NHỚ HÀ GIANG
H à Giang với cao nguyên đá Đồng Văn - “Công viên địa chất toàn cầu” duy nhất ở Việt Nam – là nơi dường như ai đã đến một lần đều muốn quay trở lại, bởi Hà Giang có một vẻ hùng vĩ hoang sơ đến mức như chẳng nơi nào hùng vĩ hoang sơ hơn, đẹp đẽ thơ mộng đến mức như chẳng nơi nào đẹp đẽ thơ mộng hơn nhưng cũng đầy ám ảnh. Hà Giang, miền đất tự cái hồn của nó đã đủ để mê hoặc lòng người. Cách đây gần 5 năm, lần đầu lên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang đã mê hoặc tôi. Trở về và nhớ. Nhớ Hà Giang quay quắt như nhớ cố nhân.
Trong sáu tỉnh miền núi “Cao – Bắc – Lạng – Thái – Hà – Tuyên” ở phía Bắc của Tổ quốc mà chúng tôi đã từng đặt chân đến, ít có mảnh đất nào lại gieo vào lòng con người ta những thương nhớ miên man như Hà Giang. Hà Giang với cái “chất miền núi” đặc biệt của nó, đến thì khó mà về thì nhớ. Nhớ lại muốn lên thêm nữa. Để gặp lại, để trải nghiệm, để khám phá và để yêu thêm.
Nhớ Hà Giang trước hết là nhớ cảnh Những cái tên mới lần đầu đến mà ta đã thuộc nằm lòng: nào Bắc Quang, Bắc Mục, nào Quản Bạ Cổng trời, nào Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, nào Mã Pì Lèng, Nho Quế, Xín Mần…
Chẳng có gì sẵn như đá ở đây. Đi qua cao nguyên trập trùng những đá là đá. Những mê cung đá hùng vĩ, uy nghi, hoang sơ làm ta choáng ngợp. “Công viên địa chất toàn cầu” cao nguyên đá Đồng Văn – vùng đất đá cổ xưa rộng hơn 2356 km2, đá chiếm hơn 80% diện tích với những đợt sóng đá nhấp nhô thấp dần từ Bắc xuống Nam tạo thành một biển đá đầy kỳ ảo và quyến rũ.
Ấy vậy mà thật ngạc nhiên: ở đây đá cũng nở hoa.Không đâu trên đất Việt Nam có những khung cảnh đối lập như thế này: miền đất có hoa nở trên đá, miền đất có sự hòa quyện của đá và hoa.Cứ ngỡ trong cái vùng mênh mông đá xám sự sống sẽ lụi tàn nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng xao xuyến khi gặp men theo các cung đường những vạt hoa rừng đủ màu sắc: trắng, đỏ, tím, hồng... rung rinh mơ màng trong gió, nở hồn nhiên hào phóng khắp nơi. Những hoa mận, hoa mơ, hoa đào, hoa tam giác mạch, hoa cải vàng... cứ theo mùa đua nhau mà nở, như bứt phá từ sức sống của thiên nhiên và con người.
Nhớ Hà Giang là nhớ đường: những cung đường trong mơ với những khúc cua tay áo liên tiếp; một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút. Đôi khi, mong quay trở lại chỉ để hưởng cái thú xe chạy lòng vòng khắp các nẻo đường. Ta và các bạn đồng hành đi qua những con đường quanh co bên triền núi, những cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải vàng... mọi thứ bên ngoài trôi qua khung cửa sổ như thước phim quay chậm, cảm giác thật trong trẻo bình yên. Gặp chỗ phong cảnh đẹp, độc đáo, hấp dẫn tất cả đoàn lại “hò” nhau xuống xe ngắm cảnh, chụp ảnh: trên đầu trời xanh vô tận, dưới kia thung sâu thăm thẳm, trước mặt là những dãy núi đá tai mèo dăng thành, gió cao nguyên lồng lộng thổi, còn thích thú gì hơn ?
Nhớ Hà Giang là nhớ những con dốc, con đèo. Nào dốc Ba Sum, nào dốc Thẩm Mã, nào dốc Chín Khoanh, nào đèo Mã Pì Lèng – con đèo lý tưởng được cho là cao nhất, nguy hiểm nhất trong “tứ đại đỉnh đèo” của Tây Bắc, cùng với đèo Khau Phạ ở Yên Bái, đèo Pha Đin ở Điện Biên, và đèo Ô Quy Hồ ở Lào Cai. Đỉnh đèo Mã Pì Lèng còn được cho là một trong những điểm quan sát toàn cảnh đẹp nhất ở Việt Nam.
Nhớ Hà Giang là nhớ sương mù giăng lối. Một buổi sáng mùa Đông năm ấy, trên Cổng trời Quản Bạ,nơi tiếp giáp giữa bầu trời và đất, ta có thể chạm tay vào sương mù mờ ảo; lạnh cóng phủ trắng cao nguyên, tầm nhìn có lẽ chỉ vài mét, ô tô phải bật đèn vàng để xuyên thủng màn sương, cứ nghĩ mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Rồi những dòng sông: Sông Miện, sông Nho Quế như ngàn năm trước vẫn cặm cụi nhẫn nại, lặng lẽ chảy dưới triền núi Yên Minh, Mã Pì Lèng. Dòng Nho Quế biêng biếc một màu ngọc bích, uốn lượn quanh co làm mê hoặc lòng người. Vực sâu Nho Quế với hẻm Tu Sản là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á với độ sâu ngun ngút gần ngàn thước, đến nỗi nhìn xuống ta phải choáng ngợp.
Rồi rừng thông Yên Minh mát rượi đẹp như rừng thông Đà Lạt, níu chân lữ khách đường xa.
Rồi dinh thự vua Mèo Vương Chí Sình nằm dưới chân thung lũng Sà Phìn, bên hàng cây sa mộc trăm tuổi lặng lẽ, trầm mặc.
Rồi một Phố Cáo ấm áp, một Phó Bảng đượm buồn bị quên lãng từ lâu chỉ còn lại mênh mông lẻ loi và buồn, một phố cổ Đồng Văn với những di tích kiến trúc nghệ thuật, một phần hồn của cao nguyên đá.Những “phố cổ” ấy giống nhau với những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương nhuộm gió bạc phếch, trước hiên mỗi nhà thường trồng cây mai cây đào và treo những bắp ngô vàng óng.
Rồi những thị trấn nhỏ nhỏ xinh xinh, khi đứng từ trên cao nhìn xuống ẩn mình trong sương, ngủ quên.
Rồi những bể treo đựng nước dọc đường đi trên cao nguyên khô khát.
Rồi cột cờ Lũng Cú cực Bắc thiêng liêng của Tổ Quốc, nơi lòng ta tràn ngập một tình yêu và niềm tự hào về Tổ quốc.
Có khi nỗi nhớ thật “li ti”: nhớ khói bếp lam chiều nhà ai đang nấu rượu, nấu mèn mén, nhớ những bờ rào đá với những viên đá chồng lên nhau, tựa hồ như một trò chơi tỷ mỷ lúc rảnh rỗi, trông có vẻ chắc chắn mà lại rất chênh vênh; nhớ mùi phân bò, phân lợn lẫn mùi khói bếp chiều thân thuộc đến nao lòng ở Phố Cáo.
Hà Giang đấy hùng vĩ, hoang sơ, đẹp đẽ và bình yên.
Nhớ Hà Giang là nhớ người.
Tôi nhớ những con người xa xôi mà trở lên gần gũi, mến thương.
Nhớ những bộ quần áo dân tộc nhiều màu sắc nổi bật giữa núi đá đen xám, nhớ những tòa váy xòe rực rỡ của các cô gái H’Mông trong những buổi chợ phiên.
Nhớ những dáng người bé nhỏ, lom khom, xam xám trong buổi chiều tà giữa cao nguyên hùng vĩ, rồi những dáng người nặng trĩu đôi vai “cõng” quẩy tấu, chất nào lúa thóc, nào ngô, nào rau cải, nào cỏ voi sải bước trên con đường xa. Nhìn họ, câu nói “sống trong đá, chết nằm trong đá” lại đau đáu trong tôi.
Những con người ấy đã khuất phục được thiên nhiên khắc nghiệt và sống hồn nhiên như không biết kham khổ là gì. Có một sức mạnh mãnh liệt đã giúp họ thích ứng được với thiên nhiên. Họ có cả một trời cao đất rộng của riêng mình và họ sống thanh bình trong đó. Tâm hồn họ đơn giản, họ bằng lòng với những cái mà mình có nên họ sống bình yên. Nhìn họ tôi tự hỏi: “Phải chăng những con người lam lũ kia đang sống hạnh phúc ?” Hạnh phúc nhiều khi thật đơn giản, không cao siêu như ta tưởng.
Tôi nhớ những đứa trẻ lớn lên từ đá núi, với đôi chân trần trên con đường gập ghềnh đá với khuôn mặt lấm lem, đôi mắt thơ ngây trong veo như nước. Khác với những vùng Tây Bắc khác mà chúng tôi đã đi qua, trẻ con ở đây như nghèo nàn, rách rưới hơn, lấm lem hơn, mang nặng kham khổ gió sương hơn.
Rồi tôi nhớ những cái “chợ” con con bên đường. Ven sườn núi, vài ba phụ nữ người dân tộc bày bán những sản vật địa phương. Hàng hóa thật nghèo nàn: vài bó rau rừng, đôi giò phong lan, dăm cây dược liệu, vài ba chai mật ong cùng bột nghệ.... Họ thật thà, chất phác, hồn nhiên đến mức làm ta ngạc nhiên, thương mến.
Trong những ngày Đông lạnh ngắt ở quê nhà, tôi chợt nhớ về cao nguyên đá với cốc cà phê thơm lừng nồng ấm ở phố cổ Đồng Văn, hương rượu ngô thơm ngào ngạt ở các buổi chợ phiên, bát cháo ấu tẩu, nắm xôi ngũ sắc trong buổi sớm mai se lạnh.
Có lẽ, không nơi nào để lại cho tôi nhiều niềm thương và nỗi nhớ như thế.
Hà giang ơi, biết bao giờ trở lại?
Hải Dương, tháng Sáu năm 2020