N hà của mẹ tôi lụp xụp bên con đường làng Thạnh Bình, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sau nhà là vườn chè. Sau vườn chè là ruộng miên man xanh, tít tắp đến tận chân rừng. Con đường núi nhỏ hẹp, quanh co dốc sõi phía bên trái căn nhà lợp tranh, vách phên tre yên bình của gia đình, là nơi cha mẹ tôi đào hầm trú ẩn cho cả nhà núp máy bay mỗi khi giặc Pháp bắn phá.
Khổ nghèo nên phải xa quê, tôi mang theo biết bao kỷ niệm thơ ấu êm đềm. Chùm dủ dẻ chín vàng – nải chuối chín bán hàng bên cổng đường làng quê. Những ngày đi câu cá dọc theo suối An Sơn, hoặc lượm trái dầu trảu, lấy hột phơi khô để bán. Lội nắng, tìm lượm vỏ đạn đồng, sau khi máy bay Pháp dội bom, bắn phá Công binh xưởng QB-150 trong hốc núi Nà Lá.
Một buổi mai đầy u ám, người chú họ dẫn tôi đi. Mẹ ôm túi áo quần của tôi, như níu ôm cả một trời thương yêu vào lòng, đưa tôi xuống tận bến đò sông Tiên. Mẹ khóc, bịn rịn nhắc nhở, lo lắng mọi điều về tôi – đứa con trai mới vừa mười bảy. Không biết rồi đây, tôi sẽ như thế nào trong những ngày đơn độc nơi đất Sài Gòn xa lạ. Tôi tưởng chừng như đất sụp dưới chân, không đè nỗi tiếng nấc nghẹn ngào, bỗng òa lên nức nở, ôm chầm lấy mẹ. Ôi! Cái ngày đầu tiên đi xa, khắc sâu vào nỗi nhớ cho đến tận mãi bây giờ.
Những năm sống trên đất Sài Gòn, đối với tôi, mọi thứ gì cũng trở thành xa lạ. Tôi ở với gia đình cậu mợ Tám hiền lành, trong nếp nhà tôn nhỏ, có cái gác đơn sơ. Đường vào quanh co nhiều nhánh rẽ, qua trước nhà của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Minh Cảnh. Tôi còn nhớ như in, số nhà 134/109/243 A, quận 3, đường Yên Đỗ, Sài Gòn, đã một thời gắn bó với tôi biết bao kỷ niệm vui buồn. Chợ Tân Định cũng không xa chi mấy, tôi thường đi bộ đến đó, tìm mua vài quyển sách cũ bày bán bên vỉa đường đông dúc.
Tôi nhớ rất rõ, chỉ cách nhau chưa đầy ba phút đi bộ, mà khu Tân Định có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ Tân Định là rạp Mô-Đẹc, và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp bình dân này thay phiên nhau chiếu phim Ấn Độ và phim cao bồi. Để thay đổi không khí, thỉnh thoảng lại mời các gánh cải lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn hát.
.Những chiều ngồi một mình trên ghế đá trong vườn Tao Đàn, hay ở Sở Thú, tôi cảm thấy lẻ loi trước những lụa là hoa lệ. Lúc ấy, tôi nghĩ đến vườn chè xanh sau nhà mẹ, vườn quế cay nồng của bác Năm hàng xóm. Đàn trâu về chuồng khi chiều cạn. Con nghé ọ theo bầy. Những đêm trăng làng nguồn…
Chiếc xe đạp của người bán cà rem đi qua trước mặt, khiến tôi hình dung đến những vòng xe nước suối An Sơn thanh bình, cần mẫn quay tròn, trút nước xuống đám ruộng xanh mơn mởn.
Tôi nhớ quê quặn ruột, nhớ mẹ cơ cực sớm hôm. Về thôi.
Vậy là tôi được yên ấm trong vòng tay mẹ đôn hậu, bao dung.
Thằng Ngọc mô? – Dạ, có chi không mẹ? Chiều ni, con dọn phân chuồng heo cho mẹ, nghe. Dạ.
Cuốc chĩa ba răng, tôi hì hục kéo phân chuồng heo. Những cành phân đã rục lá xông lên mùi hôi hám nồng nặc. Bỗng tiếng bà Hai Phó, từ nhà hàng xóm vọng sang – Ui! Phân chuồng hôi quá. Tôi lật đật vô nhà, lấy con dao cau, đem ra cắt vội mấy tàu lá chuối, bỏ vào, đậy lên trên mặt phân heo. .
Tối hôm ấy, con heo mọi của mẹ tôi bỏ ăn. Mẹ không còn thấy cái lưng cong vòng của con heo, cái bụng sa thòng của nó, cái mõm ngước lên ịt…ịt, lăng xăng, mỗi khi mẹ tôi cho nó ăn. Con heo buồn rượi, nằm thu mình trong một góc chuồng hôi hám.
Mi làm rứa, tau không ưng cái bụng. Mẹ chỉ nói vậy thôi. Giọng nhẹ nhàng trách móc.
Bữa cơm tối, mẹ chẳng buồn ăn. Những ánh mắt e ngại dè chừng của các em tôi ngập ngựng trên chén cơm độn mít già. Tiếng chó sủa rất xa vọng lại, tan vào bóng đêm tịch lặng núi ngàn. Đêm vô cùng lo lắng. Tôi tưởng chừng như nghe được tiếng hồi hộp của chung quanh.
Bóng mẹ đỗ dài sau cây đèn hột vịt. Người lặng lẻ ra chuồng heo, bưng theo cháo trắng và chén mắm cái đã chưng thơm lựng. Mẹ giả làm tiếng con heo - ịt ịt, ịt ịt…Lặng im! Xập xập…xập xập. Con heo vẫn nằm bất động! Mẹ âm thầm một bóng trở vô nhà.
Tôi bỗng giật mình chồm dậy. Đêm trung du tối mịt. Cây mít già sau chái hè im bóng, như đang lắng nghe bước chân rón rén, dò dẫm của mẹ. Lại cái bóng liêu xiêu đỗ dài sau cây đèn hột vịt. Mẹ lần mò ra chuồng heo. Ịt…ịt. Xập xập…Tôi nghe hình như có tiếng trở mình mệt mỏi của con heo. Tiếng phập phập yếu đuối, và sau đó, từ từ mạnh dần, có vẻ nhanh hơn của con heo đói, khát. Tôi vội vàng chạy đến bên mẹ, chưa kịp hỏi, thì mẹ đã mừng – Con heo nó ăn lại rồi. Mi làm tau lo quá.
Chái nhà tranh bị bóng đêm nuốt chửng tự lúc nào. Trong túp nhà khổ nghèo của xứ nguồn yên ả, có lẻ các em tôi đang nằm mơ về chuyện cổ tích ông Tiên, Công chúa…
Mấy bộ quần áo cũ màu mè bán “xôn”, tôi mua ở Sài Gòn đem về, có thể đang chập chờn trong giấc hồng của các em tôi. Giấc mơ giao thoa với những tờ giấy bạc hai đồng, màu tim tím.
Gió núi lao xao. Mẹ âu yếm ôm tôi vào lòng.