Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ

NƯỚC CHẢY QUA CẦU




Nếu còn đi hoài, biết đi về đâu?


     "Bút ký NCQC của Trần Thị Bông Giấy đã từng được một NXB tên tuổi ở Tp Hồ Chí Minh đề nghị mua bản quyền in ấn.
     Dù sự việc không thành nhưng tác giả vẫn giữ nguyên bản đã được NXB này lược duyệt khi cho phép ban biên tập đăng tải trên
     Việt Văn Mới Newvietart."


TỰA

Từ những ngày tháng mà cuốn bút ký Nước Chảy Qua Cầu chưa có tên gọi và còn là bao mẩu tâm sự, bao suy nghĩ, cảm xúc trùng trùng của kỷ niệm được ghi nhận lại bởi từng mảng thời gian bềnh bồng trôi giạt, tôi đã đắm chìm trong một không khí huyền hoặc, mê say và cảm động qua lời kể của Trần Thị Bông Giấy về đoạn đời năm năm phiêu bạt của nàng trong tư thế một nghệ sĩ vĩ cầm của một đoàn Cải Lương lưu diễn đó đây trên khắp quê hương, từ sau tháng 11/1975.

Tất cả những điều được kể hoàn toàn là chuyện thật, tại sao lại tạo ra được cái không khí huyền hoặc mê đắm đó? Đất nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh dài, tình trạng hỗn mang dâu biển bủa lên mọi cảnh đời. Nhưng trong mắt nhìn từ một tâm hồn mong manh mà hùng tráng của người nghệ sĩ, và xuyên qua những hỗn mang dâu biển đó, Trần Thị Bông Giấy đã nhận ra một thứ hạnh phúc thật kỳ dị: “Ly cà-phê sáng ở một thị xã buồn tênh xa lạ như là một miền cuối cùng của trái đất. Những bữa rượu nửa đêm về sáng sau giờ trình diễn với các người bạn nhạc sĩ khác trong đoàn. Bà cụ già bất hạnh bê từng hũ rượu đi bán dạo. Phiên chợ âm hồn bắt đầu họp vào lúc nửa đêm nơi một làng quê Việt Nam. Người bạn cũ gặp lại trong một thị trấn buồn tênh xa lạ. Người đàn ông ngồi uống rượu một mình trong không gian mờ ảo của chiếc quán khuya, bối cảnh thời đại như nhuộm lên thân hình ông sự cô đơn khốc liệt của một kiếm khách trên đường gió bụi...”

Mỗi mẩu chuyện là một viên ngọc đối với Trần Thị Bông Giấy. Gom tất cả những viên ngọc đó lại, Trần Thị Bông Giấy làm thành xâu chuỗi ngọc khác thường cho chính mình. Bởi đó, khởi đi từ những tâm sự được kể, những kỷ niệm nuối tiếc được nâng niu, tôi đã đề nghị Trần Thị Bông Giấy viết lại thành một quyển sách, một quyển bút ký. Biết đâu lại chẳng có người cũng muốn được chia xẻ với tác giả những hình ảnh, những mẩu chuyện tuy rằng đã có sẵn, luôn hằng hằng rải rác trên khắp cùng sông nước Việt Nam, nhưng cho dù đã sinh ra và lớn lên ngay trên quê hương mình, chắc hẳn trong chúng ta mấy ai đã được nghe, được thấy? Nhất là nghe, thấy từ vị trí một người nghệ sĩ phiêu bạt từ sau cuộc biến động lớn của quê hương?

Thời gian trôi đi. Đời người trôi theo dòng thời gian để mà lạc loài đến những không gian cũng biến động trong từng giây từng phút. Tương quan giữa con người với con người, giữa con người với thời gian và không gian thật là chặt chẽ. Đó là sự cùng trôi đi và mất tăm. Như nước chảy qua cầu. Tôi nghĩ, viết quyển bút ký này, Trần Thị Bông Giấy trước hết muốn giữ cho chính nàng, muốn làm không gian và thời gian ngưng đọng lại, để trong không gian và thời gian đó vẫn còn nguyên những người, những cảnh, những chuyện của kỷ niệm hiện tại và của cả một đời. Vì thế, văn chương không phải là mục tiêu khởi đầu của Nước Chảy Qua Cầu, của Trần Thị Bông Giấy. Văn chương chỉ tự nó thành tựu ở lúc tâm sự, kỷ niệm được tác giả viết xuống thành chữ, thành câu, sau khi đã là những chuyện kể. Những chuyện kể bềnh bồng trôi giạt...

Trần Nghi Hoàng

4 giờ sáng ngày 12 tháng 8 năm 1989

INTRODUCTION

The United States has gone through many stages in its attempt to come to terms with the legacy of the Việt-Nam War. In the immediate aftermath of the war, there was disbelief, anger, fingerpointing and grief. Then, for a while, there was silence. The pain of confrontation was repressed, delayed --but it could not be eliminated.

In order for healing to take place, we had to begin the processes of both individual soul-searching and a collective national conversation on Việt-Nam.

First in a trickle, then a torrent, writers and filmakers began to struggle with the issue of the war. Particularly through the medium of film, the issue was once again raised in public consciousness. The silence was replaced by dark, often wrenching films, The Deer Hunter, Coming Home, Platoon, Full Metal Jacket, each in their own way trying to struggle with the meaning of the war and its aftermath. For the most part, however, the pens and the cameras have belonged to Americans. We have never really heard the stories, the poems, and the cries of the Vietnamese people. As great a physical and psychic toll as the war took on the United States, the suffering of the Vietnamese was immeasurably greater. Its land, the precious earth from which the Vietnamese draw food and strength, is still pock-marked with craters, filled with mines and slowly recovering from the assault of poisons. Over a million people, many of them noncombatants, were killed. Prosthetic limbs are a common sight. And yet we have not really heard the people of Việt-Nam speak.

There is still another problem. To most Americans, "Việt-Nam" means "The Việt-Nam War". Because Việt-Nam has always been an object to us, a painful part of our story, its relevance is usually seen in terms of the twenty years of violence and mutual distrust that marked the relationship from the 1950's to the 1970's.

However, even if we see Việt-Nam simply in terms of war, we must realize that the Việt-Nam war was a war that extends back to the 50 years struggle with the French that began in the mid-19th century, and still further back to Việt-Nam's ongoing attempt to preserve its own identify in the face of a Chinese influence that was, by turns, philosophical, political, cultural and often military. In the words of one scholar, it has been a "2,000 year struggle".

Although war has had an enormous impact on Việt-Nam, Việt-Nam is much more than a battleground, a fact that many Americans are only beginning to discover. It is a country with a history of its own, a culture that has produced beautiful poetry and literature, and as we learn from the author, a musician able to bring notes to life through written words, rich traditions of music and opera.

Việt-Nam is also land, rice paddies and bustling cities, farmland and villages. And most of all, it is its people. People who are both in Việt-Nam rebuilding their country and their lives; and people who are scattered across the globe feeling, in varying degrees, either like citizens of new lands or an exiled people still waiting to return home. In order to understand, we must begin listening to their voices. Trần Thị Bông-Giấy's is a beautiful voice with which to begin this journey. Her perspective is shaped by time spent in three places, three cultures intertwined in a tragic story, now struggling to find reconciliation, Việt-Nam, France and the United States. Trần Thị Bông Giấy is an author who doesn't spend much time on explicit political statements, diatribes, arguments or theory. She is very much a writer of the particular and concrete, not the general and abstract.

Here is an intimate journal of meals shared and concerts remembered, of conversations, images, personal encounters --open this journal and both Việt-Nam and France come to you in all of their sights, sounds, textures and smells. She brings to us numerous people whose lives have been shaped, in many different ways, by the conflict. We see connections being made across cultural boundaries just as we see the divisions that still exist within them --Vietnamese, like Americans, still split passionately over the war. Her diary is filled with stories and characters that stay with the reader long after the book is put away.

The author's experience of Việt-Nam is particularly revealing, for she is describing the world she was away from for years and then returned to. There is an extra vividness that comes out of seeing one's old home with new eyes --it makes the experience both richer and more painful. But there are really two journals here --for she not only shows us Việt-Nam through the eyes of one who has returned, she also gives to us the experience of a Vietnamese making a life in Europe.

The author's personality shines through in the book. She is a fiercely proud and deeply sensitive woman; she is a person of tradition facing a world of change and uncertainty. Above all, she is an artist, and her words can be so lyrical that the line between prose and poetry begins to disappear.

In conversation, as in music, it is often the quiet but strong voice that holds one's attention. Trần Thị Bông Giấy's is such a voice. Slowly, through a moving story or memorable character here, a reflection on a poem or thoughts about an opera there, the motifs are woven; the piece comes together as a whole. The effect builds up as you keep reading, until you feel you have come to know this person and her country better.

True understanding can never occur between a subject and an object. It only emerges between two subjects. In order to understand the Vietnamese people, people whose lives are intertwined with ours, we must not simply talk about them --we must genuinely listen to them. We are very fortunate, then, that Trần Thị Bông Giấy's book has been translated into English-- and that the translation was done with such skill and sensitivity by her brightest former piano student, a twenty-year-old who is so close to her –Trần Thy Hà.

The book teaches us again an important lesson about literature --that while it is always about the unique and particular, it also speaks universally to all human beings; for in the voice of another, we hear back, in a new and powerful way, our own speaking about loss, struggle, and hope.

MARK BERKSON

PhD., University of San Francisco

SF. May 1998

LỜI GIỚI THIỆU
(TTBG chuyển ngữ)


Nước Mỹ trải qua nhiều giai đoạn trong sự cố gắng đặt để một thỏa thuận liên quan tới cuộc chiến Việt Nam. Trong cái hậu quả tức thời của chiến tranh, đã xảy ra rất nhiều những nỗi hoài nghi, giận dữ, đổ thừa và đau khổ. Sau đó, trong một lúc, là sự yên lặng. Nỗi đau đớn chạm trán được kềm nén, chậm hoãn -nhưng không phải là loại bỏ.

Để hàn gắn những mất mát thua thiệt tạo ra từ sau cuộc chiến, chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu về cả hai phía tâm hồn cá nhân và những đàm luận chung trên vấn đề VN.

Thoạt tiên, với một tia nhỏ, và rồi cả một dòng nước lũ, những nhà văn và những đạo diễn khởi sự vùng vẫy với đề tài chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt, qua môi trường phim ảnh, cái đề mục này lần nữa dậy lên trong ý thức hiểu biết quần chúng Mỹ. Sự im lặng được thế chỗ bằng những cuốn phim bi quan, đen tối, thường xuyên bóp méo sự thật (như The Deer Hunter; Coming Home, Platoon, Full Metal Jacket...) theo một đường lối riêng để cố gắng trình bày về chiến tranh Việt Nam và cái hậu quả của nó. Tuy nhiên phần lớn, những cây bút và phim ảnh đều thuộc về phía người Mỹ. Chúng ta chưa bao giờ thực sự được nghe những mẩu chuyện, những bản văn và tiếng kêu gào của người Việt Nam. Mọi thống khổ về thể chất và tâm lý do chiến tranh gây ra cho nước Mỹ thật sự đã không thể so sánh với những thống khổ mà người dân Việt Nam đã phải nhận chịu. Xứ sở của họ, vùng đất yêu dấu mà họ đã rút ra thực phẩm và sức mạnh thì vẫn còn bị rỗ hoa với các hố bom đại bác, những mìn đạn; và đang chậm chạp phục hồi từ sau các cuộc tấn công của chất độc.

Hơn một triệu người Việt Nam --trong số có rất nhiều người không từng tham gia quân đội-- bị giết. Những tay chân nhân tạo được lắp ráp là một cảnh tượng rất thường. Dù thế, chúng ta chưa từng thực sự được nghe tiếng nói của người Việt Nam về những điều như thế. Hơn nữa, lại còn có một vấn đề khác. Với đa số người Mỹ, “Việt Nam” có nghĩa là “Chiến Tranh Việt Nam”, bởi vì Việt Nam luôn luôn là một đối thể của chúng ta, một phần đau khổ của lịch sử nước Mỹ, biểu tượng bằng hai mươi năm chiến tranh dữ dội và sự ngờ vực lẫn nhau, xảy ra từ thập niên 50 tới thập niên 70.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản nhìn về Việt Nam qua hai chữ chiến tranh thì chúng ta phải nhận thực rằng cuộc chiến ấy đã kéo dài từ trước trong suốt 50 năm chiến đấu với người Pháp vào giữa thế kỷ 19, và còn lùi xa hơn trên những cố gắng duy trì các đặc tính riêng của nó trong sự đương đầu với ảnh hưởng Trung Hoa lần lượt trên đủ mọi mặt triết lý, chính trị, văn hóa và thường xuyên là quân đội. Theo lối nói của một học giả thì đó là một “cuộc chiến dài hai ngàn năm.”

Dù rằng chiến tranh đã gây nên một ảnh hưởng rất lớn trên Việt Nam thì đó không chỉ là một bãi chiến trường thôi mà còn là một nơi chốn lôi cuốn sự khám phá của rất nhiều người Mỹ. Một xứ sở với một lịch sử, một nền văn hóa riêng đã sản xuất ra những vần thi ca, những áng văn chương đẹp và những truyền thống phong phú về âm nhạc, kịch nghệ; điều mà chúng ta đã biết từ tác giả, một nhạc sĩ có khả năng mang những note nhạc vào đời sống qua ngã văn chương. Việt Nam cũng còn là một vùng đất với những ruộng lúa, những thành phố náo nhiệt, các nông trại và các làng xóm. Nhưng hơn hết, là con người Việt Nam. Những con người ở cả hai phía đang xây dựng lại quê hương và đời sống họ ngay trên xứ sở, và những con người tản mác ra trên toàn thế giới ở nhiều mức độ khác nhau, sống, như những công dân của vùng đất mới hoặc như những kẻ bị lưu đầy đang chờ đợi ngày trở lại quê hương. Để hiểu họ, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói họ. Tiếng nói Trần Thị Bông Giấy là một tiếng nói đẹp biểu tượng qua cuốn bút ký này. Cái nhìn của tác giả được gọt bén bởi thời gian trải qua trên ba vùng đất -Việt Nam, Pháp và Mỹ-; ba nền văn hóa cuộn lẫn vào nhau, bây giờ đang tranh đấu để kiếm tìm một sự hòa hợp, qua một tác phẩm xúc động.

Trần Thị Bông Giấy đã không phí nhiều thì giờ trên những vấn đề về chính trị, những lời công kích dữ dội, những bàn cãi hay lý thuyết; mà chính là một nhà văn của sự thực tiễn và rất đặc thù, chứ không là của sự trừu tượng mơ hồ và đại thể.

Đây là một cuốn nhật ký thân mật nói về các bữa ăn được chia xẻ với nhau, những ký ức gợi lại theo các cuộc trình diễn, các mẩu chuyện trao đổi, các hình ảnh và các cuộc gặp gỡ cá nhân –mở cuốn bút ký này ra, cả hai vùng trời Việt Nam và Pháp cùng hiện ra trước mắt bạn với tất cả mọi cảnh tượng, những âm thanh, những xếp đặt và mùi vị của chúng. Tác giả đã mang đến cho chúng ta hàng loạt con người mà đời sống họ đã được va chạm và hình thành trong nhiều đường lối. Chúng ta nhìn thấy những liên hệ được cấu tạo suốt qua các ranh giới văn hóa, như thể nhìn thấy những phần đoạn còn tồn tại bên trong con người họ –người Việt Nam, cũng như người Mỹ, vẫn bị phân hóa một cách sôi nổi theo đề tài chiến tranh. Dầu vậy, cuốn bút ký Nước Chảy Qua Cầu với đầy những câu chuyện và các nhân vật sẽ lưu lại lâu trong lòng độc giả sau khi cuốn sách đã được gấp.

Những hiểu biết của TTBG về Việt Nam thì rất đặc sắc bởi vì tác giả đã trình bày một nơi chốn đã lìa bỏ nhiều năm rồi mới trở lại với nó. Có một sự sống động cực độ của một con người trong cái nhìn mới về một quê hương cũ-- điều vừa tạo thành cho tác giả một sự hiểu biết phong phú, đồng thời cũng là nỗi đau thương càng mạnh mẽ hơn. Ở đây, thực sự là có hai cuốn bút ký –bởi vì tác giả không chỉ phơi bày một nước Việt Nam qua đôi mắt của một kẻ đang trở về chốn cũ, lại còn cho chúng ta những hiểu biết về một công dân Việt Nam đang chấp hành một cuộc sống mới ở Âu Châu.

Cá chất nhà văn sáng tỏ suốt qua tác phẩm. Tác giả là một người cực kỳ kiêu hãnh và rất nhậy cảm. Một phụ nữ Việt Nam truyền thống đối diện với một thế giới đang thay đổi và không chắc chắn. Trên tất cả, Trần Thị Bông Giấy là một nghệ sĩ, và chữ nghĩa được dùng trữ tình đến độ những hàng viết giữa văn chương và thi ca biến mất cả đi.

Sự đối thoại trong văn chương –cũng giống như trong âm nhạc- đã thường xuyên có ẩn chứa một tiếng nói câm lặng nhưng rất mạnh mẽ, nắm bắt sự chú ý của độc giả. Tiếng nói của Trần Thị Bông Giấy đúng là tiếng nói như thế.

Dần dà, chỗ này là một câu chuyện cảm động hay một gợi nhớ về một nhân vật, chỗ kia là sự trầm ngâm suy nghĩ theo một bài thơ hay một buổi trình diễn nhạc kịch..., những chủ đề cứ thế đan thắt vào nhau, những mảnh đoạn cứ vậy kết hợp với nhau thành là một. Cái hiệu quả này cứ dâng lên mãi khiến bạn không thể ngừng đọc cho đến khi hiểu được rõ ràng về tác giả và xứ sở Việt Nam.

Sự thấm hiểu không bao giờ có thể xảy ra giữa một đối thể với một chủ thể, mà chỉ là giữa hai chủ thể. Để hiểu thực sự về người Việt Nam, những con người mà cuộc sống của họ đã từng cuộn quấn vào với chúng ta, chúng ta không thể chỉ trình bày đơn giản về họ, mà còn phải nghiêm trang lắng tai nghe họ. Với điều này, chúng ta đã rất may mắn bởi vì tác phẩm đã được dịch sang Anh ngữ một cách khéo léo và đầy xúc cảm bởi người học trò dương cầm sáng giá nhất của tác giả, một thiếu nữ 20 tuổi rất gần gũi với tác giả -Trần Thị Như Hà.

Tác phẩm đã dạy cho người Mỹ chúng ta một bài học quan trọng lần nữa về văn chương –cái điều không phải chỉ nói về sự đặc thù hay cá biệt thôi, mà còn trình bày rộng rãi ra với tất cả mọi người-- bởi vì từ tiếng nói kẻ khác, chúng ta có thể nghe lại được, bằng một đường lối mới hữu hiệu hơn, tiếng nói của chính chúng ta về sự thua thiệt, đấu tranh và niềm hy vọng.

MARK BERKSON

Tiến sĩ, Ðại học San Francisco.

San Francisco, May 1998.


"Mai mốt em về, em về đâu?

Con sông nước chảy trắng chân cầu

Tiếng hát già nua người bạn cũ,

Giây đàn muôn thuở buộc lòng nhau."

(thơ Hoàng Trúc Ly)

When you return, where is your place?

The river rushes down in white foams

A friend’s old wishful tune lingers

A magic string to seal memories!

(Hoàng Trúc Ly)


BÀI 1

I.
Paris.
     Trời gió thật nhiều. Những cơn gió thốc xoáy dữ dội đập mạnh lên các tấm kính cửa sổ, làm các cành cây nhỏ quanh nhà ngả nghiêng rũ lá. Mùa thu đã đến rồi. Chiếc áo len mỏng không đủ làm ấm đôi vai. Trong căn bếp lạnh có mùi củi khét đang cháy trên lò, tôi bỗng nghe như có điều gì đang thức dậy? Một điều gì thật thân ái như mùi thơm của khói, mà cũng đã nghìn trùng im lắng trong ký ức xa xôi...

     Cuối tháng 9/1978.

    Đoàn lưu diễn ra Trung. Trạm ghé đầu tiên là Mũi Né, một xã nhỏ nằm sát biển, thuộc huyện Hàm Thuận, thị xã Phan Thiết, tỉnh Thuận Hải.
    Ngay từ buổi trưa thứ nhất cùng vài người bạn dừng chân bên một quán lá đầu làng, tôi đã nghe như bị cuốn hút mạnh mẽ vì cảnh sắc buồn bã của Mũi Né, kéo dài trong suốt năm ngày tại đây. Bầu trời lúc nào cũng ủ ê màu xám. Các cồn cát thoai thoải bên đồi có màu đất đỏ. Những cụm mây giăng thật thấp tưởng chừng như vói bắt được. Khí trời ngây ngây lành lạnh, và trong không gian dậy lên nồng nàn mùi biển ấm.
    Năm ngày ngắn ngủi lưu lại đây đã đủ kết thành kỷ niệm để đời. Trong căn nhà gỗ nghèo nàn của một người đàn bà có chồng đi biển xa, nằm lẻ loi một góc trên bờ cát, tôi và Hạnh được chỉ định làm nơi tạm trú. Khuya đi hát về nằm nghe biển réo. Sáng thức dậy sớm cũng trong tiếng réo của biển. Những chiều tối đi bộ từ nhà trọ đến nơi đoàn dựng rạp cũng lại chỉ nghe tiếng biển thét gào điên đảo. Bản bi ca bất tận kết từ muôn thuở sao đã thật có khả năng bóp thắt trái tim trong nỗi rung động dạt dào!
    Tôi yêu biển ngất ngây dù rằng tôi sinh ra trong Huế, lớn lên trong Sàigòn và trải một phần cuộc đời trên những con dốc mù sương Dalat. Cũng không hiểu tại sao lại yêu ghê gớm cái âm thanh đảo điên cuồng nộ đó mà tôi cho rằng không bất cứ bản nhạc nào có thể diễn tả cho hết được mức độ bi thương và hùng tráng của nó; cũng như không khúc ca nào phô bày trọn vẹn tính cách trữ tình hơn tiếng hôn của sóng lên bờ cát mịn mỗi khi trời lặng, biển êm.
    Đêm ở Mũi Né buồn như nước mắt. Những tiếng vỗ nghẹn ngào từ xa khơi vọng về liên tục. Tâm hồn và giấc ngủ cô đơn của tôi được ru bởi điệu hát muôn đời ray rức, giống như tiếng than vãn không ngừng của những linh hồn thác oan còn mãi vật vờ trên sóng biển đen.

     Paris. Gió rít từng cơn, lùa qua khe cửa làm căn phòng bỗng dưng lạnh hẳn. Mùa thu Paris không dịu dàng như mùa thu của quê hương (dù rằng trong quê hương xa vời ấy đã không thực sự có mùa thu.) Ở đây, mùa thu chỉ đẹp trong mắt nhìn với những chiếc lá vàng rơi đầy hè phố, những cái áo khoác rực rỡ đủ màu của khách bộ hành... Nhưng ở đây không có nỗi rung động dịu dàng bất chợt trong trái tim khi bầu trời đột nhiên đổi xám, báo hiệu mùa thu đã về.

     Tháng 9/1978, lưu diễn Phan Rí Cửa, huyện Bắc Bình, tỉnh Thuận Hải.

     Tôi và Hạnh cũng lại ở chung trong trạm hát Phan Rí Cửa, một căn nhà lá mỏng manh giống như một cái chòi, nằm chênh vênh trên đầu dốc từ bãi biển dẫn vào bến chợ. Buổi sáng thức dậy nhìn qua cửa sổ thấy những con người đang neo thuyền kéo lưới vào sâu trong bờ cát. Nhìn từ xa, bóng dáng các ngư chài trông chẳng khác nào những chấm đen biết di động trên tấm nền màu xanh trời biển mênh mông.
    Bến chợ rộn ràng vào buổi sớm. Các người đàn bà nước da rám nắng ngồi trước những thúng cá còn tươi rói, khuôn mặt bơ phờ mệt mỏi. Họ ngước nhìn lên với một chút hớn hở khi thấy những người trong đoàn hát đi qua, rồi lại cúi xuống dửng dưng nhìn các con cá nhỏ quẫy đuôi trong thúng.
    Trời tháng Chín mây mù giăng thấp. Vài người lôi xe già ngồi chờ khách, tán gẫu với nhau nơi chiếc quán lá đầu chợ. Mùi cà-phê thơm lừng trộn lẫn với mùi tanh tanh của cá và của biển cả, được mang về từ các người chài lưới; màu da rám nắng của các người đàn bà và tiếng chuyện trò lớn giọng của những người phu xe, tất cả đã làm nên một sắc thái đặc biệt nồng ấm cho các buổi sáng tại đây.
    Chân trời xa xôi của vùng cảng Marseille miền Nam nước Pháp trong bộ tiểu thuyết ba tập của Marcel Pagnol (1)
khiến tôi vô cùng ưa thích thuở còn đi học tưởng như tìm thấy rõ ràng hôm nay trong chiếc quán lá của huyện lỵ buồn tênh xa lạ. Một thời ước mơ tuổi nhỏ sống dậy làm cho lòng mang mang rung cảm để dịu đi biết bao chán chường của cơm áo mưu sinh.
    Tôi ngồi lẩn vào giữa các người lôi xe già trên chiếc băng ghế dài không có chỗ tựa lưng, lắng nghe những mẩu chuyện của họ và đợi chờ ly cà-phê nóng. Đối với họ, tôi là một kẻ lạ. Nhưng còn tôi, vòm trời này, chiếc quán này và cả những con người trước mặt, cơ hồ như tôi đã gặp từ một thuở nào trong tiền kiếp xa xôi...
    Buổi sáng tháng Chín ở Phan Rí Cửa trời buồn như khóc. Lòng tôi cũng buồn khi bước đi một mình trên bãi cát trắng phau. Biển cả lôi cuốn bước chân chàng tình nhân trong tiểu thuyết khiến chàng một đời lỡ làng hối tiếc(2). Một lúc nào, biển cả cũng khuấy động không ngừng trong tôi những hối tiếc vu vơ. Hối tiếc vu vơ hay là niềm hạnh phúc bất ngờ tìm thấy được? Có lẽ cả hai điều đều chính là một trong tâm hồn tôi bốn ngày dừng bến tại đây.

     Paris. Một lần Daniel hỏi tôi: “Nếu bây giờ cho cô một điều ước thôi, cô sẽ ước gì?” Tôi đã không ngần ngại đáp: “Trở lại những ngày sống trước kia ở Việt Nam!” Anh ngạc nhiên: “Sao lại ‘trước kia’ mà không là ‘bây giờ’ khi cô vẫn có quyền xin trở về quê hương cũ?”
    Tôi không đáp câu hỏi này, bởi biết rằng anh không bao giờ hiểu được nỗi mất mát lớn lao ngần nào trong trái tim tôi kể từ ngày bỏ xứ ra đi.
    Phải, tôi có thể xin “trở về”, nhưng là sự trở về của một con người “khác” với con người trước kia; của một đứa con từ bỏ gia đình cha mẹ nghèo để đi tìm riêng tư phú quý. Giờ đây nếu có trở lại thì giá trị tình cảm ban sơ đã không còn nguyên vẹn; và trong tâm hồn tôi mãi vẫn không lấp đầy được khoảng trống đắng cay.

     Tháng 10/1978, hát Tuy Hòa.

     Từ Phan Thiết, đoàn xuôi thẳng trên quốc lộ I ra Tuy Hòa, thị xã nằm trên cửa sông Đà Rằng đổ từ Tây Nguyên xuống. Trước 1975, Tuy Hòa là tỉnh lỵ chính của tỉnh Phú Yên, nay thuộc tỉnh Phú Khánh.
    Đất Phú Khánh xưa thuộc Bộ Việt Thường. Rồi lại thuộc Chiêm Thành. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông mở rộng biên cương đến núi Đá Bia(1). Năm 1811, Chúa Nguyễn Hoàng mở rộng thêm, lập ra phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hóa. Đến năm 1653, Chúa Nguyễn Phúc Tần lại mở tiếp đến sông Phan Lang, lập ra Thái Ninh phủ, sau đổi làm phủ Diên Khánh (tức Khánh Hòa bây giờ), đặt tỉnh Thái Khang. Năm 1744, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt Phú Yên dinh và Bình Khang dinh. Năm 1802, Gia Long lên ngôi, đặt là Phú Yên trấn và Bình Hòa trấn. Đến đời Minh Mạng thứ 13 (1833) đặt thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
    Sau 1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sát nhập làm một, thành tỉnh Phú Khánh, bắc giáp tỉnh Nghĩa Bình; tây-bắc giáp tỉnh Gia Lai & Kontum; tây-nam giáp tỉnh Lâm Đồng; phía nam giáp tỉnh Thuận Hải; phía đông nhìn ra Thái Bình Dương.
    .. .. ..
     Những buổi chiều trong suốt một tuần lễ ở Tuy Hòa, chúng tôi, một bọn năm người trong tổ Tân Nhạc, trước khi đến rạp thường kéo nhau ra ga xe lửa, chiếm cứ một cái bàn nơi một quán rượu ven đường.
    Do từ đâu mà lại lao vào cuộc sống cải lương, tôi cũng không nhớ rõ. Một tình cờ nào trong thời gian đầu của cuộc đổi đời thì phải? Tôi chán những buổi chiều lê thê trên các vỉa hè Gia Long, Nguyễn Trung Trực, ngồi uống ly cà-phê đen mà tâm tư không một chút định hướng. Chán cuộc sống lêu bêu không hy vọng tương lai, giống như những ly rượu đắng tôi và bạn bè vẫn vội vã uống mỗi đêm nơi cái quán lộ thiên bên dốc cầu Trương Minh Giảng. Sàigòn đã không còn thoải mái với những bộ đồng phục màu xám của quân đội; không còn thú vị với những luật lệ bắt đầu bó buộc người dân vào trong guồng máy chặt chẽ... Cơ hội ghép một phần đời mình vào cuộc sống cải lương có lẽ cũng phát sinh từ đó.
    Ít ra, cải lương là một xã hội còn ít nhiều tự do trong một xã hội lớn đầy những công khai cấm đoán. Ít ra, trong môi trường này, chúng tôi còn có thể giữ cái “nhãn hiệu nghệ sĩ” đang được ưu đãi hàng đầu bởi chế độ. Và ít ra, ý muốn lãng du vẫn thực hiện được qua các chuyến lưu diễn dài trên khắp quê hương.
    .. .. ..
     Những buổi chiều trên sân ga Tuy Hòa, chúng tôi ngồi uống rượu, uống luôn cả không gian và thời gian khi ấy. Tháng Mười, thị xã bắt đầu trở lạnh với những cơn gió sắt se. Miền Trrung và Miền Nam không có mùa thu như ở Miền Bắc. Tuy nhiên, trong ý nghĩ tôi, thời gian tháng Mười vẫn mãi mãi được gọi là “giữa mùa thu!”
    Mùa thu ở Tuy Hòa trong một tuần lễ ghé lại biểu hiệu thật sự là mùa biệt ly. Tiếng còi tàu thét lên buồn bã. Sân ga lúc nào cũng tấp nập kẻ đến người đi. Quán xá bên đường rộn ràng chủ, khách. Sự sống động của thị xã, theo tôi, thể hiện rõ rệt nhất chỉ là ở nơi đây.
    Mùa thu cũng trải dài trên các con đường đá sỏi khô khan, trên nóc ngôi nhà thờ gần ga xe lửa và trong nỗi hoang vu của những con lộ vắng người. Có cái gì thật chết mà cũng là thật sống trong vùng đất này? Trên sân ga, những người hành khách qua lại vội vã. Cuối chân trời, các cụm mây biến hiện không ngừng bức vẽ mùa thu. Mây thu thì lúc nào cũng hằn rõ dáng điệu mệt mỏi của mình: thật thấp, thật lãng đãng. Và con người lại chẳng phút giây nào ngơi nhịp chạy với thời gian.
    Những buổi chiều trên sân ga Tuy Hòa, tôi ngồi cùng đám bạn, nhìn hoàng hôn trôi dần qua đáy cốc. Những sợi rượu uống vào không làm ấm tâm tư, lại chỉ càng gợi lên mối buồn mất mát. Những chiếc ly rót mãi, chẳng thấy say, mà tôi lại nghe say say với tiếng còi tàu giục giã, với nỗi ảm đạm, buồn rầu của ngôi nhà thờ được nhìn từ xa, và với những tiếng chân lên xuống nhặm lẹ để bắt cho kịp chuyến tàu vừa trờ tới. Bức tranh quê hương với từng nét chấm phá đơn sơ cũng được vội vàng chộp lấy ghi vào ký ức. Một thứ gia sản lạ lùng, bất cứ ai cũng có thể chiếm hữu để làm của riêng tư.

     Paris. Claudia và Daniel điện thoại rủ tôi đi uống café lúc 11 giờ sáng. Quả thật Paris giống Dalat ở một điểm nào đó như vài người quen từng nhận xét. Cũng cái không khí tà tà với những con người nhàn rỗi la cà các quán từ giờ này sang giờ khác. Cũng một sự rỗng không đầu óc khi ngồi nhìn thiên hạ qua lại ngoài cửa kính –mà tưởng đến những hôm thả bộ ra khu Hòa Bình và để trôi một buổi sáng đầy hơi sương trong nhà hàng Mékong.
    Có lẽ một thoáng buồn nào đó hiện lên tôi khiến cả Claudia lẫn Daniel cùng ngạc nhiên (những người bạn Âu Châu này lúc nào cũng cứ vẫn ngạc nhiên về tôi!). Tôi nghe Daniel nói: “Cô vui buồn không định khiến tôi không sao đo lường được. Phút trước cô vui ngần nào thì phút sau lại rũ buồn ngần ấy.”
    Anh tiếp trong một cái cười mỉm: “Giống như những cái thang máy có dây kéo trong các khách sạn cũ kỹ ở Paris.” (Anh làm cử chỉ tượng trưng cho sự lên xuống của chiếc thang máy.)
    Tôi bật cười dòn: “Anh hãy ví tôi như ngọn sóng thủy triều mới đúng. Cái thang máy là do bàn tay con người sử dụng; từ nút bấm của các ngón tay mà lên, xuống. Còn ngọn sóng thủy triều, con người không chỉ huy được.”
    Tôi tiếp: “Sóng thủy triều có khi dồn dập giận dữ, nhưng cũng có lúc dịu dàng êm ả. Và những khi êm ả ấy, không điều gì sánh cho hết được vẻ đẹp của biển cả, trừ ra nghệ thuật đích thật.”

Tháng 10/1978. Lưu diễn Sông Cầu.

    Sông Cầu nước chảy lơ thơ
    Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi?

    Đoàn chuyển bến ra Sông Cầu, một thị trấn đẹp vùng duyên hải Miền Trung với phong cảnh hữu tình lai láng, trên bãi trồng đầy dừa, chung quanh các đồi xanh um cây cối. Là tỉnh lỵ cũ của tỉnh Phú Yên, Sông Cầu cũng là đầu đề cho bao mối tình, bao tâm sự của trai gái yêu nhau.
    Đoàn dựng rạp tại một vùng sát bờ biển, trên con đường Quốc Lộ I. Kỷ niệm độc đáo nơi đây là cứ mỗi đêm tan hát, lúc 12 giờ khuya, một số lớn người trong đoàn quy tụ lại trong bến xe đò của thị xã để ăn khuya. Mối duyên cải lương gắn bó bấy lâu vẫn chưa đủ thời gian cho tôi tìm hiểu về cái thế giới sống về đêm ấy. Những nhân vật đẹp đẽ trên sân khấu buổi tối trái ngược hẳn với các khuôn mặt bạc nhược không trang điểm ban ngày. Cuộc sống xô bồ chung đụng theo những chuyến lưu diễn dài, trong đó, con người chôn giấu mọi tình cảm sâu kín dưới lớp phấn son loè loẹt... tất cả, đối với tôi vẫn còn xa lạ, nhưng cũng thật vô cùng quyến rũ.
    Nửa đêm về sáng, bến xe của thị xã Sông Cầu lại như càng tăng thêm phần nhộn nhịp. Các hàng quán sáng trưng ánh đèn. Từng đàn “chim vạc ăn đêm” ngồi trước các gánh quà rong, chờ đợi. Tiếng xe đò nổ máy giục khách và tiếng người vội vã ơi ới gọi nhau.
    Nơi chiếc bàn của một quán rượu lề đường, tôi ngồi với cả nhóm Tân Nhạc, nghe say mê một ông lão mù vừa gõ nhịp vừa hát điệu Bài Chòi. Cái giọng trọ trẹ của người dân miền Tuy Hòa trong những câu ca đều đều buồn thảm vang lên giữa khuya đã thật là một điều mới lạ kỳ bí cho tôi. Tôi nghe trong hồn như nở ra một đóa hoa; nghe yêu bất chợt vùng đất nghèo khổ của Miền Trung khô cằn mà có lẽ chẵng bao giờ tôi còn dịp ghé lại.
    Trong cái đời lưu diễn xa xôi, tôi đã nhiều lần đi qua các bến đò, bến chợ. Nhưng thật, chưa có nơi nào linh hoạt sống động như bến xe của thị xã Sông Cầu vào lúc nửa đêm. Hình như nơi đây không có ranh giới của thời gian? Hay hình như bến xe này là biểu tượng đặc biệt của một thế giới ma quỷ nào khác, trong đó, cái quán tôi đang ngồi đã có từ thời Tây Sơn xưa lắc, mỗi vị khách là một tráng sĩ chống gươm, nghiêng vò rượu; và ông lão mù biến dạng thành một lão trượng đang ngâm thơ Đường trong tiếng phách gõ đều đều nhàn nhã? Rồi lại tiếng gọi hủ tíu ơi ới, tiếng chân chạy sầm sập, tiếng rao hàng từ quán Âm Dương kế bên vọng lại... Để đến lúc trời gần sáng, các giọng gà xào xạc gáy vang thì cái quán này thu nhỏ lại và biến mất hẳn trước khi bình minh đến...

II.

     Paris. Mùa thu Paris quả thật đẹp, dù chỉ trong mắt nhìn. Phải đi bộ trên bờ cầu sông Seine mới thấy được hết vẻ đẹp của nó. Những tia nắng dịu dàng chiếu trên các đọt cây; từng làn gió nhẹ thoảng qua làm các chiếc lá vàng quay tròn trên đường phố; lũ trẻ con từ trường học túa ra chơi trò ném hạt dẻ vào nhau; rất nhiều chim bồ câu đậu trên mọi lối đi, bạo dạn như ở nơi không có bóng người lui tới.
    Một điểm đặc biệt nữa của mùa thu Paris là có nhiều ả giang hồ khoác áo choàng, đứng co ro chờ khách trong các góc phố nhỏ. Dáng dấp của họ trông thật kiên nhẫn đến tội nghiệp từ giờ này qua giờ khác dưới cơn gió lạnh chiều hôm.

     Tháng 10/1978.

     Vượt đèo Cù Mông, đoàn đến Quảng Ngãi, thành phố lâu đời thuộc tỉnh Nghĩa Bình nằm dưới vĩ tuyến 17, được dựng lên bên bờ sông Trà Khúc với những bánh xe nước to lớn ven bờ quay suốt ngày đêm, vừa làm đẹp phong cảnh, vừa rót nước tưới vào các ruộng lúa, ruộng mía.
    Xưa, tỉnh Quảng Ngãi là đất Cổ Lũy của Chiêm Thành dâng cho Hồ Quý Ly năm Nhâm Ngọ (1402). Nhà Hồ thiết lập nơi ấy những đồn gọi là Châu Tứ và Châu Nghĩa. Đến đời Lê gọi là Huệ Anh. Năm 1471, nhà Lê lập phủ Tư Nghĩa, phân thành ba huyện là Bình Sơn, Mộ Hoa (hoặc Mộ Đức) và Nghĩa Giang (tức Nghĩa Hành bây giờ); năm 1602 đổi thành Quảng Ngãi. Triều Tây Sơn đổi lại thành Hòa Nghĩa. Đời nhà Nguyễn (1803) đổi ra doanh Quảng Ngãi; năm 1808 đổi trấn Quảng Nghĩa; đời vua Minh Mạng thứ 15 (1831) thành tỉnh Quảng Ngãi.
    Từ sau 1975, tỉnh Quảng Ngãi sát nhập cùng tỉnh Bình Định, thành ra tỉnh Nghĩa Bình, bắc giáp tỉnh Quảng Nam & Đà Nẵng; nam giáp tỉnh Phú Khánh; tây giáp tỉnh Gia Lai & Kontum; đông giáp biển Nam Hải.
    .. .. ..
    Đoàn dừng bến 15 ngày tại đây.
    Đã bốn tháng xa Sàigòn trong chuyến lưu diễn Miền Đông rồi thẳng ra Miền Trung. Không có dấu hiệu gì cho thấy đoàn sẽ trở về thủ đô sớm. Tất cả đều mệt mỏi. Ai cũng nghe nhớ nhà.
    Trong tổ Tân Nhạc bảy người, tôi rất được “cưng” bởi vì tôi nhỏ tuổi nhất và cũng vì tôi là người nữ duy nhất của tổ. Những chuyến lưu diễn càng dài bao nhiêu thì tình thân của bảy anh em càng nhiều bấy nhiêu. Dẫu vậy, trong số bảy người, không phải ai cũng chịu thức đêm, không phải tất cả đều thích uống cà-phê, uống rượu. Dù rằng trên bảy thứ nhạc khí khác biệt, mọi người đều giống nhau trong cách sử dụng điêu luyện, nhưng sự đồng nhất ý kiến vẫn là điều hiếm hoi xẩy ra giữa đám chúng tôi.
    Trước 1975, Quảng Ngãi là một vùng nổi tiếng với nhiều trận giao tranh ác liệt. Bất cứ người dân nào nói tiếng địa phương trong thị xã cũng đều có thể bị tình nghi là một đặc công Cộng Sản. Chiến trường Quảng Ngãi cũng từng là mồ chôn của biết bao cuộc đời tươi trẻ trong cuộc chiến cùng màu da kéo dài ngót ba chục năm ròng rã. Một người bạn rất thân của tôi, khóa 25 Thủ Đức, đã từ trần trong một trận đánh ác liệt tại đây.
    Vậy mà trong 15 ngày dừng bến, Quảng Ngãi đã để lại trong tôi biết bao ấn tượng êm đềm. Trong các hàng quán tiếp xúc với người dân địa phương, hoặc ngay tại nơi dựng rạp vài lần chuyện trò cùng các khán giả, tôi đã thoáng nhớ đến câu thư ngày nào của người bạn cũ: “Dân ở đây ban ngày theo Quốc Gia, ban đêm treo cờ Cộng Sản là chuyện thường lắm!...”, để rồi tự hỏi, có phải con người đang hiện diện trước mặt lại đã từng là người dân của “phía bên kia” chăng?
    Tuy nhiên, ý nghĩ này tan biến hẳn sau vài ngày lưu lại Quảng Ngãi. Không có gì khác lạ giữa họ và tôi, ít ra trên cái nhìn bề ngoài cùng những ghi nhận trong các mẩu trò chuyện. Đa số những khuôn mặt đều bình dị, đượm nét khắc khổ nhẫn nhục, ảnh hưởng từ vùng địa lý khô khan. Những em bé ốm gầy, còm cõi, chen lấn nhau trên sân cỏ để mong đứng cho gần sân khấu; các bà mẹ quê già nua héo hắt với nụ cười hiền lành chợt sáng trên đôi mắt mỗi lần tiếp xúc với bọn tôi; những cô gái từ các làng quê xa xôi kéo nhau về tỉnh xem hát, trên người chỉ độc bộ bà ba đen và khuôn mặt không vướng chút bụi phấn son thành phố. Những con người này có lẽ chẳng bao giờ biết đến đô thị xa hoa? Họ sống âm thầm trong một vùng đất khô cằn của Miền Trung mà cứ hết trận đánh này sang trận đánh khác đổ ập lên xứ sở họ; để rồi giờ đây đất nước hòa bình, họ cũng chẳng có được niềm vui nào khác ngoài luống cày, con trâu và những ruộng vườn không còn nhiều hoa màu nữa. Thời gian và nước mắt, chiến tranh và đau khổ chẳng để lại gì hơn những nỗi bơ phờ chịu đựng hằn lên trên các khuôn mặt ấy...
    Lòng tôi chợt chùng xuống như một sợi dây đàn bất ngờ bị lạc âm thanh!
    Vào lúc ban ngày không hát, tôi thường đón xe lam đi thăm các vùng xa xa quanh thị xã. Những địa danh Mộ Đức, Mỹ Khê, Quán Lác, Núi Dẹp, Cầu Sông Vệ... ngày nào người bạn viết kể cho nghe, tôi đều tìm đến. Có những con đường gập ghềnh đầy ổ gà, nhiều bụi; những mái nhà tranh xiêu vẹo, chơ vơ. Có những làng quê không thấy bóng con người; những ruộng lúa bỏ hoang không ai cầy cấy.
    Ôi! Quê hương sao nghèo quá! Tang thương quá!
    Trong một ngôi làng đi qua vào một buổi trưa, khi dừng lại nơi cái quán nhỏ ven đường uống ly trà đá, tôi chợt nghe văng vẳng giọng ru của một bà mẹ nhà quê nào đó:

     “Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh
     Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
     Khó đi, mẹ dắt con đi
     Con thi trường học, mẹ thi trường đời.”

     Cả tâm tư tôi chết điếng trong nỗi bàng hoàng xúc động. Ly trà đá bỗng như trở nên thừa thải khi mà tôi đang được uống lại dòng sữa ngọt của ngày thơ.
    Quê hương nghèo quá, tang thương quá! Nhưng không thể chối rằng quê hương đã thật giàu có, phong phú với lòng mẹ thương con, với những câu ca dao trữ tình sâu sắc; với lòng người kiên trì bất khuất; với các làng quê đổ nát hoang tàn đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện làm nên lịch sử.
    .. .. ..
     Cũng trong chuyến Quảng Ngãi 15 ngày, những khuya tan hát, cả bọn năm người nhạc sĩ kéo nhau ra một quán cóc ven đường Quốc Lộ I ngồi nhớ nhà, uống rượu. Lúc này Quảng Ngãi đã gần cuối mùa trăng. Trăng cuối tháng buồn khô và lạnh lẽo, giống như những chiếc lá cây trổ vào cuối mùa. Những chuyến xe đò Sàigòn đi thẳng ra Huế sẽ phải ghé lại nơi đầu quán lúc 2 giờ rưỡi khuya để đổ khách Quảng Ngãi. Nỗi thi vị trong chuyến lưu diễn 15 ngày tại đây, tôi muốn ghi lại, chính là ở điểm ấy. Đêm khuya lạnh vắng nơi một quán cóc nhỏ ven đường, chúng tôi ngồi chờ một chuyến xe xa ghé đến. Chuyến xe mang hương vị Sàigòn thân ái! Chuyến xe làm ấm lại phần nào tâm hồn khách lưu lạc phương xa...

     Paris. Từ lâu, tôi vẫn yêu Paris qua văn chương và hình ảnh. Thơ Apollinaire đọc khi vừa lớn đã đánh mạnh vào đầu tôi cái ấn tượng thi vị của gầm cầu sông Seine, nơi có những chàng nghệ sĩ lang thang đứng giữa trời phô bày tài nghệ; nơi dung thân của những con người khốn khổ, đắp chăn nằm co ro ngay giữa mùa đông. Rồi lại một Paris xa xôi qua các câu chuyện của Victor Hugo đã vẽ vời trong trí tôi biết bao hình ảnh... Và, tôi chọn Dalat thay cho Paris để trải một phần tuổi trẻ của mình trên ngọn núi ướp băng.
    Giờ đây, đối diện thật sự với Paris, niềm mến yêu bồng bột cũ đã phôi pha nhiều lắm. Paris vẫn còn rất đẹp như ngày nào trong trí tưởng. Cái danh vị “kinh đô ánh sáng” vẫn không mai một với thời gian. Nhưng còn tôi, tháng năm đã làm tôi đổi thay không ít. Và trong tâm hồn thì lại không còn chỗ trống để đón nhận hoàn toàn cái Đẹp của Paris.

     Tháng 11/1978. Tiếp qua Tam Quan, xứ dừa nổi tiếng của tỉnh Nghĩa Bình, thuộc huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Đất đai nơi đây xanh tươi, đồng ruộng màu mỡ, vườn dừa bạt ngàn vi vút giống như những lời trong một câu ca dao:

    “Công đâu công uổng công thừa
     Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan?”

     .. .. ..

     Đoàn dừng bến sáu ngày tại đây.
     Một câu chuyện thương tâm ám ảnh tôi suốt những đêm hát đến độ rã rời phím nhạc. Đoàn dựng rạp ngay tại sân banh thị xã, diện tích chứa khoảng hai ngàn người. Chung quanh rạp được bao lại bằng một hàng rào kẽm gai, có bộ đội cầm súng đứng gác. Lối vào của khán giả chỉ vừa đủ cho hai người qua lọt khi đưa trình vé cho nhân viên giữ cửa. Vậy mà không hiểu sao lối vào này bị vỡ; khán giả ùa tới như một làn sóng dữ, rối loạn không cách gì vãn hồi cho được. Một người mẹ dắt đứa con trai năm tuổi, nối liền theo sau lưng người cha đang bế một đứa khác nhỏ hơn. Làn sóng người xô ngã đứa trẻ và cứ thế mà giẫm chân trên nó...
    Suốt sáu ngày hát ở Tam Quan, tôi cứ nghĩ đến cái chết tức tưởi của đứa bé tội nghiệp kia; rồi lại hình dung đến những cái chết tức tưởi của người dân Việt Nam trên nhiều hình thức. Trong chiến tranh, chết đã đành. Hòa bình rồi, cũng phải chết. Chết đủ cách và với đủ lớp người. Chết nghẹn ngào, ngơ ngác mà chỉ trong một giây trước đó đã không hề ngờ rằng rồi mình sẽ phải chết!
    Sáu ngày hát ở Tam Quan, tôi cảm nghe cơ hồ mình cũng như “đang chết”. Nỗi chết từ những nghĩ ngợi triền miên trong tâm hồn mà nẩy sinh ra.

     Paris. Hai người bạn rủ tôi leo lên nóc cao của ngôi nhà thờ Đức Bà. Bốn năm ở Paris từ ngày bỏ xứ ra đi, đây mới là lần thứ nhất tôi đối diện rõ ràng với ngôi nhà thờ nổi tiếng trong văn học ấy. 383 bậc thang hình trôn ốc tính từ dưới đất, có những khúc rất hẹp chỉ đủ cho một người đi lên hay đi xuống. Các hình tượng trang trí khắp cả nhà thờ. Những tác phẩm nghệ thuật dẫy đầy trên các bức vách khiến ngôi giáo đường nườm nượp du khách vãng lai này giống như một bảo tàng viện nhiều hơn là một nơi chỉ để nguyện cầu, lễ bái.
    Từ trên cao 383 bậc thang, Paris trông thật đặc thù trong cái vẻ cổ kính của nó. Tháp Eiffel ngạo nghễ vươn lên giữa một vùng trời “ngựa xe như nước”. Dòng sông Seine uốn khúc một cách lười biếng dưới chân ngôi giáo đường. Biết bao cung điện, đền đài và khu vườn Luxembourg nổi tiếng –làm hãnh diện cho người dân nước Pháp. Thêm nữa là xóm Montmartre và khu Quartier Latin vang bóng một thời.
    Nơi cái góc nhỏ cạnh bên tháp chuông trên đỉnh cao chót vót, tôi nhìn xuống công trường nhà thờ, cố lục tìm trong trí nhớ một chút rung cảm của ngày thơ. Nơi đây, hơn 100 năm trước có cô bé “gitane” của Victor Hugo nhịp nhàng nhảy múa. Cũng nơi đây, ở cái góc này, chàng gù Quasimodo đã ghé mắt nhìn xuống –như tôi bây giờ- với trọn tấm lòng câm lặng đảo điên.(*)
    Paris đẹp quá! Nên thơ quá! Vậy mà đã bốn năm rồi, sao tôi vẫn chưa nghe thân thiết được với nó? Tôi tự ví mình như người mất bóng trong một tác phẩm đọc đã lâu, cứ mãi đi tìm cái bóng của mình, cho dù có làm gì và ở đâu chăng nữa. Thì bốn năm qua, định mệnh biến chuyển không ngừng trên những khúc quanh nguy hiểm, vậy mà tôi vẫn buồn rầu dõi trông vô vọng nửa linh hồn đã mất tự bao lâu.

     Tháng 11/1978, hát Hoài Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình.

     Bên cạnh sân banh nơi đoàn dựng rạp, nằm trên quốc lộ chính, là một quán cơm mở cửa hằng ngày từ 12 giờ trưa cho đến 7 giờ sáng hôm sau.
    Những khuya tan hát, chiếc quán bên đường này chính là chỗ vui chơi duy nhất trong trọn huyện lỵ cho những con người mang cái nghiệp cầm ca như chúng tôi. Đủ các khuôn mặt được nhìn thấy tại đây. Các xị ruợu, các dĩa mồi, những món thức ăn được gọi to và mang ra theo từng bàn, từng nhóm. Trên trần nhà treo duy nhất một ngọn đèn măng-xông. Luồng ánh sáng tỏa rộng khắp nơi, lan ra tận bên ngoài đường lộ vắng.
    Tuy nhiên, quán đêm chỉ thực sự sống động khi tiếng nổ máy dòn tan của các chiếc xe hàng từ xa vọng lại. Bước chân người bồi bàn trở nên dồn dập nhặm lẹ. Ngọn lửa xanh trên lò nấu thức ăn cũng được khêu cao hơn.
    Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc... rồi cả một đoàn xe ngừng lại, đậu khắp nơi bên ngoài quán. Các người lơ nhanh nhẹn nhảy xuống, giơ tay cất tiếng chào nhau. Đây là trạm nghỉ của các tài xế xe hàng trước khi tiếp tục lộ trình Miền Trung thẳng ra ngoài Huế. Họ dừng lại đây, ăn uống nhậu nhẹt rồi giăng ghế bố cạnh bên các chiếc xe mà ngủ qua đêm.
    Có nhìn thấy sự bừng sống của chiếc quán bên đường vào lúc nửa khuya về sáng trong một huyện lỵ buồn tênh heo hút mới cảm hết được nỗi thi vị của cuộc sống đó đây phiêu bạt. Trên quốc lộ dài tối đen, người lữ khách chợt nghe lòng ấm lại khi nhìn từ xa ánh đèn của một chiếc quán khuya. Một chốn dừng chân chốc lát để rủ bỏ những bụi đường đã trải. Một chỗ nghỉ ngơi lúc nào trước khi dấn bước trở lại trên con đường hun hút xa xôi...
    Năm hôm ở Hoài Nhơn, tôi và các người bạn trong tổ Tân Nhạc đều trải qua quãng thời gian nửa đêm về sáng trong chiếc quán ven đường quốc lộ. Trời càng về khuya, không khí quán cơm càng trở nên trữ tình lãng mạn. Các người tài xế xe hàng bước ra ngoài sửa soạn mùng mền, ghế bố. Còn các người trong đoàn hát thì có kẻ đã say gục trên bàn. Không khí bi tráng đượm màu thi vị của những chiếc quán trong truyện dã sử thời thực dân cai trị như mang mang ẩn hiện nơi chiếc quán ven đường quốc lộ. Các tráng sĩ tìm gặp nhau giây lát rồi lại rẽ bước mỗi người mỗi ngả trong mưu đồ khởi nghĩa đuổi Tây...
    Thực tràn trong mộng, mộng lẫn với thực làm cho tôi càng thêm yêu cuộc đời giang hồ đây đó. Và chiếc quán bên đường của năm đêm hát Hoài Nhơn đã để lại trong tôi biết bao ấn tượng khó quên.

     Bruxelles (Belgique). Trời chợt trở lạnh. Tuyết đã bắt đầu rơi. Cuộc biểu diễn của ban nhạc chúng tôi thành công tốt đẹp. Trong thính đường trường Quốc Gia Âm Nhạc thủ đô vương quốc Bỉ, khi cuộc trình diễn chấm dứt, gần hai ngàn khán thính giả đã vỗ tay rào rạt hồi lâu. Daniel là người lèo lái mọi sự. Anh thật khả ái khi giới thiệu từng người nhạc sĩ trong ban với cái giọng sâu sắc hóm hỉnh. Lúc mời tôi đứng lên khỏi ghế, anh đã nói rằng: “Đây là người con gái đến từ một xứ sở giàu nhất thế giới về sự đau khổ.”
    Hẳn nhiên là tôi được vỗ tay rất nhiều; càng nhiều hơn khi Daniel ca ngợi với khán giả chiếc áo dài màu đỏ của tôi “có cái vẻ dịu dàng đầy Đông Phương tính”. Anh đã dùng chữ “mỏng manh, dễ vỡ” để nói về vẻ đẹp của chiếc áo.

     Tháng 11/1978, lưu diễn Phù Cát, Qui Nhơn.

     “Ngày xưa, ở làng quê kia có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai con, một trai một gái. Mỗi khi ra đồng, bố mẹ thường dặn anh ở nhà phải cẩn thận trông em. Một bữa, bố mẹ vắng nhà, anh lấy dao róc mía cho em ăn, không ngờ lưỡi dao văng tuốt vào đầu em, máu chảy lênh láng. Em ngã ra bất tỉnh. Anh sợ quá bỏ nhà trốn biệt.
    Mười mấy năm lưu lạc trôi qua, chàng không nhớ mình đã đi mãi tận đâu. Sau cùng, chàng đến Bình Định sinh sống bằng nghề đánh cá và kết hôn với một cô gái thạo nghề đan lưới, mồ côi cha mẹ. Mỗi khi thuyền chồng về bến, vợ xuống bãi đón, rồi quẫy cá ra chợ bán. Ít lâu, họ sinh được một con, cảnh nhà càng ngày càng thêm ấm cúng.
    Một bữa kia biển động, chồng ở nhà phụ với vợ vá lưới. Cơm nước xong, vợ xõa tóc nhờ chồng bắt chí. Thấy trên đầu vợ có vết sẹo dài, chồng hỏi nguyên do. Vợ kể hết đầu đuôi cớ sự. Chồng rất đau lòng khi biết mình kết hôn lầm em gái, nên quyết chí bỏ đi, không cho vợ hay. Khi biển êm sóng lặng, chồng lại giong buồm ra khơi nhưng không bao giờ còn trở về nữa.
    Từ bữa đó, vợ bế con trèo lên mỏm núi ngóng thuyền chồng tăm hơi biền biệt. Hai mẹ con cứ đứng mãi nhìn ra biển xa, lâu ngày sương đóng hóa thành đá cứng. Hòn đá ấy ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi Mô O, gần bãi Khách Thử, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (nay gọi là tĩnh Nghĩa Bình), người ta vẫn quen gọi là hòn Vọng Phu. Những người đi biển dù Nha Trang ra hay Đà Nẵng vào, nhìn vô đất liền đều thấy hòn Vọng Phu sừng sững. Cảm thương nỗi đau của người bạn thuyền chài, họ truyền nhau câu hát:

     “Bồng con ngồi tựa cao non
     Trăng thu vằng vặc, dạ son chờ chồng.”

     .. .. ..
     Một đêm ở Phù Cát, sau khi tan hát, tôi và hai người bạn trong tổ Tân Nhạc kéo nhau ra ga xe lửa ngồi uống rượu khuya. Trên sân ga tấp nập đủ mọi giới người. Các chiếc đèn hột vịt, đèn măng-xông treo trước những gánh hàng, lung linh dao động.
    Trong góc tối của một quán rượu nhỏ với hai người bạn, tôi ngồi quan sát sinh hoạt chung quanh. Đó đây, những chiếc ghế bố cho mướn bày ra la liệt. Người ta cắm cọc, giăng mùng, rồi tựa đầu lên hành lý. Người ta ôm trọn tất cả những gì có thể ôm vào ngực mà ngủ qua đêm. Mỗi chiếc mùng là một thế giới riêng rẽ. Những thế giới riêng rẽ tình cờ hội tụ với nhau trong cùng không gian của một đêm mùa thu rét mướt. Tuy nhiên, sự riêng rẽ này không được hoàn toàn tôn trọng. Vì vậy, thỉnh thoảng lại nghe dội lên giữa khuya tiếng la từ một chiếc mùng nào đó: “Ê, làm gì vậy? Tính ăn cắp hả?” Tiếp theo sau là một tràng chửi rủa chói tai.
    Trước hiên quán rượu, một thiếu phụ còn trẻ ngồi xổm dưới đất, đôi cánh tay vòng quanh người một đứa bé độ hai tuổi đang ngủ gà ngủ gật. Dưới làn ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn đường, khuôn mặt người thiếu phụ trông đớn đau buồn bã, đôi mắt đảo nhìn khắp sân ga, dáng vẻ bồn chồn nôn nóng. Ngọn gió giá buốt tháng Mười Một thổi rì rào trên các cành dương trồng quanh sân ga. Người thiếu phụ ôm xiết đứa trẻ vào lòng, đôi mắt vẫn không ngừng tìm kiếm.
    Cách xa một quãng, ngay cửa lớn dẫn vào nhà ga, một bà cụ ngồi giữa đám đông, tỉ tê khóc lóc. Câu chuyện bà bị lấy mất túi hành lý, tôi đã được biết từ khi mới bước chân đến đó. Những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo không còn chút thịt làm cho tôi nghe thật buồn trong bụng. Những ly rượu nóng vẫn không xóa tan được hết cảm giác xót xa lan rộng càng lúc càng nhiều trong trí tưởng tôi.
    Khi trời đã rất khuya, người thiếu phụ ngồi với đứa nhỏ trước hiên quán rượu đột nhiên vùng đứng dậy. Bà nhẩy xổ vào một người đàn ông đang đi tới gần, giơ tay cào cấu lên mặt lên thân hình người ấy. Đứa bé bị bỏ rơi lại trước cửa quán, khóc ré lên dữ dội. Đám đông nhanh nhẹn vây chung quanh người đàn ông và người thiếu phụ. Có tiếng la bằng giọng Quảng Nam: “Anh lừa gạt tui! Lấy tui có con rồi rắp tâm trốn về ngoài Bắc. Tui canh ở đây cả tuần rồi. Tui biết thế nào anh cũng ló mặt ra ga mua vé xe lửa về với bà lớn. Anh không dễ gì qua mặt tui đâu!”
    Người đàn ông ra vẻ một cán bộ, lúng túng gỡ đôi tay níu chặt của người thiếu phụ ra khỏi thân mình. Nhưng càng gỡ thì người đàn bà càng thêm bấu chặt. Ông nói nhỏ với người thiếu phụ câu gì đó, chỉ thấy bà lắc đầu quầy quậy, la to giọng: “Làm sao tui trở về được với chồng tui? Anh xúi giục tui, hứa hẹn đủ điều để tui bỏ mặc anh ấy tù đày cải tạo. Bây giờ anh tính cuốn gói rút êm hả? Không dễ với con này đâu!”
    Vừa la, người thiếu phụ vừa cào cấu lên đầu lên cổ tình nhân. Trong đám đông có tiếng đàn ông chửi thề, rồi lại tiếng đàn bà kêu lớn: “Thứ người đểu giả! Vợ con đùm đề rồi còn đi lừa gạt kẻ khác!”
    Tôi lại tiếp tục uống rượu cùng hai người bạn. Cảm giác buồn buồn tràn ngập tâm tư. Đêm trên sân ga Phù Cát nhuốm màu vàng vọt. Những ngọn đèn nơi các gánh cơm gánh cháo cơ hồ như cũng soi đậm màu vàng úa lên những hốc kín của tình cảm tôi. Gió lạnh ngây ngây. Tiếng còi tàu ré lên từ xa nghe sao vô cùng tuyệt vọng. Tôi nhìn qua phía bà cụ bị lấy cắp túi hành lý, rồi lại nhìn người thiếu phụ lúc này đã bình tĩnh ngồi xuống trên một băng ghế, bên cạnh người đàn ông và đứa con nhỏ. Cảm giác chán chường vẫn không rời xa đầu óc. Và tôi tự hỏi: “Hà cớ gì mình phải rung động xót xa vì những tấn kịch đời thống khổ vẫn nhan nhản mỗi ngày trên cõi người ta?”

(1) Marcel Pagnol, nhà văn và cũng là điện ảnh gia người Pháp (1895-1974), tác giả của bộ tiểu thuyết ba tập Marius (1929), Fanny (1931) và César (1937).
(2) Chàng tình nhân Marius, nhân vật chính trong tiểu thuyết Marius (của Marcel Pagnol).
(1) Núi Đá Bia: Còn gọi là Bi Sơn, hòn núi mọc lên tại xã Hòa Xuân, Tuy Hòa, Phú Yên. Trên núi có một tấm bia đá to, dựng nên từ thời vua Lê Thánh Tông, ghi chép công cuộc bình định Chiêm Thành.
(*) Cô gái Gitane và chàng gù Quasimodo là hai nhân vật chính trong tác phẩm Notre Dame de Paris của Victor Hugo, nhà văn Pháp (1802-1885), được viết vào năm 1831.

... CÒN TIẾP ...



VVM.23.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .