Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





DÒNG ĐỜI








Đôi lời tâm sự Nay đã qua ngưỡng ngũ tuần, sau mấy mươi năm miệt mài làm thơ, trên bước đường phiêu lãng, gửi nỗi niềm trong gió bụi muôn phương. Chợt một chiều tôi muốn nhờ giấy bút kia, ghi lại chuyện đời mình, với những buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống. Vốn là kẻ tự tuổi thơ, đã thích sống đời phiêu lãng. Nên khi bước vào đời, chán chường cho sự nghiệp công danh,tôi đã dứt áo ra đi,thả chân vào gió bụi, sống rầy đây mai đó,phiêu bạt bốn phương trời. Tôi muốn gửi lại nơi đây, những điều mà thơ tôi chưa nói hết,những biến cố nổi chìm, đôi lúc không theo trình tự thời gian, khi viết liền một mạch, về những người thân thuộc sống quanh tôi.

Nghĩ thế mà mấy tháng nay, chưa viết được chữ nào. Bỗng một đêm, hay tin đứa em bạn xe ôm ra đi đột ngột. Tôi đã viết về em, với tất cả những gì tôi biết,cùng tình cảm của mình, dành cho em suốt mấy năm qua. Câu chuyện có thật về em viết xong, tôi lại viết tiếp chuyện đời mình. Để lỡ đâu mai kia, vì một lý do nào đó, khiến cho ta không kịp viết, những điều ta muốn viết. Và những ý tưởng kia, sẽ mãi mãi là ý tưởng, đến muôn đời cũng chẳng thành văn. Bởi thế đêm qua, khi bài viết đầu tay “Tập thơ tặng muộn” vừa khép lại, khui một lon bia giải khát, phì phèo đôi khói thuốc xong, ngồi vào bàn viết liền một mạch, chẳng hay bình minh đã bừng lên, ấm áp tự khi nào.

Sài Gòn mùa đông 2013


I- THỜI THƠ ẤU


T ôi được sinh ra và lớn lên, bên hữu ngạn sông Trà, nơi dòng nước trong xanh ngọt ngào kia, sắp hòa mình vào biển lớn, qua Cửa Đại lở bồi, sóng ầm ào thét gọi suốt ngày đêm. Thôn tôi ở gọi là thôn Hổ Tiếu, nghe ngồ ngộ làm sao. Theo gia phả gia tộc tôi để lại, là thôn Hổ Khiếu ( Cọp Gầm ) xứ Bàu Đình. Tổ nhà tôi mấy đời làm quan nho nhỏ, trong các triều đại nhà Nguyễn, không được ghi lại cụ thể, bởi ngọn lửa chiến tranh qua các thời kỳ, đã thiêu hủy những gì tổ tiên để lại. Chỉ biết ông cố tên Nguyễn Phú,làm ngự tiền thị vệ triều Khải Định. Đến đời ông Nội (tên Nguyễn Vinh)ở quê tôi, chỉ cần nói là, con cháu Xã Lương- Hương Rẫy, thì nhiều người biết đến, và đầy thiện cảm. Ba tôi thời trẻ vào Nam, làm cai ở đồn điền cao su Phước Long, sau về làm ruộng chăn nuôi, và tham gia một vài công tác ở địa phương.

Thuở nhỏ, bởi con nhà Nông, nên tôi phải vừa học, vừa chăn bò cắt cỏ, như bao trẻ khác, dọc bãi trong, sông Trà Khúc. Nơi có nhánh sông chết, nước chỉ lưu thông vào mùa mưa lũ,còn mùa khô nước tù đọng, lều bều rong rêu hoa cỏ. Nhưng cũng có vài chỗ sâu, tạo thành hờm ở phía lũy tre dọc nhánh sông, là nơi trú ẩn của những con diếc, con rô, con tràu, con cững, là khu tiêu khiển, dành cho những người có thú đi câu.

Nhà tôi ở sát hàng rào thép gai cuối cùng, của đồn Hổ Thanh, nơi đóng quân của lính Nghĩa Quân, thời chế độ cũ. Nên những chiều mưa, lười đưa bò qua bãi, tôi lại làm quen với mấy anh lính gác, và thả cho bò gặm cỏ, khu vực không có mìn giăng. Những khi nói đến Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, người ta thường gán cho, những điều tệ hại đáng lên án nhất. Nhưng ở đâu không biết, chứ ở đồn này mấy ảnh hiền khô. Có dăm ba anh, sau là con rễ của mấy nhà trong xóm. Nên tôi ra vô đồn dễ như chơi, không có người cấm cản. Các anh còn cho dây chỉ, phụ làm diều cho tôi, ra bãi thả bay chơi, những hôm trời có gió, và bình yên không tiếng súng. Bởi thế! Dù tuổi thơ tôi, là những tháng năm khói lửa mịt mù, tôi vẫn có những chiều thơ mộng, trên bãi sông quê, và cũng tập làm thơ, kể từ dạo ấy. Một hôm, khi cánh diều tôi đang no gió vút lên cao, bỗng nhiên bị đứt dây, rơi cắm đầu xuống nước. Và tiếp đó là những tiếng nổ đì đùng, của hai bên đụng độ. Tôi co giò chạy bén khói, lùa bò về cùng gia đình tản cư. Bỏ lại cánh diều tuổi thơ, phơi xác nổi lình bình, trên dòng sông vắng lạnh, giữa đôi bờ lau lách điêu hoang, không một bóng người. Đó là con diều cuối cùng, thời thơ ấu chìm trong lửa đạn của tôi.Thế rồi chiến thắng mùa xuân 75 đã đến, cùng những năm đầu giải phóng, đầy khó khăn đói khổ, đã đưa bước chân tôi, giã biệt tuổi thơ lúc nào không hay biết, với bộ ria tơ bắt đầu đậm sắc xanh đen.

Còn những chuyện trong tuổi thơ, tôi không thể nào quên được. Đầu tiên là lần tắm sông, tập bơi chết hụt. Bởi gần sông, mà ba má thường cấm cản, không cho tôi thỏa thích nô đùa,vùng vẫy trên sông cùng chúng bạn. Nên mười ba tuổi rồi, mà tôi chẳng biết bơi. Sáng hôm đó, nhân ngày chủ nhật được nghỉ học, tôi lùa bò qua bãi, nhìn dòng nước trong xanh hiền hòa, như gọi mời tôi đến với sông. Đợi gần trưa, khi lũ mục đồng tề tựu, cởi truồng ra lặn hụp khắp xa gần, tôi mới dám ngồi lên lưng con bò đực, đang trưởng thành rất hăng máu của tôi. Bắt nó bơi ra, lội vào nhiều lần như thế, tay tôi giữ lấy u bò ,chân đạp nhịp nhàng xuống nước tập bơi. Thích quá! Tôi cho bò ra khơi xa hơn nữa, giữa dòng xanh trong nước chảy lững lờ, mát rượi khắp châu thân. Bỗng chẳng hiểu vì sao, con bò của tôi lao mạnh một cái, hất tôi văng ra, chới với giữa dòng. Trong cơn thập tử nhất sinh, tôi cố ngoi lên mặt nước, nhưng không thể nào ngoi nổi,mắt mở trừng, vẫn nhìn thấy trời xanh, qua màn nước mỏng mờ mờ. Tôi cố gắng giẫy giụa hồi lâu, trong kinh hoàng tuyệt vọng, khi thấy mọi nỗ lực của mình, vẫn không thay đổi được gì. Sức lực kiệt dần, ngực tức muốn vỡ tung, nhưng tay tôi vẫn còn cầm cây roi bò, và chờ mong phép mầu xuất hiện.Trong những giây cuối cùng, trước khi ngất lịm,tôi nghe tiếng gì động trong nước, rồi ai đó bế thốc tôi lên, và tôi lịm hẳn. Thì ra, hôm ấy ba tôi làm gần đó. Như có nhơn thần mách bảo, từ xa ông dõi theo tôi tắm táp, mà chẳng yên lòng. Khi không thấy tôi trên lưng con bò nữa, ông hớt hãi ba chân bốn cẳng chạy xuống sông, trong khi mọi người xung quanh, ngơ ngác chẳng biết chuyện gì. Ra giữa dòng, chỉ còn thấy, đầu chiếc roi tre ông vót cho tôi, còn nổi trên mặt nước, rút lên thấy nặng, biết là tôi ở dưới. Ông mừng quá, lặn xuống bế thốc tôi lên, đưa vội vào bờ, rồi đặt tôi nằm xuống, để hô hấp nhân tạo. Mọi người đều không biết tôi đã tỉnh lại. Nên khi vừa nằm xuống đất, mở mắt ra nhìn quanh, thấy ba đang cúi xuống, tôi hoảng quá sợ bị đòn, vùng bỏ chạy được mấy bước rồi ngã quỵ. Ba lại cúi xuống, chẳng một lời, bế tôi lên, ôm thẳng về nhà. Và tôi nghe ong ong, những lời nói từ mọi phía: “ Nó tỉnh rồi, nó sống rồi, ồ may quá…”

Thế là hú vía! Nhờ ba, tôi đã thoát khỏi nanh vuốt của tử thần. Và cũng nhờ lần chết hụt này, thằng tôi lì lợm ương bướng, cũng dễ bảo hơn, tạm biết nâng niu cuộc sống của mình. Suốt một tuần qua lúc nào tôi cũng nghĩ rằng, mình phải biết bơi thôi. Chủ nhật lại đến, tôi quyết tâm chịu đau, cho chuồn chuồn cắn rốn, nhiều đến sưng đỏ cả lên. Rồi bước xuống nước, nhưng chỉ quanh quẩn ở gần bờ, tập những động tác đầu tiên vụng về, hoàn toàn theo bản năng, không có người hướng dẫn. Đúng ba hôm sau, khi thì úp mặt xuống nước, lúc thì ngửa mặt lên trời, tôi đã bơi được một đoạn ngắn, thân xác dần dần nổi nhẹ lên mặt nước, với một niềm vui khó tả trong lòng. Cứ thế tôi say mê tập luyện, chân tay mỗi ngày một nhịp nhàng, mềm mại, uyển chuyển hơn. Và chỉ mới biết bơi đúng vừa tròn một tháng, tôi đã dám cùng đám bạn, leo lên núi Vàng nơi cuối bãi. Đứng trên tảng đá, cách mặt nước gần chục mét, lần lượt nhảy xuống, người chìm nghỉm rồi ngoi lên, bơi thẳng vào bờ, với tâm trạng và vẻ mặt, như vừa lập xong một kỳ tích. Đứa nào đứa nấy, nghênh nghênh tự khẳng định mình, và trong lòng đứa nào cũng nghĩ, ta là người hùng trong thiên hạ. Mà sự thật đúng là, chúng tôi lì lợm quá.

Chẳng biết từ nguồn về biển, sông Trà Khúc quê tôi, còn có nơi nào mọc nhánh, và sâu đến thế không. Tự cổ chí kim, không ai đủ tài sức lặn xuống, để biết đáy nó như thế nào? Lũ trẻ chúng tôi, lấy dây chăn bò buộc hòn đá vào thả xuống, và cả bọn cùng kinh ngạc. Dây đã hết, mà đáy vẫn còn đâu thăm thẳm chiều trôi. Mãi đến hôm nay, lớn rồi tôi vẫn lờ mờ, không biết rõ độ sâu, của lũng nước núi Vàng, thực sự đến bao nhiêu.

Vì sao nước ở sát chân núi Vàng, sâu đến vậy cũng dể hiểu thôi. Bởi quê tôi miền bão lũ, vị trí núi Vàng nằm ở cuối vòng cung, nối liền hai thôn Hổ Tiếu và Thanh Khiết. Nó như đứng mũi chịu sào, chịu đựng bao cơn thịnh nộ, của dòng nước hung tàn, từ nguồn đổ về ào ạt, như muốn cuốn phăng đi tất cả. Mỗi năm xiết bào mỗi ít đất đá, dưới chân hòn núi nhỏ, nằm cản ngăn dòng chảy bảo vệ xóm làng, không bị biến thành sông. Trải qua hàng mấy ngàn năm, hay mấy triệu năm như thế, làm sao mình biết được, chỉ biết rằng cụm đá núi Vàng, vẫn trường tồn cho mãi đến hôm nay, với lạch nước dưới chân, có một đoạn tạo thành vũng nước, như một cái hờm sâu thăm thẳm.

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, vẫy vùng trên sóng nước của dòng sông quê hương,tôi cũng biết sợ cho mình, sao mà liều lĩnh quá. Cũng trong năm ấy, mới biết bơi đâu được ba bốn tháng gì đó, thì mùa mưa lũ đến. Ngay buổi sáng hôm sau, của cái lụt đầu tiên, khi nước rút, dòng chảy mạnh, trông thật là dữ tợn. Tôi theo lớp đàn anh, tất cả đều lớn hơn tôi dăm ba tuổi, ra sông đứng xem nước rút, rồi cùng nhau đi ngược lên đầu thôn. Tìm chỗ thuận lợi, để nhảy xuống dòng nước hung hăng, vượt qua đến bên kia là cồn cao, với bãi đất thấp hơn tốt tươi, bà con trồng mía, ớt, đu đủ cùng các loại rau xanh khác. Đến nơi chúng tôi tản ra, bắt dế náu trên cây, về làm mồi, và bẻ mía ăn chơi. Đã trừ hao hơn nửa cây số, vậy mà chúng tôi vẫn bị, đừa xuống phía cuối của cồn cao, thằng nào thằng nấy, bơi mệt muốn đứt hơi. Trong số hàng chục anh em, có anh đã ra thanh niên, chỉ duy nhất có tôi, là thằng oắt con, lì lợm dám theo cùng.Vừa ngồi ăn mía, vừa nhìn dòng nước rút quá mạnh, tôi bỗng lo cho lát nữa quay về. Khi đã no nê, mấy anh lớn bảo tôi, phải lội lên phía trên cùng, cho an toàn tính mạng. Tôi nghe theo, lội ngược lên một đoạn, xa hơn anh em chừng vài chục mét. Trời bỗng nổi cơn mưa, người thấm nước bọt bèo đã lạnh sẵn, giờ tôi run lên bần bật, lấy hai tay xoa mạnh vào nhau, đứng khởi động, chờ anh em hô xuất phát cùng một lúc, để có gì tương trợ lẫn nhau. Tôi đang bơi vừa được quá giữa dòng, nước rút ào ào hung dữ, thì rủi thay đụng phải, một mảng rìu rác, ùn ùn trôi xuống. Khi nhìn thấy rìu, các anh bảo tôi lặn xuống, nhưng tôi không lặn, vì thuở ấy hơi tôi còn ngắn lắm, chứ không thuộc hàng thượng đẳng, trong anh em như dạo sau này.Thay vì lặn,tôi bơi lùi trở lại né rìu ra. Bởi thế mà khi đã né được, tôi từ vị trí số một, tính từ phía con nước đổ xuống, bị dạt đừa đi đến phía cuối cùng, chỉ trong tích tắc. Vừa mới định thần, biết mình đang lâm nguy, có thể bị dòng nước cuốn đi. Tôi cố gắng hết sức, cắt ngang dòng chảy, bơi tốc độ khoảng hơn một phút đồng hồ, mà không đến được với anh em. Thấy mình càng lúc càng cách xa đồng bọn, tôi bơi theo hướng vô lên, hơi ngược nước một cách vất vả, mà vẫn không hiệu quả. Chợt nghe có tiếng người nói “đừng bơi như vậy, hãy bơi ngang như lúc nãy, sẽ tấp vào hàng dứa dưới kia, giữ lấy lá dứa, nghỉ lấy hơi rồi bơi thẳng vào bờ” . Tôi im lặng vâng lời. Khoảng vài phút sau, chẳng thấy hàng dứa đâu, nhưng chợt nghe chân, bị gai lá dứa cào rách đau điếng, tôi vội quơ túm lấy đầu mấy lá dứa, cố giữ mình trụ lại. Thở đều đều và thấy khỏe dần, sau gần chục phút chiến đấu, với dòng chảy hung hăng rùng rợn, chợt mấy lá dứa tôi đang bám, bị đứt lìa khỏi thân một cách bất ngờ. Không kịp phản ứng, nên không còn cơ hội, bám vào các lá khác được nữa, tôi đành gắng hết sức bình sinh, bơi thật nhanh theo hướng vào bờ. May quá, từ xa khi thấy tôi, bám trên đầu lá dứa. Một chiếc xuồng, của người anh em ở khác thôn, đang vớt củi, phía dưới chỗ tôi vài trăm mét. Đã bơi ngược dòng theo bờ, rồi ra đón tôi, còn cách bờ khoảng hơn năm chục mét, trong tình trạng gần kiệt sức, nhưng vẫn gắng gượng đến phút cuối cùng. Nằm trên xuồng tôi mới thật sự buông xuôi, và hai hàng nước mắt, rơi ướt tràn cả lổ tai, với tâm trạng khó diễn tả, khi biết mình được cứu sống.

Tôi bước lên bờ, sau anh em gần chục phút, và bị đừa xuống phía Đông, hơn nửa cây số hãi hùng. Đó là lần đầu, và cũng là lần cuối, tôi dám vượt sông trong cơn mưa lũ kinh hoàng. Và thật may mắn là ở nhà, ba tôi không hề hay biết, về trận suýt chết nữa của tôi, khi hai trận chỉ cách nhau trong vòng mấy tháng. Giờ đây, đôi khi tìm về kí ức tuổi thơ, tôi thấy mình đúng là một chú nhóc gan lì, với vẻ mặt dễ thương, sống trong thời loạn lạc, xem thường sinh mạng quá. Và những kỉ niệm vui buồn ấy, còn đọng mãi trong tôi cho đến tận bây giờ. Còn bao chuyện hoang nghịch không tên, nhiều nhất là đánh nhau và hái trộm hoa quả, khiến tôi bị đòn như cơm bữa. Chừng ấy vẫn chưa vừa,còn những chuyện nữa mà suốt đời tôi không thể nào quên. Và xin gửi lại nơi đây, những chuyện gì tiêu biểu nhất, trong vô vàng câu chuyện, đã một thời, khiến ba mẹ ăn ngủ không yên…

Năm ấy hình như đã đến tuổi mười lăm. Khoảng nửa buổi chiều, sau một hồi tắm sông nghịch nước đã đời, chúng tôi kéo về, ngồi trên một thành giếng bỏ hoang,không có nước cạnh đồn, nằm phơi đáy chứa đầy đá sỏi, gạch vụn đủ loại. Phát hiện thấy bên trong đống lộn xộn đó, có một quả bom nằm như thách thức, những đứa trẻ gan lì, nghịch ngợm như chúng tôi. Thế là cả bọn nổi máu, thay nhau ném đá như mưa xuống quả bom, nhưng nó vẫn chưa nổ. Thấy vậy, anh Ân lớn nhất trong bọn nói: “Tụi bay lui ra hết, để tao”. Đã chuẩn bị sẵn trên hai tay, hai viên đá lớn đầy góc cạnh, như một xạ thủ lão luyện, anh ấy từ từ ngắm tới ngắm lui, rồi mới vèo một phát. Viên đá cọ vào trái bom, để lại mấy vệt trầy trăng trắng, nhưng nó vẫn nằm bất động. Tiếp tục một cách chậm chạp và chính xác, lần này nghe sự va chạm mạnh hơn, tôi có linh tính chẳng lành, vội chạy ra xa. Phía sau tôi ba bốn thằng nữa cùng chạy. Nhìn lại tôi thấy anh Ân, là người cuối cùng co giò bỏ chạy, trong nhóm còn lại. Nhưng không kịp nữa rồi! Đùng! Một tiếng nổ đinh tai. Cái chân anh đang co giò để chạy, nát bét từ trái chân trở xuống, thành một khúc thịt bầy nhầy, không còn thấy bàn chân đâu nữa. Mấy thằng còn lại, đứa thì mặt mày bê bết máu me, đứa thì lưng áo lủng mấy lổ, máu thấm tràn ra đỏ ối. Từ nhà, nghe tiếng nổ kinh hoàng đó, biết thế nào cũng có, cậu quý tử tham gia. Ba tôi hớt hải chạy ra, nhìn thấy tôi ông im lặng, cùng mọi người lo sơ cứu cho anh em, rồi tức tốc đưa đi bệnh viện. Sau khi ra viện, mấy thằng kia bị sẹo ít nhiều, mỗi người mỗi kiểu, dáng hình sẹo khác nhau. Riêng anh Ân, bị cưa cụt gần tới gối, mình mẩy rải rác đầy những vết sẹo lớn nhỏ, trông thật đáng thương.

Kể từ hôm vụ nổ trái bom xảy ra, ba tỏ ra lạnh lùng nghiêm khắc với tôi, nhưng không một lời hỏi tội, khiến tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, trận đòn roi lơ lửng ở trên đầu. Chuyện cũ vừa phai, tôi lại tiếp tục tham gia, vào trò tiêu khiển mới.

Hôm ấy! Thầy cô giáo bận họp, cho chúng tôi nghỉ hai tiết cuối. Ra về sớm chẳng làm gì, tôi rủ mấy đứa: “Ê tụi bay! Lâu quá rồi chẳng dám chơi chi, hôm nay tụi mình, đua xe đạp chơi cho đã, về sớm làm gì cũng lỡ buổi rồi”. Nghe có lí, sáu bảy đứa gì đó không nhớ nữa, cùng tôi, thay vì chạy bon bon trên đường nhựa, chúng tôi chọn đường đất ghồ ghề, nhỏ hẹp để đua. Đã thỏa thuận với nhau, là tôi hô xong một hai ba, mới được xuất phát. Mà hai thằng nhóc bạn tôi chơi gian, mới hô một vừa dứt, đã phóng vèo vèo. Tức quá tôi cắm đầu cắm cổ đạp bay theo, khổ nỗi sức khỏe ngang nhau, xe của chúng còn có phần cáu cạnh hơn xe tôi nữa, nên qua mặt chúng, không phải là chuyện dễ dàng. Đã hơn hai cây số rồi, tôi vẫn còn lẻo đẻo phía sau, chỉ hơn mấy thằng bị va phải ổ gà, vũng sình đành tụt hậu. Vốn tính nóng nảy và lì lợm, tôi đỏ mặt đạp thở phì phò, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Chiếc mũ lưỡi trai, chị gái mới mua cho, bị rơi xuống đường, tôi cũng bỏ luôn. Đua đến một quãng hẹp, một bên là vũng nước đọng, bên kia là những sống đất ghồ ghề, do xe lớn tạo nên. Bùn khô đông cứng lại, cộng hợp với những hòn đá lớn, người ta bỏ xuống, để đi bộ khỏi bị dính bùn, giờ khô rồi cũng chẳng ai dọn dẹp, nên thật khó đi, lại đúng lúc tôi vừa, theo sát đít hai thằng nhóc. Khi thấy chúng quyết định, băng qua vũng nước, và bị giảm tốc. Tôi ương ngạnh sôi gan, phóng xe trên phía lộ ghồ ghề, tưng tưng như cưỡi ngựa. Mấy lần suýt té, nhưng tôi vẫn vượt qua, và đang sắp giành, được vị trí số một. Thì chẳng may gặp phải cụ già, đi xe đạp ngược chiều, sát rạc với tôi. Hoảng quá, bẻ tay lái, đi cho đúng đường bên phải, nhưng lại sợ bánh xe sau, sẽ va vào bánh trước của thằng bạn, nó sẽ nghĩ mình chơi xấu. Nên tôi phải bẻ lại một chút, và vẫn phóng như bay. Có ngờ đâu hòn đá xanh, ai thả giữa đường như giăng bẫy. Quá bất ngờ, tôi quên mất cả phanh. Và nếu tránh qua phải, sẽ ép vào hai thằng bạn, đang nối đuôi nhau. Thế là tôi lãnh đủ. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ như in, khi bánh trước vừa né khỏi, cũng là lúc tôi co chân lên, cái biđanh đáng thương, đâm sầm vào tảng đá nát bấy. Rồi trục giữa cũng va ầm một tiếng, chén nồi xổ ra, đạn văng tung tóe. Còn tôi thì bị hất tung lên, theo quán tính bay về phía trước, ngã sấp xuống đường, dập môi chảy máu mũi, ngực đau nhói. Hai thằng bạn né tôi, quẹt nhau cũng ngã dụi, nhưng chúng chẳng sao. Mặt mũi máu me, mọi người hai bên đường chạy tới, lấy thuốc bổi dịt vào, cho cầm máu mũi, và bông gòn thuốc đỏ, lau rửa vết thương ở môi. Thế mà tôi chẳng lo cho mình. Cám ơn bà con rồi đứng dậy, bước đến nhìn chiếc xe, nằm phơi xác banh chành. Trông thật thảm hại, tôi khóc ồ lên mấy tiếng thật lớn. Không phải vì nỗi đau thân xác, mà vì chiếc xe, ba mới mua cho trong dịp hè, sắp đến ngày khai giảng. Đúng lúc đó, anh thợ sửa xe, chắc đã chứng kiến từ đầu, vội vỗ về tôi: “Thôi đừng khóc nữa, để anh đưa về tiệm gần đây sửa hộ cho, con chú Mười đây mà! Em tên gì? Càng lớn càng giống ba quá!” Tôi mếu máo trả lời: “Em tên Toàn, chắc chiều nay về, ba em đánh chết mất thôi. Ba luôn dặn dò em, đi xe phải cận thận, coi chừng chướng ngại vật, không được phóng nhanh vượt ẩu. Vậy mà tụi em, lại tổ chức đua xe. Huhuhu…!

Thuở ấy nào có điện đài, điện thoại như bây giờ, chỉ thông tin truyền miệng, vậy mà nhanh thật. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, ba tôi đã xuất hiện, lù lù trước mặt tôi, với vẻ hầm hầm như muốn, ăn tươi nuốt sống con mình. Tôi sợ tái mặt toan bỏ chạy, thì ông đã kịp nắm tay giữ lại, và bảo: “Chạy đi đâu! Lấy xe đây đạp về đi”. Tôi líu quíu há miệng, dạ một tiếng, với cái môi sưng vù đau đớn, lấy xe ba lủi thủi đạp về nhà. Chiều hôm đó, tôi ngồi im chờ đợi ba về, như con thỏ trong bước đường cùng, chỉ biết ngoan ngoãn, ngồi chờ con sói đến phanh thây. Sau một trận mưa roi, đổ xuống người tôi không ngớt, ba bỏ đi tìm cái gì không biết, nhân cơ hội nén cơn đau, tôi vội chạy ra ngoài, phóng theo bờ rào rậm rịt,và chui vào nhà bếp, của một người hàng xóm nấp. Trưa đã không được ăn cơm, bụng đói meo, người đầy thương tích, giờ đến bữa cơm chiều, đói hành hạ miên man, nhưng cũng chẳng dám về. Bỗng nghe có tiếng gọi: “Toàn ơi! Toàn” của má tôi, đều đều vọng vang khắp xóm. Tôi rón rén, chạy ra hàng rào nhìn cho rõ, thấy Má tôi tay bưng bát cơm, vừa đi vừa gọi liên hồi, hết đi xuống lại đi lên. Mãi đến lúc trời chập choạng tối, thương má quá, không chịu đựng được nữa. Khi Người đi ngang qua chỗ nấp, tôi nuốt lệ nghẹn ngào : “Má ơi! Con đây!”. Má tôi mừng rơi nước mắt, đưa bát cơm cho tôi, rồi Người ôm lấy tôi, và hỏi: “Có đau lắm không con? Tội cho con trai má quá! Sao mà con dại dữ vậy! Thôi ăn đi rồi về, ba không đánh nữa đâu.” Khi bị đòn roi, tôi cắn răng chịu đựng, chỉ nước mắt rơi, chứ không hề khóc lên một tiếng. Vậy mà giờ đây, với tình thương của mẹ, đứa con trai sắp từ giã tuổi thơ, đứng khóc ngon lành, như đứa trẻ lên ba. Chẳng phải không thương tôi, chỉ có điều, ba thường nặng tay với tôi quá, từ nhỏ đến giờ dễ cả ngàn lần, lớn nhỏ bị đòn roi. Và bất cứ ở tuổi nào, tôi luôn luôn được bảo bọc, trong vòng tay của mẹ. Nên người ta nói “Con hư tại Mẹ” cũng chẳng oan gì, cho phụ nữ nói chung. Dù sự thật có hư, nhưng tôi thương mẹ vô cùng, thương mãi đến giờ. Về bên mẹ, tôi như một đứa trẻ, bị thời gian nhuộm bạc tóc râu.

Trở lại chuyện! Khi ăn bát cơm, nuốt cùng nước mắt chan hòa, được hơn nửa bát, thì tôi không ăn được nữa. Hai mẹ con dắt nhau về, đi vào cửa hông ở dưới nhà ngang, thông với nhà bếp. Sau đó má nấu nồi nước lá gì không biết, bỏ muối vào nữa. Bắt tôi cởi đồ ra, lau khắp người xong, má tắm luôn cho tôi. Mình mẩy đầy thương tích, gặp phải nước muối, tôi nhảy dựng tưng tưng, vì rát không chịu nổi. Xong má lấy nước nóng bông gòn, cùng thuốc rửa vết thương cho tôi. Nào do té xe, nào do những lằn roi, đè lên nhau nhiều lần, nên dập bầm rớm máu. Biết tôi đau, má nhẹ nhàng tỉ mỉ, rồi lấy khăn lau khô người, mặc quần áo sạch cho tôi.Đó là lần tắm cuối cùng, của người mẹ, tắm cho đứa con trai rứt ruột đẻ ra, trước khi nó bước vào tuổi lớn. Đêm ấy, tôi không ngủ với ba, ở đivân nhà trên. Mà nằm trên chiếc chỏng tre, ọp ẹp ở nhà ngang, với manh chiếu cũ, mà nghe ê ẩm cả thân người, dù má đã lo tất, những gì có thể cho tôi. Sáng hôm sau đến lớp, với hình thù trông phát khiếp, chỉ mong cho thời gian chóng qua, để về nằm dài trên chiếc đivân, mà ăn năn về những việc đã làm. Không ngờ tối đến, người phát sốt, mắt nặng môi khô miệng đắng, chỉ húp được vài miếng cháo, rồi nằm liệt giường, nghỉ học đến hai hôm. Mình mẩy tôi đau nhừ, đầu óc quay cuồng, hai bên thái dương giựt bưng bưng không chịu nổi. Các vết thương chắc bị nhiễm trùng, làm mủ nhứt nhối vô cùng. Má phải gọi y tá đến nhà chăm sóc cho tôi.(thời ấy ở địa phương, bác sĩ còn hiếm lắm)

Sau trận đòn chí tử đó, tưởng đã nên thân, nào ngờ tính háo thắng nghịch ngợm của trẻ con, vẫn chưa chịu buông tha tôi, dù đã sắp phải chia tay với một thời thơ ấu. Trưa hôm đó, sau một hồi tắm sông thỏa thích, thay vì về ăn cơm, để mẹ cha chờ, cả bọn chúng tôi, rủ nhau đi hái trộm mận ổi, ở vườn bà Cửu Hai. Là bà nội của bảy Nguyên, bạn tôi bây giờ. Cử hai thằng làm cảnh giới, ba thằng nữa cùng tôi, đột nhập vào vườn cây, qua lỗ trổ rào, dẫu đã được sửa lại kiên cố hơn xưa. Nhưng vẫn không thể nào, ngăn nổi lũ nhóc chúng tôi. Trước khi trèo lên cây, thằng nào cũng thắt hai vạt áo lại, cúi lom khom, mắt quan sát tứ phía, thấy an toàn rồi mới vọt lên cây. Sau khi đã hái những trái chín bỏ vào trong áo, không còn chỗ nhét nữa, tôi ngồi trên cây ăn vội vàng đôi trái, rồi khe khẽ tụt xuống, chạy ra bờ rào, chuyền tay cho hai thằng ở ngoài, lấy bớt ra cho gọn nhẹ, rồi chui ra lỗ trổ. Cả bọn lần lượt cứ thế chui ra. Tưởng đã ngon ăn, không ngờ thằng bạn của tôi, từ trên cây tụt xuống cuối cùng, chẳng biết vội vàng lúng túng làm sao, mà cái áo phồng to bọc đầy ổi mận, bỗng xòa ra một cái, bao trái cây tuôn cả ra ngoài. Thấy nó luýnh quýnh, tôi chuyền hết trái cây của mình cho bạn, rồi vọt lẹ vào, lượm bỏ vô áo tôi, và bảo nó ra trước đi. Thật không may cho tôi, đúng lúc đó bà Nội của bảy Nguyên, nghe tiếng động khi nãy, đi ra vườn xem thử. Nghe tiếng huýt sáo báo động, tự nhiên tôi ngoái đầu nhìn lại, và bà đã kịp nhận ra tôi, la làng ỏm tỏi: “Bớ làng xóm ơi! Thằng Toàn con ông Mười, nó hái trộm mận của tôi.” Quýnh quá tôi bỏ chạy, chui ra lỗ trổ. Khổ nỗi lần này chui không lọt, bởi phía trước bụng nhét đầy trái cây, phình to ra cản lối. Bà Cửu đuổi theo, nắm lấy chân tôi mà la hét. Tôi đành phải lùi lại, đứng lên xổ tung hết trái cây xuống đất, và nói: “Con xin trả hết lại cho Bà”, rồi chuồn thẳng. Vừa qua khỏi trổ ngước lên, tôi thấy anh Hai Vấn, láng giềng của tôi, làm dưới ruộng về. Mặt tôi bỗng tối sầm, vì mới cách đây hai ngày, tôi bị anh ấy bắt quả tang, khi bẻ mía ngoài đồng. Phen này chắc chết!Tôi lửng thửng đi, như thằng mất sổ gạo. Lên tới gò mã ông Son, gặp đồng bọn. Chúng nó biết chuyện, nên đã chia cho tôi phần nhiều nhất, tôi vẫn buồn thiu nói: “Tụi bay ăn đi, tao không thèm nữa.” rồi lủi thủi về nhà. Biết là thế nào anh Hai Vấn về, cũng mách chuyện hôm nay với ba tôi, và cả chuyện bẻ mía của anh ấy nữa chứ, phen này chắc chết. Vừa về đến nhà, má tôi đã kéo vào hỏi chuyện. Tôi thật thà kể hết cho má nghe, và chờ đợi trận đòn roi. Đợi mãi Ba tôi vẫn không nói một lời, trước khi đi làm ông gắt một câu: “Chiều nay ở nhà học bài đi.” Thế là thế nào? Tôi thật sự không hiểu vì lạ quá, thay vì đánh đòn, Ba chỉ nói bấy nhiêu. Dẫu thế, tôi vẫn ngồi vào bàn học, và làm bài đâu ra đó. Mãi chiều tối, má mới nói với tôi rằng, ba đã đi xin lỗi bà Cửu Hai, và hứa sẽ dạy con nên người, từ nay bà ấy đừng lo sợ, tụi con phá phách nữa. Và cuối cùng là hình phạt ba dành cho tôi, phải ra ngoài bãi tưới rau, bảy mươi hai gánh nước, trước khi bình minh ló dạng. Trời ơi! Thế này có chết tôi không. Thà bị đánh nát đít còn hơn, nhưng biết làm sao được, tôi đành ăn cơm trước đi ngủ sớm, nhưng trằn trọc mãi không thể nào ngủ được. Ôi! Cái vai tôi làm sao có thể, chịu đựng bảy mươi hai đôi nước đây! Mà phải tưới mấy tiếng đồng hồ, xong trước khi trời sáng. Bụng tôi thầm nghĩ, sao ba tàn nhẫn quá. Về sự nặng nhọc thì tôi không sợ, bởi luyện võ và tập thể dục thường xuyên, tay chân tôi rất khỏe. Nhưng cái vai chưa một lần xung trận, biết làm thế nào đây vai hỡi, vai ơi!

Nằm nghĩ mông lung, rồi thiếp đi lúc nào không biết, đến khoảng ba giờ sáng, nghe má gọi dậy đi tưới nước. Tôi giật mình bật dậy, nhìn thấy ba đang uống trà, hai lỗ mũi đầy khói thuốc bay ra. Làm vệ sinh xong, tôi ra lấy đôi xoa, đã gắn liền với đòn gánh, bằng sợi dây bắc qua ròng rọc nhỏ, là hai cái mônhơ, của xe đạp thải ra. Má nói đợi một lát. Má đi tìm thêm cái gàu múc nước. Đôi xoa gánh trên vai, tôi đứng dựa cột nhà, và ngủ đứng một cách ngon lành, đôi xoa rơi xuống đất lúc nào cũng chẳng hay. Đến khi nghe má gọi, tôi mới lừ đừ mở mắt. Và nghe mơ hồ, ba nói nhỏ với má rằng: nó tưới được bao nhiêu được, sáng ra cho nó về, để còn kịp đi học nghen chưa. Thế rồi má đặt lại đôi xoa lên vai tôi, rồi Người nắm tay, dắt tôi đi trong đêm tối mịt mùng. Mắt tôi vẫn nhắm, bước đi quỵnh quạng lảo đảo, cho tới khi băng qua con lạch nhỏ. Nước lạnh tê tái đã làm cho tôi tỉnh lại, và cảm thấy chưa chi, đôi vai đã nếm mùi lợi hại, của việc gánh gồng dù chỉ gánh đôi xoa không. Biết trước vai tôi sẽ không thể nào chịu đựng nổi, nên nửa khuya, má đã lấy chiếc gối, hình bán nguyệt cũ bé xíu, của cháu bé con chị tôi, giờ nó lớn rồi không dùng nữa. Người khâu dính vào bên trong, chiếc áo sĩ quan cũ, của Ba tôi thường mặc. Đến nơi, Người khoác lên cho tôi, trông nó rộng thùng thình, và ngộ nghĩnh làm sao. Trang bị thế rồi, mà mới tưới chưa được ba mươi đôi, tôi gần như muốn bỏ cuộc, dù việc múc nước đã có má lo. Mệt quá tôi ngồi bệt xuống đất, tự cho phép mình nghỉ xả hơi, và thầm nghĩ: “Khổ thế này mà ba tưới có một mình, còn kịp về ăn sáng với tôi, trước khi tôi đi học”. Nghĩ lại lời ba nói lúc nãy với má khi ngủ gục, ba đâu có ghét chi mình, chỉ tại mình hoang lì quá. Giờ mình phải cố gắng lên, rồi từ đây không quậy phá nữa, đúng như lời ba đã nói, cùng bà Cửu chiều qua. Phải cố gắng lên thôi! Tôi đứng dậy tưới một hơi, bốn mươi mấy đôi liền, trước sự kinh ngạc của má tôi. Chẳng biết động lực nào, đã khiến con trai mình, quyết tâm mạnh mẽ lên như vậy. Mà hay thật, tôi ngồi nghỉ bao lâu, má cũng chẳng hối thúc một lời. Mãi đến khi xong việc ra về, trời cũng vừa lóe lên, những tia nắng đầu tiên, Người mới nói, cởi áo ra cho Người xem vai tôi thử. Và hai mẹ con cùng hoảng hồn, khi nhìn thấy vai tôi rướm máu, ướt cả một chòm áo bên trong. Lạ thật, thế mà sao tôi không nghe đau nữa nhỉ. Má xuýt xoa vỗ về, rồi giành lấy gánh của tôi mà gánh hộ.Về đến nhà,tôi vội rửa ráy thay đồ. Nhìn thấy chiếc vai trần của tôi, bầm tím và rĩ máu,ba tôi kinh ngạc chạy đi hỏi má tôi. Chắc là Người bảo, nó bị như thế sao không cho nó về sớm, mà phải ở tưới cho hết kia chứ, tôi đã bảo rồi mà. Và càng ngạc nhiên hơn, lần đầu tiên trong đời, tôi được ba gọi đến. Và chính đôi tay của Người, đã chăm sóc cho tôi, dù vội vã cho kịp giờ đến lớp.

Mấy tháng trôi qua trong bình yên và ngọt ngào, cả gia đình nghĩ rằng tôi đã lớn, không hoang nghịch phá phách nữa, nhưng thự sự chưa đâu. Sáng hôm ấy là Chủ Nhật! Ngoan ngoãn lâu ngày ngưa ngáy tay chân, chúng tôi chia làm hai phe đá đít, rồi oánh lộn tại gò mả ông Son, là lãnh địa thiên đường, của lũ nhóc chúng tôi. Nguyên ông bà Son là một phú ông, không con cái nhưng giàu lòng nhân ái, của cải hầu hết đem phân phát, cho dân nghèo đói rách. Nên khi ông mất, người ta xây, một ngôi mộ đôi to hình chữ nhật, như một cái nền nhà, và cao hơn những mộ bình thường trên một mét, là sân chơi lý tưởng của chúng tôi. Cả nghĩa địa rộng lớn, được gọi chung là gò mả ông Son. Sau khi bốc thăm, phe tôi bị ở dưới, phải tấn công bằng cách đu tay phóng vọt lên, hoặc dễ hơn, là đi từ bậc cấp phía nhà bia. Sau mỗi đợt tấn công, đều bị đối phương phản kích, té lăn chiên. Tức quá, tôi lỳ lợm chạy xung quanh mộ, tìm sơ hở để tấn công.Đây rồi, một thằng nhóc sơ suất, quay mặt nhìn hướng khác. Tôi bốc giò kéo nó té xuống, rồi nhảy lên đạp nó văng luôn, giao cho anh em xử lí. Thừa thế, hai ba thằng nữa phóng lên với tôi, nhưng cuộc chiến vẫn chưa cân sức, vì tôi phải đang một chọi hai. Và phe tôi, một thằng lên tiếp ứng, đã bị lãnh chưởng, văng xuống lại.Tôi vừa đánh vừa chạy về hướng nhà bia, và bảo đồng bọn tới đây xông lên. Trận công đồn sẽ hoàn toàn thắng lợi, nếu như tôi, không mắc phải sai lầm. Khi đứng với hai tay vịn nhà bia, hai chân tôi liên tục, tung những cú song phi lợi hại, khiến đối phương không dám, đến cản lối anh em. Mãi đến khi người cuối cùng lên được rồi, tôi mới dừng tung cước, và vội vã mừng vui chiến thắng. Đứng hò hét huênh hoang, chẳng đề phòng chi cả, nào hay hai thằng tấn công tôi, cùng một lúc ở phía sau. Quá bất ngờ, tôi nghe đau điếng năm bảy chỗ ở trên người, khi lãnh trọn những cú đá, và cú đấm chắc nịch. Bởi là chiến binh lão luyện, trong nháy mắt, tôi quay lại phản công ngay, bằng cú đấm ngoạn mục, chí tử vào thằng Trung Môn. Máu mũi nó vọt ra, thì cũng vừa lúc cú đấm thứ hai, từ tay còn lại của tôi, đã đến gần mặt nó. Khi quãng cách chỉ còn đủ lọt con ruồi, tôi bất ngờ thu tay lại, rồi đứng sững.Nào hay thằng Khanh, thấy tôi phản công, mạnh mẽ vào đồng đội, nó chạy đến tiếp ứng, và tặng cho tôi, một cú phi độc cước chết người.Bởi đang nhượng bộ đối phương, không hề phòng thủ, tôi hưởng trọn cú đá, té ngã người chống tay xuống đất. Thừa thắng, hai thằng cùng một lúc, tung hai cú đá hất tôi bay, từ trên gò cao, văng xuống thấp như trái bóng, trong một tư thế, không thể nào tiếp đất an toàn được.Tôi nằm một đống, nghe chân đau nhói, giữa tiếng reo hò chiến thắng của đối phương. Vì hạ được tôi, chúng hỉ hả vô cùng. Những thằng anh em theo tôi, đã đầu hàng an toàn, và chúng nghĩ rằng, tôi chỉ nằm giây lát, rồi sẽ đứng dậy, như thường ngày những lúc đánh nhau. Nào ngờ tôi nằm mãi, chúng mới chạy tới xem sao, và phát hiện rằng tôi đã bị gãy chân. Vừa lúc ấy, chú Năm Kế nhà tôi, chạy xe Lambrô ngang qua, thấy bọn trẻ xúm lại, đông nghịt bên tôi. Chú dừng xe, xuống xem sự thể ra sao, rồi bảo mấy đứa khiên tôi, bỏ lên xe chở đi cấp cứu. Chẳng biết ai đã báo tin, mà khi tôi đang được anh em, sửa soạn chỗ nằm cho ngay ngắn, thì ba tôi cũng hầm hầm xuất hiện. Ông phóng vội lên xe cùng đi, và ngồi ở ghế trước với chú Năm. Trong cơn đau đến muốn ngất, bởi con đường nhựa đầy ổ gà, tôi vẫn nghe ba nói loáng thoáng, với chú Năm rằng: “Thật bó tay, với thằng con bất trị của tôi. Hết chuyện này đến chuyện khác, nó chẳng để cho tôi yên, mà làm ăn nuôi nấng nó”.Rồi tôi nghe chú Năm đáp lại: “Rủi ro thôi anh Mười à! Trẻ con đứa nào chẳng hiếu động. Nói thật, thấy nó cũng lớn rồi, tôi muốn dạy thêm võ cho nó,mà mãi thế này, thì tôi chưa dám dạy”.Tôi nằm nghe, trong đau đớn chán chường, bất chợt hai giọt lệ tuôn rơi. Chú ấy nói phải, ngựa non háu đá hăng máu như tôi, nếu được học võ xưa của chú, thằng nào gây chuyện, dám tôi đánh chết người, thật chứ chẳng chơi. Nên mãi sau này, khi tôi đã là, một thanh niên thực thụ, đẹp trai điềm đạm dễ thương, chú mới tận tình dạy võ cho tôi. Và dặn dò, học võ là để phòng thân, phải luôn biết kiềm chế nhịn nhường, không được háo thắng hung hăng, ra tay mạnh bạo, khi không thực sự cần thiết.

Mấy tháng trôi qua, cái chân đã được tháo bột, tôi hiền khô, tan học là về, vẽ vời viết lách đàn địch vui chơi. Ba má có vẻ rất hài lòng. Rồi một chiều! Quanh quẩn trên sân thấy buồn quá, tôi tản bộ ra ngoài lộ, thăm lũ trẻ chăn bò chơi, cho sảng khoái tâm hồn. Lâu nay tôi ít đọc sách, rồi kể chuyện cho chúng nghe, như lúc trước nữa. Vừa thấy tôi, thằng cu Beo con chú Ba Đới, nhảy cẩng lên: “Anh Toàn kia! Nói ảnh bắt cho”.Tôi bước lại hỏi: “Chuyện gì mà tụi bây tiu nghỉu thế kia?”. Thằng bé trả lời rằng: Trên đọt cây gòn trước dinh bà, có ba tổ chim ổ già, tụi trẻ quý lắm. Chẳng biết sao lại làm tổ nơi đây, hồi giờ chưa hề có. Khổ nỗi không thằng nào biết cách, leo lên cây gòn đại thụ được, vì gốc nó quá to, và có leo lên được đi nữa, thì nó ở trên cao quá, chẳng biết bắt có được hay không, vì quá nguy hiểm. Nghe đâu cây gòn được trồng, từ thời ông cố nhà tôi chưa có vợ, mới ghê chứ. Đứng dưới gốc nhìn lên, ước lượng nó cao tầm ba chục mét, thấy cũng hơi chờn. Nên tôi hỏi lại cho chắc rằng, có chính xác là tổ chim ổ già không, để lỡ phí công,vì lúc đó không thấy chim mẹ. Đứa nào cũng bảo chắc như cái víc, nhưng không hiểu tôi leo bằng cách nào, dù xưa nay tôi leo cây, thuộc hàng thượng thặng.

Gốc cây gòn nhẵn nhụi trơn lu, to ba thằng nhóc ôm không xuể.Từ dưới gốc lên khoảng sáu bảy mét, mới có một thân phụ, mọc ra từ nách, của cành đầu tiên, to nhĩnh hơn cái mình tôi một chút. Nhưng bên trên phía ngọn, chưa có cành của cây chính để đu qua, nên đoạn đó cũng không thể leo, từ thân cây phụ được. Tôi quyết định leo dây, cả hai đoạn cao như thế, và bảo chúng nó, mở dây cột bò nối lại, ném qua cành thứ nhất cho tôi.Mấy thằng ném mãi, mà cuộn dây không qua, chỉ lòng thòng một đoạn lơ lửng trên cao,thấy vậy tôi bèn nói:

-Kéo xuống đi!Tìm cho tao viên gạch.

Một thằng nhóc, liền chạy lượm viên gạch bể cho tôi.Khi đã buộc đầu dây, chắc chắn vào viên gạch,tôi bảo chúng tản ra, rồi ném qua cành cái vèo, nới hết cỡ, cho viên gạch kéo đầu dây xuống thấp. Dây hơi thiếu, nó huơ qua huơ lại mấy lần, tôi mới chụp được, rồi buộc hai đầu dây lại, leo lên trong tiếng hò reo của lũ nhóc. Lên tới cành thứ nhất, tôi mở dây ra, và ném qua cành thứ hai bị cụt đọt, rồi lặp lại những động tác đã làm, trước sự cổ vũ, đầy thán phục của đàn em. Vốn thường tập luyện, đôi tay tôi rất khỏe. Bàn tay trẻ con đầy những vết chai sần, nào cầm cuốc, chơi đàn, xà đơn, xà kép, leo dây. Thế mà leo đến cành thứ hai, bởi từ ngày bị gãy chân, không thường xuyên tập luyện, đôi bàn tay đỏ bừng như rớm máu. Đến đây, khoảng cách các cành đã gần hơn, nhưng vẫn chưa vừa tầm, để đu lên được. Thân cây vẫn còn to, và trơn rất khó bám vào, nên tôi phải tiếp tục, leo dây lên cành thứ ba. Rồi bắt đầu đu lên chuyền cành, leo lên tới ngọn, bắt hai tổ chim ở gần trước.Chúng tưởng mẹ về cho ăn, há miệng ra kêu ríu rít, dễ thương làm sao. Kéo mấy sợi cỏ dẻo từ trong hai tổ ra, nối lại với nhau cho dính thật chắc, rồi tròng lên cổ, tôi tiếp tục leo lên, bắt tổ chim thứ ba nằm ở trên.

Bước lên nhành cây hơi nhỏ, nên tôi vô cùng thận trọng, nhích ra từng tí một. Vừa với tay bắt lấy được tổ chim, thì cũng vừa lúc nghe xoạt lên một tiếng dài. Cành gòn nhỏ không chịu đựng nổi, trọng lượng cơ thể của tôi, đã tách rời khỏi thân, rơi xuống, kéo theo tôi bồng bềnh hụt hẫng. Hoảng hốt, tôi vội ôm lấy nhành phía dưới. Nhành này cũng tiếp tục, tách lìa khỏi thân,tiếp tục kéo tôi rơi xuống, chới với giữa không trung, người nhẹ đến ngạt thở.Trước sự đấu tranh sinh tồn với tử thần, tôi bỗng thấy mình vô cùng tỉnh táo. Buông tay khỏi cành cây, với tay ôm choàng lấy thân cây, nhưng bị tụt xuống tới cành phía dưới, khi chân chạm phải nhành, nó nhún ngược người tôi lên một cái. Thân cây đoạn này đã to lên lắm rồi, mà cái dây leo, còn treo lơ lửng ở nhành bên kia.Nếu không chụp được dây leo, thì chuyện xuống đất của tôi, là điều không thể, trừ khi có người mang dây lên cứu giúp, mà chẳng biết có ai leo được như tôi, để mà cứu tôi nữa chứ. Nghĩ thế, tôi quyết tâm bình tĩnh, tìm cách tự cứu lấy mình, là ngồi xuống với tay bẻ một nhành cây nhỏ, trẩy lá đi để lại một cái chán, rồi đưa lên, cố khèo lấy sợi dây. Khèo hai lần liên tiếp, đều bị dội ngược trở lại, người tôi căng thẳng đến vả mồ hôi nhớt. Hít vài hơi thật sâu lấy lại tinh thần, tôi nhẹ nhàng đưa tay ra, khèo sợi dây lần nữa. May thay lần này, nó ngoan ngoãn dính theo cành cây, tôi kéo vào bốc lấy, mà tim đập loạn nhịp cả lên. Nghỉ một lát cho thật bình tĩnh, tôi mới đu người qua bên đó, rồi mở dây chuyển xuống dần. Khi leo dây đến cành cuối cùng, tôi mới phát hiện, cái chân gãy của mình đau quá, và lần này thao tác của tôi, mới vụng về và yếu ớt làm sao. Chợt tôi nghe thấy tiếng người ở dưới vọng lên: “Cố gắng lên con! Hãy bình tĩnh, từ từ xuống cũng được”. Trời ơi!Ba tôi! Lúc bây giờ tôi mới nhìn xuống, thấy ba tôi, cùng cả mấy chục người trong xóm, đổ ra lúc nào chẳng biết. Chắc là từ khi, cành cây gãy rơi xuống đất, gây sự chú ý của mọi người thì phải. Buộc hai đầu dây xong, chập làm một rồi tuột xuống. Chẳng biết tôi giữ thế nào, mà một sợi tuột khỏi tay, khiến tôi rơi xuống cái vèo, trước sự hoảng sợ của mọi người.Lúc ba tôi lao đến đỡ tôi, cũng là lúc vòng tròn sợi dây căng lên, vì đã hết độ dài có thể thòng xuống. Tôi đứng xuống đất, và nghe chân mình nhói đau dữ dội, hai bàn tay rớm máu, trên cổ vẫn còn đeo, tòn ten hai cái tổ chim. Mọi người chen nhau, vào xem tôi như thế nào. Chợt tôi thấy thằng cu Beo, liền nói: “Lấy đi!”. Cả lũ nhóc nãy giờ chỉ lo, cho sự an toàn tính mạng của tôi thôi. Không đứa nào còn bụng dạ, nghĩ tới mấy chú chim non nữa. Nên mặt thằng cu Beo méo xệch, gỡ lấy hai tổ chim, mà chẳng thích thú tí nào. Nhìn thấy hai cành cây gãy dưới đất, quên nỗi đau thể xác của mình, đang bị chấn thương, tôi hỏi: “Có đứa nào bị sao không?”.Giọng ai đó liền cất lên: “Không sao cả, điều quan trọng nhất bây giờ, là cháu thấy trong người thế nào?”. Lúc bấy giờ tôi mới nhìn xuống, da vùng bụng vùng ngực của tôi, bị trầy tróc đỏ lói, chẳng kém gì hai lòng bàn tay, đang rỉ máu kia rồi, tôi thử đứng lên và nhăn mặt nói: “Cái chân!”. Thế rồi họ cùng nhau bàn bạc với ba tôi, bảo tôi phải đi nhập viện, có bác sĩ y tá chăm sóc mới được, chứ để ở nhà lỡ về sau, cái chân có vấn đề gì rồi ân hận. Một lần nữa tôi phải nhập viện, và ăn năn hối lỗi, về những việc đã làm, gây bao não phiền cho Ba Má, kéo theo cả gia đình, sống trong những ngày tháng chẳng bình yên, khi không có họa tôi gây ra, cũng đã khổ lắm rồi.

Thời gian lặng lẽ trôi đi! Đã sắp hết mùa hè,áo quần tôi mặc như bé lại cũn cỡn, khi chiều chiều tôi bách bộ ven sông, dưới nắng hanh hao vẫn còn hừng hực, của những ngày cuối hạ. Nhìn xa xa qua dãy núi Đầu Voi, đang khoác chiếc áo màu cỏ úa, lốm đốm vàng xanh, dưới trời mây lãng đãng. Bỗng thấy trong tôi, xuất hiện một điều gì rất lạ, một cảm giác vô cùng khó tả. Một cái gì đang phôi thai trỗi dậy, một ý niệm mới mẻ, về đất trời vạn vật, một nỗi buồn man mác lâng lâng. Tôi vẫn đi dọc bờ sông, nhưng không cởi truồng, nhảy ùm xuống tắm như trước nữa, mà chỉ lấy chân tạt nhẹ vào mép nước, đang dần dần lấn bãi lúc triều lên. Dòng Trà Giang trong thời khắc ấy, đang điểm tô gương mặt màu vàng rực, chừa bóng đổ những con thuyền, mỗi phút một dài hơn. Nhìn về Tây, tôi thấy đồi Thiên Ấn như đi ngủ sớm, để lại dăm cánh cò, hối hả dưới hoàng hôn. Tôi đứng như thể uống từ từ, những tinh túy của càn khôn, trong nắng gió buổi hôn hoàng, và thấy tận chân trời, những bóng mây, đang tạc nỗi buồn man mác, của một buổi chia ly, vô hình nào đó trong tôi. Hình như là… sự ra đi… của một thời thơ ấu…

Sài Gòn đầu thu 2014