L
úc ra khỏi nhà, được mẹ động viên, tôi hạ quyết tâm là vậy, mà giờ đứng trước cửa phòng làm việc của Trưởng công an phường,
lưỡng lự mãi tôi mới cong được ngón tay gõ nhẹ ba tiếng vào cái cửa gỗ nghiến. Khác với tôi chờ đợi nghe hai tiếng “Mời vào”,
cánh cửa bỗng bật mở và ông Trưởng phường hiện ra lừng lững trước mặt tôi.
- Cậu đấy à?
Hình như ông hơi nhếch cười, nhìn lướt từ đầu xuống chân tôi. Rồi tiếp:
- Vào đi.
Tôi lặng lẽ theo ông vào phòng, ngồi xuống cỗ ghế xa- lông đóng bằng gỗ lát chun chắc đã lâu lắm, màu gỗ thẫm đen hơn cánh gián,
không còn nhìn thấy các vân gỗ.
Đặt sang phía tôi chén nước chè xanh bốc khói thơm, ông rọi cái nhìn vào mặt tôi:
- Uống nước đi rồi nói coi, cậu gặp tôi có việc gì?
Tôi cầm chén nước đang bốc khói đặt vào lòng bàn thay trái, nóng quá, lại đặt chén về chỗ cũ:
- Thưa bác, sáu tháng trước cháu đã gặp bác...
Ông không nói gì, cũng không gật, không lắc đầu. Chắc là ông quên.
Vâng, chắc ông quên. Làm trưởng một phường ven thị lắm chuyện rắc rối, ông không nhớ đã gặp tôi cách đây sáu tháng cũng phải thôi.
Nhưng tôi thì tôi vẫn nhớ. Làm sao tôi có thể quên được buổi sáng hôm ấy,
cái buổi sáng bước ngoặt của đời tôi.
Sáng ấy, đợi tôi ăn xong bát mỳ, mẹ tôi dẫn tôi ra trụ sở công an phường. Lặng bước bên mẹ, lòng tôi ngổn ngang. Chẳng thể ngờ đời tôi
lại có lúc đến nông nỗi này!
Cửa phòng làm việc của trưởng công an phường mở sẵn. Có vẻ như vị công an già này đang chờ mẹ con tôi. Là người trong phường,
tôi biết ông từ hồi trung học cơ sở. Biết thôi, chứ không dám gần. Là vì ông nghiêm lắm. Hay cười, nhưng nghiêm, bọn trẻ chúng
tôi rất ngại. Học xong phổ thông trung học, tôi học đại học Giao thông, ra trường về làm kỹ thuật tại một công ty công trình giao
thông chuyên xây dựng cầu đường miền núi, thế là vèo bảy tám năm hầu như không gặp ông. Dịp tết vừa rồi, vác cái hòm tôn đựng
quần áo về với mẹ, loáng quoáng thế nào lại gặp ông. Đinh ninh rằng ông chẳng biết mình là ai, tôi né người toan bước,
bất ngờ thấy ông đứng án trước tôi, cười cười:
- Cậu về ăn tết hả? Vác hòm gì to thế?
Tôi ấp úng “Vâng”, cười trừ, bước đi trong cảm giác ông nhếch cười nhìn theo.
Cảm giác ấy khiến tôi nhồn nhột sống lưng.
Ăn tết xong, để mẹ khỏi ngợ, tôi nói được nghỉ bù hết tháng giêng. Nhìn sự cả tin của mẹ, tôi vội quay đi. Từ bé đến giờ tôi chưa
nói dối mẹ lần nào, vậy mà lần này...
Thật ra, tôi không đi làm nữa. Tôi đã bị buộc thôi việc. Một kỹ sư Trưởng phòng kỹ thuật mà bị buộc thôi việc, đau thế. Nhưng tôi biết
nói với mẹ thế nào? Hai mươi năm mẹ còm cọm làm lụng nuôi cho ăn học để có trong tay bằng kỹ sư, ba năm phấn đấu từ một kỹ sư thực tập thành
Trưởng phòng kỹ thuật, tôi hăm hở cùng Phó giám đốc công ty dẫn quân lên tuyến K52 với quyết tâm thực hiện cho được gợi ý của Giám đốc:
Hoàn thành tốt mọi việc để khi thông xe toàn tuyến, tôi nhận được từ tay ông cả quyết định công nhận Đảng viên chính thức và quyết
định đề bạt làm Phó giám đốc thi công Công ty. K52 tuyệt vời! Tôi thầm reo sau khi gặp
ông rồi háo hức cùng anh em lên đường.
Có ngờ đâu, tuyến chưa thông thì tôi bị...
Không tôi không hề mắc sai sót kỹ thuật trong chỉ huy thi công. Tôi ngày đêm bám tuyến, không tiếc sức. Vậy mà tôi đã gục ngã ở K52.
Khốn nạn cái thân tôi thế!
K52 là tuyến đường dài hai mươi lăm cây số phải mở, nối từ phố Vãng lên bắt vào quốc lộ số 6 trên đất Sơn La thay cho đoạn quốc lộ bị
chìm dưới lòng hồ thủy điện sông Đà. Trừ điểm nút hai đầu, cả tuyến đường phải mở xuyên qua một vùng rừng già hầu như chưa có dấu chân người.
Khi máy ủi mở đường công vụ chọc sang phần đất tỉnh Sơn La, thỉnh thoảng tôi thấy một chàng trai Mông đeo súng săn thấp thoáng trên
đỉnh ta-luy. Cậu nhân viên tiếp phẩm của đơn vị, một bữa cơm chiều về muộn ngồi ăn cùng tôi, khoe đã tìm được một bản người
Mông cách tuyến gần tám cây số! Tôi nghe, ừ hữ cho qua chuyện, vì nghĩ mình chả liên quan gì đến bản Mông đó. Công việc thi
công tuyến mới gặp nhiều khó khăn, nhiều cua, nhiều dốc, hầu như ngày nào tôi cũng phải có mặt trên tuyến để giải quyết những
vấn đề kỹ thuật, làm gì còn thì giờ đi bản. Chẳng ngờ, một sáng chủ nhật tôi
phải theo cậu tiếp phẩm tìm vào bản Mông đó.
Bí thư chi bộ của bản Mông qua đời. Theo cậu tiếp phẩm báo cáo, ông là người rất nhiệt tình vận động bà con trong bản cung
cấp thực phẩm cho đơn vị chúng tôi. Tôi cùng một số anh chị em tìm vào bản
là để phúng viếng tiễn biệt ông.
Hôm ấy, sau khi đặt lễ phúng viếng người Bí thư già và chia buồn cùng gia đình ông, giá tôi quay về ngay đơn vị thì
hay biết bao nhiêu. Nhưng tôi đã không làm thế. Nhưng nghi thức lạ lẫm của đám ma người Mông, sự chèo kéo chân thành của ông
bố già nhất bản cộng với sự dẻo mỏ của cậu tiếp phẩm đã níu giữ tôi ở chơi suốt cả ngày trong bản Mông đó.
Tôi đã ăn cơm, uống rượu và say thiếp đi lúc nào tại nhà bố già Mông, lúc tỉnh rượu thấy trời đã chạng vạng,
con cháu bố già đang làm cơm chiều, còn cậu tiếp phẩm và ông bố đang nằm châu đầu rít thuốc trên bộ phản kê trong góc nhà.
Mùi khói thơm thơm khen khét loang đến chỗ tôi. Chưa hết váng vất, tôi xua tay từ chối lời mời “hút chơi” của hai người.
Nhưng, sau bữa cơm tối, men rượu ngô làm cho ngây ngất, tôi đã tặc lưỡi đáp lại thịnh tình của bố già Mông, “thử tí xem sao” (!).
Đợi tôi hút xong điếu thứ hai và gật gù khen “cũng hay hay”, cậu tiếp phẩm mới toe toét cười nói cho tôi hay rằng,
lúc trưa, sau bữa cơm, tôi cũng đã “hút chơi” liền lúc hai “bi” như vừa rồi. Tôi có hơi giật mình, nhưng lại nghĩ:
hút chơi chơi, sợ gì!
Tôi đã sa chân vào con đường nghiện ngập bắt đầu như vậy. Để rồi bây giờ đang phải vòng vo nói dối mẹ mình.
- Con đi chơi chút mẹ ạ.
Thấy mẹ có vẻ không ngờ ngợ cái ý “được nghỉ bù hết tháng giêng”, tôi mới nói tiếp lời nói dối thứ hai, yên trí rằng mẹ sẽ
vui vẻ gật đầu. Nhưng thật bất ngờ, tôi thấy mẹ bỗng nghiêm giọng:
- Con đi đâu?
- Dạ, con chơi lòng vòng thôi mà mẹ.
- Chơi lòng vòng? Con chơi những đâu? Chơi với ai?
- Kìa mẹ!
- Trả lời mẹ đi: con chơi đâu? với ai?
- Bạn bè con mẹ biết cả rồi còn gì.
- Mẹ biết. Nhưng mẹ cũng biết hôm nay con không đi chơi với các bạn ấy, mà con đi việc khác. Đúng thế không Ngọc?
Nào, con nói đi, nói thật với mẹ đi. Hay con để mẹ phải nói ra?
Giọng mẹ và vẻ mặt của mẹ làm tôi bối rối. Chưa bao giờ mẹ nói với tôi thế này.
- Sao nào, con không nói hở? Vậy là con vẫn muốn nói dối mẹ? Ôi Ngọc ơi là Ngọc con hư hỏng thật rồi!
Mẹ tôi kêu lên, và bà chạy vào gian trong. Loáng bà bước ra, chìa cho tôi tờ giấy:
- Đây, mày đọc đi. Người ta báo cho mẹ chập tối qua đây này, con ơi là con!
Tôi chết lặng người trước tờ thông báo của công an phường về tình trạng nghiện hút và ý định xử lý của họ đối với tôi.
Nửa tiếng sau đó, đợi tôi ăn xong bát mỳ, mẹ ồn tồn bảo tôi đi với mẹ.
Và, như tôi đã kể, cửa phòng làm việc của Trưởng công an phường đã mở sẵn, có vẻ như ông đang chờ mẹ con tôi.
Đợi mẹ và tôi yên vị trên hai cỗ ghê xa- lông gỗ lát, vị công an già mới rời bàn làm việc ra ngồi đối diện với mẹ con tôi.
Ông chậm rãi rót ra ba chén nước rồi nhìn thẳng sang mẹ tôi, sau khi ánh mắt ông lướt qua mặt tôi:
- Sao đêm qua bà đã nghĩ kỹ chưa? ý định của chúng tôi thế đấy, phải cho cậu “quý tử” của bà đi cai nghiện thôi. Vài bữa nữa có đợt
đưa mấy tướng tái nghiện lên trại, chúng tôi cho cậu ta đi luôn.
Tôi không lạ gì trại cai nghiện phía tây ấy. Công ty tôi từng nhận thi công năm cây số đường từ quốc lộ 6 vào trại đó. Một thung lũng
khô cằn. Người ta xây khoanh lấy khu đất rộng và dốc của thung lũng đó, Tường bao xây bằng đá hộc cao đến bốn mét, chân tường rộng
hơn một mét, trên mặt tường chăng dây thép gai cẩn thận. Con đường chúng tôi thi công đi thằng vào cái cổng lớn của trại.
Đất trong tường bao được chia làm hai phần. Phần đất cao người ta xây một ngôi nhà hai tầng dành cho ban quản giáo của trại
ở và làm việc. Ngôi nhà nhìn ra một sân rộng, có vườn hoa, sân bóng chuyền và sân chơi cầu lông. Phần đất thấp chiếm phần
lớn diện tích khu đất, có những dãy nhà một tầng kiên cố đủ chỗ cho mấy trăm người ở. Từ những dãy nhà này, muốn lên khu đất
cao và ra khỏi cổng trại nghe nói phải leo hơn ba chục bậc đá, mỗi bậc cao hơn mươi phân. Leo hết từng ấy bậc đá, người
khỏe cũng thở ra đằng tai.
Ngày ngày những người dưới khu đất thấp phải leo lên khu đất trên, được chia tốp và giao việc. Đám trai trẻ bị đưa đến công trường
khai thác đá cách trại hơn ba cây số. Trại viên nữ thì bố trí đến một vườn rừng nghe nói rộng lắm, trồng cấy các loại rau màu
đủ cung cấp cho trại. Nằm kế phía tây trại là khu xưởng mộc, xưởng cơ khí, xưởng may và thêu ren, vừa là những lớp dạy nghề
vừa là xưởng sản xuất.
Trong thời gian phụ trách thi công năm cây số đường cho trại, ngày ngày tôi chứng kiến trại viên được dẫn đi lao động. Nghe nói họ
được giao định mức khá nặng: phải làm ra sản phẩm đủ nuôi bản thân mình và đóng góp và tích lũy cho trại nữa.
Vậy nên, chiều chiều, hầu hết đám trại viên quay về trại điều ểu oải lê bước,
nét mặt mệt mỏi, rầu rĩ.
Nay mai tôi phải nhập vào cái đội quân đó sao? Câu hỏi nhói vào ngực, tôi bặm môi, nhắm nghiền mắt lại. Thì, tôi nghe tiếng mẹ tôi
van vỉ nao lòng:
- Bác ơi, em xin bác, em van bác. Bác biết đấy, nhà em cây có một cành, cành chưa có trái. Thôi thì con em nó trót dại,
em xin bác để em dạy nó, bác đừng bắt nó đi trại. Vâng, em cam đoan, em hứa. Em hứa mà bác. Trước nay con em nó không có
trái lời em bao giờ...
Lời van vỉ làm tôi mở choàng mắt nhìn thấy vẻ mặt đau khổ của mẹ tôi.
- Bà nhận tự cai cho cậu ta? - Ông Trưởng phường nhếch cười - Bà cai bằng cách nào?
Xin nói để bà biết, chữa căn bệnh này không dễ đâu.
- Vâng, em biết ạ. Em cũng đã có nghe nói. Nhưng xin bác cứ cho em làm thử. Em tin là mẹ con em có thể bảo ban nhau được.
Phải thế không con? Kìa, con nói với bác đi.
Cài nhìn cầu khẩn của me khiến tôi phải lúng búng hứa với vị công an già dù chưa biết rồi
mẹ sẽ cai nghiện cho tôi bằng cách nào...
- Cậu nói tiếp đi. Sáu tháng trước mẹ cậu đã hứa tự cai nghiện cho cậu tại đây, tôi nhớ.
Nghe nói mẹ con cậu đã làm được việc đó?
- Vâng.
- Dứt hẳn thật chưa?
- Sáu tháng rồi mà bác.
- Sáu tháng chưa phải là lâu. Hỏi thật nhé, cậu đã gặp lại lũ nghiện chưa?
- Nhiều rồi bác ạ.
- Nhiều?
Có vẻ ông chưa thật tin, dù đó là sự thật. Tôi đã không ít lần gặp cánh nghiện hút. Quen có. Chỉ biết thôi, có. Quen thân là mấy
cậu cùng nghiện trên K52 với tôi. Chỉ biết sơ sơ là mấy tướng nghiện ở phường sở tại. Cùng dân nghiện, nhận ra nhau ngay.
Việc gặp lại cánh nghiện chính là do mẹ tôi chủ động.
- Cháu hiểu vì sao bác chưa thật tin. Có phải bác nghe nói dân nghiện mà gặp lại nhau thì dù cai xong rồi vẫn bị nghiện lại?.
Đúng là có chuyện đó, nhưng không có nghĩa là tất cả, bác ạ.
- Thôi được - Ông Trưởng công an phường cười - cứ tự tạm coi như thế đi. Giờ cậu nói coi, ý định cậu gặp tôi?
- Cháu muốn bác giúp đỡ cháu.
- Cụ thể?
- Nhờ bác đứng bảo lãnh để cháu được vay vốn Ngân hàng. Cháu đã thế chấp nhà - đất của mẹ cháu, nhưng họ...
- Cậu bảo sao, tôi bảo lãnh cho cậu vay vốn Ngân hàng?
- Vâng ạ.
- Cậu vay vốn Ngân hàng để làm gi?
- Cháu mở Công ty.
- Mở Công ty?
- Vâng, cháu mở công ty thi công cầu đường. Trước mắt, là Đội thi công, sau đó đến Công ty. Đơn vị cháu sẽ lên nhận thi công
các tuyến đường cho các tỉnh miền núi. Công việc và địa bàn này cháu đã thuộc lắm.
Ông Trưởng phưởng thần mặt nghĩ ngợi. Bỗng ông hỏi độp:
- Này, sao cậu không đi xin việc mà làm, lại định mở Công ty?
- Xin là người làm thuê? Không, ba năm làm thuê cháu biết rồi.
- Sao bảo ba năm qua cậu làm cho Công ty Nhà nước?
- Thì cũng là làm thuê thôi. Nói thật với bác, làm thuê cho Nhà nước còn bị trả công xoàng hơn làm bên ngoài.
- Cái cậu này. Cậu nói đúng cái giọng của con gái tôi. Rõ thật là...
- Đúng thế mà bác. nên giờ cháu không muốn là người làm thuê nữa, bác ạ.
- Nói thật nhé, cậu muốn xin việc làm thì tôi có thể giúp. Chứ, đứng bảo lãnh cho cậu vay vốn Ngân hàng thì...
♣♣♣
Tôi choàng tỉnh. Hơi nước mát lạnh, tiếng thác ầm ào sục sôi hay tiếng gọi hớt hải đã dứt tôi khỏi cơn mộng du? Hình như cả ba thứ đó.
Tôi nhận ra mình đứng ở bục bê tông gần sát mép nước đang bốc hơi mù mịt. Tiếng ai đó vẫn đang gọi gấp gáp: “Anh Ngọc ơ...ơ...i...”.
Trên dốc bê tông, một cô gái đang nghiêng người khó nhọc đi xuống.
- Ô, Lan! Có đúng Lan không?
- Em tìm anh mãi. Sao anh ra đứng đây?
Sao tôi đứng đây?. Tôi thầm lục vấn mình. Và lần lần nhớ lại.
Lúc ấy mặt tôi nóng lên bừng bừng. Nhìn vẻ mặt, con mắt, cái cười nủa miệng sau câu hỏi: “Tôi đứng ra bảo lãnh cho cậu, nhất là
cái phản xạ chồm hẳn nửa người sang phía tôi của ông Trưởng công an phường, tôi biết là không trông mong gì ông rồi.
“Bác giúp cháu?”. Tôi vẫn cố vớt vát “Giúp cậu? Lấy gì làm cơ sở để tôi giúp cậu? Cậu cả ơi, đừng làm khó cho tôi...”;
“Cháu hiểu rồi. Tức là bác chưa tin cháu”. “Cái đó... Cái đó sao ạ? Có phải bác định nói cái đó bọn họ phải tự lo, bác và
xã hội không có trách nhiệm?”; “Tôi không nói thế. Cậu đừng có suy diễn”. “Nhưng cụ thể của cái gọi là “có trách nhiệm” là gì,
nếu không phải là những giúp đỡ thiết thực để họ có công ăn việc làm, và chính cháu đang xin bác giúp cháu một việc tương tự?”;
“Tôi đã nói tôi không giúp cậu chuyện đó được”. “Bác giúp được. Cháu biết là bác giúp được mà. Bác và ông Trưởng chi nhánh
Ngân hàng đóng trên địa bàn phường ta là chỗ thân quen, phải thế không ạ?”; “Cậu này rắc rối quá. Tôi bảo không giúp được
là không giúp được hiểu chưa?”; “Cháu hiểu rồi, tức là bác thật sự không muốn giúp,
dù đó chỉ là việc nhận bảo lãnh”.
Hóa ra bác là người như vậy. Hóa ra cháu nhầm. Thôi được, chào bác”
Chua chát và giận dữ, tôi đứng bật dậy, đi nhanh ra khỏi phòng làm việc của ông Trưởng phường. Trước khi kéo sập cánh cửa,
tôi còn ngoắt lại nhìn ông, thấy ông ngỡ ngàng và chưng hửng nhìn tôi. Tôi còn nhận ra hình như có bóng một cô gái sau tấm
ri đô ngăn phòng sau lưng ông.
Và tôi đi, vô định, mông du, với nỗi âm ỉ, tấm tức trong đầu: người đời không còn tin ta nữa sao?!...
- Em tìm đến nhà, bác bảo anh chưa về. Hỏi bác anh hay chơi những đâu, bác lắc đầu. Em quay xe, đề máy, tìm hú họa. Lo quá, chỉ sợ anh...
May sao gặp được người bảo có thấy anh đi ra ngoài này. Anh ra đây làm gì? Có phải anh định...?
Lan níu tay tôi, giọng riết róng, mắt anh ánh giận buồn. Chẳng hiểu sao tôi lại cười.
Cái cười chắc là ngu ngơ lắm. Lan cau mày:
- Lại còn cười. Thôi đi lên, để em còn bàn với anh cái này.
Điều Lan “bàn” là mời tôi về làm chỗ cô. Khi biết mình không nghe nhầm, tôi cho rằng Lan đùa tôi. Ngày học đại học, Lan rất hay đùa.
Cô mạnh mẽ quyết đoán nhưng hay đùa. Mặt tỉnh bơ, giọng cứ tưng tửng, tưng tửng, hư hư thực thực, người chưa quen tính nết không biết
đâu mà lần. Tôi là Bí thư Đoàn kiêm lớp phó phụ trách học tập mà không ít lần bị Lan lỡm. Khi sắp tốt nghiệp, nhân một hôm Lan đùa,
tôi nghiêm trang bảo cô: “Em mà cứ không nghiêm chỉnh, nay mai ra trường làm ăn thế nào? Ai người ta dám giao việc cho em?”
Lan nghiêm mặt độp lại tôi: “Anh nói chả khác gì ông bô em. Cổ quá. Nói thật nhé, em có nhờ ai giao việc cho em đâu.
Em sẽ tự giao cho em thôi”. Nhìn cái vẻ câng câng đầy thách thức của Lan, tôi cười: “Ghê nhỉ. Lại cậy có bố làm to hả?”.
“Bố em làm công an, cấp úy, to đâu mà to. Và giả dụ bố em có làm to, em cũng chả nhờ. Bố em “bôn” hạng nhất, nhờ sao được.
Mà, anh buồn cười thật, không tin em có thể tự lo liệu được cho em sao?”. Đúng là tôi không tin. Tôi nghiêm chỉnh,
học hành tử tế còn đang lo xin việc nữa là. Giờ, sau ba năm gặp lại, sao đổi ngôi thật sao?
Em nhắc lại nhé: Em mời anh về giúp em một tay, được không? Người chỉnh chu, vững nghề như anh, em cần lắm. Mình em xoay không xuể,
vì em mắc khâu quản lý,
Mắc quản lý? Lan đã là lãnh đạo? Tôi tự hỏi, rồi nhìn Lan:
- Công ty em là Công ty nào? Thuộc tỉnh hay thuộc Bộ?
- Chẳng thuộc tỉnh, thuộc Bộ nào hết. Thuộc em thôi.
- Thuộc em? Tức là Công ty của em?
- Vâng. Sao anh tròn mắt ra thế? Không tin à? Anh có nhớ hồi ở trường em nói với anh thế nào không.
- Sao tôi không nhớ. Nhưng Lan đã lập Công ty riêng???
- Nói thật với anh nhé, Công ty em làm ăn được đấy. Em vừa ký được hợp đồng mới, tuyến có khối lượng lớn,
làm cả năm chưa hết việc đâu. Nhưng yêu cầu kỹ thuật cao, không dễ nhằn, phải có kỹ năng giỏi chỉ huy thi công.
May qúa tìm được anh. Anh giúp em nhé?
- Nhưng tôi...
- Mọi chuyện em biết cả rồi, không nhắc lại nữa. Ai bảo cho em biết ư? Bác chứ ai. Ông già em nữa. Nói thật khi nghe ông già em kể,
em ngờ ngợ, không tin. Người như anh, qua bốn năm cùng học em biết, sao lại thế được? Nhưng chiều nay tận mắt thấy anh, nghe anh nói,
em mới ngớ người. Lúc anh ra khỏi phòng, em đã định gọi, nhưng vội kìm lại. Em đinh ninh anh về nhà nên sau đó phóng xe vào tìm,
nào ngờ anh ra đây...
Lan nói vô tư, hồn nhiên, xem như chuyện chả có gì quan trọng, trong khi tôi gằm bước, nóng tai. Và tự hỏi: Lan đã tính đường đi nước
bước ngay từ dạo sắp ra trường không giống ai vậy sao? Và cô đã làm được?
Lớp mình, khóa mình đã ai làm được như Lan?
- Thế nào, anh nhận lời giúp em không?
- à thì... hẵng biết thế. Lan phải để tôi tính...
- Lại còn tính với toán. Hay anh ngại, anh không thích cái tiếng “làm thuê”, nhất lại cho cái con bé trước nay anh vẫn cho là hàng em út?
Vậy thì thế này: anh làm một cổ đông của Công ty em? Cũng được, em nhất trí. Được chưa nào?
Làm một cổ đông? Thì phải có tiền. Tôi đang cần tiền, mà có đâu. Cần tiền để tổ chức một đội đi nhận thi công cầu đường trên miền núi,
khỏi phải xin xỏ, cầu cạnh làm việc cho ai. Tôi tính thế. Thời buổi này mấy ai tin kẻ từng nghiện ngập?. Nói đến nghiện, tôi lại rùng mình.
Sáu tháng cai nghiện thật là khủng khiếp. Nhớ hôm mẹ đưa con dao rựa bảo hạ cây xoan, sau khi nghe mẹ tự tra chân con vào cùm, có ngồi bên
thí thá với tấm khăn xấp nước nóng thơm mùi hương nhu luôn tay lau mặt mũi, mồm miệng nhểu đầy rớt rãi cho tôi, sau đó, cơn nghiện qua đi,
mẹ ân cần xúc cho ăn từng thìa cháo nóng. Nhớ bữa đầu tiên mẹ cho ra khỏi nhà để đối mặt với bọn nghiện hút, có mẹ đi cùng nên tôi
vượt qua được giây phút toàn thân như mềm nhũn ra, nhớ thuốc khi trông thấy bọn đó...
Tôi đã vượt qua được hết, giờ đang tính kế làm ăn, Nhưng...
Các bạn! Hẳn các bạn sẽ cho rằng tôi hâm, tôi sĩ rởm nếu tôi từ chối lời mời nhiệt thành của Lan?
Các bạn nghĩ thế là có lý. Nhưng...
Tôi đã làm thế đấy. Và, tôi thành tôi hôm nay.
Các bạn thử đoán xem, tôi hôm nay thế nào? Và quan hệ của tôi và Lan hiện nay ra sao?. -./.