Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






   TÌM LẠI CÕI NGƯỜI





     X óm Đông có một gã đồ gàn, mình gã cao năm thước, da ngăm đen, trán rộng, mày thô mà mắt sáng như sao. Gã tiếp nhân xử thế bằng giọng cười hề hà, dễ dãi. Tuy vậy gã ngoại nhu, nội cương. Tuy không ưa tranh chấp với đời, nhưng lập trường luôn luôn dứt khoát. Gã không chịu theo gió mà giương buồm, lưng gã ngắn nên khó cong, cẳng thấp mà cứng nên không chịu quỳ, đành cam phận đói rách, bởi thế gã mới mang danh đồ gàn.

    Cha mất sớm, gã ở với mẹ già. Thuở nhỏ gã nổi tiếng thần đồng. Một hôm theo mẹ về kinh, được mẹ dẫn đi xem lễ xướng danh. Trên đầu voi, tên lính đầu đội nón chóp đỏ, lưng thắt dải điều, chân cuốn xà cạp, gân cổ thét loa, tên xướng cả buổi khắp phố phường, mới thấy thầy cử ung dung, đĩnh đạc rẽ đám đông bước tới, mọi người đều khen ngợi trầm trồ. Gã hỏi mẹ :
    - Đậu cử nhân có khó lắm không?
    Mẹ gã đáp:
    - Tuy cũng thập niên đăng hoả, nhưng tài phải trên muôn người.
    Gã còn bé mà mỉm cười khinh thị. Lớn lên, gã đọc thiên kinh, vạn quyển, nhưng chí không ở công danh, gã chỉ mong báo hiếu mẹ già. Gã tài cao, tiếng đồn vang tới kinh thành, chân cử nhân, tiến sĩ tưởng chiếm được trong sớm tối, vậy mà ba phen lều chõng, vẫn không kiếm được một chân tú tài, có lẽ cái tâm cuồng phóng của gã không làm vừa ý các khảo quan. "Sĩ khả bách vi" gã xoay đủ trăm nghề, mà nợ áo cơm không phút buông tha. Gã bốc thuốc thì không có người bệnh, thiết trướng được một tháng thì gia chủ kiếm cớ cho thôi. Mẹ gã muốn kiếm dâu hiền để gã an tâm đèn sách, nhưng thời hạ nguyên khó chọn được gái tảo tần. Tuổi ba mươi mà thân chưa lập. Đời gã là một chuỗi dài thất bại, nhưng chưa từng ai thấy gã nhăn mặt thở than. Cuối cùng gã phải ngày ngày vào rừng đốn củi, hoặc gánh nước tưới rau, sáng sáng mang ra chợ bán, mong đổi lấy hai bữa cháo cơm đắp đỗi qua ngày, hắn chỉ thương mẹ già sớm hôm vàng võ. Một năm, nhân ngày lễ hội, gã vác chiếu tới cổng chùa, bói cỏ thì để đoán cát hung, nhưng tiền kiếm được, chỉ đủ để mua cho mẹ già hai chục thang thuốc. Giáp tết, gã tới cửa chợ, trải giấy hồng điều, ngồi viết câu đối, nét bút xương kính, có thủ pháp của một bậc đại hành gia, nhưng tiền kiếm được, cũng chỉ vừa đủ mua chiếc hòm gỗ tạp, chôn cất mẹ già. Mẹ chết sau một cơn bạo bệnh, gã dựng lều cư tang ba năm bên mộ. Tang mãn, gã đốt hết sách vở, không phải gã ngạo thị thánh hiền, mà chỉ dốc chí đoạn tuyệt công danh. Khi ngọn lửa phần thư tắt hẳn, gã quẩy gánh lên đường, lang thang vô định. Gã đi về đâu, gã định làm gì, e rằng trời già cũng không hiểu nổi.
    Một buổi chiều, phần đói bụng, phần mệt mỏi rã rời, gã tới gõ cửa một ngôi chùa cổ. Sư già mỉm cười bao dung, mở rộng cổng đón gã vào. Sư già múc cho gã một bát cháo gạo hẩm với chút muối trắng. Cháo nóng, gã húp xì xụp, mình vã mồ hôi mà cảm thấy rất ngon, sinh lực phục hồi. Buổi tối, sau tuần chuyện vãn, biết gã là danh sĩ thất cước, sư già đưa cho gã ba chiếc gối trúc, nước trúc bóng xậm mồ hôi. Sư già giảng giải :
    - Ba chiếc gối này không phải vật tầm thường, mà do một đạo sĩ núi La Phù đời Bắc Tống để lại. Chiếc thứ nhất là "Hội chân chẩm", những kẻ thất tình nằm gối này có thể gặp tiên. Thứ nhì là "Trạng nguyên chẩm", kẻ sĩ tam phen lạc đệ, nằm gối này có thể thỏa mộng công hầu. Thứ ba là "Cự phú chẩm" , kẻ bần hàn ngày không đủ hai bữa cháo rau, nằm gối này có thể thấy mình phú gia địch quốc. Mỗi giấc mộng kéo dài được ba mươi năm, từ tráng thời tới lúc vãn niên. Ôi kiếp phù sinh, cõi đời không bằng cõi mộng, há chẳng nên gối mộng mà quên đời. Nhà thầy, hãy thử xem.
    Sau hồi tư lự, gã hỏi :
    - Xưa nay đã có ai gối đầu nằm mộng rồi chết hay chưa?
    - Mô Phật! Việc ấy thật chưa từng xảy ra.
    - Bạch cụ, mộng dù ba mươi năm cũng có lúc phải tỉnh, kê vàng tình mộng, kẻ thất tình vẫn mượn rượu giải sầu, hàn sĩ vẫn áo gai, giầy cỏ. Mộng tàn, tất cả đều mất, tiêu ma luôn cả cái tráng chí đối mặt với đời.
    Gã sẽ đẩy lui ba chiếc gối, hào khí ngút trời, khẳng khái từ tạ:
    - Bạch cụ! cất đi thôi.
    Sư già biết gã là người cao khiết, có ý xem trọng, nên lưu gã lại chùa, sớm hôm bầu bạn. Sư già thân gửi cửa không, nhưng ưa kết giao với khách văn chương, thường cùng gã gác tay đàm luận rất là tương đắc.
    Chùa rộng, vườn hoang, được phép sư già, gã rẫy cỏ, vỡ đất trồng ngô khoai, bầu bí, lại thêm mấy liếp rau xanh. Từ đó vui cảnh đời đạm bạc, trưa chiều ba chén cơm hẩm, sáng ra uống một bát nước trà tươi đặc, để chiêm nghiệm cái cồn cào sau một đêm bụng đói. Đêm đến, gã bắc chõng tre bên cội mai già, đầu gối lên khúc cây, nằm ngửa mà ngắm trời. Gã rất yêu trăng, nhưng lại khó tính, gã ghét những gì viên mãn tròn đầy, trăng mười lăm, mười sáu quá sáng, gã ví như người con gái đẹp mà kiêu. Những đêm trăng tròn, gã nằm sấp, úp mặt mà ngủ. Gã cũng ghét trăng thượng huyền, gã ví như hạng liễu ngõ, hoa tường, trời chưa kịp tối đã vội mọc. Gã chỉ yêu trăng hạ huyền. Trăng hạ huyền bắt gã nằm chờ, có khi tới nửa đêm, trăng như lá lúa mới dịu dàng nhô lên đầu ngọc trúc. Sương rơi càng nhiều, trăng hạ huyền càng đẹp, cái đẹp mung lung, hư huyễn.
    Một buổi tối, gã nằm khoèo đợi trăng rồi thiếp ngủ. Trong mộng, gã lại thấy mình lang thang vô định, quán gió, lều trăng, chân tuy mỏi, mà lòng không chán vẻ đẹp của đất trời. Một hôm gã ngược dòng suối trong, vượt lên thượng nguồn. Gã leo lên một mỏm đá nghỉ chân, mắt lơ đãng nhìn trời, ngắm đất. Gã chợt nhận ra dòng suối này thật lạ. Một dòng nước trong, đôi bờ khác biệt, bên này rừng hoang còi cọc, cảnh vật tiêu điều. Bên kia là rừng đào bát ngát, thoang thoảng hương bay, thấp thoáng sau dãy rừng là đình tạ trùng trùng, mái ngói cong, xanh biếc như mầu ngọc lưu li. Gã ngạc nhiên chưa dứt, bỗng thấy xa xa thấp thoáng một bóng người, đó là một ông lão trạc sáu mươi, đầu đội nón mê, thân khoác áo lá, tay vác cần câu, nét mặt lão hân hoan như đứa trẻ thơ. Thấy gã, ông lão nửa ngạc nhiên, nửa mừng rỡ :
    - Ôi huynh ông từ đâu tới, chắc là khách đường xa? Nơi đây hai mươi năm chưa từng có người lai vãng.
    - Thưa cụ, tôi là gã hành cước bốn phương, dừng chân vì cảnh lạ, không ngờ lại làm phiền đến cụ.
    - Phiền gì. Hai mươi năm mới gặp lại người đời, mừng còn chưa hết. Lại đây, lại đây với lão.
   Ông lão dẫn gã về một gian lều cỏ, đẩy cổng bước vào, lớn tiếng gọi :
    - Lão Nguyễn đâu rồi, hôm nay may thật, đã câu được hai con chép vàng, lại gặp khách qúy, lão mau ra đây giúp ta, làm bữa gỏi cá nhắm rượu.
   Cuộc rượu được bày bên bờ suối. Gã nghiêm trang hỏi :
    - Hai vị thân gửi rừng sâu, chí ở núi cao, chắc hẳn cũng là bậc danh sĩ trốn đời.
   Ông lão cười ha hả :
    - Danh sĩ gì bọn ta, ta với lão Nguyễn đây là lũ dân chài, đọc chưa xong cuốn kinh ba chữ, nhớ chưa nổi tên bẩy vị tiên hiền. Tấm thân lưu lạc tới đây cũng vì một cuộc vui dang dở. Huynh ông có từng nghe ai nhắc tới Lưu Thần, Nguyễn Triệu chưa? Là hai ta đó.
   Gã ngạc nhiên :
    - Hai vị là Lưu Thần, Nguyễn Triệu sao? Thuở nhỏ tôi ưa đọc ngoại thư, cũng được biết qua kỳ tích của hai vị.
    - Chuyện của hai ta, người đời vẽ rắn thêm chân, lại hoàn toàn thuật sai về chung cuộc. Này huynh ông, tháng này là cuối hạ, mà bên kia đào nở bạt ngàn, huynh ông thấy có lạ không? Chính là cõi Đào Nguyên đó.
    Lão họ Lưu chỉ dòng suối:
    - Đây là ranh giới giữa đôi bờ mộng thực. Bên này giá buốt, đá sỏi khô cằn, muốn tồn tại phải đổi bát mồ hôi lấy bát cơm. Bên kia là cõi Đào Nguyên, con người không phải lao lực, mà ba ngày một tiểu yến, năm ngày một đại yến, người đẹp lớp lớp như mây. Hai ta đã vượt qua ngọn suối này, lạc vào chốn Đào Nguyên, ba năm sau, chợt nhớ mùi đất mẹ, lại lội suối trở về.
    Thế rồi từng lời chậm rãi, lão kể lại chuyện xưa:
    - Trước kia, ta với lão Nguyễn vốn là bạn chài, cảnh nhà thanh bạch, hai ta đều còn mẹ già, lại thêm thê tróc, tử phọc, nhưng tính vốn thích ngao du. Một hôm hứng rượu, cứ theo dòng suối mà đi mãi tới thượng nguồn. Ngang tới vùng này, chợt thấy rừng đào đẹp, trái đào thơm, liền hăm hở lội qua dòng suối tiến vào, ai ngờ kẻ tục mà lạc tới Đào Nguyên. Người tiên vốn hiếu khách, gặp kẻ tục không chút tị hiềm, ân cần đón tiếp. Đào Nguyên cảnh như tranh vẽ, đào hồng, lựu thắm, liễu xanh xanh, khắp nơi gác tiá lầu son, vang lừng nhã nhạc. Hai ta lưu lại cõi tiên, làm cuộc đổi đời, từ một gã dân chài chân đất, áo thô, cơm ăn chỉ có tôm cá, nhà ở sang lắm là vách đất ba gian, gối tre, giường gỗ, phút chốc áo lụa xênh xang, nằm giường thất bảo, ở điện lưu li, ta với lão Nguyễn như lạc vào cõi mộng, quên cả quê nhà, quên cả công ơn mẹ hiền một nắng hai sương, nuôi con khôn lớn; quên cả người vợ tào khang, thịt da khét nắng, bắt ốc mò cua; quên cả những đứa con bụng ỏng, đít eo, mũi rãi lòng thòng. Để chúng ta quyết tâm đoạn tuyệt qúa khứ, bà Tây Vương mẫu quản cố Đào Nguyên đã gả cho ta và lão Nguyễn hai cô gái nhà trời. Vợ chúng ta ư ? Lũ ta thô lậu, không đủ lời mà diễn tả vẻ đẹp. Hôn lễ tưng bừng, khách tiên ba mươi sáu động đều đến chung vui. Yến tiệc ròng rã ba ngày, rượu quỳnh tương màu hổ phách tuôn như suối chảy, uống vào ngọt lịm, không có vị cháy cổ như rượu trắng quê nhà. Trong đêm hợp cẩn, vợ ta nâng chén giao bôi, nhìn ta nửa phần e thẹn, nửa phần băn khoăn:
    - Mối tình tiên tục của đôi ta không biết kéo dài được bao lâu? Cõi tiên không có răng long đầu bạc, nhưng tình người tiên cũng không kém thủy chung. Chỉ sợ hương lửa đang nồng, trạnh niềm cố quận, chàng lại bỏ thiếp bơ vơ.
   Ta cảm động cầm tay vợ rưng rưng:
    - Ta nửa đời cơ khổ, sớm đốn củi, chiều buông câu, ngày ngày vỡ đất khai hoang, lực đã tận mà miếng ăn chằng đủ. Nay gặp cuộc đổi đời, há còn mơ gì cảnh cũ. Ta xin thề với trời đất...
    Ta chưa kịp dứt câu thì nàng đã chận lại :
    - Chàng không phải thề, hai ta sống với nhau bằng cõi lòng, không bằng lời nói.
    Từ đó ta với lão Nguyễn sống ở cảnh tiên, ngày tháng tiêu dao, an nhàn cùng cực, tưởng chừng không hạnh phúc nào bằng. Nhưng lòng người thật lạ, sung sướng được hơn năm, ta bỗng gặp cái gì man mác, bâng khuâng trong ánh nhìn của lão Nguyễn, còn lòng ta cũng vời vợi nhớ thương. Một bữa ăn canh lý ngư, ta chợt nhớ bát canh cua đồng nấu với rau đay nhơn nhớt, uống chén rượu thanh mai dìu dịu, ta chợt nhớ tới rượu ngang xé lòng. Nghe gió heo may ta bỗng hoang mang, không biết đông giá quê nhà, mẹ hiền có được manh áo ấm? Rồi tết đến, vắng ta, con thơ có được tấm áo lụa để khoe với bạn bè? Rồi người vợ gầy còm, có đủ sức chăn bầy gà, ổ lợn làm kế sinh nhai? Tâm sự mang mang, ta với lão Nguyễn chẳng dám nói ra, nhưng cũng hiểu nhau qua tiếng thở dài bất chợt. Vợ tiên hình như linh cảm được điều gì bất ổn. Ở cõi tiên không có tình buồn, mà người tiên bỗng thấy lòng sầu vời vợi, đó là căn bệnh của cõi người lây tới thiên cung. Vợ ta dịu dàng, nhỏ nhẹ :
    - Không biết cảnh tiên có gì khiến chàng buồn? Không biết thiếp vụng về có gì làm chàng không vừa ý?
    Ta không dám nhìn nàng, cố thu hết can đảm:
    - Ta nhớ quê nhà.
    Vợ ta thở dài:
    - Cõi tiên không giống cõi trần, người tiên không giống người trần, thiếp đã biết trước sẽ có ngày hôm nay. Nhưng một ngày cõi tiên bằng ba năm dưới thế. Chàng đã dừng chân nơi đây ba năm, như vậy trở về quê nhà, chàng đâu còn gặp lại cảnh cũ, người xưa.
  Ta vẫn cúi đầu vụng về lập lại:
    - Ta nhớ quê nhà.
    Vợ ta ngậm ngùi, an phận :
    - Thôi đành vậy, chàng nên xin phép về quê, rồi mau mau trở lại cùng thiếp, thiếp mong.
    Ta với lão Nguyễn dừng chân bên bờ suối, nhìn lại cảnh tiên, lòng muôn vàn bịn rịn, nhưng tình quê vẫn thấy nặng hơn, nên đành dứt áo, vượt qua dòng suối, tìm lại quê nhà.
    Về gần đến quê, lòng ta hồi hộp, những mong chắp cánh mà bay, nhưng bước tới đầu thôn, chân bỗng ngập ngừng, một phút mải vui, ai dè chớp mắt đã ba năm, giờ về đây, những e mẹ già quở phạt, lại sợ vợ trẻ, con thơ trách móc vì mải vui quên cả gia đình. Sau phút bâng khuâng, ta bỗng nhận ra cảnh vật đổi sao dời, vẫn lũy tre xưa, nhưng xóm làng đổi mới, nhà nhà đều có hàng rào vây bọc, có lẽ lòng người đã khác xưa, không còn rộng mở. Nhà cũ của ta đây rồi, đón ta, con chó già nằm lười giữa sân lạnh lùng sủa hung hăng, rồi một ông lão trạc tám mươi, chống gậy ra mở cổng. Ông lão hoàn toàn xa lạ, nhìn ta ngơ ngác, không lẽ nhà ta đã đổi chủ. Ta vội hỏi:
    - Chắc cụ là người phương xa mới dọn tới đây.
    - Ông lầm rồi, dòng họ tôi đã bẩy đời lập nghiệp ở làng này, đây là nhà tôi sinh sống từ tấm bé.
    - Vậy không lẽ tôi lầm nhà, đây không phải là nhà Lưu Thần sao. Tôi là bạn cũ của Lưu Thần xin gặp.
    - Lưu Thần nào? - Ông lão nhíu mày - Tên này rất quen. À tôi nhớ ra rồi, tằng tổ tôi cũng có một người tên là Lưu Thần, nhưng nghe đâu cụ đã theo bạn nhập Đào Nguyên, từ đó bóng chim tăm cá, cả làng không được tin gì.
    Ta ngậm ngùi bỏ đi. Lão Nguyễn cũng gặp cảnh ngộ như ta. Đúng như lời người tiên đã nói, một ngày cõi tiên bằng ba năm dưới thế. Rồi đó ta và lão Nguyễn lại rủ nhau đi biệt. Hai ta đi đâu? Dị sử hoang ngôn, người đời nhiều chuyện, tất cả đều kể hai ta ở làng được ít lâu, không kham nổi cảnh đời cực khổ, lại lặn lội tìm về Đào Nguyên, nhưng mộng cũ mê đường, hai ta lạc lối. Đào Nguyên đâu không thấy, hai ta đi tìm, lang thang tới chết, chết đi vẫn hận, hoá thân thành loài di điểu, cứ mùa Đông lại bay về quê xưa.
   Lão Nguyễn ngừng kể, nhìn gã bâng khuâng:
    - Này huynh ông, thực ra hai ta vẫn tìm lại được chốn này và Đào Nguyên đang ở trước mặt, nhưng bọn ta đã dừng chân nơi đây, dựng lều bên suối hai mươi năm rồi, lòng vẫn dằng co, phân vân giữa đôi bờ mộng thực. Ở bên này bờ thì phải vỡ đất khai hoang, tận lực mưu sinh, qua bên kia bờ, cuộc sống tuy an nhàn sung sướng, nhưng lòng lại nhớ thương trùng trùng, nhớ bát canh cua ăn với quả cà, nhờ mùi thơm của hương luá mới, nhớ giọng ngọt ngào của lời mẹ ru con, nhớ cả những tiếng chửi thề, văng tục của bọn người kẻ chợ. Đi hay ở, bề ngoài tuy giản dị, nhưng sự chọn lựa bao giờ cũng đầy khắc nghiệt, cuộc chọn lựa kéo dài đã hai mươi năm.

   Buổi rượu đã hầu tàn, gió đêm gai gai trở lạnh, lúc ấy trăng hạ huyền vừa mọc, đâu đây văng vẳng tiếng trúc, tiếng tơ. Gã vốn là người yêu nhạc, ngơ ngẩn lắng nghe. Tiếng đàn thật lạ, không phải cung bậc ngũ âm, tiếng đàn tuyệt vời điêu luyện, nhưng sao không rung động lòng người, hình như trước sau chỉ có một giai điệu đầm ấm vui hoà, như chim muông ríu rít. Tiếng đàn không có cái xót xa của cảnh sớm họp, chiều tan, không có cái tái tê của cuộc tình lận đận, không có cái khắc khoải của người vợ trẻ trông chồng, không có cái chán chường, dằn vặt của gánh nặng áo cơm, cũng không có cái ray rứt của cuộc đời trăm cay, ngàn đắng, tiếng đàn như thiếu một chiều sâu lắng đọng của tâm tư. Tiếng đàn cõi tiên, đâu giống tiếng đàn của cõi người trùng trùng tâm sự. Lại có tiếng lão họ Lưu vang lên :
    - Bọn ta đã hai mươi năm phân vân chọn lựa. Hôm nay sẵn có huynh ông, chúng ta nên chăng dứt khoát một lần. Hay là huynh ông thử theo bọn ta... theo bọn ta lội qua dòng suối tìm cõi Đào Nguyên.
   Gã trang trọng hỏi :
    - Thưa cụ, cõi người có gì đáng chán ?
    - Cõi người "sinh, lão, bệnh, tử" không ai tránh khỏi, cơm áo, tình duyên, công danh sự nghiệp là vòng hệ lụy. Có một ước muốn là có một điều khổ, có trăm ước muốn là có trăm điều khổ, đời là bể khổ mênh mông.
    - Trời có khi nắng, khi mưa, tình có lúc đậm, lúc lạt, có đau khổ biệt ly thì mới sung sướng lúc đoàn viên, có đói cơm rách áo, mới thỏa lòng khi no đủ, nhịn đói ba ngày mới thấy món "mầm đá hầm" là ngon. Đó là cuộc đời muôn màu, nghìn sắc.
    "Sinh, lão, bệnh, tử" là điều không thể tránh, sao không bình thản mà chờ ? Có một nỗi khổ là có một niềm vui, có trăm nỗi khổ là có trăm niềm vui, sao không can đảm bước vào bể khổ để tìm lạc thú nhân sinh ?
Rồi gã lại hỏi :
    - Thưa cụ, cõi tiên có gì là vui ?
    - Cõi tiên không có tiếng khóc, tiếng than, chỉ có tiếng cười vui và nhã nhạc, không phải làm lụng mà vẫn có của ăn, mỗi bữa cơm thường đều như yến tiệc. Ở thì gác tiá lầu son, người đẹp lớp lớp như mây, trai như cây ngọc, gái như Hằng Nga. Tứ chứng nan y không có, mà tuổi thọ sánh ngang đất trời.
    - Tuổi thọ sánh như đất trời, mà trọn đời chỉ thấy một bề, như vậy còn gì chán hơn. Người người đều là cây ngọc, nhưng không có Chung Vô Diệm, sao biết Tây Thi là đẹp. Đã không đói khát thì cao lương mĩ vị lấy gì làm ngon. Không phải làm mà vẫn đầy đủ, sao biết được giá trị của miếng cơm manh áo. Như vậy đủ thấy không có gì nhàm chán bằng cảnh tiên đơn điệu, không có gì ấm áp bằng cõi người lênh đênh. Hai cụ có đi thì đi, còn tôi quyết chí quay về. 
    Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời vừa mọc, gã quẩy gói lên đường. Lên tới lưng đồi, gã dừng chân ngó lại. Vượt lên ngàn dặm hoa đào là lớp lớp đình tạ, mái ngói cong xanh biếc như màu ngọc lưu li. Bên bờ suối, hai lão Lưu, Nguyễn đang đứng tần ngần, hình như giằng co bất quyết. Chợt thấy lão họ Nguyễn bước nhanh vào bếp, lấy ra một mồi lửa, lão thẳng tay dí vào mái lá, lửa hồng theo nắng hạ bùng lên, phút chốc lều cỏ ra tro. Thấy gã còn đứng ở lưng đồi, hai lão đưa tay vẫy gọi rối rít, rồi tất cả chạy theo. Tới đỉnh đồi, cả ba dừng lại nhìn nhau, bất giác cả cười. Rồi Lưu Thần, Nguyễn Triệu cùng gã đồ gàn tay nắm tay, xuôi dòng suối trong, tìm lại cõi người.


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .