Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CHA TÔI ĐI TÙ







D uyên trời và nhờ cả trí nhớ của thằng bé tôi, thường được nghe ông chú ruột vào lúc say, hay mô tả, sau ngày 30/4/75, tôi tìm về được căn nhà tuổi thơ của mình. Nó vẫn đó, tuy tên phố, số nhà thay đổi. Trong bộ quân phục, đang đứng ngơ ngẩn, ngó nghiêng trước nhà, một bà già trong nhà thấy thế, mau mắn chạy ra:

- Cậu chắc con Hai Chúc?

Ba là chủ mới căn nhà, may quá, lại là người quen biết ba tôi. Nhờ có bà, tôi biết địa chỉ và phần nào về hoàn cảnh của ba.

- Ông bà già đó chết lâu rồi (tức hai nội của tôi), cả dâu cả (tức má tôi), dâu thứ (tức vợ của ông chú ruột tôi), chết trước năm bảy mươi, sau đôi năm thì căn nhà này bán cho tôi. À, nhà Hai Chúc và vợ hai ở... 

Má tôi mất rồi, ba tôi có vợ hai và tôi còn biết, ba tôi đang trong trại cải tạo, ở đâu thì bà ta chịu. Từ lâu tôi vẫn nghĩ, ba là Việt cộng nằm vùng, dù biết, ông từng nhận quân công của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ba đi tù và dù lấy vợ hai, tôi cũng tìm đến căn nhà đó chứ, có đến, mới biết ba mình đang bị giam cầm ở đâu. 

Một phụ nữ khá trẻ, chừng ngoài bốn chục, chắc là dì ghẻ của tôi, nghe hỏi tên chồng mình, ngó ngó tôi một chút và hỏi:

- Cậu có phải con trai ông ấy không, tập kết Năm tư?

Tôi bước vào căn nhà của ba mình. Ban thờ hương tàn khói lạnh. Chứng tỏ bà dì ít chăm sóc phần hương nhang cho bố mẹ chồng và bà vợ trước của chồng bà. Nhìn mấy bức hình - hai nội tôi và bức hình người phụ nữ trẻ - má tôi, lòng tôi nôn nao. Thắp nén nhang cho tiền nhân, cho bậc sinh thành ra mình, tôi làm cái nghĩa vụ thông thường của một kiếp người!

- Bà ấy chết lâu rồi, chết trước khi tôi lấy ba cậu cơ. Ông ấy tù.

Giọng bà ta tưng tửng, nhắc tới chồng, cứ như nhắc ai đó, người dưng, nước lã, chả còn là chồng con nữa. Nghe tiếng chúng tôi, từ trong buồng, người đàn ông đầu hói, bụng to, mặc chiếc xà lỏn, lò dò bước ra. Tôi thoáng ngạc nhiên, nhà có phụ nữ, sao ông ta ăn mặc vậy. Họ hàng bà ta chăng? Mà sao ông ta lại ở trong buồng? Đoán ra rồi, ông này chắc có quan hệ gì đó với bà dì ghẻ của tôi. Chồng bà, tức là ba tôi, mới đi tù, bà ta đã đưa đàn ông về nhà sống cùng. Ông ta ngó tôi, chắc vì bộ quân phục và quân hàm trên cầu vai, nên ngần ngại:

- Cậu hỏi ông ta bị cải tạo ở trại nào a? Thành Long hình như tận tỉnh Đồng... Thế mà trước đây nghe xì xầm, Việt cộng. Việt cộng mà đi tù. Chắc rổm.

Vài tháng sau, từ nơi đóng quân, tôi lặn lội tìm đến nơi ba đang học tập, trại A 3... Nhờ tờ giấy xác nhận của đơn vị, lại cấp hàm thượng sĩ, chức vụ trung đội trưởng, tôi được thông cảm, cho phép vào trại thăm ba ruột mình. Vị cán bộ trại ngạc nhiên, ba tôi dân Nam, còn tôi giọng Bắc, sao lại quan hệ ruột rà, rồi thì... Nhiều lắm, giải thích sao đây. Chỉ biết họ cho tôi vào thăm, một quân nhân thăm một kẻ đang cải tạo. Trong lúc vị cán bộ trại dò tìm hồ sơ, ngó sổ sách, tôi biết cấp hàm sĩ quan của cha mình – đại úy quân lực Việt Nam Cộng hòa.

  **

Ngay khi từ trên con tàu tập kết, đặt chân lên đất Bắc đôi tuần, chú ruột tôi thì thầm dặn đứa cháu lên sáu là tôi:

- Từ giờ, mày gọi tao là ba.

- Sao phải vậy chú?

- Bảo gọi thì gọi, nhớ đó. À, nay ai hỏi, thì bảo, má mày chết rồi.

- Má con còn sống. Má tiễn con ra bến tàu!

- Đã bảo. Nghe không!

Và từ ấy, tôi gọi ông là ba, xưng con, riêng ai hỏi về má, chỉ lắc đầu, nhiều đêm và cả sau này nữa, thường mơ và gọi má!

Ai đã từng là đứa trẻ mới sáu tuổi đầu phải xa mẹ, sẽ thấu hiểu cho nỗi lòng này, nhớ quay quắt, da diết, lắm lúc một úp mặt vào tường thút thít gọi má và hờn tủi.

  **

Tôi ngồi đợi ba tôi trên khoảng sân, dưới gốc cây rừng cổ thụ còn bơ vơ sót lại trước căn nhà đợi. Ba tôi chầm chậm bước theo một chiến sĩ và suốt cả cuộc cha con tôi gặp nhau, anh ta ngồi cách một quãng, chắc là để giám sát. Chúng tôi, hai người từng hai bên chiến tuyến, vị sĩ quan là người cha thua trận và phía chiến thắng là thằng con trai. 

Nhìn cha mình, hình ảnh cuộc tiễn đưa xưa, ùa ào về - tiễn đưa tôi và em trai của ông đi tập kết năm 1954. Bên bến tàu, ngoài ba tôi, còn hai người phụ nữ, một là vợ mới cưới của chú tôi, người phụ nữ thứ hai là má tôi. 

Má mắt mũi đỏ sọng, luôn kéo tấm khăn rằn lau nước mắt. Với tôi, bà đẹp lắm. Còn ba tôi, ông cứ xoa xoa đầu con trai. Ba tôi người cao lớn. Khi chúng tôi chuẩn bị bước lên cầu tầu, ông xốc tôi lên, dụi dụi đám râu ria lởm chởm vào má con trai. 

Con tầu từ từ dời bên, chú tôi ôm riết tôi, thằng bé tôi gào lên gọi má ba. Hình ảnh khắc in mãi trong tôi, trên cầu cảng, hai người phụ nữ tay tấm khăn rằn, vẫy vẫy mãi. Vậy mà nay, trong trại cải tạo, ba tôi già nua, gầy thó, long còng, hàng râu quai nón bạc thếch. Chắc trong tù chả mấy khi cạo, nên mọc dài tua tủa. Bộ quần áo ông mặc, lùng thùng, như treo khoác trên giá áo. Tôi không thể hình dung nổi, cuộc gặp mặt của cha con, sau hơn hai mươi năm xa cách, lại ra nông nỗi này, không ôm xiết, không có cả đến giọt nước mắt đoàn tụ. Chúng tôi đối đáp với nhau những lời rời rạc, gượng gạo và rồi cả hai im lặng. Mặt ông cúi cúi, lảng tránh nhìn con trai, chỉ phút giây ban đầu, ông nhìn tôi một thoáng thôi, rồi lảng tránh. Trong khi cha con nói chuyện, bầu trời mây vần vũ, tiếng sấm đì đùng, loang loáng chớp giật, báo hiệu một cơn giông gió lớn. Chỉ tới lúc anh lính gác chừng, nhắc nhở hết giờ thăm nom, ông ngẩng lên hỏi:

- Con trách ba không?

Hỏi xong, ông chợt đưa tay lên ôm mặt. Nước mắt tôi cùng trào ra, lòng xót xa quá!

- Ba có lỗi, hứa với con rồi, ngày gặp mặt sẽ đón con bên bến tàu, hứa lúc ba con mình chia tay ấy. Ba đã không đón được con, con còn phải tới đây thăm nom ba trong cảnh này. Ba chẳng để cho con gì, chả chăm sóc, nuôi dưỡng, lại để cái vết, con của một thằng phản bội, phản động, đi cải tạo.

Tôi nhớ mãi cảnh ngày ấy, dù lúc đó tôi là đứa trẻ lên sáu, ba đã hứa:

- Ba sẽ đợi, sẽ đón con ở bến tàu...

  **

Năm tôi mười hai tuổi, ba nuôi tôi lấy vợ. Ông có vợ rồi, vẫn lấy tiếp. Khi tập kết, bảo chỉ hai năm gia đình sẽ đoàn tụ, vậy mà sáu năm rồi, tình hình chắc còn lâu dài nữa. Chỉ cần một cán bộ tập kết cùng xác nhận, vợ chết, hay chưa vợ, là lấy được thôi. Cưới vợ được dăm tháng, ba nuôi thu xếp cho tôi vào trường con em miền Nam học tập trung - những hạt giống đỏ. Lý do là, dì ghẻ và con chồng không hợp nhau. Bữa ăn, đứa trẻ tôi, như “chan canh múc cơm trong những lời mạt sát, hắt hủi...” Bê bát cơm lên, tôi không nuốt nổi, bởi tôi đã mười tuổi, tuổi đó đứa trẻ là con người rồi, có liêm sỉ, có lòng tự trọng. 

Năm ấy từ trường về nhà, thấy ba nuôi lừ lừ nhìn tôi, trước mặt ông là chai rượu trắng vơi quá nửa. Ông đôi khi cũng rười rượu chè, nhưng chỉ khi vui và có việc, tửu lượng khá. Tôi lo lo, hay ông biết chuyện của tôi ở trường:

- Mày...

Ông gầm gừ nhìn tôi. Thôi đúng rồi, ông biết vụ tôi mới quậy phá ở trường. Sao nhanh thế - chuyện xảy ra đôi hôm trước, đã đến tai ông sao? "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò", chúng tôi lại là học sinh, con em miền Nam, quậy phá tưng bừng, dân quanh vùng khiếp vía. Hôm trước tôi theo mấy anh lớn kéo nhau vào thị trấn, dân chúng náo loạn... Lại tiếng ba nuôi:

- Mày, cả thằng cha của mày nữa!

Tôi ngạc nhiên, sao ông nhắc tới ba tôi? Thì ra ông chưa biết gì vụ của tôi. Vậy việc gì? Ba nuôi tôi lại uống tiếp, uống tới say và rồi ôm mặt tức tưởi. Tôi rất lạ, nghe tiếng ông liên tục nhắc: "Ông giết tôi rồi", "Ông hại đứa em ruột, hại cả con ông nữa!" Chắc trong kia có chuyện gì đó với ba tôi. Trước đây chú tôi từng thì thầm: Ba mầy là Việt cộng nằm vùng, cài cắm vào quân đối phương. Mày chớ có bép xép. Tôi từng tự hào ngấm ngầm về cha, háo hức mong lớn nhanh nhanh, quay về quê hương, cầm súng. 

Sau này tôi mới vỡ ra, tại sao ba nuôi hầm hè với tôi, bỏ rượu ra uống một mình và than trách ba tôi. Đêm đêm ông lén nghe đài Sài Gòn và tối ấy sững sờ nghe phóng sự, có cả tiếng nói của anh trai mình. Gần chục năm, anh em mới biết thông tin nhau, phải mừng vui chứ, đằng này ông hốt hoảng, lo sợ. Trận đánh ba tôi tham dự, diễn ra ác liệt, đơn vị thương vong nặng, nếu không có quân cứu viện, khó bề trụ nổi. Ông là một trong số nhưng người may mắn sống sót. Sau trận chiến, vừa tan khói súng, ông được tuyên Dương, được trao tặng Biệt Công Bội Tinh, thêm một sao gắn trên lon, cấp bậc trung úy - trung úy quân lực Việt Nam Cộng hòa. 

Nỗi lo của ông chú ruột - cha nuôi tôi ấy, đã thành hiện thực. Chỉ sau đôi tháng khi ông hay thông tin trên đài đối phương, từ chân trưởng phòng tổ chức, chú tôi bị điều động sang công việc khác, có chức cũng như không - phụ trách trạm thuế nằm trên một huyện lộ, cả trạm có một mình ông. Cũng từ đấy ông thành người nghiện ngập. Sẵn rượu do những người buôn lậu dấm dúi hội lộ, lại chán nản vì cái họa từ trên trời giáng xuống, ông lấy rượu giải khuây.

 
  ***

 

Sau cuộc tới trại cải tạo thăm ba, đơn vị tôi chuyển vùng, lại ập đến cuộc chiến tranh Tây Nam. Đất nước Chùa Tháp hiền hòa, những mái chùa vút nhọn, các phum sóc bóng cây thốt nốt che tỏa, thế mà lũ quỷ Pon Pốt với cái đảng Khơ Me Đỏ đang tâm giáng cuốc chim xuống đầu dân lành. Họ vẽ ra, cải tạo thành một xã hội thuần khiết, không tôn giáo, tiền bạc, giáo dục, bỏ cả cái gọi là tế bào xã hội – gia đình. Đất nước thành một công xã nhân dân mênh mông, quốc gia sẽ nhảy tắt, nhảy vọt lên chế độ cộng sản. Và kết quả cuộc cách mạng ấy, diệt chủng vài triệu người dân.

Nhìn dân Khơ Me đói khát lần tìm về nhà, người chả ra người, ma chả ra ma, ngẫm, nếu cái chế độ kiểu này – không tiền, không gia đình, chung đụng sống, được áp dụng, thì chẳng mấy nỗi, sẽ tiêu diệt hết loài người. Một đất nước hiền hòa, thành xã hội hung đồ, dữ tợn, con giết cha, trò giết thày, bạn giết bè. 

Mấy năm tham gia cuộc chiến giải phóng cho đất nước bạn, tôi chả có dịp về nước, mà nếu về, biết về đâu? Nơi đất Bắc thì ông chú ruột mất rồi, trước 1970, sau đôi năm tôi nhập ngũ. Ông bị xơ gan cổ trướng, vì uống rượu nhiều quá và cả trận đòn do nặn bóp của những kẻ buôn lậu, họ tẩn cho một trận. Bà thím đâu sinh nở với ông được đứa con nào và những năm chung sống, trong con mắt bà ta, tôi là người dưng nước lã. Còn thăm ba, ai cho phép tôi sống cùng ông trong trại. 

Đầu năm 1982, từ Cam pu chia, sau mấy tháng điều trị, tôi ra quân, với quân hàm thiếu úy. Địa chỉ đầu tiên tôi tìm về là ngôi nhà của ba. Thực ra tôi còn chỗ nào đâu, để mà về. Tôi tính, sẽ tá túc ở nhà ba mình. Nghĩ, sáu năm rồi, chắc ba hết thời gian cải tạo. Ba tôi vẫn chưa ra tù. Bà dì ghẻ kia đã lấy chồng là cái ông đầu hói, bụng to, mà tôi từng gặp. Họ chẳng rõ thông tin gì về ông. Bà dì ghẻ:

- Có thấy mặt mũi ông ta đâu. Chức tước hẳn đại úy cơ mà. Khéo tù đến chung thân.

Chán ngán, tôi quay lại trại cải tạo Thành Long, hỏi tin tức ba mình. Thật thất vọng, ông chuyển trại mấy năm rồi, đến trại Mộc Xuyên.

Lặn lội tôi mò tới đây. Cùng cảnh lính tráng, vị sĩ quan ca trực trại Mộc Xuyên nhiệt tình tra tìm sổ sách. Mò mẫm mãi, trang một, trang hai,... rồi vội ngó lên:

- Chết rồi. Ông ta chết ba tháng rồi. Đây này.

Sững sờ nghe tin đó – cha tôi mất mất rồi. Đúng lúc ấy, có ông già lúi húi tưới hàng cây cảnh trước văn phòng trại, vị sĩ quan trỏ tay ra:

- Ông già kia kìa, cùng phòng, chôn cất ba anh đó.

Ông già đưa tôi ra nghĩa địa. Nấm mồ cha tôi cỏ đã mọc xanh, thấy có thanh gỗ khắc họ tên ông. Ân hận quá, đến nén nhang thắp cho cha, tôi cũng không có nốt. Nào đâu ngờ đến nông nỗi này, ba ơi!

Trong cánh rừng, bao quanh nghĩa địa, thấp thoáng bóng người cuốc xới, chắc các trại viên đang lao động. 

- Ơn Chúa, ba cậu ra đi thanh thản. Hôm trước còn ngồi dậy ăn vài thìa cơm. Ông ấy lao động ngoài rừng, gặp mưa, cảm lạnh, nằm đôi ba hôm thì đi, đi lúc mặt trời chưa mọc, quãng bốn, năm giờ đó! 

Lặng nghe ông già nói, thi thoảng tôi mới liếc nhìn ông, chỉ sợ chả kìm nổi lòng. Giọng ông già nghèn nghẹn, cứ thoang thoảng, nghe như từ chốn nào ấy vọng về; ông nói như cho chính ông nghe, cho cánh rừng đìu hiu, xào xạc gió và hồn ma tù.

- Ba cháu trước khi mất, có trăng trối gì không? - tôi hỏi. Bao năm tháng tù đày, quên quên nhớ nhớ là lẽ thường, choàng nhớ ra, ông già vội vàng:

- Có đấy. 

Nói rồi lần lần túi áo ngực, lấy ra tờ giấy gấp ba, gấp tư:

- Ông ấy nhờ tôi chuyển thứ này cho cậu. 

Đọc thư, tôi hiểu phần nào cơ cảnh của ba mình, hiểu lý do phải đi cải tạo, bởi chứng minh sao đây, mình mất liên lạc, giải thích sao đây những tấm quân công và cả cấp hàm đại úy đang đeo. Vậy thì ông phải vào trại cải tạo thôi, phải trút hơi thở cuối và nằm lại trong bãi tha ma hoang lạnh này.

Nhìn ông già hom hem, gầy guộc, bộ quần áo tả tơi, chắc chả ai thăm nom. Chợt nhớ trong ba lô có mấy bộ quần áo, tôi vội mở ra. Trang phục lính thì ông đâu mặc được. May quá, có mấy bộ đồ dân sự và chút chút tiền, tôi dốc ra, đưa hết cho ông. Sắp chia tay rồi, tôi lại hỏi ông câu hỏi rõ ngớ ngẩn: 

- Bác tù… bao năm tháng rồi?

Không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, ông giọng ông buồn thảm:

- Ba cháu còn may mắn chán, có người thăm nom, lúc mất có người vuốt mắt, tắm rửa cho. Chứ bác, sáu năm bốn tháng mười chín ngày trong trại, nào có ai thăm nom. Không rõ ngoài ấy, họ thế nào? Chỉ phong thanh, vượt biên hết cả rồi!

Tôi lặng đi. Bất ngờ ý nghĩ nảy ra trong tôi, cứ thế quỳ xuống sùi sụt. Ông già ngỡ ngàng, lập cập bước lại. Nắm bàn tay ông, tôi:

- Ba ơi! Con xin được là con của ba./.

   
(Mồng Hai Tết, xuân Đinh Dậu, 2017)