Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






   ĐÔI BỜ SÔNG HÁT



   Thắm thoát, đã mười năm trôi qua kể từ khi quan Lạc tướng huyện MêLinh qua đời một cách đột ngột. Trong quãng thời gian đó, Bà Man Thiện chỉ biết dành hết tình thương của mình cho hai con. Do sinh đôi nên hai đứa rất giống nhau. Đứa nào cũng mắt sáng, môi hồng, tuy Trưng Trắc mau lớn và nhanh nhẹn hơn, còn Trưng Nhị thì thùy mị, khéo tay, thường giúp mẹ trong việc bếp núc, quét sân, dọn vườn. Bà thấy hai đứa khôi ngô, tuấn tú nên đặt hết niềm hy vọng vào hai con, mong chúng mau trưởng thành để có thể nối tiếp được sự nghiệp của cha.

Sau khi quan Lạc tướng mất, Bà Man Thiện thích sống ở vườn Đường Hoa hơn là sống trong nội thành MêLinh. Đó là một trang trại nhỏ được lập nên kể từ khi quan Lạc tướng còn sống, ông dùng làm nơi nghỉ ngơi, xem hoa vọng nguyệt. Cho đến nay, giữa khoảng đất rộng chừng vài chục mẫu, cây trái vẫn xanh tốt. Những lối đi rộng rãi chạy vòng quanh ngôi nhà gỗ lợp lá gồi trông rất xinh xắn. Cây trái, hoa cỏ các nơi được đưa về trồng ở đây như vải, quít, chuối, mía, nên mùa nào thức nấy; còn hoa thì có hoa ban, hoa đào được đem về từ các vùng núi cao cho đến những loại như ngọc lan, hoa ngâu, hoa sói có sẵn quanh vùng. Kiêu sa và rực rỡ nhất là khóm hải đường do quan Lạc tướng huyện Chu Diên tặng, được trồng sát mái hiên phía đông từ thuở quan Lạc tướng MêLinh thường đi lại đàm đạo với quan Lạc tướng Chu Diên. Mỗi lần hoa nở, bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ lại hiện ra, khiến hai gia đình càng thêm gắn bó. Thỉnh thoảng, Thi Sách con Lạc tướng Chu Diên đến chơi để cùng dạo vườn và xem hoa nở.

Với cái tuổi mười tám, đôi mươi, sắc nước hương trời, Trưng Trắc, Trưng Nhị đã làm cho bao chàng thanh niên làng Hạ Lôi đem lòng yêu mến, mất ăn, mất ngủ, nhưng cuộc sống gia trang vốn kín cổng, cao tường nên chẳng mấy người có cơ hội tỏ bày.

Một hôm, dưới giàn Thiên lý, hai mẹ con ngồi chải tóc cho nhau, bà Man Thiện nói với Trưng Trắc:

- Từ ngày cha con mất, mặc dầu gia đình ta có nhiều gia nhân nhưng mẹ vẫn cảm thấy vắng vẻ. Nhiều công việc thiếu người đỡ đần, nhất là những việc có tính cách đại sự thuộc về một gia đình Lạc tướng. Nay con đã lớn, mẹ muốn gả con cho Thi Sách. Từ lâu, Thi Sách cũng thường lui tới nhà ta, mẹ thấy tính nết nó cũng được. Hơn nữa, hai gia đình ta cũng là chỗ tâm giao. Ngày trước, cha con và Lạc tướng Chu Diên thường uống rượu, ngâm thơ, đánh cờ với nhau. Cội hải đường này, chiếc gươm nạm ngọc ấy đều là do quan Lạc tướng bên đó tặng. Gia đình quan Lạc tướng cũng đã mấy lần nhờ người ngõ lời về việc xin con về làm dâu bên gia đình người ta.

Nghe mẹ nói, Trưng Trắc tỏ ra bối rối, muốn đùn đẩy chuyện tình duyên sang cho em. Trưng Trắc nhỏng nhẻo nói với mẹ:

- Thưa mẹ, nghe mẹ chỉ dạy con không dám cải lời nhưng xét ra con còn nhỏ dại, so với các chị em khác ở làng này con cảm thấy mình chưa bằng ai. Hơn nữa việc học chữ, luyện kiếm của con còn dở dang, phải mấy năm nữa mới thành. Khi nào con học xong, mẹ định liệu thế nào, con nghe thế ấy.

Bà Man Thiện cố phân giải với con:

- Nghe con nói, mẹ thấy cũng phải. Nhưng cái duyên con gái chỉ có một thời; còn việc học hành, công danh, sự nghiệp là cả đời người. Con thấy không, mấy đóa hoa hồng trước mặt ta buổi sáng còn rất tươi, đến chiều màu sắc đã phai dần. Mẹ lo chuyện gia thất cho con xong, còn phải định liệu cho em con nữa, tuổi nó cũng như con. Thời buổi loạn lạc mà! Để hai đứa con gái lớn trong nhà mẹ chẳng yên tâm chút nào! Bọn quan lại Hán tộc đã o ép, cưỡng bức biết bao đứa con gái mới lớn của cái xứ Ââu Lạc này. Đôi mắt của Thái Thú Tô Định chẳng khác gì cú vọ. Nó nghiêng ngó hết gia đình này đến gia đình khác, nhất là nó thấy gia đình ta mẹ góa, con côi nên dễ giở trò xằng bậy lắm.

Trong lúc hai mẹ con nhỏ to chuyện trò thì gia nhân vào báo là có Thi Sách đến chơi. Bà Man Thiện bảo gia nhân mời khác vào, rồi kéo ghế mời khách ngồi. Có tiếng gọi, Trưng Nhị bưng nước ra rót mời mọi người. Không khí của vườn Đường Hoa ấm cúng hẳn lên. Áùnh nắng chiếu xuyên qua mái hiên, qua những hàng cây trước mặt, đổ xuống những vệt dài làm cho lối hoa cúc vàng càng thêm rực rỡ. Mọi người vui vẻ, vừa uống nước, vừa chuyện trò. Bà hỏi Thi Sách:

- Tình hình bên huyện Chu Diên có yên không, bên này lộn xộn lắm. Bọn lính của quan Thái thú thường vào xóm bắt lợn gà, vơ vét của cải, chẳng trừ thứ gì. Ai cũng sống trong hồi hộp, lo sợ!

- Dạ thưa, con thấy bên ấy cũng như vậy. Bọn chúng thu hết thóc của dân khiến xảy ra đói kém. Dường như ở đâu, chúng bắt dân lên rừng tìm ngà voi, xuống biển tìm ngọc trai, rất là cực khổ. Tệ hơn nữa là chúng thường vào quán ăn quỵt. Ai cũng uất ức. Và mỗi lần quan Thái thú dẫn quân đến Huyện đường để lấy thuế, đòi vàng bạc, ngọc ngà, bố con giận lắm.

- Khi quan Lạc tướng bên này còn sống, lắm lúc ông cũng chịu không nổi trước thái độ hống hách của bọn lính Hán tộc. Đã có lần ông chửi thẳng vào mặt quan Thái thú, nhưng bọn chúng tỏ ra rất lì lợm.

Bà Man Thiện trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi bắt qua chuyện khác:

- Năm nay, nhãn lồng được mùa lắm. Cây nào, cây nấy trái cũng nhiều, tựa dày và ngọt. Cây nhà lá vườn, Bà muốn biếu quan Lạc tướng bên ấy một ít.

À! Được mùa nhãn thì rất vui nhưng lại sợ mất mùa lúa, kinh nghiệm từ xa xưa đã là như thế. Dân ta phần lớn chỉ biết trông vào hạt lúa, nếu mất mùa thì khổ lắm. Quanh năm, dân ta bị bọn chúng bắt phu, bắt lính, sưu cao thuế nặng, lại mưa gió bão lụt, thật tội nghiệp! Bao giờ quét sạch cái bọn Thái thú này thì dân ta mới đỡ!

Nghe bà nói, Thi Sách động lòng trắc ẩn, còn khuơn mặt của Trưng Trắc với đôi mắt trầm xuống.

Trưng Nhị đứng hầu bên cạnh, với tay rót nước thêm vào mấy cái tách. Hương trà bốc lên thơm ngát, tỏa ra cả khoảng hiên rộng hòa cùng hương thơn của hoa trái quanh vườn, tạo một cảm giác dễ chịu.

Cùng với thời gian, Thi Sách và Trưng Trắc đã thành gia thất. Kể từ khi nàng về nhà chồng, gia đình quan Lạc tướng Chu Diên dành nhiều tình thương cho nàng. Mọi người đều thấy nàng nết na, thuần hậu, lại có chí tiến thủ. Mỗi buổi tối, sau khi cơm nước và dọn dẹp nhà cửa xong, Trưng Trắc lại ngồi vào bàn để đọc sách. Nhờ chăn chỉ nên chữ nghĩa và đường kiếm mỗi ngày mỗi tiến bộ rõ rệt. Thi Sách cũng là người học rộng, biết nhiều, võ nghệ cao cường nên thường đàm đạo và chỉ dẫn thêm cho vợ. Những ngày rãnh rỗi, hai vợ chồng thường du thuyền từ sông Đáy đến sông Hát, nhiều lúc vượt qua cả ngả ba sông để đến tận sông Hồng. Nước sông Hồng đỏ ngầu, cuộn chảy, còn nước sông Hát thường trong xanh, lững lờ trôi. Dưới ánh trăng, nước sông Hát lung linh, huyền ảo, sóng vỗ bờ dịu nhẹ. Bởi vậy, cảnh vật hai bên bờ sông Hát quyện với gió núi mây ngàn, soi bóng dòng sông, tạo nên những tình cảm lãng mạn, say đắm lòng người.

Một hôm, Thi Sách neo thuyền vào bến đá rồi cùng Trưng Trắc lên bờ, ghé vào quán nước bên đường nghỉ trưa. Quán chỉ bán nước vối, khoai sọ và vài thứ lặt vặt khác. Hai vợ chồng ngồi lên chiếc chỏng tre đặt dưới gốc đa già rồi gọi nước uống. Bà chủ quán mái tóc bạc trắng, da dẻ hồng hào, miền nở, vui tính, vừa bưng nước ra vừa nói chuyện huyên thuyên.

Trầm ngâm một lúc rồi Thi Sách nói với vợ:

- Từ khi chúng ta cưới nhau, chẳng biết vì lý do gì, quan Thái thú tỏ ra rất khó chịu với gia đình chúng ta. Thỉnh thoảng, hắn đến huyện đường nạt nộ, hạch sách đủ thứ khiến cho quan Lạc tướng vô cùng căm giận. Trong một năm, bọn chúng tìm cách tăng thuế sản vật đến hai ba lần. Ai không có tiền nộp thì bị chúng đánh đập tàn nhẫn, hăm dọa bắt trâu, đốt nhà. Có lẽ, hắn ghen với anh.

Trưng Trắc nghe chồng nói câu cuối rất là buồn cười. Nhưng nếu nghĩ sâu xa, có lẽ như vậy. Kể từ khi Tô Định sang đất Giao chỉ này, hắn đã làm tình, làm tội biết bao gia đình có con gái đẹp.

Trưng Trắc nói:

- Nếu không có quân Hán sang đây thì dân mình đỡ biết mấy!

- Thi Sách gật gật, phải rồi! Nếu so với cái thời Triệu Đà đánh bại Thục An Dương Vương, xưng hùng xưng bá một phương, cuộc sóng của dân ta vẫn dễ chịu hơn. Còn trước nữa, thời các vua Hùng, nước ta là một nước độc lập, cường thịnh, phong hóa. Vua thương yêu dân như cha mẹ thương con cái, truyền dạy cho dân biết bao tục lệ tốt đẹp còn mãi đến ngày nay.

Thi Sách ngừng giây lát rồi nói tiếp:

Hiện nay, nhà Hán đang áp dụng chính sách trực trị nên bộ máy đàn áp càng ngày càng được củng cố. Bởi quan lại và binh lính đông, cần phải có tiền lương và thực phẩm để cung cấp nên chúng ra tay vơ vét của cải của dân ta tận hang cùng ngõ hẻm. Đó là chưa nói đến chuyện chúng cướp đất của các bộ lạc đem cung phụng cho cấp trên của chúng để mở trang trại, cho dân cày mướn đẻ thu tô hưởng lợi. Tệ hơn nữa là bọn chúng luôn có tư tưởng bành trướng, xâm lược, tìm cách đồng hóa các nước lân bang. Mỗi khi chúng chiếm được một xứ nào, việc trước hết là tiêu diệt văn hóa, của xứ đó như thu hết sách vở, thay đổi phong tục tập quán, cách ăn mặc với mục đích làm cho dân bản xứ quên hết gốc gác của mình. Nhưng đối với dân ta thì bọn chúng khó mà thực hiện nổi. Em thấy các tục lệ nấu bánh chưng, bánh dầy, nhuộm răng, ăn trầu, vẽ mình khi đi biển... vẫn cứ tồn tại. Đó là văn hóa, là sức mạnh tinh thần của cả một dân tộc.

Hai vợ chồng đang nói chuyện huyên thuyên thì đằng xa có một người đàn ông đang bước dần tới. Đó là một người trông có vẻ rắn rỏi, đầu đội nón lá, tay xách bị cói, vừa đị vừa ngâm thơ sang sảng:

             Núi sông hoa gấm giờ tan tác

Lũ giặc nghênh ngang nện gót giày

Biết ai tri kỷ trong thiên hạ

Cùng ta uống cạn chén chua cay!

Thi Sách nhận ra anh ta là một cuồng sĩ, đã từng gặp ở đất này. Trưng Trắc lễ phép chào rồi gọi thêm một bát nước nữa để mời khách. Sau giây lát, cả ba người đều tỏ ra thân thiện, cởi mở. Bắt đầu câu chuyện Thi Sách nói:

- Mấy lâu nay quý khách đi đâu mà ít thấy đi ngang qua huyện đường?

- Thưa tướng quân, tôi bị bọn lính của quan Thái Thú săn đuổi nên phải rày đây, mai đó. Tôi mới ở đát Cửu Chân về đến đây, nhưng đợi đò sang sông lâu quá!

- Tình hình ở Cửu Chân thế nào? Thi Sách hỏi.

Thoáng một ý nghĩ xa vời rồi người khách nói:

- Cửu Chân là miền biên địa, nhìn chung không được như ở đây! Đời sống dân chúng cực khổ lắm. Ruộng đất hoang hóa nhiều nhưng thiếu trâu cày, thiếu nước tưới. Quan lại thì bòn rút của công, nhất là bọn đàn em của quan Thái thú. Tôi đến đâu cũng thấy dân chúng uất ức, ai cũng muốn đứng lên đánh đổ bọn nhà Hán.

Trưng Trắc hỏi thêm:

- Thái độ quan Lạc tướng huyện Cửu Chân thế nào?

- Quan Lạc tướng ở đó cũng bị quân Hán o ép đủ điều nên rất bất mãn..

Vị khách nói hết chuyện này đến chuyện khác. Thi Sách và Trưng Trắc chăm chú nghe. Gió sông thổi lên từng cơn như sắp có cơn giông. Vị khách lấy trong bị cói ra một chai rượu, rót vào mấy cái bát đặt trước mặt rồi mời Thi Sách uống. Cuộc đàm đạo càng thêm ý vị.

Rượu ngon lại có người tâm đầu ý hợp, thật không có gì bằng. Bầu không khí hưng phấn hẳn lên. Câu chuyện mỗi lúc mỗi mở rộng ra như thể cuộc đàm đạo sẽ kéo dài cho đến chiều. Bỗng chốc quan Hán bủa vây tứ phía, gươm đao sáng lóa, tên nào tên nấy mặt mày hung tợn.

Cả ba người vẫn ngồi yên trên chiếc chỏng tre dưới bóng đa già, thái độ điềm tĩnh, vừa uống rượu, vừa để xem thử bọn này muốn gì.

Khi bọn chúng áp sát, tên cầm đầu nhận ra Thi Sách vì hắn đã có nhiều lần đến huyện đường Chu Diên thu thuế. Hắn vái chào Thi Sách với vẻ lúng túng. Thi Sách hỏi:

- Mày đưa quân đến đây làm gì?

- Thưa tướng quân, tôi được lệnh quan Thái thú đi tìm bắt một tên nổi loạn mới ở huyện Cửu Châu về đến vùng này.

- Tên đó mặt mũi thế nào? Già hay trẻ?

- Bọn chúng tôi chưa biết mặt người đó ạ! Quan Thái thú biểu đi thì chúng tôi đi, chứ chẳng biết gì cả!

- À! Bọn bay đi bắt người mà không biết mặt người ta thì làm sao mà bắt được. Thôi, đi chỗ khác. Đây là người của huyện đường Chu Diên cả. Để cho bọn ta uống rượu, đừng quấy rày nữa!

Nghe Thi Sách nói, một tên trong tốp của chúng hậm hực, mắt trợn ngược, quát lớn:

- Không! Bọn tao sẽ bắt hết những người lạ mặt ngồi trong quán này để đem về tra xét.

- Người ta có tội gì mà bắt. Hãy để cho dân chúng đi lại làm ăn. Ta sẽ trao đổi chuyện này với quan Thái thú. Bọn bay hãy đi đi. Trưng Trắc nói chen vào.

- Dạ, không được ạ! Chưa bắt được người thì không dám về, sợ quan Thái thú chém đầu!

- Thôi, ta cho mấy quan tiền, mua rượu uống. Cuối xóm này có chỗ nấu rượu ngon lắm. Thi Sách vừa nói vừa dúi tiền vào tay bọn chúng.

Bọn chúng nghe đến rượu, sáng cả mắt. Tên cầm đầu lấy tiền bỏ vào túi rồi xua quân đi.

Khi bọn chúng đi rồi, vị khách nói với Thi Sách và Trưng Trắc:

- Nhờ có hai vợ chồng tướng quân can thiệp. Nếu không, tôi đã bị bắt cũng may là chúng không biết mặt người mà chúng định bắt. Tôi tỏ lòng biết ơn nhị vị.

Mặt trời đã đứng bóng. Người khách vái chào rồi hẹn ngày tái ngộ. Thi Sách và Trưng Trắc cũng giả từ người chủ quán, xuống thuyền trở về nhà.

Ngã ba sông sóng vỗ dập dềnh, đàn chim bói cá bay vờn trên mặt nước. Cây lá hai bên bờ đổ bóng xuống che mát cả những khoảng sông rộng.

Quân đường Giao Chỉ, nơi Thái thú Tô Định ở và làm việc, được xây dựng tòa ngang dãy dọc. Ngôi nhà chính có những chiếc cột lớn hơn cả vòng tay, mái lợp tranh mây, trông rất đồ sộ. Từ cổng vào có một con đường rộng. Giữa sân, có một hồ nước rộng với hòn giả sơn. Bên cạnh hồ có cây si vươn cao, rễ thòng xuống nước, trông rất đẹp.

Xung quanh quận đường, quân lính canh phòng cẩn mật. Dân chúng mỗi lần qua đây đều bị xét hỏi gắt gao.

Thi Sách bị Thái thú Tô Định cho lính bắt về đây đã mấy hôm, ngày nào chúng cũng tra khảo vô cùng đau đớn. Vào một buổi chiều, Tô Định cùng mấy tên lính hầu đến phòng giam để trực tiếp chất vấn Thi Sách.

Mở đầu, Tô Định hỏi Thi Sách:

- Tại sao tướng quân kích động dân chúng nổi loạn?

- Tôi không kích động thì dân tôi vẫn đứng lên vì họ không chịu nổi sự áp bức, bóc lột của các ông. Nguyên, nước tôi là một nước độc lập, kể từ thời các vua Hùng dựng nước. Các ông sang sâm lược, thống trị nước tôi thì dân tôi phải vùng dậy đấu tranh. Các ông tự trách mình sao lại trách tôi!

Tô Định nghe Thi Sách nói, miếng quát tháo:

- Im đi! Ta sẽ chặt đầu bọn làm loạn.

Thi Sách giữ thái độ bình tĩnh nói:

- Dân tôi rất muốn yên ổn để làm ăn nhưng không muốn yên ổn trong nô lệ. Các ông đã bóc lột dân tôi đến tận xưng tủy. Khi nào các ông rút hết quân, trả lại độc lập cho nước tôi, dân tôi sẽ giao hảo tốt với nước các ông.

Nghe đến đây, Tô Định đùng đùng nổi giận, tay đập bàn rầm rầm:

- Ta sẽ cho lính đốt sạch cái xứ Âu Lạc này.

- Thưa, tôi nói đâu quá lời! Ông thử xem lại đi! Ông bắt dân tôi lên rừng lấy ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, vô cùng khổ sở. Biết bao người bỏ xác trên núi, chết chìm dưới biển, oan hồn vất vưởng khắp nơi, đớn đau làm sao kể xiết! Tô Định cho lính quất roi có gai nhọn vào người Thi Sách, máu chảy ròng ròng, ướt đẫm cả vạt áo. Hắn chất vấn tiếp:

- Hiện nay, huyện MêLinh, huyện Nhật Nam có bao nhiêu người nổi loạn? Còn huyện ông chắc đông lắm? Trưng Trắc, vợ ông giữ vai trò gì?

Thi Sách mặc dầu đang quằn quại nhưng vẫn khẳng khái trả lời:

- Tôi không rõ, ông về các huyện đó mà hỏi. Tôi biết hiện nay ai cũng đã sẵn sàng đứng lên! Còn Trưng Trắc, bà rất oán giận ông!

Tô Định thấy không thể chinh phục, bèn cho lính treo ngược ông lên xà nhà. Ông vùng vẫy một hồi rồi tấm thân nặng nề của ông rủ xuống, đong đưa, trông thật tội nghiệp. Còn Tô Định vừa uống rượu, vừa cười cợt với đám thị nữ hầu cận.

Càng về chiều, không khí nhà giam càng trở nên ảm đạm. Những phòng giam xung quanh vang ra những tiếng rên la thảm thiết, vô vọng. Thi Sách đang phải đối diện với tử thần và cuối cùng Thi Sách đã chết giữa đêm tối lạnh lùng.

Kể từ khi chồng mất đi, Trưng Trắc xanh xao và gầy hẳn. Nàng không ngủ được, nợ nước thù nhà là nỗi ám ảnh thường trực. Đêm đêm, khuya khoắc, giữa tiếng gà gáy não nùng, giữa tiếng lùng sục của quân lính nhà Hán. Bên ngọn đèn dầu lạc, nàng lần giở những trang sách viết về binh thư đồ trận của tiền nhân. Từ lâu, nàng để tâm nghiên cứu về cách dụng binh về cách công thành diệt viện cũng như những trạn đánh dưới nước, trên bộ từ thời Hùng Vương. Bà Man Thiện tỏ ra lo lắng khi thấy con thức khuya dậy sớm, sức khỏe mỗi ngày mỗi giảm sút nhưng vì tôn trọng những dự định của con muốn làm một cái gì đó để trả thù cho chồng, rửa nhục cho nước nên bà chỉ động viên con mà thôi, ít khi ngăn cản chuyện gì.

Một buổi tối, dưới mái hiên giữa vườn Đường Hoa, ba mẹ con ngồi đàm đạo để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Mở đầu, Trưng Trắc nói:

- Thưa mẹ, con thấy sự việc đã chín muồi, thế và lực ta đã mạnh. Hiện nay, không những dân chúng trong địa bàn huyện MêLinh do ta cai quản mà nhiều huyện khác của đất Âu Lạc đều rất căm giận bọn Đông Hán xâm lược. Ai cũng muốn đuổi Tô Định về nước, quét sạch binh lính của bọn chúng ra khỏi bờ cõi, thu hồi độc lập cho nước nhà.

Nghe con nói, Bà Man Thiện góp ý:

- Mẹ cũng thấy như con. Nơi này, nơi kia nhiều nhóm đã nổi dậy. Đối với việc nước, việc dân mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả kể cả mạng sống của mình. Nhưng để cho việc trọng đại đi tới thành công, ta phải toan tính kỹ lưỡng mọi bề. Trước hết, ta phải chiêu hiền đãi sĩ, liên kết với các anh hùng hào kiệt bốn phương, đồng thời phải biết cách vận động quần chúng theo ta để khi lâm trận ta có được "nhất hô bá ứng". Mẹ sẽ đến thuyết phục các Lạc tướng Chu Diên, Cửu Chân, Nhật Nam, cũng như sẽ đến Hợp phố và một số huyện ở Quảng Đông, Quãng Tây là vùng đất cũ của ta để kêu gọi sự ủng hộ của họ.

Trưng Nhị nghe chị và mẹ nói cũng thấy máu trong người sôi lên, muốn được trút nỗi oán giận của mình lên đầu mũi gươm, ngọn dáo. Trưng Nhị nói với một thái độ quyết chí:

- Em sẽ theo chị ra trận. Vừa qua theo sự phân công của chị, em đã đi qua nhiều nơi để theo dõi những đội quân gồm các chị em thôn bản luyện tập, từ những xóm nghèo hẻo lánh dưới chân núi Ba Vì, cho đến những thị trấn dân cư đông đúc. Đâu đâu cũng chiêu mộ thêm quân sĩ, rèn thêm vũ khí. Nhiều nơi không có sắt thép thì họ dùng cây vót nhọn, hoặc làm cung tên. Lương thực cũng được tập trung vào các kho xây dựng giữa rừng sâu. Tất cả mọi việc đều được tiến hành trong bí mật, quân Hán không thể nào biết được. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ đánh thắng ngay trạn đầu.

Dựa vào núi đồi, sông hồ, ao đầm, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, một phần đất của huyên MêLinh đã trở thành căn cứ địa bất khả xâm phạm của cuộc chiến đấu. Trưng Trắc chọn ngày lành tháng tốt phù hợp với thời thế, đọc lời hiệu triệu để mở đầu cho cuộc khởi nghĩa. Nội dung bản hiệu triệu ngắn ngọn, dễ hiểu, vạch trần tội ác của quân nhà Hán, tham tàn bạo ngược của Thái thú Tô Định và đề cao lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả cũng như ý chí của toàn dân là muốn cùng nhau đứng lên đánh đuổi quân thù, thu lại bờ cõi.

Sau đó, các mưu thần bàn với Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các nữ tướng là nên cấp tốc tổ chức cuộc hội quân để lôi kéo những thủ lĩnh, những cuộc nổi dậy lẻ tẻ khác về đây chung sức chung lòng dưới cùng một ngọn cờ. Mọi người lắng nghe, ai cũng cho phương kế này là hay, là tốt ưu cần thiết, vì chỉ có sự đoàn kết, thống nhất mới làm nên sức mạnh.

Bà Man Thiện nhận làm người thuyết khách, ra đi từ đầu năm, lặn lội hết nơi này đến nơi khác, nay cũng đã trở lại đất MêLinh. Bà cho biết các Lạc hầu, Lạc tướng và binh sĩ của nhiều nơi cũng sẵn sàng ủng hộ quân khởi nghĩa. Nghe thảo luận, bà rất đồng tình về việc tổ chức hội quân vì nếu không tập hợp được, mạnh ai nấy nổi lên sẽ tự mình làm yếu đi chẳng khác gì đũa rời từng chiếc dễ bị bẻ gảy.

Cuộc hội quân được tổ chức hết sức kỹ lưỡng và bí mật. Trưng Trắc cho đưa quân từ căn cứ địa MêLinh về Hát Môn. Trên bãi Trường sa, hơn ba vạn binh sĩ đã tề tựu đông đủ. Anh hùng hào kiệt từ bốn phương cũng được mời về dự hội, có người đi một mình, có người đến với vài chục bạn bè thân hữu, có người đem theo cả ngàn quân như Bà Vĩnh Gia ở bãi Quân Thần Châu, hay như hai chị en Ả Nương, Ả Nang ở Yên Mạc.

Trưng Trắc cho lập đàn tế trời đất, nói lên ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và ba quân cất cao lời tuyên thệ.

Sau lễ hội quân, khí thế cuộc khởi nghĩa bừng bừng như lửa cháy, cờ xí rợp trời, gươm dáo sáng lóa. Các đội quân, da số là chị em phụ nữ đã sẵn sàng lên đường vào trận. Trưng Trắc, Trưng Nhị ngồi trên mình voi, phất ngọn cờ vàng, quân sĩ trùng trùng điệp điệp theo lệnh của Hai Bà tiến về vây hãm các đồn lũy của giặc và tập trung tấn công vào thành Liên Lâu. Bị đánh bất ngờ, quân Đông Hán không chống nổi, kéo nhau chạy như ong vỡ tổ, như kiến vỡ đàn. Bọn chúng dẫm đạp lên nhau chết như rạ. Tô Định và bộ tham mưu của hắn rút chạy về đất Nam Hải.

Tin thắng trận liên tiếp loang ra, nhân dân các huyện Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp phố cũng đồng loạt nổi dậy. Và chỉ trong một thời gian ngắn, quân khởi nghĩa đã thu hồi được sáu mươi lăm thành trì, đem lại độc lập cho nước nhà. Trưng Trắc xưng Vương, đóng đô ở MêLinh, cùng toàn dân xây dựng lại đất nước.

Một hôm, Trưng Vương đang họp bàn với quân thần tìm kế sách trị thủy sông Hồng vì mùa mưa trước đã gây ra những cơn lũ làm ngập úng rất nhiều đồng lúa của vùng Châu thổ, thì có quân cấp báo là giặc Hán đã kéo tới biên thùy. Trưng Vương hỏi:

- Tình hình ở biên thùy thế nào? Hãy nói cho ta rõ!

- Bẩm Bà, Vua Quang Vũ nhà Hán đã cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng, cùng Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí đem mấy vạn quân vượt qua biên giới vào nước ta. Lúc đầu, chúng đi đến Hợp phố nhưng đa bị quân của Bà Thánh Thiện bất ngờ tập kích, chúng phải lùi lại chiếm đất Thương Ngô, qua ải Chi Lăng, vượt sông Lục đầu, rồi phá núi đắp đường tiến lên Lãng Bạc.

Qua lời bẩm báo, Bà Trưng thấy tình hình rất là nghiêm trọng, khi biết Mã Viện là một tướng tài của nhà Hán, binh sĩ của hắn đã trải qua nhiều trận mạc, đầy kinh nghiệm. Bà quay sang hỏi nữ tướng Lê Chân ngồi bên cạnh về địa hình, địa vực ở Lãng Bạc.

Trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, nữ tướng Lê Chân đã có những trận đánh lẫy lừng ở đây. Nữ tướng nói:

- Nhìn chung, Lãng Bạc có ba khu vực. Khu vực một gồm đồi núi thấp, bến sông, đồng trũng; khu vực hai cũng đồi núi thấp tiến giáp với dãy núi Lãng sơn nằm giữa sông Thương và sông Lục Nam. Khu vực ba là đồi bậc thềm của thành Cổ Loa. Cả vùng này nằm trên trục giao thông chính, còn là vùng nằm giữa các huyện hiện nay. Ngày xưa Triệu Đà sang xâm lược nước ta cũng đóng quân ở đây.

Nghe nữ tướng Lê Chân báo cáo, Trương Vương chợt nghĩ ra cách đánh là dựa vào gò đồi và đồng trũng để chuyển quân. Thế trận là thủy bộ kết hợp. Trong một thời gian ngắn, Bà cho tập trung voi trận, ngựa chiến, thuyền chiến, rèn thêm vũ khí, vót thêm hàng chục ngàn mũi tên, tích trữ lương thực...

Sau đó, Bà điều quân bao vây Lãng Bạc và những trận huyết chiến đã xảy ra. Lúc đầu, quân của ta đánh đâu thắng đó, dồn quân Hán về phía núi cao, nhưng cuộc chiến kéo dài thàng tháng, quân ta phần lớn là phụ nữ không chịu nỗi thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá của núi rừng, dần dần bị quân Hán đẩy lui. Cuối cùng Hai Bà phải bỏ Lãng Bạc rút về Cấm Khê.

Mã Viện phối hợp được quân thủy bộ đến bao vây Cấm Khê. Quân hai bên giao chiến nhiều lần. Quân ta dựa vào hình khe, thế núi để chiến đấu từ tháng này qua tháng khác. Đặc biệt nhất, nơi đây có sông Đáy và sông Tích, hai bên sông có nhiều gò đồi để giấu quân. Hơn nữa, từ Cấm Khê có thể liên lạc với huyện Cửu Chân, một hậu phương lớn của nghĩa quân, các vùng Hạ Lôi, Kẻ Lói nằm kề là đất quê hương của hai Bà.

Mặc dầu có vị trí chiến lựơc lợi hại như thế, nhưng quân của Mã Viện là một đội quân thiện chiến với tài cưỡi ngựa, bắn cung, sử dụng trận địa chiến một cách quyết liệt. Quân khởi nghĩa bị thất trận liên tiếp, các tướng sĩ, một phần bị giết, một phần bị bắt, càng về sau càng kiệt lực, tan rã.

Một ngày mùa xuân nhưng cả bầu trời Mê Linh vô cùng ảm đạm. Nước sông Hồng cuộn sóng đỏ ngầu như máu đổ vào ngã ba. Hai chị em với dám tàn quân lui về bên bờ sông Hát. Trưng Trắc ngước mắt nhìn non sông gấm vóc chìm trong khói lửa mịt mù của quân xâm lược, lòng đau như cắt, rồi nói với Trưng Nhị:

- Ta khởi nghĩa vì thù nhà, nợ nước. Trong ba năm qua nhân dân Âu Lạc đã hiểu lòng chị em ta. Nay cuộc chiến đấu không cân sức đưa chúng ta đến đường cùng, lực kiệt. Có lẽ, chẳng ai nở đem thành bại mà luận anh hùng. Số quân sĩ còn lại cho họ trở về quê cũ. Riêng chị em ta, không thể để rơi vào tay bọm Mã Viện. Hãy đem cái chết bất khuất để làm nên sức mạnh mới cho lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Trưng Nhị nghe chị nói vô cùng cảm động, ôm chị khóc nức nở. Tiếc cho việc giữ nước không thành.

Trưng Trắc quay về hướng Chu Diên, lạy Thi Sách ba lạy rồi nhảy xuống sông Hát quyên sinh. Trưng Nhị thấy chị như vậy cũng nhảy theo. Cả hai chị em chìm giữa đáy sông sâu.

Nhân dân hai bên bờ nghe tin, kéo nhau đi từng đoàn ra phía bờ sông, nước mắt đầm đìa, vô cùng thương tiếc. Làng Hạ Lôi và nhiều nơi khác lập đền thờ Hai Bà, những người phụ nữ anh hùng của đất nước. Những nén hương lòng luôn được đốt lên thơm mãi tận ngàn sau.