Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CÁNH HOA NHÀI







- C hẳng biết lại ra cơ cảnh này. Cũng tại tôi!

Nghe bà nói, chàng im lặng. Nói rồi bà kéo vạt áo lên chùi mắt. Cũng là lần thứ hai, sau ngày nàng về nhà chồng, chàng tới thăm nhà nàng. Mấy chục năm rồi ấy nhỉ? Chàng thoáng nghĩ, không tiện nói ra với bà cụ, nào con sung sướng gì đâu, cũng khổ lắm bà ạ. Nhìn gia cảnh, vẻ thì danh giá, ông nọ bà kia - chồng giáo sư, vợ Vụ phó,...

Ngày ấy chàng mới ra trường, cũng vì cái ơn ông thấy hướng dẫn, được biên chế về trường. Lúc đó, anh giảng viên đại học thu nhập thấp tè, mỗi tháng suất lương và suất đong gạo sổ mười ba cân rưỡi, tem phiếu thịt đậu than, sống thật lay lắt. Chàng nào có ô dù, ngoài ông thấy hướng dẫn - trưởng khoa đỡ đầu. Mỗi tuần, vào bảy giờ tối thứ Bảy, chàng  thập thò tới nhà người, mình từng chịu ơn mưa móc. Vào giờ ấy nhà họ đang dùng cơm. Chàng dỏng tai lên nghe động tĩnh bên trong, khi thấy tiếng dọn bát đĩa, đoán định bữa tối xong xuôi, thì rụt rè gõ cửa. Nhà thầy có con chó tây lai to tướng, như con bê. Nó sục mõm vào cái bát ô tô đầy tú hụ những cơm, ruột lợn, phổi bò,… Nhìn con chó ăn uống, có bận thầm ao ước, giá mình được làm thân phận con chó đó. Và rồi chàng đã toại nguyện, được làm rể nhà thầy.

Nhưng đau, đau lắm. Đứa con trai mang cả họ lẫn đệm, Sầm Nghi… Nó vừa tu nghiệp bên tây về. Nào chàng đâu muốn đưa nó về nhà thờ họ, chuẩn bị cho lễ ăn hỏi với con gái ông thứ trưởng, bà Vụ phó, tức vợ chàng rít lên:

- Đưa nó về. Dù là tu hú nuôi con. Về là đẹp mặt cho ông. Ông tưởng tôi yêu thương, nể phục ông lắm ư. Lấy ông, cũng chỉ vì bố tôi ép đó!

Lúc ấy chàng định quát vào mặt bà Vụ phó:

- Sung sướng lắm, khi cưới cô vợ có cái bụng lùm lùm. Bố nó...

- Gã lái xe chứ gì. Làm quái gì có thứ máu mủ với thằng giặc Sầm Nghi Đống nhà ông. Giỏi, thì tung hê đi!

Chàng cắn răng, lắm khi cắn cả vào lưỡi, cắn tới mức đau nhói tim gan. Nhục thật, mà đanh nuốt.

Nhấm nháp chén trà mẹ nàng vừa rót mời, thoang thoảng hương nhài, chàng lại nhớ tới khóm nhài rìa ao, nơi hai đứa từng tình tự, ngồi núp ẩn thuở nào. Tiếng mẹ nàng cắt ngang:

- Thằng chồng nó ghen lắm cơ. Mỗi bận anh về làng, đều đem vợ ra đánh.

Khổ thân không. Nàng bị đánh thì cả làng này biết. Đến như bà Vụ phó, vợ chàng tận Hà Nội còn hay, chồng về quê, dan díu với cô người yêu cũ, bị anh chồng lôi ra đánh, bò lê bò lết.

  ***

Ngày xưa ấy nhiều đêm chàng cùng nàng ngồi bên bờ ao. Mẹ nàng biết và giấu diếm cho hai đứa. Bà cứ chạy ra chạy vào. Kẻ kia, gã lực điền đang ngấp nghến nàng đã ngồi chầu hẫu trực trong nhà. Trong lúc ngồi đợi nàng, gã ta đành phải nghe ông bố vợ tương lai lên lớp về chính trị.

- Ông giỏi, ông giỏi

Đó là con vẹt đang nói. Chắc nó ngủ mơ. Vẹt mà cũng ngủ mơ, buồn cười thật. Ông đội trưởng nuôi và dạy nó mỗi câu khen chủ, ông giỏi, ông giỏi, thế là cứ nói thế. Bố nàng hình như bị điếc, bởi người điếc hay nói to. Ngồi tít tận bờ ao, chàng vẫn nghe tiếng ông ta oang oang, át cả tiếng cái đài Orionton: “Cái bọn tư bản ác lắm nhé…” Chàng chợt nghĩ, ông này suốt ngày quanh quẩn ở làng, sao biết cái bọn tư bản tận bên nước Anh, nước Mỹ nó ác độc, chắc nghe đài, hoặc bịa chuyện ra cũng nên? Lại tiếng mẹ nàng đá vào câu chuyện, cốt để kéo dài thời gian cho con gái ngồi tâm sự với người yêu: “Ác thế cơ á? Dám ăn cả thịt người. Khiếp!” Tủm tỉm cười, chàng nghĩ bụng, gã lực điền kia nghe, chắc sợ hết hồn, cho ăn kẹo, bố dám bước chân sang mấy nước anh tư bản. Gã to vâm thế, chúng mà ngả ra làm thịt, được ối nạc lẫn mỡ.

Chàng:

- Thôi, đừng yêu anh nữa.

- Không!

- Nhưng...

- Không nhưng gì cả...

Đang dở dang câu, bàn tay hai đứa còn ghì nắm, ấm nóng, cồn cào, da diết... phải dời xa nhau. Trước đó nàng vẫn kịp ngắt đóa nhài, thả vào túi áo chàng:

- Em đó!

Kìa, tiếng cha nàng:

- Con Chanh đâu. Bà chiều lắm cơ! Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Ễnh bụng ra với cái thằng giặc Sầm Nghi Đống, thì đẹp cả mặt mẹ, lẫn mặt con!

- Tôi chiều chuộng gì đâu. Chanh ơi, Chanh!

Cũng tại nàng đẹp, nàng hiền, tại... Giá mà ngày ấy nghe chàng:

- Thì cùng lắm chúng mình bỏ làng, đi công nhân lâm  trường.

- Hay anh xin với Thầy lần nữa đi!

Chàng quá giàu lòng tự trọng để không giáp mắt bố nàng lần thứ hai nữa. Chàng tới nhà nàng, lần đâu tiên và quan sát cha nàng gần và kỹ đến vậy, mọi khi chỉ nhìn thoang thoáng, còn ông ta gườm gườm nhìn lại, ông ta không ưa chàng. Bữa đó chắc biết chàng tới, chàng chào, ông ta không đáp lời:

- Cái kính của tôi đâu nhỉ?

Ông bí thư hỏi vợ. Bà:

- Ơ kìa…

Ông đeo kính lên, đeo trễ xuống quá mũi và nhìn xuống cuốn sổ đang cầm trên tay. Không cần kính, ông ta cũng được - chàng biết, do nàng kể:

- Thầy em buồn cười lắm cơ, không cần kính, khi có khách, phải đeo cho kỳ được. Thầy em bảo, đeo kính, trông trí thức. Đơn vị cũ của thầy em có ông đeo kính cận, ông này thầy em bảo, lắm chữ lắm, tiếng Pháp nói làu làu.

Và chàng được chứng kiến cảnh ông ta đeo kính. Ông trí thức mà khách chào chả thèm đáp lời. Chàng biết rõ rồi, ông ta không ưa chàng, song vẫn phải đến, phải giáp mặt. Chàng ngồi ngắm nghía ông ta. Cái đầu tròn lung lủng, không sợi tóc. Sau lưng ông, nhiều dân làng gọi kèm cái tên cúng cơm của ông là từ hói. Mũi ông ta cũng tròn lung lủng, đỏ tía. May là ông ta chả truyền cho con gái tẹo nào. Mẹ nàng xưa trước là cô gái đẹp nhất nàng, mê anh bộ đội đánh trận Điện Biên Phủ, phục viên.

Ngồi ghế tre đối diện với chàng và cách nhau bằng cái bàn nước, ông ta kéo quần lên, chiếc quân ta, lá tọa, màu nâu, đeo kính và chăm chú nhìn vào cuốn sổ. Chàng nghĩ, chắc ông ta đang nghiên cứu nghị quyết của đảng huyện hay xã mới ban hành. Biết bắt đầu từ đâu đây, còn nếu không, ông đội trưởng ngồi nghiên cứu nghị quyết đến bao giờ. Chàng thưa chuyện, chẳng dài lời, ông bí thư  tuyên bố thẳng thừng, gói gọn cả phần mở bài, thân bài và kết luận hết sức đánh thép như sau:

- Gia đình tôi đâu xứng gả con gái cho nơi không cha lại chả có mẹ. Xin rước anh lại nhà – cái lều vịt của nhà anh.

May quá, chàng kịp kìm lời, không vô lễ trước bậc bề trên, ông đội trưởng, quá hãnh diện với địa vị cao sang của mình, từng là bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sao ông không tự hào nốt về gốc gác, cụ nội là dân ngụ cư, làm mõ khi đến sống ở ngôi làng này. May sao, sau vài ba đời, đến đời ông ta mới thoát cảnh dân ngụ cư, hồi cải cách ruộng đất, thành phần thuộc loại bần cố. Ông đội trưởng ơi, nhà ông đâu diện cành vàng lá ngọc. Hễ người ta có quyền, có chức, là có quyền được vùi dập, tước đoạt của người khác chăng? Ông ta có thể tước đoạt mọi thứ của chàng, có thể sỉ nhục chàng, nhưng sao nỡ tước đoạt cả con gái mình, tước đoạt tình yêu của con – chàng đau đớn nghĩ vậy.

- Con Chanh đâu?

- Chắc nó dưới bếp xem nồi cám, hay ra vườn...

- Ra làm gì, đêm hôm thế này.

- Thấy bảo xem mấy khóm nhài.

- Dào ơi, dạo này tiểu thư Chanh nhà mình đài các quá nhỉ ! Nhài với nhớt.

- Thì thầy nó uống trà, chẳng khen hương nhài thơm đấy sao?

Không dài lời với đàn bà. Mà bà phải biết, công việc của tôi chưa đủ bận rộn a.

  **

  Bà biết công việc của chồng rồi. Ông đội trưởng coi sóc gần trăm nóc nhà, hơn năm trăm nhân khẩu: nào cấy cày, phân xanh phân chuồng, nước đổ ải, nghĩa vụ lương thực... Suốt ngày ông bận rộn với công việc tiến lên của đội sản xuất.

Ông từng giảng giải cho bà, một phụ nữ mù chứ chốn quê, chỉ vài chục năm nữa thôi, chịu khó vào, dằn bụng đói, khi ta qua thời kỳ quá độ, sẽ sung sướng lắm, lúc ấy chả có sức mà ăn. Buổi đầu vào hợp tác xã, đội có gần năm chục con trâu. Hơn chục năm sau, lũ chúng chết vãn, vất vả cày kéo ruộng đất tập thể. Lạ thay, ngày trước cũng đồng đất vậy, trâu bò chả đổ ngã; sang thời hợp tác xã, chúng đổ ngã xoành xoạch, lại chả chịu chửa đẻ nữa, toàn nhìn thấy trâu cười, mũi trâu bằng thịt, bị xã viên cật lực giằng kéo, đâm ra mồm miệng toang hoắc cười.

Ông vừa vất vả giải quyết vụ phân trâu phân bò, tranh chấp nhau quyền làm chủ. Cứ sáng sáng gã xã viên kia chầu trực ở đường làng, có con trâu nào dạo qua, vãi ra bãi phân, vội cắm phập ngay cây que, hay thân rạ, nhận phần. Thành lệ rồi, khi “của” đã là của ai, xác định có chủ, thuộc sở hữu về người đó. Một bữa kẻ nọ trong làng thấy ông việc nhận phần phân trâu bở quá, trâu bò của hợp tác, bỗng dưng biến thành của riêng tư, mà chả mất công mất sức chăm nuôi, tất cả phân rơi phân vãi trên đường làng biến thành của riêng nhà ấy. Với số phân trên, đấu thêm tí tro, ít lá xanh, ủ lại cho ngấu, cho ải ra, đến kỳ hợp tác xã huy động, gánh ra nộp, quy đổi, nhà kia kiếm ngon ơ tạ thóc. Bất công không, quá bằng ăn cướp của tập thể, của xã viên.

Thế là diễn ra cuộc tranh đấu về quyền làm chủ phân trâu bò. Cuộc tranh đấu có hai phe, thời gian tiến hành qua mấy đêm họp, viện cả lí luận về quyền làm chủ tập thể của xã viên, rồi sở hữu tập thể - trâu tập thể, thì phân cũng là phân tập thể. Cuối cùng, gã nhận phần phân trâu thua cuộc. Việc vừa giải quyết xong, thì ông đội trưởng lại sa vào vụ sức kéo, lo đến toát mồ hôi hột.

Vụ chiêm xuân thiếu sức kéo. Khẩu hiệu đưa ra: “Cấy chưa xong, chưa yên lòng ăn Tết, cấy có hết, ăn Tết mới ngon”, gần Tết rồi, già nửa diện tích đồng ruộng của đội chưa được cày bừa mảnh, thửa nào. Nước ngập trắng đồng, huy động sức người cuốc tay sao nổi, công điểm lao động chưa trả nổi vài ba lạng thóc, xã viên đâu còn thiết tha ruộng đồng tập thể. Ông đành vật nài trên, xin Xí nghiệp Máy cày huyện về chi viện, cũng là dịp để gắn bó tình nồng thắm công với nông, như nghị quyết trên đề ra.

Áp Tết mọi nhà nô nức nhận phần chia thịt lợn của hợp tác xã ăn Tết. Phần dành cho mấy ông cán bộ máy cày sau Tết, ông đội trưởng cẩn thận dặn dò vợ. Bởi nhà mải tíu tít nấu nồi thịt đông, gói bánh chưng, bà quên béng chỗ thịt thà ấy. Sáng mồng ba, sắp xuống đồng, lục đến chậu thịt dành cho cánh cán bộ lái máy cày, té ngửa ra, còn ủ nguyên xi, chưa ai sờ mó vào. Ba, bốn hôm ngâm ủ, đám thịt đâm ôi thiu, bốc mùi đến lợm giọng. Mặt vợ ông đội trưởng đần thối ra, ngơ ngẩn hỏi chồng:

- Ông ơi, làm thế nào bây giờ?

- Nào cái con tiều. Giờ chỉ còn nước, róc thịt tôi ra đây này!

- Kìa ông. Tôi có muốn vậy đâu. Hay là...

Và ông đành theo phương án “Hay là…” của bà. Mà còn cách thức nào nữa. Chọn lọc, gỡ lại đám bì và mỡ, bỏ hết phần nạc thối đi, rồi thúc riềng, bóp mẻ, ủ mắm tôm, đun nấu kỹ càng:

- Thơm, thơm lắm ông ạ! Cứ như món giả cầy ấy.

Ông điên tiết :

- Thơm cái còn khỉ…!

Sáng mồng Bốn Tết các đồng chí cán bộ lái máy cày hăm hở xuống đồng, máy cày nổ pành pành. Trên cánh đồng khẩu hiệu la liệt: “Quyết tâm giành vụ chiêm xuân thắng lợi, góp phần tăng lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam”. Đúng là món giả cầy ngon lành quá. Sáng sớm hôm đó mấy đồng chí cán bộ máy cày xúm vào xơi hết phân nửa già nồi giả cầy, ba cân bún lá và uống bay hai chai cuốc lủi. Bọn họ cứ luôn miệng khen ngợi:

- Món giả cầy bà đội trưởng nấu khéo tay quá, ngon ngon là, ngang thịt cầy ấy.

Thì đúng là giả cầy thật, chế biến từ mỡ và bì lợn ôi mà. Họ còn rước cả ông lẫn bà chủ vào xơi cùng; cả ông lẫn bà khéo léo từ chối, kiểu nhịn mồm đãi khách. Khi cánh thợ cày đang xơi sáng, bà vợ vè vè lượn quanh, ngầm xem xét họ có nuốt nổi không:

- Ông này, họ đánh hết già nửa nồi đấy.

- Im im cái mồm đi. Trưa hẵng hay.

Quả ông phán như thần, chưa đến buổi trưa, chỉ khoảng quá mười giờ, món giả cầy đã phát huy tác dụng. Kìa, bà thư ký đội hớt hải chạy đến:

- Ông đội trưởng ôi, chết, chết mất thôi!

- Chết gì? Ai chết?

- Các đồng chí cán bộ lái máy cày. Chưa chết, nhưng sắp chết hết lượt rồi, miệng nôn trôn tháo ra nước!

Ông đội trưởng tức tốc xô ra đồng. Nghe kể, quãng quá chín giờ, máy cày đang nổ pành pành, nông dân háo hức kết hợp với giai cấp công nhân, chợt hết đồng chí nọ, sang đồng chí kia, tạt máy cày vào bờ, nhảy tọt xuống, chả giữ ý giữ tứ với bà con nông dân, tụt ngay quần ra và tuôn phèn phẹt. Sau rồi các đồng chí ấy miệng nôn trôn tháo. Họ được cấp tốc dìu sang trạm y tế xã. Ông đội trưởng chẩn đoán ngay ra bệnh. Trạm xá xã có nhúm bông băng, tí cồn i ốt và mấy lọ thuốc đỏ, chữa trị sao nổi bệnh tào tháo đuổi. Nhìn tay y tá áp áp ống nghe lên ngực, lên bụng các đồng chí cán bộ lái máy cày, ông đội trưởng lộn cả ruột, thằng thừng quát:

- Võng lên viện huyện...

May quá, bệnh viện cách làng dăm cây số. Điều trị cả tuần, mấy họ mới hồi hồi sức. Thế là nhỡ mất mùa vụ, cái liên minh công nông bị phá vỡ. Mấy chục ha ruộng vụ chiêm đành bỏ hoang, có huy động đám trâu bò già yếu của đội, vớt vát cấy cày, chắc toàn ra rơm rạ. Sau đợt ấy dư luận làng xã ầm ĩ, chắc có bàn tay chống phá của địch, chúng thả thuốc độc vào thức ăn của các đồng chí cán bộ lái máy cày. Nhưng nấu ăn tại nhà ông đội trưởng, người từng là bộ đội chống Pháp, sao có thể tiếp tay cho cánh phản động nhỉ. Cũng may ông đội trưởng kịp thời chỉ đạo bà vợ, tẩu tán nhanh nồi giả cầy, bằng cách trút bỏ ráo xuống ao, thánh cũng chả tìm ra tung tích.

Vụ chia thịt đó thì chàng nhớ. Hôm ấy cậu trai tuổi mười sáu ngấp ngến ra sân đội sản xuất lĩnh phần thịt chia Tết. Nhục và ngượng quá, tiếng ông đội trưởng oang oang:

- Thằng ấy lao động chính đâu, mà đòi chia thịt…

Đúng, miếng ăn là miếng nhục. Cả trăm hộ gia đình xã viên phấn khởi, vui tươi chờ lĩnh phần, mỗi suất đôi ba cân, gần như đầy đủ các bộ phận của con lợn: đầu, đuôi, chân cẳng… Chàng phận côi cút, suất lao động phụ cày bừa, gánh phân,… ăn công điểm rồi, còn ra đòi chia thịt a! Vừa ức vừa tủi thân, chàng đành lủi thủi vác rá và bát quay về. Có bà thương tình, gọi lại, bảo múc cho bát nước suýt. Tự ái, chàng chả thèm nhận. Cũng may, sau nghe nói, trong nồi luộc, có khúc lòng quên tuốt phân, nhà kia được chia, thái ra mới hay, trong đó toàn là phân lợn.

  **

     Anh chàng đến tìm hiểu nàng, một kẻ đơ đơ, mặt mũi đần độn, chỉ được cái to xác, vai u thịt bắp mồ hôi dầu. Cứ tối tối hắn mò mẫm đến chầu trực ở nhà nàng, ngồi chầu hẫu hầu chuyện ông bố vợ tương lai. Trong khi ông ta ngồi ê a tính toán cho kế hoạch đi lên của đội sản xuất, sau này qua thời kỳ quá độ, xã hội tiến lên, sẽ xây cất cho mỗi hộ xã viên một cái nhà vệ sinh hai ngăn, cái giếng khơi sâu hoăm hoắm. Thi thoảng ông ta lại chiếu cố ngó sang chàng rể tương lai, kẻ mà ông rất ứng ý, hỏi:

- Anh thấy được chứ…?

Ý là ông đội trưởng hỏi về kế hoạch tương lai đi lên của đội.

- Dạ được ạ, rất được ạ!

Ông đội trưởng vô tình:

- Anh bảo được cái gì cơ?

Anh chàng kia ớ ra:

- Dạ, được cái… được đấy ạ!

Nàng nghe mà rõ chán. Kìa, anh ta lại đi đổ bã trà, ấm trà bồm vừa mới pha xong. Thế là cha nàng lại mất ngủ, lại thức khuya tính toán kế hoạch tiến lên của đội và sau khi anh chàng kia về, ông lại điệp khúc dạy dỗ con gái: Cá không ăn muối cá ươn, sau đó hết lời khen ngợi anh chàng cù lần kia, nào hiền lành, chất phác đến mức ra… đần độn. Nàng nghe mà phát chán, thở dài.

-Tao quyết rồi. Mày mà dính dáng với thằng không cha không mẹ kia, thằng giặc Sầm Nghị Đống, thì ông  từ…

Và đêm ấy nàng sững sờ nghe cha tuyên bố:

-Hai nhà quyết rồi. Rằm này họ có cơi trầu, cuối tháng cưới. Không ý kiến ý cò gì sất. Đêm dài lắm mộng. Cưới vợ thì cưới liền tay.

Nàng úp mặt xuống gối dấm dứt khóc. Bà mẹ vừa thương con gái, vừa sợ chồng biết chuyện, lại gằn hắt, rỉa tỉa con bé. Ngày nàng có cơi trầu người ta ăn hỏi, chàng nhận giấy báo đại học, rồi nhập trường đúng hôm nàng về nhà chồng. Lủi thủi dời làng nhập học. Nghĩ, chắc em đau khổ lắm. Có đau bằng anh không? Ngoái đầu nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn, kìa bờ đầm đứa trẻ côi cút bao ngày đánh tôm bắt cá. Tuổi thơ đói khát, bơ vơ. Thằng trai từng quần lộn, giành giật miếng ăn, sống trong chao chát đói, mò mẫm bắt vét tôm cá, chao bắt cào cào, lươn, ốc ếch, đến cả chuột đồng cũng nướng xé, tống vào dạ dày cho bớt cơn đói. Bao kỷ niệm ùa ập tới. Những đêm trăng họ tay trong tay trên con đê. Bên bờ ao, cạnh khóm nhài hương thoang thoảng…

Làng quê ơi, sao nỡ dồn đẩy, cưỡng đoạt, cướp đi cả người yêu của tôi. Bất chợt tiếng pháo cưới nổ đì đùng. Nàng sắp về nhà chồng rồi. Lúi rúi, lập cập chàng bước, nhanh nhanh chóng chóng khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

 

 **

  Ấy là vào dịp nghỉ hè năm thứ nhất, cũng là lần đầu tiên, sau ngày nàng về nhà chồng, chàng bước chân tới nhà nàng. Đến để làm gì? Đến để thắp nén nhang cho cha nàng. Ông cụ vừa mất trước đó đôi tuần. Ông đội trưởng ra thăm đồng, không may vướng vào quả bom bi, chết khổ sở, đau đớn.

Mẹ nàng sụt sùi kể: Có kẻ trong làng độc mồm bảo, ông chết là do thánh vật, vì chỉ đạo phá đền. Làng này bao người có tham gia phá đền chùa đâu, vẫn chết, chết vì bom đạn, cả hy sinh nơi chiến trường. Nghe bà ta than vậy, sao lúc đó chàng chợt có ý nghĩ tàn nhẫn, giá như ông ta mất sớm nhỉ, nàng với chàng đâu đến đận này.

Rồi chàng không dám nghĩ tiếp ý nghĩ độc địa đó.

Sững người khi chàng nhìn thấy nàng, gầy guộc, tiều tụy. Nước da xanh tái, chỉ có mái tóc vẫn mướt mát xanh dài.

Chàng chỉ dám đánh mắt vội vã nhìn nàng, bởi ánh mắt tay chồng lừ lừ kia kìa. Ngay tối ấy chàng phong thanh, nàng bị chồng ghen, đánh vợ dã man, đánh tới mức phải khênh ra trạm y tế xã. Sao hắn ác độc vậy. Chàng thương quá. Hay tin, giận đến run người, định xông tới sống mái với gã cục súc kia!

 ***

  Chàng lững thững ra vườn ngắt mấy đóa nhài, đặt lên ban thờ và thắp nén nhang cho ông cụ. Sau lưng tiếng mẹ nàng ca cẩm:

-Cũng tại bởi tôi cơ. Giờ thằng chồng rượu chè lắm. Cứ đổ tại cho vợ không biết đẻ. Nó trai gái suốt, có kiếm ra đứa con nào đâu.

Bất chợt chàng nhìn chiếc lọ thủy tinh đựng trà, những cánh nhài chuyển sang màu nâu sẫm, héo hắt. Kìa, bên bờ ao, nơi nhà nàng, giọng đàn ông cất lời lên lời chửi bới. Bà cụ thở dài. Còn chàng, biết nói năng gì, nho nhỏ chào bà cụ và nặng lẽ dời bước./. 


(Mồng Hai Tết, xuân Đinh Dậu, 2017)