Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






   CÁNH CHIM VƯỜN CŨ



     R ời xóm Tứ Tây, là nơi Thuỷ đã dừng chân hơn hai hôm qua ở nhà một người bạn cũ để nắm vững tình hình trước khi đặt chân về quê mình. Vì mặc dầu cuộc chiến tranh ở một số địa phương đã dịu bớt khi cuộc họp tại Giơ - ne - vơ mở ra nhưng dọc trên đường về đồn bót của Pháp vẫn còn đóng rải rác và thỉnh thoảng vẫn còn tiếng súng nỗ lẻ tẻ từ các trại lính bắn ra hoặc của quân du kích bắn tỉa bọn Lê Dương vào xóm bắt gà.

Hối hả bước từng bước dài, Thuỷ cảm thấy con đường dẫn về quê mình dường như ngắn lại. Xóm Cồn Cát đã hiện ra trước mắt. Cây đa đầu làng vẫn còn đó, vươn cao sừng sững bên ngôi miếu cổ nhưng cành lá xơ xác vì bom đạn. Trên những lối mòn vượt qua giữa núi đồi và nương rẫy bao nhiêu hình ảnh còn in dấu về những trận đánh ác liệt của vùng đất này.

Băng qua một khoảng ruộng bỏ hoang khô cằn nứt nẻ, Thuỷ đã về đến nhà mình. Chàng tần ngần giây lát rồi đẩy nhẹ cánh cổng bước vào giữa sân, lòng bồi hồi xúc động trước cảnh cũ vườn xưa nay đã bị thay đổi nhiều quá.

Nghe tiếng chó sủa mẹ Thuỷ chống gậy bước ra, ngỡ ngàng nhìn chăm chăm vào người khách lạ đang bước lại gần, rồi bỗng nhiên bà ồ lên một tiếng:

- Con đã về! Làm sao mà con về được?

Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Nước mắt của bà lăn dài xuống đôi gò má nhăn nheo. Thuỷ cũng rưng rưng xúc động. Chàng muốn khóc to lên một tiếng để nhẹ bớt nỗi thương nhớ sau gần bảy, tám năm xa cách giưã loạn ly.

Ngôi nhà rường ba gian hai chái được cất lên từ lâu lắm đã bị Tây đốt cháy, trơ lại cái nền đất cũ, nhô lên những tảng đá thanh đẻo nhẵn dùng để kê cột như chút kỷ vật còn lại giữa ngày lửa đạn. Ngôi nhà bây giờ được mẹ dựng tạm bên cạnh trông chẳng hơn gì một cái lều chăn vịt với cột tre, mái rạ, phên cót. Căn nhà thấp lè tè, mỗi lần ra vào ai cũng phải cúi xuống vì khung cửa hẹp.

Thuỷ đặt ba lô xuống góc nhà rồi kéo tay mẹ ngồi xuống chiếc chõng tre kê ở gian bên có trải chiếc chiếu hoa đã sờn mép. Thuỷ đưa mắt nhìn quanh, những đồ đạc trong nhà chẵng còn lại cái gì của thời cũ cả, ngoại trừ chiếc lư đồng và đôi đèn gỗ đang đặt trên bàn thờ ở gian giữa. Mà đâu chỉ một mình gia đình Thuỷ gánh chịu sự đối xử tàn nhẫn và khốc liệt của những bàn tay lông lá. Cả làng này và bao nhiêu làng khác đều cùng chung số phận kể từ khi bọn thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên ở cửa biển Đà Nẵng.

Thuỷ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt mỏi mòn của mẹ dưới mái tóc bạc phơ, biết là mẹ trông ngóng mình ghê lắm. Thuỷ cầm tay mẹ lắc lắc rồi hỏi:

- Mẹ ở nhà một mình chắc vất vả và buồn lắm?

- Nếu mấy lâu nay có con ở nhà chắc đỡ. Giữa cái thời buổi trên bom dưới đạn, những đêm khuya khoắt sợ lắm. Lỡ xảy ra chuyện gì mẹ không biết phải kêu ai. Con Hạnh nó đi theo chồng tận dưới Truồi, lâu lâu mới ghé lên một lần. Vợ chồng nó làm ăn không đủ, khổ lắm.

- Ai dựng lại nhà cho mẹ?

- Tây nó về đốt hết cả làng. Người này giúp qua, kẻ khác giúp lại để có chỗ tạm chui ra chui vào. Cái nhà cũ của mình cháy hơn một ngày một đêm mới tắt hẳn lửa. Con thấy mấy cây mít ở ngoài xa mà chịu lửa không nỗi phải chết đứng. Mẹ thuê người đốn xuống để làm củi, khúc gốc xẻ được mấy tấm ván để kê làm bàn thờ.

Con đi rồi, trong làng cứ xảy ra đánh nhau hoài. Mà đâu chỉ có làng mình chịu cảnh ấy. Mặt dưới Vân Thê, Đồng Di, Vân Dương, Lang Xá đều như thế cả. Mấy xóm trong núi thì lại bị càn quét khốc liệt hơn, người chết như rạ. Lúc này chẳng ai dám vào trong đó mua tre nứa, đốn củi, bứt bổi như trước nữa. Thím Tư ở phường Chánh cũng bị Tây Bắn mất rồi, mấy đứa con nhỏ chẳng biết ai nuôi.

- Mẹ thấy trong người sức khoẻ có đỡ không? Con có đem về một ít thuốc bổ để mẹ uống.

- Năm ngoái thì đau hoài, gần đây có đỡ. Ăn uống có lúc được lúc không nhưng cứ lo sợ tên bay đạn lạc nên đêm không ngủ được. Bọn Tây ở trên đồn Mang Cá cứ thay nhau bắn moọc chê về làng, thì thử hỏi làm sao mà ngủ yên được.

- À! Mà con đã ăn chi chưa? Ham nói chuyện rồi quên mất. Để mẹ đi nấu cơm cho con ăn. Con ngồi chơi rồi uống nước đi. Mẹ Thuỷ bước xuống bếp, cách với chỗ đang ngồi một liếp cửa. Chốc lát đã nghe mùi khói bốc lên. Thuỷ cảm thấy nôn nao trong người rồi đứng dậy đi ra phía ngoài hiên.

Ánh nắng chiều chiếu xuyên qua phên nứa thành những vệt dài loang loáng trên mặt đất như những vết thời gian gợi lại cho Thuỷ biết bao í tưởng chất chồng kỷ niệm. Trong tâm trí chàng ngôi nhà rường cũ vẫn còn như đứng sừng sững giữa khu vườn đầy cây trái và hoa thơm cỏ lạ được trồng và chăm bón qua nhiều đời. Cây Ngọc lan trước ngõ toả hương thơm dịu dàng mà dưới bóng mát của nó những đứa trẻ quanh xóm cùng lứa tuổi với Thuỷ thương tập trung chơi nhảy lò cò, chơi ô quan, hay nhặt hoa rụng xâu thành chuỗi đeo vào cổ để làm cô dâu chú rể với những chiếc lồng đèn của đoàn rước là thứ hoa dâm bụt đỏ chói với những tua nhuỵ lấm tấm vàng. Cây Ngọc lan đã bị đốn ngã trong đợt Tây san ủi để mở vành đai trắng. Những khóm tre quanh làng cũng bị chặt hạ đến tận gốc, chỉ có một vài búp măng nhỏ mới nhú lên sau cơn mưa rào. Ngày trước, những hàng tre này là nơi chim chóc bay về kết tổ hót vang trong nắng sớm, dệt nên bức tranh tuyệt đẹp của làng quê yêu dấu.

Ngôi nhà rường gỗ lim với những chiếc cột bóng loáng, vững chãi, xếp thẳng hàng dưới mái ngói thơm nâu rêu phủ. Các xà nhà đều chạm khắc công phu mang dáng hình Long-Ly-Quy-Phượng. Những ô trang trí với cỏ cây hoa lá khảm xà cừ lấp lánh giữa ánh nắng mai hay giữa ánh đèn đêm, khiến cho ngôi nhà vừa đạt đến trình độ nghệ thuật cao, vừa thể hiện sự giàu sang danh gia vọng tộc. Thuỷ vẫn còn nhớ như in màu sắc và nội dung của những bức hoành phi, những bức trướng, những câu đối liễn được trưng bày trong căn nhà. Đó là những lời huấn dụ của người đời trước muốn gửi gắm lại cho người đời sau, của tổ tiên muốn lưu lại cho con cháu để giữ nếp nhà. Vị trí treo của những bức gia bảo ấy được xếp đặt rất đúng mực. Ở gian giữa, phía trên cao là bức hoành phi với ba chữ khắc nổi: " Đức - Lưu - Quang ". Đối diện với bức hoành phi, trên đầu cửa chính từ hiên vỏ cua trước vào là một bức hoành khảm phẳng với bốn chữ: " Mộc bổn thuỷ nguyên " cùng với các hoạ tiết khác như một bức tranh thuỷ mạc, ai nhìn cũng cho là đẹp. Còn dọc theo trụ của hàng cột giữa nhà thì treo các câu đỗi chữ Hán hoặc chữ Nôm. Sau này cùng với các đợt trồng tu có dịch ra chữ Quốc ngữ khắc kèm bên cạnh. Mặc dầu đi xa đã quá lâu nhưng Thuỷ vẫn còn nhớ một vài câu với í nghĩa nhắc nhở về lòng hiếu thảo, về mối liên hệ nhân quả giữa con cháu với tổ tiên như " Hiếu thảo mới sinh con hiếu thảo_Nhân từ lai có trẻ nhân từ "; " Cây cỏ chào xuân cành lá thắm_Tổ tông tích đức cháu con vinh"; hoặc có những câu thể hiện tinh thần Phật giáo ví dụ như: " Bỏ hết tham, Sân, Si, chính tại đây là Tịnh độ_Tu tròn Giới, Định, Tuệ, ngay phàm tâm là Thanh tâm ".

Nghỉ ngợi chừng nào, Thuỷ càng bồi hồi xúc động chừng ấy. Ngôi nhà êm đềm và hạnh phúc bây giờ đã trở thành tro bụi nhưng những lời nhắn nhủ của người xưa trên những bức tranh hoành phi, trướng liễn như là phần lình hồn của ngôi nhà thì vẫn thể hiện giữa tâm hồn chàng. Từ bao thế hệ tất cả đều như là thứ hành trang làm nên sức mạnh diệu kỳ cuộc sống và còn riêng Thuỷ thì là sức mạnh của cuộc chiến đấu một mất một còn với bọn xâm lăng.

Thuỷ ngập ngừng bước chân, rồi quay một góc tám mươi độ, đi trở ra phía sau. Một khoảng vườn rất rộng trước đây cây cối xum xuê nhưng bây giờ chẳng còn một bóng cây nào. Dường như mọi thứ ở vùng quê này đều bị san phẳng. Lối nhỏ lát gạch đi ra phía sau giếng nước vẫn còn đó nhưng đã bị cày xới nhiều lần.Mặt đường lởm chởm đá sỏi và gạch vụn. Chàng bước từng bước nhẹ trên lối đi cũ như ngày nào theo mẹ ra giếng tắm nhưng nhiều lúc bỗng nhiên cảm thấy bị nhói dưới bàn chân vì như thể bị giẫm lên nhưng dấu binh lửa còn hằn trên mặt đất.

Bước qua khỏi dàn đậu ván, cái giếng cũ lẫn khuất giữa đám mùng tơi dần hiện ra . Bất chợt chàng ngỡ ngàng trước một người con gái đã đứng tuổi đang ngồi giặt áo. Thấy Thuỷ đang bước tới, người con gái ngừng tay gầu, cúi xuống lễ phép chào. Ngập ngừng giây lát,Thuỷ mạnh dạn hỏi:

- Xin lỗi, cô có phải là Dương ở xóm bên?

- Dạ phải! Ở xóm bên giếng bị Tây cày mất nên mấy lâu nay ai cũng phải sang đây lấy nước hoặc giặt nhờ. Bác Hai tốt bụng, nên ai nấy cũng có phần dễ chịu mỗi lúc qua lại. Nếu không có cái giếng này thì rồi phải đem áo quần ra sông, ra hói để giặt. Nước sông nước hói hồi này đục lắm, không còn trong lành như những năm về trước chiến tranh thường được nạo vét.

- À! Mà có phải anh là anh Thuỷ không? Lúc đầu em không nhận ra nhưng dần dần thì mường tượng lại được.Dễ chừng anh đi xa gần cả chục năm!

- Đúng rồi, tôi là Thuỷ đây! Tôi ở xa mới về. Thời điểm này, theo chủ trương của cấp trên, một số anh em du kích ở các địa phương, một số anh em Vệ quốc đoàn bị đau yếu nhiều hoặc lớn tuổi cũng được ra quân để trở về quê quán làm ăn. Sau Hiệp định, chắc bọn Pháp phải rút về nước. Chiến tranh đang có chiều hướng chấm dứt. Mong sao đất nước được thanh bình để xây dựng lại cuộc sống. Ai cũng cực khổ quá rồi. Thật không mong gì hơn là cả ngày lao động vất vả, tối được ngủ giấc an lành, chẳng sợ tên bay đạn lạc. Em ở nhà mấy năm nay thế nào?

- Chắc là không ai khổ bằng em! Nhà cửa bị cháy sạch. Anh nghỉ chỉ một cái làng nhỏ này mà chịu bao nhiêu tấm thảm kịch. Năm bốn sáu theo lệnh tiêu thổ kháng chiến người ta chất rơm vào đình làng, chùa làng, nhà thờ họ tộc để đốt, có nơi cháy đến hai ba ngày chưa tắt lửa. Đến năm bốn chín, bọn Tây đóng đồn dọc đường cái quan chủ trương tạo vành đai trắng sang phẳng hết ruộng vườn nhà cửa. Riêng cái ngày mười ba tháng giêng năm bốn chín ấy bọn Tây vừa hãm hiếp vừa giết chết hết mười ba người trong đó có cả bà già đã sau bảy chục tuổi. Bọn nó đốt nhà dân như đốt vàng mã. Nỗi đau ấy mỗi năm lại hiển hiện trong những lần cúng giỗ. Ba em cũng bị bắn trong lần ấy. Mẹ em đau buồn, ốm nặng rồi cũng mất sau một thời gian ngắn. Nhà cửa chẳng còn, hiện em đang ở chung với bà dì bên xóm cũ.

- À! Rồi anh biết sau đó xảy ra điều gì nữa không? Khốc liệt lắm anh ơi! Để em kể anh nghe:

Vụ mùa tháng ba năm một ngàn chín trăm năm hai, đang giữa mùa gặt thì ông đồn trưởng dưới huyện dẫn lính lên gom lúa của dân làng, bị dân quân du kích bắn chết. Dân làng vô tội lại bị bắt bớ, bị đánh đập. Một số nhà cửa lại bị đốt cháy. Nhưng tệ hơn cả là vụ mùa tiếp theo bị bọn Tây đem xe lội nước quần nát hết cánh đồng lúa đang độ chín vàng chờ ngày gặt hái. Nhà cửa lại bị đốt sạch từ đầu làng đến cuối xóm. Ai nấy đều phải tản cư lên phố, ăn nhờ ở đậu, thật vô cùng khổ sở. Quang cảnh trước mắt như anh thấy chỉ mới được xây dựng tạm bợ sau ngày hồi cư.

- À! Còn cái chuyện rùng rợn này nữa! Không biết là anh đã biết chưa? Hôm đó, ông tỉnh trưởng Nguyễn Khoa Toàn đi cùng với thằng Đô-Rê quan năm người Pháp đến nói chuyện với dân làng mình. Biết tin ấy, một nhóm cảm tử quân huyện Hương Thuỷ đặt mìn sát đầu dốc họ Ngô, con đường xuôi về đình làng, là nơi có cuộc họp dân. Xe của quan tỉnh và xếp Tây dổ dốc thì mìn giựt nhưng không nổ vì mìn tự tạo chất lượng quá kém. Nhóm cảm tử bỏ chạy nhưng anh Lê Văn Kê, là người đâu dưới Vân Thê bị lính huyện bao vây bắt được, sau đó đem cắt đầu cắm vào cọc nhọn ở cống họ Lê phơi nắng đến mấy ngày. Ai đi qua trông thấy cũng ớn lạnh đến xương sống, về nhà bỏ ăn, bỏ ngủ.

Thuỷ đứng yên, thỉnh thoảng lại dựa vào thành giếng nghe Dương kể hết chuyện này đến chuyện khác, mặc dầu có chuyện trong quá trình hoạt động Thuỷ đã biết rõ. Dương say sưa kể như một lời tâm sự có một chút gì đó hờn trách, nũng nịu, phân trần. Vì kể từ chiều xa xưa ấy, cũng bên thành giếng này, với cái tuổi mười lăm, mười sáu, hai người chia tay nhau một cách âm thầm lặng lẽ chẳng nói với nhau điều gì cho thật í nghĩa về sau. Họ chỉ biết sau buổi chia tay ấy, hai người không còn đi gánh nước chung, đi hái rau kiếm củi chung. Tất cả đẹp như trong giấy trắng chưa có vệt mực nào.

Trong lúc hai người đang nói chuyện say sưa thì có tiếng mẹ Thuỷ gọi con vào ăn cơm. Dương lại cúi xuống giặt tiếp cho xong rổ áo quần còn bỏ dở từ giữa buổi đến giờ.

Mâm cơm đạm bạc được mẹ bày biện rất khéo léo trên chiếc mâm son cũ có một vết cháy ở góc. Rau bí luộc chắm với nước ruốc, tô canh khế nấu với cá tràu, hai con cá diếc chiên vàng đặt trên chiếc dĩa đất nung đã ngả màu khói bếp. Hai mẹ con ngồi ăn thật ngon lành. Thỉnh thoảng, Thuỷ lại xới cơm cho mẹ, mẹ lại gắp thức ăn bỏ vào chén cho Thuỷ và dục con ăn. Bỗng dưng đôi mắt của Thuỷ rưng rưng, hai giọt nước mắt lăn dại xuống má, cổ cố nuốt nhưng vẫn cứ nghèn nghẹn. Có lẽ đây là bữa cơm quá ngon và quá hạnh phúc đối với Thuỷ kể từ khi quyết định lên đường dấn thân vào cuộc trường chinh chống Pháp cùng với bạn bè đồng lứa. Hơn bảy tám năm xa mẹ, nay được trở về trong vòng tay đã từng ấp iu, nuôi nấng, dạy dỗ. Thấy khuôn mặt của con có điều gì không được bình thường, bà Hai lại động viên con ăn mạnh lên. Bà dừng đũa hỏi con:

- Chuyến này con về ở với mẹ được lâu không? Quê mình hiện nay vẫn là vùng xôi đậu, thấy con về mẹ lo quá!

- Không có gì mà phải lo mẹ ạ! Hiện nay bọn Tây đã rút quân ở các nơi lẻ tẻ để co cụm về thành phố. Làng mình trước đây bọn Tây đóng đồn trên ga, hiện bọn chúng đã rút đi hết , chẳng còn thằng nào.Trước đây con nói con đi làm ăn xa, dân làng cũng tin như thế, chắc chắn chẳng ai thóc mách gì. Bạn đồng lứa thì có đứa khi lớn lên đi làm phu đồn điền, đi lính Tây hoặc có đứa chạy lên làm dân thị thành. Con đường mình đi làm sao mà người ta rõ được. Hơn nữa đất nước sắp hoà bình rồi ai lo phận nấy, chẳng ai dóm ngó nhau làm gì! Mẹ cứ yên tâm. Con ở chơi với mẹ ít hôm rồi sẽ tính.

Nghe con nói, mẹ Thuỷ tỏ ra yên tâm. Bà nhai xong miếng cơm rồi lại nói chuyện tiếp:

- Con thấy con Dương có được không? Mẹ muốn con Dương về làm dâu nhà mẹ. Trong lúc con đi vắng, nó ở bên cạnh chạy qua, chạy lại nên mẹ cũng thấy đỡ buồn. Những khi tối lửa tắt đèn cũng nhờ nó nhiều. Nếu con đồng í thì mẹ nhờ người mai mối xin nó cho. Dì nó cũng là bạn thân của mẹ, kể từ thời còn đi cấy đi cày, tát nước bứt cỏ. Nếu mình ngỏ í chắc bà cũng đồng í. Người ta nói: "Mua trâu chọn nái, kén gái chọn dòng". Hai cụ thân sinh của nó ngày xưa cũng sống phúc đức lắm, chỉ tiếc một điều là chết sớm vì bị Tây bắn. Nếu không thì con Dương cũng không đến nỗi khổ như rứa. Tội nghiệp quá, cái con thật là nết na thuỳ mị, công việc lại giỏi giang không ai bằng!

Nghe mẹ nói một hơi dài, Thuỷ cũng hơi cảm thấy lúng túng, bởi vì rồi ra chẳng biết trả lời thế nào để mẹ vui lòng trong lúc tuổi già sức yếu vì mẹ chàng đã trải qua một thời gian quá dài trông con mòn mỏi. Chàng suy nghĩ giây lát rồi nói:

- Nghe mẹ nói con rất mừng. Dù sao con cũng đã lớn rồi, mẹ lại cần có dâu, có cháu. Nhưng trước mắt gia đình ta còn nhiều khó khăn lắm. Hy vọng khi hoà bình trở lại, mẹ con ta có điều kiện sắp đặt cuộc sống , lúc ấy con sẽ lấy vợ để mẹ có cháu bồng.

- Nhưng hoà bình khi nào mới tới? Biết lúc ấy mẹ có còn để được ẵm cháu?

Nghe mẹ nói mà lòng Thuỷ xót xa!

Đêm ấy Thuỷ không ngủ được, cứ nằm xuống lại ngồi dậy, uống hết ly nước vối này đến ly nước vối khác, khiến nồi nước mới nấu hồi chiều đã cạn xuống tận đáy. Nhìn qua khung cửa có các chắn song tre vót nhẵn lớn hơn ngón tay thấy mây đuổi nhau dưới vầng trăng khuyết. Những vì sao lấp lánh ở cuối chân trời. Gió thổi mạnh qua bụi bờ lao xao như muốn báo hiệu cơn mưa đêm. Thuỷ thao thức với những í tưởng mung lung không bờ bến. Bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu dưới mái nhà cổ, cùng với những trò chơi của bạn bè đồng lứa, như bịt mắt bắt dê, trốn tìm, chạy nhảy từ khu vườn này qua khu vườn khác, hồn nhiên cười vui thoả thích. Từ trong dĩ vãng xa vời của đời mình, chàng lắng nghe tiếng chim sơn ca hót trên ngọn cây cao, tiếng chim sẻ ríu rít trên mái ngói mùa đông phủ đầy rêu, tiếng chim cu gù sau hàng tre, giữa tiếng chim non chuyền cành sau vụ gặt. Cũng như còn đây câu hò, tiếng hát của những đêm đạp lúa dưới trăng, tiếng xây, giã, giần, sàng của mẹ chàng hay của bà con lối xóm. Nay tất cả như đều thưa dần, đều chìm lặng vì chiến tranh.

Khuôn mặt Dương vẫn còn đẹp như xưa, chỉ có nước da hơi sạm màu mưa nắng. Chàng đâu ngờ - với thế hệ mình, tuổi tình yêu lại là tuổi chia tay, tuổi đi xa, tuổi nằm gai nếm mật, sống chết chỉ là gang tấc. Chưa ai hẹn ước với ai điều gì, đôi khi cũng là điều may mắn. Bởi vì, biết bao người bạn cũ, ra đi chẳng trở về, để cho lời hẹn ước trở thành nỗi nhớ, trôi cùng dòng sông quê. Mai này chàng lại ra đi, lại xa Dương, lại nghìn trùng cách biệt. Hai năm hay hai mươi năm ai mà biết chắc được.

Thuỷ đang miên man nghĩ thì có tiếng gõ cửa. Chàng ngồi dậy mở toan cánh cửa gỗ khép hờ. Mấy người bạn cũ ở xóm trong và xóm ngoài nghe Thuỷ về rủ nhau đến chơi. Lúc đầu Thuỷ chẳng nhận ra ai, sau đào sâu vào trí nhớ mới nhận biết được một đôi người. Ai cũng có vẻ vất vả, chân lấm tay bùn, áo vá vai, quần xắn ống.

Bạn bè lâu ngày gặp nhau hỏi thăm rối rít, rồi cùng ngồi vấn thuốc rê, uống nước vối, nói chuyện trên trời dưới đất. Hoàn cảnh của từng người bấy lâu rất là tội nghiệp. Một số bỏ đi đâu chẳng ai biết ai hay. Có đứa bỏ lên phố làm nghề khuân vác, tuy nặng nhọc nhưng đủ ăn, có đứa ở lại quê làm ruộng, nghèo rớt mùng tơi, có đứa chết trên rừng, có đứa chết dưới biển, có đứa đi theo Tây đốt phá xóm làng, có đứa đi Vệ quốc đoàn, đi du kích chưa thấy về. Thật mỗi đứa mỗi số phận, mỗi con đường, nhưng khi nhắc đến ai cũng có một chút vấn vương ngày cũ của cái thời chăn trâu cắt cỏ, bắt dế, thả diều, đuổi chim, câu cá, rong ruổi trên cánh đồng làng...

Cuối cùng thì có chai rượu gạo mẹ Thuỷ vừa mới cúng đất xong, Thuỷ cầm chai rượu lên rót cho mỗi người góc chén. Rượu vào lời ra. Mặc dầu câu chuyện chẳng có đầu có đuôi nhưng ai cũng cảm thấy thoải mái, vui vẻ, giữa không khí đầy ắp tình bạn, tình quê cũ.

Đêm đã thật sự khuya. Gà xóm núi đã cất tiếng gáy. Ngoài đồng ếch nhái kêu ran. Mọi người đã đứng dậy ra về. Con đường làng chạy ngoằn nghoèo dưới những hàng tre lưa thưa in đầy nén chân trâu lồi lõm, khiến người đi bước cao bước thấp, đôi lúc phải níu tay nhau để khỏi trượt ngã. Con đường của một làng quê xơ xác tiêu điều giữa chiến tranh.

Khi ngôi nhà rường bị đốt, xóm làng chẳng cứu được gì ra khỏi đống lửa cao ngất trời, ngoại trừ bộ lư đồng và đôi đèn thờ gỗ tiện nhờ bà Hai đem giấu từ trước. Khi bọn Tây kéo đi thì còn lại đôi ba cái cột cháy dở nhờ cả xóm tưới nước kéo ra kịp. Mẹ Thuỷ tiếc của, chẳng biết làm gì hơn là cho người đào lỗ dựng lên làm trụ ngõ. Một số cột cháy quá nửa thì xẻ ra lấy gỗ đóng thành cánh cổng. Gỗ lim chẳng phải sợ mối mọt nhất định là tốt rồi, nó chịu đựng được mưa nắng. Có điều, từ xa nhìn lạ trông cái ngõ lem nhem quá vì cái cột nào cũng chảy xém. Bọn trẻ con trong xóm thường gọi đùa là khu vườn ngõ cháy. Dần dà cái tên ngõ cháy như một địa chỉ để mọi người dân làng hướng dẫn cho khách lạ mỗi khi họ muốn tìm đếm nhà bà Hai Thuỷ. Hai bên cổng bà Hai trồng nhiều hoa chuối đỏ. Mỗi khi hoa nở, người ta lại như thấy những ngọn lửa bùng lên giữa ngõ cháy và gợi nhớ bao nỗi đau thương của mấy năm về trước khi bước chân của bọn thực dân kéo nhau về đốt phá xóm làng.

Đối với Thuỷ, người đi chiến đấu trở về thì thấy ngõ cháy như một vết thương giữa quê hương, còn lâu lắm mới có thể lành được. Và một ngày nào đó dù nó có được chữa lành thì vết sẹo vẫn hằn sâu da thịt, da thịt của con người và da thịt của một vùng đất.

Mỗi buổi chiều sau khi ăn cơm xong, Thuỷ đi đi lại lại quanh vườn rồi dừng chân bên ngõ cháy. Đã nhiều lần chàng đặt tay lên trụ gỗ. Có lẽ chàng muốn tìm lại một dĩ vãng còn ẩn dấu trong từng thớ gỗ. Mỗi lần như thế, ngôi nhà rường lại hiện ra giữa khu vườn đầy cây trái và hoa cỏ với biết bao hình bóng đẹp đẽ đã ăn sâu vào tâm trí chàng-mẹ và em và bao người khác nữa...

Thuỷ đứng hóng gió đã lâu, định quay vào nhà thì có người bước đến gần. Giữa ánh sáng nhập nhoà của buổi hoàng hôn, chàng vẫn nhận ra người đang bước tới là cô Dương. Chàng chưa biết chào hỏi như thế nào thì cô Dương đã mạnh dạn cất lời:

- Chào anh Thuỷ. Em muốn hỏi có bà Hai ở nhà? Chiều nay,có đứa cháu bị cảm sốt, em định qua đây xin nắm lá xông nhưng vô tình lại gặp anh, sợ người xung quanh dị nghị là chúng ta hẹn hò.

- Ờ! Ờ! Má Hai đang qua bên hàng xóm. Cô dừng lại đây nói chuyện chơi chốc lát để đợi má Hai về bẻ lá cho.

- Dạ! Má Hai đi vắng thì em phải cố đợi thôi!

Ai cũng muốn phân trần cái lí do của mình nhưng trong lòng cả hai người dường như đều có một nỗi trông ngóng đợi chờ. Bởi vì " Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy - Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên ".

Dù sao đi nữa thì Thuỷ và Dương cũng đã là người cùng xóm, đã có một thời mò cua, bắt ốc, hái rau. Cái liếc mắt, cái nụ cười của buổi xuân thì vẫn như vầng dương toả rạng giữa chuỗi ngày ly loạn. Người chân trời, kẻ góc bể nay mới được gặp lại thì làm sao mà không hẹn nhau được.

Thuỷ cầm lấy tay Dương níu sát vào người mình rồi cả hai cùng ngồi xuống trên một gốc nhãn cổ thụ bị đốn hạ gần sát mặt đất.

- Thời buổi chiến tranh em ở nhà chắc vất vả lắm? Thuỷ hỏi.

- Vất vả thì hẳn nhiều rồi. Một mình em phải gánh vác ba sào ruộng nước vẫn không tran trải được nợ nần của gia đình kể từ khi ba em bị giặc bắn và mẹ em bị ngã bệnh rồi mất như hôm qua em đã kể cho anh nghe. Nhưng nói thì nói vậy, chứ làm sao khổ bằng người đang chiến đấu ngoài mặt trận, thiếu thốn trăm bề, đôi lúc còn hi sinh cả mạng sống của mình.

- Có phải anh ở Dương Hoà về không? Nghe nói ở chiến khu Dương Hoà đánh nhau ác liệt lắm? Anh về được mấy hôm thì đi lại? Anh đi cho em đi theo với nghe!

- Mấy năm nay anh đi đây đi đó nhiều nơi, đâu chỉ ở một chỗ là Dương Hoà. Còn đất nước mình đang bị xâm lăng thì chỗ nào chẳng phải đánh nhau ác liệt. Anh về thăm vài hôm rồi lại lên đường. Em đi theo anh không nổi đâu, sốt rét dữ lắm. Hay là khi anh đi rồi thì em về ở luôn với mẹ anh.

- Anh nói chi mà kỳ rứa! Người ta cười chết.

Dương nói chưa dứt câu thì Thuỷ ôm chầm lấy Dương. Trong lúc Dương dùng dằng gỡ tay Thuỷ ra thì có tiếng bà Hai từ ngõ bên cạnh bước về. Hai người vội vàng đứng dậy rồi cả ba cùng bước vào giữa khoảng sân rộng, có ánh đèn hắt ra từ căn nhà lá với mùi hương cải, hương ngò dìu dịu.

Giữa khuya hôm ấy, Thuỷ chia tay mẹ già rồi lên đường cùng với một số đồng đội đã hẹn sẵn. Chàng đi về hướng núi rừng, bỏ lại sau lưng mình vườn xưa ngõ cháy và bà mẹ già một đời tần tảo vì con.

Những câu chuyện của mẹ, của Dương kể tuy không đầu không đuôi nhưng như thể đã phác thảo lại giai đoạn vừa qua của một vùng đất đã thấm biết bao mồ hôi và máu của biết bao anh hùng vô danh, lại trở thành một hành trang mới trên bước đường vạn dặm.

Thật, chàng không cầm được nước mắt và thầm nghĩ mình và bao bạn bè khác như những cánh chim vườn cũ, bay về rồi chợt bay đi, không biết bao giờ mới quay lại lần nữa.