Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

GIỮA PHỐ PHÙ HOA



QUÁN BÊN ĐƯỜNG


Ô ng không trung thành với bất cứ quán cà phê nào quá lâu. Từ quán tầm tầm lúc 4:30 sáng, chỉ có cô chủ quán còn ngái ngủ. Một mình với dãy bàn bên ngoài, ông độc thoại cùng với lũ chuột đi ăn đêm.

Với quán cà phê ngon, giá không rẻ, ông gắn bó chỉ một thời gian ngắn. Tiếc là phải bỏ đi vì quá ồn ào, thay vì sự trầm mặc của khách khi trời chưa sáng. Đám người già giàu có, khó ngủ đến quán sớm. Họ nói to, khua môi, múa mép, khiến ông đâm chán.

Nhiều quán khác nữa. Quán có điều hòa. Quán có nhạc xưa. Tất cả không để lại cho ông ấn tượng nào. Rồi đến quán nhếch nhác một thời gian ngắn. Gã khách ngồi bên cạnh hay khạc nhổ sát tường, khiến ông lợm giọng. May mà chủ quán nợ nần, bỏ quán.

Ông lại trôi dạt về quán cóc ven đường với những người bạn mới quen. Không gian thoáng mát. “Con đường ăn uống” chật hẹp, đông đúc. Bên này là ngôi chùa Từ Tôn, bên kia trường mẫu giáo. Ông không mang theo laptop nữa. Vậy mà hay. Ít ra cũng giải thoát được cho bộ não của mình nghỉ ngơi một, hai tiếng. Ông hòa nhập nhanh với vài người bạn mới. Những câu chuyện phiếm vô thưởng, vô phạt giúp ông tươi tỉnh hơn.

Nơi đây, góc ngã tư sầm uất, ông nhìn thấy xã hội đầy đủ những thân phận con người. Từ giàu sang đến nghèo hèn. Từ văn minh, lịch sự, đến thô lỗ, cộc cằn. Nhưng đâu chỉ có người sang mới văn minh, người nghèo mới thô lỗ. Giữa phố phù hoa sáng lung linh ấy, ông nhìn thấy những góc tối.

Mỗi sáng, ông lắc đầu vài chục lần, từ chối mua vé số của những người khốn khổ chân quê. Họ đông quá. Thỉnh thoảng cũng mua vài ba vé, nhưng tặng họ. Ông không thích chơi trò may rủi.

Một sáng, có chàng trai khuyết tật, ngồi xe lăn đến bán vé số. Cậu ta dừng xe trước mặt ông. Rút hai tấm vé số, ông gửi lại năm mươi ngàn xếp cẩn thận cùng với vé số đã mua, tặng cậu ấy. Ông hỏi: "Sao con không vào mời mấy người kia?". “Dạ, mấy người khác đang nói chuyện, mời họ la. Với lại, chú trầm tư, chắc hết tiền, mua vé số, thêm hi vọng". Ông cười, thằng nhỏ này có suy nghĩ lạ.

Hôm khác, hai cô gái mù dìu nhau, len lõi giữa đám khách. Ông bạn ngồi bên mở ví, cầm tờ giấy bạc năm mươi ngàn, ông níu tay bạn: "Hai chục thôi. Còn cho người khác nữa". “Thôi kệ, hôm qua mới trúng số".

Vậy cũng tốt. Tiền trúng số nên cho bớt đi.

Ông sờ túi sau. Cái ví để quên ở nhà. Hai cô gái mù này không có duyên với ông. Chưa bao giờ ông từ chối giúp đỡ người mù, nếu trong túi có tiền. Mẹ ông cũng bị mù hai mươi năm mà. Ông hiểu và thương cảm họ.

Ông chợt cười một mình. Hai năm trước bán được sách, có một số tiền. Một phần tiền không nhỏ, theo gợi ý của ông bạn mới quen, ông tặng hội người mù. Ông cười cái chuyện ông bạn đề nghị tặng sách cho người mù. Ông lừng khừng. Lão bạn có mắt như mù, thuyết phục mãi, ông xiêu lòng. Lão đại diện hội, thích đi với ông bạn, bắt tay, cám ơn ông rối rít.

Không biết mấy chục tập truyện ông tặng, lão đại diện bán chai bao chưa?

Buổi sáng, vác mặt ra ngồi vỉa hè với ly cà phê, được nhìn ngắm thiên hạ qua lai cũng thú vị lắm. Nhiều độc giả nhận ra ông. Có người gật đầu chào. Có người âm thầm về nhắn tin. Có người lén chụp tấm hình, gửi tặng.

Ông sẽ bỏ đi, một vài buổi sáng nữa, chắc chắn vậy. Nơi mới, ông sẽ khám phá thêm nhiều điều lạ.

Một không gian quán yên tĩnh thích hợp với ông hơn. Ông lại gõ lốc cốc trên laptop, kể CHUYỆN BÊN ĐƯỜNG.


Những tòa nhà hai, ba mươi tầng, những con đường thoáng rộng, sạch sẽ, tráng lệ đã làm nên bộ mặt hoành tráng của thành phố. Nhiều người nơi khác mơ ước một lần được đến đây, ngắm nhìn con sông hiền hòa, thơ mộng, những chiếc cầu lung linh ánh đèn về đêm trong lòng thành phố. Phía Đông là biển, họ cũng muốn ngâm mình dưới sóng nước. Hoặc phơi mình trên cát sạch sẽ, không gợn rác. Họ muốn nhìn thấy một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Nhưng giữa phố phù hoa còn có những con hẻm nhỏ quanh co, nhà cửa san sát dành cho những gia đình có thu nhập thấp. Xa hơn nữa, vùng ven, những khu nhà trọ tạm bợ, những gia đình nghèo khó trú ngụ.

Ông thường đi lang thang qua các ngõ ngách phố xá, vào các con hẻm ngoằn ngoèo, hun hút, gặp nhiều người cơ khổ, trò chuyện với họ. Có những câu chuyện nghe được. Nhưng cũng có những chuyện, ông nhìn thấy, suy ngẫm và hiểu, viết ra.




VVM.08.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .