. Nghe nói, nó mò về tới làng, cả tuần sau, đỉa từ tai, mũi, mồm, hậu môn... đua nhau chui ra và bụng to phình lên như bụng bà chửa, rồi tự dưng chết. 

Cụ thằng Sỉu Đen chết vậy, ông nó, đến đời bố và nó, vẫn không sợ, vẫn làm nghề ăn cướp. Bố thằng Sỉu chết rồi, chết theo kiểu khác, bị chém. Năm ấy đang thời kỳ kháng chiến Chín năm, quãng cuối thập niên bốn mươi, làng này nửa tề, nửa kháng chiến, ban ngày là tề, ban đêm là làng kháng chiến. Vốn dân đầu trộm đuôi cướp, bố thằng Sỉu theo luôn bọn Tây, làm tay sai chỉ điểm cho giặc. Làng thì bố thằng Sỉu nắm rõ như bàn tay, hang cùng ngõ hẻm, ngóc ngách, nhà ai thế nào, làm gì chẳng biết. Vụ ấy là cuối năm 1947, bố nó dẫn giặc về làng, phá cánh cổng, đưa bọn tây đen, tây trắng xông vào. Vụ đó cả làng bị giết tới hai mươi ba nhân mạng. Có anh du kích bị khui hầm, giặc đánh dã man, rồi dong ra sân đình; dân làng bị tụ tập, xem cảnh cắt tiết người. Chính bố thằng Sỉu cầm con dao, cắt lìa đầu anh du kích.

Du kích làng, mà trực tiếp là ông chủ tịch UBND kháng chiến xã, kiêm bí thư chi bộ, tổ chức cuộc diệt trừ tên Việt gian, bố thằng Sỉu bị đền tội.

   
  ***

 

Họ dong ông cựu chủ tịch ra đầu đê, trói ghì cánh khỉu vào cây cột, buộc lỏng lẻo tấm vải bịt mặt. Ông chủ tịch quẫy cựa, hất rơi được tấm vải. Tay tự vệ giương súng, lúc đó trời đã tối, qua ánh lửa ống hồng bập bùng, vẫn thấy ánh mắt của kẻ sắp bị xử tội nhìn lại trừng trừng, miệng thét to: "Mày bắn tao đi. Ông nội mày thoát chết là nhờ tao chữa chạy cho đó. Quân vô ơn!"

Thằng Sỉu Đen lúc đó đứng gần đấy, xông ngay lại, giật phắt khẩu súng trên tay anh tự vệ.

- Nó bắn thầy tới ba phát, phát đầu vào bụng, phát sau vào đùi. Khi bị bắn, thầy hô vang, Đảng Lao động quang vinh muôn năm! Hồ chủ tịch muôn năm! Thì viên thứ ba trúng ngay mặt thầy. Đầu thầy gục xuống. Mẹ già, mẹ trẻ lịm đi...

Ký nghe đến đây, ào ào lao ra sân, vồ lấy con dao băm bèo, miếng hét lên, "Thằng Sỉu Đen, tao giết mày", cái Lý vội xô ra, ghì chặt lấy anh.

- Em xin anh, em van anh. Anh giết người, lại đến lân người ta giết anh. Nhà mình đâm tuyệt tự a.

Sau đôi ngày ở làng, anh bộ đội từng đánh trận Điên Biên Phủ, khoắc ba lô, ôm theo cây cầu thuốc, của chia quả thực, sau sửa sai, nông dân đem trả, dời làng, đi tu.

Ngay khi chàng trai tới chùa, hỏi gốc gác, sư cụ hơi sững. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bao thăng trầm nếm trải, cụ thở dài, hỏi:

- Con biết ta không?

- Dạ, con biết. Bạch thầy, thầy có biết con không?

- Ta biết. 

Cái ngày anh bộ đội vơ con dao, định lao khỏi nhà, đi tìm kẻ bắn giết cha mình, thì đây, đứa cháu nội của kẻ đó đấy. 

Thôi thế là con cháu của dòng giống tội lỗi kia, nay quy y cửa Phật.

Giờ cụ sư bụi trần đâu vướng bận, tham sân si, buông bỏ rồi, oán oán ân ân, luân hồi chín vạn kiếp,.... lòng thanh thản./.
                                                  
  (Hà Nội, 20/1/2019)