Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



CÂY TRÁI MÙA XƯA




  B uổi sáng đạp xe một vòng thành phố, chợt thấy nhô ra ở một góc đường một xề nho nhỏ trên có một nhúm trái cây màu tim tím không biết là trái gì. Rề xe sát lại. A, trái trâm! Biết bao lâu rồi không thấy. Mấy trái tròn tròn, dài dài như đầu ngón tay màu tím thẳm, mọng nước, bóng lưỡng dường như kéo về cả một thời rất xa, rất xa…Bỏ một trái trâm vào miệng, cắn một cái, nước tứa ra, chua chua, ngọt ngọt làm mát dịu cơn khát mùa hè. Nuốt vội từng trái, từng trái cho đã thèm, đã khát rồi chạy vào đứng trước kiếng, hả miệng ra đứa nào cũng cười ngắt nga ngắt nghẻo trước cái miệng tím ngắt, giống như vừa ăn một chùm trái sắn trong vườn nhà vậy đó. Không chỉ đi ra từ một tuổi thơ vui, sau này lớn lên, mấy cành trái trâm xanh tươi còn được treo trước cửa lồng chim làm thức ăn khoái khẩu cho mấy anh trao trảo bạc má, mấy chú cu cườm, chìa vôi…Cả người lớn cũng thích nhấm nháp loại trái chua chua, ngọt ngào nữa đó.

Tôi đứng ở góc đường nhìn xề bán trái trâm nhỏ tẹo mà ngẩn ngơ nhớ những mùa trái xưa dường như đã mù khuất lâu rồi. Bởi, đâu chỉ có những trái trâm vừa hiện ra bên vệ đường! Còn nữa, còn nữa biết bao mùa cây trái xưa giờ biệt dạng.. Còn nhớ, những ngày tản cư về quê ngoại, trước nhà là một cây mồng (hồng) quân cổ thụ, trái tròn căng dỏ thẳm treo trên cành gie ra bờ sông. Mấy đứa em leo trèo như khỉ bám chắc cành bẻ xuống từng bụm trái cột vào vạt áo đem xuống cho con bé ngờ nghệch ở thành phố, thỉnh thoảng có đứa mê bẻ trái quá, tuột tay rớt ùm xuống sông, lóp ngóp lội lên. Có hề gì, mấy đứa này lội như rái ấy mà. Trái hồng quân tròn xoa như hòn bi, khi chí ửng đỏ, cắn vào ngọt lịm, chỉ có vài hột nhỏ còn lại là lớp thịt rất ngon, lại là cây trái vườn nhà tha hồ bẻ ăn. So với trái trâm thì hồng quân cao cấp hơn, bán được giá hơn một chút.

Cũng trong mùa hè, còn có trái viết. Không phải là trái viết bé tí trên những cây viết rừng đang trồng đầy trên lề đường đâu nghe. Loại trái này đúng là trái viết bởi nó giống như đầu mũi viết, thanh mảnh, nhọn hoắt, ăn cũng khá ngon, có xơ và có mùi hệt trái sa bô của vùng đất này vậy. Mấy đứa nhỏ ngày ấy có khi lấy trái viết gắn lên đầu ngón tay làm thành ngón tay mũi viết, vui ơi là vui luôn! Khác với trái trâm ruột tím, trái hồng quân ruột đỏ, trái viết cơm màu nâu nâu như trái sa bô. Có thể nói trừ hình dáng bên ngoài, trái viết giống như một trái sa bô thu nhỏ lại vậy.

Những mùa cây trái xưa còn có một loại giờ cũng biệt tăm: Trái sây (Xây)! Loại này có hai nhánh cùng tên, sây rừng và sây nhung. Hình dung lại, những nhánh sây rừng chi chit trái tròn, nhỏ, màu đen mốc. Nhánh thanh mảnh, trái chỉ bằng đầu ngón tay út, khi ăn bóp cho bể lớp võ ngoài dòn, mỏng rồi lấy thịt bên trong, bỏ vào miệng một lần cả chục trái mới có cảm giác. “Ăn như cọp ăn bù mắt vậy mà cũng ăn”, mấy người lớn thường “quở” tụi con nít như vậy. Chưa kể trái sây rừng ăn chát ngắt, chẳng ngon lành gì, vậy mà chị bán hàng ở đầu đường vẫn bán hết rỗ này tới rỗ khác. Có lẽ vì mỗi năm chỉ có một mùa mà ngày xưa quà bánh của trẻ cũng chẳng có nhiều nhặn gì! Nhưng trái sây nhung thì khác nghe! Cũng cành nhánh thanh mảnh nhưng trái to gấp mấy lần sây rừng, màu không đen mốc mà đen như lụa, lại phủ một lớp nhung tơ màu vàng óng ánh bên ngoài, mới nhìn đã thấy bắt mắt rồi. Nhẹ nhàng gở lớp vỏ ngoài, lớp thịt bên trong màu nâu vàng thật mịn. Bỏ một trái vào miệng, vị chua chua, ngọt ngọt chứ không chát, lại có mùi thơm thoang thoảng như hòa vào lớp thịt thật hấp dẫn khẩu vị của trẻ. Loại sây nhung giá bán gấp đôi sây rừng nhưng vẫn hết sức đắt hàng trong mùa nóng gắt này.

Bây giờ đi trên đường, trước cửa nhiều nhà, nhiều quán cà phê, quán ăn vẫn còn thấy mấy cây trứng cá trồng để lấy bóng mát. Thỉnh thoảng tôi vào uống cà phê vẫn thấy trái rụng đầy trên mặt đất, có nghĩa chẳng ai buồn bẻ trái dù có những cây thấp tè, chỉ vói lên là tới nhánh. Cũng phải thôi, trẻ con giờ có đứa nào thèm ăn trái trứng cá giống như lũ trẻ ngày xưa, có được một bụm trứng cá ngọt lịm trong tay là vui cả ngày. Những trái trứng cá tròn trĩnh, bóng mọng, thả vào miệng ngọt ngào tuôn nước mật, thơm tho như mùa hè vui thú còn nằm trên cành lá xanh um, xòe tán rộng che mát tuổi thơ kia. Vậy nên nếu những cây trái mùa xưa như hồng quân, trái trâm, trái viết, trái sây còn hiện diện hôm nay, chắc chẳng có ai thèm ăn. Trẻ nhỏ giờ đã có sở thích khác, khẩu vị khác mất rồi! Chỉ có những người già lẩm cẩm như tôi mới đứng bên đường má nhớ tiếc những mùa qua! Giống như tiếng ve kêu râm ran trên đọt xoài, đọt ổi ngoài vườn giờ đã lặng thinh bởi không qua nổi sự hũy diệt của các loại thuốc trừ sâu để lại những cây phượng tự mình bung cánh đỏ đón hè sang, mùa hè đang chập chờn ngoài cửa kia đã là một mùa hè khác, một cảnh tình khác chứ làm sao có được “Chín mươi ngày nhảy nhót ở vùng quê…”* được nữa!

Hè về! Hè về! Những mùa cây trái xưa, những âm thanh của tiếng ve xưa… Tất cả chỉ còn là hình ảnh, là âm hưởng của một thời…