MÙA XUÂN TRÊN HÒN MỎ QUẠ
H
ạnh bưng thau quần áo đi men theo con đường mòn nhỏ giữa đám đậu xanh xuống suối. Con đường quen thuộc nàng thường đi hằng ngày, hôm nay nàng bỗng thấy như có sự đổi mới - cái nắng vàng tươi, sáng bừng đang dịu dàng chiếu xuống cả khu rừng, đồi núi. Bất chợt nàng thấy lòng hân hoan, khi nghe tiếng chim ríu rít quanh đây, và nàng như “thấy” mùa xuân đang về trên hòn Mỏ Quạ.
Hạnh ngước nhìn bầu trời trong xanh, chập chờn từng dải mây trắng; hít thở cái không khí mát dịu, lành lạnh của sương đêm còn sót lại. Phía trước nàng, những bụi chuối phía cuối rẫy vẫy những tàu lá rung rinh trong gió sớm, như đón chào ngày mới!.
Nàng bước lại chỗ tảng đá bằng phẳng đổ thau quần áo xuống, rồi thả chân xuống dòng nước trong vắt, nghe cái lạnh thâm u của núi rừng. Hạnh vò từng cái áo, cái quần, bỏ vào thau xà phòng vừa pha ngâm một lát rồi mới giặt. Hạnh nhìn qua phía bên kia bờ suối - những đóa mai rừng nở lác đác một màu vàng tinh khôi chen lẫn trong màu xanh dịu dàng của cây lá, cảnh sắc ban mai ấy gợi cho nàng một thoáng bâng khuâng. Nàng thì thầm: “Một mùa xuân thương đau nữa đang về!”.
-Chị Hạnh xuống suối sớm hen!
Hạnh cười với Nụ - con gái của chú thím Mân, đang xuống suối gánh nước:
-Hôm nay chị rỗi việc, nên xuống suối giặt đồ sớm. Em không đi chợ à?
-Dạ không! Bữa nay không có gì bán nên em không xuống chợ.
-Đường xa, lại đồi dốc, gập ghềnh, mỗi lần xuống chợ mất cả buổi. Khổ quá em nhỉ!
Nụ cười, giọng cô bé hồn nhiên:
-Vậy mà em thấy thích chị ơi! Ở đây, không ồn ào xe cộ, không ai tranh giành, ghen tỵ với mình. Muốn tắm thì xuống suối, không ai dòm ngó, thoải mái vô cùng! - Nói đến đây, cô bé chợt cười ha hả - Hồi mới đến đây, em cũng hơi buồn, nhưng lâu rồi quen dần, có thêm người trôi dạt đến, thấy thích, yêu mến mảnh đất này rồi chị.
Hạnh ngước lên nhìn cô bé lộ vẻ ngạc nhiên vì câu nói già dặn của Nụ:
- Phải tập yêu mến, thích nghi thôi em!- Hạnh cười vui, đất nào cũng hiền, chỉ có người dữ thôi mà em.
Đôi tay Hạnh nhanh nhẹn vò mớ quần áo trong thau xà phòng, rồi bỏ xuống suối xổ từng cái trong làn nước trong vắt, mát rượi. Cái gây lạnh của dòng suối, hơi thoảng mát dịu của sương đêm còn vương vất lại quanh đồi, khiến Hạnh bỗng thư thái, an vui hơn. Dường như bao nỗi buồn đau, lo toan cũng chìm dần trong trí nhớ. Nụ lên phía trên dòng suối, lấy đôi nước, rồi mang lại một tảng đá bên bờ suối ngồi chơi.
Giọng Nụ thân mật:
-Chị Hạnh này! Khi nào thì anh Tâm mới trở về vậy?
Nghe cô bé hỏi, Hạnh thấy lòng mình chùng xuống - một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn nàng.
Nàng gượng cười:
-Chim sổ lồng rồi biết bao giờ nhớ đến chiếc lồng cũ, em!
Cô bé im lặng, dường như cũng đã hiểu ra mọi điều.
Một mùa Xuân nữa lại về trên hòn Mỏ Quạ - thế là nàng đã đón ba mùa xuân trôi qua nơi đây, trên vùng rừng núi heo hút này. Ngày mới đến đây, nàng tưởng mình không chịu đựng nổi với cái lạnh, cái thâm u của núi rừng, với con đường gập ghềnh đèo dốc, cách trở xa xôi. Từ Lam Sơn, phải đạp xe hơn một giờ đường (nếu đi quen) về hướng Bắc, qua hai con suối, mới đến hòn Mỏ Quạ. Vào mùa lũ, nước chảy xiết không thể nào qua được, cả mấy gia đình xúm xít ở đây phải chịu cảnh thiếu gạo, thiếu mắm, chờ qua lũ mới xuống chợ được. Hạnh nhớ, mùa nước lũ đầu tiên khi nàng mới đến; vì quá bất ngờ không có sự chuẩn bị, nên nàng phải ăn bắp luộc thay cơm đến ba ngày, (may mà đám bắp vừa đến kỳ thu hoạch), nước rút mới xuống chợ mua gạo. Rồi quen dần. Đến mùa mưa, dù có túng thiếu không mua được gì, nhưng gạo và mắm phải có trong nhà, lỡ nước lũ về có gạo mà nấu.
Ở đây - có năm, bảy gia đình tá túc trong những túp nhà tranh, vách lá - dân làm cây, lấy củi, gọi họ là dân “xóm Rẫy”. Họ khai hoang đất rừng trồng thuốc lá, dưa hột, bắp, đậu, mùa nào trồng thứ nấy. Mỗi người đến từ mỗi nơi, từ một cảnh đời neo đơn nghèo khó, nhưng đùm bọc, thương nhau như bà con quyến thuộc. Hạnh được vợ chồng người anh họ giới thiệu, dẫn dắt đến đây, sang nhượng cho một mẫu đất rừng để trồng trọt. Thuở trước, nàng chỉ đi dạy, rồi về nhà làm những việc lặt vặt trong nhà, có bao giờ biết cầm cuốc là gì; vậy mà, chỉ mười ngày, nửa tháng, nàng quen dần với công việc, rồi thành thạo như bà con đã ở lâu năm nơi đây. Nghĩ lại, những tháng ngày còn ở quê nhà, nàng không biết làm gì để kiếm sống, khi bị “buộc phải nghỉ dạy” (vì có chồng vượt biển và cha đang cải tạo, học tập); khiến nàng bàng hoàng, thảng thốt. Hạnh cảm thấy chơi vơi, cô độc như kẻ bị rơi ào xuống hố sâu.
Nàng phải gởi hai đứa con nhỏ cho mẹ, rồi theo anh chị vào Mỏ Quạ, với niềm hy vọng sẽ có được một cuộc sống bình yên, với mảnh đất mới; rồi sẽ về đón các con vào chung sống sau khi ổn định. Nhìn quanh, những gia đình quây quần ở đây, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai; nhưng ai cũng mở lòng, cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ người đến sau. Một lần, cần ít tiền mua giống cho kịp thời vụ, Hạnh ghé nhà bác Sáu ở đầu dốc hỏi mượn; bác đã sẵn lòng, vui vẻ móc túi đếm từng tờ giấy bạc được bọc kỹ. Hạnh thấy ấm lòng, vì vẫn có nhiều tình yêu thương giữa chốn đèo heo hút gió này.
Hạnh quần quật với bao nhiêu là công việc, hết cuốc cỏ đám bắp, lại gieo trồng đậu xanh, chở chuối xuống chợ - chưa tính đến mùa thu hoạch, có khi không kịp ăn cơm. Hái đậu từ sáng sớm, đến trưa mỏi rã người cũng không có chút thời gian nghỉ ngơi; bởi còn phải đập, giũ, sàn sảy để lấy hạt, vì trưa nắng đập dễ bung hạt đậu; chiều lại phải ra rẫy hái tiếp. Nhiều khi mỏi quá, nàng phải quỳ gối xuống hái, có khi nằm nghỉ ngay luống đậu một lát, rồi trở dậy hái tiếp. Nàng hái cho đến khi nào hết mới thôi, không dám thuê mướn ai, bởi tiền đậu hái được, bán không đủ trả tiền công mướn. Thời gian cứ trôi qua cùng công việc, nàng không để ý gì đến ngày tháng, cứ mãi miết làm cho đến hết việc thì thôi. Nhưng công việc làm của nàng không bao giờ hết, cứ như dòng nước chảy, cuốn nàng trôi đi từng ngày.
**
Vừa thấy mẹ đạp xe về tới đầu rẫy, thằng Huy, con Hà chạy ùa ra mừng rỡ. Hạnh xuống xe, dắt chiếc xe nặng trĩu những bịch đồ mới mua vào nhà. Thằng Huy, con Hà chạy lúp xúp theo phía sau xe.
Thằng Huy hỏi:
-Mẹ mua gì mà nhiều vậy mẹ? Mua đồ tết hả mẹ?
Con Hà cười rạng rỡ:
-Đồ tết. Ôi vui quá!
Hạnh quay lại nhìn các con với đôi mắt rưng rưng:
-Ừ! Mẹ bán chuối được bao nhiêu mua sắm tết cho nhà mình rồi nè! Có cả quần áo mới của các con nữa đó!
Nhìn các con vui, Hạnh thấy lòng mình cũng ấm lại. Khó khổ, bươn chãi thế nào, cuối năm nàng cũng mua cho các con mỗi đứa một bộ quần áo mới, để chúng mặc vui chơi trong những ngày đầu năm mới - dù chúng chỉ đi ra, đi vào, hay loanh quanh năm, bảy ngôi nhà trong “xóm rẫy” này thôi. Mùa xuân chỉ thoáng ngang qua vùng Mỏ Quạ này vài hôm rồi đi mất.
Hạnh cho các con mặc thử quần áo mới mua. Nàng muốn nhìn chúng trong bộ áo quần mới, tuy với loại xoàng xỉnh, rẻ tiền, may sẵn. Thằng Huy cười tít mắt trong chiếc quần tây xanh, áo trắng, xoay qua, xoay lại trước mặt mẹ, luôn mồm: “Đẹp quá! Vừa vặn như thợ đo rồi cắt may, phải không mẹ?”. Còn con Hà, giọng líu lo: “Đẹp không mẹ? Đẹp không anh Hai?”. Hạnh bâng khuâng với niềm hạnh phúc hiếm hoi khi ngắm nhìn các con; sự vui mừng của chúng có lúc, khiến nàng có chút tủi thân!
Chú Mân vác cây cuốc trên rẫy về, ngang qua nhà nhìn thấy mấy mẹ con Hạnh đang thử đồ, nói vói vào:
-Chà! Mẹ con nhà này có đồ mới mặc ăn tết rồi đấy hở?
Hạnh cười vui:
-Dạ! Bán chuối mua cho tụi nhỏ mỗi đứa một bộ cho nó mừng á chú! Chú lên rẫy về hả?
-Tao lên vườn xoài coi thử, rầy quá cháu à! Năm nay chắc không đậu được bao nhiêu!
-Dạ! Mình phun thuốc chứ chú!
Chú Mân chép miệng:
-Thì phải vậy chứ sao cháu! - ông chép miệng, tiền mua thuốc cũng bộn mà. Thôi tao đi nghen!
-Dạ chú! Nói với thím hôm nào có đổ bánh thuẫn gọi cháu với nghen!
-Ừ!
Hạnh nhìn theo cái dáng gầy gò, xanh xao của chú Mân, lòng đầy thương cảm. Gia đình chú đã đến mảnh đất này như một mệnh số - Sau năm 1975, mọi người rủ nhau lên núi tìm trầm, đãi vàng, lấy cây, chặt củi; bởi ở quê không có việc gì để làm, không buôn bán được, mọi nhu phẩm như đường, gạo, café, vải vóc chuyên chở đi đều bị “quản lý thị trường”ngăn cấm, đóng thuế, hay tịch thu (đã có hợp tác xã mua bán). Ông Mân cuốn theo cơn lốc lên rừng tìm trầm, đãi vàng; vàng trầm đâu không thấy, mà sốt rét rừng hành hạ đến rụng hết tóc. Rồi ông theo người ta lên hòn Mỏ Quạ chặt cây, làm củi; thấy khu đất này vị trí thuận lợi, có suối nước chảy quanh năm; bèn đến đây khai hoang, trồng trọt. Ông chặt cây, dọn đá dồn vào từng đống nhỏ, rồi cuốc xới thành đất thục. Đất tốt, trồng gì cũng không cần phân bón, vẫn lên xanh, tươi tốt. Sau đó, ông đưa vợ con lên - gia đình ông là người đầu tiên khai hoang vùng đất lạ, hoang vắng này, rồi dần dần có gia đình ông bà Sáu, rồi thêm gia đình anh chị Nhu, mẹ con bà Sen. Bà Sen đang lâm cảnh neo đơn, buồn vì bị chồng ruồng bỏ, chạy theo một người phụ nữ khác; nên tìm lên rừng núi cho thân an. Bà đã buồn lo đến ngã bệnh tưởng không thể nào qua khỏi, nhưng rồi trời thương, bà khỏe dần, mạnh mẽ đứng lên, vượt qua nỗi đau, làm đủ việc để kiếm tiền nuôi con. Bà được ông Mân kêu vào rẫy cuốc cỏ giúp, rồi thấy cuộc đất vùng này tốt, quyết định vào đây khai hoang, trồng trọt luôn. Mọi người ở đây cũng muốn có thêm người vào sống cho đông vui, nên đều hết lòng giúp đỡ bà Sen những ngày đầu mới đến, như người thân ruột thịt ở quê. Hạnh là người “nhập cư” sau cùng ở đây.
Người này ở làm ăn được, rủ thêm người kia, cùng những mảnh đời nghèo khó như nhau, để cùng nhau đùm bọc. Ở quê, kiếm được bát gạo cho hôm nay, lại lo nghĩ đến ngày mai, rất bấp bênh; cho nên, dù tận trong vùng Mỏ Quạ xa xôi, đèo dốc, mà kiếm được cái ăn, họ vẫn tìm đến. Bấy giờ, đời sống của mọi người đang dần thu hẹp trong miếng ăn, cái mặc thôi!
Buổi trưa, nhân lúc các con ngủ, Hạnh đi vòng chung quanh rẫy chặt chuối để sáng ngày mai ra chợ. Dạo một vòng, nàng lựa những buồng chuối già chặt trước, bán dần; bởi mỗi ngày nàng chỉ có thể chở được ba, bốn buồng chuối xuống chợ mà thôi. Nàng nghĩ, mấy ngày giáp tết, ai cũng gắng mua vài nhánh chuối để cúng, bán có giá gần gấp đôi, lại bán nhanh, nên phải cố mà chở. Chặt chuối xong, nàng rọc một ít lá chuối, xếp lại gọn gàng từng xấp, bán cho người gói bánh chưng, bánh tét, cũng có thêm tiền. Hạnh tự nhủ, gắng chịu khó để có tiền mua sắm cho ba ngày tết, con cái ăn ngon một chút, và đổ một ít gạo vào cái lu trống.
Tối, quây quần chơi với con một chút rồi ba mẹ con đi ngủ. Thằng Huy, con Hà nằm xuống là ngủ khì, như việc chúng ăn, chúng chơi vậy. Hạnh nằm nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ, nhưng cứ trăn qua, trở lại, không thể nào chợp được mắt. Bao nhiêu nỗi trăn trở về cuộc đời, về ngày mai, cứ day dứt trong lòng. Nàng cảm thấy màn đêm vô cùng sâu thẳm, như muốn nuốt chửng nàng, khiến nàng chới với, hụt hẫng.
Nàng mở cửa, bước ra ngoài hiên. Trăng hạ tuần vằng vặc sáng soi khắp vùng đồi núi một màu vàng lung linh, mờ ảo; gợi nhớ những đêm trăng của một thời tuổi trẻ, xa xưa, khiến nàng bâng khuâng, xao xuyến. Và trong cái màu trăng liêu trai ấy, dường như thấp thoáng bóng người bạn tuổi thơ (nhà sát nhau, chỉ cách cái hàng rào) giành trăng với nàng thuở nào, chấp chới trong nàng. Kiều - tên người bạn, khoe với nàng: “Hạnh ơi! Qua nhà mình chơi ngắm trăng. Bạn thấy trăng của nhà mình sáng đẹp hông?”. Nàng đang đứng bên nhà nhìn lên trời, thấy trăng đang sáng ở trên đầu mình, liền trả lời: “Trăng của nhà mình, sao bạn nói của nhà bạn?”. Kiều liền cãi lại: “Của nhà mình đấy chứ!. Hổng tin, bạn qua đây xem nè!”. Nàng tức tốc chạy sang nhà bạn. Nhìn lên trời, nàng ngạc nhiên: “Ủa! Trăng của nhà mình sao lại sang đây vậy? Chắc tại mình sang nhà bạn nên trăng đi theo đó thôi”. Kiều cãi: “hổng phải, của nhà mình thiệt đó, nhà bạn làm gì có trăng?”. Chuyện tuổi thơ đã mấy mươi năm, tưởng đã mờ xa, bỗng dưng như trước mắt. Nàng cười một mình, nhớ nghĩ đến bạn - có lẽ, ở cõi xa xôi nào đó, Kiều cũng nhớ nàng, dù âm dương cách trở? Nhưng dù thế nào, kỷ niệm tuổi thơ, mỗi lần nhớ lại, cũng làm nàng nghe cay cay ở khóe mắt.
Đang bị ánh trăng cuốn hút, nàng muốn đi dạo, để ngắm nhìn cảnh núi đồi tĩnh mịch giữa đêm trăng thanh vắng. Nàng vào nhà, lấy chiếc khăn choàng lên đầu rồi bước vội ra vườn. Nàng đi ngược lên dòng suối - ánh trăng chứa chan một màu vàng lạnh lẽo, óng ánh trên những tán cây qua màn sương mỏng; cùng với tiếng róc rách của dòng suối, làm nàng thoáng bâng khuâng. Nàng thầm nghĩ, có lẽ mình nhạy cảm quá chăng, khi nhìn thấy một cảnh vật đẹp?. Nàng hít thở thật sâu, cánh rừng như huyền nhiệm hơn trong mắt nàng. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, cây lá rung lên xào xạc. Một vài con chim trong lùm cây bỗng bay vụt lên cao, cất tiếng kêu não nùng, hốt hoảng, càng làm cả cánh rừng thêm huyền bí, hoang vu.
Hạnh bước chậm rãi, đi dần lên đầu con thác. Tiếng nước đổ ầm ầm từ trên cao xuống, nghe vang dội cả khu rừng. Nàng ngồi trên tảng đá ngắm nhìn thác nước dưới trăng. Thác nước đổ tung bọt trắng xóa, óng ánh dưới trăng, gợi cho nàng nỗi nhớ thương mông lung.
Hạnh ngồi tắm mình trong ánh sáng dịu dàng, bao nhiêu nỗi buồn vui, khổ đau hạnh phúc - tất cả đan xen vào nhau, làm nàng bàng hoàng. Nàng cảm thấy mình thật nhỏ bé, giữa đất trời rộng lớn này. Nhìn lên trời cao, ánh trăng vẫn vằng vặc sáng, như thấu hiểu nỗi lòng nàng - nàng bỗng mạnh mẽ hơn, một niềm tin về ngày mai đang bừng sáng trong nàng. Có lẽ, ánh trăng huyền nhiệm trên cao, cho thêm sức mạnh và niềm hy vọng đang xanh mầm, réo gọi trong trái tim đơn côi của nàng.
Hạnh đứng dậy, choàng lại chiếc khăn trên đầu định trở về, nhưng vừa đứng dậy nhìn quanh lần cuối, nàng bỗng phát hiện rõ bóng người đang ngồi lặng im trên một tảng đá phía trên. Hạnh bước đến, thật chậm, như sợ bóng người tan đi. Bóng người như có linh cảm, chợt quay lại - hỏi lớn: “Cô Hạnh đó à?”.
-Dạ, Chị Sen.
Bà Sen vẫn ngồi im, như cũ - Hạnh nói:
-Chị cũng không ngủ được hay sao?
-Chị không ngủ được từ đầu mùa trăng, em à!
-Chị buồn lo gì nữa, cho thêm mệt?
-Làm sao không buồn, hở em?
-Xa quê, rời bà con xóm làng cũ lên núi, ai không buồn hả chị?
-Chị còn nỗi đau bị ruồng bỏ, bạc tình, làm chị càng cô độc ray rức mỗi đêm đặt lưng xuống giường - Bà Sen thở dài, ban ngày bận bịu thì thôi, chiều tối là buồn.
-Em nghĩ, số phận mình vậy, hãy sống cho riêng mình đi, thời gian đời người đâu còn dài để buồn thương viễn vong?
Bà Sen vẫn ngồi lặng lẽ.
Hạnh bước đến gần bà Sen hơn, như lời thầm thì:
-Người ta còn thương nhớ đến mình, thì mình mới thương nhớ, còn kẻ bạc tình vậy, chị nên quên phứt đi cho nhẹ gánh!
-Chị cũng sẽ vậy, nhưng lúc này, thì chưa làm được.
Hạnh đứng yên phía trước mặt bà Sen chờ đợi một lúc, thấy bà như đang lim dim ngủ. Nàng nói khẽ: “Chị ở lại, em về trước chứ để con thức dậy, khóc, nhé?”- rồi quay đi, vội vã, dường như muốn né tránh gương mặt đang khô cứng lại, dưới ánh trăng vàng bệch. Bước được vài bước, Hạnh ngoái lại nhìn - bà Sen vẫn ngồi im, như một tượng đá.
Đẩy cửa vào nhà, nàng rón rén nằm xuống bên các con, nhắm mắt.
***
Bé Hà thức dậy, nhìn sang bên cạnh không thấy mẹ, vội bước xuống giường đi ra nhà sau, gọi. Hạnh đang chuẩn bị mâm cơm chay cúng ông bà sáng Mùng Một, nghe tiếng con gái gọi, liền lên tiếng:
-Con đánh răng súc miệng rồi vào gọi anh dậy, Mùng Một không được ngủ nướng.
Bé Hà “dạ”, rồi chạy lên đập mạnh vào người anh trai, giục:
-Dậy đi! Dậy nhanh anh Hai. Mẹ gọi dậy, sáng Mùng Một Tết rồi kìa!
Thằng Huy vùng dậy, nói nhanh:
-Sáng rồi hở? - giọng tỉnh táo, mừng rỡ - tới Tết rồi.
Huy vội vàng chạy xuống nhà sau, reo lên: “Tới Tết rồi.Tết rồi, mẹ ơi! Tới tết rồi”. Hạnh nhìn thấy con trai mừng vui, lòng mình cũng rộn ràng.
Nàng nhìn con từ đầu đến chân, dặn:
-Các con đi đánh răng súc miệng cho sạch sẽ, rồi chuẩn bị lạy ông bà sáng Mùng Một.
Bé Hà nhanh nhảu:
-Thay đồ mới nữa chứ mẹ!
-Ừ! Thay đồ mới nữa.
Hai đứa trẻ chạy đi đánh răng, súc miệng, cười nói huyên thuyên, rối rít. Sự mừng vui của chúng làm căn nhà nhỏ bé, hiu quạnh nhộn nhịp hẳn lên. Hạnh nghe mùa Xuân như đang phả vào ngôi nhà tranh vách lá tạm bợ của mẹ con nàng bầu không khí ấm áp, tươi vui, đầy sức sống. Nàng nhớ lại thuở nhỏ của mình - tối ba mươi, lòng nàng cứ trạo trực, không muốn đi ngủ, dù ba mẹ nàng luôn giục “ngủ đi, sáng mai là mùng một rồi”. Nàng cứ chờ đợi cái giây phút “giao thừa” năm cũ bước qua năm mới - chờ mãi, chờ mãi, rồi đôi mắt ríu lại lúc nào chẳng hay. Năm nào cũng ngủ quên, đến khi gần sáng mới giật mình thức dậy.
Thằng Huy và con Hà mặc đồ mới đi ra, đi vào, cười nói rộn ràng, phụ giúp mẹ lấy cái chén, đôi đũa, bày mâm cúng, mang lên bàn, rồi ra ngoài sân nhìn sang nhà hàng xóm. Hạnh nhắc nhở:
-Các con không được qua nhà hàng xóm sớm đấy nghen. Đầu năm phải kiêng cữ!
Bé Hà thắc mắc:
-Sao lại phải kiêng cữ? Kiêng cữ cái gì, hở mẹ? Tết vui mà!
Hạnh tươi cười, giải thích:
-Vì người ta nghĩ, người đầu tiên đến nhà đầu năm mới, sẽ là người mang vận may, hay rủi ro đến cho cả năm, thường gọi là “đạp đất”.
-Vậy đến khi nào tụi con mới được qua nhà thằng Bi, con Nở chơi? - nói rồi, Hà quay sang anh, chắc tụi nó cũng bị lấn quẩn trong nhà, ngoài sân như anh em mình bây giờ chứ gì, phải hông anh Hai?.
Hạnh nghiêm giọng:
-Lát nữa có ai đến thăm nhà, chúc Tết, các con phải vòng tay thưa chào đàng hoàng đấy nghe chưa? Thủng thỉnh trưa một chút mới được đi chơi xa.
-Dạ! Tụi con biết rồi mẹ!
Buổi sáng đầu năm mới trông thật khác lạ - Ánh nắng trong trẻo chiếu xuống khắp đồi núi một màu vàng ấm áp. Những khúc ca xuân rộn ràng từ chiếc máy cassette cũ phía nhà anh Nhu vọng lại - mùa xuân như đầy nhựa sống căng tràn khắp ngọn đồi hoang vắng này. Nàng rửa mặt, thay quần áo, rồi thắp nén hương đứng trước bàn thờ - khấn nguyện, “xin một năm mới an lành, sức khỏe”, không quên cầu ơn trên gia hộ cho bà con, làng xóm ở quê nhà.
Anh chị Nhu ăn mặc chỉnh tề, dắt bé Na - đứa con gái tám tuổi của anh chị, sang “đạp đất”, chúc tết mấy mẹ con Hạnh. Vừa bước vào nhà, anh chị Nhu nói lớn - giọng vui vẻ:
-Chúc mừng năm mới mẹ con em!
Hạnh cười tươi, đón anh chị vào nhà, rót tách nước trà, giở hộp bánh đặt sẵn trên bàn, mời:
-Chúc mừng năm mới anh chị! Cảm ơn anh chị đã đến xông đất nhà em. Mời anh chị ăn cái bánh, uống tách nước trà đầu năm - Hạnh tâm sự, năm nay em không làm gì hết, chỉ riêm ký gừng, và đổ ít bánh thuẫn thôi - nàng chợt cười vui, À, anh chị có đi chùa lễ Phật đầu năm không?
Chị Nhu mỉm cười:
-Chắc chiều mới đi. Cô Hạnh có đi không?
-Dạ! Chắc lát nữa em đưa hai đứa nhỏ đi chùa lễ Phật đầu năm, rồi qua xóm Thượng cho tụi nhỏ chơi một lát rồi về, đó chị.
Anh Nhu góp chuyện:
-Quanh năm ở mãi trong “hóc núi” này miết, cô cho tụi nó đi chơi chớ tội. Mình, bị giam sao cũng được, nghĩ thương mấy đứa nhỏ. Tội nghiệp.
-Cũng đành phải chịu vậy, chứ sao anh! Biết làm sao hơn được?.
-Bây giờ ở đây, trồng được thứ này, thứ nọ, bớt lo; chớ hồi đó, khổ lắm cô ơi! Tôi chuyên sống bằng nghề “làm cây”, quanh năm ở trong rừng, một hai tuần mới về nhà một lần. Không có nghề nghiệp gì, cũng không có rẻo ruộng, sống làm sao trong buổi giao thời khó khăn, “gạo châu củi quế” này, hở cô?. Có lần, tôi làm cây ở đây, thấy gia đình ông Mân trồng cả hecta xoài, và mấy mẫu đậu xanh tươi tốt. Tôi nghĩ, sao mình lại không vào đây khai hoang, trồng trọt để có một cuộc sống ổn định, an cư - ở đây đất tốt, lại không phải mua, mình có thể trồng cây gì tùy thích. Thế là, tôi vào đây phát rẫy trồng bắp, trồng đậu như ông Mân. Sau một thời gian, mới về đưa bả và mấy đứa nhỏ vào đó chớ.
Thằng Huy dắt con Hà và Na ra ngoài hiên, ba đứa cười nói rôm rả. Trò chuyện một lúc, cả ba bày chơi rượt bắt, nói cười vang vang, vui vẻ. Tiếng cười reo hồn nhiên của chúng, át cả tiếng nói chuyện của người lớn trong nhà. Anh chị Nhu gọi ba đứa vào nhà, lì xì cho anh em Huy mỗi đứa một phong bì màu đỏ. Anh dặn:
-Cậu lì xì cho hai cháu đây. Năm mới chăm ngoan, học giỏi hơn năm cũ đó nghen!
Huy nhanh nhảu:
-Dạ cháu cảm ơn cậu! Chúc cậu mợ năm mới sức khỏe!
Chị Nhu cười:
-Thằng này giỏi nhỉ! Chúc sức khỏe là nhất đó con. Chỉ cần có sức khỏe, là có tất cả. Giàu sang mà không có sức khỏe, thì để làm gì.
Được khen, Huy cười rạng rỡ, gương mặt nó chợt đỏ lên.
Nhận bì lì xì cầm trên tay, Hà rất vui, nhưng có phần mắc cỡ. Nó cúi mặt, nói lí nhí:
-Dạ! Con cảm ơn cậu!
Chị Nhu xoa lên đầu Hà, giọng trìu mến:
-Thương quá! Cô Hạnh nuôi dạy con giỏi thiêt. Phải chi ở dưới làng, cho tụi nó đi chơi Tết với nhau, ở đây chúng thiệt thòi quá!
Hạnh cười:
-Biết sao được chị ơi! Thôi kệ vậy, miễn có việc để làm, có cái để con ăn đi học, ở đâu cũng được, rồi sẽ quen thôi.
Nàng mở bóp, lì xì cho bé Na. Ba đứa chạy ùa ra sân.
Nhìn tụi trẻ, nàng thấy ấm lòng, sắc xuân hồn nhiên hiện hữu khắp nơi - từ núi rừng đến phố thị, không phân biệt. Niềm vui của trẻ thơ truyền sang người lớn, như truyền sức sống mới mầu nhiệm.
Tiếng ông Mân vui vẻ từ đầu ngõ: “Chúc mừng năm mới, cô Hạnh” nghe rộn ràng hẳn lên. Không khí mùa xuân có lẽ đã tràn ngập vào căn nhà nhỏ của mẹ con nàng.
Ánh nắng đã lên cao, sáng bừng, chan hòa ấm áp, thương yêu!
Những ngày cuối tháng 9/2019
H ạnh bưng thau quần áo đi men theo con đường mòn nhỏ giữa đám đậu xanh xuống suối. Con đường quen thuộc nàng thường đi hằng ngày, hôm nay nàng bỗng thấy như có sự đổi mới - cái nắng vàng tươi, sáng bừng đang dịu dàng chiếu xuống cả khu rừng, đồi núi. Bất chợt nàng thấy lòng hân hoan, khi nghe tiếng chim ríu rít quanh đây, và nàng như “thấy” mùa xuân đang về trên hòn Mỏ Quạ.
Hạnh ngước nhìn bầu trời trong xanh, chập chờn từng dải mây trắng; hít thở cái không khí mát dịu, lành lạnh của sương đêm còn sót lại. Phía trước nàng, những bụi chuối phía cuối rẫy vẫy những tàu lá rung rinh trong gió sớm, như đón chào ngày mới!.
Nàng bước lại chỗ tảng đá bằng phẳng đổ thau quần áo xuống, rồi thả chân xuống dòng nước trong vắt, nghe cái lạnh thâm u của núi rừng. Hạnh vò từng cái áo, cái quần, bỏ vào thau xà phòng vừa pha ngâm một lát rồi mới giặt. Hạnh nhìn qua phía bên kia bờ suối - những đóa mai rừng nở lác đác một màu vàng tinh khôi chen lẫn trong màu xanh dịu dàng của cây lá, cảnh sắc ban mai ấy gợi cho nàng một thoáng bâng khuâng. Nàng thì thầm: “Một mùa xuân thương đau nữa đang về!”. -Chị Hạnh xuống suối sớm hen!
Hạnh cười với Nụ - con gái của chú thím Mân, đang xuống suối gánh nước:
-Hôm nay chị rỗi việc, nên xuống suối giặt đồ sớm. Em không đi chợ à?
-Dạ không! Bữa nay không có gì bán nên em không xuống chợ.
-Đường xa, lại đồi dốc, gập ghềnh, mỗi lần xuống chợ mất cả buổi. Khổ quá em nhỉ!
Nụ cười, giọng cô bé hồn nhiên:
-Vậy mà em thấy thích chị ơi! Ở đây, không ồn ào xe cộ, không ai tranh giành, ghen tỵ với mình. Muốn tắm thì xuống suối, không ai dòm ngó, thoải mái vô cùng! - Nói đến đây, cô bé chợt cười ha hả - Hồi mới đến đây, em cũng hơi buồn, nhưng lâu rồi quen dần, có thêm người trôi dạt đến, thấy thích, yêu mến mảnh đất này rồi chị.
Hạnh ngước lên nhìn cô bé lộ vẻ ngạc nhiên vì câu nói già dặn của Nụ:
- Phải tập yêu mến, thích nghi thôi em!- Hạnh cười vui, đất nào cũng hiền, chỉ có người dữ thôi mà em.
Đôi tay Hạnh nhanh nhẹn vò mớ quần áo trong thau xà phòng, rồi bỏ xuống suối xổ từng cái trong làn nước trong vắt, mát rượi. Cái gây lạnh của dòng suối, hơi thoảng mát dịu của sương đêm còn vương vất lại quanh đồi, khiến Hạnh bỗng thư thái, an vui hơn. Dường như bao nỗi buồn đau, lo toan cũng chìm dần trong trí nhớ. Nụ lên phía trên dòng suối, lấy đôi nước, rồi mang lại một tảng đá bên bờ suối ngồi chơi.
Giọng Nụ thân mật:
-Chị Hạnh này! Khi nào thì anh Tâm mới trở về vậy?
Nghe cô bé hỏi, Hạnh thấy lòng mình chùng xuống - một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn nàng.
Nàng gượng cười:
-Chim sổ lồng rồi biết bao giờ nhớ đến chiếc lồng cũ, em!
Cô bé im lặng, dường như cũng đã hiểu ra mọi điều.
Một mùa Xuân nữa lại về trên hòn Mỏ Quạ - thế là nàng đã đón ba mùa xuân trôi qua nơi đây, trên vùng rừng núi heo hút này. Ngày mới đến đây, nàng tưởng mình không chịu đựng nổi với cái lạnh, cái thâm u của núi rừng, với con đường gập ghềnh đèo dốc, cách trở xa xôi. Từ Lam Sơn, phải đạp xe hơn một giờ đường (nếu đi quen) về hướng Bắc, qua hai con suối, mới đến hòn Mỏ Quạ. Vào mùa lũ, nước chảy xiết không thể nào qua được, cả mấy gia đình xúm xít ở đây phải chịu cảnh thiếu gạo, thiếu mắm, chờ qua lũ mới xuống chợ được. Hạnh nhớ, mùa nước lũ đầu tiên khi nàng mới đến; vì quá bất ngờ không có sự chuẩn bị, nên nàng phải ăn bắp luộc thay cơm đến ba ngày, (may mà đám bắp vừa đến kỳ thu hoạch), nước rút mới xuống chợ mua gạo. Rồi quen dần. Đến mùa mưa, dù có túng thiếu không mua được gì, nhưng gạo và mắm phải có trong nhà, lỡ nước lũ về có gạo mà nấu.
Ở đây - có năm, bảy gia đình tá túc trong những túp nhà tranh, vách lá - dân làm cây, lấy củi, gọi họ là dân “xóm Rẫy”. Họ khai hoang đất rừng trồng thuốc lá, dưa hột, bắp, đậu, mùa nào trồng thứ nấy. Mỗi người đến từ mỗi nơi, từ một cảnh đời neo đơn nghèo khó, nhưng đùm bọc, thương nhau như bà con quyến thuộc. Hạnh được vợ chồng người anh họ giới thiệu, dẫn dắt đến đây, sang nhượng cho một mẫu đất rừng để trồng trọt. Thuở trước, nàng chỉ đi dạy, rồi về nhà làm những việc lặt vặt trong nhà, có bao giờ biết cầm cuốc là gì; vậy mà, chỉ mười ngày, nửa tháng, nàng quen dần với công việc, rồi thành thạo như bà con đã ở lâu năm nơi đây. Nghĩ lại, những tháng ngày còn ở quê nhà, nàng không biết làm gì để kiếm sống, khi bị “buộc phải nghỉ dạy” (vì có chồng vượt biển và cha đang cải tạo, học tập); khiến nàng bàng hoàng, thảng thốt. Hạnh cảm thấy chơi vơi, cô độc như kẻ bị rơi ào xuống hố sâu.
Nàng phải gởi hai đứa con nhỏ cho mẹ, rồi theo anh chị vào Mỏ Quạ, với niềm hy vọng sẽ có được một cuộc sống bình yên, với mảnh đất mới; rồi sẽ về đón các con vào chung sống sau khi ổn định. Nhìn quanh, những gia đình quây quần ở đây, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai; nhưng ai cũng mở lòng, cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ người đến sau. Một lần, cần ít tiền mua giống cho kịp thời vụ, Hạnh ghé nhà bác Sáu ở đầu dốc hỏi mượn; bác đã sẵn lòng, vui vẻ móc túi đếm từng tờ giấy bạc được bọc kỹ. Hạnh thấy ấm lòng, vì vẫn có nhiều tình yêu thương giữa chốn đèo heo hút gió này.
Hạnh quần quật với bao nhiêu là công việc, hết cuốc cỏ đám bắp, lại gieo trồng đậu xanh, chở chuối xuống chợ - chưa tính đến mùa thu hoạch, có khi không kịp ăn cơm. Hái đậu từ sáng sớm, đến trưa mỏi rã người cũng không có chút thời gian nghỉ ngơi; bởi còn phải đập, giũ, sàn sảy để lấy hạt, vì trưa nắng đập dễ bung hạt đậu; chiều lại phải ra rẫy hái tiếp. Nhiều khi mỏi quá, nàng phải quỳ gối xuống hái, có khi nằm nghỉ ngay luống đậu một lát, rồi trở dậy hái tiếp. Nàng hái cho đến khi nào hết mới thôi, không dám thuê mướn ai, bởi tiền đậu hái được, bán không đủ trả tiền công mướn. Thời gian cứ trôi qua cùng công việc, nàng không để ý gì đến ngày tháng, cứ mãi miết làm cho đến hết việc thì thôi. Nhưng công việc làm của nàng không bao giờ hết, cứ như dòng nước chảy, cuốn nàng trôi đi từng ngày.
Vừa thấy mẹ đạp xe về tới đầu rẫy, thằng Huy, con Hà chạy ùa ra mừng rỡ. Hạnh xuống xe, dắt chiếc xe nặng trĩu những bịch đồ mới mua vào nhà. Thằng Huy, con Hà chạy lúp xúp theo phía sau xe.
Thằng Huy hỏi:
-Mẹ mua gì mà nhiều vậy mẹ? Mua đồ tết hả mẹ?
Con Hà cười rạng rỡ:
-Đồ tết. Ôi vui quá!
Hạnh quay lại nhìn các con với đôi mắt rưng rưng:
-Ừ! Mẹ bán chuối được bao nhiêu mua sắm tết cho nhà mình rồi nè! Có cả quần áo mới của các con nữa đó!
Nhìn các con vui, Hạnh thấy lòng mình cũng ấm lại. Khó khổ, bươn chãi thế nào, cuối năm nàng cũng mua cho các con mỗi đứa một bộ quần áo mới, để chúng mặc vui chơi trong những ngày đầu năm mới - dù chúng chỉ đi ra, đi vào, hay loanh quanh năm, bảy ngôi nhà trong “xóm rẫy” này thôi. Mùa xuân chỉ thoáng ngang qua vùng Mỏ Quạ này vài hôm rồi đi mất.
Hạnh cho các con mặc thử quần áo mới mua. Nàng muốn nhìn chúng trong bộ áo quần mới, tuy với loại xoàng xỉnh, rẻ tiền, may sẵn. Thằng Huy cười tít mắt trong chiếc quần tây xanh, áo trắng, xoay qua, xoay lại trước mặt mẹ, luôn mồm: “Đẹp quá! Vừa vặn như thợ đo rồi cắt may, phải không mẹ?”. Còn con Hà, giọng líu lo: “Đẹp không mẹ? Đẹp không anh Hai?”. Hạnh bâng khuâng với niềm hạnh phúc hiếm hoi khi ngắm nhìn các con; sự vui mừng của chúng có lúc, khiến nàng có chút tủi thân!
Chú Mân vác cây cuốc trên rẫy về, ngang qua nhà nhìn thấy mấy mẹ con Hạnh đang thử đồ, nói vói vào:
-Chà! Mẹ con nhà này có đồ mới mặc ăn tết rồi đấy hở?
Hạnh cười vui:
-Dạ! Bán chuối mua cho tụi nhỏ mỗi đứa một bộ cho nó mừng á chú! Chú lên rẫy về hả?
-Tao lên vườn xoài coi thử, rầy quá cháu à! Năm nay chắc không đậu được bao nhiêu!
-Dạ! Mình phun thuốc chứ chú!
Chú Mân chép miệng:
-Thì phải vậy chứ sao cháu! - ông chép miệng, tiền mua thuốc cũng bộn mà. Thôi tao đi nghen!
-Dạ chú! Nói với thím hôm nào có đổ bánh thuẫn gọi cháu với nghen!
-Ừ!
Hạnh nhìn theo cái dáng gầy gò, xanh xao của chú Mân, lòng đầy thương cảm. Gia đình chú đã đến mảnh đất này như một mệnh số - Sau năm 1975, mọi người rủ nhau lên núi tìm trầm, đãi vàng, lấy cây, chặt củi; bởi ở quê không có việc gì để làm, không buôn bán được, mọi nhu phẩm như đường, gạo, café, vải vóc chuyên chở đi đều bị “quản lý thị trường”ngăn cấm, đóng thuế, hay tịch thu (đã có hợp tác xã mua bán). Ông Mân cuốn theo cơn lốc lên rừng tìm trầm, đãi vàng; vàng trầm đâu không thấy, mà sốt rét rừng hành hạ đến rụng hết tóc. Rồi ông theo người ta lên hòn Mỏ Quạ chặt cây, làm củi; thấy khu đất này vị trí thuận lợi, có suối nước chảy quanh năm; bèn đến đây khai hoang, trồng trọt. Ông chặt cây, dọn đá dồn vào từng đống nhỏ, rồi cuốc xới thành đất thục. Đất tốt, trồng gì cũng không cần phân bón, vẫn lên xanh, tươi tốt. Sau đó, ông đưa vợ con lên - gia đình ông là người đầu tiên khai hoang vùng đất lạ, hoang vắng này, rồi dần dần có gia đình ông bà Sáu, rồi thêm gia đình anh chị Nhu, mẹ con bà Sen. Bà Sen đang lâm cảnh neo đơn, buồn vì bị chồng ruồng bỏ, chạy theo một người phụ nữ khác; nên tìm lên rừng núi cho thân an. Bà đã buồn lo đến ngã bệnh tưởng không thể nào qua khỏi, nhưng rồi trời thương, bà khỏe dần, mạnh mẽ đứng lên, vượt qua nỗi đau, làm đủ việc để kiếm tiền nuôi con. Bà được ông Mân kêu vào rẫy cuốc cỏ giúp, rồi thấy cuộc đất vùng này tốt, quyết định vào đây khai hoang, trồng trọt luôn. Mọi người ở đây cũng muốn có thêm người vào sống cho đông vui, nên đều hết lòng giúp đỡ bà Sen những ngày đầu mới đến, như người thân ruột thịt ở quê. Hạnh là người “nhập cư” sau cùng ở đây.
Người này ở làm ăn được, rủ thêm người kia, cùng những mảnh đời nghèo khó như nhau, để cùng nhau đùm bọc. Ở quê, kiếm được bát gạo cho hôm nay, lại lo nghĩ đến ngày mai, rất bấp bênh; cho nên, dù tận trong vùng Mỏ Quạ xa xôi, đèo dốc, mà kiếm được cái ăn, họ vẫn tìm đến. Bấy giờ, đời sống của mọi người đang dần thu hẹp trong miếng ăn, cái mặc thôi!
Buổi trưa, nhân lúc các con ngủ, Hạnh đi vòng chung quanh rẫy chặt chuối để sáng ngày mai ra chợ. Dạo một vòng, nàng lựa những buồng chuối già chặt trước, bán dần; bởi mỗi ngày nàng chỉ có thể chở được ba, bốn buồng chuối xuống chợ mà thôi. Nàng nghĩ, mấy ngày giáp tết, ai cũng gắng mua vài nhánh chuối để cúng, bán có giá gần gấp đôi, lại bán nhanh, nên phải cố mà chở. Chặt chuối xong, nàng rọc một ít lá chuối, xếp lại gọn gàng từng xấp, bán cho người gói bánh chưng, bánh tét, cũng có thêm tiền. Hạnh tự nhủ, gắng chịu khó để có tiền mua sắm cho ba ngày tết, con cái ăn ngon một chút, và đổ một ít gạo vào cái lu trống.
Tối, quây quần chơi với con một chút rồi ba mẹ con đi ngủ. Thằng Huy, con Hà nằm xuống là ngủ khì, như việc chúng ăn, chúng chơi vậy. Hạnh nằm nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ, nhưng cứ trăn qua, trở lại, không thể nào chợp được mắt. Bao nhiêu nỗi trăn trở về cuộc đời, về ngày mai, cứ day dứt trong lòng. Nàng cảm thấy màn đêm vô cùng sâu thẳm, như muốn nuốt chửng nàng, khiến nàng chới với, hụt hẫng.
Nàng mở cửa, bước ra ngoài hiên. Trăng hạ tuần vằng vặc sáng soi khắp vùng đồi núi một màu vàng lung linh, mờ ảo; gợi nhớ những đêm trăng của một thời tuổi trẻ, xa xưa, khiến nàng bâng khuâng, xao xuyến. Và trong cái màu trăng liêu trai ấy, dường như thấp thoáng bóng người bạn tuổi thơ (nhà sát nhau, chỉ cách cái hàng rào) giành trăng với nàng thuở nào, chấp chới trong nàng. Kiều - tên người bạn, khoe với nàng: “Hạnh ơi! Qua nhà mình chơi ngắm trăng. Bạn thấy trăng của nhà mình sáng đẹp hông?”. Nàng đang đứng bên nhà nhìn lên trời, thấy trăng đang sáng ở trên đầu mình, liền trả lời: “Trăng của nhà mình, sao bạn nói của nhà bạn?”. Kiều liền cãi lại: “Của nhà mình đấy chứ!. Hổng tin, bạn qua đây xem nè!”. Nàng tức tốc chạy sang nhà bạn. Nhìn lên trời, nàng ngạc nhiên: “Ủa! Trăng của nhà mình sao lại sang đây vậy? Chắc tại mình sang nhà bạn nên trăng đi theo đó thôi”. Kiều cãi: “hổng phải, của nhà mình thiệt đó, nhà bạn làm gì có trăng?”. Chuyện tuổi thơ đã mấy mươi năm, tưởng đã mờ xa, bỗng dưng như trước mắt. Nàng cười một mình, nhớ nghĩ đến bạn - có lẽ, ở cõi xa xôi nào đó, Kiều cũng nhớ nàng, dù âm dương cách trở? Nhưng dù thế nào, kỷ niệm tuổi thơ, mỗi lần nhớ lại, cũng làm nàng nghe cay cay ở khóe mắt.
Đang bị ánh trăng cuốn hút, nàng muốn đi dạo, để ngắm nhìn cảnh núi đồi tĩnh mịch giữa đêm trăng thanh vắng. Nàng vào nhà, lấy chiếc khăn choàng lên đầu rồi bước vội ra vườn. Nàng đi ngược lên dòng suối - ánh trăng chứa chan một màu vàng lạnh lẽo, óng ánh trên những tán cây qua màn sương mỏng; cùng với tiếng róc rách của dòng suối, làm nàng thoáng bâng khuâng. Nàng thầm nghĩ, có lẽ mình nhạy cảm quá chăng, khi nhìn thấy một cảnh vật đẹp?. Nàng hít thở thật sâu, cánh rừng như huyền nhiệm hơn trong mắt nàng. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, cây lá rung lên xào xạc. Một vài con chim trong lùm cây bỗng bay vụt lên cao, cất tiếng kêu não nùng, hốt hoảng, càng làm cả cánh rừng thêm huyền bí, hoang vu.
Hạnh bước chậm rãi, đi dần lên đầu con thác. Tiếng nước đổ ầm ầm từ trên cao xuống, nghe vang dội cả khu rừng. Nàng ngồi trên tảng đá ngắm nhìn thác nước dưới trăng. Thác nước đổ tung bọt trắng xóa, óng ánh dưới trăng, gợi cho nàng nỗi nhớ thương mông lung.
Hạnh ngồi tắm mình trong ánh sáng dịu dàng, bao nhiêu nỗi buồn vui, khổ đau hạnh phúc - tất cả đan xen vào nhau, làm nàng bàng hoàng. Nàng cảm thấy mình thật nhỏ bé, giữa đất trời rộng lớn này. Nhìn lên trời cao, ánh trăng vẫn vằng vặc sáng, như thấu hiểu nỗi lòng nàng - nàng bỗng mạnh mẽ hơn, một niềm tin về ngày mai đang bừng sáng trong nàng. Có lẽ, ánh trăng huyền nhiệm trên cao, cho thêm sức mạnh và niềm hy vọng đang xanh mầm, réo gọi trong trái tim đơn côi của nàng.
Hạnh đứng dậy, choàng lại chiếc khăn trên đầu định trở về, nhưng vừa đứng dậy nhìn quanh lần cuối, nàng bỗng phát hiện rõ bóng người đang ngồi lặng im trên một tảng đá phía trên. Hạnh bước đến, thật chậm, như sợ bóng người tan đi. Bóng người như có linh cảm, chợt quay lại - hỏi lớn: “Cô Hạnh đó à?”.
-Dạ, Chị Sen.
Bà Sen vẫn ngồi im, như cũ - Hạnh nói:
-Chị cũng không ngủ được hay sao?
-Chị không ngủ được từ đầu mùa trăng, em à!
-Chị buồn lo gì nữa, cho thêm mệt?
-Làm sao không buồn, hở em?
-Xa quê, rời bà con xóm làng cũ lên núi, ai không buồn hả chị?
-Chị còn nỗi đau bị ruồng bỏ, bạc tình, làm chị càng cô độc ray rức mỗi đêm đặt lưng xuống giường - Bà Sen thở dài, ban ngày bận bịu thì thôi, chiều tối là buồn.
-Em nghĩ, số phận mình vậy, hãy sống cho riêng mình đi, thời gian đời người đâu còn dài để buồn thương viễn vong?
Bà Sen vẫn ngồi lặng lẽ.
Hạnh bước đến gần bà Sen hơn, như lời thầm thì:
-Người ta còn thương nhớ đến mình, thì mình mới thương nhớ, còn kẻ bạc tình vậy, chị nên quên phứt đi cho nhẹ gánh!
-Chị cũng sẽ vậy, nhưng lúc này, thì chưa làm được.
Hạnh đứng yên phía trước mặt bà Sen chờ đợi một lúc, thấy bà như đang lim dim ngủ. Nàng nói khẽ: “Chị ở lại, em về trước chứ để con thức dậy, khóc, nhé?”- rồi quay đi, vội vã, dường như muốn né tránh gương mặt đang khô cứng lại, dưới ánh trăng vàng bệch. Bước được vài bước, Hạnh ngoái lại nhìn - bà Sen vẫn ngồi im, như một tượng đá.
Đẩy cửa vào nhà, nàng rón rén nằm xuống bên các con, nhắm mắt.
Bé Hà thức dậy, nhìn sang bên cạnh không thấy mẹ, vội bước xuống giường đi ra nhà sau, gọi. Hạnh đang chuẩn bị mâm cơm chay cúng ông bà sáng Mùng Một, nghe tiếng con gái gọi, liền lên tiếng:
-Con đánh răng súc miệng rồi vào gọi anh dậy, Mùng Một không được ngủ nướng.
Bé Hà “dạ”, rồi chạy lên đập mạnh vào người anh trai, giục:
-Dậy đi! Dậy nhanh anh Hai. Mẹ gọi dậy, sáng Mùng Một Tết rồi kìa!
Thằng Huy vùng dậy, nói nhanh:
-Sáng rồi hở? - giọng tỉnh táo, mừng rỡ - tới Tết rồi.
Huy vội vàng chạy xuống nhà sau, reo lên: “Tới Tết rồi.Tết rồi, mẹ ơi! Tới tết rồi”. Hạnh nhìn thấy con trai mừng vui, lòng mình cũng rộn ràng.
Nàng nhìn con từ đầu đến chân, dặn:
-Các con đi đánh răng súc miệng cho sạch sẽ, rồi chuẩn bị lạy ông bà sáng Mùng Một.
Bé Hà nhanh nhảu:
-Thay đồ mới nữa chứ mẹ!
-Ừ! Thay đồ mới nữa.
Hai đứa trẻ chạy đi đánh răng, súc miệng, cười nói huyên thuyên, rối rít. Sự mừng vui của chúng làm căn nhà nhỏ bé, hiu quạnh nhộn nhịp hẳn lên. Hạnh nghe mùa Xuân như đang phả vào ngôi nhà tranh vách lá tạm bợ của mẹ con nàng bầu không khí ấm áp, tươi vui, đầy sức sống. Nàng nhớ lại thuở nhỏ của mình - tối ba mươi, lòng nàng cứ trạo trực, không muốn đi ngủ, dù ba mẹ nàng luôn giục “ngủ đi, sáng mai là mùng một rồi”. Nàng cứ chờ đợi cái giây phút “giao thừa” năm cũ bước qua năm mới - chờ mãi, chờ mãi, rồi đôi mắt ríu lại lúc nào chẳng hay. Năm nào cũng ngủ quên, đến khi gần sáng mới giật mình thức dậy.
Thằng Huy và con Hà mặc đồ mới đi ra, đi vào, cười nói rộn ràng, phụ giúp mẹ lấy cái chén, đôi đũa, bày mâm cúng, mang lên bàn, rồi ra ngoài sân nhìn sang nhà hàng xóm. Hạnh nhắc nhở:
-Các con không được qua nhà hàng xóm sớm đấy nghen. Đầu năm phải kiêng cữ!
Bé Hà thắc mắc:
-Sao lại phải kiêng cữ? Kiêng cữ cái gì, hở mẹ? Tết vui mà!
Hạnh tươi cười, giải thích:
-Vì người ta nghĩ, người đầu tiên đến nhà đầu năm mới, sẽ là người mang vận may, hay rủi ro đến cho cả năm, thường gọi là “đạp đất”.
-Vậy đến khi nào tụi con mới được qua nhà thằng Bi, con Nở chơi? - nói rồi, Hà quay sang anh, chắc tụi nó cũng bị lấn quẩn trong nhà, ngoài sân như anh em mình bây giờ chứ gì, phải hông anh Hai?.
Hạnh nghiêm giọng:
-Lát nữa có ai đến thăm nhà, chúc Tết, các con phải vòng tay thưa chào đàng hoàng đấy nghe chưa? Thủng thỉnh trưa một chút mới được đi chơi xa.
-Dạ! Tụi con biết rồi mẹ!
Buổi sáng đầu năm mới trông thật khác lạ - Ánh nắng trong trẻo chiếu xuống khắp đồi núi một màu vàng ấm áp. Những khúc ca xuân rộn ràng từ chiếc máy cassette cũ phía nhà anh Nhu vọng lại - mùa xuân như đầy nhựa sống căng tràn khắp ngọn đồi hoang vắng này. Nàng rửa mặt, thay quần áo, rồi thắp nén hương đứng trước bàn thờ - khấn nguyện, “xin một năm mới an lành, sức khỏe”, không quên cầu ơn trên gia hộ cho bà con, làng xóm ở quê nhà.
Anh chị Nhu ăn mặc chỉnh tề, dắt bé Na - đứa con gái tám tuổi của anh chị, sang “đạp đất”, chúc tết mấy mẹ con Hạnh. Vừa bước vào nhà, anh chị Nhu nói lớn - giọng vui vẻ:
-Chúc mừng năm mới mẹ con em!
Hạnh cười tươi, đón anh chị vào nhà, rót tách nước trà, giở hộp bánh đặt sẵn trên bàn, mời:
-Chúc mừng năm mới anh chị! Cảm ơn anh chị đã đến xông đất nhà em. Mời anh chị ăn cái bánh, uống tách nước trà đầu năm - Hạnh tâm sự, năm nay em không làm gì hết, chỉ riêm ký gừng, và đổ ít bánh thuẫn thôi - nàng chợt cười vui, À, anh chị có đi chùa lễ Phật đầu năm không?
Chị Nhu mỉm cười:
-Chắc chiều mới đi. Cô Hạnh có đi không?
-Dạ! Chắc lát nữa em đưa hai đứa nhỏ đi chùa lễ Phật đầu năm, rồi qua xóm Thượng cho tụi nhỏ chơi một lát rồi về, đó chị.
Anh Nhu góp chuyện:
-Quanh năm ở mãi trong “hóc núi” này miết, cô cho tụi nó đi chơi chớ tội. Mình, bị giam sao cũng được, nghĩ thương mấy đứa nhỏ. Tội nghiệp.
-Cũng đành phải chịu vậy, chứ sao anh! Biết làm sao hơn được?.
-Bây giờ ở đây, trồng được thứ này, thứ nọ, bớt lo; chớ hồi đó, khổ lắm cô ơi! Tôi chuyên sống bằng nghề “làm cây”, quanh năm ở trong rừng, một hai tuần mới về nhà một lần. Không có nghề nghiệp gì, cũng không có rẻo ruộng, sống làm sao trong buổi giao thời khó khăn, “gạo châu củi quế” này, hở cô?. Có lần, tôi làm cây ở đây, thấy gia đình ông Mân trồng cả hecta xoài, và mấy mẫu đậu xanh tươi tốt. Tôi nghĩ, sao mình lại không vào đây khai hoang, trồng trọt để có một cuộc sống ổn định, an cư - ở đây đất tốt, lại không phải mua, mình có thể trồng cây gì tùy thích. Thế là, tôi vào đây phát rẫy trồng bắp, trồng đậu như ông Mân. Sau một thời gian, mới về đưa bả và mấy đứa nhỏ vào đó chớ.
Thằng Huy dắt con Hà và Na ra ngoài hiên, ba đứa cười nói rôm rả. Trò chuyện một lúc, cả ba bày chơi rượt bắt, nói cười vang vang, vui vẻ. Tiếng cười reo hồn nhiên của chúng, át cả tiếng nói chuyện của người lớn trong nhà. Anh chị Nhu gọi ba đứa vào nhà, lì xì cho anh em Huy mỗi đứa một phong bì màu đỏ. Anh dặn:
-Cậu lì xì cho hai cháu đây. Năm mới chăm ngoan, học giỏi hơn năm cũ đó nghen!
Huy nhanh nhảu:
-Dạ cháu cảm ơn cậu! Chúc cậu mợ năm mới sức khỏe!
Chị Nhu cười:
-Thằng này giỏi nhỉ! Chúc sức khỏe là nhất đó con. Chỉ cần có sức khỏe, là có tất cả. Giàu sang mà không có sức khỏe, thì để làm gì.
Được khen, Huy cười rạng rỡ, gương mặt nó chợt đỏ lên.
Nhận bì lì xì cầm trên tay, Hà rất vui, nhưng có phần mắc cỡ. Nó cúi mặt, nói lí nhí:
-Dạ! Con cảm ơn cậu!
Chị Nhu xoa lên đầu Hà, giọng trìu mến:
-Thương quá! Cô Hạnh nuôi dạy con giỏi thiêt. Phải chi ở dưới làng, cho tụi nó đi chơi Tết với nhau, ở đây chúng thiệt thòi quá!
Hạnh cười:
-Biết sao được chị ơi! Thôi kệ vậy, miễn có việc để làm, có cái để con ăn đi học, ở đâu cũng được, rồi sẽ quen thôi.
Nàng mở bóp, lì xì cho bé Na. Ba đứa chạy ùa ra sân.
Nhìn tụi trẻ, nàng thấy ấm lòng, sắc xuân hồn nhiên hiện hữu khắp nơi - từ núi rừng đến phố thị, không phân biệt. Niềm vui của trẻ thơ truyền sang người lớn, như truyền sức sống mới mầu nhiệm.
Tiếng ông Mân vui vẻ từ đầu ngõ: “Chúc mừng năm mới, cô Hạnh” nghe rộn ràng hẳn lên. Không khí mùa xuân có lẽ đã tràn ngập vào căn nhà nhỏ của mẹ con nàng.
Ánh nắng đã lên cao, sáng bừng, chan hòa ấm áp, thương yêu!
Những ngày cuối tháng 9/2019