Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


      

THẰNG BÉ TRONG QUÁN CƠM






C uối mỗi ngày, thằng bé đã có thể đổ tất tật bát thức ăn thừa nó đã gom lại vào chiếc chảo to sâu lòng còn vương mỡ, đảo qua đảo lại. Thế là nó đã có túi thức ăn đem về cho bọn nhóc cùng trọ.

- Bà chủ, cho một bia Hà Nội!
     - Cho hai đĩa xào nhé. Thêm tý nước chấm vào.
     Chiếc bếp than cứ rực lửa, rồi mùi thức ăn dậy lên với đủ thứ gia vị tỏi, hành, nước mắm quyện vào nhau, vương vấn trong khắp gian không. Khách ăn lần lượt kéo vào, gian phòng bỗng chốc như thu hẹp vì người ngồi kín các bàn ăn cùng những âm thanh ồn ào. Những chồng bát đĩa liên tiếp được bê ra, để lộn xộn, bừa bộn ngay cạnh thằng bé. Và nó không ngừng đôi tay, cứ liên tục khoắng tròn những chiếc bát, đĩa trong thau ngầu bọt nước rửa bát. Nó tinh ý và nhanh nhẹn nên làm đâu gọn đấy, rất sạch sẽ, cộng thêm đức tính cần mẫn, chăm chỉ vì vậy bà chủ rất hài lòng. Một lần trước khi nó về, bà chủ đưa cho một túi nilông nhỏ đựng đầy thức ăn thừa với lời nói ban ơn:
     - Thưởng cho mày vì làm việc chăm chỉ !
     Nó định không lấy nhưng khuôn mặt bà chủ đang phơn phởn, hỉ hả thế kia. Nó không cần sự bố thí, nó chỉ cần những đồng tiền làm ra bằng sự lao động chân chính và hai bữa cơm no bụng đủ để cho nó làm việc suốt một ngày. Nó trở về căn phòng trọ tồi tàn. Sao tối om thế này? Bọn nhóc chửa đứa nào về cả. Có tiếng rên ở đâu vậy? Nó dò dẫm tìm công tắc điện.
     - Em mệt và đau đầu quá nên chiều nay về sớm. Anh ra quán bà Năm mua hộ em bát cháo, em đói quá. Nó chợt nhớ ra túi thức ăn và xăng xái hẳn lên:
     - Chú mày ăn tạm cái này rồi khắc có cháo.
     Thằng Tính chẳng chê bai, khách sáo gì, đánh vèo một cái gần hết túi thức ăn.
     - Ngon quá, đã lâu lắm rồi em chẳng được ăn ngon thế này.
     Câu nói của thằng Tính làm nó thấy thương cảm và chợt nẩy ra một ý định nhưng nó chưa cần nói ngay. Một lúc sau đã nghe tiếng thả gầu ùm ùm trong giếng cùng tiếng xối nước ào ào và giọng huýt sáo vui vẻ của thằng Tính.

     Bà chủ để ý thấy thằng bé lựa những miếng thức ăn thừa có vẻ ngon cho riêng vào một bát to. Nó làm việc đó một cách chậm rãi. Số còn lại nó đổ vào thùng nước gạo váng mỡ nổi lềnh phềnh những ruột bí, cọng rau... Bà chủ hỏi nó:
     - Mày nhặt riêng ra thế để làm gì? Cứ đổ tất vào thùng nước vo, ngày nào chẳng có người đến lấy, thành tiền cả đấy.
     Nó biết bà chủ đang giáo huấn và như có vẻ “ngăn chặn” một ý định nào đó mới nẩy sinh trong đầu nó.
     - Cháu muốn mua lại thức ăn thừa này.
     Bà chủ ra vẻ hào phóng và nhân từ:
     - Ôi dào, đáng bao nhiêu. Mày muốn lấy thì cứ lấy.
     Nhưng bà chủ chẳng cho không ai cái gì bao giờ:
     - Lúc nào vãn việc mày bưng bê, dọn dẹp thêm giúp cô được không.
     Được cái bà chủ phốp pháp này tính tình xuê xoa nhiều khi hơi đồng bóng nên thằng bé cũng chưa muốn rời đi đâu. Vả lại nó nghĩ làm công việc này là cách tốt nhất để nó có thể tìm được bố. Có lần bà chủ cũng đã nói sẽ để ý giúp nó chuyện này.
     Cuối mỗi ngày, thằng bé đã có thể đổ tất tật bát thức ăn thừa nó đã gom lại vào chiếc chảo to sâu lòng còn vương mỡ, đảo qua đảo lại. Thế là nó đã có túi thức ăn đem về cho bọn nhóc cùng trọ. Thằng Tính nhanh nhẩu vừa gặm miếng thịt gà vừa nói:
     - Từ ngày anh cả đem thức ăn về, em thấy ít mệt hơn lại không chóng đói như dạo xưa.
     Trong căn phòng trọ chật hẹp, ngột ngạt này, nó được 5 đứa trẻ tôn là anh cả. Cũng bởi vì nó nhiều tuổi nhất là biết tổ chức cuộc sống chung, dù rằng những đứa trẻ mỗi đứa một quê, một tính và làm nhiều nghề khác nhau. Cuộc sống lang thang, xa nhà đã dạy cho bọn trẻ cách thích nghi rất nhanh với mọi hoàn cảnh và biết đùm bọc nhau trong cuộc sống. Có như vậy chúng mới tồn tại được với cuộc sống nghiệt ngã, đầy cạm bẫy này. Buổi tuối sau khi tắm giặt xong xuôi, chúng thường kể cho nhau nghe về công việc trong ngày, về những điều mắt thấy tai nghe. Đứa nọ bổ sung cho đứa kia những “kiến thức”, những “tin tức cập nhật” mà những đứa trẻ như chúng cần biết. Chẳng hạn khu vực nào dễ bán bánh mỳ, đánh được nhiều giầy...
     Cuối cùng sau những câu chuyện tào lao vui vẻ, chúng vô tư lăn ra ngủ.

     Mới sáng ra mặt trời đã chói chang, đài báo nhiệt độ lên đến 37oC. Thằng bé thấy người uể oải và nóng ruột rất lạ. Nắng tắt, một người làng đến báo tin mẹ nó ốm nặng, nhắn nó về. Bọn trẻ cùng nhau gom được 100.000 đồng, thằng Tính đặt vào tay nó tờ 50.000 đồng phẳng phiu:
     - Đây là tiền tiết kiệm của em, anh cầm đỡ tiền tàu xe, mua thuốc cho bác. Khi nào bác khỏe anh lại ra với chúng em nhé.
     Chiếc xe khách kín chỗ cứ ì ạch leo qua những con dốc. Từng hàng cây quen thuộc hiện ra trước mắt thằng bé. Thế mà nó cũng xa nhà gần một năm rồi. Chắc ở nhà mẹ và các em nó mong lắm. Nhưng việc mà trước khi đi mẹ nó dặn đi dặn lại rằng phải cố gắng mọi cách tìm ra manh mối của bố nó thì nó vẫn chưa làm được. Bố nó bỏ nhà đi đã vài năm nay và lên thành phố cặp với một người đàn bà làm nghề bán cơm bình dân.

     Hai tháng sau nó quay lại phòng trọ, không phải để tiếp tục thuê trọ mà là dọn đồ đạc về hẳn quê. Nó thông báo tin mừng rằng mẹ nó đã khỏi ốm, quan trọng hơn là bố nó đã trở về nhà. Rồi nó dõng dạc tuyên bố hôm nay sẽ khao cả bọn một bữa cơm ngon lành gọi là bữa cơm chia tay với thức ăn nóng sốt, tươi nguyên, không hề có chút gì thừa. Thằng Tính tò mò:
     - Anh làm thế nào tìm được bố ?
     Mắt nó hàm chứa sự biết ơn khi nhìn về phía bà chủ.
     - Nhờ cô ấy đấy.
     Thằng Tính ranh mảnh:
     - Không trừ một tháng lương rửa bát nào để trả công chứ. Ô, mà đúng thật, lần đầu tiên nó thấy bà chủ giúp nó mà không hề có một điều kiện, một giao kèo gì. Và kia, bà chủ đang vui vẻ gắp vào bát bọn trẻ những miếng thịt kho tàu thật ngon.-./.




VVM.08.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com