Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






ĐÒ CHIỀU





  M ờ sáng. Sương còn vương như mưa bụi. Gió khẽ hát thì thào bản tình ca của đêm chờ trời sáng. Bầu không khí se se lạnh, cái lạnh của tiết thu càng khiến những đôi tình nhân luôn hướng về nhau, luôn cần nhau, và luôn chỉ muốn ở bên nhau. Bông chuối rừng đỏ rực tỏa mùi thơm dịu lan tỏa khắp phòng trong thinh lặng của đất trời. Bông chuối ấy hôm qua thôi vẫn còn sung sức lắm, căng tràn nhựa sống lắm; vậy mà hôm nay nó đã ở trong một không gian tù túng, thiếu những ánh nắng ấm áp của mặt trời, và những lung linh huyền ảo của mặt trăng. Và chắc chắn rằng chẳng bao giờ được đón nhận những giọt sương trong veo đọng lại và nó thèm cảm giác mơn man nhồn nhột từ những ngọn gió hoang vu. Cũng như nàng, nàng không khác gì bông chuối ấy, nàng khát một luồng gió lạ; không, đó là luồng bão mạnh để có thể cuốn nàng vào tận sâu bên trong, có thể là không nhìn thấy, có thể là ngột thở, có thể là quằn quại và biết đâu sau những giằng xé ấy nàng lại có cảm giác êm ái và đê mê?

Trời vẫn chưa tỏ. Nàng ngồi dậy, khoác thêm chiếc áo dài tay mỏng màu hồng nhạt. Những bước chân cứ đi theo con đường mòn nhỏ. Cây nhỏ. Cây to. Chiếc cầu nhỏ bắc ngang dòng suối trong vắt ở du lịch khu sinh thái Đồng Be nhìn thấy cả những hòn cuội nhỏ nằm phía dưới, một vài chú cá đi ăn sớm làm mặt suối dao động. Những bông hoa mồng gà thi nhau nở đỏ rực bên đường đi. Một vài khóm cúc quỳ cũng đã nở, một màu vàng nhưng lại không nhức mắt. Những khóm hoa xuyến chi trải dài và ẩn hiện trong những bông hoa màu trắng ấy là tiếng vo vo của đàn ong đi lấy mật sớm.

Nàng vẫn nhớ, lần đầu tiên đến đây thấy có rất nhiều thùng ong được đặt thẳng hàng giữa những lô cao su và keo, anh bảo: người nước ngoài thích mật ong được lấy từ lá cây keo và lá cao su hơn vì nó không bao giờ bị nhiễm độc từ một số loại thuốc thực vật. Đôi chân vẫn theo con đường mòn. Con đường mòn ngăn cách giữa rừng keo và rừng cao su. Cách nhau chỉ trong gang tấc mà tính chất của đất lại khác nhau, chính vì thế mà anh đã mạnh dạn đề nghị trồng hai loại cây khác nhau, một loại dài ngày và một loại ngắn ngày. Loại dài ngày thì trồng xen kẽ cây cà phê chè và cà phê vối. Bây giờ rừng cao su, rừng keo và cà phê cũng đã không còn nhiều. Một thời hoàng kim của vùng Phủ Quỳ đã vào dĩ vãng. Và anh, anh cũng không còn ở bên nàng. Anh đã đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, của hạnh phúc mới để nàng vò võ nuôi con một mình đã gần ba chục năm.

Ánh mắt dõi nhìn về các phía. Bầu trời đã sáng hơn. Màn đêm đã dần biến mất. Sương giăng như mưa bụi cũng thưa dần. Đôi tay đung đưa theo nhịp bước, thi thoảng chạm vào những cành lá lòa xòa hai bên đường, những giọt sương đọng trên lá rơi xuống rớt vào chân thấy lành lạnh và buồn buồn. Tiếng gà gáy đâu đó vọng lại báo hiệu sớm mai. Gió thổi nhẹ, những chiếc lá không muốn gắn chặt mãi trên cây, chỉ muốn chạy nhảy cùng gió, cùng mây, cùng đất, cùng trời, cùng những lớp lá dưới đất đã được thu thả nhè nhẹ bay bay là là theo gió chạm đất rất êm. Rừng cao su vào thu đã không còn mướt xanh như lúa đang thì con gái, cả rừng lá đã bắt đầu chuyển sang màu xanh đậm, tới vàng nhạt và cuối cùng sẽ vàng rộm lên khi mùa đông đang chờ ngoài cửa rừng. Đôi chân chạm nhẹ vào những cách hoa lộc vừng đỏ nằm lăn lóc dưới đất. Những chú ong thấy động bay là là kêu vo vo. Sương tô điểm thêm trên mái tóc nàng những chấm nhỏ li ti li ti như đầu mũi kim. Ông mặt trời đưa tay vén màn đêm huyền bí cất vào một góc, ánh sáng lân tinh bắt bầu hiện ra. Một vùng hửng sáng soi tỏ mọi nẻo đường, ngóc ngách, từ rừng thưa tới rừng rậm, từ rừng cây lá kim cho đến rừng cây lá rộng, từ khe suối đến con sông, từ những cây nấm cho đến cây lim, cây chỉ, cây chò, từ những khóm rau dớn bên khe suối đến những luống rau được trồng thẳng hàng trong nhà kính cũng được đón ánh nắng ấm ấp của cha mặt trời, khi mẹ mặt trăng đã đi ngủ.

Tiếng chuông điện thoại của nàng báo có tin nhắn. Ngón tay nàng lướt nhẹ trên mặt điện thoại, là tin nhắn của anh: “Em nghiêng tóc hương tràn về một phía. Tràn qua tôi nhuộm trắng mấy khuya dài”. Nàng không nhắn lại, để điện thoại vào trong túi áo và thong dong dạo bước như chưa từng có chuyện gì xảy ra, chưa có những rung động, chưa có những bồi hồi, chưa có những nôn nao nhớ, nôn nao khát thèm chỉ muốn chạy đến để nhìn, để ôm và để hít hà cái mùi đàn ông mà không biết đã bao lâu rồi nàng bỏ quên nó, để rồi những ngày sau giữa anh và nàng chỉ như con đò chiều cần phải cập bến mỗi khi hoàng hôn buông xuống.

Nàng là người đàn bà đẹp, đẹp đến độ cô bạn thân phải thốt lên: Tao nhìn mày còn thấy mê mẩn nữa là những gã đàn ông. Có dạo nàng hỏi cô bạn thân: Nếu phát hiện ra chồng ngoại tình thì phải làm sao? Bạn thân bảo: Nếu đó là một thằng chồng tốt thì nó sẽ trở về; còn nếu không sẽ mất đi một thằng chồng tồi không đáng tiếc. Và rồi chính người bạn thân ấy lại là người mà chồng nàng bỏ lại nàng và đứa con gái để ra đi tìm hạnh phúc mới. Sau chuyện đó nàng bị trầm cảm suốt một thời gian dài. Nàng sợ yêu. Đã bao lâu rồi nàng không nhìn vào gương, đã bao lâu rồi nàng không đi giầy cao gót và đã bao lâu rồi nàng không làm mới lại mình. Rồi anh đến như một vị cứu tinh, như trời hạn gặp mưa, như người đói được một bữa no. Như rừng cây đến xuân thì đâm chồi nảy lộc.

Ngay lần đầu tiên gặp anh cũng là lúc nói chyện với anh qua Facebook, không ngờ anh cũng là người cùng chung dòng sông Hiếu, chung mảnh đất phố núi Thái Hòa với bao kỷ niệm buồn vui mặn đắng của nàng. Anh ở phía Đông còn nàng ở phía Tây bờ sông Hiếu. Những ngày sau nàng và anh thường xuyên nhắn tin, chuyện trò. Trước đây nàng cũng yêu văn chương và thích đọc sách, làm thơ nhưng rồi cuộc sống cứ cuốn trôi nàng đi, nàng không còn cảm hứng sáng tác. Nay gặp anh, người có tư chất nghệ sỹ khiến nàng như quay trở lại của thời thanh xuân tươi trẻ, nhí nhảnh và yêu đời.

Anh và nàng gặp nhau tại cà phê Lâm Viên Sen. Khi mùa sen bắt đầu nở rộ, nàng đứng tựa vào lan can nhìn lên núi Kho Vàng có đỉnh Sao Sa với bàn cờ tiên lưu truyền mãi mãi. Và Bàu Sen, nơi nàng đang đứng đây cũng nhuốm màu huyền thoại về sự tích con trâu trắng của Thủy thần đi lạc, để rồi cho đến ngàn đời sau cứ đến mùa là sen lại nở trắng đầm, thơm ngát, tinh khiết, trắng trong như tấm lòng nhân ái của góa phụ vì không lỡ ăn thịt trâu mà được báo mộng để thoát nạn đại hồng thủy. Nhưng tất cả làng mạc, nhà cửa đều bị nhấn chìm biến thành hồ nước mênh mông vì dân làng không chịu tin lời của góa phụ. Đứng trước tảng đá lớn bên hồ nước mênh mông góa phụ thề đi theo dân làng cho tròn đạo nghĩa. Nơi góa phụ gieo mình mọc lên mấy khóm sen thơm ngát, dần lan khắp mặt hồ. Và như là có ai mách bảo, nàng đã đứng trước cửa Đền Bàu linh thiêng nơi có tảng đá ba mẹ con goá phụ đứng thề nay vẫn còn. Vì không phải mồng Một hay hôm Rằm nên cửa đóng. Tiếng chuông điện thoại réo rắt bản tình ca của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “…Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”, nàng sực tỉnh như vừa đi vào trong cõi mộng.

Là anh.

Sau buổi hẹn hò ấy nàng đã trở lại là chính mình của hơn hai mươi năm về trước. Con gái nàng gọi điện qua Zalo cách nàng nửa vòng trái đất mà không tin đó là mẹ. Mới chỉ tuần trước thôi trong mắt của con gái, nàng như một bà già khó tính, quê mùa, như bà cụ bảy mươi trong khi nàng chưa đến năm mươi. Con gái nàng phải hỏi đi hỏi lại xem có phải mẹ hay không? Rồi cuối cùng con gái nàng phán một câu khiến nàng đỏ mặt: - Mẹ đang yêu?

Ừ, nàng đang yêu. Nàng đang nhớ. Nàng đang khát khao thứ tình cảm mà nàng đã cất dấu không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm nữa. Giờ đây, nàng lộng lẫy và kiêu sa không khác gì những minh tinh màn bạc. Nàng sở hữu một thân hình nuột nà, không béo và cũng không quá gầy. Đôi môi trái tim màu hồng phấn mềm mại đầy gợi cảm và đôi lông mày cũng đã được phun xăm thẩm mỹ, chẳng còn những cọng lưa thưa khô cứng ngày nào.

Dạo này cả khối xóm bàn tán xôn xao về nàng, người thì nhìn nàng ngưỡng mộ, người thì trề môi dè bỉu, người thì liếc mắt đưa tình. Người thì bảo nàng đang theo trai, người thì bảo nàng đi làm đĩ để lấy tiền. Nàng mặc những ánh nhìn soi mói, nhiếc móc ấy. Nàng tự nhủ: Nàng không ăn trộm không ăn cắp, nàng chỉ làm đẹp cho bản thân sao phải sợ. Nàng có tiền, vì con nàng vẫn đều đặn gửi về cho mẹ, cần chi phải làm đĩ. Con nàng đã có chồng, có con và đã có hộ khẩu bên Mỹ, con nàng đang muốn đón nàng qua đó ở hẳn và trông nom nhà cửa con cháu nhưng nàng lưỡng lự chưa muốn sang. Bởi, nàng đang yêu.

Nàng khỏa thân nhìn mình trong gương, đẹp thật. Nàng cũng không thể tin đó là mình nữa, vẫn làn da trắng, vẫn vòm ngực đầy đặn không sồ sề và cũng không nhăn nheo, nàng nghiêng bên trái, rồi nghiêng bên phải, vòng hai và vòng ba của nàng cũng thật hoàn hảo. Nàng khép hờ đôi my, thả hồn vào những giọt nước ấm đang xối từ vòi hoa sen xuống, những giọt nước cứ mơn man mơn man da thịt nàng nhồn nhột buồn buồn như thể anh đang ở thật gần không còn khoảng cách. Tiếng nước róc rách như tiếng sóng biển thì thầm hôm nào trên bờ cát trắng. Kìa, đôi bàn tay, đôi bàn tay đang đan vào nhau chặt và chặt dần. Kìa, hơi thở. Kìa, giọng nói thì thầm bên tai: “Ở bên em anh thấy rất yên bình. Em như biển vậy, dịu dàng nhưng dữ dội. Anh biết, em cũng nghĩ như anh, nhưng có lẽ chúng ta hãy để nó trong lòng, những ký ức như những hạt phù sa. Em hiểu chứ, sóng sẽ cuốn đi tất cả. Em nhé!”. Cảm giác nóng ran, nàng nghĩ mình không còn làm chủ được mình. Nàng không đủ sức đẩy anh ra khỏi mình. Và nàng cũng không thốt nên lời. Có lẽ nàng đã bị thôi miên hay là một điều gì đó vô hình đã điều khiển nàng. “Hãy cho anh được bên em. Cho anh được sai lầm. Anh sẽ không day dứt nữa và sẽ luôn nghĩ đến em”. Ngoài kia sóng vẫn vỗ về, cảm giác những giọt nước mắt sung sướng đang rơi ấm nóng trên cơ thể anh. Hai tay nàng cố cào cào vào anh, nhưng đã kiệt sức rồi. Có lẽ, dưới lòng đại dương sâu thẳm sóng đang rì rào hát khúc nhạc về bữa tiệc mặn của tình yêu.

Là hạnh phúc. Là tình yêu. Là cuộc sống thường ngày. Là những gì nàng đã bằng bẵng bỏ quên suốt hơn hai mươi năm nay trỗi dậy, phun trào. Mùi mồ hôi nồng nồng của anh vẫn len lỏi đâu đây trên da thịt nàng, vẫn cái ôm xiết từ phía sau, vẫn là những nhẹ nhàng du dương, vẫn là bản tình ca của mắt, của tay và của lưỡi. Nàng đã phát sốt lên vì anh cũng như thời gian gần đây đâu đâu chị em cũng phát cuồng vì nam thần soái ca Justin Trudeau đang dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng, nhưng những người như Justin Trudeau không bao giờ thuộc riêng về mình, đó là người của công chúng. Còn anh - anh có thuộc về nàng?

Đi. Không đi. Đi. Không đi. Đi. Không đi… Nàng ngắt một cành hoa hồng trước hiên nhà đếm. Nàng vừa nhắm mắt vừa vứt từng cánh hoa rơi lả tả trên lối đi. Nàng không muốn mở mắt ra khi thấy những cánh hoa cuối cùng sẽ rơi xuống. Nhưng rồi những cánh hoa cuối cùng cũng đã hết… Không đi! Nàng cũng như anh đã ăn phải trái cấm. Đã ăn là nghiện, lâu không được ăn thì thèm. Cả tuần nay không liên lạc được với anh, điện thoại ngoài vùng phủ sóng, nàng bồn chồn, dấm dứt, vùng vằng khó chịu trong người, nàng đâm ra cáu gắt cả với con, khi con gọi điện về cho nàng và giục nàng thu xếp nhà cửa để sang bên Mỹ chăm hai mẹ con nó, vì chỉ còn hai tháng nữa là con nàng sinh mà mẹ chồng con gái nàng bị tai nạn mất trước đó vài tháng.

Nàng thương con, muốn đi lắm. Nhưng…

Nàng nói với con hãy cho nàng có thêm thời gian để suy nghĩ. Con nàng nhắn tin hỏi:

- Mẹ yêu người đàn ông ấy?

- Ừ…

- Mẹ có hiểu gì về ông ta?

- Mẹ…

- Mẹ có biết ông ấy cũng có gia đình và vợ con?

- Mẹ…

- Mẹ có biết vợ ông ấy vẫn nghĩ rằng người đàn ông trụ cột trong gia đình của họ vẫn chỉn chu, vẫn chỉ yêu thương mình họ?

- Mẹ…

- Mẹ có biết mẹ đang là người thứ ba xen vào cuộc sống gia đình của họ?

- Mẹ…

- Mẹ có biết, mẹ cũng đang như dì Mai ngày xưa không?

Nàng không nhắn tin trả lời con gái nữa. Nàng cứ ngồi như thế bên bàn phím đã bao lâu rồi nàng cũng không biết nữa. Tiếng gà gáy sang canh mà nàng vẫn ngồi co gối bên cửa sổ nhìn ra ngoài đường 48. Tiếng chuông điện thoại kêu lúc nửa đêm về sáng khiến nàng giật mình. Là anh. Nàng không nhấc máy. Anh lại gọi, gọi liên tục nàng cũng không nhấc máy. Anh nhắn tin: “Anh xin lỗi, tuần vừa rồi bố vợ anh mất, hai ngày sau mẹ vợ anh cũng bị tai biến rồi mất đột ngột. Anh phải lo cho gia đình bên ngoại. Vì bên nhà vợ anh chỉ có mình cô ấy. Anh vừa về đến nhà thì gọi cho em luôn. Nhớ em.”

Nàng đưa tay gạt những giọt nước mắt. Con nàng nói đúng. Nàng chưa hiểu gì về anh. Nàng chỉ như là bông hoa thơm mọc tự do bên đường để bao người ngắm, bao người say, bao người thầm tiếc mà không và chưa dám ngắt. Nhưng anh đã dám ngắt bông hoa ấy. Anh ngắt và rồi anh cất giấu một chỗ thi thoảng đem ra nhìn, đem ra ngửi, đem ra sờ mó. Anh không dám đem bông hoa ấy ra trồng vào trong chậu để hàng ngày thưởng thức. Bởi bên anh đã có bông hoa đẹp của riêng mình.

Nhìn anh, nói chuyện với anh, nàng biết anh luôn là người đàn ông tốt, sẽ chẳng bao giờ là người đàn ông tồi như chồng nàng trước đây. Anh đã ngoại tình như chồng nàng trước đây từng ngoại tình. Và nàng, bây giờ đang giống như Mai của hơn hai mươi năm về trước. Nàng căm ghét, nàng nguyền rủa Mai bao nhiêu thì bây giờ nàng lại tự nguyền rủa mình bấy nhiêu. “Mẹ có biết, mẹ giống như dì Mai ngày xưa không?” Câu hỏi ấy của con nàng cứ vang lên trong đầu nàng khiến nàng không ngủ được. Hễ nhắm mắt lại là hình vợ con của anh đầu bù tóc rối, khóc lóc thảm thiết, quỳ lạy van xin anh ở lại mà anh vẫn cứ phủi tay dắt nàng đi. Mỗi lần như thế nàng lại giật thót mình, choàng mở mắt. Ngoài kia mưa đang rơi, gió mùa đông bắc tràn về lạnh buốt, nàng kéo tấm chăn chùm lên người dõi nhìn vào khoảng trời đêm đen kịt, im ắng, thi thoảng mới có tiếng chó cắn ma, tiếng ô tô âm âm ngoài đường 48 vọng lại.

Buổi sáng trời se se lạnh, nàng mở điện thoại, những hơn 20 chục cuộc điện thoại và tin nhắn của anh. Nàng quay đi và bước vào nhà tắm, nhìn mình trong gương, mới qua một đêm mà nhìn nàng tiều tụy, mất hết sức sống. Dù đi hay ở lại thì nàng cũng phải gặp anh một lần cuối. Nàng lấy lại tinh thần gọi điện hỏi thăm anh, chia buồn cùng với gia đình nhà vợ của anh. Nàng nói với anh rằng nàng chuẩn bị đi xa, xa lắm, có lẽ sẽ còn lâu mới lại về. Anh hỏi nàng dồn dập rằng đi đâu, đi với ai, đi bao lâu, rằng muốn gặp nàng ngay bây giờ. Nàng từ chối. Nàng nằm vật ra giường thiếp đi lúc nào không biết, hai khóe mắt vẫn đọng lại những giọt nước mắt mặn chát

Nàng sợ cầu thang máy. Nàng bước từng bước bằng cầu thang bộ lên quầy cà phê trên tầng 9 của Thái Hòa RiverSide Hotel. Nàng muốn ở tận trên cao này thả mình vào quê hương, để rồi những ngày sau nàng chỉ có thể nhìn thấy quê hương qua những gam màu huyền ảo như Facebook, Zalo, Instagram, Spyke… Nàng ngồi quay mặt nhìn ra dòng sông Hiếu đang mùa nước cạn, nhưng qua ánh điện nàng vẫn thấy những vùng đất gồ ghề trên lòng sông, ở đó người ta trồng rau, ngô, đậu, cây căn quả… Sau lưng nàng là phía Tây, nơi có ngôi nhà của nàng, không cần nhìn, chỉ cần nhắm mắt lại trong đầu nàng cũng hình dung không thiếu từng ngôi nhà, con người và cả những lồi lõm của con đường Trạm ong. Nàng ít khi gọi nó là khối Dốc Cao, người dân nơi đây cũng vậy, cái tên Trạm Ong gắn liền với Xí nghiệp Ong khu 4, nơi bố nàng từng công tác ở đó những năm đầu thập niên 80. Bố nàng bảo chính nơi đây năm 1424 tướng quân Lê Lợi đã về hội binh được nhân dân đón rước, gia nhập và phục vụ nghĩa quân, nay vẫn còn “Mả voi Lê Lợi”, “Miếu thờ voi và quản tượng” trên đất Nghĩa Tiến; rồi Bãi Mít, Lèn Rỏi, Khe Tằng, Bãi Thung.

Sát ngay nơi nàng đứng là xưởng Cơ khí 250 vẫn còn tiếng còi tầm ra vào ca thay đổi theo mùa, hàng me lúc nào cũng mướt xanh như thời con gái là minh chứng cho những gì còn sót lại của thời Pháp thuộc khai hóa văn minh, nàng đã đếm nay chỉ còn có 78 cây. Bến Phượng đã không còn, nay chỉ còn vài cây không đủ đếm trên đầu ngón tay, đến mùa thi hoa không đủ làm ấm lòng người xa xứ, mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, kiên cố, bao quanh nhà là những loài hoa quý, đẹp và lạ mắt. Nàng đứng dậy để nhìn được xa hơn. Phía xa xa kia là Trạm thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu được thành lập từ năm 1960 nay đổi thành Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, ông bà nàng đã từng công tác ở đó từ những ngày đầu thành lập, nay vẫn còn nhưng hoạt động và chức năng nhiệm vụ không còn như trước. Vẫn cái hồ rộng lớn phía trước con đường vào mà trước đây nàng thường bảo nó là biển. Và phía bên kia đường của Trạm thí nghiệm trong ánh của đèn đường vàng sóng sánh mềm mịn trải dài như mật ong là những hàng hoa, cây cảnh, cây con giống; nàng nghe nói, có thể ở khu vực đó sẽ hình thành lên làng hoa cây cảnh trong nay mai.

Nàng quay sang phía Nam, cầu Hiếu 2 đang được xây dựng theo dự án BT thi công đã được một nửa và khi hoàn thành có thể nàng đã ở cách nơi đây nửa vòng trái đất. Và xa hơn nữa là khu Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thuộc vùng đất Việt Thường phế đô của nước Âu Lạc; tương truyền đó là nơi An Dương Vương đã cùng Mỵ Châu lên ngựa chạy về Dạ Sơn khi thấy nỏ thần bắn ra không còn linh nghiệm nữa.

Vì yêu người ta có thể làm tất cả. Nàng, chồng nàng, Mai và anh cũng chỉ vì yêu mà mắc sai lầm. Sai lầm của nàng có sửa được? Có tha thứ được? Chỉ có cách rời xa anh, rời xa xứ xở của những bình nguyên xanh này, của những truyền thuyết và huyền thoại này thì nàng mới có thể quên được anh. Nàng đã tưởng tìm được tình yêu và hạnh phúc của đời mình, nhưng nàng lại không ngờ tình yêu ấy chỉ như con đò chiều cuối ngày phải về bến, không được phiêu hết mình, không được lênh đênh trên sóng nước mênh mông cùng gió, cùng mây, cùng hoa thơm, cỏ lạ để cảm nhận những hương vị mới lạ và hấp dẫn. Người đàn ông tốt là người đàn ông luôn biết cặp bến lúc nhà nhà bắt đầu lên đèn. Trong mắt nàng, anh luôn luôn và mãi mãi là người đàn ông tốt, chính vì thế mà nàng phải trả anh về bến, anh không thể dong duổi trên sông nước cùng nàng được. Nàng chỉ như bông hoa hoang dại, cứ nở, cứ khoe sắc thắm, cứ vờn đuổi cùng đất trời, cứ dong chơi chưa biết đâu là bến.

Nàng cúi xuống mắt chạm ngay vào dòng sông Hiếu có bên bồi bên lở nơi hẹn hò không chỉ của riêng nàng mà của nhiều đôi lứa yêu nhau. Nàng và anh đã từng ước được đi chung một con đò trên dòng Hiếu xuôi từ Quế Phong qua Quỳ Châu, Quỳ Hợp, cắt ngang Nghĩa Đàn để qua Thái Hòa đến tận Cây Chanh của địa phận Anh Sơn rồi chảy vào dòng sông Cả, nhưng hành trình ấy của nàng chưa được bắt đầu mà đã kết thúc.

Nàng nhìn đồng hồ, đã gần 8h. Anh chưa tới, ngồi trên tầng 9 cũng là tầng thượng sẽ nhìn thấy ngôi nhà ấm cúng của anh ngay ngã sáu, ngôi nhà mà anh vừa gọi điện cho nàng nói rằng vợ anh bị cảm nặng sau bao ngày lo chu toàn ma chay cho bố mẹ, anh không thể gặp nàng. Rõ rồi. Anh là người đàn ông tốt. Nàng là người đàn bà tồi. Gió đã khẽ thì thầm vào tai nàng như thế. Như anh cũng đã thì thầm vào tai nàng ngày nào “gặp em, anh mới biết thế nào là hạnh phúc”. Ngụy tạo. Lời ong bướm. Lời nói dối ngọt ngào nhất mà nàng từng được nghe. Nhưng nàng vẫn thổn thức. Nàng lại dâng hiến cho anh tất cả, lại quấn lấy nhau như đôi sam đến mùa sinh nở. Anh không dám vắt kiệt mình để yêu nàng. Anh cũng chẳng dám hy sinh vì nàng. Nàng biết, anh sẽ chẳng bao giờ như con ong đực sau vũ điệu giao hoan rồi chết. Và có lẽ nàng cũng chỉ như “nai sinh khế rụng” từ thời Hao Hiếu – Phủ Quỳ, cứ ở đó, đứng đó, trầm mình cùng mưa nắng bão bùng rồi cũng chỉ để làm thức ăn tạm cho kẻ xa cơ lỡ bước.

Gió vẫn thổi trên dòng sông Hiếu mộng mơ du dương và mang màu sắc huyền thoại về một dòng sông của người con gái hiếu nghĩa chu toàn.

Gió chạm vào mắt nàng cay cay. Một vài đôi yêu nhau vẫn còn ngồi tình tự bên tách cà phê vối chưa muốn rời xa nhau. Trước khi tắt điện thoại, nàng nhắn cho anh: “có ngọn gió đi hoang. Vô tình… lướt mềm trên cỏ. Để… dài vết nhớ”.